Núi này thuộc dẫy núi rừng ngoài Bắc việt, phía Bắc giáp tỉnh Bắc giang, phía Tây và Nam giáp huyện Chí linh Đông triều tỉnh Hải dương, phía Đông thuộc địa phận Quảng yên giáp bờ bể Đông hải.
Sở dĩ núi này mang danh là Yên hay An tử là vì thủa xưa thời Tần Hán bên Tầu có vị đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh, đến đây tu luyện phép tiên. Theo “Thanh nhất thống chí” có chép: “Hán An Kỳ Sinh đắc đạo thử xứ” nghĩa là Ông An Kỳ Sinh thời Hán bên Tầu tu thành đạo tại nơi này”.
Hiện nay trên núi còn có pho tượng đá An Kỳ Sinh, tượng đứng, to bằng người nhưng lâu đời đã mòn đi, trông xù xì như cái cột quán đá đổ. Tương truyền có An Kỳ sinh người Tầu thời Tần theo đạo thần tiên rồi sang ở núi này luyện đan mà thành tiên, nên đời sau mới gọi núi này là núi An hay Yên tử. Sách Hán thư chép: “An Kỳ Sinh người nước Tề, có quen với Khoái Thông, thường bày kế sách cho Hạng Vũ, Hoàng Phủ với ông An Kỳ Sinh này là một người”.
Sách “Hải dương phong vật chí” mục Sơn xuyên, “An Tử Sơn” chép rằng: “sách ‘Nhạc hải danh sơn đồ’ ghi rằng: ‘Đây là ngôi phúc địa thứ bốn của đất Giao châu’”.
Núi An tử nổi tiếng từ thời Trần, vẫn là một thắng cảnh lịch sử, có quan hệ đến lịch sử tư tưởng và tín ngưỡng, triết học và nghệ thuật của dân tộc, nhất là kể từ thời Trần về sau.
CẢNH NÚI AN TỬ VỚI DI TÍCH LỊCH SỬ
Bắt đầu là chùa Bí thượng, quanh trái đồi đến suối Tắm hay cửa Ngăn, ở trên có miếu thờ bà Nguyệt nga Công chúa em gái Quận Hẻo Nguyễn hữu Cầu, còn lại một hàng chữ khắc trên cái xà: “An Tử sơn Linh nham tự tăng kính”.
Suối Tắm là nơi Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông khi vào An tử qua đây có xuống tắm. Gọi là Cửa Ngăn vì là cửa vào rừng.
Kế đến là chùa Linh nham, cũng gọi là Cầm thực, rồi đến hai cái dốc Mụ Chị, Mụ Em, suối Lân chảy xiết, hai hàng tháp Tổ rất trang nghiêm. Đây là chùa Long động cũng gọi là chùa Lân, tượng tháp nguy nga thờ ba vị Trúc lâm tam tổ. Đàng sau chùa có ngọn tháp lớn bằng đá, có tượng đá ngồi trong với hàng chữ “sắc kiến tịch quang tháp”. Đấy là tháp Tổ đệ nhất có bia năm Bảo thái Lê Dụ Tông thứ 8 (1727) của Sa di Như Như, thuật sự tích “Tuệ Đăng Hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên Thiền sư” tức là sư tổ chùa Lân này vậy.
Từ chùa Lân đi đến suối thứ 9, đến suối Giải oan có sự tích lịch sử là nơi các cung nhân đi theo vua Trần Nhân Tông đã tuẫn tiết, vì thế đức Giác hoàng lập ngôi chùa này để làm chay siêu độ, nên gọi là suối Giải oan. Rồi đến quán Mát, dốc Vôi xơ nơi nghỉ kiệu của vua ngày xưa. Bên cạnh là hòn núi Ngọc có 3 ngọn tháp Tổ và 4 Mộ xây. Rồi mới đến ngọn tháp “Huệ Quang kim tháp” là tháp đức “Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông là tổ thứ nhất trong Trúc lâm Tam tổ.
Đến đây bước thẳng lên là chùa Hoa yên trước kia là chùa Vân yên do vua Lê Thánh Tông năm (1470-1497) đổi tên. Tục gọi chùa này là chùa Cả hay chùa An tử.
Sau lưng chùa Hoa yên, đi lên là chùa Bảo đà trong có tượng Quan Âm tạc ngồi trên núi, hai bên có Kim đồng (thiện tài) Ngọc nữ (long nữ).
