Thân gửi: Hội Ái Hữu Viện Đại Học Vạn Hạnh
Trong tình tự dân tộc, Chim và Núi hình như có mối liên hệ mặn nồng từ ngàn xưa. Chim bay, Núi ở, chẳng biết làm sao lại trở nên một thắt buộc tình cờ. Nhớ ngày thơ bé, mỗi lần nằm nôi mắt thiu thiu ngủ, tai nương theo giọng hát ru hời của mẹ:
“À ơi, chim bay về núi túi (tối) rồi”
để đi vào giấc mê trong âm hưởng nồng nàn như có dấu một chút buồn nhè nhẹ. Tôi khôn lớn dần giữa những lời ru nồng ấm của ca dao, những điệu hò câu hát nhẹ nhàng đã rót thêm vào đời tôi rất nhiều tình cảm.
Lớn lên tôi mới hiểu ra rằng, buổi hoàng hôn chim bay về núi là về với tổ ấm. Đời chim, suốt ngày bay đông bay tây, dừng chỗ kiếm ăn nhiều phương nhiều phía, nhưng chiều hôm rồi cũng phải về. Về với núi, về với chốn ôm ấp sum vầy. Tôi nằm trong nôi lắng nghe lời ru êm tai, tha thiết dịu dàng của mẹ mà có giấc ngủ đầy. Đêm chim về núi, có lời gió rì rào ru dỗ, chim ngủ trong nôi núi im lìm. Tôi với Mẹ, Chim với Núi, cả hai đủ đầy che chở. Cho tới khi chân bước vào đời, tiếng mẹ ru tôi chìm lắng vào hư vô, còn lời gió cho chim thì muôn đời không nghỉ.
Nhưng sao chim không về rừng lại về núi? Có lẽ tại rừng với cây cối bốn mùa thay đổi, với những tai ương bất ngờ, trong khi đó, núi vẫn ngồi một chỗ, thản nhiên bất động! Có lẽ vậy mà ngày xưa Khổng Tử từng bảo: “Tu giả nhạo sơn, lạc giả nhạo thủy”. Người tu bao giờ cũng thích núi, người vào đời thì thích nước. Nước khuấy động cuộc đời, khi lên khi xuống theo thủy triều, tuôn chảy không ngừng, không biết đứng yên bao giờ. Còn núi, núi ngồi một chỗ, dáng thẳng và đẹp vô cùng. Có người bảo núi cứng và trang nghiêm nhưng hãy xem kìa, khi trăng lên đầu núi, núi cũng ẻo lả theo trăng để làm nên vẻ đẹp “Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”; hay những lúc nhờ gió đưa mây về vắt ngang lưng núi, núi trở thành bức tranh thiên nhiên tuyệt vời biết bao.
Nói tới mối liên hệ Núi-Chim, tôi nhớ đến các anh chị Cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh. Trong bản tin nội bộ Số Tân Niên Bính Tý do Hội Ái Hữu Vạn Hạnh Hải Ngoại xuất bản vào tháng 3, 1996 có bài bút ký “Một chuyến thăm quê”, đặc biệt là thăm lại ngôi trường cũ, đã gây cho tôi nhiều xúc động. Nhiều đoạn cảm động làm tôi chảy nước mắt. Hình ảnh sinh hoạt của trường xưa sống lại theo cùng với tâm trạng buồn vui của người về khi đối diện với cảnh cũ. Người viết bài bút ký như đưa đẩy cho tôi được đi theo chân anh và nếm trải những buồn vui ấy như chính là những vui buồn của mình. Đúng rồi. Viện Đại Học Vạn Hạnh là núi, anh chị Cựu Sinh Viên là chim. Bầy chim ngày xưa giờ đã trưởng thành, đủ lông đủ cánh. Anh chị không chỉ đã là cha mẹ mà có người đã thành ông bà. Thế hệ thứ ba của Vạn Hạnh đã lần lượt ra đời tại quốc nội cũng như hải ngoại. Ngày trước, các Thầy mở trường cho Anh Chị Em theo học, đã thành tài, đã thảnh thơi bay đi lập nghiệp khắp chốn. Bây giờ, quay ngó lại, thấy ra nhu cầu tiếp nối mà có lòng tưởng tới việc lập lại trường cũ cho con cháu, cũng là điều rất chính đáng và có lẽ ai ai cũng rất hoan nghênh.
Chiều 23 tháng 3 năm 1996, nhân đi Phật sự ở San Jose, tôi đã tiện dịp tham dự buổi mừng đón Giáo sư Nguyễn Xuân Lại mới đến Hoa Kỳ. Tại nhà riêng của anh chị Khổ Trọng Hinh, một bữa cơm thân mật với sự có mặt của Ông Bà Giáo sư Nguyễn Xuân Lại, Ông Khương Hữu Điễu, Giáo sư Hoàng Ngọc Thành, Giáo sư Phan Hữu Tạt, anh Nguyễn Thiện Vinh, chị Như Hảo và nhiều cựu Sinh Viên Vạn Hạnh mà tôi không nhớ hết tên. Tôi chỉ biết rằng trong số các anh hem, có anh đang là chủ báo, có anh là học giả, có anh đang làm công tác nghiên cứu, có anh là chuyên viên… Ngoài niềm vui họp mặt, thăm viếng thân tình ra, trong lần gặp gỡ ấy còn đặc biệt bàn về vấn đề tái lập Viện Đại Học Vạn Hạnh. Tôi đọc thấy niềm phấn khởi tin tưởng trong đôi mắt mỗi người, tôi nhận ra sự nồng nhiệt trong mỗi lời bày tỏ. Ai cũng công nhận rằng chỉ có mặt với hơn mười năm ngắn ngủi mà Viện Đại Học Vạn Hạnh đã hiến cho đất nước một số lượng nhân sự dồi dào, vừa có chuyên môn giỏi, vừa có tấm lòng sâu để phục vụ, quả là một đóng góp quý giá. Nhìn vào tấm hình trên Bản Tin Vạn Hạnh, tôi thấy Thầy Viện Trưởng đã già yếu. Duyệt lại trong trí nhớ, những nhân sự trụ cột của Vạn Hạnh ngày trước chẳng còn bao nhiêu. Do đó, việc Vạn Hạnh ngày mai có tái lập được hay không là đặt cả hy vọng vào bàn tay của các Anh Chị Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Vạn Hạnh. Có lẽ đã tới lúc cho những con chim bay về tổ xưa, sửa lại mái ấm, tiếp nối tương tục một sự nghiệp dở dang bằng tất cả tấm lòng trân trọng thương yêu văn hóa và giáo dục.
Ước nguyện dẫu tinh tuyền và chân thành, biết lòng yêu trường mẹ của chúng ta có thể bị dập vùi trong gió bão! Và những cánh chim xa, biết có vượt được những bức tường giông tố dập vùi ấy để về lại núi cũ trong đôi cánh nguyên vẹn.
Los, Angeles, Mùa Phật Đản 2540-1996
(trích Đức Phật ngồi yên – Huyền Không)