Khi viết về Kết quả của Thời Bắc Thuộc, Trần Trọng Kim xác nhận lại nhờ “nghị lực riêng” và “tính chất riêng” nên người Việt Nam đã giành được độc lập. Ông cũng công nhận người mình vẫn chịu ảnh hưởng của Tàu trong sự học vấn và cách cai trị, theo đường lối Nho Giáo.
Trong ngàn năm Bắc thuộc, các triều đình nhà Hán, nhà Đường đều muốn Hán hóa dân Giao Châu, như từng áp dụng tại Hồ Nam, Phúc Kiến hay Quảng Đông. Họ muốn thay đổi phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cho tới y phục, tóc, răng của đám dân bị trị. Nhưng đó là những công việc “bình thường” của đám quan cai trị, không cần một chương trình đặc biệt nhằm tiêu diệt văn hóa địa phương. Chính quyền trung ương ở Trường An vẫn coi thường trình độ của các nhóm dân “man di.” Họ có thể tin rằng lối sống “kém văn minh” của đám “mọi” này sớm muộn sẽ thay đổi; mà dù thay đổi chậm chạp thì cũng không gây khó khăn cho sứ mạng bình thiên hạ của các hoàng đế.
Đến thế kỷ 15, Minh Thành Tổ đứng trước một hoàn cảnh khác. Trước hết, nước Đại Việt đã độc lập năm trăm năm, ông vua của họ vẫn được các hoàng đế Tống, Nguyên, Minh công nhận và phong vương hiệu. Hơn nữa, quốc gia độc lập này đã từng đánh bại quân Tống, quân Nguyên. Và người dân Việt đã phát triển việc giáo dục, tổ chức thi cử, tuyển chọn quan lại, phong cách triều chính không thua gì bên Trung Quốc. Minh Thành Tổ có thể nhìn thấy nếu muốn cai trị xứ Đại Việt trong thời gian lâu dài, ngăn chặn mọi mầm mống “phản loạn” thì phải thi hành một chính sách đồng hóa triệt để.
Nhưng dù nhà Minh đã thất bại, người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt trong nền giáo dục và thuật cai trị.
Người Việt học được những gì?
Ảnh hưởng trong ngôn ngữ thấy rõ nhất: Dân Việt đã đem rất nhiều Chữ Hán Việt vào trong kho từ vựng gốc Môn-Khemr và tiếng Tày-Thái. Nền tảng của tiếng Việt không đổi nhưng kho từ vựng đã giầu lên gấp đôi.
Chữ Hán do người Trung Hoa sáng chế, tổ tiên chúng ta thu nhận, sử dụng và đồng hóa, gom được mấy chục ngàn tiếng mới biến thành tiếng nước mình, truyền lại cho con cháu dùng. Nhưng nếu người Hán không xâm chiếm nước ta thì dân Việt Nam chắc vẫn tìm học và sử dụng chữ Hán Việt. Nhìn vào các nước Á Đông khác, chúng ta có thể hiểu điều đó.
Nước Nhật chưa bị người Trung Hoa đô hộ ngày nào, nhưng chữ Hán chiếm một nửa số tiếng Nhật thông dụng. Ở nước Nhật một học sinh qua bậc tiểu học đã phải biết chữ Hán, học hết trung học phải biết vài ngàn chữ, tất cả được quy định trong chương trình giáo dục. Học sinh tiểu học ở Nhật nhìn những chữ người Tàu viết phải biết đọc lên theo lối Nhật, phải hiểu nghĩa. Họ còn phải biết cách viết chữ đó, viết đúng thứ tự, có 10 nét thì nét nào viết trước, nét nào viết sau. Người Nhật 99 phần trăm “biết chữ” có nghĩa là biết vài ngàn chữ Hán. Nếu không thì cầm tờ báo cũng không đọc được hết!
Nhưng người Hán không sang chiếm nước ta với mục đích giáo dục! Họ dậy người Việt chữ Hán vì nhu cầu cai trị. Và đây cũng không phải là một chương trình truyền bá ngôn ngữ hay phổ biến tư tưởng mà chỉ do nhu cầu thống trị. Ngay tại Trung Quốc từ đời Xuân Thu, những người “đi học” đều nhắm mục đích “làm quan,” khi tham dự vào tầng lớp “Sĩ.” Từ thế kỷ thứ Ba trước Công Nguyên, nhà Hán đề cao Khổng Giáo, “đi học” có nghĩa là học thuộc kinh sách Khổng, Mạnh.
Trong thời Hán thuộc, các thái thú, thứ sử dậy chữ Hán cho những người Việt cộng tác với họ; nhiều người Việt đi học để được dự vào guồng máy cai trị. Những viên quan biết khuyến khích người bản xứ đi học được dân kính trọng. Những nho sĩ bên Tàu chạy tị nạn sang nước ta cũng mở trường.
Một trong những người học chữ Hán và được bổ làm thứ sử Giao Chỉ, khoảng năm 185-187, là Lý Tiến. Thời đó chưa có chế độ thi tuyển, các học vị và chức quan đều do các quan lại địa phương suy cử. Nhưng Lý Tiến thất vọng, nhà Hán chỉ cho người Việt được suy cử vào trình độ học của “mậu tài” hay “hiếu liêm.”
Lý Tiến học và tin vào lý tưởng đại đồng, thiên hạ nhất gia của Khổng Giáo. Nếu người Lạc Việt đều tin tưởng giống ông thì chắc bây giờ chúng ta là dân Trung Quốc hết. Ông phản đối chính sách “đối xử phân biệt” chỉ bổ nhiệm dân Giao Chỉ làm quan ở quê hương họ thôi, không được sang làm quan bên Tàu!
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 200, Lý Tiến dâng sớ than phiền rằng những người tài giỏi ở các châu biên cảnh không được trọng dụng như người “trung châu.” Vua Hán đáp ứng yêu cầu đó một cách thuận lợi. Nhưng khi thi hành thì các quan trong triều cản trở. Có người Việt đi lính cho nhà Hán và được thăng tiến, cũng tin vào chủ nghĩa “đại đồng” như Lý Tiến. Toàn Thư chép chuyện “người nước Việt ta là Lý Cầm, đang làm túc vệ trong cung vua Hán, đã cùng năm sáu người đồng hương‘ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm thiết,” xin bãi bỏ chính sách kỳ thị này.
Những thỉnh cầu trên cũng có kết quả. Một ông Mậu Tài xứ Giao Chỉ được phong làm “quan lệnh” ở Hạ Dương, một ông Hiếu Liêm làm quan ở Lục Hợp; một người Giao Chỉ khác tên là Trương Trọng được làm thái thú ở Kim Thành, một chức vụ khá cao trong guồng máy hành chánh. Riêng Lý Cầm được trọng đãi nhất, lên đến chức Tư lệ Hiệu úy trong triều đình. Nhưng nói chung, người Giao Châu có cố gắng học tập cũng không có “cơ hội bình đẳng” để được trọng dụng như người Trung Hoa. Dưới chế độ nhà Đường, ngoài gia đình Khương Công Phụ, rất ít người Việt được sang Tàu ứng thí, càng ít hy vọng được sử dụng trong quan trường.
Số phận đó khiến nhiều người Giao Châu bất mãn. Trong Tạp Chí Văn Học năm 1975, tìm hiểu một số thơ văn thời Bắc thuộc; Trần Nghĩa đã nghiên cứu một bài thơ của một người ở Châu Giao, từng sang Tầu thi đậu tiến sĩ là Liêu Hữu Phương. Bài thơ của Liêu Hữu Phương kể chuyện một người học trò sau khi thi rớt đã chết trong quán trọ tại kinh đô Trường An. Liêu Hữu Phương đã bán ngựa của mình để chôn cất người học trò xấu số đó. Trần Nghĩa bàn rằng chắc họ Liêu cũng cảm thương số phận của nhiều “du sinh” người Việt đi tìm cơ hội làm quan ở bên Tàu nhưng thất vọng.
Những câu chuyện trên chứng tỏ có nhiều người Việt thực tình muốn hội nhập nhưng không thành công. An Nam Chí Lược nhắc đến một bản phúc trình gửi về triều đình nhà Đường, năm 845, viết: “Đất An Nam không có hơn tám người được cử làm quan; số đậu cao không quá mươi người.”
Việc đi học, trong xã hội Trung Hoa cổ truyền, nghĩa là học Nho Giáo. Nho giáo xây dựng một hệ thống cai trị cho cả nước Tàu, được áp dụng ở những nơi người Hán chiếm đóng. Các quan lại đời Hán, Đường dậy Nho Giáo cho dân Giao Châu vì cần người cộng tác. Nhưng học Nho Giáo cũng có nghĩa là học một cách sống.
Đóng góp quan trọng nhất của Nho Giáo là đặt các quy tắc luân lý làm trọng tâm trong công việc giáo dục; người đi học là học cho nên người. Ngoài những quy tắc đạo đức, người đi học còn phải thuộc các tấm gương sống thật trong sử sách Trung Hoa. Đây là một ảnh hưởng tốt còn lại sau thời Bắc thuộc.
Khi Trần Hưng Đạo cần khích lệ tướng sĩ liều chết chống giặc Nguyên, ông đã nêu những tấm gương các “trung thần nghĩa sĩ” học trong sử Trung Hoa; như Kỷ Tín (chết thay cho Lưu Bang), Dự Nhượng (quyết báo thù cho Trí Bá), vân vân. Nếu các tướng sĩ thời đó không từng nghe kể chuyện Hán Sử hay Chiến Quốc Sách thì làm sao truyền đạt được cho họ những lời hiệu triệu này? Trong bài “Kẻ Sĩ” của Nguyễn Công Trứ, chúng ta thấy tư cách và cuộc đời hoạt động của cụ là kết quả của một nền giáo dục dựa trên Khổng Giáo. Nền giáo dục đó đào tạo những mẫu người như Chu An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Thanh Giản, tổ tiên chúng ta cũng muốn học để áp dụng ngay trong cuộc sống của mình? Nền giáo dục Nho Giáo cũng tạo nên những chiến sĩ như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, cho tới Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh sau này; tư cách của họ đáng ngưỡng mộ ngàn năm. Giáo sư Nguyễn Quốc Trị, trong sách Third-World Development (1989), nhắc đến những vị tướng miền Nam tự sát khi thua trận năm 1975 như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, nhiều sĩ quan và binh sĩ khác, cùng giới dân sự như Luật sư Trần Chánh Thành. Nguyễn Quốc Trị giải thích những hành động này là do Khổng Giáo trong văn hóa Việt Nam. Dù những người tuẫn tiết đó có thể không trực tiếp học Nho giáo; họ chỉ cần đọc sử Việt Nam, biết chuyện Ngô Tòng Châu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương từng lấy cái chết để đền “nợ nước,” họ đã thấm nhuần Nho Giáo rồi.
