PHẬT GIÁO VÀ TÂY VỰC[1]
Lương Khải Siêu
Việt dịch: Cư sĩ Tuệ Khai
Phụ chú: Thích Tâm Nhãn
Sự manh nha của Phật giáo (Trung Quốc) thật ra trước tiên theo đường biển vào miền Nam Trung Quốc, dấu tích ấy rất rõ. Nhưng từ thời Tam Quốc đến giữa đời Đông Tấn, giao thông đường biển như có sự cố, bỗng nhiên trở nên tịch mịch, phải chăng tình hình chuyển vận đường biển thời bấy giờ có biến động, tôi chưa sưu tầm được những sử liệu tương đương mà chỉ có hai hiện tượng đáng chú ý:
Một là, vào thời vương triều Cấp-đa (Gupta)[2] ở Ấn Độ, Phật giáo Trung Ấn và Nam Ấn ảnh hưởng suy tàn, trọng tâm Phật giáo nơi ấy truyền ra biên giới phía Bắc.
Hai là, Trung Quốc chia cắt Nam Bắc, vùng Giang Tả[3] và Trung Nguyên cách tuyệt, nên thời Nam Triều việc giao thiệp không rộng rãi, bị bó buộc, văn hóa trên biển càng thiếu cơ hội cho toàn quốc đón nhận.
Hai nguyên nhân ấy tối thiểu có một nguyên nhân làm cho Phật giáo phía Nam Trung Quốc tạm thời dừng hoạt động. Đồng thời tình trạng biên thùy phía Tây Trung Quốc cũng dấy lên biến động lớn — Trước đây, các dân tộc Tây Vực sống giữa hai tộc lớn mạnh là Hán tộc và Hung Nô đều phải cúi đầu khuất phục tuân theo, sau họ dần dần phát triển độc lập. Trong thời gian đó, một dân tộc ưu tú đã tiến lên nắm chủ quyền ở Ấn Độ, trở lại hấp thu nền văn minh nơi mình đã chinh phục, rồi phân ra truyền đến các dân tộc anh em. Thật ra mà nói, những nước ghi trong truyện Tây Vực sách Lưỡng Hán, cứ mười nước là chín nước đã bị “Ấn Độ hóa”. Nếu nhìn dưới nhãn quang của lịch sử Phật giáo thì nước đó chắc chắn là nước tiên tiến, đồng thời cũng là nước môi giới, chủ hôn cho hai nền văn minh Trung-Ấn gặp nhau. Những sự kiện trong thời gian này tôi sẽ thuật trong bài viết.
Trước khi luận thuật phải minh định phạm vi của vùng Tây Vực: Sử gia Trung Quốc gọi Tây Vực không chỉ bao hàm Ấn Độ, mà cho đến các nước của bốn bờ Địa Trung Hải đều nằm trong danh xưng này. Việc bàn luận của tôi hôm nay là nhằm vào các nước ở phía Đông và phía Tây núi Thông Lĩnh,[4] và chỉ nêu lên những nước có quan hệ với Phật giáo.
Tây Vực — phía Tây Thông Lĩnh:
(1) Nguyệt Thị (Nay thuộc Turkestan[5] của Nga, Afghanistan và Bắc Ấn Độ)
(2) An Tức (một phần của Ba-tư [Iran] và một phần của Afghanistan ngày nay)
(3) Khương Cư (Bắc bộ Turkestan, miền Nam Siberia[6] ngày nay)
(4) Kiền-đà-la[7] (vùng Gandamak của Afghanistan ngày nay)
(5) Kế Tân (tức là nước Ca-thấp-di-la, nay là vùng Bắc Ấn Độ)[8]
Tây Vực — phía Đông Thông Lĩnh (bên trong biên giới tỉnh Tân Cương):
(1) Vu-điền (nay là huyện[9] của Trung Quốc)
(2) Chước-cú-ca (phía Đông nam huyện Sa-xa ngày nay)[10]
(3) Qui-tư (huyện Kucha [Khố-xa][11] ngày nay)
(4) Sơ-lặc (nay là Kāshgar [Khách-thập-cát-nhĩ])[12]
(5) Cao Xương (nay là Turfan)[13]
Độc giả có nhớ chuyện sứ giả của vua Nguyệt Thị là Y Tồn[14] trao kinh cho Bác sĩ đệ tử[15] của Trung Quốc không? Người Trung Quốc không chỉ nhớ chuyện đó mà còn biết trên thế giới có nước tên là Ấn Độ, thật ra do Trương Khiên[16] phụng mệnh đi sứ, mới nghe nói đến Nguyệt Thị (xem truyện Hung Nô, truyện Đại Uyển trong Sử ký;[17] truyện Tây Vực trong Hán thư).[18] Trên lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nguyệt Thị chiếm những vị trí như thế nào, chúng ta dễ dàng tìm thấy: Nguyệt Thị là một dân tộc, một đất nước làm cầu nối cho hai nền văn hóa Trung-Ấn, muốn nhận thức được giá trị ấy, chúng ta không thể bỏ qua bất cứ một chi tiết nào, vì dân tộc Nguyệt Thị có liên quan tiếp xúc rất lớn với các dân tộc trên thế giới. Tôi xin lược ghi như sau:
Cách đây chừng 2.100 năm trước, trên một bờ cõi có hai dân tộc cực Đông và cực Tây bắt đầu gặp nhau, phía Bắc từ sông Amu Darya,[19] phía Nam từ sông Ấn Độ, nơi vũ đài ấy đã diễn ra tấn kịch vang dội trải qua khoảng 300 năm, hai đối thủ: Cực Tây là người Hy Lạp, cực Đông là người Nguyệt Thị; kết quả thắng lợi thuộc về nhóm phía Đông nhưng văn hóa của hai dân tộc càng tương giao ảnh hưởng nhau. Quả thật, 2.000 năm sau toàn thế giới đã thọ nhận cái ơn ấy, vì thừa hưởng một tư liệu sử kịch có “tính thế giới” vĩ đại, tư liệu ấy tìm trong những sử cũ của Trung Quốc còn rất nhiều.
Nguyệt Thị vốn là một bộ lạc nhỏ trong vùng sơn cốc tỉnh Cam Túc ở Trung Quốc. Thời cổ đại, Trung Quốc cho là một giống thị tộc.[20] Đầu đời Tây Hán, họ bị Hung Nô áp bức nên men theo đường phía Bắc Thiên Sơn[21] dời về phía Tây, vượt qua chân núi phía Bắc ngọn Thông Lĩnh sống với Hán tộc. Năm, sáu ngàn năm trước, họ từng sinh sống ở Đại Hạ. Thời gian ấy Đại Hạ là căn cứ thực dân vùng viễn Đông của người Hy Lạp, bộ tướng của đại đế Alexander[22] đã xây dựng thành quốc gia. Người Nguyệt Thị đuổi người Hy Lạp ra khỏi đất này, người Hy Lạp di chuyển xuống phía Nam, dời căn cứ đến nước Ca-thấp-di-la. Sau đó, Người Nguyệt Thị lại thu nhiếp họ và đoạt lấy Ca-thấp-di-la, tiến đến làm chủ cả Ấn Độ. Từ ấy thế mạnh tiến dần về phía Đông, người Hy Lạp thất bại hoàn toàn. Đây là sự thật từ khoảng niên hiệu Cảnh Võ đời Tây Hán, đến khoảng niên hiệu Hoàn Linh đời Đông Hán.[23] Trương Khiên phụng mệnh đi sứ Nguyệt Thị, chính là lúc Nguyệt Thị bắt đầu chiếm lấy Đại Hạ, rồi Y Tồn trao kinh cho Trương Khiên. Thời kỳ đầu họ đã chinh phục Ca-thấp-di-la, trên lịch sử Phật giáo có đề cập đến vua Kaniṣka, là vị chúa anh hùng của thời đại Nguyệt Thị toàn thịnh.
