TS Phạm Văn Tuấn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Thế kỉ XVII phương đông mở ra một thời kì mới cho kinh tế chính trị Văn hóa Việt Nam. Khi Lê triều đánh đuổi nhà Mạc lên Cao Bằng và kéo kinh đô từ Thanh Hoa ra Bắc. Trong khi, nhà Thanh từng bước nuốt dần Trung Quốc, đẩy nhà Minh về phía Nam để đi đến diệt vong. Bối cảnh đó, dẫn đến Đại Việt dần ổn định mà Trung Hoa động loạn khiến nhiều người tháo chạy ra ngoài. Chuyết Chuyết cũng là người rời Trung Quốc đến Đại Việt trong sự vận chuyển điên đảo của xã hội như thế.
Chuyết Chuyết, người Chương Châu tỉnh Phúc Kiến, tuổi trẻ xuất gia và theo thuyền buôn, truyền giáo ra nước ngoài như bao tăng nhân Trung Hoa cùng giai kì. Chuyết Chuyết bôn ba sang Campuchia, rồi dọc theo đường ven nước Đại Việt từ Nam ra Bắc để định cư tại Thăng Long. Tại Thăng Long, Chuyết Chuyết được sự hậu thuẫn của hoàng thân quốc thích và quan lại triều Lê cũng như nhân dân đất Bắc để rồi ông định ổn tông môn, truyền đăng pháp phái tạo nên tông Lâm Tế đến ngày nay.
Chuyết Chuyết đã có quá trình chuyển dịch từ Trung Hoa sang Cao Miên để rồi về Việt Nam như thế nào!? Dấu ấn của ông trên dải đất Đại Việt? Sự chuyển biến tư tưởng từ người Hoa ra nước ngoài để thành người Việt nơi đất Bắc trong thế kỉ XVII và sự ảnh hưởng của ông với Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn sau? Bài viết phần nào đưa ra diễn dịch quá trình đó, trong sự vận chuyển của văn hóa xã hội cùng giai kì.
Tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp | Ảnh tác giả cung cấp
Chuyết Chuyết thiền sư và cuộc đời phiêu lãng đến Đại Việt
Đầu thế kỉ 17, Chuyết Chuyết đến Đại Việt, và mở ra một thời kì mới của tông giáo Đạo Phật Việt Nam. Khi mà, dòng Trúc Lâm từ cuối thời Trần tồn tại lại những rơi rớt hình ảnh cũ, thì Chuyết Chuyết là luồng gió đem lại sự tươi mới cho tôn giáo và cả chính trị của Đại việt, tạo tiền đề Đạo Phật phát triển đến tận ngày nay.
Nghiên cứu về Chuyết Chuyết, tính từ thời điểm thư tịch ghi lại việc xuất hiện của ông ở Đại Việt, cũng bằng ấy thời gian ông cách chúng ta ngày nay. Nhưng sự phân lập rõ ràng ở ngữ nghĩa, ngôn ngữ lịch sử của chữ quốc ngữ và chữ Hán quá khứ cho chúng ta cách nhìn nhận khác nhau mang tính lịch sử. Đến nay, các thư tịch sử Phật giáo Việt Nam như Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Thiền sư Việt nam của Thích Thanh Từ, Lịch sử Phật giáo Việt Nam được Nguyễn Tài Thư chủ biên,… đều nói đến Chuyết Chuyết, tuy nhiên nội dung vẫn còn sơ lược. Trở ngược lại quá khứ mấy trăm năm là vấn đề khá phức tạp, liên quan đến gia phả các chùa, hệ thống bia chí ghi đệ tử truyền thừa, hệ thống ngữ lục cũng như các khoa cúng, như Khoa cúng tại chùa Tiêu Sơn – Bắc Ninh, Khoa cúng tổ chùa Hàm Long – Quế Võ – Bắc Ninh, văn bia chùa Bút Tháp, văn bia chùa Phật Tích….đều có nhiều thư tịch với thời gian khác nhau ghi chép lại. Vậy lai lịch, con người Chuyết Chuyết như thế nào? Ông là người Phúc Kiến và vì sao ông lại đến Đại Việt truyền giáo? Để rồi thanh danh và tông phái kéo dài mãi tận ngày nay. Một đời làm thầy, để muôn đời làm tổ? Đấy là cả câu chuyện dài, về thời thế, con người và sự nghiệp của Chuyết Chuyết thiền sư khi phiêu bạt từ Phúc Kiến sang đến Thăng Long và để lại dấu tích đến nay.
