Hoàn vũ xoay vần, vạn vật sinh thành lại suy hủy theo một nguyên lý trật tự hữu hình hữu hoại, nhưng đôi khi có những thứ hữu hình chịu biến dịch theo thời gian để tồn tại và vĩnh cửu. Biên niên sử ký tải, lời của đức Thế Tôn trải qua thời kỳ ký ức truyền khẩu, đến khi thành văn tự định hình nhiều ngôn ngữ, tiếp tục được biên chép qua nhiều thế hệ; rồi người hoằng đạo mang đi bằng đường bộ, dấu chân của họ in khắp nẻo đường truyền giáo; hay theo thương thuyền vượt biển nghìn trùng, bất chấp sống chết, mang lời dạy của Thế Tôn đến nơi mình đến. Lớp bụi thời gian có làm mờ phai đi mọi ý nghĩa cuộc sống, nhưng ngữ ngôn Phật dạy vẫn đọng lại trên giấy mực, qua phương ngôn bản địa, được người hành và người dịch kế tục lưu truyền. Ký ức được viết lại, nó miên viễn và vĩnh hằng.

Hòa thượng Thích Phước Sơn “quảy dép” về Tây vào ngày 16 tháng 4 (nhuận) Âm lịch, đúng ngày chư Tăng nhập hạ an cư. Ngày này gợi lại trong tôi một kỷ niệm, một “món nợ” mà tôi ước thúc trong tư tưởng với Hòa thượng cho đến nay. Giữa tôi và Hòa thượng rất thiết thân, không phải thiết thân như pháp lữ đồng đạo, hay bằng hữu đối ẩm pháp đàm, không dám thế, chỉ thiết thân theo duyên “sư-trò”, trùng phùng trên con đường dịch thuật. Từ tình thân thiết đó mà tôi hay gọi Hòa thượng là “Ôn”. Duyên gặp nhau thế nào như sợi tơ trời trong ký ức, như đèn dầu khi tỏ khi mờ, thôi cho tôi đi ngay vào chuyện “nợ”!

Theo Toàn tập Thích Phước Sơn ghi lại, Ôn trước tác lẫn dịch thuật gồm 16 tác phẩm. Trong đó, bộ luật Ma-ha Tăng-kỳ là tác phẩm mà Ôn dày công và thiết thạch với nó mới thành định bản lưu hành cho đến nay. Từ tác phẩm này chính mối manh khiến tôi “mắc nợ” với Ôn. Truyền thống sinh hoạt của Ôn thường trước khi vào hạ, Ôn ra Nha Trang tắm biển nghỉ dưỡng vài hôm, tại tịnh thất cũ của Ôn Trí Thủ, ngay lưng đồi Trại Thủy thuộc Phật học viện Hải Đức xưa. Cũng nơi đây, Phạm Công Thiện đã lưu lại hai câu thơ rất nổi tiếng, ai ai cũng nằm lòng, không phải thi nhân mới thuộc, người bình thường cũng thuộc, truyền nhau từ thời ông và cho đến sau này:

“Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Cây khế đồi cao trổ hết bông.”

Chính nơi đây bản thảo luật Tăng-kỳ được đọc đi đọc lại nhiều lần… Trong lời Tựa bản luật Tăng-kỳ Ôn viết: bắt đầu dịch ngày 29 tháng 1 năm 1996, rồi hoàn tất năm nào Ôn không nói. Cuối lời Tựa, Ôn ghi Thiền viện Vạn Hạnh, ngày 4 tháng 1 năm 2000. Nhưng chính tôi rõ, Ôn dịch vào năm 1996, đến năm 2000 là xong. Năm này, Ôn Đỗng Minh cho in với hình thức photocopy, gửi tặng các trường Phật học và một số chùa… Lần ấn tặng này chưa phải là bản dịch lưu hành chính thức, vẫn là “Cảo bản”.

Sau năm 2000, bắt đầu câu chuyện của tôi và Ôn. Tôi không nhớ năm 2001 hay 2002, trước mùa an cư chừng một tuần hay 10 ngày, Ôn ra Nha Trang, nhờ tôi (từ chùa Long Sơn) qua Hải Đức đọc bản Việt (luật Tăng-kỳ) để Ôn dò bản Hán. Tôi đọc được hai buổi sáng. Hôm sau, cậy chỗ thâm tình đâm ra nhờn, cứ nghĩ kiểu “hàng xóm láng giềng” nhờ nhõi không đáng, xem nhẹ “trách nhiệm lịch sử”, cứ thế lặng luôn không qua nữa. Năm 2003, bộ Ma-ha Tăng-kỳ được ấn hành. Việc bộ luật ra mắt độc giả thật đáng mừng. Riêng tôi, chuyện quá khứ giúp Ôn dở dang còn đó, thẹn lòng món nợ mãi thiếu chưa trả.

Thời gian thấm thoát, thỉnh thoảng đi vào Sài Gòn ghé thăm Ôn. Thấy cuộc sống của Ôn nhẹ nhàng trên những khoảng lặng yên bình lúc tuổi xế chiều, cặm cụi viết lách, biên dịch. Làm tôi nhớ đến câu đối mà Ôn trích dẫn của vua Trần Thái Tông, đăng trong tập báo Giác ngộ:

“Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường.
Phú quý kinh nhơn, nan miễn vô thường nhị tự.”

