Nguyên Thiều (1648-1728)
Thiền sư di dân
TS Phạm Văn Tuấn
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trích yếu:
Nguyên Thiều là thiền sư có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo miền Trung cũng như miền Nam Việt Nam. Nguyên Thiều thiền sư người Quảng Đông (Trung Quốc) đến Đại Việt khoảng năm 1677 và gắn liền với với sự nghiệp truyền Phật giáo ở Việt Nam. Tông phái Lâm Tế được ông dịch chuyển từ Nam Trung Quốc đến Việt Nam. Bài viết luận thuật trên tư liệu thư tịch Hán văn đương thời và sau này, của Trung Quốc và Việt Nam để luận thuật về Phật giáo từ biển vào đất Việt, truyền đạo và ảnh hưởng. Đặc biệt, bài viết phân tích tình hình tông phái của Phật giáo ở Nam Trung Quốc và từ đó luận suy ra mối liên hệ với Việt Nam.
Từ khóa: Nguyên Thiều Siêu Bạch, Đạo Mân Mộc Trần, Bản Quả Khoáng Viên, Lâm Tế Việt Nam
Mở đầu
Nguyên Thiều là vị tổ sư lớn của thiền phái Lâm tế từ miền Trung trở vào nam[1]. Thư tịch ghi chép về ông hiện nay không nhiều, trong đó đặc biệt là Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện và tấm bia Đại Việt Quốc vương Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp kí minh chùa Hà Trung do Nguyễn Phúc Chú阮福澍[2]viết. Nhiều nhà nghiên cứu đã dụng công nghiên cứu về thân phận, sự nghiệp của Nguyên Thiều ở Đại Việt từ thời các học giả Pháp, cho đến các học giả Việt Nam sau này. Có thể nói, có đến hàng trăm bài nghiên cứu cũng như nhiều luận văn đã viết về Nguyên Thiều cùng thời kì của ông. Thông qua các tư liệu Phật giáo và lịch sử, có thể thấy Nguyên Thiều là một trong những thiền sư Trung Hoa di cư sang Việt Nam và có ảnh hưởng sâu đậm. Đặc biệt, quá trình Nguyên Thiều sang Đại Việt vào giữa thế kỉ XVII, sau đó một giai đoạn nhiều tăng nhân Trung Hoa lục tục sang Đại Việt. Trong đó, sau thời Nguyên Thiều có thiền sư Thích Đại Sán.
Những nghiên cứu về Nguyên Thiều đầu tiên phải nói là trên tạp chí BAVH, từ năm 1914, trên các trang 147 – 161, với tiêu đề “La Pagode Quốc Ân: Le fondateur” và trên số BAVH 1915, trang 305 – 308 tiêu đề “La Pagode Quốc Ân: Les divers supérieurs”của Léopold Cadière; sau này, tạp chí Sinologia No 1 cũng đăng bài “Bonzes des Mings réfugiés en Annam” của học giả nổi tiếng người Pháp là Émile Gaspardone vào năm 1949[3]. Đấy là 3 bài viết khá sớm về Nguyên Thiều, về chùa Quốc Ân, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập mang tính xác tín cũng như hệ tư liệu chưa được đầy đủ. Các bộ Hán văn như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí thì đều ngắn gọn mang tính giản lược, dẫn đến cách viết trọn vẹn về thân thế sự nghiệp của Nguyên Thiều dường như thiếu hụt. Về sau, các bộ sử như Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể[4]; Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang[5]; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư chủ biên[6]; Lịch sử Phật giáo Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm[7]; Chư tôn thiện đức Phật giáo Thuận Hóa của Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn biên soạn[8]; gần đây nhất là Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981 của Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng[9]. Ngoài ra còn nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu Huế như Hà Xuân Liêm; Thích Hải Ấn .vv… Các nghiên cứu vẫn chung một nhận định về tư liệu tản mác, không đủ để dựng lại thân phận và hình tích của Nguyên Thiều. Cũng như nhiều tranh luận chưa đồng thuận về tên, tuổi của Nguyên Thiều. Thậm chí trong Chư tôn thiện đức Phật giáo Thuận Hóa còn viết: “tài liệu về ngài còn rất nhiều như trên đã dẫn; song sự tích của ngài rất khó viết, vì những mâu thuẫn về danh hiệu và mâu thuẫn về niên đại. Ở đâu người ta cũng đoán định hơn là cung cấp lịch sử chính xác”[10]. Từ đó, cho thấy tính phức tạp trong nghiên cứu về thiền sư Nguyên Thiều, thậm chí, đến tông phong của ông, truyền thừa, tên tự tên hiệu của ông cũng được sách trên nhận định là “chỉ nói danh xưng mà thôi, hiện nay chúng ta cũng đã thấy lúng túng”[11]. Về Nguyên Thiều đã thế, về tông phong, tức thế hệ trước, truyền thừa đến ông, thế hệ sau từ ông truyền cho ai, dường như đến nay chúng ta chưa có khảo chứng xác đáng. Và có thể nói, về Nguyên Thiều, đến nay chưa có một chuyên khảo nào. Các tham luận, luận văn về ông thì rất nhiều, tuy nhiên tính phổ biến chung là ghi chép lại của nhau, chưa tiệm cận tư liệu gốc về Hán tịch đương thời cũng như về sau. Bài viết, không hi vọng tiếp cận toàn bộ hệ tư liệu, nhưng phần nào góp phần nhìn nhận trên phương diện xã hội, di dân, tôn giáo cũng như tông phong Nguyên Thiều từ Trung Hoa truyền qua Việt Nam.