1. Về con người Chuyết Chuyết:

Chuyết Chuyết (1590 – 1644) sinh ra tại Chương Châu tỉnh Phúc Kiến trong gia đình họ Lý. Các tài liệu gần nhất với thời đại ông ở Đại việt như Tổ sư xuất thế thục lục Minh Hành biên soạn, Kế đăng lục của Như Sơn thiền sư, văn bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh, Vạn phúc Đại thiền tự bi, Chuyết Chuyết cúng tổ khoa…vv… đều cho biết, ông tên hiệu là Chuyết Chuyết, tên húy là Viên Văn, là người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, đất Mân Việt, nay thuộc huyện Long Hải tỉnh Phúc Kiến. Đây là địa điểm ngay sát thị trấn Nguyệt Cảng, một trong những bến cảng lớn nhất ở Phúc Kiến và Nam Trung Quốc, đầu mối cho các thương nhân người Hoa di cư buôn bán ra nước ngoài. Chuyết Chuyết lớn lên trong không khí buôn bán sầm uất của phố cảng, tôn giáo và văn hóa Phật giáo thịnh hành. Khi còn nhỏ, cha mẹ Chuyết Chuyết đã sớm mất, khiến ông phải ở với người thím, ông thường đến chùa chiền đọc sách cho yên tĩnh và một lần như thế được Tiệm Sơn trưởng lão khai mở tâm pháp và quy y cửa Phật. Chuyết Chuyết xuất gia khi còn nhỏ khi mới 15 tuổi (đồng chân nhập đạo) và tu hành tại chùa Nam Sơn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của huyện Thanh Chương. Sau khi xuất gia, thụ giới Tỳ khưu (1607 – thời Vạn Lịch), nhận tên húy trong nhà chùa là Viên Văn, tên hiệu là Chuyết Chuyết. Tên húy Viên Văn là cách được đặt theo bài kệ truyền thừa dòng Trí Bản Đột Không: 智慧清淨道德圓明真如性海寂照普通 – Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chân như tính hải, Tịch chiếu phổ thông[1]Bài kệ này được in cuối sách Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư, tờ 103b, kí hiệu A.2570, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.. Viên Văn là đệ tử của Tăng Quán đức Đà Đà thiền sư đời thứ 33 dòng Lâm tế chính tông tại chùa Nam Sơn. Tuy nhiên, Chuyết Chuyết không ở lại chùa Nam Sơn[2]Chùa Nam Sơn: là một trong 142 ngôi chùa trọng điểm của Trung Quốc ngày nay. Hiện nay chùa tọa lạc ở chân núi Đan Hà, trước chùa là dòng sông Cửu Long giang … Continue reading, không kế đăng và đã du hóa tha phương. Ông sang Cổ miên quốc, rồi trở về Phúc Kiến và lần thứ 2 dời quê hương, ông trở lại Thuận Hóa. Tại Thuận Hóa, ông bôn du ra bắc và ở lại Thăng Long cũng như Kinh Bắc cho đến cuối đời. Sự nghiệp của ông, không dừng lại ở bôn du, mà dừng lại ở truyền đạo nơi đắt Bắc, tông môn rộng mở, chúng đệ tử mấy chục người, hàng pháp tôn hàng trăm người, tông phong với tổ đình chính là Phật Tích và phụ là Bút Tháp. Chuyết Chuyết đã ghi lại dấu ấn với đời với đạo, với văn hóa Việt nam bằng truyền đạo Lâm tế, từ bài Kệ trí bản đột không đến bài kệ truyền phái 48 chữ của chùa Nam sơn cũng như dòng thiền Lâm tế ở miền Nam – Trung Quốc. Đệ tử thượng thủ của ông như Minh Huyễn, Minh Lương, Minh Hành. Trong đấy, Minh Hành tiếp nối chí thầy xây dựng chùa Bút Tháp rồi chung thân đất đó. Minh Lương là đệ tử gần như cuối cùng, còn trẻ, truyền cho Chân Nguyên, và Chân Nguyên nối chí mở rộng tông phong toàn bộ Lâm Tế tông miền bắc cho đến ngày nay.