(Truyện Tây Vực trong Hán thư ghi: “Nguyệt Thị [thâu phục Đại Hạ] làm vua Đại Hạ; phía Nam Tắc Vương làm vua Kế Tân.” Hai ý này rất có thể đề cập đến sự thay đổi, di dời bờ cõi của các dân tộc tiếp xúc nhau thời bấy giờ. Hán thư từng nói đến bộ tộc họ Tắc [Tái 塞, Saka]: “Tộc Tắc thường phân tán thành một số nước, theo điều tốt đẹp, bỏ điều độc hại, là bộ tộc Tắc”. Lại nói rằng: “Dân Ô Tôn có tộc Tắc, tộc Nguyệt Thị”.
Nhà chú giải không rõ bộ tộc Tắc là bộ tộc nào [Nhan Sư Cổ,[24] nhà chú giải đời Đường cho là tộc Tắc là tộc Thích-ca, rất lầm lẫn]? Nay khảo xét ra Tắc Vương đầu tiên ở Đại Hạ, Đại Hạ nay là lãnh thổ Bukhara ở Turkestan. Hán thư nói: “Nguyệt Thị thần phục Đại Hạ, thiết lập vương triều ở phía Bắc sông Qui ‘Qui Thủy’”. Sông Qui cũng gọi là sông Ô-hử, tức nay là sông Amu Darya [A-mẫu]. Đất này vốn là đầu nguồn của nền văn minh phương Đông, dân tộc Trung Hoa từng ở đó [Thần thoại thời Hoàng Đế phần nhiều có quan hệ với sông Qui và Đại Hạ]. Khoảng thời Xuân Thu-Chiến Quốc nó là lãnh thổ của Ba-tư. Khi đại đế Alexander Đông chinh vượt qua hai bờ sông Amu Darya,[25] thì lúc ấy là đất thực dân của Hy Lạp.
Trong Ban thư (Hán thư) nói Tắc Vương là vua của nước Bactria. Đất thực dân phía Đông của Hy Lạp thời bấy giờ, không chỉ dừng một chỗ nên nói “thường phân tán làm thành một số nước”, rồi nêu tên của chúng. Bactria mất về tay Nguyệt Thị nên di dời về phía Nam đến Kế Tân [Ca-thấp-di-la]. Sự thật thời đại ấy giống với lịch sử phương Tây ghi chép. Vậy tộc Tắc là người Hy Lạp không nghi ngờ gì.
“Nguyệt Thị đầu tiên diệt Đại Hạ, đóng đô ở phía Bắc sông Qui, rồi dời dần về phía Nam sông, ban đầu chia nước ấy thành năm Hấp hầu.[26] Hơn 100 năm sau, Quý Sương Hấp hầu là Kujula rất mạnh, tận diệt bốn Hấp hầu kia và tự lập làm quốc vương, hiệu là Quí-sương vương, xâm lăng An Tức [Ba-tư], tiêu diệt Bộc-đạt [Kiền-đà-la], Kế Tân [Ca-thấp-di-la]. Rồi con vua ấy là Wema lại diệt Thiên Trúc và bố trí một vị tướng làm giám sát ở đó. Nguyệt Thị từ đây giàu có thịnh vượng, các nước gọi vua nước đó là Quí-sương vương”.
Đây là đoạn tóm lược những điều đã ghi chép trong Hậu Hán thư.[27] Gần đây, người châu Âu tra khảo từ sách cổ văn của A-lỗ-mễ-ni-á và A-rập, thấy chuyện vua Kusana [Nguyệt Thị] rất nhiều, tức là tên “Quí Sương” như sách đã ghi. Lấy niên đại để khảo sát, thì năm đầu niên hiệu Nguyên Thọ đời Hán Ai Đế, Y Tồn đi sứ Trung Quốc có thể là năm vua Kujula, mà vua Kaniṣka là con của Wema, hoặc cháu của ông ấy. Người châu Âu nghiên cứu đồng tiền cổ phát hiện và biết Kujula là người tín ngưỡng Phật Giáo, còn Wema tin Bà-la-môn giáo, hoặc Ba-tư giáo v.v…)
Tôi xin độc giả liên tưởng lại một chuyện, chuyện vua A-dục sai phái người đi truyền giáo, vùng đất mà vua sai phái đến gọi là “Thế giới Du-na”.[28] “Thế giới” này chẳng phải nơi nào khác mà chính là các nước bộ tộc họ Tắc trong Hán thư dẫn chứng, nước Bactria (Đại Hạ) là một trong số nước ấy, rõ ràng như vậy. Nguyệt Thị vốn là bộ tộc du mục, văn hóa rất thấp kém, một sớm vào đất ấy như được nền tôn giáo cao đẳng cảm hóa, tắm gội, bỗng nhiên tín thọ, biến thành trung tâm tín ngưỡng của dân tộc, đây là vận mệnh tự nhiên. Hơn nữa, sau khi vào Ấn Độ, họ lại đồng hóa với dân tộc Ấn. Dân tộc Nguyệt Thị vốn là một bộ lạc nhỏ ở biên thùy Trung Quốc, từng được nuôi lớn trong hoàn cảnh văn minh Trung Quốc, sau khi di dời về phía Tây lại có sự thu hoạch mới nên đảm nhiệm, đóng giữ vai trò môi giới cho hai nền văn hóa Trung-Ấn là hợp lý.