Di dân và tôn giáo
Trung Quốc di dân, Việt Nam cũng di dân. Trung Quốc di dân đường biển, Việt Nam cũng di dân đường biển. Người Trung Quốc di cư khắp nơi, thương thuyền đến mọi miền lãnh thổ để buôn bán và định cư; người Việt Nam cũng trên đường biển, đường bộ di dân vào Nam sinh sống. Tôn giáo, cũng theo những đợt sóng di dân đó, lan tỏa trong cuộc sống của người di cư, và tồn tại mãi về sau. Lịch sử, với quá nhiều tư liệu trong Đại Tạng kinh ghi chép về quá trình Phật giáo đã phái xuất từ Nam Trung Quốc sang Đại Việt. Cho đến thế kỉ XVII, năm 1644, khi Trung Quốc biến loạn, nhà Thanh đánh bại triều Minh, ép chính quyền tàn dư nhà Minh lùi về phía Nam, ẩn trong vùng núi, vùng biển. Đất nước Trung Quốc với nhiều biến động của nội quốc phản ứng, các phong trào phản Thanh phục Minh; bên ngoài thì các thế lực từ chính trị đến kinh tế xâm thực Trung Quốc. Thế kỉ XVII, thực dân phương Tây qua công ti Đông Ấn Hà Lan cũng như nhiều công ty, tập đoàn thực dân phương Tây xâm lấn phương Đông. Sang giữa thế kỉ XVII, Nam Trung Quốc trở thành lãnh địa kinh tế của thực dân Tây Ban Nha. Trên biển, gần như tràn ngập thuyền buôn người Hoa và thuyền buôn phương Tây. Chính quyền nhà Minh, nhà Thanh, lúc thì mở cửa biển, lúc thì đóng khép lại, khiến cho quốc nội càng thêm biến động. Trước tình hình đó, di cư hợp pháp hoặc không hợp pháp vẫn thường xuyên diễn ra trên những thuyền buôn của người Hoa ra thế giới. Trong khi đó, ở Đại Việt, chiến tranh Trịnh Nguyễn liên miên, mỗi thế lực cát cứ một phương. Nhà Trịnh thủ giữ phương Bắc; chúa Nguyễn phát triển phương nam và nam tiến, hai bên Trịnh Nguyễn cứ giữ nhau như thế hơn trăm năm. Đồng thời, dòng người từ phương Bắc di cư về nam ngày một nhiều hơn.
Tổng quan tình hình trên để thấy tính chất thời đại, người người từ Nam Trung Hoa đi ra ngoài, họ là thương nhân, họ là di dân, là tôn giáo đi theo. Người Việt, cũng lục tục vào Nam, cũng từ Nam ra bắc…vv… tất cả trong bức tranh toàn cảnh cùng sự tương thích của chính trị từng nước trong từng giai đoạn.
Thư tịch thời Minh Thanh còn nhiều tác phẩm ghi chép lại việc di dân ra bên ngoài của thương nhân và người Nam Trung Quốc nói chung. Trong đó, đặc biệt các tác phẩm ghi chép về tăng nhân Trung Quốc theo thuyền buôn ra nước ngoài truyền giáo, hoặc kiều cư nơi tha hương. Sau năm 1644, nhà Thanh đánh đuổi triều Minh thì người dân Trung Quốc ra nước ngoài rất nhiều. Hướng chuyển ra là cả vùng biển Quảng Đông và Phúc Kiến, họ ra Nhật Bản, đến Lữ Tống (Lu Dong – philippin), Malayxia, và đặc biệt là Việt Nam. Những sách như Ngũ đăng toàn thư, Ngũ đăng nghiêm thống, cùng nhiều ngữ lục Phật giáo cuối Minh đầu Thanh đều ghi chép về tăng di cư. Trong đó, thư tịch chủ yếu ghi chép các tăng sang Nhật Bản, và Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là nước còn nhiều tư liệu gắn liền với tăng nhân Nam Trung Quốc. Đặc biệt, các thiền phái ở Việt Nam đều được truyền từ Nam Trung Quốc sang.
Trước tiên phải kể đến Chuyết Chuyết thiền sư (1590-1644), người Phúc Kiến, sang Cổ Miên khá sớm, sau một lần về nước, ông trở lại Thuận Hóa khoảng năm 1630, rồi trở ra Thăng Long đất bắc năm 1633[12]. Sau một thời gian hoằng pháp, trụ tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long, Chuyết Chuyết về trùng tu chùa Phật Tích và Bút Tháp, dựng phái Lâm Tế ở miền Bắc thành một phái lớn cho đến ngày nay. Chuyết Chuyết cũng như các đệ tử người Hoa của ông là Minh Hành, Minh Huyễn,.. phát triển Phật giáo ở miền Bắc. Chuyết Chuyết ra Bắc cũng như văn hóa Phật giáo Bắc vào nam. Đến nay, chúng ta không rõ niên đại các tư liệu Phật giáo từ Bắc chuyển vào nam, tuy nhiên những ván khắc ở chùa Vạn Đức – Hội An – Quảng Nam vẫn ghi niên đại triều Lê. Nhiều văn bản theo chữ sắc phong triều Lê dịch chuyển vào. Mà hệ thống văn tự qua các bài tựa, viết kinh sách, cách san khắc cho thấy ảnh hưởng trực tiếp từ miền Bắc vào miền Trung miền Nam. Ngoài ra, hiện nay chúng ta còn tìm được nhiều bản kinh cổ trên các chùa ở dọc miền Trung được bảo lưu khá cũ[13].
