Dù có người nệ theo lề lối học Tây Phương, vịn vào cớ truyện Nguồn gốc Rồng tiên là hoang đường không có thực, để coi cả đời Hùng Vương của ta cũng là không có thực nữa, chúng ta đã có và đã trình bày đủ bằng chứng cho thấy suốt mấy ngàn năm nay toàn dân ta không phải đã làm việc thiếu ý thức là «mồ cha không khóc, khóc đống mối».
Chúng ta không cần nói lại những điều ấy nữa. Mà ở đây, nhân dịp giỗ Tổ, có lẽ chúng ta nên đề cập đến vấn đề thiết yếu với chúng ta thì hơn. Đó là vấn đề chúng ta đã có căn bản một nền quốc học từ đời Hùng hay chưa?
Chúng tôi nhận rằng đã có. Nhưng để đáp ứng đòi hỏi của lề lối học mới, phải đủ luận cứ và phải chứng minh rành rọt, không phải để độc giả sờ nắm được cả những gì trừu tượng, mà ít ra cũng để độc giả thức cảm được với thiên lương của mình, thì không thế chỉ nói gọn lỏn là đã có mà đủ. Vậy, chúng tôi xin nói rõ dưới đây từng khoản một.
I.— ĐỜI SỐNG BỘ LẠC VÀ TÙ TRƯỞNG HÙNG VƯƠNG
Chúng ta nhận một cách phải chăng hơn, với Lê Tắc trong An nam Chí lược của ông, rằng hồi đầu chỉ mới có một nhóm bộ lạc tụ lại ở Phong châu và tôn Hùng Vương làm tù trưởng. (Ngay danh xưng Hùng Vương cũng là đời sau suy tôn, còn danh xưng cũ chưa tìm ra). Và từ đấy chúng ta hãy dò tìm trở lại những đặc tính nòng cốt tạo truyền thống cho đời sau.
II.— TƯƠNG QUAN LAO TÁC
Đặc tính này ra từ hoàn cảnh thiên nhiên, tự điều kiện sinh sống, điều kiện lao tác, để từ đó tạo thành tương quan lao tác và tương quan xã hội. Nguyên tắc này đúng. Những cái khuôn «lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử của cuộc tranh đấu giai cấp» để ép cho đời Hùng đã có giai cấp tranh đấu là sai.
Tại Phong châu, còn nhiều ngọn đồi đất để làm chứng về điều kiện lao tác thời xưa. Đó là những ngọn đồi có ruộng xếp từng lên như những bậc thang từ chân đến đỉnh đồi.
Sao lại phải làm ruộng trên đồi như thế? — Ấy là tại hồi bộ lạc Giao chỉ của Hùng Vương đến định cư, tại Phong châu, dưới chân các ngọn đồi còn lầy lụa nước mặn và đồng bằng còn đương được sông Hồng bồi đắp chưa thành hình.
Sao chẳng tìm nơi khác định cư lại bám lấy đấy? — Ấy là tại hồi bộ lạc Giao chỉ bị các bộ lạc khác khỏe hơn dồn đuổi đến một vùng mà điều kiện sinh sống thực tồi tệ, ra biển không được vì đường sông chưa tạo thành, lên rừng núi phía bắc, tây và nam thì nhiều thú dữ, giặc cướp. Đành cha con ông cháu coi như bị đọa tới đó, để chịu đựng gian khổ mà cày cấy trồng trọt nuôi nhau.
Làm ruộng trên đồi, đã chính là một điều vạn bất đắc dĩ. Nhà nông nào lại chẳng biết nên làm ruộng ở ven sông trên những đất phù sa ? Nhưng họ Hùng Vương cha con ông cháu phải hì hục cuốc từng nhát cuốc xuống đất đồi rắn để vạc ra và san bằng đi cho thành ruộng mà cấy lúa để lấy lương thực nuôi nhau. Đó là cách phá hoang theo lối gia đình tiểu qui mô, mà cụ tổ Hùng Vương cũng cuốc, cũng nhỏ mồ hôi và nước mắt trên đất rắn như các con cháu khác. Đã không có việc ngồi không ăn sẵn, bắt người ta làm vất vả rồi nộp một phần huê lợi cho lãnh chúa, khi chỉ có tù trưởng và các con cháu trong nhà cả với nhau. Đất phá ra thành ruộng, mạnh ai nấy làm. Làm rồi thì giữ lấy đấy sang năm lại làm. Cũng không cần biết đất thuộc quyền tư hữu của ai.
