(trích Đời là bóng hiện của cảnh tâm
Nguyên tác: Dalai-Lama XIV
Pháp dịch: Michel Cool và Pierre Lafforgue
Việt dịch: Pháp Hiền cư sỹ)
GIÁ TRỊ CỦA LÒNG BI
Bài giảng chiều thứ tư
Hỏi: Người ta nói với tôi rằng, nếu như tôi theo pháp tu thiền sổ tức (pháp tu đếm hơi thở), thì tôi dễ buồn ngủ, pháp tu đặc biệt này có thể không thích hợp với tôi, cho nên tôi phải tìm kiếm pháp khác, xin ngài vui lòng nhận xét, điều có đúng như thế không?
Đáp: Khi người ta bắt đầu tập thiền, thì điều thường xảy ra là người ta hay buồn ngủ, thậm chí là ngủ quên. Đối với một số người có trạng thái này, tôi khuyên họ nên trì chú.
Khi thiền định, tâm thức có thể bị hôn trầm chi phối, thân tâm chưa đạt được trạng thái khinh an, thường hay bị buồn ngủ và thậm chí là ngủ quên. Sở dĩ bị như vậy, là vì hành giả lơi lỏng trong việc rèn luyện tâm thức; để khắc phục tình trạng này, ta nên làm cho tâm thức căng ra, nhờ thế mà ta được tiếp thêm năng lực. Nếu như phương pháp này không hiệu quả, thì ta nên quán tưởng một cái gì đó lấp lánh ánh sáng hoặc chú tâm vào những chi tiết của đối tượng mà ta đang thiền tư. Sở dĩ ta bị hôn trầm là vì ta đi vào lĩnh vực nội tại quá nhiều. Nếu phương pháp vừa nêu cũng không hiệu nghiệm, thì ta nên xả thiền và nhìn vào khoảng không gian xa, ta có thể quan sát toàn cảnh hoặc đi rửa mặt hay đi ra ngoài hít thở không khí trong lành.
Nếu như khi bạn tập thiền theo phương pháp sổ tức, mà bạn buồn ngủ một cách khác thường, thế nhưng khi bạn tập thiền theo phương pháp khác mà không có triệu chứng đó, thì có lẽ vấn đề là do cơ thể của bạn. Trong trường hợp này, tốt hơn hết, là bạn nên thay đổi đối tượng thiền quán. Ta có thể định tâm hay thiền trụ trên một vài yếu tố hay một vài loại ánh sáng nơi một xa luân (canal central – kênh trung tâm, huyệt vị) đặc thù nào đó. Khi tu phép sổ tức, thì cách hữu dụng là (vừa đềm hơi thở) vừa quán ánh sáng tỏa chiếu trên phần đầu của mình. Tóm lại, người ta cho rằng, khi tâm thức lắng xuống và lỏng lẻo, thì tốt nhất là ta nâng đối tượng thiền quán lên, và khi tâm thức hưng phấn, thì ta đưa đối tượng đi xuống. Liệu pháp này cần được xem trọng khi ta ở trong trạng thái thiền tư.
Hỏi: Ngài có lời khuyên nào cho những bậc cha mẹ vào thời điểm này, con gái mới bảy tuổi của họ bị ung thư não và đang phải điều trị tại Luân Đôn?
Đáp: Hãy tin rằng, những bậc cha mẹ đều hoàn toàn muốn nhờ đến y học can thiệp để chữa khỏi bệnh cho con mình. Trong một vài trường hợp, ta nên ứng dụng các kỹ thuật thiền định, như trì chú, và quán tưởng (hồi hướng cho con mình), thế nhưng, dù các pháp này có hiệu quả hay không, thì chúng còn tùy vào những yếu tố quan trọng khác nữa. Nếu những ai có đức tin vào Đấng sáng tạo, thì họ nên nghĩ đến những gian nan như thế là do Chúa an bày và nhờ vậy mà họ được thảnh thơi. Yếu tố quan trọng hơn hết là em bé đang bệnh kia, cần được giữ cho tâm thức an bình. Bên cạnh những điểm ấy, ta còn nhờ đến những tiến trình thể nghiệm, đó mới thật sự là điểm gian khó. Có lẽ ta đã nghe rằng, khi mà nghiệp quả đã thành thục, thì nó không dễ gì bị đảo ngược.
Hỏi: Thưa Ngài, ta đã cho rằng, hành trình xa thẳm của con đường tâm linh, niềm tin là cứu cánh. Vậy, tác nhân thật sự của niềm tin là gì?
Đáp: Nói chung, niềm tin có ba phạm trù. Thứ nhất, tin bằng sự cảm phục trong sáng hay chánh tín (la foi fondée sur l’admiration – tin bằng sự khâm phục), tin để được những phẩm chất an lạc hay gọi là lạc tín (foi-émulation) và niềm tin trên cơ sở tội báo (la foi fondée sur la conviction) – tức tin nhân quả. Và trên hết là mở ra con đường tự chứng. Khi lý chứng được bạn tư duy thâm thúy, thì chắc chắn rằng, niềm tin của bạn càng lúc càng tăng trưởng, nhờ thế mà niềm tin càng trở nên kiên cố – Tâm chứng.
Cũng như những thể nghiệm tâm linh khác, niềm tin phân thành hai phạm trù cốt lõi: loại thứ nhất là loại đốn tín – niềm tin xảy ra nhanh chóng và bất ngờ và loại thứ nhì là tiệm tín, tức là niềm tin được cố gắng tích lũy trong một thời gian dài. Đây là loại niềm tin kiên cố hơn hết, tuy nhiên những chứng nghiệm vô nhân (đốn nghiệm), vốn luôn lợi lạc. Do vậy, cách tốt nhất là khi trạng thái đốn nghiệm xuất hiện, thì lúc đó bạn nên nắm lấy nó bằng một nỗ lực thích đáng.