Ở Á Đông, các nước Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore còn giữ được nền giáo dục theo truyền thống đó; các nước này đều thịnh vượng và xã hội hòa hợp như chúng ta thấy. Trong cuốn Confucius Lives Next Door, nhà báo T. R. Reid kể chuyện khi ông sống ở Tokyo trong bẩy năm đã cho con học tại các trường tiểu học địa phương. Reid nhận xét: “Bài học lớn nhất mà các con tôi lãnh hội được từ trường học ở Nhật Bản là một thứ mà chúng tôi trước đó không hề nghĩ tới. Các con tôi đã được dậy để thành những ông ‘Khổng Tử nho nhỏ. ’ Ngôi trường công lập đó (Trường Yodobashi số 6 ở Tokyo), giống như tất cả các trường khác ở Châu Á, dùng hầu hết thời giờ, năng lực để dậy trẻ em các bài học luân lý như: Phải tôn trọng công ích; hãy cư xử đúng quy củ trong xã hội và tập thể của mình.”
Reid kết luận: “Nhà trường ở các xã hội Á châu cũng dậy đọc, dậy viết, dậy toán, khoa học, vân vân, nhưng đồng thời họ cũng đào tạo những công dân sống theo các quy tắc luân lý Khổng Giáo… Điều quan trọng nhất mà Khổng Tử và các môn đồ chủ trương là ‘đức hạnh có thể đem dậy được.’ Giáo dục đạo đức là việc quá quan trọng, không thể phó mặc cho cha mẹ, cho các tôn giáo, hay các đoàn Hướng Đạo. Đó là một công việc cả xã hội phải cùng đảm đương…”
Nước Việt Nam đời trước vẫn quan niệm việc giáo dục trẻ em như thế. Mặc cảm đối với văn hóa Trung Hoa thời nay rất nặng vì dân mình nhiều lần bị người Hán đe dọa thôn tính, nền nếp văn hóa của mình nhiều lần bị đe dọa xóa bỏ để đồng hóa. Mặc cảm đó đã ăn sâu trong tâm lý tập thể, kéo dài cả ngàn năm. Vì dân mình nằm ngay dưới làn sóng bành trướng tự nhiên của Hán tộc từ sông Hoàng tràn xuống phương Nam. Nhưng sống bên cạnh một nền văn minh rực rỡ như văn minh Trung Hoa mà không được hưởng những hoa trái tốt lành của họ thì thật dại dột. Dân Hàn Quốc và Nhật Bản đều theo học các vị thầy Khổng Mạnh, Lão Trang, cho tới Hàn Phi, Tôn Tử. Không học thì uổng. Cần phải nhấn mạnh: Thu nhận văn minh Trung Hoa là một lựa chọn tự nguyện và khôn ngoan của dân Việt Nam, cũng như các dân tộc Á Đông khác; không phải vì nước ta đã bị các đế quốc Hán, Đường ép buộc.
Trong thời Bắc thuộc, những người Việt học chữ Hán cũng không nhất thiết ủng hộ chính quyền đô hộ. Khi cần, mọi người có thể đoàn kết chống các quan lại. Hoa kiều cũng tham dự, vì nhu cầu thực tế. Trước hết vì họ đều bị quan lại nhà Đường áp bức và bóc lột như nhau. Họ hiểu lòng dân oán hận; thấy người dân có khả năng lật đổ bạo quyền. Và họ hợp tác với người Việt, người góp uy tín đứng ra kêu gọi dân chúng, người góp tiền bạc để vũ trang và nuôi quân sĩ, người đóng góp bằng sức lực và khả năng chỉ huy. Những người “biết chữ” cũng góp phần bầy mưu lập kế, vì nhờ đọc sách họ hiểu rõ cách suy tư cũng như tâm lý của các quan quân Hán tộc.
Vào thế kỷ 18, những nhà hào phú tại các thuộc địa Mỹ châu cũng hợp tác với cả các sĩ quan Mỹ trong quân đội Anh hoàng. George Washington vốn là một tướng lãnh trong đạo quân thuộc địa. Những nhà lập quốc Mỹ nổi loạn chống triều đình bên Anh, không khác gì các cuộc khởi nghĩa ở nước ta vào thế kỷ thứ 10 chấm dứt thời Bắc thuộc. Đa số họ vẫn còn muốn “hội nhập” trong đế quốc Anh. Benjamin Franklin sung sướng khi được tới London, giao du với giới quý tộc Anh, thảo luận với các nhà khoa học Anh; lãnh các bằng tiến sĩ danh dự do Đại học Oxford và Cambridge tặng, và hân hạnh được tiếp đón vào Hàn Lâm Viện Royal Society!
Các nhà hào phú Mỹ ở thuộc địa lúc đầu vẫn có một ước nguyện khiêm tốn là tiếp tục làm thần dân của Anh hoàng, miễn là được đối xử ngang hàng như dân ở chính quốc. Một điều họ thỉnh cầu là có quyền bầu đại biểu vào nghị viện, như dân chúng bên Anh; theo nguyên tắc của người Anh: “Không có đại biểu dự bàn thì dân không chịu đóng thuế.” Vua nước Anh bướng bỉnh và thiển cận, bác bỏ thiện chí đó; không thể nào thỏa hiệp được nữa, các thuộc địa mới nổi dậy. Nhưng sau khi giành được độc lập, nước Mỹ vẫn tổ chức nền hành chánh và tư pháp theo tư tưởng của các triết gia người Anh, theo mẫu các định chế và tổ chức đã áp dụng bên Anh.
Người Việt Nam đã tiếp nhận ảnh hưởng văn minh Trung Hoa cũng theo lối không khác gì các nước Châu Âu tiếp nhận ảnh hưởng văn minh Hy Lạp, La Mã, Thiên Chúa Giáo. Ảnh hưởng Trung Hoa giúp cho việc bảo vệ trật tự xã hội, tổ chức chính quyền, nhờ thế nền tảng độc lập của dân Việt càng vững chắc hơn. Trong thời nước ta mới độc lập, các đời Lý, Trần thịnh trị nhất, cuộc sống còn theo phong lệ cổ, giữa vua và dân không xa cách như mấy đời sau. Những người lãnh đạo đời sau có khuynh hướng muốn mô phỏng tất cả các khuôn mẫu, điển chế thi hành bên Trung Quốc vì mục đích muốn gia tăng và củng cố quyền hành. Giữa đời Lê đã bắt đầu đi vào đường lối đó, bắt chước mỗi ngày một nhiều hơn. Tinh thần “nô lệ” thể hiện cao nhất vào đời Nguyễn, khi đạo luật Gia Long mô phỏng luật nhà Thanh; có ông vua còn bắt phụ nữ bỏ váy để mặc quần giống như người Trung Hoa. Không những triều đình mắc vào thói nô lệ mà cả trong giới trí thức cũng nhiều người mất tinh thần độc lập. Họ trọng khoa cử, từ chương, gạt bỏ những kiến thức đổi mới của Bùi Viện, các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Đó cũng là một thời kỳ suy vong của nước ta. Một dân tộc không biết chọn lựa, chỉ nhắm mắt tiếp nhận và áp dụng tư tưởng từ bên ngoài thì sẽ tự hại mình.
Nho giáo chú trọng tới luân lý gia đình và trật tự xã hội. Tư tưởng mà Khổng Tử và Mạnh Tử đưa ra có tính cách “quy phạm” (normative), khuyên người ta phải sống theo một số những tiêu chuẩn. Việc áp dụng để thực hiện các tư tưởng của hai ông thầy tùy thuộc các điều kiện xã hội luôn thay đổi. Từ học thuyết, tư tưởng chuyển thành chế độ cai trị là một con đường khúc khuỷu, chông gai, đầy cạm bẫy. Tại Trung Quốc, từ hai thế kỷ trước Công Nguyên đạo Nho chính thức được đề cao trong việc cai trị. Từ thế kỷ thứ 11, bắt đầu được thi hành theo khuôn mẫu gọi là Tống Nho, khác với tư tưởng gốc của Khổng Mạnh.
Vua quan Trung Quốc áp dụng Nho Giáo nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Vì thế họ không còn tôn trọng ý kiến mà cả hai ông Khổng Tử và Mạnh Tử đã nêu lên một cách rõ ràng trong các sách Luận Ngữ và Mạnh Tử. Nếu các người theo học đạo Nho ở nước ta biết giữ tinh thần phê phán, thì sẽ không đi lạc hướng theo họ.
Ngay sau thời Bắc thuộc, các triều đại từ nhà Đinh cho tới nhà Lý không trọng dụng Nho gia như bên Trung Hoa cùng thời gian đó, mà lại dùng các tăng sĩ. Cuối thế kỷ 14 đời nhà Trần lối cai trị của Trung Hoa được một số đại thần cổ vũ nhưng nhiều vị vua không chấp nhận. Một thế kỷ sau, đời nhà Lê, Nho Giáo mới bắt đầu chiếm địa vị quan trọng. Đến nhà Nguyễn, thế kỷ 19, Nho Giáo lên địa vị độc tôn. Vì thế, nước ta bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương cách áp dụng Nho giáo ở bên Trung Quốc; trong đó có những điều hoàn toàn không do Khổng Tử và Mạnh Tử đề ra mà chỉ theo chủ trương của vua quan muốn duy trì một chế độ chuyên chế.
Nhưng chúng ta không quên rằng Hồ Quý Ly là một nhà nghiên cứu Nho Giáo có tinh thần phê phán độc lập, chống giáo điều. Sự thất bại của ông về chính trị, cuối thế kỷ 14, khiến nhiều nhà Nho sau này chống lại cả tinh thần phê phán của ông. Hơn nữa, nước Đại Minh vào đầu thế kỷ 15 là một triều đại rất thịnh trị, khiến nhiều người thán phục, muốn mô phỏng.
