Thượng Tọa Thích Chúc Hiền là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ. Thượng Tọa là một nhà thơ Đường luật còn sót lại trong thế hệ Tăng sĩ trẻ hôm nay. Tuổi trẻ mà thích thơ Đường luật mới là điều lạ. Điều lạ này đã chứng tỏ Thượng Tọa đam mê lặn lội, trầm mình trong thế giới văn học Thiền của các bậc Tổ đức thời xưa. Nhưng trước khi đam mê những thi kệ Thiền, hay gia tâm nghiên tầm Phật pháp để làm chất liệu mà tập thành những bài thơ Đường luật qua nhiều thể loại, thì Thượng Tọa đã nắm vững các luật tắc: bằng, trắc, niêm vận, cấu trúc, đối xứng… của những thể thơ thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt… Có nắm vững luật thơ Đường như thế thì mới hạ bút viết thành 126 bài thơ Đường trong Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập. Đây là điều thật diễm phúc và hãnh diện trong nền văn học thi ca Phật Việt hiện đại, vì chư vị tiền nhân đã qua hết rồi, giờ chỉ còn hàng tử tôn có đủ thẩm quyền để thừa tiếp. May thay!
Chúng ta đọc vào Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập gồm có 126 vị Thiền sư, Hòa thượng, Quốc sư, Đại sư, Đại sĩ, Cư sĩ… do vậy nên có một trăm hai mươi sáu bài thất ngôn bát cú, hay thất ngôn thập lục cú theo thể thơ Đường luật. Thi tập được viết qua ngôn ngữ Việt và có phần tiểu sử bằng Việt – Anh, do Tổng Vụ Văn Hóa, GHPGVNTNHK chủ trương và Phật Việt Tùng Thư lưu trữ.
Vào đầu thi tập là Thiền sư Khương Tăng Hội và cuối cùng là Hòa Thượng Hoàng Long. Nội dung ý chỉ cho giá trị tu chứng mà chư vị Tổ đức, Thiền sư một đời đã dày công tôi luyện để đạt thành Thánh giả mà Thượng Tọa đã cảm nhận được tinh thần và giá trị tu chứng thanh cao của ý vị Thiền giả, rồi phát tâm cúng dường để lưu truyền lại mãi đến mai sau. Đây là một công phu nghiên cứu có tầm cỡ văn học và mất rất nhiều thời gian. Người phải có tâm hồn tu tập, phải đam mê ý vị Thiền gia, hay thích vui chơi, bông đùa với nền văn học Thiền thì mới khế hợp được tần số của người chứng và người đam mê, để từ đó dệt thành thi tập bằng cả tâm huyết của tác giả.
Lần vào nội dung của một số bài mà Thượng Tọa đã trình bày, trước tiên chúng ta đọc bài số một, Thiền sư Khương Tăng Hội đến hai câu cuối:
“An Bang Thủ Ý Vui Nguồn Sống
Lục Độ Tập Kinh Tỏa Đức Hòa”
Lấy việc tu thân được an nhiên, gìn giữ hơi thở được chánh định, đó chính là đạo lý làm nguồn vui sống hằng ngày. Nguyện tu theo sáu pháp môn của Bồ Tát: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ mà ban rải cái tánh đức tùy thuận khắp muôn nơi. Đây chính là tính chất tu tập của Thiền sư Khương Tăng Hội, mà trên dòng chảy của lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2000 năm qua gọi ngài là Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam.
Rồi chậm rãi, từ từ lần vào các thi kệ khác, bài số 3: Thiền sư Thích Huệ Thắng:
“Ẩn cư vui với cảnh sơn lâm
Trì tụng Pháp Hoa thỏa trí tầm.
Giản dị ung dung trồng đạo nghiệp,
Thanh nhàn tự tại dưỡng nguồn ân”
Đọc vào bốn câu đầu, chúng ta thấy dáng dấp “hình tướng” và tinh thần “nội tâm” của người đạt đạo Thiền sao mà ung dung tự tại quá. Không phiền, không nhiệt, không bị quấy nhiễu bởi trần duyên. Thượng Tọa đã thừa hưởng được ý vị này mà đặt bút tả thành thơ:
“…sớm tối tham thiền hướng diệu tâm.
Nhật nguyệt thong dong du ngoại vật,
Đèn Thiền thắp sáng tỏa hương âm.”