Hỏi: Theo tôi, để hiểu thấu những mức độ tu tập khác biệt là rất khó, vậy, pháp môn đơn giản nào để tôi có thể tu tập nhuần nhuyễn?
Trả lời: Nói chung, “pháp môn” chủ yếu mà tôi thường nhắc đến: nếu có thể, bạn nên giúp đỡ người khác, còn không, thì bạn đừng làm hại họ. Trong Phật giáo, pháp tu chủ yếu của Thanh Văn Thừa, chính là hạnh nhẫn nhục – khuynh hướng chiến thắng lòng sân hận hay chiến thắng những nguyên nhân làm người khác khổ đau, còn tinh tủy của giáo pháp Đại Thừa là hạnh từ bi – giải thoát chúng sinh (l’aide apportée à autrui – mang lại lợi lạc cho người khác). Liên hệ đến những giai đoạn tu hành, thì giai đoạn thứ nhất là ngăn nghiệp ác bằng cách tu thập thiện (dix non-vertus – ngăn chận mười điều phi đạo đức hay tu mười hạnh lành) và rồi ta phát nguyện tu hành trên cơ sở thập thiện này; sau đó người ta có thể tinh tấn tu tập bi tâm và phát nguyện làm cho thiện hạnh này bao la hơn nữa.
Hỏi: Liệu ta có thể chan hòa tình yêu mà ta đã chứng nghiệm (trải qua) bằng sự trai tâm (équanimité – sự thanh thản) cho riêng một cá nhân nào đó hay không, chẳng hạn như sự chan hòa tình yêu trong hôn nhân? Hoặc ta chỉ có thể phát triển việc thanh thản khi nào ta tách ly khỏi những ngã sở (engagement personnel – bám chấp cá nhân) của mình?
Đáp: Trên giai đoạn tu hành ban đầu, tình yêu mà ta nếm trải có rất nhiều mức độ: tình yêu mạnh nhất là tình yêu dành cho những người hiện giờ mà ta thân thuộc và kém hơn cho những ai ở xa ta. Thế nhưng, qua công phu tu tập và dần dần tiến bộ, thì lòng yêu thương của hành giả được rải đều cho tất cả chúng sinh (tình yêu từ công phu tu tập của hành giả dành cho tất cả chúng sinh là bình đẳng). Một tình yêu trai tâm (thanh tịnh) như vậy, chỉ có thể hình thành trong tương lai mà thôi. Như tôi đã đề cập, trong giai đoạn ban đầu tu tập tình yêu, đại bi, lòng tin và những phẩm chất khác, thì chúng đều có trộn lẫn ít nhiều các chất liệu phiền não nữa.
Hỏi: Khi một tư tưởng tốt (tích cực) đi cùng một hành vi xấu, liệu đó có phải là nghiệp quả thắng hơn không?
Đáp: Hệ quả phụ thuộc vào hai loại nghiệp trên thời điểm thực hiện hành vi và cũng trên mức độ của động cơ trước khi tiến hành tạo nghiệp – Hệ quả của nghiệp quy mô như thế nào tùy vào lĩnh vực của động cơ. Trên thực tế, có những trường hợp mà trong đó động cơ có năng lực quá lớn mạnh, còn có những trường hợp khác, mà tình huống xúc tác mạnh hơn so với diễn tiến thật sự của nghiệp: ta đang nói đến đối tượng và thời gian.
Hỏi: Người ta thấy là rất nhiều Phật tử đang lo âu khi nghe những tăng sĩ phạm giới (le maîtres Bouddhists qui transgressent régulièrement certains préceptes), chẳng hạn, họ cho rằng, người ta được phép uống rượu, quan hệ tình dục với những thành viên trong các cộng đồng tâm linh của mình v.v.. Có thật sự là những tình huống này xuôi ta phạm giới chăng?
Đáp: Để thuần thục dòng tâm tương tục của mình, những bản kinh dạy về Bồ-Tát thừa mô tả cho ta nhận thức được các pháp tu gọi là Lục Độ Ba-La- Mật hay gọi là sáu trạng thái hoàn thiện: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ – Để độ sanh, ta có bốn pháp tu – cúng dường tài vật làm phương tiện khuyến tu cho một ai đó, nói lời từ ái để hướng dẫn họ đạt tới một đời sống tốt đẹp và thật sự thoát khỏi luân hồi như thế nào,; khiến cho người tu học đắc hạnh lành và thoát khỏi những tập khí gây khổ quả, phản tác dụng, (faire en sorte qu’ils adoptent dans leur propre pratique ce qui est vraiment bénéfique et écartent de leur comportement ce qui est finalement néfaste) và cuối cùng là truyền cho người khác trạng thái tự chứng của mình. Tuy nhiên bốn hạnh này cũng là phương tiện để hành giả đạt tới thiện quả. Do vậy, khi người ta là một bậc đạo sư, thì ít ra, người ta phải trải qua những quá trình tu học như vậy. Xét trên ý nghĩa chung, ta có thể thấy rằng, vô công dụng hạnh là một phẩm chất không thể thiếu của một người. Nói rõ hơn, nếu như ta nhận ra trong tu pháp “giáo tha” của một ai đó mà nội hàm mâu thuẫn, thì do người đó kém phẩm chất trên bước đường tu hành.
Theo truyền thống, điểm cốt lõi cho người tu học là cần hiểu biết về những phẩm chất (công đức – qualification) của một bậc đạo sư (guru) trì giới mà đức Phật đã tuyên thuyết trong luật tạng cũng như trong Mật thừa (tantra) và đó là điều nhằm xác quyết là vị ấy có hay không những đức tính này. Cũng vậy, nếu một ai nguyện trở thành đấng Lama hoằng pháp độ sanh (un Lama enseignant à autrui), thì người đó phải học những đức tính như đã nêu và trau dồi viên mãn chúng (traveiller à leur accomplissement).
