Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Giáo sư Lia Diskin ở Palas Athena, Brazil, chào đón với niềm vui vô bờ bến. Mặc dù đây là một cuộc gặp gỡ trực tuyến, nhưng cô ấy nói rằng trên thực tế, đó là chuyến viếng thăm lần thứ năm của Ngài đối với Brazil.
Khi giới thiệu Đức Ngài với khán giả, Diskin đã đề cập đến tầm quan trọng mà Ngài đã đặt vào ngành giáo dục; và cô trích dẫn những nỗ lực mà Ngài đã thực hiện để thiết lập các trường học cho trẻ em Tây Tạng lưu vong. Cô cũng ghi nhận sự nhiệt tình mà Ngài đã tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hiện đại trong hơn 30 năm. Cô cũng nhận xét về mối quan tâm lâu dài của Đức Ngài về việc biến đổi khí hậu và sự thiệt hại đối với môi trường.
Đức Ngài đã chúc mọi người hiện đang có mặt – một “Buổi sáng tốt lành”, và “Tashi Delek” (lời chúc bằng tiếng Tây Tạng), đồng thời nói rằng Ngài rất vui khi có cơ hội được trò chuyện với họ.
“Những con voi có thể có bộ não lớn hơn chúng ta, nhưng con người chúng ta thì thông minh hơn. Trí thông minh của chúng ta là một phẩm chất riêng biệt của con người. Trong vài nghìn năm qua, thế giới đã chứng kiến một số lượng lớn những người thầy và các tư tưởng gia, bao gồm cả Đức Phật – những người đã thể hiện trí thông minh tuyệt vời của con người.
“Tuy nhiên, nếu trí thông minh này bị kết hợp với sự hận thù, sân giận và sợ hãi, thì nó có thể trở nên rất huỷ diệt. Vì vậy, thay vào đó – chúng ta nên phải cẩn thận kết hợp nó với trái tim ấm áp nhân hậu. Tự bản chất, trí thông minh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất của chúng ta, nhưng khi nó được kết hợp với lòng nhân ái và trái tim ấm áp, thì nó sẽ mang lại sự an lạc nội tâm và cải thiện được thể chất của chúng ta.
“Việc trưởng dưỡng một tấm lòng ấm áp không chỉ là một vấn đề mang tính tôn giáo, mà ngay cả các nhà khoa học ngày nay cũng đánh giá cao sự đóng góp của nó trong việc tìm kiếm sự an lạc nội tâm. Là loài động vật có vú và sinh vật xã hội; khi còn bé, chúng ta được tắm mình trong tình yêu thương của mẹ, mà điều này thì chẳng có liên quan gì đến vấn đề tôn giáo cả. Nó là về sự tồn tại sống còn của chúng ta. Vì cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống, cho nên chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau. Và để làm được điều đó, thì trí thông minh thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần cả trái tim ấm áp nữa.
“Tôi thường quan sát thấy rằng trong vài nghìn năm qua, sự tức giận và tự cao tự đại đã làm nảy sinh rất nhiều điều rắc rối trên hành tinh này. Đã có quá nhiều sự đánh nhau. Ngay cả trong cuộc đời của chính mình, tôi đã nhận thức rõ ràng về hậu quả của các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, và trong Chiến tranh Lạnh sau đó – nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Những xung đột này đã diễn ra không phải vì chúng ta thiếu trí thông minh, mà vì trí thông minh của chúng ta chưa được cân bằng với trái tim ấm áp nhân hậu.
“Ngày nay, mọi người đều đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục, nhưng nền giáo dục nên bao gồm cả sự hướng dẫn về vai trò của lòng nhân ái đối với sức khỏe tốt của một cá nhân, cũng như sự hoà bình trong gia đình, cộng đồng và thế giới nói chung. Tôi cam kết là sẽ chia sẻ với càng nhiều người càng tốt -rằng chúng ta đều là những con người như nhau. Bởi vì điều đó giúp cho chúng ta trở thành anh chị em của nhau, chẳng có ích lợi gì khi tích lũy vũ khí và đánh nhau giữa chúng ta. Tôi tin rằng nếu quý vị thực sự trau dồi tâm từ bi, thì ngay cả khi có vũ khí trong tay, quý vị sẽ không muốn sử dụng đến nó.
“Khi tôi còn là một cậu bé, tôi có một khẩu súng hơi nhưng tôi chỉ sử dụng để xua đuổi những con chim to hơn, hung hãn hơn chuyên bắt nạt những con chim nhỏ. Nhưng ngày nay, khi tôi nghĩ về số tiền được chi cho vũ khí, quân đội và “quốc phòng”, tôi nghĩ điều đó là một sự sai lầm và đã trở nên lỗi thời. Chúng ta cần làm cho thế kỷ này trở thành một thế kỷ hòa bình hơn, một kỷ nguyên phi quân sự hóa. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng lý do mà chúng ta sản xuất nhiều vũ khí là vì chúng ta tức giận và sợ hãi. Nếu chúng ta có thể công nhận toàn bộ gia đình nhân loại là một cộng đồng, thì chúng ta sẽ không cần đến những công cụ hủy diệt này nữa.
