GIÁO DỤC VÀ ĐẠI HỌC NGÀY NAY
Càng ngày vai trò của giáo dục trong công cuộc phát triển Quốc gia càng trở nên quan trọng hơn. Thật vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào và dù thuộc lãnh vực Kinh tế, Tài chánh, Chính trị hay Xã hội, mức độ thành công của việc thực thi kế hoạch bao giờ cũng tùy thuộc phần lớn vào yếu tố nhân sự. Và chính giáo dục, nhất là giáo dục cấp đại học là nơi đào tạo cho quốc gia những cán bộ, những chuyên viên cần thiết cho công cuộc phát triển Quốc gia.
Vì vậy, Đại học ngày nay không còn chỉ là nơi truyền bá kiến thức, lý thuyết cho sinh viên để tô điểm và phong phú hóa đời sống nội tâm. Đại học cũng không dừng lại ở vị thế truy tầm và phổ biến sự thật. Trái lại Đại học còn phải đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Quốc gia. Nói cách khác, Đại học phải tích cực dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng, hội nhập với cộng đồng và thúc đẩy cộng đồng tiến bộ để đem lại an sinh phúc lạc cho con người, đặc biệt tại các Quốc gia đang mở mang, phát triển là vấn đề sống còn, vì thế mà Đại học còn giữ một vai trò nặng nề hơn. Quần chúng tin tưởng, trông cậy vào Đại học vì nơi đây quy tụ tất cả các thành phần tri thức, lãnh đạo xã hội, có đủ khả năng, điều kiện và cơ hội hấp thụ các tư tưởng mới, các tiến bộ mới để phổ biến và hướng dẫn quần chúng cùng tiến lên.
Riêng tại Việt nam tiếc thay, hình ảnh Đại học lý tưởng như đã phác họa cho đến nay vẫn còn là một ước mơ. Sự hợp tác giữa Chính quyền và Đại học cũng như tương quan giữa Đại học và cộng đồng còn quá rời rạc, xa cách. Sự đóng góp của Đại học vào công cuộc phát triển Quốc gia vẫn còn rất khiêm tốn.
Tiến trình và thực trạng của Đại học Việt nam.
Thoát thai là một nơi đào tạo quan lại bản xứ nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị của thực dân Pháp, Đại học Việt nam, sau khi thu hồi độc lập, đã phát triển nhanh chóng ngõ hầu có thể cung cấp cho nhu cầu Quốc gia qua hai giai đoạn:
—Giai đoạn đầu: có thể được gọi là giai đoạn Việt nam hóa; chỉ củng cố lại các ngành đã có, tăng cường thành phần Giáo sư Việt nam tốt nghiệp từ ngoại quốc trở về và dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ cấp Đại học.
—Giai đoạn thứ hai: có thể gọi là giai đoạn bành trướng, đem Đại học đến gần quần chúng và phục vụ quần chúng tích cực hơn, đặc biệt được đánh đấu bằng việc thiết lập thêm các ngành học mới, cần thiết cho nhu cầu Quốc gia.
Dù phát triển rất nhanh, Đại học Việt nam vẫn lâm vào tình trạng bế tắc, mà các nguyên nhân chính yếu có thể được tóm lược như sau:
- Số học sinh Trung học đỗ Tú tài II ghi danh vào đại học đã gia tăng quá nhanh, từ 764 người năm 1957, tăng lên 34.680 năm 1972 và sau khi bỏ Tú tài 1, thi Tú tài II bằng IBM, năm 1974 con số này đã tăng gấp đôi so với năm 1972. Đại học công không phát triển kịp thời nên đã không đủ khả năng tiếp nhận và huấn luyện số lượng sinh viên lớn lao đó.
- Cơ cấu tổ chức của đại học công quá nặng nề và bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chánh phức tạp nên đã không thể biến chuyển kịp thời để đưa Đại học đi sát với nhu cầu Quốc gia đào tạo chuyên viên, cán bộ lãnh đạo cần thiết cho các lãnh vực phát triển.
Kết quả là nguồn tài nguyên nhân lực đã bị phí phạm. Các lãnh vực Canh nông, Kỹ thuật không có đủ chuyên viên trong lúc các ngành khác sinh viên tốt nghiệp lại quá nhiều, nền kinh tế Quốc gia không thu đụng hết.
Ví dụ rõ rệt nhất là nhu cầu huấn luyện quản trị, khắp nơi trong xứ, từ lãnh vực công quyền đến lãnh vực tư doanh, đâu đâu vấn đề quản trị cũng rất yếu kém. Thế mà các Đại học công đã không kịp thời thiết lập các chương trình huấn luyện để cung ứng cho nhu cầu lớn lao đó.
Trước thái độ gần như thụ động và bảo thủ của các đại học công, sĩ số sinh viên trên toàn quốc vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng gây áp lực nặng nề trên các đại học công.
Bảng 1: Sĩ số sinh viên từ năm 1957 đến năm 1973.
NIÊN KHÓA | SỐ SINH VIÊN | TỶ LỆ GIA TĂNG SO VỚI NĂM TRƯỚC |
1957-1958 | 4.985 | |
1958-1959 | 7.164 | 43,71 % |
1959-1960 | 9.878 | 37,88% |
1960-1961 | 13.089 | 32,50% |
1961-1962 | 15.568 | 18,90% |
1962-1963 | 17.968 | 15,40% |
1963-1964 | 21.058 | 17,20% |
1964-1965 | 25.051 | 18,96% |
1965-1966 | 28.282 | 12,90% |
1966-1967 | 33.961 | 20,07% |
1967-1968 | 36.315 | 6,93% |
1968-1969 | 41.579 | 14,40% |
1969-1970 | 4.7526 | 14,30% |
1970-1971 | 56.104 | 18,04% |
19/1-1972 | 69.535 | 23,88% |
1972-1973 | 88.104 | 26,70% |
1973-1974 | 93.771 | 6,43% |
Nguồn tin: Higher Education Branch — USAID
Nhìn vào bảng thống kê trên, chúng ta thấy từ niên khóa 1957-58 đến niên khóa 1973-74, sĩ số sinh viên đã tăng lên gần hai chục lần.
Trong lúc đó, ngân sách Bộ Giáo dục chỉ ở mức 5% ngân sách Quốc gia và ngân sách Đại học chỉ vào khoảng 10% ngân sách giáo dục.
Bảng 2: Ngân sách Quốc gia, Giáo dục và Đại học từ 1967-72.