Trong Mật thừa, người ta cho rằng, một khi mà những hành giả đạt tới sự thực chứng tối thượng, thì họ có thể ứng hiện (recourir) những phẩm hạnh phi thường (modes de comportement sortant de l’ordinaire). Ngưỡng xác định tu thành tuệ giác của Mật thừa (Mật tuệ) qua các ứng hiện siêu việt là ngưỡng cho biết rằng vị ấy đã “chứng tánh” (réalisation de la capacité – thực chứng năng lực siêu việt). Ý nghĩa của chứng tánh là gì? Nhà đại hiền giả Druk Kagyupa và nhà thông thái Padma Gar Bo lý giải rằng, sự chứng tánh này hàm ngôn cho bậc Du-già đạt tới quyền năng từ thần lực Du-già để có thể nhiếp phục kẻ bất tín (la perte de confiance – kẻ đánh mất lòng tin đối với Mật thừa) bằng cách ứng hiện (manifestion) những hành tướng (activité) như vậy. Chẳng hạn, như trường hợp đạo sư Tilopa đã hóa hiện thần thông để nhiếp phục Nāropā, một môn đồ của mình – kẻ đã bị đánh mất đức tin – bằng những hành tướng diệu kỳ. Những hành tướng đặc thù như thế, chỉ có thể thành tựu bằng sự “chứng tánh” mà thôi. Đối với một Lama vô thực chứng, thì chắc chắn rằng, những hành vi phi thường của vị ấy là những giả tướng từ một vị thầy nào đó, nói một cách đơn giản, gần sau lưng ông ấy vẫn cứ là một vách tường ngăn ngại mà thôi.
Hỏi: Xin ngài vui lòng giải thích về bản chất liên kết (duyên khởi – connextion) giữa một hành vi đã được thành hình từ nhiều đời trước với nghiệp quả mà ta đang phải nếm trải do một tai họa tự nhiên, như tai họa do sét đánh? Có phải cái thức, dòng tâm tương tục hiện giờ của chúng ta tạo ra tia chớp này hay không?
Đáp: Trong câu hỏi về nghiệp này, thì câu trả lời hợp lý để ta có thể nhận ra rằng, nói chung, nhân lành sẽ gặt quả lành, bởi vì đó là bản chất của nhân quả. Tuy nhiên, khi ta muốn tìm hiểu vì sao mà một nghiệp hoàn thành (thành tựu) trên một thời điểm cụ thể mà nó lại tạo ra nghiệp quả như thế vào một thời điểm khác như vậy, thế thì người ta đang ở giữa nơi mà những tác tố này lại quá tinh vi, cho nên để hiểu thấu (nhân quả) là một điều vô cùng khó. Trong thí dụ về con người bị sét đánh, ta có thể dùng đến bốn hình thái mà tôi vừa nêu: một là, cốt ở khảo sát bản chất của đối tượng để thấy rằng, đối tượng ấy không do nghiệp tạo ra mà do chính bản chất của đối tượng ấy, nó đã tạo ra như thế. Chẳng hạn, nhiệt và tính năng của sự cháy đều thuộc về bản chất của lửa; sự ướt và tính năng của ẩm, đều thuộc về bản chất của nước. Cũng thế, tia chớp, hoặc mọi hiện tượng khác, được sinh ra bằng hệ thống chồng chéo của những yếu tố cấu thành thế giới này, thế nhưng, trong tình huống xấu của người bị thiên tai này (người ta đã chạm đến sự ngẫu hợp của những hoàn cảnh, ở đây, gọi là bất định nghiệp), đấy là do luật của nghiệp (trường hợp này, nói theo kinh, chỉ có Phật mới hiểu thấu mà thôi). Quá nhiều nét đặc trưng tương tợ mà ta cần phải khám phá.
Hỏi: Vì sao mà những Phật tử chân chánh nguyện tu hạnh “bất sát” mà họ lại có thể hưởng thú vui ăn mặn (phạm tội giết hại gia cầm, chim cá để ăn thịt) cho được?
Đáp: Bạn đang đặt ra một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Nói chung, trong Luật Tạng (l’éthique Bouddhiste/ Vinaya) không cấm ăn thịt. Trên một ý nghĩa nào đó, Tăng sĩ (có cả Ni) là những người xuất gia khất thực độ sinh, do vậy, khi khất thực, họ không yêu cầu một sở thích nào cả, chẳng hạn, họ không thể nói “tôi thích thế này, tôi muốn loại thức ăn kia”, (nghĩa là ai bố thí cái gì thì họ ăn cái đó). Hơn mười lăm năm về trước, tôi có đặt vấn đề này với một vị sư người Sri Lanka, ông nói với tôi một cách nghiêm túc rằng, tu Phật không nhất thiết đặt ra vấn đề chay hay mặn.
Trong Bồ tát thừa, điểm nhấn mạnh chung là nên ăn chay; hầu như không ăn thịt được cho là thích hợp nhất và rất nhiều cộng đồng Phật giáo Nhật Bản đều thực hành ăn chay nghiêm túc (ăn chay trường – un végétarisme strict). Theo tôi ăn chay là đúng đắn. Và sau hết, trong Mật thừa, có ba giáo chỉ tantra cấp thấp – Nghiệp tantra, Thành tựu tantra và Du-già tantra – cả ba tantra này đều cấm ăn thịt, thế nhưng trong tantra tối thượng, thì không cấm ăn thịt (vì những hành giả này đã đạt được sự tự tại trong sắc và tâm pháp rồi).
Những gì vừa nêu là giáo chỉ chung của Luật tạng (Traité l’éthique), Kinh thừa (véhicule des soutra) và Mật thừa (véhicule des Tantra). Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn hết là ta không nên giết hại thú vật để nuôi dưỡng bản thân mình. Chẳng hạn, trong khu chợ, thịt bày bán sẵn rồi, chỉ việc mua về mà ăn, còn nơi thịt không bày sẵn, ta lại nói, “tôi muốn ăn thịt”, quả là không thích hợp – (thịt cá dành cho chợ búa, chẳng thể có trong chốn thiền lâm).