Người Nguyệt Thị tuy thường vỗ yên toàn cõi Ấn Độ nhưng di tích về sự nghiệp cống hiến văn hóa của họ đều ở tại Kiền-đà-la và Ca-thấp-di-la. Hai vùng đất này quả thật là thành lũy chủ yếu trong lịch trình tiến dần về phía Đông của Phật giáo. Vậy hôm nay xin luận bàn tóm lược tình hình lịch sử ấy như sau:
Ca-thấp-di-la tức là Kế Tân (Lời chú thích trong Tây Vực ký rằng: Xưa gọi là Kế Tân là lầm lẫn), đất nước ở phía Tây chân núi Himālaya, qua đến rừng Na-bố-xa, vùng thượng du hai dòng sông[29] (hai dòng sông đều là nhánh chảy của sông Ấn Độ), diện tích chừng 1.900 dặm vuông Anh, bốn phía núi vây tròn, nay là một phần của miền Bắc Ấn Độ thuộc Anh.[30] Một khi nói đến vùng đất này, chúng ta liền nghĩ đến “Thuyết nhất thiết hữu bộ” của phái Phật giáo Chính thống, bởi việc kết tập Đại tỳ-bà-sa[31] thật sự diễn ra tại đây. Tổ khai sáng Phật giáo vùng đất này là Mạt-điền-để-ca (Madhyāntika) (cũng dịch là Ma-điền-địa, Ma-điền-đề, Mạt-xiển-đề v.v…). Có thuyết nói ngài là đệ tử của ngài A-nan, có thuyết cho ngài là được sự sai phái của vua A-dục, thuyết sau là gần đây (Theo A-dục vương truyện q. 3, A-dục vương kinh q. 6, Tây Vực ký q. 3, Phó pháp tạng nhân duyên truyện q. thượng đều nói ngài Mạt-điền-để-ca là đệ tử của ngài A-nan. Ngài đến Ca-thấp-di-la là sau khi đức Phật nhập diệt khoảng 50 hay 100 năm. Duy chỉ có Thiện kiến luật tỳ-bà-sa q. 2, ghi vua A-dục phái ngài đến Ca-thấp-di-la, Kiền-đà-la tuyên giáo, tức là ngài Mạt-xiển-đề [cách dịch khác Mạt-điền-để-ca]. Hai thuyết cách nhau hơn 100 năm. Thuyết sau hợp với văn khắc ở trụ đá, thuyết ấy chân thật hơn. Về hai vùng đất Phật giáo Ca-thấp-di-la, Kiền-đà-la nhất định là do ngài khai sáng, không gì nghi ngờ cả).
Sau khi Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ chia cắt thì địa bàn Trung-Ấn rơi vào tay Đại chúng bộ. Kỳ túc[32] Thượng tọa bộ dời về tập trung ở bang Ca-thấp-di-la,[33] địa hình ở đó vốn thích hợp với tư tưởng bảo thủ, lại do nhóm bảo thủ chiếm cứ, nên diện mục của Phật giáo Nguyên thuỷ được bảo lưu ở đất này rất nhiều. Tuy nhiên, vùng đất ấy bị sự thống trị của những bộ tộc Tắc đã lâu, vô hình chung chịu ảnh hưởng tư tưởng Hy Lạp nên sắc thái nghiên cứu khoa học được nổi tiếng. Học thuật ở vùng đất ấy, trước đây một phần do người Nguyệt Thị gián tiếp đưa vào Trung Quốc, họ giao thiệp với nhau bắt đầu từ đời Đông Tấn.
Cương vực của Kiền-đà-la bao trùm phía Nam Afghanistan và thượng du sông Ấn, thuộc biên giới Bắc Ấn Độ. Tên nước ấy không thấy ở sách Lưỡng Hán, bởi đất ấy là thủ đô của Nguyệt Thị, thuộc về Nguyệt Thị. Nước này, thời vua Kaniṣka trị vì cực thịnh, lại có cuộc du nhập lớn về nghệ thuật Tây phương, trở thành điểm hội tụ cả hai nền văn minh Ấn-Hy. Nên đến nay nói về mỹ thuật Phật giáo là người ta nói đến mỹ thuật phái Kiền-đà-la. Điêu khắc, kiến trúc, hội họa của dòng phái ấy có thể là sự dung hợp ba thứ tinh thần Hy Lạp, La-mã và Ấn Độ, tạo thành một hình thể mới, làm ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật thời Tùy, Đường ở Trung Quốc. Luận về phương diện giáo lý, các luận sư Tiểu thừa như Thế Hữu, Pháp Cứu, Hiếp tôn giả, và các Luận sư Đại thừa như Vô Trước, Thế Thân đều ảnh hưởng của Kiền-đà-la. Sau khi đức Phật diệt độ trong khoảng 500 năm đến 900 năm, vùng đất này quả thật là trung tâm của Phật giáo, thường kinh điển từ Nguyệt Thị du nhập vào Trung Quốc đều phát xuất từ đây.
Nguồn gốc sâu xa của Phật giáo An Tức và Khương Cư không thể nào khảo sát được. Nhưng việc vua A-dục sai phái sư truyền giáo đến “Thế giới Du-na”, xa đến tận Ai Cập, Macedonia,[34] thì hai nước An Tức và Khương Cư không bỏ qua được, vì cả hai đều tiếp giáp với biên giới Nguyệt Thị, có ảnh hưởng với nước ấy. Khoảng cuối đời Hán đến thời Ngụy-Tấn, Cao tăng của hai nước An Tức, Khương Cư vào Trung Quốc rất nhiều, có thể biết Phật giáo ở đó thịnh hành rất lâu. Trong đó, người Khương Cư vì quốc nạn di cư vào Trung Quốc rất đông,[35] cũng là một trợ duyên của sự phát triển giáo pháp. Đây là tóm lược tình hình Phật giáo các nước ở phía Tây Thông Lĩnh và có mối quan hệ với Trung Quốc.
Còn các nước phía Đông Thông Lĩnh có Vu-điền, Qui-tư là trọng yếu. Từ cuối đời Hán, Vu-điền dứt hẳn triều cống, trở nên nước cường thịnh, đồng thời cách ngăn với Ca-thấp-di-la một ngọn núi tuyết, và từ lâu được Nguyệt Thị bảo vệ; cho nên ngày nay đất nước Trung Hoa đi tìm cái nôi Phật giáo lại bỏ quên nước Vu-điền không kể đến. Nhưng có một điều đặc sắc cần phải ghi nhớ, là các kinh điển Đại thừa phiên dịch ra chữ Hán, hầu như bộ nào cũng có nhân duyên với Vu-điền. Những bộ kinh điển nổi tiếng như Phóng quang bát-nhã của Chu Sĩ Hành, Pháp hoa của Chi Pháp Lĩnh, Đại bát niết-bàn của Đàm-vô-sấm (tham khảo “Phiên dịch Phật điển”). Những kinh điển này có dấu vết “thành lập tại Vu-điền” không phải ít.[36] Căn cứ vào các tư liệu này thì hình như học thuyết phái Thật tướng, một phái trong Đại thừa khởi thuỷ phát sinh tại đất Vu-điền. Nhân đó mà kiểm nghiệm lại những sử liệu khác, có thể biết dân tộc Vu-điền hình như hỗn chủng hai dòng máu Hoa-Ấn và hình thức Phật giáo mới của họ là kết quả từ sự “ghép cành chiết cây”. Thuyết này tuy mười phần chưa được tin cậy, nhưng xét kỹ về trào lưu tư tưởng như ngầm nói lên rằng, vấn đề văn hóa phương Đông còn được tiếp tục nghiên cứu tìm tòi. (Nước Vu-điền trong Truyện Tây Vực, sách Hán thư ghi: “Từ Cao Xương đi về phía Tây, người dân ở các nước… mắt sâu, mũi cao, duy chỉ có nước này, dung mạo không đen lắm, rất giống người Hoa.” Điều này đủ chứng cứ là dân tộc Vu-điền và Trung Quốc gần nhau. Tây Vực ký q. 12, ngài Huyền Trang viết về lịch sử kiến quốc của Vu-điền rất rõ ràng, đại để tình hình là dân tộc Đông phương chinh phục dân tộc Tây phương ở vùng đất trước đây; trong văn ghi: “Thái tử con vua bị trách phạt, lưu đày ở lãnh thổ phía Đông, quần thần khuyên tiến lên, mới tự xưng vương… Rồi một ngày sáng sớm họp chiến, Tây chủ bất lợi…. Đông chủ thắng trận, vỗ về nhân dân mất nước, di dời đô thành vào trong lãnh thổ.” Truyện Phật tiếng Tây tạng do ông Rockhill dịch, xuất bản 1884, nội dung giống nhau rất nhiều, có khác chút ít, lược nói thế này: “Có người trong nước tên Cù-tát-đán-na cùng với người Ấn Độ…. Tể tướng của vua A-dục tên Da-xá cùng hợp lực kiến thiết quốc gia này v.v…” Cù-tát-đán-na, trong Tây Vực ký nói nguồn gốc là tên Vu-điền. Câu chuyện trong hai tác phẩm ấy tuy đa phần là thần thoại nhưng về quan hệ địa lý thì hai tộc Trung-Ấn có sự “cấy ghép”, đó là sự thật. Sau khi trải qua trận xung đột mới đi đến thuận hoà, hỗn chủng thành một tộc mới, rồi kiến thiết đất nước, đó cũng là nếp thường trong lịch sử. Dân tộc Vu-điền là một dân tộc mang hai dòng máu ưu tú, chắc chắn họ đã cống hiến nhiều cái mới cho tư tưởng nhân loại.)