Chuyết Chuyết, với con đường từ Phúc Kiến, sang Cổ Miên, trở về Phúc Kiến, rồi lại sang Thuận Hóa và ra bắc Việt, tạo nên dòng chảy, nốt thăng nốt trầm trong sự biến động của xã hội, không chỉ nhà Minh, mà con Đại việt. Điều đó phần nào lý giải, con đường ông đã đi qua, sóng và gió, người Hoa và thương thuyền, di cư và tông giáo trên vùng biển Á đông.
2. Chuyết Chuyết và thời thế biến động

Sau khi Thụ giới (1607), Chuyết Chuyết đã du phương hành đạo và thời thế, đã khiến chàng tu sĩ trẻ tuổi, bỏ lại mảnh đất quê hương, du hóa ra phương ngoại, ra miền biên viễn bao la của biển đông. Tuy nhiên, để có những quyết định mang tính chất táo bạo của chàng trai trẻ như thế là yếu tố thời đại, cũng như nơi mảnh đất Chuyết Chuyết đang sống là Nguyệt Cảng, một cảng biển lớn miền Nam Trung Hoa.
Cuối nhà Minh, sau giai đoạn hải cấm, cấm buôn bán và giao lưu thương mại với hải ngoại của nhà Minh Gia Tĩnh, sang cuối thế kỉ 16, niên đại Long Khánh mở ra giai đoạn mới, cởi mở và xóa bỏ hải cấm, đồng thời, mở ra thời kì mới giao thương với bên ngoài. Người Tây Ban nha đặt quan hệ thương mại với Vạn Lịch, người Bồ Đào Nha xâm chiếm Đài Loan và cũng như người Hà Lan thành lập công ti Đông Ấn (VOC) những năm đầu thế kỉ 17, mở ra quan hệ mới, ràng buộc và móc xích cũng như sự cạnh tranh của buôn bán trên biển. Người Hà Lan xâm chiếm Đài Loan, mở ra cách nhìn khơi mở cho kinh tế của Đại lục hướng ra bên ngoài. Đầu thế kỉ 17, không chỉ thuyền buôn Trung Hoa ra hải ngoại trao đổi buôn bán, Hoa thương định cư ở Hải ngoại làm cầu nối để nối liền kinh tế và tông tộc với người Trung Quốc mà họ còn kéo theo tăng nhân, đạo sĩ, các tầng lớp mang tính chất tư tưởng như các thầy phép trong tín ngưỡng Thiên Hậu, quan đế, Bảo Sinh đại đế… Đồng nghĩa với, đền miếu chùa chiền được kiến lập trên những mảnh đất Hoa thương định cư. Thế kỉ 17, ghi lại nhiều tăng nhân du phương hải ngoại truyền giáo và định cư lại bên ngoài. Thế kỉ 17 cũng ghi lại bao thương nhân đem kinh tế về xây dựng đất nước Trung Hoa khi cuối thời Minh kinh tế suy thoái, chính trị yếu đuối và sự nhăm nhe của nhà Thanh ở phương Bắc khiến cho mối tâm tư của người dân bất ổn và kinh tế suy vi. Các thiền sư không chỉ ra định cư cùng người Hoa ở hải ngoại mà còn mang kinh tế về xây dựng chùa chiền, kiến tạo quê hương. Điển hình là các thiền sư chùa Nam Sơn mà chính Chuyết Chuyết đã ra đi. Sau thời Chuyết Chuyết, còn nhiều vị tăng nữa, không phải đến Việt Nam mà còn đến Malayxia, hoặc Nhật Bản, Philippin, Thái Lan… Vấn đề này được ghi chép lại khá tường tế trong Ngũ đăng toàn thư, Ngũ đăng nghiêm thống cũng như các ngữ lục của các thiền sư thời cuối Minh đầu