(功 名 蓋 世, 無 非 大 夢 一 場
富 貴 驚 人 ,  難 免 無 常 二 字)

Nguồn gốc câu đối trong Phổ khuyến phát bồ-đề tâm, Trần Thái Tông viết:

“Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường; phú quý kinh nhơn, nan miễn vô thường nhị tự. Tranh nhơn tranh ngã đáo để thành không; khoa hội khoa năng tất cánh phi thực; phong hỏa tán thời vô lão thiếu.”

(功 名 蓋 世, 無 非 大 夢 一 場; 富 貴 驚 人,  難 免 無 常 二 字. 爭人爭我到底成空; 誇會誇能畢竟非實; 風火散時無老少)[1]

“Công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài;
Phú quý kinh người, khó tránh ‘vô thường’ hai chữ.
Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không.
Khoe giỏi khoe hay, rốt cùng chẳng thật.
Tứ đại rã rời thôi già trẻ.”

Nhắc lại không phải khen bài báo Ôn viết hay, vì cả nội dung bài báo tôi không nhớ gì, chỉ ấn tượng câu đối mà thuộc lòng mãi đến giờ. Thoạt kỳ thủy không ai sống để mong người khác khen mình. Tôi may mắn được ở bên cạnh nhiều vị Tôn túc, người thật việc thật, họ lấy chữ nghĩa làm thú tiêu dao của bậc ẩn sĩ; dịch kinh tạng như chốn đạo nhân du hý. Thấy mà thích, thêm cái nghiêng mình bái phục! Ôn cũng không ngoại lệ. Một đời Ôn sống: có ẩn hiện thấp thoáng qua câu đối đó.

Đến thời gian lâm bệnh, Ôn không ngồi làm việc được nữa, lần này đến thăm Ôn, tôi lại hứa sẽ chú thích bộ luật Tăng-kỳ cho Ôn. Ôn đồng ý rất vui. Và lần cuối cùng, chiều mùng 9 tháng giêng năm Canh tý (2020), tôi và thầy Nguyên An đến thăm Ôn. Ôn đang nằm, rất yếu, không nói chuyện được. Tôi và thầy Nguyên An hứa một lẫn nữa: “Khi nào rảnh, tụi con sẽ chú thích bản luật Tăng-kỳ cho Ôn”. Ôn cười nhẹ. Cái cười không biết có nghĩ, thằng này hiếu sự, nhập nhằng, ưa hứa!?

Tôi đã nợ Ôn, “món nợ” cứ khất nhiều lần, từ lúc sống cho đến lúc Ôn tịch.

Còn một “món nợ” nữa, nợ này tôi giữ trong lòng chưa nói ra. Nhân đây viết lại đôi dòng bộc bạch. Năm 2017, thầy Tuệ Sỹ an cư tại suối Thạch khê, xã Diên lâm, huyện Diên khánh, tỉnh Khánh hòa. Thầy dạy tôi và Nguyên An dịch bộ Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da dược sự (18 quyển, T24n1448), thầy chú thích, hiệu đính. Năm đó thầy cũng gợi ý cho chúng tôi làm trang Web, hay tổ chức viết Tập san chuyên về luật học, để Tăng ni nghiên cứu học hỏi. Tuy chúng tôi không thực hiện được như ý thầy chỉ dạy nhưng vẫn là nguồn động lực giúp tôi bắt đầu viết về luật, nghiên cứu tìm hiểu dòng truyền thừa Luật tông Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka) tại Việt Nam. Rằm tháng bảy năm đó, tôi viết liên tục đăng trong Phật học luận tập Hương tích, từ số 2 đến số 6. Nay đã bốn năm, tôi tìm dấu vết truyền thừa từ đất Ấn đến Việt Nam, tại Việt Nam chỉ mới thời Khương Tăng Hội. Tôi định bụng, khi viết đến thời cận đại sẽ đề cập đến những tông sư trì luật như Ôn Đôn Hậu, Trí Thủ, Đỗng Minh, Tuệ Sỹ, và Ôn (Thích Phước Sơn) v.v…

Tất cả “món nợ” của Ôn, tôi đang trả và sẽ trả. Nói vậy chứ tất lòng của hậu thế phải làm những gì mà tiền nhân chưa làm xong. Làm trong bổn phận, làm trong sứ mệnh. Như quý Ôn đã sống và làm.

Tôi và Ôn, người tóc bạc kẻ xuân xanh, hai thế hệ cách biệt mà nhiều kỷ niệm. Người Ôn sống thế nào chỉ có gặp mới biết, chỉ có gần mới hiểu.

“Xin mãi mãi ngát hương thời nguyên thủy
Một màu trăng dù trời lộng bốn mùa.”

Chùa Long Sơn, Nha Trang
Mùa an cư, tiết Tiểu thử – Pl. 2564 (Dl. 2020)
Bhikkhu Cittacakkhu


[1] Thái Tông hoàng đế ngự chế khóa hư kinh, dịch giả Thiều Chửu diễn nghĩa, Nxb Hưng long, 1961, tr. 28.

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version