Sau thời Chuyết Chuyết thiền sư là thời kỳ Nguyên Thiều vào Đại Việt. Văn bia Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh tại chùa Hà Trung ở Thuận Hóa có nội dung “比有煥碧禪師,於丁已年,從中花來,初鍚歸寧府,創建十塔彌陀寺,廣開像教 – Gần đây có Thiền sư Hoán Bích, vào năm Đinh tỵ từ Trung Hoa đến, ban đầu trác tích tại phủ Qui Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, rộng mở tượng giáo” cho biết Nguyên Thiều đến Đại Việt năm Đinh Tỵ, căn cứ niên đại, có thể suy đoán năm Đinh Tỵ là 1677[14]. Năm Nguyên Thiều vào Đại Việt, cũng là giai đoạn biến động mạnh của Trung Quốc, khi nhà Thanh tổng tấn công vào thế lực phản Thanh phục Minh, cùng tàn dư của triều đại nhà Minh. Quân Thanh đánh Đài Loan, tấn công ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến khiến cho quân, dân phía Nam trung Quốc đều tao loạn. Năm 1679, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến cùng hàng nghìn quân, dân phía Nam Trung Quốc di cư vào phía Nam Việt Nam. Chúa Nguyễn đã tiếp nhận quân, dân Trung Quốc và sắp xếp cho họ ổn định cuộc sống. Dịch chuyển di dân như thế, kéo theo dịch chuyển tôn giáo. Tăng nhân Trung Quốc cũng sang Việt Nam ngày một nhiều hơn. Nguyên Thiều đã có vài lần theo thuyền buôn về Quảng Đông[15]. Năm 1695, Thích Đại Sán kéo theo hàng trăm tăng nhân nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đã đến truyền giáo ở Đại Việt. Đây là lần tăng nhân Trung Quốc sang Đại Việt một cách quy mô nhất, đem theo pháp khí, kinh sách, truyền giới đàn. Đến nay, hệ ván khắc giai đoạn từ sau thời Thích Đại Sán vẫn còn lưu ở chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm ở Huế.
Cùng giai đoạn cuối thế kỉ XVII, nhiều tăng nhân phái Tào Động, phái Lâm Tế ồ ạt vào định cư truyền đạo ở Thuận Hóa, Quảng Nam. Minh Hải Pháp Bảo, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hoằng Tử Dung, Giác Phong Lão tổ, Quả Hoằng thiền sư…. truyền đạo khắp nơi, khiến cho văn hóa Phật giáo dần dần thấm nhuần trong văn hóa xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh đương thời.
Trong thời kỳ đó, Nguyên Thiều đã phát triển tông phái, từ chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định cho đến Thuận Hóa, thành tổ sư của phái Lâm Tế miền Trung. Nguyên Thiều không chỉ phát triển pháp phái ở Bình Định mà còn cả Đồng Nai, cũng như kéo ra Thuận Quảng. Có thể nói, Nguyên Thiều đã nối kết phái Lâm Tế, truyền từ Nam Trung Quốc, chùa Thiên Đồng, chùa Tân Báo Tư sang Đại Việt.
Nguyên Thiều từ luận giải Lâm Tế Nam Trung Hoa
Đầu thế kỷ XVII, Chuyết Chuyết di chuyển từ Phúc Kiến sang Đại Việt, truyền phái Lâm Tế. Nửa đầu thế kỷ XVII, phái Lâm Tế đã phát triển rất mạnh ở phía bắc Việt Nam. Cho đến thời Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), mới cho người Hoa sang mời Thích Đại Sán sang Thuận Quảng vào năm 1695[16]. Chuyết Chuyết, hay Nguyên Thiều đều theo tông, phái truyền từ Nam Trung Quốc sang Đại Việt. Chuyết Chuyết có lẽ khó tìm được hệ phái từ nghiệp sư nào, bởi ngôi chùa ông tu hành là chùa Nam Sơn ở Chương Châu, Phúc Kiến đến nay không còn tư liệu gì về Chuyết Chuyết. Hoặc chăng, thông qua Chuyết Chuyết thiền sư ngũ lục, cũng không cho thấy những thông tin về sư phụ Thiền sư Quán Đức Đà Đà hòa thượng, cũng như không còn lại hình tích nào trong thư tịch Tạng kinh. Chuyết Chuyết, truyền đến Đại Việt bài kệ truyền thừa phái Lâm tế ở Nam Trung Quốc từ Trí Bản Đột Không:
Trí tuệ thanh tịnh
Đạo đức viên minh
Chân như tính hải
Tịch chiếu phổ thông...[17]
Tuy nhiên, miền Trung vào Nam, Nguyên Thiều không truyền phái theo bài kệ của Trí Bản Đột Không. Nguyên Thiều truyền kệ phái từ phái Lâm Tế ở chùa Thiên Đồng – Quảng Đông. Tuy nhiên, cả phái truyền từ Nguyên Thiều cũng như Chuyết Chuyết đều lạc lõng trong truyền thừa mang nhiều tính chất nhầm lẫn qua thư tịch Thiền uyển thống yếu Kế đăng lục của Như Sơn thiền sư[18] bản in đầu thế kỉ XVIII. Như Sơn, dù rằng đưa ra những tổ sư của thiền tông Trung Quốc, mạch truyền ở Nam Trung Quốc, nhưng dường như có nhiều sai lệch từ truyền phái đến thời đại, dẫn đến không ăn khớp vào mạch truyền của Chuyết Chuyết và sau này là Nguyên Thiều. Xét tổng quan những tư liệu liên quan truyền phái Nguyên Thiều, chúng ta có thể thấy qua tư liệu văn bia của ông, sách Đại Nam nhất thống chí hay Đại Nam liệt truyện tiền biên đưa ra Nguyên Thiều thụ giới với Bản Quả Khoáng Viên. Tư liệu về Bản Quả Khoáng Viên hiện vẫn còn trong ngữ lục, cũng như các sách truyền đăng của Trung Quốc thời Thanh, cho đến các khảo cứu gần đây, để đi đến luật thuật về truyền phái đến Nguyên Thiều.
Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi Nguyên Thiều khi 19 tuổi xuất gia ở chùa Báo Tư, làm đệ tử của Hòa thượng Khoáng Viên[19]. Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi Nguyên Thiều tu hành ở chùa Báo Tư mà không hề ghi đến Khoáng Viên thiền sư. Căn cứ văn bia Sắc tứ chùa Hà Trung cũng cho biết Nguyên Thiều đến chùa Báo Tư năm 19 tuổi và thụ giới với Khoáng Viên hòa thượng: 十九辭親出家,投入於報資寺曠圓和上,法名元韶,字煥碧 – 19 tuổi từ bỏ người thân xuất gia, đến với Hòa thượng Khoáng Viên ở chùa Báo Tư, pháp danh là Nguyên Thiều, tên tự là Hoán Bích. Các thông tin đều ghi Nguyên Thiều tên tự là Hoán Bích. Một tác phẩm rất quan trọng lưu hành trong hệ tự viện miền Trung miền nam, bản chép và có cả bản in là Lịch truyện tổ đồ 歷傳祖圖. Lịch truyện tổ đồ ghi chép về truyền thừa thiền tông ở Trung Quốc, mà đặc biệt là kết nối đến Nam Trung Quốc. Nội dung trong Lịch truyện tổ đồ có phần ghi chép truyền thừa hệ phái Lâm Tế từ Mộc Trần Đạo Mân 木陳道忞(1596-1674), đến Khoáng Viên Bản Quả. Nội dung như sau: 濟宗三十二世住廣州報資新寺江陵本果曠圓, cho biết Khoáng Viên là đời thứ 32 thiền phái Lâm Tế. Xét tư liệu đương thời ở Trung Quốc như Ngũ đăng toàn thư五燈全書 quyển 34, còn có tiểu truyện về Tân Châu Long sơn Khoáng Viên Hành Quả thiền sư新州龍山曠圓本果禪師. Cũng nội dung về Thiền sư Khoáng Viên, trong Chính Nguyên lược tập正源略集lại ghi ông là Tân Châu Long sơn Quốc ân Khoáng Viên Hành Quả thiền sư 新州龍山國恩曠圓行果禪師. Những thông tin như thế, cho thấy Khoáng Viên có hai tên pháp danh là Bản Quả và Hạnh Quả, đồng thời cho biết ông quê ở Giang Lăng. Căn cứ Lịch truyện tổ đồ, cũng như các thư tịch trên cho biết Khoáng Viên là đệ tử của Mộc Trần Đạo Mân. Mộc Trần Đạo Mân vốn có pháp danh là Thông Giác, ông theo bài kệ truyền thừa của phái Lâm Tế chùa Thiên Đồng (Quảng Đông). Phái chùa Thiên Đồng theo bài kệ truyền từ Tuyết Phong Tổ Định thiền sư 雪峰祖定禪師 ở Mân Trung (nay là Phúc Kiến) thuộc đời thứ 22 phái Lâm Tế soạn ra bài kệ truyền thừa phái Lâm Tế, nội dung như sau:
祖道戒定宗
方廣證圓通
行超明實際
了達悟真空
Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hành Siêu Minh Thực Tế
Liễu Đạt Ngộ Chân Không[20]
Hai bài kệ trên đều được sách Tông giáo luật chư tông diễn phái宗教律諸宗演派bản trên CBETA, lưu lại nguồn gốc[21]. Cuối phần bài kệ còn ghi truyền từ Huyễn Hữu Chính Truyền (1549-1614) sang Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642), rồi truyền xuống Đạo Mân (1596-1674). Xét, Mộc Trần Đạo Mân cùng giai đoạn với Chuyết Chuyết cũng như Minh Hành thiền sư ngoài Bắc. Căn cứ bài kệ thì Huyễn Hữu Chính Truyền vào chữ Chính正; Mật Vân Viên Ngộ và chữ Viên圓; Mộc Trần Đạo Mân vào chữ Thông通, với tên hiệu khác của Mộc Trần là Thông Giác通覺; và truyền đến Hành Quả Khoáng Viên với chữ Hành行. Từ Hành Quả Khoáng Viên truyền xuống Nguyên Thiều Siêu Bạch, ứng với chữ Siêu 超. Mộc Trần Đạo Mân sau đó truyền bài kệ truyền thừa như sau:
道本元成佛祖先
明如杲日麗中天
靈源廣潤慈風溥
照世真燈萬古懸
Đạo Bản Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Cảo Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chân Đăng Vạn Cổ Huyền
Bài kệ truyền này cũng được ghi trong Lịch truyện tổ đồ, bản chép tay thêm vào phần bản in của Trung Quốc lưu truyền trong các tự viện miền Trung hướng Nam. Trong đó, Đạo Mân ứng chữ Đạo, người xuất bài kệ truyền thừa, rồi đến chữ Bản là Bản Quả Khoáng Viên. Bản Quả Khoáng Viên truyền cho Nguyên Thiều ứng chữ Nguyên.