Thanh. Đơn cử là Lâm Dã Kì thiền sư[3]Lâm Dã Kì 林野奇 (1595- 1652) họ Thái, Người Hợp Châu合州, từ nhỏ tu tại chùa Thiên Đồng. Về sau, đắc pháp với Thiên Đồng Mật hòa thượng. Các tài … Continue reading, một vị thiền sư sinh sau Chuyết Chuyết, tuy nhiên trong Kế đăng lục của Như Sơn lại biên chép Dã Kì là thế hệ tiền bối của Chuyết Chuyết. Lâm Dã Kì cũng như một số thiền sư sau Chuyết Chuyết đã bôn du hải ngoại hoặc như Thạch Liêm Thích Đại Sán cuối thế kỉ 17 đầu giai đoạn nhà Thanh đã đến Quảng Nam – Hội An gặp Nguyễn Phúc Chu đồng thời mang nhiều vàng bạc về xây dựng điện chùa Phổ Tế ở Ma Cao cũng như chùa Trường Thọ ở Quảng Đông. Ngoài ra, các thư tịch của Nhật bản cũng ghi lại mối tương giao giữa các vùng giữa Nhật Bản với Trung Hoa cũng như các nước Hội An của Việt Nam qua Hoa di biến thái, Hải ngoại phiên di lục, Ngoại phiên thông thư hoặc Thù vực Chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản, ghi lại 11 lần ông qua lại giữa Hội An và Trường Kì (nay thuộc Nagasaki – Nhật Bản). Điểm qua mấy nét sơ lược, để lấy, phong trào bôn du hải ngoại rất phát triển cuối Minh đầu Thanh dựa trên những cơ sở sự cởi mở của chính truyền, phương Tây mở rộng thương mại đường biển với phương Đông và truyền thống du ngoại của Hoa hương Trung Hoa ra nước ngoài buôn bán và định cư. Tất cả, tạo tiền đề để Chuyết Chuyết ra nước ngoài một cách thuận lợi và trở về Phúc Kiến một cách đầy ý nghĩa.
Văn bia chùa Bút Tháp | Ảnh tác giả cung cấp
3. Thiền sư và mối phong lưu nơi hải vực
Chuyết Chuyết đã ra đi khỏ Phúc Kiến trong bối cảnh như thế, và sự thuận lợi đó đã đưa ông đến Cổ Miên. Điều này được Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, tác phẩm ghi lại thân thế sự nghiệp và truyền giảng đạo pháp của ông được biên soạn bởi Minh hành thiền sư, người trụ trì chùa Bút Tháp biên tập. Ngữ lục cho biết, sau khi thụ giới Tỳ Khưu (1607) Chuyết Chuyết đã dời khỏi Phúc Kiến trên con tàu người Hoa đến Cổ Miên (nay là Campuchia) tại đây, quốc vương Cổ Miên đã trọng thị đón tiếp ông[4]Nguyễn Hiền Đức cho rằng Chuyết Chuyết truyên giáo ở vùng Đồng Nai hoặc Sài Gòn chứ không phải vào sâu đất Campuchia. Thời điểm đầu thế kỉ 17, vùng … Continue reading. Chúng ta đều biết rằng, các quốc gia Đông nam á có truyền thống mở rộng đón tiếp với người Hoa kiều, các công ty, các hội quán. Cổ Miên quốc cũng như thế. Tại Cổ Miên, Chuyết Chuyết được đón tiếp như bậc thượng sư, và sau mười năm truyền đạo ở mảnh đất Phật giáo này, Chuyết Chuyết đa xin trở về Phúc Kiến, và vua Cổ Miên đã hậu tiễn. Chuyết Chuyết đã về để báo đáp ân tình người thím đã nuôi ông từ nhỏ và đáp lại ân sư cũng như thăm lại quê hương đất Chương Châu.
