Ngày nay, khi đề cập đến Đạo Phật hầu như chúng ta bớt đi sự ngộ nhận lầm tưởng về tôn giáo nầy. Trong thực tế, xét về bản chất Đạo Phật vốn đứng ra ngoài và đi trên tất cả mọi thước đo mà ý thức của ta nắm bắt được. Nó không phải là một định lý đơn thuần đầy ắp những giáo điều, chỉ đạo, dù Đạo Phật phủ trùm lên tất cả mọi hệ thống tư duy của nhân loại, tạo nên một cách sống, lối sống hoàn thiện trong mọi suy tư hành hoạt, và nhất là trong thế giới hôm nay khi những giá trị tinh thần đang có nguy cơ băng hoại.

Con đường hành động mà Đạo Phật thể hiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã chứng minh một cách khẳng quyết, là con đường do Đức Phật hướng dẫn, đã mở ra những kỷ nguyên về hòa bình, bình đẳng, từ bi, trí tuệ, nhân bản và giải thoát. Điều đó, trở thành những mấu chốt, khuôn mẫu quan trọng mà ngày nay con người trong mọi hoàn cảnh vẫn còn phải theo đuổi để đạt được. Những tư tưởng về khổ đau, vô thường, khổ, không, vô ngã, hạnh phúc, trở nên những quy ước của con người. Dù vay mượn đến ngữ ngôn hay một truyết thuyết nào để kích bác, cũng không làm thay đổi được thực trạng này, vì nó không phải là sản phẩm do Đức Phật sáng tạo, gieo rắc để đầu độc con người. Những điều đó là nguyên lý bất di bất dịch, chỉ có trí tuệ của Đức Phật mới trông thấy một cách như thật vẹn toàn. Ngài hé mở cho chúng ta trông thấy, chỉ dẫn cho chúng ta phương cách thoát ly và làm gì để những điều đó không gây nên thống hận khổ đau.

Thông thường, có những thứ chúng ta mong cầu nó lại không đến như: Hạnh phúc, dạnh vọng, tiền tài… Ngược lại, có những thứ ta càng tìm cách chạy trốn nó lại xuất hiện như: Khổ đau, phiền não, bệnh tật, vô thường v.v… Sự cấu tạo giữa con người với nhau, giữa xã hội với nhau, giữa tâm thức với nhau, tạo nên những xáo trộn, khủng hoảng về ý thức, biên giới, chủng tộc niềm tin v.v… Cho dù gạt bỏ những dị biệt ấy ra ngoài, chúng ta vẫn còn đầy dẫy những bất đồng không cách gì tháo gỡ được như: Khổ Đau và Vô Thường, hai nguyên lý này đi trên tất cả mọi chủ thuyết, mọi thành tựu của khoa học, của con người, nó xoá nhòa mọi biên giới, liên tục gây khủng hoảng và bất an cho từng cá nhân, xã hội và cho tất cả mọi chúng sanh, mọi thời đại đã qua và sắp tới. Đạo Phật giải quyết được gì cho những vấn nạn đó?

Trước hết và trên hết, Đạo Phật là một con đường hướng dẫn chúng ta thoát ly ra ngoài mọi biến động, khổ đau, bất an của đời sống. Tuyệt đối không đi qua cửa ngõ quyền năng hay đánh lừa chúng ta bằng những lời hứa hẹn về thiên đường hay địa ngục. Đạo Phật nhấn mạnh chỉ có chính ta, chủ nhân của thiên đường hay địa ngục, của những suy tư và hành động và ta toàn quyền đi đến một trong hai lối đó, dứt khoát không có kẻ nào đủ quyền năng hộ tống ta đến đích, dù ta có trả bất cứ giá nào.

