Có lần nói chuyện với một người bạn, anh ta nói nửa đùa nửa thật rằng, nếu sống mà không có những thú vui của ngũ dục, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ thì cuộc đời này còn có gì mà vui thích nữa chứ? Nếu như trên cõi Tịnh độ hay Thiên đàng mà không có những thứ đó thì anh không cần lên đâu! Anh ta nghĩ rằng hạnh phúc phải được làm bằng những thứ đó, bỏ chúng ra thì cuộc đời sẽ này sẽ trở nên buồn chán lắm!
Thật ra, ta cũng không thể nào chối bỏ được ảnh hưởng của những thứ ấy trong cuộc sống của mình. Chúng có thể giúp đời sống ta được dễ chịu hơn, thoải mái hơn. Nhưng nếu bảo rằng không có những cái ấy cuộc đời này sẽ trở hành hư vô, trống không thì tôi thấy hơi quá! Làm như hạnh phúc của cuộc đời này chỉ có bấy nhiêu đó thôi vậy. Nhiều khi, chính những quan niệm như thế về hạnh phúc đã nuôi dưỡng mầm mống khổ đau cho cuộc đời này!
Sống trong một xã hội tiêu thụ, chúng ta bị hoàn cảnh chung quanh điều kiện hoá, bị đánh lừa bởi những hạnh phúc hào nhoáng, đầy sôi động và kích thích bên ngoài. Nhưng có điều là những thứ hạnh phúc ấy không bao giờ tồn tại lâu, và ta lại phải cứ đi tìm một cái khác. Chúng cũng như một nén hương tàn. Khi ta thắp lên một nén hương, khi mình đang ngửi được mùi thơm ấy, thì phần nhang đó cũng đã cháy tàn rồi.
Ta sẽ không bao giờ thấy được những gì chúng ta đang có là đủ. Mà nếu như những gì chúng ta đang có đây, không thể mang lại cho mình hạnh phúc, thì lý do gì ta lại nghĩ rằng, có thêm những cái khác nữa sẽ giúp mình có được hạnh phúc? Nếu chúng đã có thể đem lại hạnh phúc, thì ta đâu còn tìm kiếm thêm làm gì nữa! Có lần tôi nói đùa với một người bạn là tôi nghĩ chúng ta ai cũng đều có đầy đủ hết rồi, nhưng mình chỉ cảm thấy thiếu thốn khi ta nhìn sang người cạnh bên! Sống trong cuộc đời mà ta cứ phải đi tìm cầu hạnh phúc ở bên ngoài mải thì mệt mỏi lắm, Thầy hả!
Nhưng không phải tôi khuyên người bạn tôi nên buông bỏ hết tất cả những thứ ấy. Tôi chỉ muốn nói với anh chị ấy rằng, tiền bạc, vật chất và danh vọng có thể mang lại cho ta những thú vui, giúp cho đời sống ta được dễ chịu hơn, thú vị hơn, nhưng không nhất thiết nó sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc bền vững mà ta tìm cầu!
Chúng ta không có hạnh phúc, có thể vì ta chưa thật sự nhìn thấy rõ được nguyên nhân của khổ đau. Và vì vậy mà ta cứ đi tìm kiếm hạnh phúc ở những nơi mà hạnh phúc không có mặt. Và cũng có lẽ là vì ta vẫn chưa thành thật với chính mình. Đôi khi cái nguyên nhân khổ đau cũng rõ rệt và hiển nhiên lắm, nhưng chúng ta thì cứ mãi lo tìm kiếm ở một nơi xa xôi nào khác, vì ta không muốn quay lại đối diện với chính mình.
Như câu chuyện người mất chìa khóa. Có lần một người đi ngang thấy người hàng xóm đang bò dưới đất tìm kiếm một cái gì trên đường. Anh ta dừng lại hỏi, “Ông đang tìm gì thế?” Ông hàng xóm trả lời, “Tìm cái chìa khóa của tôi.” Và cả hai người cùng bò xuống đất đi tìm. Tìm một hồi lâu không thấy, người bạn hỏi, “Ông có nhớ là mình làm rơi chìa khóa ở chỗ nào không?” Ông ta trả lời, “Tôi đánh rớt chìa khóa ở phía gần cửa trong kia.” Người bạn thắc mắc, “Vậy chứ tại sao ông lại ra tìm chìa khóa ở đây?” Ông trả lời, “Bởi vì ở ngoài đây có nhiều ánh sáng hơn. Trong kia tối quá!”
Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây
Mấy năm trước tôi có gởi tặng Thầy một quyển sách mình dịch có tựa đề “Nơi Ấy Cũng là Bây Giờ và Ở Đây“. Tôi thích cái tựa dịch đó lắm. Vì nơi nào mình đến mà chẳng phải là bây giờ và ở đây! Nếu bây giờ ta đang có những phiền muộn, khổ đau thì ta có bỏ đi đâu cũng vậy thôi, nơi ấy cũng sẽ có những phiền muộn và khổ đau. Nếu chiếc lá vàng mùa thu nơi này không đẹp thì chiếc lá vàng nơi nào sẽ đẹp? Nếu những gì ta đang có trong tay vẫn chưa đem lại cho ta được hạnh phúc, thì có thu thập thêm cho nhiều đi nữa, làm sao ta chắc rằng mình sẽ có hạnh phúc?
Ở xã hội này tôi thấy người ta bận rộn lắm. Bận rộn trong việc làm mà còn bận rộn trong lúc nghỉ ngơi và giải trí nữa. Người ta lúc nào cũng phải làm một việc gì, tìm kiếm một cái gì đó. Tôi nghĩ, chúng ta luôn tìm kiếm một cái gì sắp tới hy vọng có thể mang lại cho mình hạnh phúc. Một chuyến đi, một cuộc tình, một chiếc xe mới, một cuốn phim, một dự án, một cuộc gặp gỡ… Có lẽ vì bên trong tâm hồn chúng ta còn trống vắng quá! Vì sợ đối diện với khoảng trống ấy, nên nhiều khi chúng ta muốn đi tìm một hơi ấm từ bên ngoài, dù vẫn biết rằng nó rất phù du.
Những ngày cuối tuần Thầy có dịp xuống phố không? Thầy sẽ thấy người ta chen lấn nhau để đi tìm quên lãng, trong tiếng cười nói ồn ào, bên ly rượu, dưới ánh đèn màu. Nhưng rồi khi về lại căn phòng nhỏ của mình, họ cũng chỉ thấy có riêng ta “soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm…”
Cuộc đời có nhiều thứ hạnh phúc. Có những hạnh phúc mang ta đến hạnh phúc và có những hạnh phúc đưa ta đến khổ đau. Có những cuộc vui mang lại cho ta một sự bình yên và tĩnh lặng, ta gọi là an lạc. Và có những thú vui đem lại cho ta sự dính mắc, đó là những niềm vui của dục lạc, chúng trói buộc ta. Những niềm vui của tiền tài, danh vọng chúng rất quyến rũ và kích động, nhưng ta có nên gọi đó là hạnh phúc không?
Được rồi ta sẽ làm gì?
Trong thần thoại Hy lạp có câu chuyện về một vị thần, anh ta mải mê đeo đuổi theo hình bóng của một người đẹp. Nhưng đến khi anh ta bắt được nàng rồi thì cô ta lại hóa thành một thân cây, trong khi anh ta đứng đó bàng hoàng và bối rối. Câu chuyện ấy nhắc nhở chúng ta rằng, hạnh phúc trên cuộc đời sẽ không bao giờ có thể mang lại một sự bình an cho ta, vừa bắt được thì nó đã trở thành nhàm chán và tầm thường. Nhưng có lẽ người ta vẫn cứ tìm kiếm và theo đuổi mải, vì họ không tin cuộc đời này còn có một hạnh phúc nào khác hơn!
Có một ông vua khỉ ra lệnh cho thần dân của mình là nếu ai có thể vớt được mặt trăng trên nước và dâng lên cho ông thì sẽ được thưởng lớn. Tất cả những con khỉ cố thử nhưng đều thất bại. Nhưng có một con khỉ nọ vớt được mặt trăng ấy lên và đến dâng cho vua khỉ, “Có phải đây là cái mà ngài muốn không?” Vua khỉ mừng rỡ nói, “Ngươi tài giỏi thật, đúng là vượt hơn hẳn những kẻ khác!” Con khỉ ấy nói, “Nhưng thưa Ngài, xin cho tôi hỏi là không biết Ngài sẽ làm gì với mặt trăng này?” Vua khỉ ngần ngừ suy nghĩ chút rồi đáp, “Ờ… Thật ra ta cũng chưa nghĩ đến điều ấy.”