Minh Thành Tổ (明成祖, làm vua từ 1403 đến 1424) là một ông vua thành công bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Muốn biết Trung Quốc lúc đó mạnh ra sao, hãy nhớ lại hình ảnh trước đây 600 năm, đoàn tầu biển của Đô đốc Trịnh Hòa với 50, 60 chiếc thuyền chở 27 ngàn người, đi vòng quanh Đông Nam Châu Á, ghé Ấn Độ, bán đảo Á Rập, qua tận Phi Châu, tới đâu giao hảo, tặng quà đến đó. Nếu dân Việt tiếp tục bị nhà Minh đô hộ Việt Nam cho tới khi bị quân Thanh lật đổ, thì sau vài trăm năm không biết có còn nước Đại Việt hay không! Nhờ cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi giành lại quyền tự chủ, dân Việt đã thoát nạn đồng hóa.
Ảnh hưởng Nho Giáo bắt rễ rất sâu trong thời gian quân Minh chiếm nước ta. Họ bỏ tên Đại Việt, dùng lại tên Giao Chỉ; cai trị như một quận của nước Tàu. Chỉ trong vòng 20 năm, họ tính xóa sổ nền tảng văn hóa của dân tộc Việt. Họ kiểm soát văn hóa, tư tưởng. Một phần ba các cơ quan chính quyền lo việc tôn giáo, như Ty Âm Dương học, Ty Tăng cương, Ty Đạo hội, vân vân. Họ đưa các đạo sĩ và thầy cúng, cả thầy bói từ Trung Quốc qua sống với dân Việt. Trường dậy Theo An Nam Chí Nguyên, trong địa phận Giao Chỉ với 5. 2 triệu dân họ lập ra 14 trường cấp phủ, 34 trường cấp châu và 113 trường huyện. Đó là một chiến dịch “cải tạo tư tưởng” được chỉ huy từ Bắc Kinh một cách có hệ thống! Vua Minh còn muốn xóa bỏ tất cả các di sản văn hóa, đốt sách do người Việt sáng tác để “tẩy não” triệt để.
Chúng ta nhớ lại rằng lần sau cùng đoàn quân phương Bắc phải rút khỏi nước ta là vào thế kỷ thứ mười, khi quân Nam Hán bị Ngô Quyền đánh bại. Từ đó đến khi quân nhà Minh xâm lăng đã cách xa gần năm thế kỷ. Năm thế kỷ trôi qua từ khi quân Nam Hán thua trận phải rút về mà một ông hoàng đế Trung Hoa vẫn còn nuôi tham vọng tái chiếm và thi hành chương trình xóa bỏ nếp sống của dân Việt, đào tận gốc rễ văn hóa để vĩnh viễn đồng hóa toàn thể dân Việt! Chẳng trách được từ đó tới nay, dân Việt Nam biết mình phải luôn luôn đề phòng một ông Minh Thành Tổ thứ hai hay thứ ba tái xuất hiện!
Truyền bá Nho Giáo
Các triều đại Trung Hoa đời trước không có chủ trương rõ rệt như vua nhà Minh. Đời Hán, Tích Quang được sử gia nêu công dậy lễ giáo dân Giao Chỉ; chắc vì ông ta là một thái thú đầu tiên làm công việc huấn luyện lớp thư lại bản xứ để sử dụng. Có lẽ nhu cầu này chỉ nẩy ra sau khi dân số đã gia tăng đáng kể. Nhất là sau khi nhà Tây Hán áp dụng chính sách trực tiếp cai trị, thay đổi cả guồng máy quản lý xã hội của các các lạc tướng vẫn theo nền nếp thời Hùng Vương để lại. Các quan nhà Hán không chủ trương dậy Khổng Giáo, họ dậy Nho Giáo vì nhu cầu đào tạo thư lại.
Khi Mã Viện giết các thủ lãnh người Việt và bắt hàng trăm người “cừ soái” đem sang Tầu, trong “guồng máy hành chánh và tư pháp” có một khoảng trống cần được bổ xung bằng những người mới, huấn luyện theo quy củ mới. Do đó, các thái thú, thứ sử cần huấn luyện thêm nhiều thư lại gốc địa phương giúp làm sổ đinh, điền, và truyền bá luật lệ mới cho dân theo. .
Muốn huấn luyện thư lại người ta chỉ cần dậy đọc, dậy viết chữ Hán là đủ. Nhưng thời xưa không có phương pháp “dậy ngoại ngữ;” cũng không có sẵn “sách giáo khoa” như bây giờ. Cách giản dị nhất để các quan cai trị đào tạo tay chân là làm theo cách họ đã được huấn luyện. Họ đã học đọc, học viết chữ, bằng các cuốn sách có sẵn. Cho tới đầu thế kỷ 20, việc học chữ Hán ở bên Tàu và ở nước ta vẫn theo lối đó. Học sinh học thuộc lòng các bài văn, từ dễ đến khó, rồi tập viết bằng cách dùng mực đen tô trên các chữ được thầy viết trước bằng son đỏ lợt. Những sách có sẵn thì gồm những kinh điển Nho Giáo và lịch sử Trung Hoa. Học chữ Hán tức là học Tứ thư, Ngũ kinh.
Có lẽ từ thời Tích Quang tới Sĩ Nhiếp việc huấn luyện thư lại đã như thế. Hậu quả là những người học chữ Hán để làm thư ký cũng được học luôn cả đạo lý Khổng Mạnh. Sau vài ba thế kỷ, khi việc tuyển dụng thư lại cần tổ chức khảo hạch hay khảo thí, thì đề tài cũng chỉ nằm trong các sách đã dùng để dậy. Cứ như thế, Nho Giáo đã được truyền vào nước ta trong thời Bắc thuộc
Trong những thế kỷ đầu, việc dậy chữ Hán và kinh điển Khổng Mạnh chắc chỉ giới hạn, không lan ra ngoài dân chúng. Người dân bình thường tiếp nhận ảnh hưởng Nho Giáo vì sống bên cạnh các Nho sĩ từ bên Trung Quốc chạy sang Giao Châu lánh nạn. Họ có thể mở trường dậy học, làm nghề thầy thuốc, thầy địa lý, sống bên cạnh dân địa phương. Ngoài ra, các tay thư lại về hưu cũng có thể mở trường dậy học, góp phần vào việc truyền bá Nho Giáo.
Trong dân chúng bình thường, ảnh hưởng của Nho Giáo chỉ nằm trong phạm vi luân lý, đạo đức. Người Việt học những điều như Nhân, Nghĩa, Trung, Tín từ Nho Giáo, qua những “khẩu hiệu” dễ nhớ, bổ sung cho luân lý cổ truyền và Phật Giáo. Đó là những các quy tắc cư xử trong xã hội, nếu các ông Khổng, Mạnh không đề nghị thì thế nào cũng tới lúc mọi người phải nghĩ ra, để sống với nhau trong trật tự an hòa. Trong các nền văn minh khác người ta cũng đặt ra các nguyên tắc ăn ở tương tự. Điều đặc biệt của Nho Giáo là họ không bảo mọi người phải theo các quy tắc của Khổng, Mạnh vì mục đích muốn đạt được lợi lộc tối đa (duy vật); cũng không phải vì sợ các thần linh trừng phạt nếu không tuân theo (duy thần). Các quy tắc sử thế của Nho Giáo chỉ dựa trên quan hệ giữa con người trong xã hội. Chúng ta nên ăn ở với nhau có Nhân, Nghĩa; nên giữ gìn đức Trung, Tín; vì chúng ta đều là người, thế thôi. Người Việt Nam học và áp dụng Nho Giáo như một “đạo sống làm người.”
Nhà Đường thi hành chính sách mạnh hơn trong lãnh vực hành chánh và giáo dục. Hệ thống cai trị đặt tới cấp huyện, cấp hương, ở trên cấp xã. Các kỳ thi tuyển được mở ra cho dân Giao Châu tham dự. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, gia đình họ Khương, gốc từ Thanh Hóa, ba cha con Khương Văn Đĩnh, Khương Công Phụ, Khương Công Phục đều qua bên Tàu dự thi, đậu tiến sĩ. Khương Công Phụ đậu năm 784, sau làm quan ở kinh đô nhà Đường lên đến hàm tể tướng. Việc học phát triển tạo ra nhiều nhân tài đến nỗi, theo An Nam Chí Lược, vào năm 845 nhà Đường ra lệnh hạn chế, chỉ thị số thí sinh Giao Châu tới Trường An dự khoa thi Tiến Sĩ không được quá 8 người, thi Minh Kinh không được quá 10 người.
Nhưng tầng lớp người “có học” ở nước ta lúc đó không phải chỉ có các nhà Nho do người Hán đào tạo. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, các tăng sĩ ở Việt Nam, người Việt hay người Trung Á và Ấn Độ chắc đã tự đi học chữ Hán để dịch kinh. Các nhà sư này thành một lớp người “trí thức bản xứ” không ở trong hệ thống cai trị. Cho nên, khi nền tự chủ bắt đầu, các thiền sư như Viên Thông, Ngô Chân Lưu, Đạo Hạnh, làm cố vấn cho các ông vua vẫnthường dùng các khẩu hiệu chính trị Nho Giáo. Nhà sư Viên Thông dùng những khái niệm “quân tử, tiểu nhân” trong Nho Giáo. Trong lời khuyên vua Thần Tông nhà Lý, Viên Thông viết: “Tôi trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa bao giờ không dùng bậc quân tử mà hưng lên được, chưa bao giờ không dùng bọn tiểu nhân mà lại suy vong; mà sự hưng vong đó không phải một sớm một chiều mà xẩy ra…” (Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử). Ý tưởng “không phải một sớm một chiều mà xẩy ra” diễn tả diễn biến lịch sử theo nguyên văn trong Kinh Dịch, mặc dù cũng phù hợp với thuyết Nhân Duyên Sinh trong Phật Giáo.
Một thí dụ khác là Trần Thái Tông. Ông có chí đi tu, đã bỏ ngai vàng đi ở chùa; nhưng vẫn biết cần sử dụng Nho Giáo khi trị nước. Trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam Thái Tông nói phải học cả Phật lẫn Thánh: “Phương tiện để mở lòng mê muội, con đường soi rõ sự sống chết là đại giáo của đức Phật. Còn việc giữ cán cân làm tiêu chuẩn, làm khuôn phép cho đời sau, là trách nhiệm nặng nề của Tiên Thánh vậy.” Hai chữ Tiên Thánh, những vị Thánh đời trước, là danh hiệu quen thuộc dành cho Khổng Tử và Mạnh Tử. Vua quan nước Việt học Nho Giáo vì nhu cầu quản trị nước; chứ không vì bị ai cưỡng ép.