Lần trở lại, và cũng là lần trở lại cuối cùng trong cuộc đời bôn ba của ông với mảnh đất thân quê hương Phúc Kiến. Ấn tượng không rõ như thế nào, nhưng những năm 10 đầu thế kỉ 17, rõ ràng kinh tế cuối thời Minh đã suy thoái thậm cũng như chính trị non yếu và manh nha sự bành trướng của nhà Thanh đang đến gần. Gia thân cũng dần suy lạc, tông giáo chư tăng vẫn hải ngoại bôn ba. Cảnh tình đó, cho Chuyết Chuyết lựa chọn con đường trở lại miền biên viễn thêm lần nữa và lần này, theo những chuyến thuyền buôn, mà khi đó đang thịnh hành giữa các vùng với Thuận Hóa – Đà Nẵng – Hội An. Chuyết Chuyết đã chọn bến đỗ mới là Thuận Hóa của “Quảng Nam quốc”. Có lẽ, những dư âm cùng thời, những ghi chép trong Thù vực Chu tư lục… tạo nên sự chọn lựa mới cho Chuyết Chuyết để ông chọn mảnh đất mới phù hợp hơn với văn hóa tông giáo và con người, những tập tục, sự luân chuyển của người Hoa, đền thờ miếu mạo. Chuyết Chuyết đã ở Thuận Hóa trong điều kiện như thế. Tại Thuận Hóa, Chuyết Chuyết đã không thích ứng với chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng như tông giáo bản địa. Có lẽ, mối nhân duyên giữa Chuyết Chuyết với Nguyễn Phúc Nguyên đã không hình thành, hoặc không có sự diện kiến, hoặc một lí do nào đấy. Tuy nhiên, tại Thuận Hóa, Chuyết Chuyết đã gặp Minh Hành, một người Hoa quê ở Giang Tây, du phương cùng thương nhân người Hoa sang Quảng Nam, và Minh Hành đã theo Chuyết Chuyết từ đấy! Tương duyên thày trò Chuyết Chuyết Minh Hành cũng gắn liền với con đường truyền giáo của Chuyết Chuyết ở Đại Việt và gắn liền với tông phái Lâm tế truyền đến ngày nay.

Rời Thuận Hóa, Chuyết Chuyết cùng Minh Hành ra chùa Thiên Tượng – Nghệ An[5]Chùa Thiên Tượng: Thiên Tượng, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, xã Bân Xá, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An. Chùa Thiên tượng là một chùa cổ, đến nay di tích đã hoang phế, bia chí và đăng sử ghi chép lại ngôi chùa này từng ghi dấu chân hoằng hóa của thày trò Chuyết Chuyết. Tại sao Chuyết Chuyết lại đến Nghệ An? và con đường ông đã đi như thế nào? Thật khó cho chúng ta ngày nay đoán biết. Nhưng những cứ liệu lịch sử mà gần đây PGS Đoàn Lê Giang cho biết, Nghệ An là một điểm trung chuyển buôn bán của người Hoa nói riêng và hải ngoại nói chung. Các tư liệu còn ghi chép lại không nhiều nhưng phần nào làm rõ được một góc nào đó hình ảnh Hoa thương ở đấy Nghệ. Con đường có thể là đường biển, theo Hoa thương, hoặc đi bộ, nhưng e rằng, đi đường biển có lẽ phù hợp hơn với lộ trình thời bấy giờ. Đến nay, Nghệ An vẫn còn những di tích của người Hoa như hội quán, đền miếu, tuy rằng, di tích tuy muộn, nhưng không thể phủ nhận dấu ấn ban đầu đã tạo nền tẳng cho sự phát triển sau này.
Sau khi rời Nghệ An, rời chùa Thiên Tượng, Chuyết Chuyết đến Thanh Hóa và tu tập truyền giáo ở chùa Trạch Lâm[6]Chùa Trạch Lâm, nay thuộc huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa., thuộc huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hóa. Được sự hậu thuẫn của các bà chúa, Chuyết Chuyết đã hưng dựng chùa Trạch lâm thành một đại tùng lâm. Sau này, tượng pháp nguy nga, tháp cao chói lọi. Chùa Trạch lâm được các học giả Pháp khi nghiên cứu kiến trúc văn hóa Việt Nam cho rằng chùa bảo lưu được bộ tượng pháp Phật giáo, tượng Chuyết Chuyết, tượng bà chúa… vv… đẹp của Việt Nam.