Tốt hơn hết là nên ăn chay. Bản thân tôi bắt đầu ăn chay từ năm 1965 và sau hơn gần hai năm, tôi bị nhiễm bệnh vàng da, được bác sĩ khuyên là nên ngưng ăn chay. Tuyệt vời thay hạnh ăn chay trường! Tôi rất ấn tượng khi nghe đài BBC nói rằng, (ở Mỹ), số người ăn chay đang có khuynh hướng phát triển. Đây là một tin tức đáng mừng.
Hỏi: Ngài đã nói rằng, thỏa cơn giận dữ (để cơn giận hiện hình) là phép tu tồi. Vậy, tôi kết luận là ngài muốn nói rằng, không nên sân với những ai hay đối tượng nào chống lại mình. Tuy nhiên, một số hệ thống phân tâm học biện hộ cho sự nổi giận đối với những đối tượng trơ lỳ, như cái gối hoặc tường vách nhằm phóng thích năng lượng dồn nén bên trong của người sân hận. Thưa ngài, kỹ thuật này lợi hại như thế nào?
Đáp: Về cơ bản, nếu để sân hận “bùng phát” là hoàn toàn tai hại. Tuy nhiên, nếu bạn không chú ý thực hiện phòng hộ, chẳng hạn, trau dồi lòng bi, tình yêu thương, thì sân hận sẽ bùng phát. Do vậy, chủ yếu là ta nên làm cho nó co rút lại. Một người bạn tôi cho rằng, khi mà sân hận phát tác đầy đủ đến độ bạn không thể chịu đựng được, thì đó là lúc bạn tự đánh đập mình. Do vậy, theo tôi, nén giận và buông xả là tuyệt vời hơn cả. Ở đây, người hỏi vừa đề cập đến việc “phóng thích năng lượng” trên những vật vô tri theo quan điểm phân tâm học. Theo tôi, “phóng thích” trên cái gối là tốt nhất, vì nó không quá cứng! Dưới một vài tình huống đặc biệt, sân hận có thể cho phép thành hình, nhưng đừng với chúng sinh.
Hỏi: Một vài người trong chúng tôi đã nói không đúng sự thật là vì một công việc nào đó, để đi đến đây dự pháp hội này và được công đức từ giáo chỉ của ngài. Liệu thiện nghiệp tu học đó có làm giảm đi (chống lại được) nghiệp xấu là nói (láo) không đúng sự thật?
Đáp: Điều đó phụ thuộc vào bao nhiêu công đức mà ta đã tích tập được. Nếu như bạn thực hành cụ thể giáo pháp và nhờ thế mà bạn thu hoạch được một cái gì đó cho cách sống của mình, thế nên rất đáng bõ công. Có công đức hay không còn tùy vào những yếu tố như vậy. Trong viễn cảnh Phật giáo, nói như Tịch Thiên (Śāntideva), những suy xét quan trọng nhất chính là suy xét về nghiệp quả của chúng ta (nghiệp quả của chúng ta là cái cần nên khảo sát). Ta phải xác định cái gì cần làm và cái gì không nên làm nhằm xác định cái gì sẽ phải thành tựu một cách đầy hiệu quả. Y trên sự phân tích như thế, những nghiệp nào được luật tạng nghiêm cấm, chẳng những ta nên tuân thủ, mà còn phải khuyến tấn dưới một vài nhân duyên (circonstance): chúng cần phải được nghiêm trì, nếu như chúng mang lại công đức (lợi lạc). Đúng như trong liệu pháp của y khoa, thậm chí những liệu pháp khác nhau có thể được cùng một người dùng khi tính chất của bệnh lý bị thay đổi, cũng vậy, trong tiến trình tịnh hóa tâm thức, những hoàn cảnh đổi thay hoặc trên các chặng đường mà người ta có thể cần đặt ra cách ứng dụng những kỹ thuật khác nhau.
Tuy nhiên, hãy trở lại với chủ đề của chúng ta.
ĐỘNG CƠ BI MẪN CỦA BỒ-TÁT
Chế ngự ảnh hưởng của tập khí phiền não – Hàng phục phiền não sở tri
Tu tập Tam Pháp Ấn (Giới, Định và Tuệ) để có thể phá hủy phiền não. Thế nhưng, ta cũng cần phải thoát khỏi các tập khí tùy miên (những tập khí ngủ ngầm dưới sâu trong tâm thức của chúng ta) và việc thoát ly này không dễ dàng gì. Lý do mà bạn muốn tìm diệt những tập khí ấy, là vì chúng là nhân của vô minh (che chắn sự lãnh hội của ta về mọi đối tượng nhận thức, thuật ngữ của Phật giáo gọi là sở tri chướng – che chắn sự lãnh hội của ta về thực tướng của các pháp). Thậm chí cũng do chúng mà các bậc thánh được gọi là A-La- Hán (sát tặc – diệt phiền não), những người đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi vẫn không thể nào phát huy trọn vẹn được tiềm năng của trí tuệ; họ chỉ mới đi được phân nửa của con đường thành Phật (chưa chứng đắc chánh đẳng chánh giác).