(Đơn vị: triệu đồng Việt nam).
1968 | 1969 | 1970 | 1971 | 1972 | 1973 | |
Ngân sách
Quốc gia |
110.000 | 145.534 | 197.062 | 272.069 | 324.231 | 435.132 |
Ngân sách
Giáo dục |
5.751 | 6.703 | 8.367 | 12.937 | 18.810 | 26.300 |
Ngân sách
Đại học |
612 | 678 | 907 | 1.750 | 2.748 | 4.514 |
Tỷ số: NSGD
NSQG |
5,18% | 4,60% | 4.25% | 4,75% | 5,80% | 6.04% |
Tỷ Số: NSĐH
NSGD |
10,62% | 10,62% | 10,84% | 13,59% | 14,61% | 17,16% |
Tỷ số: NSĐH
NSQG |
0,55% | 0.47% | 0,460% | 0,65% | 0.85% | 1.04% |
Nguồn tin: Higher Education Brandi — USAID
So với các quốc gia có dân số tương đương như Algérie (15.270.000 dân, ngân sách giáo dục so với ngân sách quốc gia là 18,8%), Gia Nã Đại, Soudan, Pérou, v.v…) Việt nam chúng ta đã chi tiêu vào ngành giáo dục nói chung và Đại học nói riêng, quá ít ỏi.[1]
Đành rằng chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc chiến tranh tiêu hao khốc liệt. Chính quyền phải dành mọi ưu tiên cho nhu cầu Quốc phòng và ổn định, nhưng sự khủng hoảng về giáo dục Đại học hiện nay sẽ gây nhiều nguy hại cho Quốc gia trong tương lai khi hòa bình vãn hồi. Như thế, sự đóng góp của các tư nhân có đủ khả năng và ôm ấp lý tưởng phục vụ quốc gia đặc biệt trong lãnh vực giáo dục Đại học là một điều đáng khuyến khích.
Chủ đích của bài này nhằm nhận định về vai trò của Đại học tư lập Việt nam, quá trình phát triển và các trở ngại để từ đó thử đề nghị một sách lược phát triển Đại học tư lập ngõ hầu tư nhân có thể tiếp tay một cách đắc lực với Chính quyền trong công cuộc đầu tư trường kỳ này.
SỰ HÌNH THÀNH CỦA CÁC ĐẠI HỌC TƯ LẬP TẠI VIỆT NAM
Trước sự bế tắc của giáo dục Đại học Việt nam, sự hình thành và phát triển nhanh chóng của Đại học tư đã gánh vác rất nhiều cho Đại học công trong việc đào tạo nhân tài cho Quốc gia. Nhiều người cho rằng: «Đại học tư đã gánh vác đến 2/3 nền Giáo dục Đại học cho Quốc gia Việt nam ».[2]
Sự ước tính như vậy có phần nào quá đáng, nhưng đã nói lên được vai trò và những đóng góp quan trọng mà Đại học tư đã thực hiện được. Hiện nay, có bảy Viện Đại học tư đang hoạt động tại Việt nam.
- Viện Đại học Đà Lạt: là Viện Đại học tư lập đầu tiên tại Việt nam hoạt động từ năm 1958, đặt dưới sự bảo trợ của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt nam.
Viện này hiện có các phân khoa: Sư phạm, Khoa học, Văn khoa và Chính trị Kinh doanh. (Trường Chính trị Kinh doanh còn có Ban Cao học đặt tại Saigon). Gần đây, Viện đảm nhận việc huấn luyện sinh viên Thiểu số thành Giáo sư Trung học đệ Nhất cấp và mở thêm Phân khoa Âm nhạc và Thần học.
Sĩ số sinh viên theo học gia tăng từ 49, năm 1958-59 lên 4.042 sinh viên năm 1973-74.
- Viện Đại học Vạn Hạnh: nguyên là Viện Cao đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo và được hợp thức hóa để chính thức trở thành Viện Đại học từ năm 1964. Trong niên khóa đầu, Viện có hai Phân khoa Văn học và Phật học với 696 sinh viên; nay đã có thêm các Phân khoa: Khoa học Xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng và một Trung tâm Ngôn ngữ. Trong niên khóa 1973-74, Viện Đại học Vạn Hạnh có 4.451 sinh viên theo học.
- Viện Đại học Minh Đức: thành lập năm 1970 do Hội Minh Trí, gồm 5 trường: Triết học (sau đổi thành Nhân văn và Nghệ thuật), Y khoa, Kinh thương (Kinh tế, Thương mãi), Khoa học Kỹ thuật, và Kỹ thuật Canh nông.
Sĩ số sinh viên theo học tại Minh Đức niên khóa 1974-75 là 5.300 sinh viên.
- Viện Đại học Hòa Hảo: thành lập năm 1970 tại Long xuyên dưới sự bảo trợ của Phật giáo Hòa hảo gồm các Phân khoa: Văn khoa và Sư phạm, Khoa học Quản trị, Thương mãi Ngân hàng và Bách khoa Nông nghiệp. Sĩ số năm 1973-74 là 1.461 sinh viên.
- Viện Đại học Cao Đài: đây là cơ sở giáo dục cấp Đại học đầu tiên của Giáo hội Cao Đài, chính thức khai giảng vào tháng 12 năm 1971 với hai Phân khoa: Sư phạm và Nông lâm Mục và một Trung tâm Sinh ngữ. Trong niên khóa 1973-74 có 444 sinh viên theo học.
- Viện Đại học Cửu Long: Do một nhóm tư nhân thành lập năm 1973, gồm hai ngành: Truyền thông Đại chúng và Kinh tế Quản trị. Năm 1973-74, Viện này có 128 sinh viên theo học.
- Viện Đại học Tri Hành: Hoạt động từ năm 1973-74 gồm hai Phân khoa Kinh tể và Quản trị.
Trong niên khóa 1974-75 nầy, có thêm Viện Đại học Minh Trí và Viện Đại học La San hoạt động với hai phân khoa: Canh nông và Kỹ thuật. Ngoài ra, một số Viện Đại học tư lập khác cũng đang xúc tiến như Phương Nam, Đồng Nai, v.v…
VAI TRÒ CỦA ĐẠI HỌC TƯ LẬP
Đại học Tư và việc đào tạo nhân tài.