Không rõ, từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, Chuyết Chuyết đã tu tập với thời gian như thế nào qua các chùa chiền. Biết rằng, ông ở chùa Thiên tượng, gây dựng tông phong, không thành thì ra chùa Trạch Lâm, và cũng chưa phải mảnh đất để ông thỏa chí. Có lẽ điều đó, trong khoảng từ 1623 đến 10 năm sau, 1633 ông đã đến Thăng Long và tại đây, Chuyết Chuyết được triều đình, các quan lại hoàng thân quốc thích sùng tín. Ban đầu, ông ở chùa Khán Sơn, truyền đạo, tiếp xúc với thương nhân người Hoa, với quan lại, các bà chúa… và triều đình tiếp nhận ông bằng việc cho mở pháp hội Thủy lục tế trận cầu siêu cho tướng sĩ đã chết trên cạn hoặc dưới nước trong chiến tranh Trịnh Nguyễn. Điều này tạo điều kiện cho Chuyết Chuyết từ tôn giáo di nhập vào đời sống cung đình và văn hóa làng xã nơi đắt bắc Việt. Bước đầu thành công, cũng là bước đầu định hình nên con người ông với quyết định ở lại đất bắc. Không lâu sau đó, Chuyết Chuyết chuyển về trụ trì chùa Phật tích, nhận trông coi chùa Bút Tháp, tiến hành tu sửa chùa và xây dựng quy mô mới hơn. Việc xây dựng, vừa thể hiện ông đã quyết định định cư lại mảnh đất Kinh Bắc và đồng thời cho thấy sự hậu thuẫn của triều đình. Mặt nữa, đến tuổi đời đã khá chín chắn qua các va chạm và bôn ba khắp chốn, ông cần chốn dừng chân để hợp đời hợp đạo. Từ đây, mở ra trang sử mới cho lịch sử Phật giáo nước nhà: Chuyết Chuyết thành Đông đô thủy tổ, truyền thụ tông phái Lâm tế ở Đại Việt, tạo tiền đề cho sau này các chúng đệ tử mở rộng tông phong, kế nối lại truyền thống Trúc Lâm từ thời Trần về sau và cho đến tận ngày nay.
Có thể nói, cuộc đời bôn ba của ông đã có điểm dừng lại, ngoài sự hậu thuẫn triều đình mà bia chí cũng như thư tịch khác ghi chép, đặc biệt Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục cho biết rõ các quan lại đã đến nghe ông giảng đạo như thế nào, cũng như các bà chúa cúng tiền dựng chùa thông qua các bia ghi chép ở Phật tích cũng như Bút Tháp, cho thấy Chuyết Chuyết thực sự được sự hưởng ứng để trở thành tông tổ. Hơn thế, ông còn được nhiều người Hoa chạy loạn Minh Thanh sang hỗ trợ, như Âu Thể Chân là một điển hình qua việc để lại những tác phẩm thư pháp, nội dung văn bia ở chùa Phật Tích và Bút Tháp…
Cho đến khi viên tịch vào năm 1644, cũng là năm Vạn Lịch nhà Minh hoàn toàn sụp đổ khi quân nhà Thanh vượt qua vào chiếm Bắc Kinh. Con ngươi mới 55 tuổi đời ấy, đã ra đi về với chư Phật chư tổ từ rất sớm, nhưng di ảnh, chân tượng, và tông phong của ông còn mãi đến ngày nay. Chân tượng đấy, là nhục thân bồ tát mà gần đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong tháp Báo Nghiêm ở chùa Phật tích. Ông đã ra đi cùng hình ảnh nhà Minh sụp đổ. Con người và thời đại, tông giáo và tư tưởng luôn gắn liền giữa cái thực trong cuộc sống nơi Đại việt và ảo nơi mảnh đất quê hương nơi biên viễn.
