Nguyên tác: E. Frauwallner, The earliest Vinaya and the beginning of Buddhist literature;
Appendix: The Vinaya of the Mahāsāṃghika.
Việt dịch và chú thích: Bhikkhu Cittacakkhu
__________________
Luật của Đại chúng bộ, Hán dịch là luật Ma-ha-tăng-kỳ, T. 1425, nguyên bản do Pháp Hiển tìm được tại Pāṭaliputra (thành Hoa thị), năm 416 Tl, Pháp Hiển và Buddhabhadra (Phật-đà-bạt-đà-la) dịch. Luật Tăng-kỳ gồm:
- Tỳ-kheo phân biệt (Bhikṣuvibhaṅga, trang 227-412).
- Kiền-độ (Skandhaka, trang 412-514).
- Tỳ-kheo-ni phân biệt (Bhikṣunīvibhaṅga).
Cấu trúc luật Tăng-kỳ trong thiên Phân biệt (Vibhaṅga), được điều hòa bởi Prātimokṣa (Ba-la-đề-mộc-xa), tương tự như những bộ luật khác, nhưng kết cấu thiên Skandhaka không như vậy. Chúng cho thấy một cấu trúc khá khác biệt so với các công trình liên quan, quá trình phát triển đó được phác thảo dưới đây.
Tác phẩm Skandhaka xưa được hình thành và thực hiện theo một kế hoạch vĩ đại và được cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng cấu trúc của nó mang tính nghệ thuật nhiều hơn so với hệ thống. Nếu nói theo điều kiện truyền tụng Phật điển trong thời kỳ đầu, thì tính chất đương nhiên mang lại kết quả không tốt, phải làm cho sự tường thuật có điểm kết nối, bởi vì tác phẩm quá vĩ đại, bị pha loãng trong một không gian quá lớn để có thể hoàn thành tác dụng của mình, do đó, nó đã đi đến quá trình cải biên (hấp thu) mà chúng tôi đã nghiên cứu trong chương 3. Phạm vi của nhiều truyền thuyết trở nên khó hiểu, vì vậy mà không còn hiệu quả và mất đi ý nghĩa của chúng đối với cấu trúc của văn bản. Với số lượng quy tắc quá lớn đã được trộn lẫn với nhau trong quá trình truyền khẩu. Cuối cùng hình thành những bộ luật hiện còn như chúng ta đã thấy, với kết cấu rất lớn, tập hợp khối tư liệu vĩ đại, nhưng thứ tự sắp xếp trước sau hỗn loạn. Trong tình huống này, có người mạnh mẽ cố gắng đặt một sự sắp xếp mới vào vị trí của cái cũ, bởi cái cũ không thể tham khảo, và luật Ma-ha-tăng-kỳ (Mahāsāṃghika) đã nỗ lực thực hiện công việc này. Họ đã cố gắng thay thế cho sự định hình nghệ thuật cũ với sự sắp xếp cải biên hoàn toàn có hệ thống mới. Tuy nhiên nỗ lực này chỉ thành công một phần.
Trước tiên, bản gốc luật bị loại bỏ hoàn toàn và tài liệu được sắp xếp đơn giản thành các đoạn văn. Điều này phù hợp với khuynh hướng của Ấn-độ cho các phân loại có hệ thống. Trong nhiều trường hợp, loại tác pháp này rất dễ thành công thực hiện, đặc biệt trong phần pháp quy xử lý của giáo đoàn. Đôi khi, việc tác pháp này có thể giải trình có quy tắc, rõ ràng, và một số bổ sung được thêm vào tác phẩm gốc. Chương tiết ngắn được đặt ở trước một bản tóm tắt về điểm được thảo luận, giúp cho nó rõ ràng hơn. Có khi tiền đề được đưa ra có tính định nghĩa khái quát, và thêm phần giải thích cho định nghĩa này. Nhưng sử dụng phương pháp này không gặp khó khăn, chỉ được một phần trong nội dung luật. Còn tư liệu bộ phận tương đương thì vẫn không có cách gì làm cho phân loại rõ ràng. Cho nên các đoạn văn bản cổ truyền vẫn bảo trì như cũ, không thay đổi gì. Cuối cùng, toàn bộ sự cải biên này lại dẫn đến một kết nối lỏng lẻo của một khối các quy tắc thuộc nhiều loại khác nhau.