Như đã trình bày, Đại học không dừng lại ở chỗ đào tạo chuyên viên, cán bộ lãnh đạo mà còn đóng vai trò hướng dẫn, thúc đẩy cộng đồng tiến bộ và hợp tác, cố vấn cho nhà cầm quyền trong các kế hoạch phát triển. Nhưng hiện nay tại nước ta, giữa Đại học và nhà cầm quyền còn nhiều ngăn cách do mặc cảm và do sự thiếu tin cậy của đôi bên. Đại học tư, vì thế, cũng không vượt ra khỏi trạng huống đó, đã chỉ chú tâm vào việc huấn luyện và tùy theo tôn chỉ, mục đích của mỗi Viện mà chiều hướng đào tạo mang những sắc thái khác nhau.
Đóng góp lớn lao của Đại học tư lập là đã đảm trách việc huấn luyện cho một số lượng sinh viên khá đông đảo mà các Đại học công lập không thể kham nổi. Thật vậy, tại các Đại học công, các trường kỹ thuật, chuyên nghiệp dễ tìm việc làm chỉ thâu nhận sinh viên rất giới hạn, trong lúc số lượng sinh viên ngày càng gia tăng gấp bội khiến cho phần đông phải tạm ghi danh vào một phân khoa nào đó mả tương lai không có gì rõ rệt.
Giả thử không có sự thành lập của các Đại học tư với các ngành học sát nhu cầu thực tế hơn, thì áp lực về sĩ số tại các Đại học Luật khoa và Văn khoa Saigon sẽ còn gia tăng như thế nào nữa ?
Bảng 3: Sỉ số sinh viên Đại học tư từ 1958-72
NIÊN KHÓA | Đalat | Vạn hạnh | Minh Đức | Hòa Hảo | Cao Đài | Tổng Cộng |
1958-1959
1959-1960 1960-1961 1961-1962 1962-1963 1963-1964 1964-1965 1965-1966 1966-1967 1967-1968 1968-1969 1969-1970 1970-1971 1971-1972 1972-1973 1973-1974 |
49
187 316 426 459 444 1140 1342 1850 2452 2751 3353 3508 3898 4182 4042 |
696 688 466 1598 1919 2217 2750 2799 3375 4451 |
577 1007 2065 2736 |
1245 1800 2004 1461 |
351 505 444 |
49
187 316 426 459 444 1836 1830 2316 4050 4750 5570 8080 9855 12131 13143 |
Nguồn tin: Some Current Observations. General Information and Data on Higher Education in Việt nam – USAID
Ngoại trừ một vài phân khoa được ghi danh tự do mà sinh viên thường ít ỏi (Ví dụ Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh) hầu hết các phân khoa khác của Đại học tư đều áp dụng chế độ thi tuyển, để giới hạn số lượng sinh viên cho phù hợp với khả năng giảng dạy của Viện mình và để trình độ sinh viên tương đối không quá chênh lệch nhau, có nơi như Viện Đại học Minh Đức chẳng hạn, tất cả các phân khoa đều tổ chức kỳ thi tuyển để chọn sinh viên vào năm thứ nhất. Tỷ số sinh viên trúng tuyển trên số dự thi của Viện Đại học Minh Đức năm 1972-73 là 23%, Viện Đại học Hòa Hảo là 30%. Các năm sau này tỷ số trên còn thấp hơn nữa, có trường chưa đến 10%. Điều này chứng tỏ:
—Đà gia tăng của sĩ số tân sinh viên trên toàn quốc
—Áp lực sĩ số gia tăng tại các trường không thi tuyển.
Bảng 4: Sĩ số sinh viên Đại học công và tư từ 1958-72.
NIÊN KHÓA | Sinh Viên
Đại Học Tư |
Sinh Viên
Đại Học Công |
Tỷ lệ: S.V. Đại Học Tư
S.V. Đại Học Công |
1958-1959 | 49 | 7115 | 0.12% |
1959-1960 | 187 | 9691 | 1.92% |
1960-1961 | 316 | 12773 | 2.47% |
1961-1962 | 426 | 15142 | 2,81% |
1962-1963 | 459 | 17509 | 2,62% |
1963-1964 | 444 | 20611 | 2,15% |
1964-1965 | 1836 | 23215 | 7,90% |
1965-1966 | 1830 | 26452 | 6,91% |
1966-1967 | 2316 | 31645 | 7,31% |
1967-1968 | 4050 | 32265 | 12,55% |
1968-1969 | 4750 | 36829 | 12,89% |
1969-1970 | 5570 | 41956 | 13,27% |
1970-1971 | 8080 | 48024 | 16,82% |
1971-1912 | 9855 | 59680 | 16,51% |
1972-1973 | 12131 | 75973 | 15,96% |
1973-1974 | 13952 | 79819 | 17,60% |
Nguồn tin: USAID Education.
Chiều hướng đào tạo của các Đại học tư cũng đã thay đổi nhiều để bắt kịp với nhu cầu thực tại của đất nước. Thoạt tiên, các Đại học tư thiên về Khoa Nhân văn và Sư phạm. Lý do cũng dễ hiểu vì sự gia tăng học sinh Trung học đòi hỏi một nhu cầu Giáo sư lớn lao mà Đại học công không đảm đương nổi, nhất là Giáo sư tại các trường Trung học Tư thục. Sự đào tạo này lại không đòi hỏi những phương tiện giảng huấn khó khăn và tốn kém: Trường sở, Giáo sư, sách vở, nơi thực tập đều đã có sẵn.
Theo thời gian, với sự bành trướng, các Đại học tư đã mở các ngành Khoa học Xã hội, đặc biệt chú trọng về kinh doanh, thương mãi, truyền thông và quản trị, là những lãnh vực mà Đại học công không ngó ngàng đến, trong lúc Quốc gia đang thiếu chuyên viên, có thể nói được rằng các Đại học tư phát triển nhanh, được biết đến nhiều, nhờ vào sự thành lập các phân khoa này, như Trường Chính trị Kinh doanh Dalat, Phân khoa Khoa học Xã hội Vạn Hạnh và Trường Đại học Kinh thương Minh Đức mà các sinh viên tốt nghiệp của họ đã và đang hoạt động rất hữu hiệu trong các lãnh vực công cũng như tư.
