Nói tới thơ Bùi Giáng là nói tới một thể điệu ngôn ngữ kỳ lạ, dị thường, vừa chân phương đằm thắm thiết thân thiết cốt, vừa dữ dội, xô ùa, đùa giỡn, dặt dìu, lay lắt cơn gió phù du cát bụi dưới trời trăng hóa hiện, cưỡng bức ngữ điệu ngôn thanh về phương trời khác. “Thơ tôi làm… là một cách dìu ba đào về một chân trời khác. Đi vào trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra phá vòng vây” (Thi Ca tư tưởng). Ngôn ngữ thơ ông vừa bàng bạc khói sương, chiêm bao lá cỏ, lại vô cùng rõ ràng tinh anh thị hiện; một thể điệu ngôn ngữ kỳ diệu như là chưa từng. Ấy là ngôn ngữ “chỉ mở phơi trong một nếp gấp ở tận những mạch ngầm của ngôn ngữ trong truyền thống lịch sử riêng chung của tiếng nói” (Lời bạt-Ngộ Nhận của Albert Camus-Bùi Giáng dịch).

Lời sẽ câm trên miệng
Những nơi nào còn hơi thở luôn luôn.

“Ngôn ngữ nào? Là ngôn ngữ tái tạo tân thanh. Là ngôn ngữ thiết lập thịnh triều của ngôn ngữ vô thanh, vô tức trong nếp gấp Bất tư nghì của Vô Ngôn. Nói một nghìn lời để dẫn cái không-lời về trong cái-không-nói” (Sương Tỳ Hải tr. 14).

Từ đó, thơ Bùi Giáng, ta dường như nghe mới lạ mãi mãi, kể từ Nguyễn Du “Vô ngôn độc đối đình tiền trúc. Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long”. 

Tới nguồn thơ Bùi Giáng thể điệu thi ca mới đầy phép lạ. “Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời”, là nhịp cầu khói sương vời vợi nối kết giữa đôi bờ càn khôn tịch hạp. Trên lối về ngôn ngữ của Tương Ứng Mở phơi, bước đi của ngôn ngữ, tư tưởng thi ca Bùi Giáng trên một tiếng gọi sơ đầu, một tiếng gọi Tái Tân Thanh nào ở cuối nẻo đoạn trường dâu biển, cũng tự lòng người mà ra, để bước về với cuộc tắm gội phục sinh, được thị hiện giữa trùng điệp ngữ ngôn. Câu hỏi mở ra chắc chắn không có lời đáp. Bởi vì, thơ đích thực là tiếng gọi sơ đầu đã mất “tâm tình một nẻo quê chung”, “là tiếng vượn trầm nơi rừng sâu”. Là thanh âm của vầng trăng in soi trong dòng nước chảy. Nước chảy vì đã chảy. Như Khổng Tử nói rằng: “Thiên hà ngôn tai!-Trời có nói gì đâu”. Tiếng gọi sơ đầu được nghe lại, dội lại trong tâm tình của hòa âm, tương ngộ. Mưa nguồn hòa âm. Thơ từ đó là tiếng lòng mở phơi tương ứng, là cái không nghĩ bàn, bất khả suy tư. Thơ Bùi Giáng là nếp gấp bất tư nghì của Vô ngôn.

“Nhân gian tận kiến thương sơn hữu
Thùy thính cô viên đề xứ thâm”
(Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Nhân gian thấy tận ngàn non sáng
Ai nghe u xứ vượn u u.
(Bùi Giáng dịch)

– Trời bữa đó không nói gì không nói
Một chút gì xưa đã nói miên man.

– Em cho phép ta ngồi đây hỏi lại
Và gọi về trăng mùa cũ lang thang.

– Ngồi đây một bận với ta thôi
Ủ lại xuân phơi giữa bốn trời.

– Ngồi đây nói chuyện
Lúc trời cao thổi gió xuống xanh nguồn
Lời sẽ câm trên miệng
Những nơi nào còn hơi thở luôn luôn.