Tôi sẽ trình bày quá trình cải biên từ những chương tiết trong bộ phận đầu tiên của luật Tăng-kỳ. Trước tiên tôi đưa ra một bảng chung về Skandhaka:
- Thọ cụ túc 受具足, (quyển 23) tr. 412b21 – 422a8 = 1. Pravrajyāvastu
- Yết-ma, yết-ma sự 羯磨, 羯磨事, (quyển 24) tr. 422a8 – 422c28 = 10. Karmavastu
- Chiết phục yết-ma 折伏羯磨事 v.v., (quyển 24) tr. 422c28 – 428b10 = 11. Pāṇḍulohitakavastu
- Tội, không tội, che giấu, không che giấu罪, 無罪, 覆, 不覆 v.v., (quyển 25) tr. 428b11 – 438b29 = 12. Pudgalavastu; 13. Pārivāsikavastu
- Nên yết-ma và không nên yết-ma 應羯磨不應羯磨 v.v, (quyển 26) tr. 438b29 – 443c4 = (chuyện lặt vặt)
- Pháp ruộng vườn 園田法v.v, (quyển 27) tr. 443c4 – 446c3 = 17. Śayanāsanavastu
- Pháp Bố-tát 布薩法, (quyển 27) tr. 446c7 – 450c2 = 2. Poṣadhavastu
- Pháp An cư 安居法, (quyển 27) tr. 450c2 – 451a6 = 3. Varṣāvastu
- Pháp Tự tứ 自恣法, (quyển 27) tr. 451a6 – 452a1 = 4. Pravāraṇavastu
- Pháp Y ca-hi-na 迦絺那衣法, (quyển 28) tr. 452a7 – 453b5 = 8. Kaṭhinavastu
- Pháp Y 衣法, (quyển 28) tr. 453b5 – 455a20 = 7. Cīvaravastu
- Pháp Tỳ-kheo bệnh病比丘法, (quyển 28) tr. 455a25 – 456a22 = 7. Cīvaravastu
- Pháp Khám bệnh tỳ-kheo 看病比丘法, (quyển 28) tr. 456a22 – 457b3 = 7. Cīvaravastu
- Pháp Thuốc 藥法, (quyển 28) tr. 457b3 – 457b23 = 6. Bhaiṣajyavastu
- Pháp Hòa thượng, A-xà-lê, bổn phận đệ tử, và đệ tử y chỉ 和上, 阿闍梨, 共行弟子, 依止弟子法, (quyển 28) tr. 457b23 – 460b22 = 1. Pravrajyāvastu
- Pháp Sa-di 沙彌法, (quyển 29) tr. 460b24 – 461b19 = 1. Pravrajyāvastu
- Pháp Bát 鉢法 v.v., (quyển 29) tr. 461b19 – 462c5 = 19. Kṣudrakavastu
Thiên Skandhaka trong luật Tăng-kỳ cũng giống với những bộ luật khác, phần mở đầu là Xuất gia sự (Pravrajyāvastu), nhưng căn cứ trong nội dung lại phân chia chương. Đầu tiên chỉ đề cập đến pháp thức xuất gia thọ giới cụ túc [admission to the order] (số 1). Đến như những chuyện liên hệ giữa Hòa thượng và đệ tử đều đi thảo luận nơi khác (số 15-16). Thọ giới cụ túc có 4 hình thức (Four kinds of admission to the order are distinguished): Tự cụ túc [admission by himself], Thiện lai cụ túc [by the words “Come, monk!”], Thập chúng cụ túc [by an assembly of 10 monks], và Ngũ chúng cụ túc [by an assembly of 5 monks]. Qua việc chấp hành cho chúng ta thấy, phân loại này hoàn toàn là liên hệ bên ngoài được áp dụng cho đối tượng. Đối với Tự cụ túc, đây chỉ cho hình thức thọ giới của chính đức Phật, duy chỉ có Ngài mới được như vậy (tr. 412b24-26). Kế đến là hình thức thọ giới “Thiện tì-kheo”, chúng ta được biết làm thế nào (trong luật Tăng-kỳ) đức Phật cho phép các đệ tử được truyền giới theo