Chúng ta thấy tương quan lao tác ở nguyên thủy là gia đình tự túc, tự cung, tự quản. Đất đầy rẫy ra nhưng phải làm rất mệt mới thành ruộng, không phải là thục điền cứ cắm cây lúa xuống là mọc, nên cái ý tranh chiếm trước để được thêm đất đã không có. Chờ khi gia đình tăng gia nhân số thì đi vạc thêm đất làm thêm ruộng ở những ngọn đồi khác mà tù trưởng (cụ tổ Hùng Vương) có thể cũng không biết hay không cần biết. Vậy: không có giai cấp, không có sự bóc lột giai cấp cùng tranh đấu giai cấp nào cả.
III.— TƯƠNG QUAN XÃ HỘI
Ngoài những dịp lễ lạt mà tù trưởng đại diện các con cháu xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cùng kêu gọi nhau cứu ứng khi có thú dữ giặc cướp (như giặc Ân) người ta đến với nhau còn mỗi chi họ đã sống tụ riêng ở một khu đồi khác thành làng, để tiện làm việc ngoài đồng liền ngay đấy. Những kinh nghiệm làm mùa được truyền lẫn cho nhau, từ tù trưởng khôn khéo hơn mà ra. Nhưng kỷ luật khắt khe hoặc thuế mà thâu góp, hình phạt nặng nề cùng tổ chức trật tự xã hội, thì thật là không có. Bởi đất lầy dưới đồng bằng ngăn cách các khu đồi đã không cho phép sự tổ chức như vậy.
Người ta đến với nhau, quý trọng nhau, thân mến nhau vì tình gia đình họ hàng, trong chế độ cộng sản nguyên thủy ấy. Chẳng hề vị tương quan giai cấp xã hội nào cả. Bởi chính tù trưởng và gia đình mình cũng làm ruộng như thế, và nếu có ý nghĩ nào rằng mình ở trên hết, thì chỉ là trên vì tuổi tác, vì mình sinh ra các con cháu ấy, chớ không phải vì trời định ngôi vị ấy cho mình.
IV.— ĐẶC TÍNH DÂN TỘC
Do những điều kiện thiên nhiên, lao tác và xã hội như trên, dân Giao chỉ định cư tại Phong châu đã có những đặc tính riêng. Mà bất cứ giống dân nào nếu cũng định cư trong những điều kiện ấy đều tất nhiên cũng có những đặc tính ấy.
Đó là:
Sự chịu khó vượt hết đức tính chịu khó của tất cả các giống dân khác định cư ở các nơi khác. Cho đến ngày nay người Việt vẫn còn đức tính ấy mà không ai có thể chối cãi được. Nó là tinh thần kiên nhẫn chịu đựng gian khổ, coi thường gian khổ, từ trời, đất, nước, khí tiết, từ số kiếp chẳng may, hay từ người cố ý giam hãm mình vào.
Sự yêu quê hương đất nước vì suốt ngày, suốt năm tháng, suốt đời quanh quẩn với hòn đất (lúc chết cũng thích được gửi xác vào giữa ruộng đất ấy) và vì cảnh sống trong làng êm ấm tình họ hàng bà con (ngay từ nguyên thủy) không ai bóc lột ức hiếp ai, mà chỉ là lành đùm lá rách, tất cả đã vui với nhau và cùng để lại cho nhau rất nhiều kỷ niệm. Nên trải những kỳ đau thương về sau cả ngàn năm dưới quyền đô hộ của Tầu, dân Việt dù bị hành hạ cơ cực đến tột cùng, cũng vẫn bám lấy đất mà chịu đựng, chớ rời bỏ quê hương như người Do thái, thì quả thực là không có.
Sự thích sống thảnh thơi, hòa mình với thiên nhiên đó là điều mà đời nay gọi là tự do, do chế độ chính trị ban phát, hay do ý thức tranh đấu mà có. Nhưng ở nguyên thủy, như tương quan xã hội nói trên, người Giao chỉ quả đã dư tự do, khi sống thảnh thơi với mảnh ruộng vườn của mình. Không phải là tự do cấu xé lẫn nhau, và tự do buông thả thú tính, đây là tự do có ý thức, tự do trong lễ nghĩa, để đời sống chung trong làng có nền nếp, dù phép vua ở chính quyền trung ương cũng không thắng được lệ của làng.