Tạm kết
Bài viết, sơ bộ giới thiệu về con người Chuyết Chuyết với sự bôn ba nơi hải ngoại, những bước đi của ông qua các thời kì. Chuyết Chuyết đã đến Campuchia, đến Thuận Hóa – Quảng nam và ra Bắc. Con người, sự nghiệp, cũng như tông phong là sự dịch chuyển qua biên viễn, đến vùng đất mới của thời đại di dân của người Hoa, cũng là thời kì dịch chuyển của tông giáo theo con đường thương mại biển.
Bài viết, cơ bản chỉ điểm nhấn lại những nét chính trên con đường hoằng hóa của Chuyết Chuyết thiền sư.
Tài liệu tham khảo:
- Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, bản lưu tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
- Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư, hiệu A.2570, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Hiến thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh, dựng năm 1647 tại chùa Bút Tháp.
- Vạn Phúc Đại thiền tự bi, bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) tại chùa Phật Tích, hiện đã bị vỡ đôi, thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: 2146- 2147.
- Chuyết Chuyết Cúng tổ khoa, bản lưu tại chùa Thiên Tâm, Từ sơn, Bắc Ninh.
- Thiền uyển truyền đăng lục, tờ 11b, kí hiệu VHV9, tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Thiền uyển thống yếu kế đăng lục, kí hiệu AC.158a tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn Học, HN.2000.
- Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáoThành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1992.
- Ngũ đăng hội nguyên, Phổ Tế biên soạn, 20 quyển, cùng các tục bản.
- Ngũ đăng toàn thư: được Siêu Vĩnh là hàng cháu của Lâm Dã Kì thời Thanh biên soạn.
- Cẩm giang thiền đăng: do Trượng Tuyết Thông Túy biên tập, sách 85, quyển No.1590, Vạn Tục tạng.
- Tục đăng chính thống: do Biệt Am Tính Thống biên soạn thời Thanh,Vạn tục tạng, sách thứ 144, gồm 42 quyển.
- Minh Quý Chân Kiềm Phật giáo khảo – quyển thượng hạ (明季滇黔佛教考, 外宗教史论着八种(上下册)
- Minh Thanh Phật giáo (明清佛教).
- Đông Nam Á Hoa nhân sử, Lý Ân Hàm, Đài Loan.
- Hội thảo Hải Dương văn hóa học thuật, khoa Trung Văn, Đại học Quốc lập Thành công Đài Loan, 12 – 2013.
- Đông Nam á – Hải vực nhất thiên niên – Lịch sự thượng đích Hải dương Trug Qung quốc dữ đối ngoại mậu dịch. (东亚海域一千年:历史上的海洋中国与对外贸易).
- Thanh đại Việt nam đích Hoa kiều清代越南的華僑 – Trịnh Đoan Minh (Đài Bắc).
- Minh đại hải ngoại mậu dịch nghiên cứu,
- Nam Trung quốc đích Hải đạo cập kì bất hợp pháp hoạt động.
- Mân nam hải thượng đế quốc, Thang Cẩm Đài, Đài bắc 2013.