cách này và làm thế nào điều này dẫn đến kết quả không đạt yêu cầu (tr. 412b29 – 413a4). Kỳ thực “Thiện tì-kheo”, chỉ đơn thuần là nhân duyên ban đầu cho sự sắp xếp chế định hình thức thọ giới “Thập chúng cụ túc”, mà chính đức Phật đã y cứ kinh nghiệm trên “Thiện tì-kheo” để đi đến chế định đó. Chỉ điều này trong luật Tăng-kỳ mới nói chi tiết (tr. 413a4 – 415a28). Khi luật Tăng-kỳ nói về hình thức thọ giới “Thập chúng cụ túc” đều trình bày thứ tự toàn bộ, còn các bộ luật khác để cuối phần Xuất gia sự (Pravrajyāvastu). Luật Tăng-kỳ lại thuyết minh hình thức thọ giới “Ngũ chúng cụ túc” (tr. 415a28 – 416a23), thuật chuyện Ức Nhĩ (億耳, Śroṇa Koṭīkarṇa),[1] các bộ luật khác xếp trong chương Da thuộc (Bì cách sự – Carmavastu). Trong kết nối này, chúng ta có thể thấy rõ phương thức cải biên trong luật Tăng-kỳ là cách biên tập mới theo sơ đồ. Về điều khoản 4 y chỉ (niśraya), thảo luận liên quan đến thủ tục thọ giới, bất quá trong đó từng câu chuyện xảy ra riêng biệt của những tu sĩ mới thọ giới, phàn nàn, hành trì không đúng quy định của một tỳ-kheo, đó là nguyên nhân dẫn đến quy định tứ y, nhằm giải thích cho họ trước khi cho thọ giới (tr. 413c12 – 414c7).
Thứ đến, có một phần ngắn thuyết minh các trường hợp thọ giới hợp lệ hoặc không hợp lệ (tr. 416a23 – b26). Ở đây có một số quy định phân tán được ghép lại với nhau. Chúng tôi phải nhận xét rằng trong số các quy định này, có một số trong các bản luật khác chỉ được bảo tồn, xử lý sự kiện đơn nhất (như tr. 416b13 – c, tương đương luật Tứ phần iii, Ch. i thọ giới, tr. 814b20 – c; Tăng-kỳ tr. 416b19- c, tương đương Tứ phần iii, tr. 813c24-c).
Thứ nữa là liên hệ quy định xử lý cấm thọ giới (tr. 416b26- 422a8). Những trường hợp này như xử lý án lệ được xem là phần chính (chương tiết chính), do đó luật Tăng-kỳ giống với những bộ luật khác. Những phần này được bảo tồn khá tốt. Có một số bộ phận quy định tương đương, tập họp thành nhóm nằm trong các bản luật khác. Ở đây luật Tăng-kỳ kết nối các trường hợp tương tự thành một thể (nhóm các già nạn lại một chỗ). Đầu tiên, chúng ta tìm thấy một danh sách về chúng (tr. 416b26-c2), sau đó không có kết nối nào nữa, theo sau là một chuỗi dài thảo luận về một số trường hợp (thảo luận những án lệ). Những bộ phận giống nhau thì hiển nhiên thấy sự cải biên minh bạch nêu ra các điều khoản quy định tác pháp, ví dụ như thân thể bị tàn khuyết thì cấm thọ giới (tr. 418b14 – ), đặc biệt là 4 loại đại thần (tr. 420a12-);[2] ba loại trẻ con (421b11-); năm loại đầy tớ (tr. 421c5-) v.v.