Những thông tin trên lí giải vì sao Nguyên Thiều lại có tên hiệu là Siêu Bạch cũng như tên Nguyên Thiều, để từ đó đưa ra những cách hiểu về tên tự tên hiệu của Nguyên Thiều thiền sư. Đồng thời, trong tương quan truyền thừa thiền phái Lâm Tế phía Nam Trung Quốc, từ trước và đến Huyễn Hữu Chính Truyền, cho đến Mật Vân Viên Ngộ, truyền xuống Mộc Trần Đạo Mân, đến Bản Quả Khoáng Viên và truyền đến Nguyên Thiều. Những thông tin về Bản Quả Khoáng Viên đồng thời đính chính lại các nghiên cứu gọi ông là Bôn Khao, Bổn Kiểu, Bản Kiểu… đã không đủ nguồn gốc, không có tính chứng thực trong nghiên cứu về sư Khoáng Viên nói riêng và Phật giáo thời miền Trung đến miền Nam nước ta nói chung.
Những thông tin trên, về truyền thừa phái Lâm Tế phía Nam Trung Quốc, cũng như truyền phái đến Đại Việt, đính chính sự khập khiễng và không rõ trong nhận định về truyền thừa tông phái trong Thiền uyển Thống yếu Kế đăng lục của Như Sơn thiền sư[22]. Đồng thời, nối kết thiền phái Lâm Tế từ phía nam Trung Quốc đến phía Nam Việt Nam.
Nguyên Thiều thân phận
Các tư liệu ghi chép về Nguyên Thiều đến nay còn không nhiều. Tư liệu Hán văn để biện luận về thân phận và truyền phái của sư chủ yếu căn cứ trên bia sắc tứ ở chùa Hà Trung, cũng như các sách Đại Nam nhất thống chí, Đại nam liệt truyện tiền biên, hệ thống ván khắc, bài vị, kinh sách đương thời về sau lưu truyền trong các tự viện miền Trung đến miền Nam. Trong các thư tịch trên, đặc biệt quan trọng là văn bia sắc tứ chùa Hà Trung, cũng như sách Lịch truyện tổ đồ, là những tư liệu gần nhất với thời đại Nguyên Thiều Siêu Bạch.
Dưới đây tóm tắt và biện luận về thân phận Nguyên Thiều:
Về pháp danh: Nguyên Thiều và Siêu Bạch, thường gọi liên tục là Nguyên Thiều Siêu Bạch. Văn bia Sắc tứ chùa Hà Trung cũng như Lịch truyện tổ đồ đều ghi là Nguyên Thiều mà không đề cập đến Siêu Bạch. Bài vị các chùa, bài vị tháp đều ghi có Nguyên Thiều. Bài vị chùa Giác Lâm tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi: 敕賜國恩堂上臨濟正宗三十三世上煥下碧諱超白老祖和尚覺靈 – Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm Tế chính tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch Lão Tổ Hòa thượng giác linh[23].Ngoài ra, gần đây những nghiên cứu phát hiện tháp Kim Cương thờ Nguyên Thiều ở Đồng Nai cũng ghi tên pháp danh Siêu Bạch: 國恩金剛堂上三十三世諱超白煥碧和上祖師之塔 – Quốc Ân Kim Cương đường thượng tam thập tam thế húy Siêu Bạch Hoán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp. Trong trường hợp này ở gọi Nguyên Thiều và Hoán Bích là Pháp húy. Tác giả bài viết căn cứ văn bia chùa Hà Trung, luận thực thì đây là pháp danh.
Pháp tự: Hoán Bích. Văn bia Đại Việt Quốc vương Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp kí minh và Lịch truyện tổ đồ, là hai tài liệu sớm nhất ghi. Hai văn bản có nhiều điểm tương đồng về nội dung.
Tên hiệu: Thọ Tôn. Văn bia sắc tứ chùa Hà Trung không hề ghi đến tên Thọ Tôn. Thọ Tôn, xuất hiện trên các bài vị các chùa hoặc Pháp quyển – mà trong miền Trung, miền nam ngày nay hay gọi là Chánh pháp nhãn tạng. Nguồn gốc dùng tên Thọ Tôn không rõ từ khi nào. Tác giả bài viết tham khảo trên bài vị ban tổ chùa Thiền Lâm tại Hội An tỉnh Quảng Nam cho biết nội dung gắn liền: 諱元韶號煥碧壽尊大老和尚húy Nguyên Thiều hiệu Hoán Bích Thọ Tôn đại lão hòa thượng.
Tên húy – thụy: Hạnh Đoan. Theo bài vị trên Lăng của Nguyên Thiều ở Huế gọi tên Thụy. Tuy nhiên, trên bia Đại Việt Quốc vương Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp kí minh thì ghi là tên thụy, nguyên văn: 余諡曰:“行端禪師” – Ta ban cho tên thụy là Hạnh Đoan thiền sư. Ở đây là tên thụy của thiền sư Nguyên Thiều.
Sinh năm: 1648. Căn cứ bia Đại Việt Quốc vương Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp kí minh và Lịch truyện tổ đồ, đều ghi sư sinh năm Mậu Tý, tức năm 1648.