Vấn đề là làm sao phá hủy những vết in (tập khí) này, những khuynh hướng tùy miên này (tendance lentant)? Vũ khí hiệu quả nhất vẫn là: không tuệ – trí tuệ chứng đắc tánh không (sagesse capable de comprendre la vacuité), thế nhưng để “mở” cánh cửa tiềm năng này, thì chìa khóa vẫn là tích lũy công đức rộng sâu (tích lũy thiện nghiệp) bằng lòng từ mẫn vĩ đại (insurpassable altruisme – đại bi) không làm hại chúng sinh. Cho đến giờ, tôi chỉ nói với các bạn về bản thân của một cá nhân tích lũy công đức để cá nhân đó được giải thoát; tức là hạnh từ bi bất hại chúng sinh và sự tu tập chủ yếu là cho cá nhân của người đó mà thôi. Còn trong tích lũy thiện hạnh và từ bi siêu việt, thì liên hệ đến toàn bộ chúng sinh
Vì chúng sinh là vô lượng, cho nên khi tâm thức của một hành giả liên hệ đến vô lượng chúng sinh, thì năng lực của công đức được tích lũy bởi những thiện hạnh cũng vô lượng. Chẳng hạn, quy y Tam bảo dành cho cá nhân mình hoặc quy y liên hệ đến vô lượng chúng sinh, cả hai tuy là hai thiện hạnh Quy Y, thế nhưng, khi đề cập đến năng lực của tích lũy công đức, thì chúng hoàn toàn sai biệt – thiện hạnh liên quan đến cá nhân và thiện hạnh liên quan đến toàn bộ chúng sinh.
Trong cách thứ nhất của Quy y, thì mục đích là giải thoát cá nhân ra khỏi sinh tử luân hồi (bản thân mình thoát khỏi khổ đau); còn cách quy y thứ hai bằng động cơ Đại bi, thì mục đích là phát triển rốt ráo vô thượng tâm: thành Phật (Boudhéité). Mục đích này diệt dứt được hai chướng ngại, đó là phiền não chướng và sở tri chướng. Xét trên quan điểm như vậy, các pháp tu mà hành giả đeo đuổi bằng động cơ từ mẫn nhiều hơn, thì khi vị ấy chứng đắc giác ngộ tối thượng sẽ có sức mạnh nhiều hơn, và sự tích lũy công đức sẽ vĩ đại hơn.
Lòng bi có bản chất vô cùng cao quý. Kỳ diệu biết bao, khi tâm thức nhân loại có thể phát triển thành và (nhập vào) một phẩm chất như thế – xả kỷ độ sinh [vị tha] (une telle attitude d’oubli de soi et de considérer autri comme aussi précieux que soi). Đó là một thái độ thật sự phi thường. Nếu một ai đó thể hiện tình cảm nồng ấm với chúng ta, chúng ta sẽ rất hạnh phúc; cũng trên tương quan đó, khi ta thể hiện tình cảm của mình với người khác. Tôi nghĩ, bằng một động cơ như thế, thì cõi mà ta đang sống cũng chính là Niết-bàn (sanh tử tức Niết bàn). Đây là suối nguồn thật sự của hạnh phúc, không chỉ trong tương lai, mà còn ở tại đây và bây giờ nữa. Ngay cả một chứng nghiệm nhỏ nhất về một phát triển như vậy, thì nó sẽ giúp tâm thức ta đạt tới sự thanh thản và sức mạnh bên trong của mình. Nó chiêu cảm (attirer) và ban cấp cho chúng ta mọi thiện nghiệp thù thắng cũng như những nền tảng kiên cố nhất để ta có thể cống hiến cho đời sống xã hội này. Sự chứng nghiệm ấy không chỉ là một bậc thầy mà còn là thiện tri thức của chúng ta nữa. Trạng thái đó, là niềm an lạc đích thực.
Buổi sáng hôm nay ta vừa thảo luận về luận lý triết học (của Phật giáo), cho phép ta kết luận về phẩm chất (công đức) để tu tâm dưỡng tánh. Để tu hạnh từ bi, các nhà đại hiền giả Ấn Độ (les grands paṇḍitas – chư đại trí Phật giáo) đã chỉ ra hai pháp tu: pháp thứ nhất là bảy giáo chỉ tinh túy về nhân quả và pháp thứ nhì là tu hạnh bình đẳng và hạnh tự hóa hóa tha (chuyển hóa tự thân và chuyển hóa tha nhân – la pratique de l’égalité et de l’échange entre soi et autrui).
Trong phép tu thứ nhất này, bước ban đầu hành giả khởi tu hạnh bình đẳng (équaminité) với mọi chúng sinh, rồi thiền quán về bảy niệm pháp như sau:
Quán tất cả chúng sinh đều là thiện hữu của mình
Quán về thiện tâm của họ
Trau dồi hạnh báo ơn đức đó của chúng sinh
Khởi bi tâm
Phát tâm vô thượng: trách nhiệm toàn xã hội
Khởi đại bi để chứng Phật quả.
Để phát khởi trạng thái đại bi chứng Phật quả độ sanh (làm lợi lạc chúng sinh), thì điều cần thiết trước tiên là khởi tâm dũng mãnh phụng sự chúng sinh. Để có dũng tâm này, thì nền tảng là lòng từ mẫn bao la, lấy hạnh phúc của chúng sinh làm trách nhiệm riêng mình, lấy nỗi khổ do nghịch duyên của chúng sinh làm nỗi khổ của riêng mình. Do vậy, từ tận đáy lòng (trong sâu thẳm của trái tim – du plus profond du coeur), hành giả nguyện chúng sinh được thoát khỏi những ác duyên như vậy. Nếu như ta không “nhập” hạnh từ bi này, thì ta không thể nào gánh vác sự nghiệp giải khổ cho chúng sinh được cả.
Chúng ta có thể xác nhận từ sự thể nghiệm của chính bản thân rằng, thật dễ dàng phát khởi lòng yêu tương bao la khi ta quán chúng sinh trong hòa hợp, trong an lạc và trong niềm thôi thúc khôn nguôi. Do vậy, trước khi khởi Đại bi tâm, người ta cần đến một kỹ thuật khiến cho tất cả chúng sinh là tiêu điểm hấp dẫn bản thân mình. Kỹ thuật này là quán tất cả chúng sinh đều thân cận với mình cho dù người đó là cha mẹ, liên hệ huyết thống hoặc là ai đi nữa.