Từ đây đi lên, lối đi “Lên như nhái, xuống như cua” để tả sự cheo leo. Đi bộ một quảng đến ngôi tháp Mẫu và một ngôi Mộ xây, rồi đến Am thuốc của An Kỳ Sinh. Từ đây thẳng lên cho tới Vân Tiêu, cao chót vót, lặn chìm trong mây. Chùa Vân tiêu đầy tượng tháp trang nghiêm hơn cả, trong thờ Tam Bảo, bên Đức Chúa, bên đức Thánh Trần, ông Khải giáo có hương án ở ngoài chính giữa, trong thì Tam tổ Trúc lâm, liệt vị chầu bà hai bên Bát bộ Kim cương và Thập điện minh vương.
Cứ mé sau chùa Vân tiêu, bên tả đi rẽ sang chùa Bảo sát trèo thẳng lên là chùa Đồng tại đỉnh núi. Bên trong đi vào thấy một hòn đá đứng tự nhiên hình như người cao 3 thước, đấy là tượng An Kỳ Sinh; trong chùa có pho tượng Quan Âm với ba pho Trúc lâm Tam tổ. Đây là tuyệt đỉnh An tử. Đến đây ai nói to; hay đánh một tiếng chuông thì trời liền u ám đổ mưa.
Nào ai quyết chí tu hành
Có về An tử mới đành lòng tu
Vịnh cảnh An tử tứ thời Trần về sau đều đã có thơ của danh nhân Việt nam để lại.
Nguyễn Trung Ngạn vịnh An tử sơn có câu:
Nhất thốc lâu đài tàng thế giới,
Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian
(Một thế giới lâu đài che khuất
Cách nhân gian chim hót hoa tươi).
Phạm Sư Mạnh:
Hàng dịch đăng gia sơn
Kiều thủ vạn lý thiên
Đổ bằng Nam minh ngoại
Tân nhật Đông nhạc tiền.
An phụ thiên nhất ác
Tượng đầu nhận cửu thiên,
Tằng tằng Tử Tiêu vân,
Hội phỏng An Kỳ tiên.
Hung hung Bạch đằng đào,
Tưởng tượng Ngô Vương thuyền
Ức tích trùng hưng đế,
Diệu chuyển Khôn hoàn Kiền.
Hải phố thiên mông đồng
Hiệp môn vạn tinh chiên.
Phản chưởng điện ngao cực
Vãn hà tẩy tinh chiên.
Chí kim tứ hải dân
Trường Ký cầm Hồ niên.
dịch:
Hành dịch lên núi nhà
Ngẩng đầu muôn dặm xa,
Chim bằng liệng Nam hải
Đông sơn ló mặt trời.
Một dãy núi An phụ
Mây biếc lớp tầng tầng.
Gặp hỏi tiên An Kỳ
Cuồn cuộn sóng Bạch đằng.
Nhớ xưa Trần Trùng hưng
Khéo xoay vần Trời Đất.
Ngàn thuyền chiến mặt nước
Ngàn cờ tinh đầu non.
Trở tay vững xã tắc
Hôi tanh sạch giang sơn
Đến nay dân bốn bể
Lâu dài ghi thắng Nguyên.
Huyền Quang Thiền sư:
Am đạt thanh vân hán
Môn khai vân thượng tằng;
Dĩ can Long Động nhật,
Do xích Hổ Khê băng.
Bão phủ vô dư sách
Phù suy hữu sấu đằng
Nhàn lâm đa túc điểu
Quá bán bạn nhàn tăng.
Huyền Quang
Bản dịch của Nguyễn trọng Thuật:
Cửa chùa mây phủ buông màn
Mặt trời ngang núi chửa tan sương mù.
Yếu hèn chiếc gậy lùa khua,
Chim rừng ngủ trọ trong chùa cùng sư.
Nguyễn Trãi:
An sơn sơn thượng tối cao phong
Tài ngữ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
Ủng môn ngọc sáo sâm thiên mẫu
Quải thạch châu sơ lạc bán không
Nhân miếu đương niên di tích tại,
Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.
Dịch nghĩa:
Núi An tử đỉnh cao tột vời
Đầu canh năm đã tỏ mặt trời
Biển xanh tầm mắt cùng vũ trụ
Trong mây phảng phất người nói cười
Cửa vây dáo ngọc rậm ngàn mẫu,
Đá voi cờ châu lưng chừng trời,
Nhân tông miếu cũ còn tại đó,
Hào quang đôi mắt trắng con ngươi.
Trần Anh Tông:
Đình đình bảo cái cao ma vân,
Kim tiên cung khuyết vô phàm trần.