– Bình minh thơ dại hai môi
Lời chưa nói cũng là lời đã trao. 
(Mưa Nguồn-Bùi Giáng).

Ta nghe ra điều gì? Một sự mới lạ nào không ngừng bừng hiện. Như đóa sen im lặng tương giao, tương ngộ ở đó và tỏa nở chừ đây. Đây đó là gì? Là lời rằng suốt cõi, là con đường chào nhau, nối kết cõi bờ, núi sông hòa chan giữa lòng người trên lối về cố quận. Từ đó, thi ca Bùi Giáng đi về trùng ngộ với vằng vặc bất khả diễn bày, của Nhật Nguyệt hằng soi, bày tỏ, nhiếp dẫn một cõi bờ lưu không không xứ trong suốt một cõi niềm thương yêu không bờ bến, với tâm tình phụng hiến, dâng tặng nguồn ẩn mộng bi tâm, mật hạnh bát ngát Bồ-tát mẫu thân.

Thể điệu ngôn ngữ thi ca Bùi Giáng từ đó quá đỗi phiêu bồng, đầy hàm dụng, tổng thể của con đường Ngã Ba: “Hốt hề… Hoảng hề. Đạo bất khả.” (Lão Tử) “Vô khả vô bất khả.” (Khổng Tử) “Triêu tam nhi mộ tứ, mộ tứ nhi triêu tam.” (Trang Tử) và “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (Kim Cương kinh). Ngôn ngữ thi ca Bùi Giáng vừa đầy ẩn ngữ lai rai ngàn thu rớt hột, vừa lộng lẫy, tưng bừng cuộc rong chơi tang bồng, thần thông du hí tam muội. Đó là cõi thơ mở phơi với những tâm hồn đồng điệu. Là cõi thơ ngàn thu rớt hột, cho nên ta lắng nghe và nghe ra bản hòa âm trong bất tận của lịch sử dị thường, tức là thời gian, hữu thể và hư vô, bụi hồng lẽo đẽo, giọt dài ly biệt đều sang trang, mở lòng, mở cõi:

“Lưu tồn hằng thể mở phơi
Lặng nghe cần mẫn vọng lời nguyên ngôn”.
(Sương Tỳ Hải)

Đụng vào thế giới thi ca Bùi Giáng là đụng vào một cõi thơ mênh mông tứ xứ, “Khắp bốn bề thiên hạ rủ nhau thưa, vì em là con gái tuổi đương vừa” (Biểu Tượng-Mưa Nguồn). Em là “ba người con gái chiêm bao bờ cỏ Phi Châu”, là cô em mọi nhỏ, là Brigitte Bardot, M. Monroe, Hà Thanh, Thái Thanh, Phùng Khánh, Kim Cương…, là biểu tượng của Mẫu thân bát ngát, là nguồn sống, nguyên lý mẹ, nguyên lý Tồn Lưu, là “sinh linh chi vị dịch”, là trùng sinh, phục sinh, tái sinh, là cái đang là, là tính thể của vạn hữu, là ngõ Ban Sơ:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua.

“Ngôn ngữ là mái nhà an cư của tính thể” (Heidegger), ngôn ngữ từ đó cũng lên đường trở về cố quận một dòng sông trôi chảy không bến bờ:

Mở hai hàng ngó ra xem
Dòng thiên thu rộng là em bây chừ.

Em là thơ kể từ bữa nọ đến bây giờ, là ngõ ban sơ hạnh ngộ trong rừng tía, rừng Trúc Lâm, suối rừng Tào Khê, Nguyên Khê trơ trơ nước chảy bên cầu cổ độ. Là mộng ban đầu, là hằng thủy sơ nguyên, là dòng thiên thu bờ nước cũ, là Nữ chúa, Thần tiên, Thánh nữ. Em là Nương tử, là Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô từ buổi bên đường Đạp thanh Tảo mộ. Người con gái bước ra từ cỏ hoa hồn du mục:

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.”