Gần Vu-điền có một nước nhỏ gọi là Chước-cú-ca, nơi này quả thật là kho báu tổng tập kinh điển Đại thừa (Chước-cú-ca tức là nước Tử Hợp. Truyện Tây Vực trong Hán thư cũng dịch là Giá-cú-ca, Giá-câu-bàn, Chu-cư, Chu-câu-ba v.v… Lịch đại tam bảo kỷ quyển 12,[37] dẫn thuật việc ngài Xà-na-quật-đa từng đi qua nước đó kể lại:
“Cách phía Đông nam Vu-điền hơn 2.000 dặm có nước Giá-câu-ca, vua nước đó thuần tín, kính trọng Đại thừa… Vương cung có ba bộ kinh lớn: Ma-ha bát-nhã, Hoa nghiêm, Đại tập… Vua đích thân thọ trì, đích thân giữ chìa khóa [nơi để kinh]… phía Đông nam đất nước hơn 20 dặm có núi rất hiểm trở, vua đem an trí bên trong núi ấy: Đại tập, Hoa nghiêm, Phương đẳng, Bảo tích, Lăng-già, Xá-lợi-phất đà-la-ni, Hoa Tụ đà-la-ni [Hoa Tụ đà-la-ni chú kinh], Đô-tát-la-tạng [?], Ma-ha bát-nhã, Đại vân kinh và tám bộ Bát-nhã [Đại phẩm bát-nhã, Tiểu phẩm bát-nhã, Phóng quang bát-nhã…] v.v… gồm mười hai bộ, mười vạn kệ. Phép nước truyền nhau, phòng hộ trông nom.”
Căn cứ lời ghi chép trên thì những kinh điển Đại thừa viết tay được cất giữ nơi ấy rất phong phú, bởi đương thời không có nơi thứ hai), giống với vùng Thư-cừ của Bắc Lương; lãnh thổ Bắc Lương cũng đóng góp cho việc mở rộng Phật giáo (Chước-cú-ca trong Tây Vực ký chú giải rằng: “Xưa gọi là Tự-cừ”. Tự-cừ và Chu-cư âm đọc giống nhau, do phiên dịch khác thôi. Thư-cừ-mông-tốn[38] đời Bắc Lương tận sức đề xướng Phật giáo, em họ của ông là Tự-cừ-kinh-thanh[39] cũng có sự nghiệp phiên dịch rất lớn, họ là người Chước-cú-ca đều có sự cống hiến cho Trung Quốc vậy).
Vu-điền là một nước Phật giáo lớn ở phía Nam sa mạc, phía Bắc Vu-điền là nước Qui-tư. Muốn biết Phật giáo Trung Quốc có mối quan hệ với Qui-tư, theo nguyên tắc trước tiên phải kể những Tăng lữ mệnh danh đi về Đông (Trung Quốc) vào thời kỳ đầu. Sa-môn Trung Quốc dùng chữ “Thích” làm họ bắt đầu từ ngài Đạo An.[40] Trước đây, người trong nước đều theo họ thông thường như Nghiêm Phật Điều, Chu Sĩ Hành v.v… Người nước ngoài đều dùng tên nước làm họ, như An Thế Cao là người An Tức, Chi-lâu-ca-sấm là người Nguyệt Chi, Khương Tăng Hội là người Khương Cư, Trúc Phật Sóc là người Thiên Trúc. Người Hán cũng theo họ của thầy mình, như thầy của Chi Lượng là Chi Sấm, đó là theo họ Chi của thầy. Còn có một ngoại lệ gọi là theo họ của nước gốc, như vua Qui-tư họ Bạch thì người của vương tộc ấy đều mang họ Bạch 白 (hoặc 帛). Quan sát khoảng thời Ngụy-Tấn có nhiều Cao tăng họ Bạch thì biết có công của người Qui-tư ở Trung Quốc chẳng ít.