Sự sống tự tại tuy thời thế đẩy đưa, mà lúc thất thế thì rồng (vật tổ) như giun thu mình trong ao tù, và lúc đắc thế thì vươn mình bay tung khắp vũ trụ.
Đó là quan niệm nhân sinh, quan niệm triết lý, gói tròn trong một đời sống thái hòa, mà dựa vào đặc tính dân tộc ta đã gợi ra được thêm với bao nhiêu truyện cổ khác ở đời Hùng Vương (về bánh giày bánh chưng, trầu cau, Sơn tinh Thủy tinh, Chữ đồng tử, Đức thánh Gióng…) là bấy nhiêu quan niệm khác về luân lý của người xưa.
Quyển Thiên Thư
Xưa có người từng nhìn một tầu lá mà đọc lên được lời kinh Phật, từng thấy một cử chỉ mà khế hội nổi một công án. Huống hồ nay dễ hơn nhiều lại sẵn còn bằng chứng. Lựa là phải có viết thành sách trên giấy trắng mực đen, (hay phải có người ngoại quốc nhận định dùm ra trước) thì chúng ta mới thấy ra nổi những tư tưởng triết lý vốn có trong một quyển Thiên Thư, mà điều kiện để đọc là lắng lòng mình xuống cho tâm hồn tìm về nguồn, thì tự nhiên từng lời từng chữ trong thông điệp của người xưa sẽ hiện dẫn ra hết.
Lấy gì làm chắc đúng?
Hẳn có người có ys muốn hỏi như vậy. Thì nhìn kết quả thấy nguyên nhân, nhìn nguyên nhân thấy kết qua, chắc không ai hoài nghi nguyên tắc ấy. Vậy, cảnh sống cơ cực trên một khu đất tổ như đã kể, kéo dài với năm tháng, kéo dài cho tới những ngày con sông Hồng tạo thành đồng bằng cho sự sống yên vui phú túc hơn, nếu chẳng có một tư tưởng chỉ đạo (về chịu đựng gian khổ và bám lấy đất mà sống) thì hẳn nhiên trên bán đảo này bây giờ làm gì có nước Việt nam và làm gì có chúng ta nữa.
Tư tưởng chỉ đạo ấy chính là văn hóa, chính là căn bản nền quốc học của ta.
Ý nghĩ nghi ngờ về sự thực hữu của nền quốc học.
Trước đây, Ông Phan Khôi, môn đệ trung thành của côLogique từng đã viết:
«Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tầu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học cho đến chịu giống với Tầu đi là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn, vậy thì chữ học đã chẳng có, chữ quốc còn nương dựa vào đâu? Vài mươi năm nay, từ khi tôi biết cái học là gì rồi, tôi cố đi tìm cho được cái học của nước ta. Tìm trong Chu An, tôi chỉ thấy một nhà nho khẳng khái. Tìm trong Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi chỉ thấy một nhà thuật số như mấy ông bà tiên tri đời nay. Khi tôi xét đến ông Võ Trường Toản thấy nói cái học của ông ở chữ thành. Khi tôi xét đến ông Chu Doãn Trí thấy nói cái học của ông chủ ở bất căng. Nay ngoài mấy chữ thành và bất căng đó, tôi không kiếm được cái gì khác nữa. Chỉ trơ trọi như vậy mà thôi, đâu có thể gọi là học được. Rồi tôi phải đi bòn như bòn vàng trong các văn tập thì như trong tập Vĩ dã thấy có vài bài ngăn ngắn nói ra giọng Tống Nho, tôi lấy làm mừng đôi chút, xong đâu phải đã là cái mục đích sự tìm kiếm của tôi. Tìm mãi không ra cho tới ngày này tôi mới trịnh trọng và quả quyết mà nói rằng không có».
Cả ông Phạm Quỳnh cũng cùng một luận điệu ấy:
«Nước Nam ta mấy mươi thế kỷ theo học nước Tầu chỉ mới là người học trò khá, chưa hề thấy giám thoát của Thầy mà lập nên môn bộ riêng; không những thế, lại cũng không lọt ra khỏi vòng giáo khoa mà bước lên tới cõi học thuật nữa. Như vậy thì làm sao có quốc học được?