Ngoài các ngành Quản trị, Kinh thương; Đại học tư đã tham gia vào các lãnh vực Y khoa, Nông nghiệp và Kỹ thuật, là những lãnh vực tối cần thiết cho nhu cầu phát triển Quốc gia, mà từ trước chỉ do Đại học công đảm trách, nhưng rất hạn chế. Vào cuối niên khóa 1973-74, lớp Kỹ sư Nông nghiệp và Kỹ thuật đầu tiên của Viện Đại học Minh Đức đã tốt nghiệp và hiện đang phục vụ tại các cơ quan chính quyền cũng như xí nghiệp tư.
Khả năng và Giá trị của Sinh viên Đại học Tư.
Có 3 vấn đề liên quan đến sinh viên tốt nghiệp tại các Đại học tư:
—Khả năng thật sự của sinh viên,
—Giá trị Văn bằng,
—Việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
- Khả năng của người sinh viên tốt nghiệp Đại học tư: Khó có thể ấn định một tiêu chuẩn rõ ràng để dựa vào đó thẩm lượng khả năng thật sự của người sinh viên. Tuy thế, chúng ta có thể nói khả năng sinh viên tùy thuộc phần lớn vào chương trình học, phương pháp giảng huấn và thành phần Giáo sư, do đó, chúng ta có thể xem xét các yếu tố này của các Đại học tư để thẩm lượng khả năng sinh viên tốt nghiệp.
Đại học tư phát triển được hay không phần lớn tùy thuộc vào uy tin và sĩ số sinh viên theo học, nên dù ngấm ngầm, vẫn có một sự tranh đua nào đó giữa các Đại học tư để thu hút sinh viên, qua việc thiết lập các chương trình học thực tế, một ban Giáo sư giàu khả năng và thiện chí.
— Chương trình học phản ảnh tôn chỉ, mục đích của mỗi Trường, mỗi Viện, nên khác nhau. Tuy vậy, càng ngày các Viện Đại học tư càng chú trọng đến việc đào sâu kiến thức chuyên môn hơn là phần tổng quát.
Các lý thuyết mới mẽ đã được các Đại học tư du nhập và áp dụng để sinh viên có đủ khả năng chuyên môn giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc phải đảm nhận khi tốt nghiệp. Ví dụ: môn Nghiên Cứu Tác Vụ (Operations Research) đang được các Đại học tư lập giảng dạy, giúp sinh viên cân nhắc và chọn lựa quyết định tối hảo khi gặp khó khăn.
Phương pháp giảng huấn tại các Đại học tư đã cải tiến nhiều để bảo đảm phẩm chất của người sinh viên. Chế độ tín chỉ đã được áp dụng, buộc người sinh viên phải đủ điểm trung bình tất cả các môn học mới hội đủ điều kiện lên lớp. Vấn đề chuyên cần cũng đã được đặt ra và chiếm một số điểm khá cao trong việc lên lớp. Như thế, khó có thể bảo rằng Đại học tư là nơi dung thân cho các thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân dịch.
Trong việc thi cử, thay vì để cuối năm thi một lần, các Trường Đại học tư áp dụng một chế độ thi cử nhiều lần: học xong môn nào thi ngay môn đó. Như thế, người sinh viên bắt buộc phải làm việc đều đặn suốt cả niên học, không thể để dồn vào cuối năm mới lựa chọn một số bài để học tủ được.
Vài đặc điểm nữa là trong chương trình và phương pháp giảng huấn hiện nay tại các Đại học tư là họ đã chú trọng đến việc hội thảo, thuyết trình của sinh viên. Lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 6 đến 10 người để cùng sinh hoạt, học tập, thực hiện các công tác điều nghiên, khảo cứu. Vấn đề học nhóm này (Group Study) tạo cho sinh viên có một tinh thần tập thể và hợp tác cao độ giúp họ có cơ hội trao đổi ý kiến, thảo luận thường xuyên để đào sâu kiến thức và tập giải quyết các tương quan nhân sự phức tạp khi một nhóm người ngồi lại để thực hiện một công việc chung.
Chương trình bảo huynh bắt nguồn từ nguyên tắc khóa đàn anh chỉ huy khóa đàn em trong các trường Đại học quân sự, đã được áp dụng tại vài trường Đại học tư: theo đó nhóm sinh viên lớp lớn bảo trợ và hướng dẫn cho một nhóm sinh viên lớp dưới, bên cạnh sự hướng dẫn của Trường và Giáo sư.
Mặt khác, vì áp dụng chế độ thi tuyển nên số lượng sinh viên thu nhận vừa đúng với khả năng của Trường và trình độ sinh viên tương đương nhau giúp cho việc giảng dạy có nhiều kết quả hơn. Ngoài ra, tương quan giữa nhà trường và sinh viên, giữa sinh viên và Giáo sư tương đối chặt chẽ hơn tại các Đại học công. Về thành phần Giáo sư tại các Đại học tư, có nhiều người cho rằng Đại học tư, một đôi lúc, đã mời một vài Giáo sư không căn cứ trên bằng cấp, mà chỉ chú trọng vào địa vị xã hội vì mục đích giao tế. Sự chỉ trích này có phần nào khe khắt, vì nhiều Giáo sư không có bằng cấp cao, nhưng có thực tài đang đảm trách chức vụ chỉ huy tại các cơ quan lớn, thì với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào, họ sẽ có thể dạy cho sinh viên rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để ra hoạt động trong môi trường thực tế. Nói như thế không có nghĩa là Đại học tư thiếu Giáo sư có bằng cấp cao. Trên thực tế, hầu hết các Giáo sư tại Đại học tư đều có Văn bằng Tiến sĩ, Ph. D., hoặc Master và số nhân viên giảng huấn chỉ có bằng Cử nhân làm Phụ khảo hay Giảng nghiệm viên tương đối chiếm tỷ lệ nhỏ hơn ở các Đại học công rất nhiều. Đành rằng Đại học tư gặp khó khăn vì thiếu thành phần Giáo sư cơ hữu. Chúng tôi sẽ trình bày sau trong phần các trở ngại của Đại học tư — Một số khá đông các Giáo sư không đi dạy học thuần túy mà chỉ đi dạy vì có cảm tình với Trường và muốn đóng góp cho thế hệ đàn em. Cố nhiên rất có thể một phần cũng là vì các Đại học tư lập đãi ngộ họ hơn. Ví dụ, hiện nay nhiều Viện Đại học tư trả thù lao cho Giáo sư lên đến 1.800 $ một giờ diễn giảng; chưa kể đến những khoản phụ cấp khác vào cuối năm, trong khi tại Đại học công, ngoài phụ cấp nghiên cứu và giảng dạy, mỗi giờ dạy thêm của Giáo sư chỉ được trả 575$ và phải đợi đến vài tháng sau mới được lãnh.