Năm viên tịch: 1728. Văn bia Đại Việt Quốc vương Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp kí minh cũng như Lịch truyện tổ đồ đều ghi năm Mậu Thân viên tịch, tương ứng năm sinh mất là 81 tuổi.
Từ những thông tin trên có thể thống nhất về thân thế Nguyên Thiều như sau:
Nguyên Thiều, quê Trình Hương, Quảng Đông, sinh năm 1648 đến khi 19 tuổi đến chùa Báo Tư xin xuất gia với Bản Quả Khoáng Viên hòa thượng. Được đặt pháp danh là Nguyên Thiều và Siêu Bạch, tên tự là Hoán Bích và tên hiệu là Thọ Tôn. Năm 1667 đến Đại Việt, dựng chùa Thập Tháp Di Đà ở phủ Quy Ninh, sau đó ông ra Thuận Hóa, xây dựng (nguyên văn Lịch truyện tổ đồ ghi khởi tạo, còn bia Sắc tứ chùa Hà Trung ghi Sùng tạo) chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng. Ông trở về Quảng Đông mời Thích Đại Sán và thỉnh xin tượng pháp cũng như pháp khí. Sau, Nguyên Thiều ra Thuận Hóa, được ban sắc tứ, ở chùa Hà Trung. Ông truyền đạo ở Đại Việt rồi viên tịch năm 1728, thọ 81 tuổi. Chúa Nguyễn bấy giờ ban thụy là Hạnh Đoan thiền sư[24].
Luận về truyền thừa từ Nguyên Thiều ở Đại Việt
Những năm cuối thế kỷ XVII sang thế kỉ XVIII, cũng là giai đoạn phát triển manh mẽ của Phật giáo miền Trung đến phía nam. Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Phúc Chu cũng cho mời Thích Đại Sán, dẫn theo khoảng 100 vị sư Quảng Đông sang truyền lập giới đàn, mang theo kinh sách, pháp khí… trên hai thuyền buôn lớn đến Đại Việt. Thời kỳ này, các chùa được lập nhiều, các thiền sư người Hoa định cư tại Việt Nam truyền đạo ngày càng nhiều hơn, trong đó đặc biệt các vị có hàng chữ Minh như Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Vật Nhất Trí…
Một số nghiên cứu đến nay đa phần đều nhận định hàng chữ Minh của các thiền sư trên là đệ tử của Nguyên Thiều. Nhận định đầu tiên, thậm chí vẽ thành biểu đồ đầu tiên trong Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể. Về sau Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, in năm 1974, của Vân Thanh cũng vẽ lại bản đồ truyền phái, trong đó liệt các vị hàng chữ Minh trên vào đệ tử Nguyên Thiều[25]. Điều đó, cho thấy các học giả hiện đại đa phần thống nhất các thiền sư hàng chữ Minh di cư từ Trung Quốc đương thời sang Thuận – Quảng đều là học trò của Nguyên Thiều thiền sư. Các cứ liệu thư tịch gần như không để lại gì, đến nay chưa có khám phá nào cụ thể. Tuy nhiên thông qua Bài vị thờ tự, qua Lịch truyện tổ đồ, qua những câu chuyện truyền lại của các đười trụ trì thì cho những xác cứ hàng chữ Minh đúng thật là đệ tử của Nguyên Thiều. Thậm chí có thể đoán định Nguyên Thiều về thụ giới cho họ ở Quảng Đông rồi đưa sang Đại Việt. Nên các tăng nhân hàng chữ Minh không hề thụ giới trong lần Thích Đại Sán sang, cũng như không hề thờ Đại Sán làm thầy. Khi Thích Đại Sán sang, Hải ngoại kỉ sự không để lại thông tin nào về Nguyên Thiều hoặc các đệ tử hàng chữ Minh đương thời.
Tác giả bài viết khi nghiên cứu thiền phái Lâm Tế miền Trung, đi điền dã nhiều tự viện đã thấy các chùa như Thiền Lâm (Hội An), Chúc Thánh (Hội An) đều có bài vị thờ ở ngôi cao nhất là Nguyên Thiều Siêu Bạch thiền sư. Như thế có thể khẳng định Minh Hải Pháp Bảo là đệ tử của Nguyên Thiều. Bài vị trong ban thờ tổ chùa Thiền Lâm, nơi đệ tử của Minh Hải Pháp Bảo trụ trì có bài vị nội dung như sau: 彌陀堂嗣臨濟正宗三十三世諱元韶號煥碧壽尊大老和尚Di Đà đường tự Lâm Tế chính tông tam thập tam thế húy Nguyên Thiều hiệu Hoán Bích Thọ Tôn đại lão hòa thượng. Đương nhiên, trong ban tổ chùa Thiền Lâm, thì bài vị (long vị) của Minh Hải thiền sư dưới thấp hơn một bậc. Minh Hải Pháp Bảo cũng ứng chữ Minh trong bài kệ truyền thừa của Tuyết Phong Tổ Định. Kể cả sau này, khi truyền ra kệ truyền phái, thì những đệ tử của Minh Hải thiền sư cũng ứng vào hàng chữ Thực như bài kệ của Tổ Định phái xuất. Thực Diệu Liễu Quán là đệ tử của Minh Hoằng Tử Dung phát triển tông phái ở Thuận Hóa, cũng theo bài kệ này.
Từ bài kệ của Tổ Định Tuyết Phong, xác định được truyền thừa vào cuối thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, XVIII ở Nam Trung Quốc và sang Việt Nam như sau.