Trong cuộc đời chúng ta ai cũng có những ước mơ. Giả sử như chúng ta nắm bắt được những gì mình mong cầu, rồi ta sẽ làm gì bạn nhỉ? Ta sẽ thật sự có hạnh phúc chăng? Mình đã nghĩ đến chưa?
Thực tại vẫn nhiệm mầu
Mà Thầy biết không, tôi nghĩ chúng ta cứ nói về vấn đề hạnh phúc mà quên rằng, thật ra khổ đau cũng có giá trị của nó. Đức Phật dạy, khổ đau cũng là một sự thật mầu nhiệm. Nhờ thấy được nguyên nhân của khổ đau mà ta thấy được con đường vượt thoát khổ đau.
Trong chuyện kể, ngày xưa khi Phật còn là một thái tử, Ngài có xin vua cha cho phép mình được đi xuất gia.
Vua cha nói, “Cha rất thương yêu con, cha không đành lòng nào thấy con trở thành kẻ ăn xin không nhà không cửa, bữa đói bữa no, rày đây mai đó. Con đừng đi đâu hết, và rồi con muốn gì cha hứa cũng sẽ ban cho con.”
Phật thưa, “Xin Phụ-vương hoan hỷ ban cho con bốn điều này: Một là làm sao cho con trẻ mãi không già; hai là làm sao cho con mạnh khoẻ hoài không bệnh; ba là làm sao cho con sống hoài không chết; bốn là làm sao cho tất cả được đạo giải-thoát để thoát ra những thống-khổ ở đời.”
Vua cha đáp, “Con biết không, bốn điều con xin đó thì chính cha đây cũng không có, làm sao cha có thể ban cho con được!”
Cuối cùng, Phật đã quyết định từ bỏ hết tất cả để lên đường đi tìm một con đường giải thoát. Và sau khi Phật thành đạo, những vấn đề của Ngài đặt ra khi xưa với vua cha, chúng có mất đi chăng? Con người vẫn già, vẫn bệnh và vẫn chết, nhưng Phật đã hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của cuộc đời. Như vậy thì nguyên nhân của khổ đau không phải hoàn toàn nằm ở sinh, lão, bệnh, tử, hay do nơi hoàn cảnh chung quanh, mà phần lớn là do thái độ của chính mình, do nhận thức sai lầm của mình đối với chúng, phải vậy không Thầy?
Có lần trong một khóa tu, một thiền sinh hỏi: “Thưa Thầy có những lúc mà giờ phút hiện tại này quá khó khăn, con không thấy chút gì là dễ chịu hay tươi đẹp như Thầy nói hết.” (This present moment is not pleasant at all!) Vị Thầy im lặng rồi nhìn anh ta đáp, “Giây phút hiện tại này tuy có lúc không dễ chịu hay tươi đẹp, nhưng nó vẫn rất nhiệm mầu.” (It’s not necessarily pleasant but it is still wonderful.)
Một bước chân ta đi, một con suối nhỏ, một con đường bụi bậm, một ngày mưa, một trưa nắng, một nụ cười hay một tiếng thở dài… tất cả đều là những thực tại mầu nhiệm của cuộc sống. Ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc nếu như mình biết có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, bằng một thái độ rộng mở và trong sáng.
Mấy năm trước, có một anh bạn trẻ đến tham dự khóa tu lần đầu tiên. Cuối khóa tu, anh chia sẻ rằng vào những ngày đầu, anh thắc mắc tại sao chúng ta lại phải đi đứng chậm rãi, và lại chắp tay chào nhau mỗi khi tiếp nhận một vật gì, hoặc trước khi ngồi xuống trên tọa cụ! Anh kể, sau vài ngày trong khóa tu, một buổi sáng bước ra khỏi phòng, anh ngước lên nhìn bầu trời hôm ấy nhiều mây, nhưng bỗng dưng anh cảm thấy không gian chung quanh mình đẹp lạ thường. Trong giây phút ấy, bất chợt anh tự động chắp tay lại và cúi xuống, cám ơn một thực tại nhiệm mầu.
Tôi nghĩ, tu tập không có nghĩa là ta sẽ chối bỏ những niềm vui của cuộc đời. Nhưng hạnh phúc không thể là một ý niệm, một mơ tưởng hay bằng sự tìm cầu nào, mà phải là một sự chứng nghiệm trong thực tại.
[trích Một chia sẻ về sống đẹp]