(Hai truyện Bạch Diên và Bạch Thi-lê-mật-đa-la trong Cao tăng truyện quyển 1[41] đều nói là người Tây Vực, tuy không nêu quốc tịch của họ nhưng “truyện Thi-lê-mật” nói ngài là “Con quốc vương”. Xuất tam tạng ký tập quyển 7,[42] có thiên “Thủ lăng-nghiêm hậu ký” [thứ 11] ghi dịch giả kinh này là Bạch Diên — Vương thế tử [con trai đầu nhà vua] nước Qui-tư. Nhân đó biết được họ là người Qui-tư. Về Qui-tư trong truyện Tây Vực, sách Ngụy thư ghi: “Vua nước ấy họ Bạch”, và kiểm tra các Chính sử[43] thì chứng cứ càng chân thật hơn. Hậu Hán thư đã ghi, năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Nguyên đời Hòa Đế, vua Qui-tư được Ban Siêu lập tên là Bạch Bá. Năm thứ 3 niên hiệu Diên Quang đời An Đế, thời Ban Dũng chinh Tây, vua nước Qui-tư tên là Bạch Anh. Tấn thư[44] ghi tướng của Phù Kiên là Lữ Quang diệt Qui-tư, giết vua nước ấy là Bạch Thuần. Ngụy thư[45] chép người nối ngôi Bạch Thuần là Bạch Chấn. Bắc sử[46] và Tùy thư[47] ghi trong niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy, vua Qui-tư sai người tiến cống, vị vua ấy tên là Bạch Tô-ni-điệt. Đường thư[48] ghi năm thứ 7 niên hiệu Khai Nguyên, vua Qui-tư mất, vua ấy tên là Bạch Mạc Tâm; năm thứ 9 niên hiệu Khai Nguyên, vua Qui-tư sai sứ vào tiến cống, vua ấy tên là Bạch Hiếu Tiết. Vua Qui-tư nối dõi đời đời đều mang họ Bạch; như vậy đã có bằng chứng hai vương tử Bạch Diên và Bạch Thi-lê-mật-đa-la mang quốc tịch Qui-tư là không nghi ngờ gì nữa. Bạch Diên, Bạch Pháp Tổ, phần nhiều các sách khác viết “Bạch 白 [trắng]”, trong truyện đổi “Bạch [trắng]” ra “Bạch 帛 [lụa]”, là sợ lộn với họ Bạch [trắng] của Trung Nguyên. Đó là dùng chữ đồng âm, chẳng phải chữ của họ trong trăm họ của Trung Quốc, để biểu thị riêng biệt người ấy là người nước ngoài!) Đến như vị “vua” của giới phiên dịch là Cưu-ma-la-thập cũng có mối quan hệ sâu sắc với Qui-tư, đọc truyện của ngài sẽ thấy rõ.
Ngoài ra, Sơ-lặc, Cao Xương v.v… cũng là những nước Phật giáo lớn ở Tây Vực trong khoảng đời Tùy-Đường, nhưng do sự nghiệp du nhập vào thời kỳ đầu không có quan hệ gì nhiều nên không tường thuật. Điều quan trọng trên lịch trình Phật giáo tiến dần về Đông, vị trí trung chuyển bắt đầu đi từ Thiên Trúc, lấy Ca-thấp-di-la làm trạm dịch thứ hai, từ đó mà qua Kiền-đà-la, Vu-điền, Qui-tư v.v…, từng trạm từng trạm tiến tới. Mỗi lần qua một trạm thì chiếc xe chuyên chở ấy càng tăng thêm sức nặng, mà người nước Nguyệt Chi, An Tức là những dịch sứ[49] rất trung thành mẫn cán vậy. Nay theo thứ lớp liệt kê quốc tịch các quốc sư đi về Đông để khảo sát.
Biểu đồ quốc tịch của các bậc cổ đức đi về Đông (Nhiếp-ma-đằng, Trúc Pháp Lan thời Hậu Hán, tôi cho là không có. Đạt-ma đời Lương, tôi cho là lai lịch chẳng rõ, hoặc chẳng phải người quan trọng… đều không liệt kê vào):
An Thế Cao — An Tức
Chi-lâu-ca-sấm — Nguyệt Chi
Trúc Phật Sóc — Thiên Trúc
An Huyền — An Tức (người này nghi là An Thế Cao)[50]
Chi Diệu — Nguyệt Chi
Khương Cự — Khương Cư
Khương Mạnh Tường — Khương Cư
Những người nêu trước là thời Hậu Hán.
Đàm-kha-ca-la — Trung Thiên Trúc
Khương Tăng Khải — Khương Cư (Tăng truyện nói: “Sa-môn nước ngoài”, nay tìm xác định là Khương Cư).
Đàm-vô-đế — An Tức
Khương Tăng Hội — Khương Cư
Chi Khiêm — Nguyệt Chi
Chi Cương Lương — Nguyệt Chi
Duy-kỳ-nan — Thiên Trúc
Trúc Luật Viêm — Thiên Trúc
An Pháp Hiền — An Tức
Những vị nêu trên thuộc đời Tam Quốc.
Pháp Hộ — Nguyệt Chi (Tăng truyện nói: “Vị ấy trước là người Nguyệt Chi, sống ở Đôn Hoàng”).
Chi Pháp Độ — Nguyệt Chi
Bạch Diên — Qui-tư (Tăng truyện nói: “Chẳng biết người nước nào”. Bài Thủ lăng-nghiêm hậu ký chép là: “Vương thế tử Qui-tư”).
Bạch Thi-lê-mật-đa-la — Qui-tư (Tăng truyện nói: “Người Tây Vực.’’ Nay xác định là Qui-tư)
Bạch Pháp-cự — Qui-tư (các sách chẳng ghi chép gì về họ của ngài, căn cứ vào Xuất tam tạng ký tập quyển 9 thì biết là họ Bạch, đương nhiên là người Qui-tư)
Trúc Thúc Lan — (Truyện Chu Sĩ Hành trong Tăng truyện nói: “Vốn là người Thiên Trúc, đời cha tỵ nạn sống ở Hà Nam)
An Pháp Khâm — An Tức
Những vị nêu trên thuộc đời Tây Tấn.
Phật-đồ-trừng — Qui-tư (Tăng truyện nói: “Người Tây Vực, vốn họ Bạch”, nay xác định là Qui-tư)
Tăng-già-bạt-trừng — Kế Tân
Đàm-ma-nan-đề — Nguyệt Chi (Tăng truyện nói: “Người Đâu-khư-lặc”, Đâu-khư-lặc là tên khác của Nguyệt Chi)
Tăng-già-đề-bà — Kế Tân
Tăng-già-la-xoa — Kế Tân
Đàm-ma-da-xá — Kế Tân
Cưu-ma-la-thập — (Theo Tăng truyện thì cha người Thiên Trúc, mẹ người Qui-tư)
Phất-nhã-đa-la — Kế Tân
Đàm-ma-lưu-chi — (Tăng truyện nói: “Người Tây Vực’’, quốc tịch không khảo ra)
Ty-ma-la-xoa — Kế Tân
Phật-đà-da-xá — Kế Tân
Phật-đà-bạt-đà-la (Giác Hiền) — Thiên Trúc
Đàm-vô-sấm — Trung Thiên Trúc (Thích Lão chí trong Ngụy thư nói: “Người Kế Tân”)
Chi Đạo Căn — Nguyệt Chi
Chi Thí Luân — Nguyệt Chi
Đàm-đế — Khương Cư (thấy ở Quảng hoằng minh tập)
Những vị nêu trên thuộc đời Đông Tấn.