↑1 | Bài kệ này được in cuối sách Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư, tờ 103b, kí hiệu A.2570, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. |
---|---|
↑2 | Chùa Nam Sơn: là một trong 142 ngôi chùa trọng điểm của Trung Quốc ngày nay. Hiện nay chùa tọa lạc ở chân núi Đan Hà, trước chùa là dòng sông Cửu Long giang thuộc khu thành phố Chương Châu tỉnh Phúc Kiến. Chùa là một trong 8 danh thắng lớn của Chương Châu. Chùa được dựng khoảng thời Đường (năm 736), ban đầu là Báo Cù viện, là dinh thự của họ Trần, sau đổi thành chùa, hợp thành tên Báo Cù Sùng Phúc tự. Đến thời Minh, chùa đổi tên thành Nam Sơn. Chương Châu phủ chí 漳州府志· quyển 12, phần Tự quán 寺觀 biên soạn thời Minh Vạn Lịch ghi chép: Nam sơn Báo Cù Sùng Phúc tự, tại ngoại vực nam sương, sơ danh Diên Phúc thiền tự. Tống Càn Đức lục niên Thứ sử Trần Văn Hạo trùng tu, danh Báo Cù viện, hậu cải viết Sùng Phúc, kim dĩ Báo Cù Sùng Phúc tịnh xưng. Nguyên Chí Chính cửu niên trùng kiến. Quốc triều Vĩnh Lạc gian tu hậu cải viện vi tự. Gia Tĩnh nhị thập tứ niên hỏa, tự tăng Viên Tính mộ hóa trùng kiến. Gia Khánh nguyên niên, tự tăng Hành Khâm mộ duyên trùng tu – 南山報劬崇福寺,在城外南厢,初名延福禪寺。宋乾德六年,刺史陳文颢重修,名‘報劬院’,後改曰‘崇福’,今以報劬崇福并稱。元至正九年重建。國朝永樂間修後改院為寺。嘉靖二十四年火,寺僧圓性募緣重建。隆慶元年,寺僧行欽募緣重修 – Nam Sơn Báo Cù Sùng Phúc tự, ban đầu tên là Diên Phúc Thiền tự. Năm Càn Đức thứ 6 thời Tống (968), Thứ sử Trần Văn Hiệu trùng tu, đặt tên là Báo Cù viện, sau đổi thành Sùng Phúc, nay là cách gọi gộp thành Báo Cù Sùng Phúc. Năm Chí Chính thứ 9 (1350) thời Nguyên dựng lại chùa. Trong những năm Quốc triều Vĩnh Lạc trùng tu xong thì đổi viện thành chùa. Năm Gia Tĩnh thứ 24 (1545) chùa cháy, tăng trong chùa là Viên Tính mới mộ duyên dựng lại. năm Long Khánh nguyên niên (1567) tăng chùa là Hành Khâm mộ duyên trùng tu. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa có kiến trúc cuối Thanh triều và lần trùng tu gần nhất là năm 1987.
Kiến trúc chùa hiện nay dựa vào núi, nhìn ra hướng bờ sông Cửu Long giang phía Bắc. Chùa với tổng thể diện tích 40.000 m2, bao gồm một tuyến trục dọc từ tam quan thẳng vào bắt đầu với Sơn môn, Thiên vương điện, Đại hùng bảo điện, Pháp đường, hai bên tả hữu có Hát vân tổ đường và Trần thái phó từ, Thạch phật các, Đức tinh đường, Địa tạng vương đường, Phúc nhật trai. Phía đông chùa có miếu thành hoàng; sau cuối chùa có hệ thống tháp các thời ở chùa. |
↑3 | Lâm Dã Kì 林野奇 (1595- 1652) họ Thái, Người Hợp Châu合州, từ nhỏ tu tại chùa Thiên Đồng. Về sau, đắc pháp với Thiên Đồng Mật hòa thượng. Các tài liệu cũng ghi ông là đệ tử truyền đăng từ Thiên Đồng Mật. Sách Tục đăng chính thống 續燈正統ghi Thiên Đồng Mật có 6 đệ tử, trong đó có ông, sau này, ông kế đăng trụ trì chùa Thiên Đồng. Ông để lại tác phẩm Lâm Dã Kì thiền sư ngữ lục林野奇禪師語錄, 8 quyển. Về đệ tử của Lâm Dã Kì, các tư liệu đều ghi ông có đệ tử là Nhị Ẩn Mịch thiền sư二隱謐禪師. |
↑4 | Nguyễn Hiền Đức cho rằng Chuyết Chuyết truyên giáo ở vùng Đồng Nai hoặc Sài Gòn chứ không phải vào sâu đất Campuchia. Thời điểm đầu thế kỉ 17, vùng đất Đồng nai Sài Gòn vẫn chưa thuộc sự cai trị của Chúa Nguyễn. |
↑5 | Chùa Thiên Tượng: Thiên Tượng, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, xã Bân Xá, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An |
↑6 | Chùa Trạch Lâm, nay thuộc huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa. |