Đức Phật sống trong thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch. Cho tới ngày nay, cuối thế kỷ 20, giáo lý của ngài vẫn tiếp tục ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong những địa khu và dân tộc khác nhau, và những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đối với các dân tộc khác nhau này, Phật giáo không hoàn toàn giống nhau trong chi tiết và trên mọi phương diện.

Vì vậy, khi chúng ta thảo luận về Phật giáo trong thế kỷ 21, đầu tiên, chúng ta phải đi tới sự đồng thuận về một số sự kiện, về tu trì, và những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo mà tất cả các Phật tử có thể chấp nhận một cách đại cương.

Thứ nhì, chúng ta cần nhận diện những vấn đề và vấn nạn mà các xã hội nhân loại đang phải đối phó trong thế kỷ 21 sắp tới, và thảo luận những phương án và phương tiện có thể áp dụng để tìm ra những giải pháp.

Thứ ba, ngoài Phật giáo và Phật tử, còn có những hệ thống trí thức, tu trì và cấu trúc thuộc tôn giáo, phi tôn giáo, và vô thần, mà chúng ta cần phải chung sống và tương tác với nhau. Trong những tình cảnh này, đâu là những mô thức Phật giáo có thể tiếp nhận?

Thứ tư, là người nhiệt thành tin tưởng vào cả giới luật lẫn sự tu trì của Phật giáo, tôi tin rằng chúng ta cần phải có một Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo ở Thế Kỷ 21. Các đoàn thể Phật giáo khác nhau ở những vùng khác nhau, có thể căn cứ vào đại hiến chương này để thiết kế những phương án hành động, để có thể cùng nhau thực hiện những đóng góp đáng kể cho xã hội nhân loại trong thế kỷ 21. Bài văn này sẽ nhắm vào bốn điểm trên đây để đề ra thiển kiến cá nhân của tôi.

Tất cả Phật tử, bất kể họ thuộc tông phái nào, dù là Thượng Toạ Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa, điều tiếp nhận Đức Phật là bậc đạo sư tối cao của họ, hoặc coi ngài là hiện thân của giác ngộ tối cao mà chính họ có thể đạt tới bằng cách đi theo những con đường khác nhau như đã được chỉ dẫn trong đạo pháp. Các Phật tử thuộc phái Thượng Tọa Bộ (Theravada), ngay từ thời thơ ấu đã xướng tụng những câu kinh Pa-li ngữ như sau:

“Con sẽ trọn đời quy y Đức Phật, con lễ bái tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai. Ngoại trừ quy y Đức Phật, con không quy y ai khác. Con cầu xin Đức Phật tha thứ những ô trược của con.”

Kế đó, chúng tôi xướng niệm danh hiệu của 28 vị Phật trong quá khứ gần nhất, và cũng lễ bái các vị Phật tương lai, như Phật Di Lặc. Theo thiển ý, việc tôn sùng Tất Đạt Đa Cồ Đàm, ra đời năm 624 trước Tây lịch, chứng ngộ vô thượng chánh giác năm 35 tuổi để thành Phật, trên bản chất chính là lễ kính tất cả chư Phật của quá khứ, hiện tại, và vị lai. Mục tiêu tối cao của Phật tử chúng ta là chứng được giác ngộ ở mức thượng đẳng này. Vì thế, Đức Phật Cồ Đàm – vị Phật trong lịch sử, đấng giác ngộ gần với thời đại chúng ta nhất, tượng trưng của sự thể hiện mục tiêu tối cao của chư Phật – nên được mọi Phật tử nhất trí tôn ngưỡng, không cho phép có sự dị nghị hoặc tranh chấp hình thái ý thức hệ.

Tất cả Phật tử đều nên tiếp nhận Đức Phật là bậc đạo sư tối cao của chúng ta. Phật đường của Phật giáo thông tục có thể trưng bày bao nhiêu tượng Phật, nhưng điều này không làm tổn hại đối với việc thực hành đạo pháp của chúng ta.

Khi một người tự nguyện quy y Phật Pháp Tăng, là biến thành Phật tử. Đây là mô thức tiếp nhận chung của Phật tử Thượng Tọa bộ. Nếu Phật tử các tông phái khác cũng tiếp nhận mô thức Tam Quy Y Phật, Pháp, Tăng thì tôi cho rằng đó là một bước tiến lớn trong việc đoàn kết Phật tử toàn cầu. Sự đoàn kết như vậy giữa các Phật tử là điều tất yếu không thể thiếu, đối với cả việc bảo vệ lẫn việc hoằng dương Phật Pháp, và giúp cho sự đóng góp của Phật tử vào xã hội toàn cầu được dễ dàng hơn nhằm giải quyết vô số tệ trạng trên thế giới.

Chúng ta biết rằng có những khác biệt về giáo lý gây trở ngại cho sự chấp nhận Tam Quy Y như là một điều kiện chung cho một Phật tử. Nhưng không nên xem vấn đề này là một chướng ngại không thể khắc phục, bởi vì gần đây tất cả tông phái Phật giáo trên toàn thế giới đã thiết lập mối liên hệ mật thiết mà trước đây không có. Sự phát triển cao độ của các hệ thống giao thông và thông tin đã giúp thu ngắn khoảng cách biệt này. Chúng ta cần tiến thêm bước nữa.