Với một chương trình, phương pháp giảng huấn và thành phần Giáo sư như thế, phẩm chất của sinh viên xuất thân từ Đại học tư không thể thua kém sinh viên Đại học công, nếu không muốn nói là có phần trội hơn.
Một bằng chứng để thấm lượng khả năng thật sự của người sinh viên tốt nghiệp Đại học tư là khi nhìn vào kết quả các kỳ thi tuyển dụng nhân viên của xí nghiệp tư cũng như cơ quan công quyền, dành cho tất cả sinh viên tốt nghiệp về một số ngành liên hệ nào đó không phân biệt công hay tư, các sinh viên Đại học tư thường chiếm một tỷ lệ đậu rất cao, so với sinh viên tốt nghiệp Đại học công. Như trong các kỳ thi nhập học vào Ban Cao học Trường Quốc gia Hành chánh, trong tổng số trúng tuyển, sinh viên Đại học tư chiếm tỷ lệ 80%.
- Vấn đề giá trị Văn bằng: Trước đây, đã có nhiều cuộc tranh luận về giá trị Văn bằng của Đại học công và tư, nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, trong thời kỳ kiêm nhiệm luôn chức vụ Tổng trưởng Giáo dục, trong một văn thư chính thức đã khẳng định: vì nguyên tắc tự trị Đại học, giá trị Văn bằng không được chính quyền đặt ra, mà tùy thuộc sự thẩm định cơ quan tuyển dụng sinh viên, qua khả năng thật sự của ứng viên.
Trong lãnh vực công quyền hiện nay, giá trị Văn bằng của các Đại học công và tư được xem như tương đương. Ví dụ, Trường Quốc gia Hành chánh, nơi đào tạo các cấp lãnh đạo cho guồng máy chính quyền vẫn cho phép sinh viên tốt nghiệp Đại học tư được thi tuyển vào chương trình Cao học Hành chảnh.
- Vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp: Trong tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, khiếm dụng nhân lực là một vấn nạn chung, không riêng gì các người tốt nghiệp Đại học. Tuy thế, phần lớn sinh viên xuất thân Đại học tư đều đã tìm được công việc làm phù hợp với ngành theo học, vì Đại học tư đã tiên liệu được khá chính xác nhu cầu của quốc gia trước khi thiết lập các ngành học tương ứng. Vì vậy, người sinh viên theo học tại các phân khoa chuyên nghiệp của các Đại học tư có lý do chính đáng để tin rằng triển vọng có việc làm tương xứng bốn năm sau rất cao. Lý do giản dị là vì Đại học tư không thể thiết lập và bành trướng các ngành mà sinh viên theo học không biết sẽ làm gì khi tốt nghiệp. Hơn thế nữa, các Đại học tư hiện nay đã có những chương trình tích cực chuẩn bị cho sinh viên sẽ tốt nghiệp có việc làm. Họ tổ chức cho sinh viên thăm viếng xí nghiệp, cơ quan và thực tập trong các kỳ hè, lập văn phòng tìm việc cho sinh viên, dọ hỏi nhu cầu nhân sự tại các cơ quan để gửi sinh viên tốt nghiệp đến và nhiều nơi đã mời cấp chỉ huy các cơ quan đến phỏng vấn sinh viên sắp tốt nghiệp để tuyển chọn.
ƯU ĐIỂM CỦA ĐẠI HỌC TƯ.
Sự bế tắc của Đại học Việt nam, vì khả năng hữu hạn của Đại học công lập, vì cơ cấu nặng nề không chuyển biến kịp thời để bắt kịp nhu cầu của quốc gia đã là nguyên nhân thúc đẩy sự thành hình và phát triển của Đại học tư.
Bên cạnh đó, những đóng góp lớn lao của Đại học tư vào công cuộc giáo dục Đại học trong các năm qua nhờ vào các ưu điểm sau đây .
- Uy tín: Hai Đại học tư đầu tiên của Việt nam do hai tôn giáo lớn thành lập và điều hành nên rất có uy tín và được tin tưởng. Trước khi lập Đại học, Giáo hội Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo đã thành lập nhiều trường Tiểu và Trung học tư thục và đã tạo được nhiều tiếng tăm.
Các Đại học tư này hoàn toàn không có tính cách thương mãi. Ngoài lý tưởng phục vụ xã hội qua lãnh vực giáo dục Đại học, «tham vọng» của họ, nếu có, có lẽ chỉ là để gây thêm uy tín cho Giáo hội. Sinh viên chí phải đóng một phần chi phí học tập, phần quan trọng còn lại do lợi tức phát sinh từ các tài sản, hoạt động của hội bảo trợ hay tôn giáo họ, tài trợ của các cơ quan văn hóa, chính phủ ngoại quốc và chính quyền. Tuy nhiên, vì khả năng tài trợ của các cơ quan trên càng ngày càng trở nên có giới hạn, hiện nay các Đại học tư đã có khuynh hướng bắt buộc sinh viên đóng góp nhiều hơn cho chi phí học tập và điều hành.
- Dễ quản trị: Ngoài Đại học Cửu Long và Tri Hành, những Đại học tư khác đều do một tôn giáo bảo trợ hay trực tiếp điều hành, nên ngoài trật tự đẳng cấp trong tổ chức Đại học, còn có một trật tự vô hình phát sinh do giáo quyền. Chính vì thế mà những khác biệt ý kiến giữa các giới chức lãnh đạo trong một Đại học tư đều được giải quyết ổn thỏa, thầm kín, không đến nỗi gây ra những tranh chấp lớn làm nguy hại cho uy tín của Viện Đại học. Một yếu tố quan trọng khác là Đại học tư hoàn toàn được tự trị, không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chánh rườm rà như các Đại học công, nên việc quản trị tại Đại học tư tương đối dễ dàng hơn. Nếu cấp lãnh đạo giàu nhiệt huyết và khả năng, họ có thể giúp cho Đại học tư thực hiện những bước tiến rất nhanh.
Số lượng sinh viên thu nhận tùy thuộc vào sự quyết định của mỗi Viện, vì thế các Viện Đại học tư lập luôn luôn có thể phát triển theo đúng khả năng và kế hoạch của mình — Và chính vì thế sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng Đại học tư lập bị sinh viên tràn ngập như trường hợp Đại học Luật khoa và Văn khoa Saigon.