Lâm Tế thế hệ | Chữ kệ truyền | Các tổ truyền theo thế hệ |
Đời thứ 29 | Chính 正 | Huyễn Hữu Chính Truyền幻有正傳 (1549-1614) |
Đời thứ 30 | Viên 圓 | Mật Vân Viên Ngộ密雲圓遇(1566-1642) |
Đời thứ 31 | Thông 通 | Mộc Trần Đạo Mân Thông Giác木陳道忞-通覺(1596-1674) |
Đời thứ 32 | Hạnh 行 | Khoáng Viên Hành Quả (Bản Quả) 曠圓行果(?-?) |
Đời thứ 33 | Siêu 超 | Nguyên Thiều Siêu Bạch元韶超白(1648-1728) |
Đời thứ 34 | Minh 明 | Minh Hải Pháp Bảo明海法寶(1670-1748)…..vv… |
Từ Nguyên Thiều, truyền đến các giai đoạn về sau và chia ra các nhánh phái như Liễu Quán, Minh Hải Pháp Bảo… tuy nhiên, nguồn gốc vẫn là từ Nguyên Thiều truyền sang. Điều đó có thể thấy, miền bắc phái Lâm Tế với tổ sư là Chuyết Chuyết thì miền Trung đến miền Nam, vị tổ sư phải là Nguyên Thiều. Từ Nguyên Thiều, lan tỏa tông môn phái phái khắp miền cho đến tận ngày nay.
Tiểu kết
Bài viết, căn cứ trên hệ tư liệu trong nước và ngoài nước, cùng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu của tác giả, để đưa ra những luận thuật về đời sống văn hóa tôn giáo thế kỉ XVII đến XVIII, tương ứng cuối Minh đầu Thanh của Trung Quốc và các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Việt Nam. Bài viết, từ những khái quát chung thời đại, di dân để đưa ra nhân vật cụ thể là thiền sư Nguyên Thiều người Quảng Đông (Trung Quốc). Nguyên Thiều sống trong giai đoạn biến động đó, rồi dịch chuyển sang Đại Việt truyền giáo, trở thành tổ sư lớn nhất của Phật giáo miền trung và miền Nam cho đến ngày nay. Bài viết cũng luận thuật được truyền thừa của Nguyên Thiều, từ Trung Quốc sang Đại Việt, mà chắc rằng chưa có nghiên cứu nào nối kết cụ thể và rành mạch như thế.
Viết tại Thời vũ viện
Tháng 9 năm 2017
________________
Tư liệu tham khảo:
- Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981 nxb Văn học, 2012.
- Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, bản lưu chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
- Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 6.
- Đại Nam nhất thống chí, bản biên soạn khắc in năm 1911, được in lại tại Nhật Bản bởi Ấn Độ Chi Na nghiên cứu hội, xuất bản năm 1941.
- Ngô Trung Nam thiền sa môn Thủ Nhất Không Thành biên soạn Tông giáo luật chư tông diễn phái, 吳中南禪沙門守一空成重編:《宗教律諸宗演派》,《卍續藏》第88冊,1667,CBETA,電子版,2011年。
- Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, nxb Văn học, HN, 2010.
- Nguyễn Tài Thư chủ biên: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, nxb KHXH, HN 1988.
- Như Sơn trong tác phẩm Thiền uyển kế đăng lục, bản lưu: AC. 158/a và AC.158/b tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Phạm Tuấn, Kệ phái truyền thừa Lâm tế Đại Việt, Thông báo Hán nôm học 2006.
- Phan Quốc Trung: Nghiên cứu bổ sung về thiền sư Nguyên Thiều va văn bia trên cơ sở đối sánh sử liệu, chưa công bố.
- Phan Quốc Trung: Nghiên cứu về Hành trạng thiền sư Bản Quả Khoáng Viên vị thầy của thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích, chưa công bố.
- Thích Đại Sán ghi chép trong Hải ngoại kỉ, bản dịch.
- Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo Huế, nxb Thuận Hóa, 2006.
- Thích Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức xuất bản xã, 1960.
- Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn: Chư tôn thiền đức Phật giáo Huế, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010.
- Vân Thanh, Lược sử Phật giáo sử Việt Nam, 1974.
[1] Từ nhiều năm trước tác giả bài viết đã nghiên cứu về Nguyên Thiều Thiền Sư, về Chuyết Chuyết thiền sư, về thiền tông Lâm Tế, Tào Động từ Nam Trung Quốc truyền vào Việt Nam. Tác giả cũng đã tham khảo nhiều nghiên cứu trong nước, nghiên cứu ở nước ngoài về các thiền phái, trong đó đặc biệt thiền phái của Nguyên Thiều. Năm 2015, luận thuật trong nghiên cứu của tác giả bài viết nối mạch tông phong Nam Trung Quốc sang Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc tại Đài Loan. Nay nhân dịp, để tác giả luận thuật trên bản tiếng Việt, đồng thời tham khảo thêm các nguồn tư liệu mới.
[2] Có nhiều người cũng đọc là Nguyễn Phúc Thụ.
[3] Phần này chúng tôi có tham khảo: Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn: Chư tôn thiền đức Phật giáo Huế, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, trang 52 – 69.
[4] Thích Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức xuất bản xã, 1960.
[5] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, nxb Văn học, HN, 2010.
[6] Nguyễn Tài Thư chủ biên: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, nxb KHXH, HN 1988.
[7] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm: Lịch sử Phật giáo Huế, nxb Thuận Hóa, 2006.
[8] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn: Chư tôn thiền đức Phật giáo Huế, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010.