Phật-đà-thập — Kế Tân
Phù-đà-bạt-ma — Nguyệt Chi (Tăng truyện chỉ nói: “Người Tây Vực”. Cầu pháp cao tăng truyện[51] thì nói là người Đổ-hóa-la, Đổ-hóa-la tức là Đâu-khư-lặc, cũng là Nguyệt Chi)
Cầu-na-bạt-ma — Kế Tân
Tăng-già-bạt-ma — Thiên Trúc
Đàm-ma-mật-đa — Kế Tân
Cương-lương-da-xá — (Tăng truyện chỉ nói: “Người Tây Vực”. Quốc tịch không khảo được)
Cầu-na-bạt-đà-la — Trung Thiên Trúc
Cầu-na-tỳ-địa — Trung Thiên Trúc
Tăng-già-bà-la — Phù Nam[52] (nước này ở đâu chưa khảo kỹ, có thể là Nam Ấn Độ hoặc Tích Lan)
Mạn-đà-la — Phù Nam
Bồ-đề-lưu-chi — Bắc Thiên Trúc
Chân Đế (Câu-na-la-đà) — Tây Thiên Trúc
Sư Hiền — Kế Tân (không có trong Tăng truyện, chỉ thấy trong quyển Đại tông tăng sử lục)
Nguyệt-bà-thủ-na — Nguyệt Chi (Tăng truyện nói: “Người Ưu-thiền-ni – Tây Thiên Trúc”. Tĩnh Thái chúng kinh mục lục[53] ghi rằng: “Vương tử của Nguyệt Chi”)
Những vị nêu trên thuộc đời Nam-Bắc Triều.
Na-liên-đề-lê-da-xá — Bắc Thiên Trúc Ô-trường (nước này ở phía Bắc nước Kế Tân)
Xà-na-quật-đa — Kiền-đà-la
Đạt-ma-cấp-đa — Nam Thiên Trúc La La (nước này chờ khảo sát)
Những vị nêu trước thuộc đời Tùy.
Ba-la-pha-ca-la — Trung Thiên Trúc
Na-đề — Trung Thiên Trúc
Kim Cương Trí — Nam Thiên Trúc Ma-lại-da
Thiện Vô Úy — Trung Thiên Trúc
Bát-lạt-nhã — Bắc Thiên Trúc Ca-tất-thí (nước này nay ở Afghanistan, xưa là thuộc địa của Nguyệt Chi)
Nhã-na-bạt-đà-la — Nam Hải Ha Lăng (nước này nay khó chỉ đích xác, hoặc là Tích Lan)
Phật-đà-đa-la — Kế Tân
Phật-đà-ba-lợi — Kế Tân
Thật-xoa-nan-đà — Vu-điền
Địa-bà-ha-la — Trung Thiên Trúc
Đề-vân-bát-nhã — Vu-điền
Trí Nghiễm — Vu-điền
Bảo Tư Duy — Kế Tân
Bồ-đề-lưu-chí — Nam Thiên Trúc
Liên Hoa Tinh Tấn — Qui-tư
Thi-la-đạt-ma — Vu-điền
Những vị nêu trên thuộc đời Đường.
Biểu đồ trên lược đủ những vị Tăng đi về Đông, họ chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật học. Khái quát qui nạp lại thì thời Hậu Hán, Tam Quốc: người An Tức, Nguyệt Chi, Khương Cư là nhiều; thời Lưỡng Tấn: người Qui-tư, Kế Tân là nhiều; thời Nam Bắc Triều: người các nước vùng Tây Tạng và người Ấn Độ phân chia thế lực; thời Tùy-Đường thì người Ấn Độ chiếm ưu thế mà các nước vùng Hải Nam cũng có người đến. Căn cứ theo vùng đất để tra xét riêng biệt các dòng phái ấy cũng phản ảnh được giới tư tưởng của Trung Quốc.
[trích Nghiên cứu Phật Giáo Tây Vực | Việt dịch: Cư sĩ Tuệ Khai, Phụ chú: Thích Tâm Nhãn – Xuất bản 2011]
[1] Tây Vực 西域: Từ triều đại nhà Hán về sau, các nước phía Tây đều gọi là Tây Vực. Nhưng kỳ thật thì phạm vi các nước ấy không hạn định, rộng hẹp có hai nghĩa: 1. Phạm vi rộng là Ấn Độ, Iran, Asia Minor (Tiểu Á-tế-á); 2. Phạm vi hẹp là chỉ vùng Tân Cương.
[2] Vương triều Cấp-đa (及多王朝) thống nhất Ấn Độ từ năm 320 đến 470 Tl.
[3] Giang Tả 江左: 1. Giang Đông, tức vùng hạ du sông Trường Giang, nay thuộc tỉnh Giang Tô; 2. Đông Tấn và Nam Triều: Tống, Tề, Lương, Trần đều kiến đô tại đất Giang Tả.
[4] Thông Lĩnh 葱嶺: Phía Tây nam tỉnh Tân Cương. Núi này cao lớn và trên núi sinh trưởng nhiều loại hành tây (Hán: thông 葱, E. Scallion, tên khoa học: Allium Fistulosum) nên gọi là Thông Lĩnh.
[5] Turkestan=Turkistan: Thổ-nhĩ-kỳ-tư-thản 土耳其斯坦. Xưa gọi là Đột-quyết-tư-thản.
[6] Siberia: Tây-bá-lợi-á 西伯利亞, phần châu Á thuộc Liên Xô (cũ), trải dài trên toàn bộ phía Bắc châu Á….
[7] Nước Kiền-đà-la 犍陀羅 (Skt. Gāndhāra), vị trí hiện nay nằm hạ du sông Kabul (cùng tên thủ đô) của Afghanistan, phía Tây bắc Ấn Độ.
[8] Hiện nay là Kashmir (Cash-mere) (Khách[Khắc]-thập-mễ-nhĩ 喀(克)十米爾), phía Tây Trung Quốc, Bắc Ấn Độ, Đông bắc Pakistan.
[9] Phía Đông huyện Sơ-lặc tỉnh Tân Cương.
[10] Huyện Sa-xa 莎車 tại tỉnh Tân Cương.
[11] Huyện Khố-xa 庫車 thuộc tỉnh Tân Cương.
[12] Khách-thập-cát-nhĩ 喀什噶爾 cũng thuộc tỉnh Tân Cương.
[13] Hán: Thổ-lỗ-phồn 吐魯蕃, là huyện thuộc tỉnh Tân Cương.
[14] Y Tồn 伊存: Y Tồn là sứ thần nước Đại Nguyêt Thị thời Tây Hán. Năm đầu niên hiệu Nguyên Thọ đời Ai đế (năm 2 trước Tl.), Y Tồn từng đem “Phù-đồ kinh” (kinh Phật) khẩu truyền cho Bác sĩ đệ tử Cảnh Lô. (Truyện Tây Nhung trong sách Ngụy lược).
[15] Bác sĩ đệ tử 博士弟子: Thời Hán Vũ đế thiết lập chức quan Ngũ kinh bác sĩ, đặt đệ tử năm mươi người, do Thái thường (chức quan chuyên về học thuật, lễ nghi) chọn dân trên 18 tuổi, nghi dung đoan chánh ở mỗi quận huyện trong nước, tiến cử đến triều đình để học tập nghiên cứu kinh điển, gọi là Bác sĩ đệ tử.
[16] Trương Khiên 張騫: Người Hán Trung, làm quan đời Vũ đế niên hiệu Kiến Nguyên (140 Tl.).
[17] Sử ký: Do Tư mã Thiên đời Tây Hán biên soạn, gồm 52 vạn chữ, 130 thiên, là bộ sử lớn nhất của Trung Quốc.