- Dễ biến chuyển: Các Đại học tư lập Việt nam được thành lập sau các Đại học công nên tránh được những sơ suất mà Đại học công gặp phải.
Cơ cấu tổ chức điều hành không nặng nề như Đại học công nên Đại học tư dễ biến chuyển để thích ứng với nhu cầu của quốc gia, như cải tiến chương trình, phương pháp giảng huấn và ngay cả thành phần Giáo sư, để tạo cho sinh viên một phẩm chất cao.
Điển hình nhất là việc các Đại học mới mẻ, đáp ứng đúng mức như các ngành Quản trị, Kinh thương, Khoa học ứng dụng và đặc biệt là chương trình đào tạo Kế Toán Viên Trung cấp và Cao đẳng Bí thư (tại Đại học Kinh thương Minh Đức).
Sự phân quyền trong Đại học tư cũng rất rộng rãi. Hội đồng Khoa thường có nhiều quyền hạn trong việc sắp xếp chương trình học, phương pháp giảng huấn và thành phần Giáo sư.
Chính vì dễ biến chuyển để bắt kịp với nhu cầu phát triển của quốc gia, các Đại học tư đã đảm trách việc hướng dẫn các sinh viên vào các ngành thích ứng, bổ túc và đỡ gánh nặng cho Đại học công ; Đại học tư đã đào tạo được nhiều chuyên viên, cán bộ lãnh đạo, hiện đang phục vụ quốc gia một cách hữu hiệu trong lãnh vực công cũng như trong lãnh vực tư, trong đủ mọi ngành từ kinh doanh, thương mãi đến kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục v.v…
Nếu chiều hướng các Đại học Việt nam diễn tiến như hiện tại, trong tương lai, các Đại học tư sẽ bành trướng mạnh mẽ về lượng cũng như về phẩm, và rất có thể trong một tương lai không xa vai trò của các Đại học tư sẽ lấn át các Đại học công.
CÁC TRỞ NGẠI CỦA ĐẠI HỌC TƯ
Bên cạnh các ưu điểm đó, Đại Học tư cũng gặp phải nhiều trở ngại
- Giáo sư: Một thành phần Giáo sư xuất sắc là yếu tố quan trọng bảo đảm uy tín của một Đại học tư. Vấn đề Giáo sư hiện là mối lo âu thường trực cho các Đại học tư ngày nay. Một số khá lớn Giáo sư Đại học tư đều là những giới chức cao cấp trong chính quyền, và nếu trong trường hợp có sự cấm cản không cho công chức giảng dạy tại các Đại học tư, thì các Đại học tư lập tức bị ảnh hưởng trầm trọng, có thể ngưng hoạt động. Hiện nay, chưa có một Viện Đại học tư nào có một thành phần Giáo sư cơ hữu đủ để tiếp tục giảng dạy cho sinh viên nếu trường hợp đó xảy ra. Đối với các Viện Đại học tư xa Saigon mời được Giáo sư đến dạy lại còn khó khăn hơn nữa. Do đó, sự phát triển của Đại học tư vẫn còn đặt trên một căn bản khá bấp bênh. Vấn đề thành lập Ban Giáo sư cơ hữu cho riêng mỗi Đại học tư là vấn đề cần thiết, nhưng sẽ rất khó khăn vì những lý do sau:
— Giáo sư cơ hữu phải có mặt thường xuyên tại trường để hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc cho sinh viên và chú tâm vào các công việc nghiên cứu thật sự, để đào sâu kiến thức chuyên môn, gạn lọc và áp dụng vào môi trường Việt nam, như thế thù lao trả cho Giáo sư phải đủ cao để vị này khước từ một công việc làm ngoài xã hội. Có mấy Viện Đại học tư có đủ khả năng tài chánh để làm công việc đó mà không phải gia tăng học phí quá đáng ? Giáo sư Đại học thuần túy tại Việt nam hiện tại lại quá hiếm hoi, nghề giáo chỉ được xem như là nghề tay trái. Sự cộng tác giữa Giáo sư và Viện Đại học chỉcótính cách đoản kỳ, vì mong được đóng góp cho tuổi trẻ nhiều hơn là vì mưu sinh.
- Tài chánh: Trước đây, các Đại học tư (Đà Lạt, Vạn Hạnh) điều hành hoạt động nhờ vào lợi tức riêng của Hội Bảo trợ Đại học đó, cộng thêm viện trợ và tặng dữ của các cơ quan văn hóa, chính phủ ngoại quốc và tài trợ của chính quyền. Sinh viên chỉ đóng góp một phần nhỏ. Nhưng hiện nay vì các nguồn tài trợ tương đối nghèo nàn so với tổng số chi phí của Đại học, các Viện Đại học tư đã có khuynh hướng đòi hỏi sinh viên phải đảm nhận một phần gánh nặng nhiều hơn cho chi phí học tập và điều hành Viện.
Có Viện Đại học tư trước đây có tiếng giàu có nhưng hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn vì nguồn vốn riêng không được dồi dào nữa. Trong khi đó, thù lao Giáo sư ngày càng gia tăng để cố đuổi theo phần nào mức lạm phát phi mã, việc giảng dạy đòi hỏi nhiều phương tiện tốn kém hơn và phải mở mang trường sở để có thể tiếp nhận một số sinh viên đông đảo hơn.
Sự đóng góp của giới công thương, kỹ nghệ gia hằng quan tâm đến vấn đề giáo dục cũng chưa có gì đáng kể, mà một trong những lý do chính yếu là vì theo luật lệ hiện hành, dù số tiền họ đã tặng cho Đại học rồi họ vẫn còn bị nhà nước đánh thuế lợi tức.
- Trường sở: Ngoại trừ Viện Đại học Đà Lạt sở hữu một khu đất rất rộng, tập trung các phân khoa vào một chỗ, các Viện Đại học khác gặp nhiều khó khăn về trường sở. Đại học Vạn Hạnh đã tận dụng khu đất của minh, nhưng Sinh viên vẫn phải học ngoài hành lang. Các cơ sở của Viện Đại học Minh Đức đều thuê mướn và các trường nằm rất xa nhau. Sự kiện này làm giới hạn các sinh hoạt phong phú của Đại học cùng như tầm nhìn của sinh viên, vì họ bị gò bó trong giới hạn của ngành học mình, ít có cơ hội tiếp xúc thảo luận với sinh viên các phân khóa bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn sang phía các Đại học công, chúng ta thấy tình trạng cũng không có gì khả quan hơn. Điển hình là Viện Đại học Saigon với các phân khoa nằm rải rác khắp Saigon, đưa đến tình trạng mỗi trường là một« Viện » nhó.
THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC TƯ
Trước hết, chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng một sách lược phát triển Đại học tư không thể tách rời ra khỏi sách lược phát triển toàn diện Đại học Việt nam, lồng trong chính sách quốc gia. Chính trong chiều hướng đó và trong khuôn khổ giới hạn của bài này, để gợi ý, chúng tôi sẽ thử đề nghị một số nguyên tắc và nêu lên một số vấn đề liên quan đến vai trò của nhà cầm quyền cũng như của giới tư nhân trong việc phát triển Đại học tư lập.
1. Nguyên tắc: Thực trạng và chiều hướng của Đại học Việt nam cho chúng ta tin rằng, trong tương lai, Đại học tư sẽ còn phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn nữa để khai thông tình trạng bế tắc hiện tại. Sự phát triển của Đại học tư phải đặt trên những nguyên tắc sau:
—Thực tiễn: Đại học tư phải nghiên cứu thực trạng và nhu cầu của quốc gia để đào tạo các chuyên viên và cán bộ lãnh đạo thích ứng. Ví dụ trong hiện tại và tương lai chúng ta thiếu rất nhiều chuyên viên nông nghiệp, kỹ thuật, quản trị, kinh thương, y tế và đặc biệt là lớp chuyên viên trung cấp và giáo sư Đại học. Như vậy các Đại học tư nên hướng các chương trình giảng dạy của mình vào những ngành học ấy. Sách lược này không những giúp bảo đảm công ăn việc làm cho những sinh viên tốt nghiệp trong tương lai mà còn là phương cách đóng góp hữu hiệu nhất của Đại học tư vào công cuộc phát triển quốc gia.
—Phối hợp: Nguy cơ lớn lao cho Đại học Việt nam là thiếu sự phối hợp giữa chính quyền và Đại học cũng như giữa các Đại học với nhau. Sự kiện này đã làm hao phí tiềm năng nhân lực và tài lực quốc gia.
Sự phát triển của Đại học tư phải đặt trên nguyên tắc phối hợp, nghĩa là nên mở các ngành cần thiết thật sự, mà Đại học công chưa mở hoặc đã mở nhưng chỉ đào tạo một số hết sức hạn chế. Giữa các Đại học tư cũng phải có một sự phối hợp để tiến đến một sự phân công nào đó, tùy theo địa điểm (vùng, tỉnh), khả năng và chiều hướng riêng của mỗi Viện.
Sự thực hiện các nguyên tắc đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thiện chí về phía chính quyền cũng như Đại học tư.
2. Trách vụ của Chính quyền:
a) Tài lực: Đại học tư đã gánh vác hết trách vụ của Đại học công trong việc đào tạo nhân tài, vì vậy mà chính quyền cần phải yểm trợ mạnh mẽ để giúp Đại học tư có thể phát triển trên một căn bản vững chắc. Trong mấy năm gần đây, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đã bắt đầu giúp đỡ các Đại học tư về phương diện tài chánh, nhưng ngân sách tài trợ tương đối hãy còn quá nhỏ. Ví dụ trong năm 1973, chính quyền đã tài trợ cho các Viện Đại học tư một ngân khoản 218.000.000$, chia ra như sau:
— Đà Lạt: | 49 triệu |
— Vạn Hạnh: | 49 triệu |
— Hòa Hảo: | 44 triệu |
— Cao Đài: | 39 triệu |
— Minh Đức: | 37 triệu |
Số sinh viên ghi danh Đại học tư trong năm đó là 12.131 người, như thế mỗi sinh viên được tài trợ 17.000$. Trong khi đó 75.803 sinh viên Đại học công được tài trợ là 3.788.000.000$, trung bình mỗi sinh viên được tài trợ 50.000$, lớn gấp 3 lần Đại học tư.
Để có thêm một yếu tố thẩm lượng sự hữu hiệu của Đại học tư và Đại học công trong việc đào tạo cán bộ, chúng ta xét đến chi phí tài trợ cho mỗi sinh viên tốt nghiệp tại Đại học công và tư.
Trong vòng 4 năm, 1969-72, Đại học tư được tài trợ 183 triệu và có 1.159 sinh viên tốt nghiệp; trung bình để một sinh viên Đại học tư tốt nghiệp, số tiền đầu tư là:
—Tài trợ chính phủ: 150.000$
—Sinh viên đóng học phí: 80.000$
Cộng : 230.000$
Trong lúc tại 3 Đại học công Sàigon, cần Thơ và Huế được tài trợ 4.446.496.000$ và có 10.000 sinh viên tốt nghiệp, tiền đầu tư cho mỗi sinh viên tốt nghiệp là:
—Tài trợ chính phủ: 440.000$
—Lệ phí ghi danh và thi cử: 10.000$
Cộng: 150.000$
Như vậy trung bình trong bốn năm ở Đại học, để đào tạo một cử nhân hay một kỹ sư, quốc gia đã đầu tư một số tiền vào một sinh viên trường công lớn gấp đôi số tiền đầu tư vào một sinh viên trường tư.
Ở Đại học côngcó các trường như Nha và Y khoa phải tốn kém hơn nhưng số sinh viên lại ít. Nếu lấy giai đoạn 70-74, khi có các sinh viên Hòa Hảo, Minh Đức tốt nghiệp khóa đầu tiên, thì tiền đầu tư cho một sinh viên tốt nghiệp Đại học công còn lớn hơn gấp đôi so với Đại học tư. Như thế trên bình diện lợi ích quốc gia, sự tài trợ của chính quyền cho Đại học tư để tiếp tay với Đại học công đào tạo nhân tài thiết tưởng là một điều hợp lý.
Ngoài việc cấp hiện kim hàng năm, chính quyền nên cứu xét quy chế trợ điền (land grant), đó là việc chính phủ cấp phát đất đai cho các Đại học tư đã hoạt động và chứng tỏ được khả năng, kết quả đóng góp làm cơ sở như một số quốc gia khác đã làm. Chính quyền có thể tạm giữ hoặc cho mướn dài hạn.