Sau chương Xuất gia sự (Pravrajyāvastu), tiếp theo là thảo luận pháp Yết-ma (Karmavastu/ The community law), chương này có đầy đủ nét đặc sắc về phương thức xử lý (như ở trước đã thuật). Tiếp theo chương Câu-thiểm-di (Kośāmbakavastu) về sự đầy đủ của nó đã biến mất, ngoại trừ tường thuật một vài dấu vết ít ỏi,[3] mà nội dung Yết-ma sự (Karmavastu) cơ bản được đặt ở đầu Skandhaka (số 2). Nhưng luật Tăng-kỳ cũng trải qua hình thức cải biên đặc hữu. Việc chế định yết-ma trong chương Yết-ma (Karmavastu) bị san định. Toàn bộ tài liệu được chia thành Yết-ma (trình tự yết-ma/ community procedures [thủ tục tố tụng của Tăng]) và Yết-ma sự (objects of the community procedures). Cả hai đều được trình bày đầy đủ ở trước, trong bảng liệt kê giới thiệu (tr. 422a14-18, và b22-27). Con số phương thức hành trì yết-ma trong những bộ luật khác đều có đề cập, theo yết-ma là có hợp pháp (đúng luật) và phi pháp (phi luật): có 4 loại yết-ma, và số người trong yết-ma cũng có 4 (bốn vị, năm vị, mười vị, hai mươi vị). Bất quá có phân loại khác nhau, như bạch tứ yết-ma (jñapticaturtha karma/ triple interrogation to the community), bạch nhất yết-ma (single interrogation). Sau đó những loại yết-ma phụ khác cũng được giải thích ngắn gọn. Cho đến tác dụng mục đích của yết-ma (the objects of the community proceedings) cũng có loại xử lý tương tự như vậy.
Tiếp theo là chương Bàn-đồ và Lô-hê (Pāṇḍulohitakavastu) (số 3), các bộ luật khác đều giống nhau. Chương này có 5 hình thức quy định trị phạt chính, rõ ràng phân loại này đã có trong bản Skandhaka cổ xưa. Mặc dầu vậy, nhưng luật Tăng-kỳ có những thay đổi đặc biệt. Trong tác phẩm Skandhaka cổ, mỗi quy định trị phạt đều dẫn nhân duyên sự việc đặc định cụ thể liên quan hình thức trị phạt. Ở đây một số thủ tục được liệt kê theo thứ tự và được chứng minh bằng một loạt các sự việc. Có lúc trước khi nêu cụ thể sự kiện những án lệ này, liệt kê nhân vật liên quan, như trường hợp yết-ma phát hỷ (pratisaṃharaṇīyakarma),[4] hoặc một loại trị phạt chia thành nhiều phần nhỏ như yết-ma chiết phục (yết-ma khiển trách, tarjanīyakarma, Tăng-kỳ, tr. 423a1-5).
Đến hai chương Nhân sự (Pudgalavastu) và Biệt trú sự (Pārivāsikavastu) (số 4), án lệ xử lý trong hai chương này rất khó đưa ra phân loại rõ ràng, do đó luật Tăng-kỳ đã đưa ra một phương pháp khá đặc biệt, trước tiên giản lược án lệ xử lý trường hợp Nhân sự (tr. 428b11-29), sau đó dạy rõ, người giỏi trì luật (Upholder of the Vinaya [Vinayadhara]) mới biết mọi việc để giải quyết xử lý hành vi phạm giới của người khác (tr. 428c1-17). Nhiên hậu liệt kê giải thích những việc liên quan trong vấn đề này (trách nhiệm tỳ-kheo làm người xử trị): như một tỳ-kheo giỏi trì luật (thành tựu 4 đến 14 pháp, tr. 428c17 – 429a22); có tội và không tội (tr. 429a22 – 431c28); che giấu và không che giấu (tr. 431c30 – 432b24); phát lộ và không phát lộ (432b15 – c7); cho biệt trú hay không cho [When a probation period should or should not be imposed] (trang 432c8 – 14), biệt trú, định tội không đúng pháp (trang 432c14 – 20) và biệt trú, chấp hành không đúng pháp (trang 432c20 – 26), v.v.
Kết luận của phần Skandhaka này được hình thành bởi một bản tóm tắt toàn diện, trình tự các thủ tục tố tụng như áp đặt thời gian thử thách (the probation period [parivāsa, ba-lợi-bà-sa]), áp đặt ma-na-đỏa (mānāpya)[5] và xuất tội (āvarhaṇa/extinguishing the punishment,[6] tr. 436b21 – 438b29).