Rồi sao nữa, Thiền sư Pháp Thuận – vị Thiền sư đem đức độ tu tập và tài năng vốn có giúp vua giữ nước an dân, khuôn phò xã tắc. Đây chính là tinh thần nhập thế của đạo Phật, chứ không phải đi tu ở cửa Không rồi lánh xa trần duyên, thế sự. Như vậy, chúng ta hiểu Thiền là làm sạch lòng mình, Thiền là an lạc cho kẻ khác:
“Thiếu thời mộ Phật, thích tu thiền,
Long Thọ phù trì đắc pháp duyên.
Sấm ngữ phò vua muôn việc hợp,
Thơ văn ứng sứ vạn đời truyền.”
Nơi đây, Thượng Tọa đã đề cập “Thơ văn ứng sứ vạn đời truyền.” Chúng ta nhớ lại câu chuyện: trong khi chèo đò đưa sứ Tàu là Lý Giác về lại nước, Lý Giác thấy đôi ngỗng trắng bơi trên mặt nước xanh, tức cảnh sinh tình, Lý Giác làm thơ:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.”
Nguồn thơ tắt lịm, Lý Giác ngẩn ngơ. Trong khi sóng nước hữu tình vẫn còn đó, chiếc dầm chèo đò vẫn đều đặn bơi thuyền đưa khách, Thiền sư thấy vậy thương tình giữa một nguồn thơ tắt lịm ấy, Thiền sư liền tiếp hai câu sau cho đủ bài ngũ ngôn tứ tuyệt:
“Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.”
Tuyệt vời quá! Khâm phục quá! Lão chèo đò mà cũng biết làm thơ. Từ đây, ý vị này đã gieo vào lòng sứ Tàu một hình ảnh đẹp, một sự kính trọng rằng người dân Việt Nam ai cũng biết làm thơ như ông lão chèo đò này. Nhưng có ai hiểu rằng tinh thần tu tập phát nguyện độ sinh, hộ quốc hộ dân, hòa quang đồng trần hay thõng tay vào chợ của nhà Thiền đâu. Thượng Tọa khéo vận dụng lời thơ thích hợp cho tình cảnh này – thật quý kính cho nền văn học, thi ca hôm nay.
Còn quá nhiều chư vị Thiền sư tu chứng trên dòng chảy của Phật Giáo Việt Nam. Con đường của lịch đại Tổ sư đã lưu xuất bao nhiêu là hạnh nguyện độ đời, kham nhẫn để đóng góp công trình xây dựng ngôi nhà Phật Việt ngày thêm vững chắc. Dù cuộc đời có phong ba, bão táp, có nhiều chướng duyên ngăn ngại, nhưng Phật pháp là “chân thật bất hư.”
Giá trị nhiệm màu này đã hiện thân qua chư vị Thiền sư như là: Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Đa Bảo, Thiền sư Mãn Giác, Thiền sư Minh Không, Thiền sư Không Lộ… Ni sư Tuệ Thông, Thiền sư Nguyên Thiều, Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, Thiền sư Liễu Quán… Thượng Tọa đã gia tâm nghiên tầm bối diệp một cách có hệ thống, nghiên cứu qua dòng Thiền của Phật Giáo Việt Nam để rồi hạ bút viết thành thi tập đóng góp cho nền văn học Phật Việt ngày một thêm phong phú.
Có thể nói, đây chính là thành quả của một thời tu tập bằng chí nguyện phụng sự để cúng dường một tri kiến lịch lãm cho toàn thể quý độc giả — nhất là những người có tâm hồn Thiền tập, lấy đó làm tiêu chí.
Thôi thì, chỉ nếm một giọt nước của đại dương đủ biết nước của bốn biển có vị mặn. Ngộ được một bài thi kệ Thiền của Thượng Tọa đủ biết giáo pháp có hương vị giải thoát. Mà trong 126 bài thơ Đường luật ấy, Thượng Tọa đã gởi gắm, nhắn nhủ bao nỗi niềm để diễn đạt tinh thần tu chứng của chư vị Thiền sư — làm quà cho quý thức giả để tâm nghiên tầm: Thiền là gì? Tu Thiền ra sao? Và chứng Thiền ra thế nào để làm chất liệu sống linh hoạt, thực tại minh nhiên cho bản thân mình hôm nay và mai sau.
San Diego, CA
Ngày 12 tháng 04 năm 2025
Chùa Long Sơn
Thích Nguyên Siêu
Sách Hành Trạng Chư Tổ Thi Tập
Tác giả: Thích Chúc Hiền
Chủ trương: Tổng Vụ Văn Hoá GHPGVNTNHK
Phật Việt Tùng Thư xuất bản và phát hành tại Hoa Kỳ, tháng 5, 2025
Nhân mùa An Cư Kiết Hạ của GHPGVNTNHK