Để quán chúng sinh theo cách này, thì điểm cốt yếu là “thấy” họ bằng trái tim bình đẳng (égalité d’esprit – quán chúng sinh bằng tâm bình đẳng) và ở đây, phương pháp tốt nhất là ta dùng đến trí tưởng tượng (quán tưởng – imagination). Ta hãy tưởng tượng (quán) trước mặt ta là một người bạn, một kẻ thù, một ai đó mà ta chưa hề quen biết – một con người “dưng” nào đó. Hãy kiểm tra những cảm giác của bạn xem ai là người mà bạn giữ lấy lòng mến yêu và ai là kẻ mà bạn cho là người xa lạ. Tất nhiên, bạn thấy mình gần với những người mình thân, còn với kẻ kia, chẳng những mình cảm thấy lạ xa mà đôi khi ta còn cảm thấy hờn căm hoặc cáu tiết như kẻ thù của mình.
Chúng ta đã phân tích vì sao mà mình lại có những phản ứng như thế này. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, người mà ta cho là thân thiện nhất, biết đâu, trong những kiếp quá khứ lâu xa, đôi khi họ là kẻ thù của mình và ngược lại, kẻ mà hôm nay ta ngỡ là thù, hóa ra kiếp xưa đã từng là bạn, ta hoàn toàn không chắc rằng, anh ta hay cô ấy có thật là một trong những người thân nhất của mình hay không. Trong tương lai cũng vậy, không có lý do nào cho rằng kẻ thù mãi mãi là kẻ thù và người thân phải mãi là người thân. Thậm chí, trên đời này không có gì là vĩnh cửu cả. Giờ là bạn, chút nữa đây có thể là thù.
Điều đó được kinh nghiệm đời thường của ta xác chứng và nó còn (biến ảo) hơn cả hoạt động chính trị nữa: hôm nay là bạn mai là thù. Chính vì điều này mà người ta nói rằng, đời ta không có nền móng nào là thật sự bền vững: khi thì ta thành công, lúc thì ta thất bại. Sự vật thay đổi bất tận từng sát-na. Do vậy, ta có nên dại dột bám vào bất cứ cực đoan nào chăng? Nhờ cách quan sát này mà tâm thức ta dần dần sẽ được bình đẳng.
Bước kế tiếp ta phải nghĩ về những gì vừa nêu, kẻ thù của ta ở thời quá khứ – nếu có thể chút nữa đây hay mai kia – sẽ là tri kỷ của mình; thế thì, cách tốt nhất là hãy xem cả ba nhân vật – thân, thù và người dưng (vô ký) – đều là bạn tốt của ta. Cũng vì thế, mà ta có thể tra vấn là khi sân hận nó có giá trị hay là không: loại kết quả nào sẽ hình thành từ nó? Sự phúc đáp thật quá rõ ràng. Song, nếu bạn nỗ lực phát triển lòng yêu thương hướng đến những con người này, đương nhiên quả lành sẽ tới. Cũng dựa trên quan điểm vừa nêu, ta có thể thấy rằng, tình thương bình đẳng với ba loại chúng sinh này, thì quả lành rất khó nghĩ bàn.
Hãy mở lòng ra với những người hàng xóm của mình – từng người một, những người đang sống quanh ta, rồi đến những ai quanh đường phố. Kế đến hãy trải lòng mình ra khắp quê hương, toàn đại lục, rồi lan tỏa đến tất cả chúng sinh trong pháp giới này. Và, đây là pháp tu bảy giáo chỉ về nhân quả.
Còn một kỹ thuật khác nữa để phát triển lòng yêu thương, được gọi là hạnh tu bình đẳng và chuyển hóa bản thân cũng như chuyển hóa tha nhân. Ở đây, chuyển hóa ta và người là một khía cạnh rất quan trọng mà ta cần tham học. Hãy lựa chọn. Thật ra thì không có sự lựa chọn nào khác – chỉ có từ bi và bình đẳng mà thôi. Ai là người quan trọng nhiều hơn, ta hay người? Ta là cá thể, còn chúng sinh là vô lượng. Vì là chúng sinh, cho nên ta và người đều muốn hạnh phúc và chiến thắng khổ đau, có phải thế không?
Nếu như ta hỏi rằng: “Tại sao ta có quyền được hạnh phúc?” Lý do sau rốt là, “vì ta muốn hạnh phúc.” Lý do này là căn cơ của mọi lý do; đó là quyền của con người và là quyền của mọi chúng sinh. Giờ đây, nếu ta hay một ai đó có quyền như thế để vượt khổ đau, thì người khác cũng có quyền như vậy. Hơn thế, mọi chúng sinh đều vốn có khả năng vươn đến hạnh phúc. Chỉ có sự khác biệt là lợi kỷ hay lợi tha mà thôi. Từ đó, sự kết luận quá rõ ràng rồi; ngay cho dù một vấn đề nhỏ nhoi, một chút khổ đau xảy ra cho mọi người, thì phạm vi của nó là vô hạn, còn một cái gì diễn ra với cá nhân mình, thì đó cũng chỉ là vấn đề giới hạn trong phạm vi của ta mà thôi. Khi đạt tới một tầm nhìn như vậy, thì cá nhân mình chẳng còn gì là quan trọng nữa.
Tôi xin mô tả như thế nào là phép thực hành thiền định. Tất nhiên tôi muốn nói đến cách thực hành của riêng tôi và sau đó tôi sẽ nói đến các phép thực hành của người khác, như tôi biết. Bạn hãy hình dung trước mặt là khuôn mặt quen thuộc của mình, cái tôi vị kỷ và khuôn mặt khác là một nhóm người nghèo khó, hạng người bần cùng và chính bạn là kẻ ở giữa, một người dưng trong hai hạng người này – khuôn mặt cũ của bạn, người nghèo khó và chính bạn là một người dưng, thành phần thứ ba. Và rồi, điều quan trọng hơn là bạn hãy phán xét – cho dù sự phán xét của bạn có liên kết cái ngã vị kỷ, cái ngã trung tâm, con người ngu muội hoặc nghèo khổ kia hay không. Nếu như bạn là người có trái tim nhân hậu, thì bạn sẽ đứng về hướng những con người khốn khổ kia.