Phần tiếp theo (số 5), giải thích một số trường hợp, không thể có trong pháp quy của giáo đoàn như thuật ở trước mà lại tìm thấy một vị trí án lệ thích đương, chẳng qua được sắp xếp một cách lỏng lẻo. Trước tiên thảo luận phân loại yết-ma 4 hình thức hợp pháp hay không, có thể xem phụ lục của Yết-ma sự (Karmavastu, tr. 438b29 – 439a5). Sau đó trình tự chấp hành xử phạt (giảm tội/ the remission) trong chương Bàn-đồ và Lô-hê (Pāṇḍulohitakavastu), Nhân sự (Pudgalavastu) (tr. 439a5 – b22). Hai đoạn tiếp theo được xây dựng theo kiểu kỳ dị, nội dung quan trọng hơn về luật giáo đoàn trong chương Câu-thiểm-di sự (Kośāmbakavastu) (tr. 439b22 – 440b25, và 440b25 – 441a26). Sau đó chúng ta thấy có sự điều chỉnh (regulations) xử lý[7] một tỳ-kheo phạm (guilty) ba-la-di (pārājika), vì vị này không muốn rời bỏ Tăng đoàn (tr. 441a26 – c07), và một đoạn quy định trong Diệt tránh sự (Śamathavastu, tr. 441c6 – 442a11)[8] v.v.
Luật Tăng-kỳ còn đề cập đến vấn đề sử dụng bất động sản (estates) của Tăng và kiến tạo phòng xá, sắp xếp trong chương 6. Nội dung phần này các bộ luật khác đều nói trong Skandha Phòng xá (Śayanāsanavastu). Và một số Skandhaka trong luật Tăng-kỳ như Bố-tát (Poṣadhavastu) (số 7), An cư (Varṣāvastu) (số 8), Tự tứ (Pravāraṇāvastu) (số 9), Ca-hi-na y (Kaṭhinavastu) (số 10), Y (Cīvaravastu) (số 11-13) và Thuốc (Bhaiṣajyavastu) (số 14), các bộ luật khác xếp sau Xuất gia sự (Pravrajyāvastu). Hoặc luật Tăng-kỳ tường thuật pháp Hòa thượng, A-xà-lê, bổn phận đệ tử, và nghĩa vụ đệ tử y chỉ (số 15), và việc dạy bảo sa-di (the novices) (số 16), hai phần này các bộ luật khác đều xếp trong Xuất gia sự (Pravrajyāvastu).
Các phần Skandhaka (số 7-16) của luật Tăng-kỳ hiển thị lặp đi lặp lại các sửa đổi cải biên đặc trưng, ví dụ: trong chương Kaṭhinavastu, hình thức trình bày theo dạng định nghĩa và giải thích giống nhau (tr. 452a15 – b2), hoặc giải thể các thành phần khác nhau trong chương Y (Cīvaravastu), tổ chức sắp xếp lại thành các đoạn độc lập (số 11-13).
Theo cách này, rất nhiều chương trong tác phẩm Skandhaka cổ được luật Tăng-kỳ chép lại. Nhưng các phần kết nối trước sau của Skandhaka bị phân chia, phương pháp tổ chức sắp xếp lại khiến nguyên bản thành một chuỗi các quy định biệt lập, mà hiện tại chỉ được phân tách bởi các nhóm lớn hơn, trước tiên chúng ta thấy một số quy định trong chương Thuốc (Bhaiṣajyavastu) (tr. 462c5 – 464c2). Đến mục “Phi yết-ma” (thủ tục sai/false procedure), một số truyền thuyết đa dạng bất đồng được tập hợp lại với nhau (tr. 464c7 – 470c20).
Sau chương Thuốc (Bhaiṣajyavastu), tiếp theo thâu thái sắp xếp nhiều phần lộn xộn, những mục Tạp sự (Kṣudrakavastu), Phòng xá (Śayanāsanavastu), Y (Cīvaravastu), Da thuộc (Carmavastu) v.v, trật tự mỗi chương rõ ràng biến mất.