Đối với vấn đề Đạo Pháp (Dhamma), hay giáo lý, đương nhiên đã có những sự giải thích khác nhau từ xưa tới nay, ngay cả trong cùng một tông phái. Đối với giới định về chữ Tăng (Sangha) cũng thế, nhất là các đoàn thể Phật giáo ở ngoài Á Châu, các tông phái đều có thuyết riêng. Vấn đề này cũng có thể nhờ đối thoại để giải quyết.

Tới đây, tôi xin đưa ra một nhận xét riêng mà tôi cho rằng hết sức quan trọng. Những sai biệt về giáo lý không khiến cho các học giả Phật giáo bối rối. Họ sẽ tiếp tục duy trì những ý kiến căn cứ vào sự hiểu biết của họ và sẽ thay đổi những ý kiến đó nếu họ nhận ra rằng cần thay đổi ý kiến của mình căn cứ vào những phát kiến mới. Ngoài ra, các học giả Phật giáo thuộc loại không tu trì, hoặc không phải là Phật tử, chẳng quan tâm về những phong tục tập quán, về cách tu trì, tính ngưỡng đơn giản mà các Phật tử bình thường coi là quan trọng để giúp cho đời sống gia đình và sinh hoạt cộng đồng của họ được thuận hòa, để được sống trong an tường và hài hoà. Nếu những sai biệt về giáo lý đi quá xa đến nỗi làm xáo trộn đến tín ngưỡng của các Phật tử bình thường thì sẽ phương hại đến cộng đồng Phật tử và xã hội nói chung.

Trong thời đại dân trí đã phát triển như ngày nay, ít nhất vì lợi ích cho giới Phật tử tại gia thông thường, chúng ta cần phải đạt tới sự đồng thuận về một số giáo nghĩa và giới luật cơ bản nào đó. Sau khi quy y Tam Bảo, chúng ta nên phát nguyện tuân thủ Ngũ Giới. Chúng ta biết rằng ngay cả sự tuân thủ hoàn toàn một giới luật mà thôi cũng rất khó, khi chúng ta xét rằng mình phải tuân thủ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nếu chúng ta muốn tự xưng là Phật tử, thì quy y Tam Bảo và tuân thủ Ngũ Giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) giúp chúng ta có những tiêu chuẩn và mô thức để xử sự một cách chính đáng, Đạo Đức – Giới (Sila) là kiến trúc để xây dựng một đời sống tinh thần dẫn tới Đại Định (Samadhi) và Trí Huệ Bát Nhã. Vì thế, trước khi thảo luận về những ý kiến khác nhau trên giáo nghĩa, chúng ta cần phải đạt tới sự thỏa thuận về những phương diện này của Phật giáo.

Đối với Phật Tử Thượng Tọa Bộ, chữ “Tăng Đoàn’ (Sangha) này hàm ý rất đặc thù. Nó không phải chỉ có ý nghĩa là một đoàn thể tu sĩ, cũng không phải chỉ là những người xuất gia mặc áo cà sa màu cam mà thôi. Nó chính là đoàn thể tinh thần, bắt đầu từ thời đại Đức Phật và 5 môn đồ đầu tiên của ngài, kéo dài cho tới ngày nay, và sẽ tiếp tục mãi trong tương lai. Nó là Thánh Bảo thứ ba trong Tam Bảo. Vì thế, chữ “Tăng Đoàn” này không nên sử dụng một cách hàm hồ. Theo ý tôi, chữ này phải được áp dụng cho tất cả giới tu sĩ Phật giáo thuộc tất cả các tông phái, nếu họ tuân thủ một số nguyên tắc chung nào đó đã công nhận. Phật tử tại gia không thể sử dụng danh xưng “Tăng” này, họ chỉ có thể được gọi bằng những chữ như “Ưu Bà Di” (Upasaka)

Tăng là gì? Tiến Sĩ W.G. Weeraratne, trong cuốn sách Phật Giáo Cho Mọi Người, có trả lời rõ ràng cho câu hỏi này như sau:

Đoàn thể được gọi là Tăng Đoàn gồm những môn đồ đã từ bỏ sinh hoạt tại gia để gia nhập đoàn thể tu sĩ xuất gia, sống theo giáo pháp của Đức Phật, với cuộc sống tôn giáo nghiêm khắc. Khi một người quyết định lối sống hoàn toàn tôn giáo, họ cần phải cáo biệt tất cả thân bằng quyết thuộc, từ bỏ tất cả những vật sở hữu thế tục mà họ đã có, cạo hết tóc râu tóc, mặc áo cà sa, thỉnh cầu tăng đoàn cho phép họ được trở thành một thành viên. Lúc ban đầu, chính Đức Phật xuống tóc cho các tăng sĩ, nhưng về sau số tăng dần dần tăng gia, các vị trưởng lão, cùng một số tăng sĩ đã chỉ định, được phép chấp hành những nghi thức cần thiết cho việc thu nhận các môn đồ mới gia nhập tăng đoàn. Một thành viên mới gia nhập tăng đoàn được dẫn dắt bởi một tôn sư và giới sư để học tập những giới luật tu hành, tự mình áp dụng dúng giới luật và học tập giáo pháp của Đức Phật. Tăng sĩ có rất nhiều trách nhiệm, bao gồm học tập Phật Pháp, thuyết pháp cho người tại gia, luôn luôn tự khắc kỷ. Họ không được phép dính dáng vào việc thu thập tài sản. Sinh hoạt cần thiết của họ như ăn mặc, thuốc men thì do tín đồ tại gia cúng dường. Tăng sĩ cần sống lối sống trong sạch vô nhiễm và giảng dạy Phật pháp cho các tín đồ tại gia để đáp ơn sự cúng dường của họ. Tăng sĩ không thể có tài vật tư hữu, chỉ có thể có những phẩm vật cần thiết cho sinh hoạt cơ bản nhất: Ba y cà sa, một bình bát, một dao cạo, một cây kim, một sợi dây lưng, một túi lọc nước”