Đó cũng là điều tự nhiên. Các quốc gia không hề bị người Hán đô hộ lâu, như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng theo mô hình quản lý xã hội của Nho Giáo. Cũng không khác gì các nước Mỹ, Canada, Úc, và Ấn Độ, sau khi độc lập tách khỏi đế quốc Anh, vẫn sử dụng hệ thống pháp luật và hành chánh mà Anh quốc đã tạo thành truyền thống .
Trong những thế kỷ đầu xây dựng nền tự chủ, triều đình dùng Nho Giáo vì nhu cầu quản lý một quốc gia mới lập. Nhưng không bắt chước đúng các thể chế của triều đình Trung Hoa. Đinh Tiên Hoàng dùng hình phạt khắc nghiệt vì mới thống nhất một quốc gia đang hỗn loạn, có thể ví với chủ trương của Pháp Gia, dù không cố ý bắt chước. Các vụ truyền ngôi từ nhà Đinh qua nhà Tiền Lý đều khác hẳn tập tục bên Tàu.
Phê phán Nho Giáo
Đời Trần, Nho sĩ đã được trọng dụng nhưng các ông vua vẫn không muốn bắt chước một cách máy móc những gì áp dụng bên Tàu. Họ nêu lý do, vì xã hội nước mình khác nước Tàu. Sử gia Phan Phù Tiên kể, đời Trần Minh Tông (1314 – 1329) các nhà Nho như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh đề nghị thay đổi “chế độ.” Minh Tông không đồng ý, đã nói: “Nhà nước đã có phép tắc nhất định, Nam Bắc khác nhau. Nếu theo những kế sách của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân sẽ sinh loạn ngay.”
Chúng ta không rõ những cải cách được các nhà Nho trên đề nghị gồm những điều nào, nhưng có thể đoán rằng nếu áp dụng thì vai trò của các Nho sĩ sẽ quan trọng hơn, ảnh hưởng của các nhà quý tộc sẽ giảm; tạo cơ hội cho “bọn học trò mặt trắng tiến thân.” Nhưng tại sao Minh Tông còn nói đến mối lo “sinh loạn ngay?”
Có thể nước ta lúc đó đang chuyển từ chế độ phong kiến sang quân chủ tập quyền, giảm bớt uy quyền và thái ấp của hàng quý tộc. Giống như vào thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, việc cải tổ gây xung đột giữa các nhà quý tộc và lớp Nho sĩ đang lên. Nho sĩ làm quản lý hành chánh chuyên nghiệp với chủ trương tập trung quyền hành vào ông vua và triều đình. Các nhà quý tộc sẽ mất những quyền lợi đang hưởng, như được miễn thuế trên các thái ấp rộng, được nuôi nhiều nô lệ, có thể dùng như binh sĩ riêng. Vua nhà Trần phải làm trọng tài trong cuộc tranh giành ảnh hưởng này; và sau cùng chắc đã đứng về phía giới quý tộc vì nếu thay đổi nhanh thì họ phản ứng sẽ “sinh loạn ngay!”
Đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372), ông lại bác bỏ đề nghị “cải cách” một lần nữa, nói rằng: “Triều trước dựng nước tự có pháp độ. Không theo chế độ nhà Tống vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước họ. Khoảng năm Đại Trị bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của chế pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo phong tục phương Bắc, như về y phục, nhạc chương, kể ra không hết.” Đại Trị (1358-1369) là một niên hiệu đời Trần Dụ Tông.
Điểm đáng chú ý nhất là lý do được Trần Dụ Tông nêu giải thích tại sao không muốn cải cách theo chế độ bên Tàu. Ngài viết rằng nước mình đã “có phép cũ của tổ tông, không nên bắt chước họ.” Lại nói thêm: “Nam Bắc khác nhau, mỗi bên làm chủ nước mình.” Ông đã biện luận bằng phép tắc, phong tục của cha ông, đề cao ý thức tự chủ.
Chắc hẳn tấm lòng tự hào về truyền thống tổ tông đã được nuôi nấng từ lâu trong đầu người dân Việt, ngay từ thời Bắc thuộc. Lòng tự hào tự nhiên phát sinh ra vì tinh thần đối kháng. Một ông vua như Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi đặt tên nước là “Đại Cồ Việt,” trong đó chữ Cồ là tiếng nước mình, hoàn toàn nôm na. Ba trăm năm sau, vẫn còn những ông vua đời Trần cương quyết bảo vệ “chế pháp của tổ tông” cho thấy tấm lòng tự hào đó vẫn còn sôi nổi. Nhất là sau khi dân mình đã ba lần kháng chiến chống quân Nguyên, vất vả đến nỗi Trần Nhân Tông nhìn thấy những con ngựa đá cũng bùn đất bám chân!
Các nhà Nho như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát chứng kiến các “tiến bộ” trong hệ thống tuyển chọn bằng thi cử bên Trung Quốc; cho nên muốn nước ta “theo kịp” người phương Bắc. Chắc những đề nghị mới để thay đổi triều nghi, lễ tiết, âm nhạc cũng tốn kém và xa hoa hơn, khác với truyền thống kiệm giản ở triều đình nước ta đời trước; cho nên các vua Trần lấy cớ đó từ chối. Sau khi lật đổ nhà Trần, Hồ Quý Ly đã thực hiện việc cải tổ, bị phản đối ngay, khiến dân Việt chia rẽ, suy yếu, bị quân Minh cướp nước.
Nếu các triều đình Việt Nam biết tiếp nhận ảnh hưởng của Nho Giáo một các “vừa phải” như trong các đời Lý, Trần, thì người Việt sẽ giữ mãi cảm tình với truyền thống Khổng Mạnh như người Nhật Bản. Điều đáng tiếc là khi vua quan nước ta đề cao Nho Giáo thì chính truyền thống Khổng Mạnh ở bên Trung Quốc đã biến chứng sinh ra nhiều điều hủ bại.
Các hoàng đế Trung Hoa lạm dụng Tống Nho để xây dựng một nền chính trị đề cao quyền của ông vua; cộng với chế độ tuyển chọn quan lại dựa trên việc thi cử khuyến khích người đi học lệ thuộc giáo điều qua những cuốn sách được coi như là chân lý. Từ giữa thế kỷ 15, nhà Nho ở nước ta đã theo những bước chân tai hại đó. Thay vì dung hợp “Tam Giáo,” họ đưa các quy tắc Nho Giáo lên thành giá trị tuyệt đối.
Bài Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận của Lê Tung viết năm 1514 (in trong Đại ViệtSử Ký Toàn Thư), biểu lộ khuynh hướng này. Lê Tung ca ngợi công trình cứu nước của các vua đời Lý, Trần, nhưng lại thêm những lời chỉ trích nặng nề về những hành động khácquan điểm Nho Giáo. Lê Tung liệt kê những “lầm lẫn” của từng vị vua, như đã xây chùa, đúc chuông, trọng đãi các vị sư, mở khoa thi tăng đạo. Ông chỉ trích các vua đời Trần “mang tội” bỏ ngai vàng mà đi tu! Thái độ này coi chỉ có những quy tắc cư xửNho Giáo là khuôn thước, bác bỏ các hệ thống tinh thần khác, khác truyền thống bao dung có sẵn trong văn minh Lạc Việt. Nho Giáo ở nước ta mất sinh khí sau các chế độ quân phiệt của họ Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn. Sau đó vua chúa thấy có thể bắt chước các triều đình Trung Quốc dùng Nho Giáo củng cố địa vị độc tôn. Bắt chước các triều đình Trung Quốc khi họ đã bẻ cong, bóp méo Nho Giáo theo nhu cầu tập trung quyền hành, vua quan nước ta gây tai hại cho cả dân tộc. Nhà Nguyễn đẩy mạnh thói xấu đó, dân tộc điđến cảnh suy tàn vì tự bỏ mất óc tự chủ chỉ biết theo tư tưởng, chế độ chính trị, cho tới pháp luật của người Trung Hoa.
Nhắm mắt áp dụng một tư tưởng ngoại quốc vào chính trị nước mình thì dễ sai lầm, vì điều kiện xã hội, văn hóa, lịch sử mỗi nước khác nhau. Đầu óc nô lệ dựa vào một “ý thức hệ” học từ Trung Quốc cản trở sự tiến bộ của dân tộc.
Tinh thần đối kháng Trung Hoa kéo dài tới thời tự chủ, khiến cho nhiều người Việt Nam tuy học theo Nho Giáo nhưng vẫn không chịu nhắm mắt học thuộc lòng các sách giáo khoa.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết: “Hồ Quý Ly làm sách Minh Đạo mười bốn thiên dâng lên vua,… (trong đó ông phê bình rằng) trong sách Luận Ngữ có bốn chỗ đáng nghi ngờ, như việc Khổng Tử đến gặp nàng Nam Tử; việc ở nước Trần hết lương; việc Công Sơn Phất Hật gọi mà Khổng Tử muốn đến, vân vân…”
Hồ Quý Ly (1336–1407) là em con cô cậu, đồng thời là em rể vua nhà Trần dám phê bình “Hàn Dũ là kẻ trộm đạo trong làng Nho; bọn… Trình Hạo, Trình Di, Chu Hi… đều là học thì rộng nhưng tài thì kém…” Từ hàng trăm năm trước đó, ở Trung Quốc, các ý kiến và sách dậy của Trình, Chu đã trở thành khuôn mẫu. Khi quyết liệt không chịu “học tập tư tưởng Trình Chu,” Hồ Quý Ly tiêu biểu cho tinh thần độc lập của người Việt khi tiếp nhận ảnh hưởng Nho Giáo. Khi quân Minh sang đánh nước ta, họ nhắc đến các ý kiến “phạm thượng” trên để “kể tội” Hồ Quý Ly. Việc đốt sách của quân Minh để tiêu diệt văn hóa dân Việt gây hậu quả, là tạo một khoảng trống tinh thần. Chúng ta không biết Chu Văn An đã viết những gì; mà cũng không biết các đề thi trong thời Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đặt ra những vấn đề nào. Người con trai cả là Hồ Nguyên Trừng sau khi bị bắt về Bắc Kinh, đã cải thiện việc chế tạo súng, đạn và huấn luyện pháo binh; như vậy thì chắc Hồ Quý Ly phải là người chú trọng đến thực nghiệp chứ không phải chỉ giáo dục lý thuyết. Nhiều Nho sĩ nước ta sau này không phục Hồ Quý Ly, rồi tin vào những lời quân Minh hạch tội ông, cho nên không noi theo gương tinh thần phê phán của ông.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được viết trong lúc triều đình nhà Lê muốn đề cao Nho Giáo để củng cố quyền hành trung ương, có lẽ vì vậy sử gia nhấn mạnh đến “công ơn” quảng bá Nho học của Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226), khi ông làm thái thú Giao Chỉ (từ năm 187). Ông được suy tôn là “Nam Giao học tổ,” vì có công truyền bá Nho Giáo vào nước ta rất sớm. Đại Việt sử kí toàn thư gọi ông là Sĩ Vương.