“Giáo dục nên bao gồm sự đào tạo về phương pháp để được điềm bình và không sợ hãi. Vì các nhà khoa học ngày nay đã nhận ra tầm quan trọng của trái tim ấm áp và sự an lạc nội tâm đối với hạnh phúc cá nhân và xã hội của chúng ta, cho nên đã đến lúc việc đào tạo để trau dồi những phẩm chất này nên được đưa vào hệ thống giáo dục phổ thông.
“Tôi nuôi dưỡng lòng từ bi trên cơ sở rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Bất cứ nơi nào tôi đến, cho dù đó là Châu Âu, Châu Phi hay Châu Mỹ Latinh, tôi đều mỉm cười. Trái tim ấm áp nhân hậu là điều cốt yếu nếu chúng ta muốn biến thế kỷ này trở thành một thế kỷ hòa bình và một thế giới hòa bình. Đây là điều mà tôi muốn chia sẻ với quý vị”.
Tiến sĩ Eliza Kozasa – người sẽ điều hành phần câu hỏi và trả lời với Đức Ngài – tự giới thiệu mình là một nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh, thành viên của Viện Tâm thức & Đời sống; và là Chủ tịch của Trụ sở Tây Tạng tại Brazil. Cô ấy hỏi câu đầu tiên, muốn biết về khoa học thần kinh có thể hỗ trợ cho việc trưởng dưỡng giáo dục về lòng vị tha và lòng từ bi như thế nào.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng, mặc dù ý thức thường bị chiếm cứ trước sự kích thích của các cơ quan giác quan của chúng ta, nhưng việc nuôi dưỡng lòng từ bi và trái tim ấm áp thì được liên kết với ý thức. Chúng ta không tìm kiếm sự an lạc nội tâm ở mức độ cảm giác mà là ở mức độ tinh thần. Đây là lý do tại sao giáo dục nên tập trung vào những phương pháp để phát triển một tâm hồn lành mạnh, cũng như một thân thể tráng kiện để thiết lập một thế giới hòa bình hơn.
Ngài giải thích rằng chúng ta cảm nhận được tấm lòng ấm áp thực sự chủ yếu đối với những người anh chị em con người của chúng ta. Cho dù bản sắc dân tộc khác nhau, mối quan hệ chính trị và niềm tin tôn giáo khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều là một phần của nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần phải nuôi dưỡng lòng nhân ái dựa trên cơ sở tính đồng nhất của con người. Trái tim ấm áp là cội nguồn của sự an lạc nội tâm; và sự an lạc nội tâm là cội rễ của hòa bình trên thế giới.
Ngài nhận xét, ngày nay, mọi người có sự trải nghiệm rộng rãi hơn nhiều về tinh thần dân chủ và trách nhiệm xã hội, điều này phản ánh mối quan tâm của mọi người đối với cộng đồng rộng lớn hơn. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy được những xã hội dân chủ ổn định hơn, thì ta phải khuyến khích nhiều người hơn đối với việc trưởng dưỡng sự bình yên trong tâm hồn.
Về mối quan hệ của chúng ta với đất mẹ, Đức Ngài đã nói rõ rằng thế giới này thuộc về tất cả những người đang sống trong đó. Thế nên bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai của chính chúng ta, vì thế giới này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Các nhà khoa học đã cho thấy rõ ràng rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và cùng với điều đó là chúng ta đang chứng kiến nhiều hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hơn – lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn. Ngài nhắc lại rằng bảo vệ môi trường chính là chăm sóc cho chính ngôi nhà của chúng ta.
Quay trở lại câu hỏi về lòng từ bi, Đức Ngài giải thích rằng, việc trưởng dưỡng lòng từ bi không phải là một sự thực hành tôn giáo chú trọng vào việc đảm bảo cho chúng ta được lên thiên đàng hay có được một cuộc sống tương lai tốt đẹp. Mà đó là về vấn đề sống một cuộc sống tốt đẹp hàng ngày ở tại đây và ngay bây giờ. Đó là về vấn đề được trở thành một con người hạnh phúc. Lòng nhân hậu là phẩm chất tốt cơ bản của con người. Chúng ta cần nó cho dù chúng ta có tin vào Đức Chúa hay Đức Phật hay không. Ngài nhớ lại rằng ngay cả những người Cộng sản Trung Quốc chống lại tôn giáo một cách gay gắt thì họ vẫn thực sự cảm động đối với việc giúp đỡ những người nghèo khổ.