Tuyệt phong cánh hữu Phật đường tại,
Thanh phong lãng nguyệt tương vi lân.
Thanh phong táp địa vô hưu yết,
Minh nguyệt đương không diệu băng tuyết.
Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân,
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.
Dịch:
Thẳng tầng mây che tàn lọng lớn,
Nơi tiên cung chẳng gợn bụi trần;
Đỉnh non chùa Phật trân trân,
Trăng trong gió mát bạn thân nơi này;
Vùng quanh nẻo, suốt ngày gió mát,
Gương Hằng nga như hệt tuyết băng;
Này người, này gió, này trăng,
Hợp nên Tam Tuyệt đâu bằng Vân tiêu!
Theo “Đại Nam nhất thống chí”: chùa này có nhiều sự linh dị, sư tăng đến ngày mồng một, ngày rằm lên thắp nhang rồi xuống núi trụ tại chùa Hoa yên (Vân yên). Có sư tăng ngủ lại một đêm ở trong chùa Vân tiêu kia, mộng thấy sơn thần bảo “Đây là nơi Thiên phủ, phải để thanh vắng chứ không phải chổ kẻ phàm trần nằm nghỉ”.
Sau chúng tăng đến bái Phật rồi về, thì cứ lấy tiếng chuông chiều ở Thần khê làm chứng.
Ở bên tả có mở đường tắt đi nửa canh đến chỗ Thiên thị (chợ Trời): chỗ này rộng ước độ năm mẫu ta, tre và hoa chen nhau bao bọc. Hai bên tả và hữu có ao sen về mùa hạ tháng bảy, tám hoa nở thơm nức dễ ưa. Vợ chúa Trịnh có dựng tòa chùa Đồng ở đấy, lấy đồng làm ngói, lại có đúc hai pho tượng. Đời Cảnh Hưng (1740-1786) nhà Lê, năm Canh thân (1740) kẻ trộm lấy mất ngói đồng, chỉ còn tượng Phật và rường cột nhà chùa. Ở nền chùa có bàn cờ đá tụ gọi cờ Tiên, con cờ bằng đá xanh, khắc chữ cũng đẹp, không biết từ đời nào. Đứng chỗ cao trông xa xuống thấy rõ ngay ở trước mắt”.
NÚI “AN TỬ” VỚI PHẬT GIÁO VIỆT NAM.
“Sơn bất tại cao, hữu nhân tắc danh”. “Núi không phải cao, có người thì có tiếng”. Núi An tử không những vừa cao, lại còn có “người” trãi qua các thời đại kể từ thời Tần Hán với An Kỳ Sinh, và nhất là thời Trần với Trúc lâm tam tổ cho nên đã được các danh bút và danh nhân từ Vua chúa đến Đại sư Phật và danh Nho Việt nam từng tô điểm bằng những nét bút thần, như đã thấy ở trên.
Nhưng An tử nổi tiếng nhất là nơi phát tích ra một dòng Thiền tông Việt nam với sắc thái độc đáo của Phật giáo Việt nam, gọi là phái “Trúc lâm An tử”.
Vào năm Thiên ứng Chính bình thứ 6 (1244) vua Trần Thái Tông, tác giả Khóa hư lục đã bỏ cung điện cùng ngôi báu “như trút đôi giày rách” (Việt sử tiêu tán) để vào núi An tử tìm Thiền sư Phù Vân để hỏi đạo, đủ thấy từ trước, núi An tử đã có các nhà sư Phật cư trú để tu luyện rồi. Riêng về vua Trần Thái Tông, sử chép: “Vua Trần Thái Tông, đương đêm qua sông Bàn Than vào chùa Hoa yêu ở núi An tử tiếp kiến Trúc Mộc Thiền sư, muốn trụ trì ở đó. Vừa lúc Thủ Độ đi yên giá kéo đến. Thiền sư nói: “Làm vua thỉ phải lấy lòng dân làm lòng mình, dân chúng muốn thế, xin Vua hồi loan, sau này Hoàng tử trưởng thành có thể nối ngôi lớn được, nhiên hậu hãy bỏ vào núi mà tu đạo !” Vua cho là phải. Bấy giờ Vua mới 40 tuổi đã có ý chán trần tục, cho nên các Vua triều Trần đều bắt chước theo như thế là vì sở đắc ở Trúc lâm bí quyết”.