Sĩ Nhiếp cai quản đất Giao Chỉ như một ông vua nhỏ độc lập trong thời gian nhà Đông Ngô mới dựng lên ở phía Nam Trung Quốc và thừa hưởng đất Giao Châu của nhà Hán đang suy sụp. Giữa thế kỷ 19, khi vua Tự Đức đọc Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại chuyện Sĩ Nhiếp, đã phê rằng: “Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán; tùy thời nịnh hót, cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có mưu lược, tài cán gì cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì mà đáng khen?”
Lời phê của một ông vua nổi tiếng thích đọc sách và “hay chữ” cho thấy người Việt có tinh thần phê phán chứ không nhắm mắt tiếp nhận ảnh hưởng Nho Giáo. Đến thế kỷ 19, Phó Bảng Nguyễn Bá Nghi (1807-1870) vẫn còn tinh thần phê phán, đã viết sách chú giải Tứ Thư khác với cách giải thích của Tống Nho. Ông bàn sách Luận Ngữ nhấn mạnh tới chữ “quyền” bác lại ý kiến của Chu Hi.
Bệnh từ chương và giáo điều
Vì nước ta nằm sát ngay bên cạnh Trung Quốc cho nên chịu ảnh hưởng nặng nề của các chế độ thi hành bên đó. Một ảnh hưởng quan trọng là hệ thống thi tuyển để chọn người làm quan; trong đó có điều hay nhưng sau biến chứng đem lại nhiều điều tai hại.
Hệ thống thi cử ở Trung Quốc đã được tổ chức hoàn chỉnh trong đời nhà Tống. Các triết gia thời đó giải thích Nho Giáo, quan diểm của họ được dùng làm tiêu chuẩn, học trò phải học thuộc để khảo hạch trong các kỳ thi. Tống Nho sử dụng các sách do Trình Hạo, Chu Hy trước tác, coi như khuôn mẫu để hiểu tư tưởng Khổng, Mạnh. Nhưng trong chính trị, do ảnh hưởng của các nhà viết sử như Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Tống Nho nhấn mạnh đến tinh thần tôn quân, quyền hành của ông vua được đề cao tuyệt đối. Một hậu quả tai hại mà Tống Nho để lại cho người Trung Quốc là suy tôn quyền vua quá đáng. Tai hại thứ hai do chế độ thi cử chỉ dựa trên một số sách dùng làm mẫu, nuôi tinh thần nô lệ giáo điều; cuối cùng ai muốn thi đậu, làm quan, chỉ lo học thuộc lòng sách cũ, rồi tìm cách viết văn cho hay.
Khi độc lập, các triều đại nước ta đã áp dụng việc tổ chức thi cử. Chế độ này giúp cho xã hội công bằng hơn; con cháu các nông dân cũng có cơ hội làm quan nếu thi đậu; con cháu nhà quan có thể trở lại đời sống thường dân. Nhưng trong đời Lý việc thi cử không giới hạn trong Nho Giáo mà còn đòi hỏi các kiến thức về đạo Lão và đạo Phật Một xã hội như vậy đáng lẽ phải sinh động và tiến bộ hơn; có thể giúp cho việc trao đổi các giai tầng xã hội theo chiều dọc cũng như chiều ngang không bị đóng băng cứng nhắc. Rất tiếc, tính lưu động đã bị cản trở vì tinh thần cố chấp và nô lệ, sau khi các vua chúa từ đời Lê, và Lê Trịnh và nhà Nguyễn bắt cước các lề thói của Trung Quốc.
Khi Nho Giáo được đưa lên địa vị cao nhất làm tiêu chuẩn cho việc học thi và “tuyển mộ nhân tài” thì mầm mống của tinh thần nô lệ bắt đầu. Tại Trung Quốc, hệ thống tuyển chọn này đã sinh ra lối học từ chương, học thuộc lòng cho nhiều để thi đậu, dần dần người đi học mất tinh thần phê phán. Các thói hủ lậu này làm hại nước Trung Hoa thế nào thì khi nhập cảng vào nước ta cũng tác hại như vậy.
Phải công nhận hệ thống thi cử đã vẫn phát hiện những nhà Nho tài giỏi ở nước ta như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, vân vân. Nhưng sau vài thế kỷ bắt chước các triều đại Trung Quốc, sĩ tử chỉ quen học thói học từ chương, nô lệ sách cổ, và xã hội quý trọng bằng cấp quá đáng. Chế độ thi cử dựa trên các sách giáo khoa được coi là chính thống gây thêm tệ nạn giáo điều: Hễ thấy ý kiến, tư tưởng nào khác với kinh điển của Tống Nho thì bác bỏ. Người đi học không tập suy nghĩ độc lập mà chỉ lo thi nhau học thuộc lòng từng câu trong sách, tranh tài trích dẫn các lời của “Thánh nhân,” tạo nên một lớp người gọi là hủ Nho.
Từ cuối đời nhà Lê việc học bắt đầu chỉ nhắm mục đích thi đỗ, làm quan, chứ không phải học các quy tắc sống làm người khiến chính các nhà Nho cũng báo động Lê Quý Đôn nhận xét: “Đến đời Hồng Đức (1470-1497) mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn; đời Đoan Khánh (1505-1509) trở đi thì sĩ tập suy bại quá lắm.” Sang đời Nguyễn, chính vua Minh Mạng cũng nhìn thấy cái nạn người đi học chỉ biết học để thi đậu, ông nói: “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm… những người làm văn cử nghiệp chỉ câu nệ hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau… Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi.” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược). Cái tệ nạn khoa cử, từ chương và óc giáo điều, vẫn còn cho đến bây giờ. Trong thế kỷ 20, khi triều đình mới đề cao lý thuyết Mác xít, ai nói khác thì bị gán cho tội chệch hướng, phản động; tinh thần độc lập của giới trí thức cũng suy yếu.
Minh Mạng là một ông vua đã dám vượt ra ngoài hệ thống thi cử khi sử dụng người có tài. Nguyễn Tri Phương (1800-1873) có đọc sách nhưng không đi thi. Ông chỉ làm một “công chức nhỏ” (huyện lại). Quan huyện Phong Điền (Thừa Thiên) trao cho ông điều tra một vụ án. Làm xong việc, ông viết một bản phúc trình tường tận. Tờ trình này chuyển từ huyện lên phủ, từ phủ lên bộ Hình, và tới bàn giấy vua Minh Mạng. Đọc một tờ trình từ huyện gửi lên, ông vua nhận ra ngay tác giả có óc thông minh, hiểu biết rộng, làm việc có phương pháp, biết trình bày sự việc một cách rõ ràng, mạch lạc. Sai gọi viên huyện lại vào gặp mặt để “phỏng vấn,” Minh Mạng thấy tài của Nguyễn Tri Phương, đưa vào làm ngay trong “nội các.” Ông được phong “Hàn Lâm viện Biên tu,” một chức thường phong cho các người mới đậu tiến sĩ. Minh Mạng là một ông vua có tinh thần phóng khoáng trong việc sử dụng nhân tài, vượt ra ngoài hệ thống thi cử cho nên dùng được Nguyễn Tri Phương, vị anh hùng sau này đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội bị quân Pháp chiếm.
Nhưng hệ thống chính trị không tạo cơ hội cho nhiều nhân tài xuất hiện bên ngoài lề lối thi cử. Vua quan đa số lệ thuộc vào cách học, vào cách thực hành Nho Giáo theo lối từ chương bên Trung Quốc. Những người học thuộc nhiều sách được gọi là “hay chữ.” Chỉ tiếc rằng những người “hay chữ” thì lại hay mắc tật chỉ bàn bạc về từng chữ, từng câu, chú tâm đến tiểu tiết mà không nhìn vào những vấn đề lớn hơn. Tật xấu của nhiều nhà Nho nước ta có thể thấy khi đọc tập ký sự của Chu Thuấn Thủy về thời gian ông lưu vong qua Đàng Trong ở Việt Nam, dưới thời chúa Hiền.
Chu Thuấn Thủy đã bị các triều thần đề nghị xử tử hình khi không chịu quỳ lạy chúa Nguyễn Phúc Tần; vì, ông nói, chỉ lạy vua nhà Minh mà thôi. Ông được chúa Hiền ân xá vì kính trọng một người trung nghĩa; trong khi ông bị giam đã có nhiều nhà Nho người Việt đến thăm. Ông kể lại rằng phần lớn những người đó thường đến để hỏi ông về những điều nhỏ nhặt như các thể lệ thi cử bên Tàu, hoặc hỏi chuyện bói toán. Ông không nói trắng ra, nhưng chắc trong lòng ông phải nghĩ rằng trình độ trí thức của những người tới gặp ông không được cao lắm. Họ không hỏi về việc trị quốc, hay những vấn đề rộng và thâm sâu hơn, vì tầm hiểu biết thấp, chưa nghĩ tới. Ghi lại mấy chi tiết này mà không bình luận, có thể ông cũng có ý giải thích tại sao không ở lại nước ta xin tị nạn. Sau khi thất bại trong ước nguyện phản Thanh, phục Minh, ông quyết định sang sống ở nước Nhật, ở đó nhiều nhà quyền quý mới gặp đã tôn ông làm thầy, mời ông lên kinh đô mở trường dậy học; ông đã viết nhiều cuốn sách để lại đến bây giờ.
Không phải các nhà Nho người Việt đều giống như những người đã đến Hội An hỏi chuyện Chu Thuấn Thủy. Trong lịch sử chúng ta có những bậc “đại Nho” như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, tới Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, cho đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh sau này. Thế kỷ 17, miền đất Đàng Trong mới mở, Nho học chưa phát triển như ở Đàng Ngoài; chưa có những người uyên bác như Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn. Khi đất nước bị chia đôi, cuộc nội chiến khiến cho quyền hành lọt vào tay giới quân phiệt, thì tầng lớp Nho sĩ chỉ đóng vai thừa lệnh, kiến thức của họ cũng suy thoái, khiến cho tầm mắt nhìn nhỏ hẹp lại. Họ chăm chắm học những điều vụn vặt, chỉ lo sao chép các điển chế của triều đình Trung Hoa, mà cứ tưởng đó là đang học tập Nho Giáo.