Đức Ngài đã được hỏi làm thế nào mà điều mà Ngài gọi là ‘giải trừ cảm xúc’ có thể ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta đối với đại dịch Covid-19. Ngài trả lời rằng sức khỏe thể chất của chúng ta có liên quan đến trạng thái cảm xúc của chúng ta. Khi chúng ta lo lắng và tâm thức của chúng ta phiền não, thì ta dường như dễ bị bệnh hơn. Khi tâm hồn chúng ta an lạc, sức mạnh nội tâm đó sẽ mang lại sức khỏe tốt hơn. Đức Ngài nhận xét rằng Ngài nuôi dưỡng trái tim ấm áp hàng ngày và nhận thấy rằng điều đó thực sự rất ích lợi.
Đức Ngài xác nhận rằng, nếu chúng ta bớt chú ý đến những sự khác biệt thứ yếu về chủng tộc, quốc tịch và đức tin; và nếu chúng ta nhìn nhận những người khác với khái niệm ít hơn về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’, thì có thể tạo nên một thế giới hòa bình hơn. Công nhận tính đồng nhất của con người, thực tế là tất cả chúng ta đều giống nhau trong việc làm người, là yếu tố quan trọng đối với điều này. Ngài gợi ý rằng nếu chúng ta thấy mình lạc lõng và cô đơn ở một nơi xa xôi; và sau đó nhìn thấy có một người đang tiến về phía mình, thì chúng ta sẽ vui mừng vì ở đây còn có một con người khác – một nguồn trợ giúp. Chúng ta sẽ không quan tâm đến việc họ đến từ đâu hoặc họ tin tưởng vào điều gì.
Trong cuộc sống bình thường, tất cả chúng ta đều chỉ là những con người khác và chúng ta phải sống cùng nhau. Bị bận tâm với những suy nghĩ về nhóm của tôi, bộ tộc của tôi, quốc tịch của tôi một cách cục bộ là điều không cần thiết. Thay vào đó, chúng ta cần phải quan tâm đến nhân loại nói chung.
Đức Ngài nhớ lại, “Khi còn ở Tây Tạng, tôi hầu như chỉ quan tâm đến đất nước Tây Tạng và người dân Tây Tạng. Tuy nhiên, sau khi trở thành người tị nạn và là khách của Chính phủ Ấn Độ, tôi nhận ra rằng có biết bao quốc tịch, tín ngưỡng và nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Và bởi vì tất cả những con người mà họ thuộc về – đều là những con người như nhau, và bởi vì chúng ta phụ thuộc vào nhau, cho nên ta có thể thực sự coi nhau như những anh chị em của mình”.
Đức Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc giáo dục mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường. Ngài quan sát thấy những con sông lớn bắt nguồn từ trên cao nguyên Tây Tạng đã cung cấp nước cho người dân khắp châu Á. Chúng rất quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người. Ngài nói, với tư cách là Đạt Lai Lạt Ma, dù Ngài đã từ nhiệm khỏi các vấn đề chính trị, nhưng Ngài vẫn tận tâm cống hiến cho việc nâng cao sự nhận thức về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường.
Ngài đề cập đến một ước mơ của mình rằng, ở những vùng sa mạc như Bắc Phi, năng lượng mặt trời có thể được sử dụng để khử muối trong nước biển, mang lại khả năng phủ xanh sa mạc và trồng rau quả. Ngài suy đoán về việc liệu năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể giúp cho việc biến đổi các vùng sa mạc giữa Tây Tạng và Mông Cổ hay không.
Lia Diskin đã cảm ơn Đức Ngài về thông điệp hy vọng của Ngài. Cô bày tỏ mong muốn rằng những nỗ lực nhằm tăng cường giáo dục về lòng nhân ái, từ bi và vị tha sẽ thành công và sự cần mẫn nỗ lực sẽ được đền đáp.
Ngài trả lời: “Xin cảm ơn! Những gì tôi đã nói đều có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc nuôi dưỡng lòng nhân ái và ý thức thực sự rằng đồng loại là anh chị em của chúng ta, hãy coi toàn thể nhân loại là một cộng đồng. Xin cảm ơn quý vị.”
Một đoạn video ngắn nhắc lại bốn chuyến viếng thăm trước đây của Đức Ngài đến Brazil.
Eliza Kozasa cảm ơn tất cả những người đã tham gia cuộc trò chuyện buổi sáng, cũng như tất cả những người đã góp phần làm cho cuộc trò chuyện trở nên khả thi. Cô hỏi Đức Ngài rằng Ngài có lời cuối cùng nào dành cho người dân Brazil không.
Ngài nói: “Chủ đề yêu thích của tôi là “trái tim ấm áp”. Lòng từ bi và trái tim ấm áp không phải chỉ giới hạn trong việc thực hành tôn giáo. Chúng ta đều là con người. Mẹ của chúng ta đã sinh ra chúng ta; và chúng ta sống sót được là nhờ sự chăm sóc và tình cảm yêu thương của mẹ. Lòng nhân ái không chỉ là yếu tố then chốt cho sự tồn tại của con người mà nó còn là cơ sở để có thể sống được như một con người an lạc, hạnh phúc”.
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]