Lời bàn: “Vua Trần Thái Tông mấy năm sau chuyên ý học vấn, tiến tới rất nhiều, lại càng nghiên cứu kinh sách nội điển (Phật học) có làm ra sách “Khóa hư lục”, mến cảnh sơn lâm, coi sinh tử như nhau, tuy ý tưởng hơi giống với đạo Phật không hư, nhưng mà chí hướng thì khai phóng khoáng đạt, sâu xa, cho nên bỏ ngôi vua coi như trút giầy rách thôi”.
(Ngô Thời Sĩ “Việt sử tiêu án”)
An tử có vết chân một vị Đế vương đến tham thiền mộ đạo mà nổi tiếng danh sơn từ đó. Sau vua Trần Thái Tông với cuộc đối đáp tranh biện lịch sử giữa nhà hành động nhập thế là Phụ chính Trần Thủ Độ với nhà Vua muốn vào núi xuất gia theo Thiền sư Phù Vân ở núi An tử, kết cục Thiền sư đã khuyên vua trở về Đời để thực hiện Đạo, trong núi không có Phật, Phật ở tại trong tâm, tâm yên tĩnh mà giác ngộ đấy là chân Phật.
“Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm tịch nhi tri thi danh chân Phật. Kim bệ hạ nhược ngộ thử tâm tắc lập địa thành Phật vô khổ ngoại cầu dã”.
(Thiền tông chỉ nam tự)
“Núi vốn không có Phật, chỉ tồn tại ở tâm người ta. Tâm yên lặng mà biết thì gọi là chân Phật. Nay nhà Vua nếu giác ngộ được tâm này thì ngay ở đây thành Phật, không phải khốn khổ cầu tìm ở bên ngoài vậy”.
Sau Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông, tóm lại tất cả dòng dõi nhà Trần các vua đều hâm mộ đạo Phật, có tinh thần thiền học rất thâm thúy. Riêng Trần Nhân Tông đã lập ra dòng thiền tông gọi là dòng Trúc lâm An tử với ba vị tổ danh tiếng gọi là Trúc lâm Tam tổ: Nhân Tông, Pháp Loa, và Huyền Quang.
Sách “Hải dương phong vật chí” chép rằng: “sau khi vua Nhân Tông nhường ngôi để xuất gia Ngài đi chu du khắp nơi trừ bỏ đền thờ nhảm, bố thí thuốc tiên. Ngài ưa thích núi An tử này, tầm cao chót vót, bèn cùng bẩy, tám quan hầu lên núi Ngọa vân, dựng am Tử tiêu để ở và dựng chùa Long động ở bên núi, lại thường qua chùa Sùng nghiêm để thuyết pháp. Khi Ngài đi tới chùa làng Cổ châu có đọc bài kệ:
Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân.
Dịch:
Đời người một hơi thở,
Tình đời bạc như vôi.
Cung ma vây bủa khắp
Nước Phật xuân hoài hoài.
Khi trở về núi Ngọa vân, Ngài cho gọi Bảo Sái đến suối Danh, thấy hai con rồng vàng, trong long đã lấy làm lạ. Kịp khi tới nơi, vua Nhân Tông mỉm cười phán rằng: “Ta sắp sửa đi đây, nhà ngươi sao đến muộn thế”? Giữa lúc ấy trời bỗng tối đen, gió mưa nổi dậy, vượn khỉ diễn quanh am, chim muông kêu rất thảm thiết. Rồi ngày mồng một tháng mười một, vào quảng nửa đêm, trăng sao sáng sủa, đức Nhân Tông hỏi giờ gì. Bảo Sái thưa giờ tý. Ngài bảo giờ của ta. Rồi Ngài nằm xuống mà hóa, ở núi Ngọa vân. Những thắng cảnh chùa Quỳnh Lâm đều có di tượng của đức Nhân Tông còn đó”. (theo Quốc sử)
TỔ THỨ NHẤT DÒNG TRÚC LÂM, AN TỬ.
Trần Nhân Tông là tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc lâm An tử, pháp tự là Điều ngự Giác hoàng sau khi chiến thắng quân Mông cổ, Ngài nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông để xuất gia lên tu trên núi An tử, tự xưng là Hướng Vân Đại đầu đà, sau lại về Thiên trường phủ, họp các danh tăng ở chùa Phả minh để giảng kinh. Sau mấy năm Ngài đi vân du phướng ngoại, có đến Bố chính trại (Quảng bình) lập Tri kiến am để ở. Khi trở về, vua Anh Tông rước Ngài về cung làm lễ thụ giới Bồ tát cho vương công và bách quan, rồi lại lên chùa Sùng nghiêm trên núi Linh sơn để xiển dương Phật pháp. Ngài có hai đệ tử cao tăng là Pháp Loa và Huyền Quang nối Ngài làm tổ thứ hai và thứ ba dòng Trúc lâm An tử. Năm Hưng long 16 (1308) Ngài gọi Pháp Loa phó ý bát với bài kệ:
Nhất thiết Pháp bất sinh,
Nhất thiết Pháp bất diệt,
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền.