Ở ngay chính quê hương của Khổng, Mạnh, Nho Giáo đã bị thay đổi theo nhu cầu của nền quân chủ chuyên chính. Các ông vua Trung Quốc chỉ cần những người biết chữ để sai bảo, và họ biến chế Nho Giáo để dùng theo nhu cầu đó. Một hậu quả là việc học Nho Giáo trở thành một phương tiện tiến thân; mà dưới một chế độ chuyên chế thì người ta chỉ có một cách tiến thân là học những gì vua quan bảo phải học. Thói quen đi học với đầu óc nô lệ đã phát sinh ở Trung Quốc rồi truyền sang nước ta, biến Nho Giáo thành một phương tiện củng cố chế độ chuyên chế. So sánh việc hấp thụ Nho Giáo ở Nhật Bản với nước ta sẽ cho ta thấy sự khác biệt.
Nhật Bản không trải qua một thời lệ thuộc cho nên đã học và áp dụng văn minh Trung Hoa theo cách riêng của họ. Một khác biệt quan trọng nhất là họ không áp cụng chế độ thi cử. Chúng ta không thể nói cách chọn lựa nào là hay hơn, vì tất cả tùy thuộc vào tinh thần của người áp dụng. Trong suốt lịch sử, cho tới năm 1945 nước Nhật vẫn ở trong tay các gia đình quý tộc, không dùng thi tuyển để bổ dụng quan lại như người Việt và Trung Hoa. Giáo dục Nho Giáo được giới hạn trong các gia đình quý tộc Nhật và các samurai của họ. Tầng lớp dân chúng ở dưới thấp không có cơ hội dự tuyển để thăng tiến địa vị trong xã hội. Có ba gia đình Nakatomi, Mononobe, và Otomo, được vị thiên hoàng đầu tiên trọng dụng, chia nhau nắm giữ quyền hành không bao giờ ngưng, tiếp tục mãi mãi nếu họ sinh đủ con trai nối dõi. Họ đồng ý tôn trọng ngôi “giáo chủ Thần Đạo” của vị thiên hoàng. Gia đình Fujiwara từ thế kỷ thứ bẩy thay thế gia đình Nakatomi cung cấp các cận thần cơ mật cho các thiên hoàng, suốt 1275 năm, cho đến khi ông hoàng Konoye, vị thủ tướng đưa nước Nhật vào chiến tranh, uống thuốc độc tự tử năm 1945. Trong 13 thế kỷ đó, ba phần tư các hoàng hậu và phi tần của các ông vua Nhật đều thuộc dòng họ Fujiwara, các bà này sinh ra 46 vị thiên hoàng trong số 76 người từ năm 724 đến năm 1900.
Các nhà quý tộc Nhật, nắm các chức vụ quyền lực, cha truyền con nối, dùng nhà Nho các như chuyên viên quản lý giúp việc cho họ. Người Nhật cũng dùng các sách của Trình, Chu đời Tống trong việc huấn luyện thư lại cho guồng máy hành chánh. Các nhà quý tộc và các thương gia giầu có đã lập trường giảng sách Tống Nho; nâng cao kiến thức và phẩm cách con cháu họ cùng những thuộc hạ có khả năng. Nhưng chính quyền không tuyển lựa nhân tài qua hệ thống thi cử, tức là không mở rộng hàng ngũ thư lại cho con nhà thứ dân tham dự.
Giáo sư Vĩnh Sính đã so sánh Việt Nam với Nhật Bản, trong cuốn Việt Nam và Nhật Bản trong Thế giới Đông Á (1993), cho thấy nhờ tiếp nhận Nho Giáo với tinh thần độc lập và phóng khoáng hơn, tại nước Nhật đã xuất hiện những học giả lớn như Yamaga Soko (Sơn lộc Tố hành; 1622-1685) và Yamazaki Ansai (Sơn kỳ Ám tế; 1618-1682), đã đặt ra và bàn sâu về những vấn đề lớn trong Nho Giáo, trong lúc Tống Nho vẫn được Mạc Phủ Tokugawa cổ võ.
Vào đầu thời đại Tokugawa (1600-1866) Tống Nho chiếm địa vị độc tôn, so với Phật Giáo. Có ba trường lớn của các gia đình quyền quý, trong đó trường Kim Môn do Yamazaki Ansai dựng lên có tới sáu ngàn học sinh tham dự. Okada Takehiko, trong tập tiểu luận về Tống Nho, (Principle and Practicality, do Theodore de Bary và Irene Bloom chủ biên, 1979), cho biết Yamazaki Ansai và Kaibara Eken đã đào sâu đề tài Thực học (jitsugaku) mà Chu Hi (1130-1200) đề xướng, theo gợi ý của Trình Di (1033-1107). Okada Takehiko dẫn nhận xét của Ansai khi đọc Tứ Thư Chương Cú Tập Chú của Chu Hi: “Lời bàn của Chu Tử về Tứ Thư không thể nào nói hay hơn được.” Takehiko cho biết về trường Kim Môn: “Nhà trường xuất sắc trong việc học và thực hành học thuyết Chu Hi. Thật sự, những môn đồ của trường này đã theo các lời dậy của Chu Tử với lòng nhiệt tín như tôn giáo. Họ giảng dậy truyền thống nhà trường không ngưng nghỉ, với tinh thần sùng tín giống như việc “truyền đăng” trong Phật Giáo. Tất cả có đến 180 học giả nối tiếp truyền thống trường này, ghi trong sách Nhật Bản Đạo Học Nguyên Lục (Nihon Dogaku engen roku) của Otsuka Kanran (1761-1825).
Việt Nam đã theo một con đường khác Nhật Bản, có lẽ vì người mình tiếp xúc trực tiếp với guồng máy hành chánh của người Trung Hoa ngay từ thời Bắc thuộc, thừa hưởng đủ những điều hay và dở. Khi chính Nho Giáo ở bên Trung Hoa cũng thoái hóa, lìa xa các tư tưởng nguyên thủy của Khổng, Mạnh, vua chúa nước ta lại học theo, rồi cùng đi lạc đường như họ, đặc biệt trong tinh thần “trung quân tuyệt đối.” Chủ trương này được nhà Tống, nhà Minh đề cao vì thích hợp với quyền lợi của họ. Vua quan nước ta từ thời Hậu Lê cũng làm theo; tới đời nhà Nguyễn thì bệnh tôn quân đã rất nặng. Quan niệm “Trung thần không thờ hai vua” (Trung thần bất sự nhị quân) này bây giờ không còn ai cổ võ nữa, nhưng đã được gieo mầm và nuôi dưỡng trong tiềm thức tập thể trong mấy thế kỷ, cho tới bây giờ. Khẩu hiệu trung thành tuyệt đối với ông vua, hoặc với một chế độ, chỉ là kết quả của quá trình lợi dụng Khổng Giáo để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế bên Trung Quốc; bắt đầu khi nhà Hán đề cao Nho Giáo nhưng vẫn sử dụng các kỹ thuật kiểm soát dân của Pháp Gia.
Khổng Mạnh không tôn quân tuyệt đối
Từ thế kỷ 19 Khổng giáo đã bị đả kích mạnh ngay ở Trung Quốc, nhất là sau Ngũ Tứ Vận Động, tức là phong trào cách mệnh phát khởi sau những cuộc biểu tình ở Bắc Kinh ngày 4 tháng 5 năm 1919 (người Trung Hoa đọc là Ngũ-Tứ, tháng năm, ngày bốn). Chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc gây ra tình trạng suy đồi của xã hội; cho nên Khổng Giáo bị người Trung Hoa thù ghét và có lúc xóa bỏ hoàn toàn trong thế kỷ 20.
Trong sách vở của Khổng Tử, Mạnh Tử và cả Tuân Tử, không bao giờ thấy họ đề cao lòng trung thành tuyệt đối với ông vua. Chính bản thân các nhà hiền triết này đã đi qua nhiều nước, gặp nhiều vua chư hầu, tìm cơ hội phục vụ bất cứ vị vua nào muốn dùng họ mà họ thấy chấp nhận được. Khi thấy ông vua nước Lỗ không theo đúng chính sách mình đề nghị, Khổng Tử đã từ chức, bỏ đi nước khác “tìm việc.” Khổng Tử muốn các chư hầu phải chấp nhận “thiên tử” nhà Chu đứng đầu, để bảo vệ một trật tự chính trị có sẵn. Nhưng chính ông không bao giờ đến xin làm việc cho vua nhà Chu cả, mà đi tìm việc với các ông vua chư hầu. Các học trò ông cũng vậy; họ sẵn sàng bỏ một ông vua này, đi phục vụ cho ông khác. Nhưng sau này người ta vẫn gán cho Khổng Giáo là chủ trương tôn quân tuyệt đối. Đây là tai nạn mà các nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn thường phải chịu. Vì các triết gia thường đưa ra những lý tưởng và mẫu mực, khi đem áp dụng vào thực tế thì bị bóp méo cho phù hợp với quyền lợi người cai trị.
Tư tưởng Khổng Giáo không mang tính cách thuần lý như trong truyền thống triết lý Hy Lạp; cũng không có tính chất siêu hình như Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo. Các ông Khổng, Mạnh là những người thực tế, muốn xây dựng một mẫu mực để quốc gia sống trong trật tự, cho kinh tế xã hội phát triển. Tần Thủy Hoàng ghét Khổng Giáo cũng vì truyền thống này không chủ trương dùng hình phạt nghiêm ngặt để đạt mục tiêu đó; cho nên ông ta chọn Pháp Gia làm tư tưởng chỉ đạo xây dựng guồng máy nhà nước. Đến đời Hán, trong một thời gian dò dẫm, họ kể tội vua Tần và Pháp Gia vì dân chúng ai cũng ghét. Đến đời Hán Vũ Đế (Lưu Triệt, 140-87 TCN) Khổng giáo mới được tôn lên là tư tưởng chính thống duy nhất. Nhưng trong thực tế, các ông vua cũng chẳng quan tâm đến Khổng, Mạnh. Một nhà Nho thời đó, là Đổng Trọng Thư, lại pha trộn thêm các điều thần bí của Âm Dương Gia vào, biến Nho Giáo thành một thứ tôn giáo, để ông vua trở thànhmột thứ giáo hoàng. Trong việc cai trị thì các vua Hán vẫn sử dụng những chính sách thực tế của Pháp Gia. Hán Tuyên Đế (Lưu Tuân, 73-49 TCN) dặn dò con cháu trong việc trị quốc phải biết sử dụng cả Vương Đạo với Bá Thuật, tức là pha trộn Nho Giáo với Pháp Gia. Từ đó, người ta đặt ra những quy tắc cư xử trong quan hệ cha với con, vợ với chồng, bầy tôi đối với vua, đề cao quyền uy của người trên đối với người dưới.