Hình thái định tưởng như vậy, sẽ giúp ta phát triển động cơ yêu thương; dần dần nó cho phép ta chứng thực được trạng thái chấp ngã có mức độ tệ hại như thế nào. Cho đến giờ, chẳng ai muốn mình là một con người xấu, nếu ai đó bêu rếu bạn: “Bạn là một con người tệ hại,” chắc là bạn sẽ nóng giận vô cùng. Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản là ta không muốn trở thành người như thế. Nếu như thật sự ta không mong điều đó, thì đương nhiên, lòng tốt đang ở trong tay mình. Tu hạnh lành, bạn sẽ đắc quả lành. Không ai có quyền đặt con người trong các phạm trù thiện ác; không một ai có được loại năng lực đó.
Suối nguồn tuyệt đối của thanh bình trong gia đình, trong tổ quốc của chúng ta, hoặc trong thế giới này: Chính là Đại Bi, từ và bi. Thiền định trong điểm cốt tủy ấy cũng sẽ giúp ta phát triển lòng yêu thương một cách tột bực. Khi thiền định trên các kỹ thuật đó, rất nhiều khả năng ta sẽ đạt được niềm tin bất thoái, sự hưng phấn và lòng kiên trì. Nếu ta tiếp tục ứng dụng nó bằng tâm lòng bền bỉ to lớn, qua từng ngày, từng tháng và từng năm, ta sẽ tích lũy được những hạnh lành. Bằng một động cơ bi mẫn như vậy, mỗi một hành vi của ta sẽ là một nghiệp lành và năng lực của nghiệp lành này là không thể nghĩ bàn.
TU LỤC ĐỘ
(Les six Perfections)
Pháp tu nào đem lại lợi lạc cho chúng sinh theo bối cảnh của Phật giáo? Đó là hạnh bố thí: cấp y thực và nơi ăn chốn ở cho chúng sinh nương náu. Tuy đó là hạnh lành, thế nhưng nó thuộc về pháp hữu lậu – nó có giới hạn của nó – vì không mang lại sự an toàn tuyệt đối. Kinh nghiệm của chính chúng ta khẳng định rằng, chỉ có sự tịnh hóa dần dần của tâm thức, thì sự an lạc càng ngày càng phát triển và niềm hạnh phúc chính là sự bình đẳng cho mọi chúng sinh. Do vậy điều quan trọng là làm sao để họ hiểu được pháp tu nào mà họ có thể chọn lấy để đạt đến sự an lạc trọn vẹn. Song, nghiệp của chúng sinh mỗi người mỗi khác – khuynh hướng (tập khí) vô hạn, tiềm năng (căn tính – potentialite), sở thích và những trạng huống sai biệt – ta không thể làm thỏa mãn mọi kỳ vọng của hết thảy chúng sinh, nếu như ta không phát triển được những khả năng thuyết pháp tối thượng (chứng được ngôn tính, liễu giải các pháp) để đáp ứng chính xác các sở cầu của họ. Không có cách nào thành tựu điều này, trừ phi ta vượt qua được chính sở tri chướng (avoir éliminé obstructions à l’omnisciene) trong dòng tâm tương tục của mình. Do vậy, Phật quả (Bouddhéité) là trạng thái mà ta phải chứng đắc.
Trên quan điểm này, động cơ của một vị bồ-tát được minh định như là một trạng thái tâm linh (sự thúc đẩy của bản tâm) mà mục đích là vì tận độ chúng sinh y như nguyện chứng Phật quả vì mục đích này – vì chúng sinh mà tu chứng Phật quả, tu chứng Phật quả là vì chúng sinh. Cho dù mục đích tối hậu của ta là phục vụ chúng sinh bằng việc tu chứng Phật quả, thế nhưng, ở đây muốn nói đến pháp tu của một vị bồ tát, đó là pháp tu Lục độ hay sáu trạng thái cần được hoàn thiện: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Sự bắt đầu của pháp tu này, là hạnh bố thí. Bố thí bằng vật chất tùy theo khả năng mà mình có được.
Bố thí cốt vì đạt tới độ sâu vô thượng của tâm thức bằng thái độ cho mà không cần hoàn trả, chính là sự bố thí vô cầu, nghĩa là khi cho đi mà không cần hoàn đáp, cho dù là chỉ trong ý niệm hoặc kết quả từ trong chính hành vi ấy – phước báo của bố thí. Từ chiều sâu nhất của tâm thức mình, hạnh bố thí và mọi kết quả của nghiệp lành đều được hồi hướng (doivent être dédiés aux autres êtres vivant) cho tất cả chúng sinh.
Trì giới là pháp tu căn bản của một vị bồ tát, nó cốt ở hàng phục bản ngã của chính mình. Trên mặt so sánh thì tu hạnh bố thí không thể là bổn phận tuyệt đối mà ta đã gieo họa cho người khác để rồi phải thực hành tu hạnh vô cầu (thấy rằng mình vay mượn chúng sinh quá nhiều nên cho mà không cần đáp trả), do vậy, trên hết là diệt tận gốc phiền não tế vi gieo họa cho chúng sinh. Hạnh ấy chỉ có thể chứng thực bằng sự hàng phục hoàn toàn bản ngã: động cơ nhẫn nhục thuần túy làm cho bất cứ cảnh giới nào do phiền não tế vi gây ra đều được giải thoát (la pure motivation altruiste ne laisse aucune place à la moindre volonté de nuire). Vậy, điều cốt lõi là tu trì giới hạnh để hàng phục bản ngã.