“Tăng sĩ không có một nơi cư trú thường trực, họ có thể ở chung cùng với các tăng sĩ khác trong đạo tràng, nhưng không người nào trong số đó được phép nhận rằng đạo tràng đó thuộc quyền sở hữu của mình. Trong khi tăng sĩ sống trong đạo tràng thì họ có quyền sử dụng những vật dụng và thiết bị ở đó cùng với những người khác. Khi chúng nhân hiến tặng phẩm vật là họ cúng dường toàn thể tăng đoàn, và các vị tăng này tiếp nhận cúng dường trên danh nghĩa của toàn thể tăng đoàn trong quá khứ, hiện tại và vị lai”

Ngày nay, ở đa số các nơi, giới tăng sĩ không còn giữ nền nếp này nữa. Nhưng cónhững nơi mà các tăng sĩ vẫn sống theo giới luật này và duy trì những điều kiện truyền thống mà một tăng sĩ phải tuân thủ. Vì thế, tôi cho rằng lý tưởng này cần phải bảo trì cho hậu thế, bởi vì có bao nhiêu người bất mãn với sinh hoạt thường ngày của họ, và họ muốn tìm kiếm một lối sống khác.

Cả những giải thích theo khoa học lẫn những giải thích theo truyền thống Do Thái – Cơ Đốc về sự vật đều không làm thoả mãn những gì mà những người này muốn tìm hiểu. Họ tầm cầu thứ gì uyên thâm hơn, có tính cách sáng tạo và thực tiễn mà họ có thể thực nghiệm. Trong đám người này, có một số chắc hẳn muốn sống theo lối tăng đoàn trong đạo tràng để thăm dò sâu thêm mãi vào các lãnh vực tinh thần.

Một thí dụ rất tốt có thể rút tỉa từ Tích Lan, đó là sự đóng góp độc đáo vào Phật Pháp trong thế kỷ này của những tăng sĩ Tây phương nổi tiếng, qua những hành vi sùng kính cao độ, qua đời sống tu trì gương mẫu, và hoằng dương đạo pháp; họ sống trong các đạo tràng trong rừng ở Dodanduwa và Kandy. Sự dẫn đạo mà Hòa Thượng Gnanatiloka, Hòa Thượng Gnanasatta, và Hòa Thượng Gnanaponika đã thi hành từ đầu thế kỷ này, ngày nay vẫn còn tiếp tục sang tới thế kỷ 21 bởi Hòa Thượng Bodhi.

Tương tự như vậy, tại một số đạo tràng trong rừng như Kanduboda và Meethirigala ở Tích Lan, các tăng sĩ địa phương vẫn tiếp tục duy trì những truyền thống đạo tràng, đem ích lợi cho nhiều Phật tử địa phương và ngoại quốc. Ngoài ra, các vị cao tăng ở vào bậc tầm cỡ như Hòa Thượng Mahasi Siyadaw của Miến Điện và Hòa Thượng Phật Sứ (Buddhadasa) của Thái Lan, và những đóng góp của họ vào sự chấn hưng Phật giáo hiện đại, đã được quốc tế biết đến.

Tôi tin rằng trong Phật giáo Đại Thừa cũng có nhiều tăng sĩ và đạo tràng đã đóng góp rất nhiều vào việc hoằng dương chánh pháp của Đức Thế Tôn. Chúng ta cần phải tận lực bảo vệ phẩm chất của những đạo tràng này, và giúp cho tăng sĩ giữ vững truyền thống của họ, tinh tiến tu hành để chứng ngộ, giải thoát.

Điều này không có nghĩa là chúng ta không khuyến khích cổ võ những sáng kiến và thay đổi để thích ứng với thời đại và môi trường. Mặt khác, đối với những cá nhân phát tâm tu hành chân chính, chúng ta cũng nên dành cho họ tất cả mọi cổ võ và khích lệ. Một sáng kiến như vậy đã thành công là việc thành lập Giòng Phật Giáo Tây Phương (Western Buddhist Order) và Thân Hữu Giòng Phật Giáo Tây Phương (Friends of the Western Buddhist Order) do Hòa Thượng Sangharakkita Maha Thero của Anh Quốc Thành Lập. Đây là Phong Trào Phật Giáo mới do ngài thành lập năm 1967 để đáp ứng với sự cần thiết cấp bách của Tây phương, khích lệ và giúp người ta tu trì và sống theo giáo lý của Đức Phật. Ngày nay nó đã biến thành một phong trào quốc tế để nghiên cứu Phật giáo, tọa thiền và tu trì, hỗ trợ các cá nhân đã quy y Phật Pháp Tăng.

Hòa Thượng Sangharakkhita, trong sách Nhân Loại Giác Ngộ của ngài, đã giải thích về công tác của một Tăng Đoàn như sau:

“… Nói một cách đại cương, thành viên của Tăng Đoàn cần làm hai việc để phụng sự thế giới. Trước hết, họ duy trì sự tồn tại của Tăng Đoàn. Chúng ta có thể nói rằng việc duy trì cho Tăng Đoàn tồn tại là điều hữu ích đối với thế giới; khi còn có người hiến thân cho sinh hoạt tinh thần, dốc sức tu tâm, là có lợi ích. Bởi vì nó giúp cho thế giới phát triển khung cảnh kiện toàn, cho nên là tốt vậy.