Dịch:
Hết thảy pháp không sinh,
Hết thảy pháp không diệt,
Như thế mà hiểu biết,
Các Phật luôn trước mắt.
TỔ THỨ HAI DÒNG TRÚC LÂM AN TỬ.
Năm Hưng long thứ 12 (1304) đời vua Anh Tông, nhân Điều ngự đến Nam sách, gặp, Pháp Loa xin xuất gia. Điều ngự thấy bèn nói: “Người này có đạo nhỡn, sau tất thành Pháp khí. Rồi làm lễ thế pháp và cho hiệu là Pháp Loa. Năm Hưng long thứ 14 (1306) Điều ngự Giác hoàng về trụ trì chùa Báo ân ở Siêu loại (Thuận thành, Kinh đô Phật giáo thời Sĩ Nhiếp) cho Đại sư làm giảng chủ. Huyền Quang đi theo làm thị giả.
Năm sau Điều ngự lên núi Ngọa vân, lấy y bát và kệ phó cho đại sư hộ trì. Năm sau Đại sư trụ trì chùa Siêu loại, làm “An tử sơn môn đệ nhị tổ”.
Năm Hưng long thứ 21 (1313) Đại sư về chùa Vĩnh nghiêm ở Lạng giang (Phủ lạng thương, Bắc giang) định chức của các tăng toàn quốc. Từ đó cứ ba năm một lần độ tăng.
Năm Đại khánh nguyên niên (1314) vua Anh Tông nhường ngôi làm Thái thượng hoàng rồi cùng Pháp Loa coi việc đúc tượng và in kinh. Năm Khai thái nguyên niên (1324) đời vua Trần Minh Tông, Đại sư lấy chùa Quỳnh lâm làm nơi thường trụ. Năm Khai hưu nhị niên (1330) đời vua Trần Hiến Tông, Đại sư đã 47 tuổi, đem áo cà sa của Điều ngự đã truyền lại mà phó cho Huyền Quang hộ trì rồi nhập tịch ; Thái thượng hoàng bấy giờ là vua Minh Tông tay viết hiệu cho Đại sư là Tịnh trí Tông giả.
TỔ THỨ BA CỦA DÒNG HỌ TRÚC LÂM AN TỬ.
Huyền Quang Đại sư: Đại sư họ Lý húy là Tái Đạo. Năm 20 tuổi Đại sư đỗ Hương cử, năm sau vào thi Hội đỗ đầu cho nên gọi là Trạng nguyên. Khi bấy giờ Bắc sứ sang, những văn từ qua lại do tay Đại sư thảo cả. Một hôm theo vua đến huyện Phượng nhỡn vào chùa Vĩnh nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn làm lễ thụ giáo với Pháp Loa, lấy Pháp hiệu là Huyền Quang. Từ đó Đại sư cùng với Pháp Loa theo Điều ngự Giác hoàng đi khắp các chùa và danh lam trong nước. Đại sư tịch vào năm Đại trị thứ bảy (1364) đời vua Trần Du Tông được tên thụy là “Trúc lâm Thiền sư đệ tam đại, đặc phong Tự pháp Huyền Quang Tôn giả”.
Trên đây là thành tích Phật giáo Việt nam phát xuất từ núi An tử, kể từ thế kỷ XIII cho tới nay vậy. Tinh thần Phật giáo ấy đã được toát yếu thần tình vào bài kệ hàm xúc ý nghĩa Thiền thâm thúy, đúc kết cho bài phú trứ danh của Trần Nhân Tông, nhan đề (“ Cư trần lạc đạo phú” – 10 hội, dùng quốc ngữ diễn ca ).
Phiên âm:
Kệ vân:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Tạm dịch nghĩa:
Trong đời vui đạo để tùy duyên.
Đói thì ăn mà nhọc ngủ yên
Nơi mình có ngọc, tìm đâu nữa,
Trước cảnh vô tâm, ấy đạo Thiền.
(Trần Nhân Tông)
NGUYỄN ĐĂNG THỤC
[Tạp chí Tư Tưởng số 2, 1972]