Để đạt được tịnh giới (giới luật thanh tịnh), thì ta phải tu hạnh nhẫn nhục (pratique de la patience). Hạnh này có tầm quan trọng cực kỳ, vì nó là nguyên lý hộ trì trong pháp tu bình đẳng, chuyển hóa bản thân và chúng sinh. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, nơi chương dạy về pháp tu cùng kỹ thuật thiền định, Tịch Thiên (Shantideva) đã giải thích rất rõ về cách tu để đạt đến các trạng thái bình đẳng, chuyển hóa bản thân và chúng sinh. Chính pháp tu nhẫn nhục đã làm nên nền tảng, làm nên cơ sở cho sự thành tựu này, thế nhưng tính quyết định cho hạnh ấy là làm sao mà khi ta nghĩ đến kẻ thù của mình, thì sự sân hận trở thành lòng nhân ái và đó là yếu tố đưa ta tới những thiên quả. Lúc này, người ta đạt đến sự suy nghĩ rằng: “Không một ai làm ta thù hận cả, không có con đường tu nhẫn nhục nào mà không liên quan đến kẻ khiến ta hận thù.”
Như Tịch Thiên dạy, có rất nhiều chúng sinh để ta có thể thực hành bố thí, tuy nhiên có rất ít chúng sinh khiến ta tu nhẫn nhục và cái gì hiếm hoi, thì cái đó có giá trị nhiều hơn. Thực tế thì kẻ thù là người có nhiều lòng tốt hơn hết. Nhờ tu tập nhẫn nhục mà năng lực của ta càng lúc càng phát triển và pháp tu này chỉ có thể thực hành liên quan đến kẻ thù mà thôi. Do vậy, những kẻ thù của mình lại là tác nhân chủ yếu để ta tích lũy được đại công đức. Kẻ thù không phải là người gây chướng ngại niềm tin tôn giáo, ngược lại, họ lại là người giúp ta thực hành kiên cố đức tin này.
Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của mình, Tịch Thiên đã trích dẫn một phản đề giả định được đặt như sau: “Một kẻ thù không phải là động cơ giúp ta, vậy thì kẻ đó không đáng được xem trọng.” Một pháp tu nào có thể giúp chúng ta, thì pháp đó không cần phải có động cơ nào cả, Tịch Thiên đã trả lời như thế. Nếu động cơ là cần thiết, thì thoát khổ là tuyệt lộ, không đáng để tin. Do vậy, cho dù là những kẻ thù không có ý giúp ta đi nữa, thì ta vẫn tôn trọng họ, vì họ hoàn toàn lợi lạc (cho mình), như thể ta đắc được một pháp tu – giá trị của ngón tay là chỉ cho ta thấy mặt trăng.
Một giả luận khác được đặt ra: “Ngay cho dù pháp tu không giúp chúng ta giải thoát, thì nó vẫn không gây ta tổn hoại (Pháp giải thoát vốn là pháp vô cầu, cho nên nó hoàn toàn thanh tịnh), còn kẻ thù lại là người luôn mong hại ta.” Tịch Thiên trả lời rằng, sở dĩ anh ta là người muốn hãm hại bạn, nên anh ta bị mang tiếng là “kẻ thù,” và bạn cần có kẻ thù để trau dồi nhẫn nhục. Giả như, một vị bác sĩ đang tìm liệu pháp để cứu bạn, thì bạn đâu có xem ông ấy là kẻ thù, vì ông ta không thể cấp cho bạn pháp nào gọi là pháp tu nhẫn nhục cả.” Đó là Sự và Lý mà chư đại bồ tát của thời quá khứ lâu xa đã chứng tri. Tư duy theo hướng này rất là lợi lạc, vì nó giúp ta giữ gìn được niềm lạc phúc. Tịch Thiên lập luận rằng, nếu như một pháp nào có thể làm cho một hoàn cảnh nào đó được lắng yên, thì pháp đó bất cầu đến (chẳng cần đến) phiền não, và ngược lại, nếu một pháp nào đó chẳng có gì để có thể thực hiện, thì đối với phiền não nó cũng hoàn toàn vô dụng.
Còn có một loại nhẫn nhục không kém phần quan trọng, đó là lòng khoan dung hay nhẫn nại – tự nguyện gánh vác khổ đau.
Trước khi khổ đau xảy ra, thì việc cốt yếu là ta phải nắm được kỹ thuật rời xa nó, thế nhưng một khi khổ đau xuất hiện, thì nó được xem không chỉ như là một gánh nặng mà còn phải thấy nó là một pháp lữ trong đường tu. Lý về khổ đau có thể còn rất nhiều. Cho dù phải chịu đựng những khổ đau nhỏ nhoi trong cuộc đời này, song, người ta vẫn có thể tịnh hóa nhiều hạt giống đau thương khác vốn được tích tập trong đời thường của mình. Cũng vậy, khổ đau giúp ta lột trần những sai lầm, những thoái hóa trong vòng sanh tử luân hồi và đây là những nhân tố làm người ta càng lúc càng đọa lạc. Khổ đau cũng giúp ta hình thành những phẩm hạnh cao thượng và các tiến bộ trong giải thoát. Hơn thế, chính khổ đau đã làm ta cảm nghiệm được nỗi đau của người khác và khiến ta phát sinh nguyện ước cứu giúp chúng sinh. Quán khổ theo lối này, ta được biết rằng, nó là một cơ hội tuyệt vời để ta tu tập và tư duy nhiều hơn nữa.
Bốn pháp tu trong Lục Độ Ba La Mật vừa nêu hiệu quả rất khó nghĩ bàn. Để hình dung về nhiều loại hiệu quả của chúng, người ta gọi đó là: “mặc vào giáp sắt”; nó ngăn chận những hư niệm về sự thành tựu nóng vội nhất thời. Hiệu quả mà pháp tu này ban cho ta, chính là ý chí mãnh liệt đưa tới những pháp triển tốt đẹp trong niềm lạc đạo (L’enthousiasme) vô biên.
Còn lại hai pháp tu Thiền Định và Trí Tuệ ta sẽ giảng sau.