“Thứ hai, các thành viên của Tăng Đoàn giúp cho thế giới bằng cách thiết lập cây cầu giữa thế giới và Tăng Đoàn – hoặc ít nhất là đặt những tảng đá để bước qua. Họ tập hợp bốn, năm đạo hữu, hoặc nhiều hơn, cùng nhau tu dưỡng tâm tánh, phát huy tinh thần. Những hoạt động tu hành này có thể giúp cho người ta từ bình diện thế tục, tiến đến bình diện hoà hợp hoặc thậm chí từ bình diện hòa hợp tiến đến bình diện tinh thần…”

“Thành viên của Tăng Đoàn, hoặc những cá nhân phát nguyện đi theo lý tưởng giúp nhân loại giác ngộ – đạt tới những đẳng cấp ý thức và trí huệ cao hơn – và họ giúp người đời phát triển tư tưởng kiện toàn viên mãn, an nhiên tự tại, tình yêu thương, và sự hiểu biết, trên thực tế làm lợi cho người là làm lợi cho chính mình. Đây tức là ý nghĩa của Tăng Đoàn.”

Nơi đây, tôi cũng cần đề cập và nhìn nhận sự cống hiến vĩ đại của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và các vị đại sư Phật giáo khác đã hoằng dương tinh thần Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là trong vùng Tây Bán Cầu.

Thế giới này tuy chia thành nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau, có những tín ngưỡng khác nhau, nhưng nhờ các hệ thống giao thông và thông tin hiện đại nhanh chóng, nên đã trở thành ngày càng thu nhỏ. Phật giáo ở thế kỷ 21 cần tự điều chỉnh đối với sự phát triển tân tiến này để loan truyền thông điệp của Đức Phật đến với mọi người bằng một ngôn ngữ đơn giản mà họ đều hiểu.

Chúng ta cần nên thi hành điều đó với sự lãnh đạo của các nước như Đài Loan, Hàn quốc, Thái Lan và Nhật Bổn. Những quốc gia này chiếm ưu thế đặc biệt, vì vừa là nước theo Phật giáo vừa tiên tiến về kinh tế và khoa kỹ. Những quốc gia này đều phú cường, đồng thời họ cũng bảo tồn thông điệp của Đức Phật. Phần lớn thế giới Phật giáo bao gồm những nước nghèo nàn về kinh tế. Vì thiếu sức mạnh kinh tế và chánh trị, cho nên Phật giáo và phương thức sinh hoạt Phật giáo tại những nước nghèo này không thể phát huy. Nhưng trong bốn quốc gia Phật giáo nói trên lại có nền khoa kỹ phát triển nhất, đây là nguồn tài nguyên lớn nhất để phát triển Phật giáo ở thế kỷ 21.

Trong tương lai, khái niệm và sự tu trì của Phật giáo thế giới cần được truyền bá từ những quốc gia đó. Với sự lãnh đạo của họ, họ nên thành lập “Hội Đồng Tối Cao” để truyền bá thông điệp Phật giáo đến toàn thế giới. Những Phật tử bần cùng trong các quốc gia nghèo khó cần được hội đồng này trợ giúp để khỏi thành con mồi đối với những tín đồ cuồng nhiệt của các tôn giáo khác đi truyền đạo, những người này dùng những số tiền lớn mà họ có để dẫn dụ người nghèo cải đạo. Trong nước tôi (Tích Lan) đã có số lớn Phật tử nghèo khó cải đạo như vậy, vì bị những người đó khai thác cảnh nghèo và sự dốt nát của họ bằng cách ban tiền bạc, tài vật, nhà cửa và công việc làm. Đây hoàn toàn là những nguỵ trang dưới hình thức phục vụ xã hội và giúp người nghèo phát triển.

Phật giáo dành cho thế giới ngày mai không cần phải bao gồm quá nhiều tiểu tiết thuộc về triết lý và tu trì, mà những người thông thường không thể hiểu. Hãy nên dành những điều đó cho những cuộc bàn cãi và đối thoại ở trình độ học giả, giữa các Phật tử với nhau hoặc với những người thuộc các tôn giáo khác. Không nên “tiếp thị” Phật giáo với những “nhãn hiệu” như Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, hoặc Kim Cang Thừa, v.v… Chỉ cần niềm tin đơn giản vào Phật, Pháp Tăng, Ngũ Giới, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo cũng đủ để tạo thành một mô thức Phật giáo đơn giản mà tất cả mọi người đều có thể chấp nhận. Phần thiết yếu của loại Phật giáo đại chúng đơn giản này là nội dung của những giáo lý mà tất cả mọi Phật tử nên biết để tụng niệm thuộc lòng và hiểu rõ ý nghĩa. Một mặt, mọi người có thể sử dụng ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật, là Pa-Li ngữ, để tụng niệm; mặt khác, cũng có thể sử dụng ngôn ngữ của người bản xứ để tụng niệm. Một câu chuyện đơn giản về cuộc đời Đức Phật, cộng thêm một số kinh văn đơn giản và trọng yếu, rút ra từ tất cả những tông phái Phật giáo, là có thể thỏa mãn cho sự cần thiết cơ bản. Tương tự như vậy, trong địa hạt tọa thiền cũng cần phải đạt tới sự đồng thuận để cùng nhau chấp nhận khoảng hai hay ba hình thức tọa thiền căn bản. Ở địa hạt này, tôi đề nghị chúng ta hãy coi giới Phật tử đối tượng để truyền giảng có trình độ giáo dục ở bậc trung học đệ nhất cấp.