«Anh hùng ta có, liệt nữ ta có, danh sĩ cao tăng ta cũng có, nhưng trong cõi học nướcta cổ kim chưa có người nào có tài sáng khởi phát minh ra những tư tưởng mới, thiết lập ra những học thuyết mới, đủ có cái vẻ độc lập một nhà đối với các nhà khác, như Bách gia Chư tử bên Tầu đời xưa. Hay thảng hoặc cũng có mà mai một đi mất, sử sách không truyền chăng, nhưng phàm đã gọi là một cái học phái thì phải có cảm hóa người ta sâu xa, phải có ảnh hưởng trong xã hội, phải gây ra một phong trào tư tưởng, không thể tịch mịch ngay đi mà không còn tăm hơi gì nữa. Cho nên nay dầu kê cứu trong các sách cổ, cố tìm ra được năm ba cái ý kiến lạ hay cái tư tưởng gì của một vài bậc tiền bối lỗi lạc, như vậy cũng chưa đủ chứng rằng nước ta có quốc học đặc biệt khác với cái học ở bên Tầu truyền sang.»
Cả hai vị đều cùng chết đuối trong cái bể luận lý hình thức, và chỉ dám tin một tư tưởng là khi có viết ra sách, in trên giấy trắng mực đen.
Chao ôi !đã có biết muôn vàn nào là tư tưởng chứa đựng ngay trong mớ tiếng nói không kể ca dao, tục ngữ, cách ngôn, kể ngay từng lời từng tiếng một, mà hàng ngày chúng ta vẫn dùng, nhưng chúng ta làm, không chịu hiểu đó là tư tưởng, đó là thông điệp của người xưa truyền đến chúng ta. Đó là lỗi ở người nệ sách, chỉ nhìn thấy chữ là thực có mà không nhận ra tiếng còn thực có hơn, lại đi đổ lỗi cho tiền nhân «không để lại cho chúng tôi cái gì cả!»
Các ông chỉ «bòn như bòn vàng trong các văn tập» và «kê cứu trong các sách cổ» viết bằng chữ nho, đã vội nản chí rồi, thì đó là tại kho tàng văn hóa ở ngay miệng mình chẳng tìm, lại đi hì hục đào xới đất ở tận đâu đâu.
Trong sách Người ta tư tưởng bằng từ ngữ (On pense avec les mots) tác giả, giáo sư S.I. Hayakawa có dẫn lời Aldous Huxley rằng: «Lời nói có một huyền năng, — không phải theo lối huyền năng của các thầy phù thủy và những gì họ muốn thi thố. Lời nói huyền diệu ở chỗ nó tác động vào tinh thần của những người sử dụng nó[1]. Nói trang 35, tác giả còn thêm:
«Ngôn ngữ là cơ năng không thiếu được trong đời sống của loài người, — một đời sống như của chúng ta được uốn nắn, lái hướng phong phú hóa và khiến có thể sống được nhờ tích lũy kinh nghiệm quá khứ của những thành phần trong chính nòi giống chúng ta!» Và nơi trang 36 ông còn thêm nữa: Tất cả những khám phá về nghệ thuật và khoa hoc đều đã được di lưu hậu thế bằng từ ngữ, mà không chịu phí tổn về thừa hưởng gia tài.[2]
Chính bộ tiếng nói của chúng ta là cái kho tích lũy bao nhiêu kinh nghiêm, từ hồi chưa có người Tầu với những chữ nho của họ, và là chất keo son gắn liền mọi người Giao chỉ lại trong cuộc sống xã hội, cũng như một quyển sách vô giác hứa đựng những điều căn bản của nền quốc học đã nói trên. Mà tất nhiên món gì chưa dám biết, chớ môn tiếng nói này hẳn là một đặc phẩm đặc chế của nòi giống Việt khác hẳn cái học của bên Tầu truyền sang vậy.
LÊ VĂN SIÊU
[Tạp chí Tư Tưởng số 2, năm 1973]
___________
[1] Les mots ont bien un effet magique — mais pas de la façon que supposaient les magiciens et pas sur ce qu’ils essayaient de soumettre à leur influence. Les mots sont magiques par la façon dont ils agissent sur l’esprit de ceux qui les utilisent.
Aldous Huxley
[2] Toutes les découvertes des arts et des sciences nous sont léguées sansfrais de succession par les mots.
S.I. Hayakawa