Cho nên khi nói Trung Quốc hoặc các nước Á Đông theo Khổng Giáo đề cao quân quyền tuyệt đối, thì không công bằng với hai ông Khổng, Mạnh. Chế độ quân chủ ở Trung Hoa về sau đề cao khái niệm Tam Cương, vì nhu cầu bảo vệ quyền lực các ông vua. Tam cương tức là ba giềng mối chính trong xã hội, gồm có Quân Thần (Vua và các quan), Phụ Tử (Cha và Con), Phu Phụ (Chồng và Vợ). Người ta thường giải thích rằng khi đề cao Tam Cương, Nho Giáo đã chủ trương người làm Vua, làm Cha và làm Chồng có quyền hành tuyệt đối đối với bầy tôi, con, hay vợ.
Nhưng trong Luận Ngữ, là cuốn sách đáng tin nhất thuật lại các lời nói và kiệm giản của Khổng Tử vào thế kỷ thứ 6 và 5 trước Công Nguyên, Khổng Tử không bao giờ nói đến Tam Cương. Sau đó hơn một trăm năm, cuốn khác trong bộ Tứ Thư là Mạnh Tử cũng không hề nhắc đến Tam Cương; mặc dù phần lớn nội dung sách này là lời Mạnh Tử bàn về việc cai trị quốc gia. Trong Luận Ngữ, thiên 12 (Nhan Uyên), câu thứ 11, Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị Khổng Tử đáp: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.” (Luận Ngữ, 12, 11: 齊景公問政於孔子。孔子對曰:”君君, 臣臣,父父子子; ) Nghĩa là Vua làm hết đạo, hết bổn phận của vua; bầy tôi làm hết đạo bề tôi; giữa cha và con, vợ và chồng cũng như vậy. Trong câu nói này chúng ta thấy Khổng Tử nói tới những trách nhiệm cho cả hai phía, mỗi bên phải làm hết bổn phận của mình, chứ không phải chỉ bên dưới (thần) có bổn phận mà bên trên (quân) thì không có bổn phận nào cả.
Mạnh Tử kể chuyện lúc gặp vua Lương, ông vua hỏi: “Khi nào thiên hạ định?” (Thiên hạ ô hồ định?) Mạnh Tử đáp rằng, “Khi chỉ có một người nắm quyền thì định” (Định vu nhất).”Ai có khả năng gom vào làm một?” (Thục năng nhất chi?) Trả lời: “Ai không thích giết người có thể thống nhất thiên hạ” (Bất thị sát nhân giả, năng nhất chi). Ông vua lại hỏi, “Ai ban quyền (thống nhất) cho người đó?” (Thục năng dữ chi?) Trả lời: “Tất cả thiên hạ không ai không có cái quyền ban cho này” (Thiên hạ mạc bất dữ dã) [Lương Huệ Vương, Thượng, chương 6: 天下惡乎定?吾對曰: 定于一! 孰能一之? 不嗜殺人者能一之! 孰能與之? 對曰: 天下莫不與也]. Khi vua Tề Tuyên Vương hỏi đến chuyện Thành Thang đánh vua Kiệt, Vũ đuổi vua Trụ; Mạnh Tử đáp, “Sử chép đúng thế.” Tuyên Vương lại hỏi, “Như vậy thì bầy tôi có thể thí vua sao?” (Thần thí kỳ quân khả hồ? Chữ ‘thí’ nói hành động giết vua. ) Mạnh Tử trả lời, “Kẻ làm hại điều nhân, gọi là Tặc; làm hại điều nghĩa, gọi là Tàn. Kẻ Tàn và Tặc, chỉ gọi là một thằng người mà thôi. Tôi nghe chuyện chém đầu một người tên Trụ chứ không nghe chuyện thí vua.”
Một nỗi oan khác là người ta thường chỉ trích các triết gia đời Tống như Chu Hi, hai anh em Trình Hạo, Trình Di, coi Tống Nho là một thứ gông cùm khóa chặt không cho nước Trung Hoa tiến bộ. Chu Hi (1130-1200) là một nhà Nho kiểu Nguyễn Công Trứ ở nước ta; ông đã giữ nhiều chức vụ trong hệ thống hành chánh; lo những việc như giáo dục, thuần hóa phong tục, còn thiết lập một tổ chức kho lúa để đề phòng nạn đói. Ông không coi Hán Nho là khuôn mẫu của xã hội. Ông từng nói rằng tình trạng “đạo thống” ở Trung Hoa đã đen tối kể từ sau thời Tam Hoàng. Sau đời Tam Hoàng tức là kể cả nhà Hán, nhà Đường, hai triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trái với tư tưởng tôn quân quyền tuyệt đối, Chu Hi coi địa vị của “nhà giáo Khổng Tử” quan trọng hơn các ông vua huyền thoại Nghiêu, Thuấn. Tương tự, ông quan niệm phải tách “đạo thống” ra khỏi vòng kiểm soát của các vị hoàng đế để giới kẻ sĩ đóng vai trò đối trọng với quyền hành của vua. Quy tắc nàycũng giống như quy tắc phân biệt tôn giáo và chính trị, Vào thế kỷ 17 Hoàng Tông Hy (黄宗羲, 1610–1695) đã khai triển ý kiến giống như vậy, được sử gia bây giờ coi như người đầu tiên đề cao tinh thần “quân chủ lập hiến” ở Trung Quốc. Tất nhiên, Chu Hi không bày ra được một định chế “cân bằng và kiểm soát” để thực hiện nguyên tắc này. Nhưng gán cho ông và Tống Nho cái tội đề cao quân quyền tuyệt đối thì không công bằng.
Những người đề cao quân quyền mạnh nhất trong đời Tống là Âu Dương Tu (歐陽脩, 1007–1072) và Tư Mã Quang(司馬光, 1019–1086). Tuy trong tư tưởng triết học họ không quá cố chấp, nhưng về chính trị thì các sử gia này chỉ dùng tiêu chuẩn tôn quân để phê phán các nhân vật lịch sử, khiến đời sau cứ thế mà theo.
Âu Dương Tu viết Tân Ngũ Đại Sử (新五代史) về thời kỳ từ năm 907 đến 960. Ông phê phán các nhân vật trong thời Ngũ Đại, đề cao những trung thần và bài xích những người bị ông coi là bất trung. Bị lên án nặng nhất là Phùng Đạo (馮道, 882-954), là người đã làm quan với cả năm triều đại trong nửa thế kỷ trên.
Vương Canh Vũ (Gung-wu Wang) cho rằng cuộc đời chính trị của Phùng Đạo phản ảnh tình trạng loạn lạc trong nửa thế kỷ ở vùng Hà Bắc, người dân đã quen với cảnh thay đổi các triều đại bắt đầu từ cuối đời Đường, sau loạn Hoàng Sào. Trong thời gian đó, ông vua nào cũng cần những chuyên viên hành chánh và ngoại giao. Các “nhà Nho” như Phùng Đạo đóng vai trò chuyên gia quản trị hành chánh, không cần biết mình làm việc cho ông hoàng đế thuộc dòng họ nào.
Phùng Đạo, có biệt hiệu Trường Lạc Lão, sinh ở tỉnh Hà Bắc vào lúc loạn Hoàng Sào lên cao cực điểm, trong đời ông ta đã phục vụ hơn 10 ông vua, dưới bốn, năm triều (Hậu) Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, nhiều lần làm tể tướng; có lúc ông cộng tác với cả vua nước Liêu thuộc giống Khiết Đan.
Nhưng trong suốt một trăm năm sau khi Phùng Đạo chết, ông vẫn được sử sách khen ngợi như một “nhà Nho” đích thực; trong đó có sử gia Tiết Cư Chính (Xue Juzheng, 薛居正, 912-981) là người soạn cuốn sử đầu tiên viết về thời Ngũ Đại (五代史記), sau gọi là Cựu Ngũ Đại Sử, in năm 974, tức 20 năm sau khi Phùng Đạo chết và 14 năm sau khi nhà Tống đã lên ngôi.
Sử gia Vương Canh Vũ đã dẫn lời Cựu Ngũ Đại Sử viết về Phùng Đạo như sau: “Thời niên thiếu ông là người chân thành, ham học và viết giỏi. Ông không ngượng vì ăn cơm hẩm mặc áo rách. Ngoài việc phụng dưỡng song thân ông chỉ lo học và tụng đọc kinh thư.” Phùng Đạo còn được người đương thời và đời sau khen ngợi là một nhà Nho có công lớn, vì ông cổ động việc truyền bá Nho Giáo. Đây là một chủ trương có suy nghĩ, tính toán. Vì từ cuối đời nhà Đường Trung Quốc loạn lạc liên tiếp, Phật Giáo và Đạo Giáo phát triển mạnh, ảnh hưởng rộng lớn. Một người học Nho Giáo tự nhiên thấy cần phục hồi nền học vấn chính mình đã hấp thụ. Năm 932, dưới đời Minh Tông nhà Hậu Đường (người gốc sắc tộc Sa Đà), Phùng Đạo đã chỉ huy việc in cả hai bộ Tứ Thư và Ngũ Kinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà cả chín kinh điển Nho Giáo được ấn hành một lần; cung cấp tài liệu cho đời sau.