Sau khi đã đặt nền móng vững vàng bằng cách đó, mỗi đoàn thể Phật giáo sẽ tự phát triển những trình độ học tập và tu trì cao hơn.

Sau khi thực hiện bước này, các học giả Phật giáo có thể tiến tới bước kế tiếp khó hơn để đi tới sự đồng thuận về việc truyền giảng những giáo lý cao hơn và có triết học tánh hơn, như thuyết Duyên Khởi, v.v… Đồng thời, chúng ta cũng cần khích lệ và hỗ trợ những trung tâm nghiên cứu Phật giáo cao cấp và những trung tâm tu thiền cao hơn, như Nội Quán (Vipassana) hoặc Thiền (Zen), như tôi đã nói. Lời kêu gọi của tôi là từ những đoàn thể Phật giáo đơn giản nhất cho tới giới học giả, hoặc các nhà lãnh đạo Phật giáo ở cấp bậc cao nhất trên thế giới, cần phải có một dây liên lạc và sự thừa nhận chung. Đây là một sợi dây kim tuyến xuyên qua họ và kết hợp họ với nhau. Chỉ bằng cách đó, ảnh hưởng Phật giáo mới có thể thi triển hữu hiệu đối với văn minh nhân loại khi bước sang thế kỷ mới.

Khi bàn đến một hình thức Phật giáo đơn giản, chúng ta không nên quên những vấn đề khẩn khiết về kinh tế, chánh trị, xã hội và môi sinh hiện nay, đồng thời đưa ra phương thức Phật giáo để giải quyết những vấn đề này. Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo mà trên đây đã đề cập rất thích ứng với việc này. Trong hiến chương chúng ta hãy thuyết minh rõ ràng ý nghĩa của chữ “phát triển” mà Phật tử muốn nói, phương thức sinh hoạt Phật giáo mà chúng ta muốn phát triển là gì, chúng ta đang làm gì, chúng ta làm cách nào để sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nhân lực, chỉ tiêu phát triển của Phật giáo v.v…

Chúng ta đừng bỏ qua bất cứ phương diện phát triển nào. Thí dụ như tại mỗi cuộc hội họp ở cấp độ thế giới đều sẽ bàn đến vấn đề nhân quyền. Đức Phật không những coi trọng nhân quyền và trách nhiệm của con người, ngài còn

tiến xa hơn và bàn đến quyền của tất cả chúng sanh, bao gồm tất cả các loài động vật. Quan niệm từ bi của ngài vượt ra khỏi nhân loại, trải rộng khắp các loài động vật cho đến cả các loài thực vật và gồm cả các loài phi nhân. Có lẽ ở thế kỷ 21 chúng ta có thể phát hiện trong thái dương hệ có thế giới khác mà các loài phi nhân, không giống loài người, cư trú. Ở đây chúng ta không cần phải đi sâu vào vấn đề này trong tư duy Phật giáo.

Ngày nay, người ta thờ ơ đối với môi sinh của họ, cả trên phương diện vật lý lẫn phương diện xã hội.

Các tổ chức bảo vệ môi sinh trong mỗi xã hội đều đang cố gắng đẩy mạnh sự đề cao cảnh giác này, thậm chí họ còn mở những chiến dịch để tích cực tranh đấu, yêu cầu các chánh phủ nhiều thế lực và các xí nghiệp kỹ nghệ hãy bảo vệ môi sinh. Đức Phật từng nói “sống trong môi trường hài hòa là một trong những phước báu trên đời.” Theo tôi, toàn thể “Tam Bảo Kinh” (Ratana Sutra) chính là sự khai thị của Đức Phật đối với việc bảo vệ sinh thái. Ngài đã đi xa hơn môi sinh vật lý và xã hội, khi ngài còn nói tới cả phương diện tâm lý hoặc tinh thần của môi sinh.

Ngũ Pháp trong giáo pháp của Đức Phật, tức là Chủng Nhân Pháp, Thời Tiết Pháp, Nhân Duyên Pháp, Sắc Pháp và Tâm Pháp, bao gồm mọi phương diện của môi sinh.

Về sự xem trọng phương diện này, hạnh từ bi mà Phật tử tuân thủ là triệt để nhất. Phật giáo nhấn mạnh chúng ta phải sống như người mẹ thương yêu đứa con một của bà, chúng ta phải tập thương yêu tất cả chúng sanh, bất kể chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, giai cấp của họ là gì. Đây là quá trình bắt đầu từ chính mình, chúng ta thương yêu những người hàng xóm láng giềng, trong cộng đồng, trong quốc gia, thế giới, trên những hành tinh khác, cho tới vũ trụ vô biên. Bạn dâng hiến lòng từ bi hoặc tình thương yêu vào môi sinh tức là bạn khiến cho nó phong phú hơn, vượt qua tầng diện vật lý và xã hội. Ảnh hưởng xấu của “vô từ bi” hoặc sự thù hận, thậm chí còn tai hại hơn cả ảnh hưởng do bụi phóng xạ của vũ khí hạch tâm có sức hủy diệt rất lớn gây ra.