Tôi nghĩ rằng những điều nói trên đủ có khái niệm về chất lượng, cấu trúc của luật Tăng-kỳ. Mặc dù tất cả đều có thay đổi cải biên, nhưng không thể phủ nhận luật Tăng-kỳ không có cùng một nguồn gốc như luật của các bộ phái khác mà chúng tôi xử lý. Không chỉ một phần lớn của tài liệu là cùng một nguồn gốc, mặc dầu tư liệu có bổ sung, những tài liệu này cho thấy rõ hình thức mà tác phẩm Skandhaka cổ đã gây ấn tượng với luật Tăng-kỳ. Ví dụ như duyên sự trong chương “Già bố-tát” (Poṣadhasthāpanavastu), tác giả Skandha đã tạo ra bằng cách mượn kinh A-tu-la (Asurasūtra) tái hiện cải biên dưới dạng tương tự (tr. 447b11-c2). Hơn nữa, trong sự sắp xếp của phần tư liệu này khiến chúng ta thấy những sự trùng hợp đáng kinh ngạc. Do đó, mối liên hệ duy trì đặc biệt giữa các quy định chăm sóc tỳ-kheo bệnh với quy định y phục tỳ-kheo trong chương Y (Cīvaravastu), mặc dù một số bộ phận trong luật Tăng-kỳ đã trở nên độc lập (số 11- 13). Các quy định về thâm niên (hạ lạp, seniority, 資歷, 年資), các bộ luật khác xếp trong chương Phòng xá (Śayanāsanavastu), luật Tăng-kỳ cũng thêm số bộ phận liên hệ ghi chép trong chương Phòng xá (tr. 443c4 – 445c22 và 445c22 – 446c3). Ngoài điểm tương đồng về nội dung tường thuật trên, chúng ta phát hiện kết cấu cũng giống nhau. Trong luật Tăng-kỳ cũng có ký tải sự kết tập kinh điển sau khi đức Phật nhập diệt. Giữa hai kỳ kết tập, luật Tăng-kỳ sáp nhập thêm phổ hệ truyền thừa của các vị tổ sư.
Tổng hợp lại để luận chứng, chúng ta có thể suy định, luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) “xuất thân” từ thiên Skandhaka cổ xưa, và có sự khác biệt đặc hữu, chẳng qua do cải biên tổ chức lại sau này.[9]
Dịch xong tối thứ 6, ngày 15 tháng 5 năm Tân sửu (24/06/2021)
______________
[1] Trong phần này, luật Tăng-kỳ còn đề cập truyện trưởng giả A-na-bân-để (阿那邠坻, Skt. Anāthapiṇḍada, Cấp Cô Độc) phụng cúng cho Phật tinh xá Kỳ viên (Jetavana). (Lẽ ra phần này) thuộc Skandhaka Phòng xá (Śayanāsanavastu). (Tứ phần iv, Skandhaka i. Phòng xá).
[2] 《摩訶僧祇律》卷24, T22, no. 1425, p. 420, a12-18: Bốn loại đại thần: 1. Hoặc có danh mà không có bổng lộc; 2. Hoặc có bổng lộc mà không có danh; 3. Hoặc vừa có bổng lộc vừa có danh; 4. Hoặc không có danh, không có bổng lộc 臣者四種:或有名而無祿、或有祿而無名、或有祿有名、或無名無祿.
[3] Kośāmbakavastu trong luật Tăng-kỳ, tr. 439b22 – c24, tr. 440b26-c19.
[4]《摩訶僧祇律》卷24, T22, no. 1425, p. 425, a10: Phát hỷ yết-ma 發喜羯磨, Xin lỗi cư sĩ, yết-ma hòa giải/pratisaṃharaṇīya, hạ ý yết-ma 下意羯磨.
[5] Ma-na-đỏa 摩那埵: Skt=Pāli. Mānatta, Hán dịch là ý hỷ, duyệt chúng ý (làm đẹp lòng mọi người), chiết phục cống cao… A temporary degradation of a monk.
[6] Udayin: āvarhaṇa, removal, freeing the monk from the penances/ loại bỏ, giải thoát tu sĩ khỏi đền tội. Xuất tội 出罪, Tăng-kỳ: A-phù-ha-na 阿浮呵那. Pāli: abbhāna, sự phục hồi.
[7] 《摩訶僧祇律》卷26, T22, no. 1425, p. 441, a26-27: Dữ ba-la-di học hối 與波羅夷學悔.
[8]《摩訶僧祇律》卷26,「p. 441, c7, mích tội tướng 覓罪相.
[9] Đáng chú ý là phần Phân biệt (Vibhaṅgha) trong luật Tăng-kỳ (trang 334c27 tt) có chương khởi đầu là Câu-thiểm-di sự (拘睒彌, Kośāmbakavastu), khi biên tập lại mô hình tác phẩm Skandhaka đã lượt bỏ. Do đó có ngụ ý rằng luật Tăng-kỳ vẫn đang được bảo tồn ở dạng sơ khai (hình thức thời kỳ đầu).*