Ý thức tự do trong Đạo Phật, đẩy bung ta thoát ly ra ngoài những cột chặt mà thường nhật ta bị những tác động thiếu ý thức, vô minh đẩy ta rơi vào, hoặc do vì sự cùng quẩn bí lối trong đời sống, khiến ta có lúc phải nhắm mắt trao linh hồn cho kẻ khác toàn quyền định đoạt số phận của chính mình. Thông thường chúng ta hay đòi hỏi và tranh đấu để được tự do, nhưng cái tự do mà chúng ta có được, phần nhiều do kẻ khác mang đến, nó thuộc phạm vi ngoại tại, vì thế một khi nó bị thu hồi ta sẽ trở nên khủng hoảng, lo sợ. Cũng có lúc ta bị chế ngự, ràng buộc, đầu độc một cách tinh vi, bởi những niềm tin về một đấng tối cao đầy quyền năng tuyệt đối nào đó. Không khéo thoát được cửa ngõ này, ta lại rơi vào những tình huống khác, cơ may thoát ra để có được sự tự do càng mong manh.

Trước hết ta phải đẩy bung tâm ý của mình thoát ra ngoài mọi ràng buộc, nếu điều đó ta không suy tư thật kỹ và do lý trí của chính mình mang lại. Đạo Phật chưa bao giờ và không bao giờ cưỡng chế một cá nhân nào dù trong tâm ý, và càng không bao giờ dùng đến quyền năng để khống chế, vì trong Đạo Phật vốn không có những điều đó. Những gì không phải là chân lý, chắc chắn không sớm thì muộn cũng bị đào thải bởi thời gian, chỉ có chân lý như thật mới vượt ra ngoài sự chi phối của thời không.

Trong Đạo Phật ý thức về tự do, không phải chỉ đơn thuần giữa một cá nhân mà còn tương quan với mọi chúng sanh. Tự do đúng nghĩa nhất phải là tự do trong thường nghiệm tỉnh thức và suy tư trong tự do tuyệt đối. Điều nầy bổ sung, xúc tác và hỗ trợ lẫn nhau, một khi tâm ý luôn ở trong trạng thái tỉnh thức, sáng soi, tức phần nào ta đã kiểm soát và làm chủ được chính mình và cũng có nghĩa, những suy tư và hành động của ta sẽ không gây tổn thương đến kẻ khác. Bằng vào điều này, những nguy hại thông thường trong cuộc sống, là phần nhiều do ta để cho tâm thức của mình chạy theo bản năng, dục vọng, và hành xử do vô minh đưa đẩy. Vì thế, mức độ gây nguy hại tùy vào sự khống chế nhiều hay ít của vô minh. Muốn truy tìm tên giặc nguy hiểm này, ta phải xoay mọi hưng động, tư duy để nhìn thẳng vào chính ta nhiều hơn là ta để nó thong dong không định hướng, và đừng bao giờ biến ta trở thành nạn nhân nô lệ bởi sự sai sử của chính mình.

Cuộc sống thật sự có ý nghĩa, là khi ta biết nâng cao những giá trị cao quý, trải tâm từ của mình trên từng nỗi thống khổ, đem lòng yêu thương trao đến từng người. Những suy tư và hành xử không còn nằm ở bình diện thông tục mà phải hướng đến sự tỉnh thức vẹn toàn, mở ra một tâm thức mới không còn vô minh xúi dục, chỉ có tỉnh thức sáng soi trên từng suy tư hành động. Không có hận thù, khổ đau, ngang trái mà chỉ có yêu thương trải bày trên từng ý niệm.

Đạo Phật không mang đến cho ta tiền tài hay danh vọng mà chỉ cho ta tình yêu thương bất diệt và hạnh phúc đích thực miên viễn trong dòng khổ đau của nhân sinh, tìm đến những giá trị an lạc mà thời gian không đụng đến được. Ý nghĩa và giá trị đó, không phải tìm cầu ở một thế giới nào xa lạ, nó ở tại đây, ở ngay trong tâm thức của mỗi chúng ta. Làm sao ta xoa dịu được nỗi thống khổ khi trong ta sầu đau vẫn dâng cao và ngang trái vẫn đong đầy?

[trích Gõ cửa vô thường (Tiểu luận văn hóa Phật Việt)]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version