Trong “Đại Hiến Chương” cần phải dùng phương thức quan sát và nhìn thẳng vào những vấn đề toàn cầu hiện thời, để nói lên quan hệ của Phật giáo đối với thế giới hiện đại. Sự sản xuất vũ khí không ngừng để bán bừa bãi là lòng tham kim tiền vô tận. Các quốc gia Phật giáo có thể đoàn kết lại, ít nhất là để cứu vãn được quốc gia của họ, khỏi bị bọn con buôn vũ khí quốc tế nhẫn tâm tìm cách gây ra những bất hòa đưa tới chiến tranh để chúng trục lợi. Một hội đồng Phật giáo thế giới do Đài Loan, Nhận Bổn, Hàn quốc lãnh đạo, với sự hỗ trợ của sức mạnh kinh tế và khoa kỹ thông tin, có thể giúp giải quyết nan đề này một cách thực tiễn bằng cách cổ võ bất bạo động và hòa bình.

Chúng ta cần phải làm mọi cách để ngăn chặn mô thức phát triển sai lầm áp đặt lên các cộng đồng Phật giáo vẫn còn sống trong loại xã hội tiền kỹ-nghệ. Khi chúng ta vì xã hội nghèo khổ ngày nay thiết lập những kế hoạch phát triển mới, cần phải tránh những sai lầm mà xã hội công nghiệp ngày nay phạm phải để chận đứng những tội ác cá nhân, sự đổ vỡ của nếp sống gia đình và ý thức cộng đồng, tham nhũng hủ hóa, phí phạm những loại tài nguyên không thể thu hồi. Chúng ta nên quan tâm toàn diện tới những quốc gia như Việt Nam, Cao Miên, Lào, Miến Điện, Nepal, Bhutan, Tích Lan, v.v… là những nơi mà chúng ta có thể thực thi phương án phát triển mới, đặt cơ sở trên những giá trị xứng đáng. “Đại hiến chương” mà chúng tôi để nghị có thể là một phương thức chỉ đạo có giá trị cho những quốc gia này, giúp họ tránh khỏi sa vào những cạm bẫy.

Vấn đề sản xuất và tiêu thụ dược chất ma túy toàn cầu là một vấn đề khác mà Phật tử phải tư khảo. Kẻ sản xuất ma túy là những người nghèo bị những người nhiều tiền nhiều thế lực khai thác. Phần lớn họ là bá tánh của các quốc gia Phật giáo, sự viện trợ kinh tế cho những người đó ít ra có thể tương đối làm giảm tệ nạn này. Phương thức Phật giáo đối với những nan đề trầm trọng, như bệnh liệt kháng AIDS, v.v…, là một đề mục khác nên liệt vào nghị trình của chúng ta.

 Đề xướng một “Triết Học Kinh Tế” và sự hợp tác theo mô thức Phật giáo giữa các quốc gia Phật giáo đặt căn bản trên Đại Hiến Chương Phổ Quát cho sự Thực Hành Phật Giáo sẽ là điều thiết yếu cho thế kỷ 21. Việc phát triển trong tương lai của thế giới Phật giáo còn có thể bao gồm sự thống nhất kinh tế theo hình thức nào đó, với tiền tệ chung, tự do mậu dịch, tự do du lịch, hệ thống xuất nhập cảng mật thiết hơn, và một hệ thống phòng thủ chung, v.v… Tuy rằng đối với chúng ta hiện nay, điều này có vẻ như là chuyện thiếu thực tế, nhưng với tư cách là Phật tử trong thế kỷ tới, chúng ta phải nghĩ đến những phương án và phương tiện để đáp ứng với những tiến triển như vậy. Nhưng chúng ta đừng chờ đợi tới lúc đó, mà, hãy bắt đầu ngay bây giờ!

Thông điệp của Đức Phật cần phải truyền bá đến mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới. Như trên đây đã nói, chúng ta cần phải hoạch định một thông điệp đơn giản mà người ta có thể hiểu được, rút ra những tinh nghĩa Phật giáo, không phân biệt tông phái. Nó phải là giáo lý của Đức Thế Tôn trong bất cứ ngôn ngữ nào, do một nhóm học giả Phật giáo trên thế giới dịch sang các loại văn tự. Chúng ta hãy đến với các anh chị em không phải là Phật tử, chúng ta cần phải sống chung trong sự cảm thông, hài hòa và tôn trọng lẫn nhau.

Phật giáo luôn luôn tôn trọng những quan điểm của người khác. Vì thế, chung sống với các đoàn thể tôn giáo khác sẽ không thành vấn đề đối với Phật tử. Chúng ta nên làm sáng tỏ lập trường này của Phật pháp cho người khác thấy, để tránh sanh ra hiểu lầm. Đối với những người sống hòa bình, không những sự khác biệt tôn giáo mà kể cả những khác biệt xã hội, văn hóa, chánh trị, và ý thức hệ chẳng phải là những chướng ngại vật.

Ở điểm này, tôi xin nói sơ qua về ngót bốn thập niên mà tôi đã cùng các đạo hữu nỗ lực khiến cho Phật pháp trở thành một một mô thức hữu hiệu để phát triển sự tu trì ở Tích Lan. Tôi muốn nói tới phong trào “Sarvodaya Shramadana” của Tích Lan. Chữ Sarvodaya có nghĩa là “đánh thức chúng sanh qua sự chia sẻ.” Ở Tích Lan, Sarvodaya xuất phát từ hứng khởi của Phật giáo và khai triển cho phù hợp với hoàn cảnh. Tuy chúng tôi chịu ơn rất lớn từ Thánh Gandhi và môn đồ của ông là Acharya Vinoba Bhave, vì tấm gương mà họ đã nêu ra khi cố gắng xây dựng một xã hội bất bạo động và tự túc ở Ấn Độ, với sự hưởng ứng của dân chúng. “Sarvodaya” ở Tích Lan theo kinh nghiệm của chúng tôi. Tinh túy của Phật giáo mà Sarvodaya thi hành đã được những người không phải tín đồ Phật giáo ở Tích Lan chấp nhận, và ngay cả Phật tử lẫn phi Phật tử ở Tích Lan và ở nước ngoài vẫn cố gắng thực hành theo triết lý này. Với tư cách cá nhân, tôi xin mời tất cả những ai quan tâm và muốn làm những việc để tạo một trật tự mới trên thế giới, đặt cơ sở trên triết lý và những giá trị Phật giáo mà những người phi Phật tử cũng có thể chấp nhận, hãy tới Tích Lan để quan sát trực tiếp những gì mà Phong Trào Sarvodaya Shramadana đã cố gắng thực hiện trong gần 40 năm qua.