Nhưng hành trạng của Phùng Đạo hoàn toàn trái ngược với quan niêm về “trung quân” của Tống Nho sau này. Ngoài thành tích thờ rất nhiều ông vua thuộc năm triều đại, ông còn có lúc “cải mệnh thiên tử.” Vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn (Thạch Kính Đường) trước khi chết đã ủy nhiệm cho Phùng Đạo “phò ấu chúa” lên ngôi; nhưng sau đó Phùng Đạo lại đưa một người cháu của vua lên ngôi, vì người con quá nhỏ trong khi quân Khiết Đan đang đe dọa biên cương! Sau ông ta còn giúp một người tạo phản là Quách Uy chiếm ngôi vua của nhà Hậu Hán, lập nên nhà Hậu Chu để lên thay, thành Chu Thái Tổ. Ông vẫn được Quách Uy kính trọng, không gọi bằng tên tục bao giờ. Phùng Đạo cũng dám đứng lên can gián Thế Tông khi ông vua kế vị này thân chinh ra trận (năm 959). Nếu sống thêm ít năm nữa chắc ông ta có thể được nhà Tống sử dụng, khi chiếm được miền Hà Bắc!
Âu Dương Tu là người đầu tiên lật ngược cách nhìn của các nhà Nho đi trước vẫn coi Phùng Đạo là người theo đúng Nho Giáo, theo Frederick W. Mote, khi nhận xét về các sử sĩ đời Nguyên. Trong cuốn Ngũ Đại Sử Mới, một trăm năm sau cuốn cũ, Âu Dương Tu viết lời tựa cho phần “Nhất Hạnh Liệt Truyện,” (liệt truyện thứ 34) để xác định mẫu người “trung thần, nghĩa sĩ.” Ông nhận xét rằng cả đời Ngũ Đại chỉ thấy được bốn, năm người thuộc loại này! Phùng Đạo bị ông coi là kiểu mẫu cho loại người bất trung, phi nghĩa!
Sau đó, Tư Mã Quang viết Tư Trị Thông Giám (資治通鑒) lập lại ý kiến đó, nhấn mạnh đến đức tính trung thành tuyệt đối: “Người vợ phải theo chồng, cho đến chết không được cải giá. Người bầy tôi thờ vua, thà chết chứ không thờ người khác. Đó là quy tắc đạo đức lớn.” Và ông phê phán Phùng Đạo: “Các triều đại lên, xuống; Phùng Đạo tiếp tục hưởng phú quý như không có gì xẩy ra cả. Đây là một mẫu phản thần… Không những Phùng Đạo mắc tội mà cả những vị vua dùng hắn cũng chịu chung trách nhiệm.” Sau Tư Mã Quang, Chu Hi cũng theo quan điểm đó, kịch liệt phê phán Phùng Đạo trong Thông Giám Cương Mục! Trong sách này (Chu Hi chỉ góp một phần biên soạn) vẫn nêu lên những khả năng, đức tính và thành tích của Phùng Đạo, nhưng vạch ra rằng tất cả các ưu điểm đó không xóa được hành động xấu của ông ta, thờ vua mấy triều đại khác nhau. Những lời chỉ trích của Âu Dương Tu và Tư Mã Quang được các nhà Nho đời sau theo, kể cả các nhà nho Nho nước ta cho tới thế kỷ 20, như Đào Trinh Nhất cũng kết án Phùng Đạo.
Người Việt đời xưa đi học được gọi là bước vào “Cửa Khổng, sân Trình,” vì các sách giáo khoa dùng do Trình Hạo và Chu Hi soạn. Những lời giải thích Tứ Thư của họ được nhà nước quân chủ đưa vào giáo trình thi cử. Tư tưởng của Trình, Chu trở thành những phương tiện cho người ta học thuộc lòng, nhờ đó bước lên trên những bậc thang xã hội. Nhà Minh đã bắt đầu tinh thần giáo điều, nô lệ như vậy trong việc tuyển dụng quan lại, hệ thống này được phát triển cực độ trong thời Khang Hi nhà Thanh. Vì thế, tinh thần phê phán của Chu Hi không còn ai học theo nữa, Tống Nho trở thành một danh hiệu đầy nghĩa xấu.
Người ta quên rằng tại Nhật Bản trước thời Minh Trị nền giáo dục cũng hoàn toàn dựa trên Tống Nho, mà đời sống trí thức của họ không bị đóng băng, không thành hủ lậu như ở Trung Quốc và Việt Nam. Có thể vì nước Nhật không dùng chế độ thi cử; nhờ thế tránh được lối học từ chương, hình thức. Không đi học chỉ cốt để thi làm quan, cho nên các học giả được tự do nêu các ý kiến của mình.
Tại nước ta, đời Nguyễn thì lại nhắm mắt học theo điển chế của nhà Thanh, là một giòng họ nước ngoài vào cai trị Trung Quốc. Đời Gia Long, muốn thay thế Luật Hồng Đức để giảm ảnh hưởng tinh thần hoài vọng triều Lê, các văn thần phỏng theo luật nhà Thanh soạn thành Luật Gia Long. Những hình luật các vua nhà Thanh dùng để nô lệ hóa người dân Hán, đã đề cao quyền hành của vua quan. Áp dụng vào nước ta từ năm 1815, thứ luật pháp chuyên chế đó gây chia rẽ giữa vua quan và dân chúng, chia rẽ miền Bắc với triều đình gốc từ miền Nam ra, nước thống nhất nhưng lòng người chia rẽ. Nửa thế kỷ sau, nước ta bị người Tây phương đánh, thì sức đã yếu vì bên trong đầy mầm biến loạn.
Vua Minh Mạng chắc cũng thấy nhược điểm của đạo luật đó. Cho nên năm 1831 đã lập một ủy ban tu chính. Ông gợi ý rằng Luật Gia Long được soạn ra khi còn “trong buổi quốc sơ,” nên có những “điều mục hoặc hợp với xưa mà không hợp với nay, theo đúng luật pháp mà không theo đúng với phong tục.” Ông khuyến cáo ban tu chính phải suy xét mà không được “câu nệ, cố chấp.” (Đại Nam Thực Lục, quyển 2, bản dịch in năm 2004).
Việc tu chính cũng không đi xa được bao nhiêu, vì nhu cầu tự nhiên của vua quan, triều đình, vẫn là củng cố quyền hành tập trung. Chính Minh Mạng là một ông vua chủ trương tập quyền; ông đã xóa bỏ các chức tổng trấn Bắc Thành (1831) và Gia Định Thành (1832) vì lo các chức vụ đó sẽ có uy tín lớn quá.
Trong nửa sau thế kỷ 20 các chính quyền ở Trung Quốc và Việt Nam đã chủ trương tiêu diệt ảnh hưởng của Nho Giáo một cách toàn diện. Không những đả kích hệ thống chính trị phong kiến, quân chủ chuyên chế mà người ta còn xóa bỏ cả những quy tắc luân lý và tinh thần nhân bản của Khổng Mạnh.
Trong lúc ở Trung Quốc đền thờ Khổng Tử bị phá thì tại các nước khác như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore người ta vẫn giáo dục trẻ em theo luân lý Khổng Giáo. Trong guồng máy cai trị và ngay trong thế giới kinh doanh, các đức tính được Khổng Giáo tuyên dương như Tín, Nghĩa, Liêm, Sỉ vẫn được đề cao, nhờ thế kinh tế phát triển và hệ thống chính trị được dân chủ hóa dần dần. Tại các nước này, chế độ dân chủ thành hình và củng cố, cho thấy trên căn bản Khổng Giáo không đối nghịch với lối sống dân chủ tự do.
Chúng ta cũng biết người dân Việt, và những Nho sĩ sống giữa lòng dân tộc, không nhất thiết thấy sách vở Trung Quốc dậy thế nào thì nhắm mắt theo. Thấy Nho Giáo đề cao người “quân tử;” người Việt Nam đặt ra một thành ngữ “Quân Tử Tầu” để chế nhạo những người cố chấp cứng nhắc, nhắm mắt theo sách vở bên Tầu.
Người Việt Nam bản chất không chịu được tính cố chấp. Không phải các nhà Nho Việt Nam nào cũng “học tập tốt” những tấm gương cố chấp trong sách vở. Họ không chấp nhận hễ thấy bên Tầu khen cái gì thì cũng vỗ tay theo! Cao Bá Quát (1809-1863) muốn “dựng cờ khởi nghĩa” noi theo Thành Thang và Vũ Vương đánh Kiệt, Trụ. Khi đọc sách “thánh hiền,” Cao Bá Quát cũng dùng tinh thần nghi ngờ để phê phán. Sử sách Trung Hoa theo quan điểm đời Tống vẫn đề cao Bá Di, Thúc Tể vào núi Thủ Dương ở ẩn, không chịu nhận thóc gạo do vua nhà Chu gửi tặng. Họ tiêu biểu cho thái độ cố chấp, “thà chết đói nhưng vẫn không công nhận triều đại mới, để trung thành với vua nhà Thương.” Một nhân vật khác được đề cao là Lã Vọng, bẩy tám mươi tuổi vẫn không chịu ra làm quan phục vụ một chế độ bạo tàn, ngồi câu cá bên sông Vị Thủy, chờ minh chúa. Cao Bá Quát không ngần ngại chế nhạo những tấm gương “quân tử Tàu” đó, ông viết: “… Đá Thủ Dương lởm chởm, xanh mắt Di nằm tốt ngáy o o!” Và “Phao Vị Thủy lênh đênh, bạc đầu Lã ngồi dai ho lụ khụ.”
Cũng vì bản tính ôn hòa, không cố chấp, cho nên đa số người Việt vẫn không bị nhiễm thái độ ngu trung. Nhất là từ khi có những cuộc tranh chấp, thay đổi triều đại; rồi chế độ quân phiệt bắt đầu vào thời Mạc Đăng Dung, kéo dài qua các chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Ai cũng thấy các vua, chúa này không phải là thần thánh gì mà chỉ dùng vũ lực chiếm quyền. Trong cuốn Thượng Kinh Ký Sự của Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông, 1724-1791) chúng ta thấy tác giả thường bầy tỏ thái độ cung kính với vua Lê và chúa Trịnh nhưng chỉ giữ lễ bên ngoài, còn lời văn vẫn tỏ ra bất phục. Trong những tháng ở Thăng Long chứng kiến cảnh kiêu binh lộng hành, lúc ông tìm đủ lý do để xin về quê “lánh nạn,” vì biết cả chế độ đang sụp đổ. Khi về đến nhà, nghe tin loạn kiêu binh đã giết cả mẹ con ông chúa Trịnh, Lê Hữu Trác không ngỏ một lời thương tiếc.
Tới thế kỷ 19, loạn nổi lên khắp nơi, nhất là ở miền Bắc, lòng người không còn tuyệt đối trung thành với các vua nhà Nguyễn.