Xin chào nhau giữa cuộc miên trường, cho mùa xuân bừng hiện trong từng dòng thơ giữa cõi giới thi ca vời vợi:

“Những nàng tiên ở trên cao
Bỏ xuống cho ta những trái đào.”

“Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình Nữ chúa trên ngày phù du.”

“Đường xuân thu trải hột dàn
Đi lên vớt bóng hoa ngàn mai dâng.”

Chạm vào thơ Bùi Giáng là chạm vào thế giới âm thanh đìu hiu, phiêu hốt, lẫm liệt, đầy hoang vu của lòng mình, như hạt mưa chan chứa giữa lòng cỏ hoa. Ấy là điệu thở phiêu bồng, đầy chiêm bao hòa chan cát bụi, là ẩn ngữ u mật giữa dòng hiện sinh, là cỏ hoa điều ngự mà phơi phới phong nhiêu giữa Tồn lưu, là nghe xa vắng một âm thanh khác, một cung đàn thiên thu, một bờ bến khác, “của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian”, là hiện thể giữa dòng sông cỏ hoa thường tại. Là tiếng nói đích thực giữa lòng mình, “Trăm năm trong cõi người ta”.

Mưa nguồn hòa âm ngàn thu rớt hột. Như viên sỏi gõ vào bụi trúc, ngẫu nhiên tao ngộ trong im lặng, mà tràn đầy như vầng trăng in soi trên dòng sông chảy trôi không bến bờ. Là “những chùm tuyết vẫn rơi lạc trên chuông” (Hoelderlin – Lời cố quận – BG.)

Tiếng ngân vang vọng mãi như tiếng mưa nguồn, như tiếng vượn trầm, như tiếng trống canh, như lời quê, tiếng nói của người nông dân, của gã nhà quê chăn trâu thuần phác phong nhiêu thường tại ở quê nhà.

“Quảng Nam châu quận biến am tường, sơ khai du mục tầm phương thảo” (Lời cố quận). Thơ ông là ánh sáng thường chiếu rạng rỡ bờ cõi nguyên xuân, là mây trắng ban sơ lối về cố quận:

– Mai sau hẹn với ban đầu
Hẹn nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân.

– Bỏ hai chân xuống một vùng
Nước truông là lá thu rừng xuống khe.

– Một phen ngất tạnh biên đình
Ngõ về cố quận nguyên hình tiểu khê.

– Hỗn mang về giữ hiên nhà
Bây giờ cố quận tên là chiêm bao.

Lời rằng, thưa rằng, dạ thưa, lời quê, lời của kẻ chăn trâu, lời của bây giờ ở đây, là “dòng thiên thu rộng là em bây giờ”, là “em đi về giữa”, từ đó thơ đi về giữa dòng hiện sinh xỏa lộng một nụ cười “niêm hoa vi tiếu”. Một nụ cười nguyên xuân, thường xuân. Thơ Bùi Giáng là cõi thơ nguyên xuân, vô vàn hương màu bát ngát, dị thường của cõi giới Hoan Hỷ Địa, của thế giới Hoa Nghiêm kinh, ở đó tỏa nở một nụ cười tịch mặc của Nguyên Ngôn.

“Em đi về ở giữa người anh
Trời đất du dương sẽ giữ dành
Có mộng xuân hồn thu ý tỏa
Có lòng ngưng tụ khối băng tâm.”

“Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.”

Lời thơ, lời quê của Nguyễn Du, của Bùi Giáng là nhịp điệu tuyết sương vời vợi, là lối đi về trong ngôn ngữ mở phơi hòa âm non nước:

– Sương in mặt tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa

– Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
(Kiều-Nguyễn Du)

Tiếng trống của Nguyễn Du và tiếng chuông của Hoelderlin trong hòa âm cung bậc thi ca bát ngát, lãng đãng chiêm bao, thần tiên, thánh nữ kỳ cùng cuộc lữ của Bùi Giáng. “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.”

Nguồn thơ hòa điệu Đông Tây kim cổ đó dội ngân ra sao trong thể điệu im lặng lắng nghe của chúng ta?

[Tập san Pháp Luân, số 31]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version