Tích Lan là một quốc gia vùng Nam Á Châu, nơi mà hàng ngàn năm qua hai truyền thống tôn giáo đã phát triển và đã đan kết những người thuộc sắc dân đa số Sinhala theo Phật giáo với những người thuộc sắc dân thiểu số Tamil theo Ấn Độ giáo. Những mô thức phát triển khởi sự tận gốc rễ của xã hội, để giải quyết sự mất niềm tin và lo âu của nhân loại, cần có những cái nhìn sáng suốt để khai triển và động viên tới gia đình và các cộng đồng, làng mạc. Nói cách khác, cần đạt tới tận gốc rễ của nền văn hóa địa phương, cũng như trí huệ và nếp sống tinh thần của bất cứ tôn giáo và tín ngưỡng nào trong nền văn hoá Phật giáo và Ấn Độ của chúng tôi.

Đây là con đường chúng tôi đã đi, một con đường mà chúng tôi đi vì lý do cần thiết và tín ngưỡng thân thiết. Con đường này chứng tỏ nó rất thành công, dưới sự cố gắng suốt 40 năm nay, xã khu, hương thôn đã từ cảnh nghèo sơ xác tiến bộ đến cá nhân giác tỉnh, có tôn nghiêm, tự tin và sức sống dồi dào. Trong thời gian này, chúng tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua thiên nan vạn nan, để đạt thành công trong việc giúp đỡ và truyền bá thông điệp đến gần 10,000 cộng đồng xã thôn trong tổng số 24,000 thôn làng ở Tích Lan, để họ có thể thăng tiến trên một con đường tự phát triển đặt căn bản trên sự tự túc và tham gia cộng đồng.

Trong một khu vực mà những cách biệt về xã hội, kinh tế và khoa kỹ cách nhau rất lớn, những cộng đồng đó cần có trợ giúp từ bên ngoài để bổ sung cho sự tự trợ của họ. Trước tiên, loại viện trợ này tuy không nhiều, chủ yếu là đến từ các cơ quan từ thiện Tây phương. Lúc đầu, họ không có ý mang giá trị hoặc phương pháp phát triển áp đặt lên chúng tôi, và chúng tôi có thể đề ra các chương trình cho mọi phương diện phát triển, cho phúc lợi cũng như tuyên truyền, và chứng tỏ những hệ thống văn hóa và giá trị tinh thần trong xã hội truyền thông của chúng tôi có thể bảo tồn trong khi chúng tôi cải thiện kinh tế. Nói cách khác, chúng tôi thấy rằng triết lý Phật giáo có thể hội nhập vào hành động phát triển hiện đại. Chúng tôi thấy có những đường lối bất bạo động và xây dựng, theo như Phật Pháp, để chuyển hóa xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp khó khăn khi những cơ quan viện trợ quan trọng nhất cắt bỏ những khoản viện trợ, vì họ nêu những lý do như cắt giảm ngân sách và sự viện trợ của họ chuyển hướng sang Phi Châu và Đông Âu. Nhưng chúng tôi tin rằng lý do đích thực sâu xa hơn thế. Có lẽ chúng tôi đã có những xung khắc với những người viện trợ về các hệ thống giá trị.

Một điều bất hạnh đối với chúng ta – những người sống trong những vùng nghèo khó ở Á Châu – là các cơ quan viện trợ Tây phương không ý thức được rằng những chiều hướng văn hóa và tinh thần sâu đậm là cần thiết để thực sự phát triển, và chúng có ý nghĩa đối với chúng ta như thế nào. Trên cơ bản, những người Tây phương ban viện trợ không cho phép đối tượng nhận viện trợ xa lìa hẳn cái gọi là mô thức phát triển theo chủ nghĩa vật chất; họ cho rằng như vậy là không xứng đáng để họ viện trợ. Vả lại, có nhiều ngân khoản viện trợ đi kèm với những động cơ tiềm ẩn, mà tôi đã đề cập ở phần trên, ban cho những cộng đồng nghèo khó với ẩn ý làm lũng đoạn văn hóa và giá trị truyền thống của họ. Đó là sự kiện đáng buồn mà chúng tôi đã gặp.

Vì vậy, chúng tôi cần phải quay về Đông phương, chuyển hướng về mô thức văn hóa mà chúng tôi hiểu biết và được người ta hiểu biết. Thật vậy, chúng tôi muốn quay về Đông phương, hướng về những nước Đông phương đã phát triển và giàu hơn, mời họ đến xem Mô Hình Sarvodaya xây dựng trên truyền thống và giáo lý Phật giáo, và trên văn hóa bản thổ. Có lẽ những bài học từ Sarvodaya sẽ rất hữu ích cho việc chấn hưng vùng Á Châu Phật giáo.