Các Đại học tư ở Saigon hiện nay nằm ở các khu đông đúc, cơ sở là những cao ốc ; rất trở ngại cho những sinh hoạt Đại học và vấn đề giảng huấn. Sự cấp phát hay cho mượn dài hạn đất ở ngoại ô sẽ có các lợi điểm:
—Giải quyết được sự lập trung thái quả vào Saigon.
—Các cơ sở Đại học tư được xây dựng lên có thể trở thành những thắng cảnh du lịch để du khách thăm viếng.
—Tạo môi trường thuận lợi để phát triển sinh hoạt Đại học.
—Các Đại học tư có thể khai khẩn, trồng trọt để kiếm lợi tức riêng và làm chỗ cho sinh viên thực tập (phân khoa Canh nông đang được các Đại học tư chú trọng).
Một biện pháp yểm trợ tích cực khác nữa là chính quyền có thể thuê mướn Đại học tư soạn thảo các chương trình, dự án phát triển. Ngoài lợi ích tài chánh, công việc này còn giúp cho Đại học tư có cơ hội tham dự vào cộng đồng một cách tích cực và có thể thấy rõ nhu cầu để hoạch định một chính sách phát triển Đại học thực tiễn và có thể đáp ứng đúng mức nhu cầu của quốc gia.
b) Phối hợp: Nguyên tắc tự trị Đại học cần phải được tôn trọng, chính quyền không nên xen lấn vào nội bộ Đại học. Những Đại học tư nặng về tính cách thương mãi sẽ bị luật đào thải loại trừ.
Tuy nhiên, trên phương diện lợi ích quốc gia, những tiêu chuẩn hợp lý cần phải được đặt định rõ rệt — về chương trình học, ngành học và giáo sư — để hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của Đại học tư nào đáp ứng được nhu cầu và chiều hướng của quốc gia.
Chính quyền phải đảm nhận vai trò phối hợp Đại học công, tư để tránh sự phí phạm nhân lực và tài lực cho quốc gia.
3. Trách vụ của Đại học tư:
a). Chấp nhận sứ mạng: Đại học không phải là một cơ sở thương mãi, sở dĩ các Đại học tư Việt nam có được một địa vị ngày nay chính là nhờ vào uy tín và tính cách bất vụ lợi đó, vì vậy phải duy trì tình trạng tốt đẹp này.
Học phí cao không phải là điều đáng chê trách, nếu Đại học tư sử dụng các phương tiện tương xứng trong việc giảng huấn. Nếu sinh viên nghèo không đủ phương tiện theo Đại học tư, qua Đại học công thì sự tài trợ của chính phủ cho Đại học công sẽ dành cho đa số sinh viên nghèo, đó cũng là một điều tốt, công bằng. Tuy nhiên, đối với những ngành mà Đại học công khôngcó hay hạn chế, Đại học tư nên cấp nhiều học bổng để sinh viên nghèo, xuất sắc có thể theo học.
b). Cộng tác: Sự cạnh tranh giữa các Đại học tư qua việc cập nhật, phong phú và thực tế hóa chương trình cùng phương pháp giảng huấn và chọn lựa giáo sư danh tiếng, là một điều rất hợp lý và đáng khích lệ. Nhưng theo thiểm ý chúng tôi, các Đại học tư cần phải hỗ trợ và tích cực cộng tác trong lãnh vực hoạt động có ích chung, như các chương trình diễn thuyết, văn nghệ, thể thao và đặc biệt nhất là trong lãnh vực nghiên cứu và dịch thuật.
c).Thiết lập kế hoạch dài hạn: Đây là chương trình xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển, với một kế hoạch dài hạn nhằm đào luyện và tăng cường thành phần giáo sư cơ hữu, đồng thời phải tạo dựng những cơ sở sản xuất và thương mãi độc lập với mục đích hoạt động lấy lợi bù đắp vào ngân sách thiếu hụt của Đại học, nhờ đó sẽ tránh được tình trạng phải gia tăng học phi thái quá để trang trải các khoản chi tiêu mỗi ngày mỗi gia tăng tại Đại học.
KẾT LUẬN.
Tóm lại, qua những điều đã được trình bày ở trên, chúng ta có thể đi đến các kết luận sau đây:
1) Trước khuynh hướng gia tăng nhanh chóng sĩ số sinh viên hàng năm và trước khả năng giới hạn của các Đại học công, chắc chắn các Đại học tư sẽ càng ngày càng bành trướng mạnh, cả về lượng lẫn về phẩm.
2) Trong thập niên vừa qua, nền Đại học tư lập Việt nam đã phát triển mau lẹ và chứng tỏ được khả năng đóng góp hữu hiệu của mình trong việc đào tạo các chuyên viên, cán bộ mọi ngành, đặc biệt là các ngành huấn luyện thực dụng mà các Đại học công chưa thể thực hiện được.
3) Trong tương lai, các Đại học tư lập còn cần phải chú trọng hơn nữa trong việc huấn luyện và đào tạo các chuyên viên trung cấp mọi ngành để cung ứng khối nhân lực tối cần thiết và còn rất thiếu thốn cho việc phát triển quốc gia.
4) Để tránh mọi sự trùng dụng và phí phạm cũng như để hỗ trợ cho nhau tăng gia hiệu năng đóng góp, các Đại học tư lập cần phải cộng tác và phối hợp mật thiết hơn nữa, đặc biệt là trong các nỗ lực nghiên cứu, giảng dạy cũng như trao đổi các kinh nghiệm điều hành và tổ chức học vụ.
5) Chính quyền cần phải tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích, yểm trợ và giúp đỡ phương tiện cho các Đại học tư lập trong các kế hoạch phát triển và kiện toàn cơ sở giáo dục của họ, có như thế các Đại học tư lập mới có thể chu toàn sứ mạng chia sẻ gánh nặng với các Đại học công trong việc đào tạo các chuyên viên, cán bộ đa năng, đa hiệu để cung ứng cho nhu cầu phát triển quốc gia.
NGUYỄN THANH TRANG
______________
[1] Đỗ Bá Khê. Thẩm định các biện pháp để tận dụng các Đại học vào công cuộc phát triển để hướng đến sự an lạc Quốc gia — Khóa hội thảo Phát triển Đại học và Phát triển Quốc gia tại Sàigon ngày 25-26 và 27-4-74.
[2] Cao Thế Dung – Trần Triệu Việt – Đây, hình ảnh các Đại học tư Việt nam – Chính luận số 3170 ngày 7-9-1974, trang 2