[18] Hán thư 漢書: Bộ sử chép riêng một triều đại (Đoạn đại sử 斷代史), do sử gia nổi tiếng Ban Cố biên soạn đời Đông Hán. Sách chép từ năm 206 trước Tây lịch (Hán Cao tổ nguyên niên), đến năm 23 sau Tây lịch (niên hiệu Địa Hoàng thứ 4 đời Vương Mãng), tổng cộng 100 thiên, gồm 120 quyển.
[19] Amu Darya, Hán: A-mỗ hà 阿姆河, Skt. Vakṣu, Ikṣu, thường gọi sông A-mỗ, dịch âm khác là sông Phược-sô, Hòa-xoa… Hán sử ghi “sông Qui” (Qui thủy), “sông Ô-hử” (Ô-hử thủy), nay là sông Oxus. Sông này bắt nguồn từ Đông nam cao nguyên Pamir. Trung lưu chuyển hướng Tây bắc, chảy vào biển Aral Sea (Hàm hải 鹹海). Lưu vực sông này là vị trí nước Đổ-hóa-la thời xưa. Nơi đây từng là đất thực dân người Hy Lạp, đồng thời Thiện kiến luật tỳ-bà-sa ghi: Thế giới Du-na, Hán sử: Vị trí tương đương Đại Hạ. Nước Đại Nguyệt Thị từng phát triển thế lực và hưng thịnh Phật pháp một thời nơi đây.
[20] Chữ “Thị” (氏) của Nguyệt Thị 月氏 đọc như chữ “Chi” (支) nên cũng gọi là Nguyệt Chi, kỳ thật vốn là chữ “Thị”. Nguyệt Thị là dịch nghĩa chẳng phải dịch âm, bởi Trung Quốc thừa nhận đó là một thị tộc. dùng tên Nguyệt đứng đầu là biểu thị riêng biệt cho họ (tộc họ), giống như nói Âm Nhung, Ly Nhung vậy. Về giống dân Nguyệt Thị, các học giả Tây Âu cận đại đã khảo chứng rất tỏ tường, nay chẳng dẫn ra nữa. (cht. Tg)
[21] Thiên Sơn 天山: nghĩa là “núi trời”, tiếng Duy-ngô-nhĩ “Tengri Tagh”, là một dãy núi nằm ở khu vực Trung Á, về phía bắc và phía tây của sa mạc Taklamakan trong khu vực biên giới của Kazakhstan, Kyrgyzstan và khu tự trị dân tộc Duy-ngô-nhĩ Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Về phía nam, nó nối liền với dãy núi Pamir.
[22] Đại vương Á-lịch-sơn 亞歷山大王: E. Alexander the Great, (356 -323).
[23] Niên hiệu Cảnh Võ thời Tây Hán là vua Cảnh đế – Lưu Khải (năm 156-143 trước Tl.) và vua Võ đế – Lưu Triệt (năm 140-88 trước Tl.). Niên hiệu Hoàn Linh thời Đông Hán là vua Hoàn đế – Lưu Chí (năm 147-167 Tl.) và vua Linh đế – Lưu Hoằng (năm 168-184 Tl.).
[24] Nhan Sư Cổ 顏師古 (581-645), người Vạn Niên, Ung Châu (Tây An, Thiểm Tây ngày nay), tinh thông chú thích từ ngữ sách xưa… Niên hiệu Trinh Quán đời Đường, phụng chiếu chỉnh sửa Ngũ kinh, chú giải Hán thư lược định Ngũ lễ v.v…
[25] Alexander (Á-lịch-sơn) xâm chiếm Sogdiana và Iran, và khi vượt qua sông Oxus thì ông đã vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ. Sau 2 năm chiến tranh, Bactria trở thành một tỉnh của đế quốc Macedonia, nhưng Alexander đã không chinh phục được người dân. Sau khi Alexander chết, đế quốc Macedonia bị phân chia giữa các tướng lĩnh trong quân đội của chính ông. Bactria trở thành một phần của đế quốc Seleucid, đặt theo tên người sáng lập ra triều đại này là Seleucus I (Tái-lưu-cổ đời thứ nhất).
[26] Hấp hầu 翕侯: Tên chức quan đại thần ở các nước Tây Vực như Ô Tôn, Nguyệt Thị, Khương Cư v.v… thời nhà Hán.
[27] Hậu hán thư 後漢書: Do Phạm Diệp 范曄 (389-445) người Thuận Dương (nay là Đông Chiết Xuyên tỉnh Hà Nam), đời Tống nam triều, biên soạn. Ông ghi chép lịch sử đời Đông Hán, trải qua khoảng 13 năm mới hoàn thành. Bản thông hành hiện nay gồm 120 quyển.
[28] Thế giới Du-na 臾那世界: Skt. Yavana-loka, Pāli. Yona-loka, tức nước Thế giới Du-na, là một nước thời xưa nằm phía Tây bắc Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ IV trước Tl., sau khi đại đế Alexander đông chinh, nơi này trở thành vương quốc Bactria. Trung Quốc gọi là Đại Hạ, người Ấn Độ gọi là Thế giới Du-na.
[29] Hai dòng sông: 1. Lưỡng Hà, sông Ni-liên-thiền (Skt. Nairañjanā, Pāli. Nerañjarā) chi nhánh sông Hồng, sông Bạt-đề (Skt. Ajitavatī) thuộc Trung Ấn Độ. 2. Lưỡng Hà, sông Hằng (Skt. Gaṅgā) và sông Tín-độ (Skt. Sindhu), một trong 4 con sông lớn ở Ấn Độ.
[30] Tác giả viết bài này khi Ấn Độ chưa độc lập.
[31] Đại tỳ-bà-sa luận: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận, gồm 200 quyển do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường, được xếp vào tạng Đại Chánh tập 27. Tương truyền do vua Ca-nị-sắc-ca (Skt. Kaniṣka) thuộc vương triều Quí Sương và Hiếp tôn giả (Skt. Pārśva) triệu tập 500 A-la-hán kết tập suốt 12 năm, tức lần kết tập kinh điển thứ tư. Đây là Thánh điển Phật giáo căn bản của Thuyết nhất thiết hữu bộ.
[32] Kỳ túc 耆宿, hoặc gọi Trưởng lão (Skt. Sthavira, Pāli. Thera), là chỉ những vị đại Tỳ-kheo cao niên, Lạp hạ lớn, trí đức đầy đủ.
[33] Sau khi đức Phật diệt độ chừng 200 năm, vị Tăng Đại chúng bộ là Đại Thiên đề xướng dị luận cùng với Thượng tọa bộ phân chia, vua Vô Ưu (tức vua A-dục) theo Đại chúng bộ nên những đại đức của Thượng tọa bộ hiện thần thông bay lên không, qua sông Hằng đến Tây Bắc, việc này thấy ở Đại tỳ-bà-sa luận quyển 99. Đây chắc chắn là thần thoại của “Hữu bộ”, không thể xác nhận là sự thật lịch sử, nhưng có thể là ngụ ý của phái Chính thống tìm căn cứ địa mới ở Ca-thấp-di-la. (cht. Tg)
[34] Macedonia là nước cộng hòa nằm phía Nam liên bang Nam Tư, thủ đô Skopje.