Trong Phật giáo, chúng ta coi trọng sự rộng lượng, coi hạnh bố thí (Dana) như là pháp môn tu trì chủ yếu và tích cực. Bố Thí có nghĩa là ban cho tha nhân sự trợ giúp về vật chất, tinh thần, tâm lý, văn hóa, xã hội. Chúng ta có thể diễn dịch đúng nghĩa chữ bố thí là “chia sẽ những tài nguyên,” từ tài nguyên kinh tế đến xã hội, giáo dục, văn hoá, tinh thần và bất cứ tài nguyên nào khác của nhân loại. Khi bạn giáo dục người khác, đây là một loại bố thí phẩm chất cao nhất. Khi bạn cố vấn cho người nào đó, tức là bố thí. Phật tử ở thế kỷ 21 cần phải tái giải thích những giá trị tích cực của Phật giáo trong khung cảnh hiện đại, hữu dụng ngay lúc này, và dễ dàng thích ứng với đời sống nhân loại trong thời đại này.

Ngày nay, chúng ta nhận thấy thế giới đang đi tìm lý thuyết và sự thực hành để phát triển một cách có ý nghĩa. Sự phát triển hoàn toàn dựa theo những đường hướng kinh tế, đã không thể thanh toán được những vùng nghèo khó thê thảm nhất ở khắp nơi trên thế giới.

Những cơ cấu quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, đã thất bại thảm thương. Sau khi Liên Xô sụp đổ, bộ mặt chủ nghĩa xã hội đã hầu như tan rã cùng với nó. Thế giới tư bản do các cường quốc Tây phương lãnh đạo đang dần dần tiến tới bản chất mâu thuẫn của chính lý thuyết phát triển của họ. Thiểu số người Tây phương biết suy tư đang hoài nghi và đặt câu hỏi rằng lý thuyết phát triển của chính họ có đúng hay không.

Ở phương diện này, Phật tử chúng ta cần phải đưa ra luận thuyết phát triển thế giới của Phật giáo. Vì Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bổn là những quốc gia đã mở mang, Phật tử của những quốc gia này nên quay nhìn lại và phê phán kinh nghiệm quá khứ của họ, rút tỉa những điều tốt đẹp, và cố gắng tạo lợi ích cho các quốc gia Phật giáo khác qua kinh nghiệm của họ. Sự lãnh đạo của các bạn trong lãnh vực này, với tư cách như học giả, xí nghiệp gia, kỹ thuật gia, v.v…, đều sẽ nhận được sự tri ân của thế giới Phật giáo. Ở buổi bình minh của thế kỷ 21, các bạn là những ngọn đèn dẫn đạo đối với các nước kinh tế lạc hậu ở Á Châu chúng tôi. Quyết định của các bạn không những sẽ ảnh hưởng đến các Phật tử, mà ảnh hưởng tới tất cả mọi người khác trên hành tinh nhỏ bé này của chúng ta, và không chừng còn ảnh hưởng đến cả chúng sanh trên các hành tinh khác.

Để kết luận và tóm lược, tôi xin đề nghị rằng nghị trình của Phật giáo cho thế kỷ 21 cần bao gồm những điểm sau đây:

1- Vì tất cả Phật tử trên thế giới, hãy kiến tập một sự thừa nhận Phật giáo phổ quát, với sự Bản Tuyên Ngôn chung về luận thuyết và tu trì cơ bản của Phật giáo mà tất cả Phật tử đều có thể tiếp nhận.

2- Khích lệ những cơ quan nghiên cứu Phật giáo hiện hữu của các học giả, của các trường đại học, các trung tâm tu thiền, và thúc đẩy việc thành lập những cơ cấu mới.

3- Thảo hoạch và tiếp nhận một Đại Hiến Chương Phổ Quát cho Phật tử, bao gồm tất cả mọi phương diện và hãy phổ biến nó một cách sâu rộng nhất.

4- Khởi thảo một Luận Thuyết của Phật Giáo về Phát Triển và Kế Hoạch Hành Động, và tích cực vận động để cho nó được thực thi tại các nước Phật giáo, để đương đầu với nạn nghèo khó, mất quyền lực, bệnh tật, bạo hành cá nhân và xã hội, chủ nghĩa khủng bố, ma túy, nội chiến, những xung đột đẫm máu trên thế giới, sự bại hoại của những tiêu chuẩn tinh thần và đạo đức trong xã hội nói chung.

5- Kêu gọi các quốc gia Phật giáo mới trở thành thịnh vượng của Đông phương hãy dẫn đạo để thực thi những chính sách này, có thể là tiến tới sự thiết lập một Hội Đồng Phật Giáo Tối Cao, để nhắm tới Sự Chấn Hưng Phật Giáo Thế Giới.

Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của những phát kiến vĩ đại. Trong số những phát kiến này, sự “tái phát kiến” tín ngưỡng của chúng ta (tức là giáo lý nhà Phật) để áp ứng với những cao vọng và những thực tế của một thế giới mới, sẽ là thử thách cam go nhất. Chúng ta hãy chấp nhận sự thử thách này! Chúng ta có thể tạo một khối sức mạnh tâm thức cần thiết để xây dựng một trật tự thế giới mới trong thế kỷ 21, bằng cách vận động, tổ chức, và làm thức tỉnh các cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Vậy chúng ta hãy lên đường thi hành sứ mạng với sự quyết tâm và hy sinh.

[trích Phật giáo hướng dẫn thế kỷ XXI]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version