[35] “Cao tăng Thích Trí Nghi đời Tùy, họ Khương, vốn dòng dõi vua nước Khương Cư, nhân vì đời trước trong nước gặp nạn, tiên tổ của ngài về với nhà Ngụy (Tào Ngụy), được phong ở Tương Dương, trải qua hơn mười đời”. Xem trong Pháp hoa kinh truyện ký q. 5. “Cao tăng Thích Tuệ Minh nước Tề (Tiêu Tề), họ Khương, vốn là người Khương Cư, thời Tổ phụ lánh về đất Đông Ngô”. Xem Lương cao tăng truyện q. 11. Có thể thấy thời Tam Quốc ở Khương Cư nhất định có đại loạn (xem trong sử Tây phương ghi, hình như bị người Bactria xâm nhập), nên người nước ấy bỏ đi rất nhiều. “Cha của Khương Tăng Hội cũng di cư sang Giao Chỉ (Việt Nam) vào thời Ngô”. Xem Lương cao tăng truyện q. 1. Động cơ di cư của họ có thể giống nhau. (cht. Tg)
[36] Phẩm “Bồ-tát trụ xứ” trong kinh Hoa nghiêm liệt kê nhiều địa danh ở Vu-điền, nên học giả cho đây là chứng cứ thành lập kinh Hoa nghiêm tại Vu-điền. Tuy chưa thể hoàn toàn tin, nhưng 60 quyển Hoa nghiêm ngày nay thì Chi Pháp Lĩnh được chúng ở Vu-điền. Còn bản Hoa nghiêm 80 quyển là do Vu-điền tặng Thật-xoa-nan-đà mang theo, và đích thân ông phiên dịch. Nguồn gốc truyền thọ Hoa nghiêm ở Trung Quốc nếu bỏ Vu-điền thì không thể khảo xét được. Đây là một sự thật cần phải chú ý. (cht. Tg)
[37] Lịch đại tam bảo kỷ 12 (Phí Trường Phòng soạn thời Tuỳ, 15 quyển), T49n2034_p103a10.
[38] Thư-cừ-mông-tốn 沮 渠 蒙 遜 (368-433), người sáng lập nước Bắc Lương, một trong 16 nước Ngũ Hồ thời Ngụy-Tấn Nam Bắc Triều. Thời Tự-cừ-mông-tốn làm vua, ông tận lực hưng long Phật pháp, triệu thỉnh ngài Đàm-vô-sấm phiên dịch kinh điển…
[39] Tự-cừ-kinh-thanh 沮渠京聲 (?-464), là em họ của Thư-cừ-mông-tốn; lúc trẻ vượt sa mạc đến Vu-điền học tiếng Phạn. Ở đây, ông được ngài Phật-đà-tư-na ở chùa Đại-cù-ma-đế trao cho kinh Thiền yếu bí mật trị bệnh… Những kinh do ông dịch hiện còn: Thiền yếu bí mật trị bệnh, Bát quan trai v.v… gồm 16 bộ, 17 quyển.
[40] Truyện Đạo An trong Lương cao tăng truyện quyển 5, chép rằng: “Ban đầu các Sa-môn thời Ngụy-Tấn lấy họ thầy làm họ nên mỗi họ không giống nhau. Ngài Đạo An cho rằng vốn các đại sư chẳng ai không thờ kính đức Thích-ca, mới lấy họ Thích làm họ. Về sau thấy trong ‘Tăng nhất A-hàm’ nói: Bốn dòng sông đều chảy vào biển, tên sông không còn nữa. Bốn họ (chỉ cho bốn giai cấp trong xã hội Ấn Độ thời Phật) làm Sa-môn đều xưng là dòng họ Thích. Sự nhận định của ngài Đạo An cùng với kinh phù hợp nên trở thành phương thức vĩnh viễn”. Đây là việc làm quan trọng cho Phật môn. (cht. Tg)
[41] Cao tăng truyện 1 (Tuệ Kiểu soạn thời Lương, 14 quyển), T50n2059_p325a10, 327c.
[42] Xuất tam tạng ký tập 7 (Tăng Hựu soạn thời Lương, 15 quyển), T55n2145_p49b19.
[43] Chính sử 正史: Những sách ghi chép về sử như Sử ký, Hán thư v.v…
[44] Tấn thư 晉書: Tấn thư gồm 130 quyển, do Phòng Huyền Linh (Phòng Kiều), Trử Toại Lương v.v… phụng sắc soạn vào năm thứ 20 niên hiệu Trinh Quán đời Đường (646).
[45] Ngụy thư 魏書: Do Ngụy Thu (506-572) biên soạn thời Bắc Tề, gồm 130 quyển.
[46] Bắc sử 北史: Do Lý Diên Thọ soạn thời Đường, gồm 100 quyển, sử ký thuật thời Bắc Triều, Bắc Ngụy, Đông Ngụy…, cả thảy 233 năm (386-618).
[47] Tuỳ thư 隋書: Sách sử ghi chép triều đại nhà Tuỳ, gồm 85 quyển, do Ngụy Trưng v.v… phụng sắc soạn thời Đường.
[48] Đường thư 唐書: Đầu tiên do Ngô Căng biên soạn vào năm Khai Nguyên đời Đường, 110 quyển; sau Vi Thuật soạn thêm thành 130 quyển.
[49] Dịch sứ 驛使: Người đưa thư, chuyển công văn, cũng là những tín sứ nước ngoài thông dịch.
[50] Theo sử liệu, An Huyền và An Thế Cao là hai người. Vì ngài An Thế Cao là Cao tăng, ngài An Huyền là cư sĩ tuy hai ngài đều người nước An Tức. Ngài An Thế Cao đến Trung Quốc vào đời Hán Hoàn đế (năm 147-167 Tl.), ngài An Huyền đến Trung Quốc vào cuối đời Hán Linh đế (năm 168-220 Tl.) (xem Lịch đại tam bảo ký 4, T49n2034_p53c01; Xuất tam bảo ký 13, T55n2145_p96a; Cao tăng truyện 1, T50n2059_p323a24).
[51] Cầu pháp cao tăng truyện, hay gọi Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện, 2 quyển, ngài Nghĩa Tịnh soạn đời Đường (T51n2066).
[52] Nước Phù Nam 夫南國: Một vương quốc thời xưa được thành lập vào đầu Tây lịch, ở phía Tây nam và được Ấn Độ hoá rất sớm. Khi đó vương quốc Phù Nam dường như trải rộng cho tới tận bán đảo Malaixia. Xưa người Trung Quốc gọi là Chân Lạp, tức nay là Cambodia (Kampuchea) ở Đông nam Á, thủ đô là Phnom Penh.
[53] Tĩnh Thái chúng kinh mục lục, hay gọi Chúng kinh mục lục, 5 quyển, do Tĩnh Thái soạn đời Đường (T55n2148).