[9] Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981 nxb Văn học, 2012.
[10] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn: Chư tôn thiền đức Phật giáo Huế, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010, trang 53.
[11] Sách đã dẫn, trang 53.
[12] Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, phần Tổ sư xuất thế thực lục, bản chữ Hán, được Minh Hành (1595-1659) là đệ tử của Chuyết Chuyết biên tập và san khắc, in ấn. Nội dung phần Thực lục ghi chép về thân phận của Chuyết Chuyết.
[13] Hệ tư liệu gần đây mới sưu tầm của Thích Đồng Dưỡng (Quảng Nam) và Thích Như Tịnh chùa Viên Giác – Hội An– Quảng Nam có thu thập được nhiều văn bản kinh sách Phật giáo có niên đại thời Lê Nguyễn, trong những ngôi chùa cổ trên núi ở các tỉnh phía nam Trung bộ. Đặt ra những giả thiết về khả năng kinh sách truyền vào nam trong quá trình di dân từ trước chứ không phải trong mấy chục năm qua.
[14] Văn bia chúng tôi tham khảo từ Phan Quốc Trung trong bài Nghiên cứu bổ sung về thiền sư Nguyên Thiều va văn bia trên cơ sở đối sánh sử liệu, chưa công bố. Trong bài viết đôi khi chúng tôi gọi tắt là Văn bia sắc tứ chùa Hà Trung.
[15] Văn bia, Lịch truyện tổ đồ…đều ghi Nguyên Thiều trở lại Quảng Đông thỉnh mời Thích Đại Sán và pháp khí.
[16] Theo Thích Đại Sán ghi chép trong Hải ngoại kỉ sự thì là hai người quê tỉnh Phúc Kiến được Nguyễn Phúc Chu cử sang mời Thích Đại Sán. Tại Việt Nam, nhiều sách ghi là Nguyên Thiều sang mời Thích Đại Sán, đây là căn cứ theo Đại Nam liệt truyện, thì không chính xác. Văn bia chùa Hà trung, đã dẫn ở trên cũng gghi Nguyên Thiều về mời Thích Đại Sán. Tuy nhiên, như luận, căn cứ vào Hải ngoại kỉ sự thì không có việc Nguyên Thiều mời Đại Sán sang Đại Việt.
[17] Xem thêm: Phạm Tuấn, Kệ phái truyền thừa Lâm tế Đại Việt, Thông báo Hán nôm học 2006. Trên mạng Net qua web của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1240&Catid=496
[19] Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 6, ghi: “Tạ Nguyên Thiều tự Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia tu ở chùa Báo Tư, làm đồ đệ của Hòa thượng Khoáng Viên. Thái Tông Hoàng đế Ất Tỵ năm thứ 17 (1665), Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn qua Quảng Nam, lưu trú tại phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di-đà, giảng truyền Phật giáo; kế ra Phú Xuân sơn, tỉnh Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ, sau phụng mạng Anh Tông Hoàng đế qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Hòa thượng và thỉnh tượng Phật, chuông khánh; lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung”…
[20] Thượng tọa Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược cho rằng, bài kệ này được truyền bởi Vạn Phong Thời Ủy chùa Thiên Đồng (Quảng Đông). Nhiều người đã nhầm bài kệ này thành của Vạn Phong Thời Ủy.
[21] Ngô Trung Nam thiền sa môn Thủ Nhất Không Thành biên soạn Tông giáo luật chư tông diễn phái, được lưu trong Đại chính Tân tu đại tạng kinh, là tập sách về các phái thiền ở Trung Quốc, truyền các đời, các kệ truyền thừa. Tác giả bài viết dùng cả bản điện tử CBETA, cả bản định dạng PDF của Đại chính tạng. 吳中南禪沙門守一空成重編:《宗教律諸宗演派》,《卍續藏》第88冊,No.1667,CBETA,電子版,2011年。
[22] Như Sơn trong tác phẩm Thiền uyển kế đăng lục, bản lưu: AC. 158/a và AC.158/b tại Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Như Sơn thiền sư khi biên soạn đến sau thời Huyễn Hữu Chính Truyền, để nối kết sang Chuyết Chuyết thiền sư ở miền bắc, thì có sự nhầm lẫn, hay chính xác là ông không biết nối kết thế nào để đến được Chuyết Chuyết.
[23] Căn cứ theo ảnh và chú thích bài vị trong sách Lược sử Phật giáo sử Việt Nam của Vân Thanh, xuất bản năm 1974, trang 169. Đồng thời tham khảo Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn: Chư tôn thiền đức Phật giáo Thuận Hóa, nxb văn hóa Sài Gòn, 2010.
[24] Đại Nam nhất thống chí, bản biên soạn khắc in năm 1911, được in lại tại Nhật Bản bởi Ấn Độ Chi Na nghiên cứu hội, xuất bản năm 1941, có nội dung như sau: 謝元韶,字煥碧,其先廣東潮州人,年十九出家,投報資寺。太尊皇帝乙巳十七年南來卓錫于歸寧府建十塔彌陀寺,廣開象教,尋往順化富春山造國恩寺,築普同塔。又奉英尊皇帝命如東求高僧,得石濂和尚,及還住持河中寺。臨病集僧眾囑秘語作偈曰:寂寂鏡無塵,明明珠不容,堂堂物非物,寥寥空勿空。端然而寂,法臘八十一歲,僧眾造化門塔藏舍利。顯尊賜諡行端禪師。
[25] Xem: Vân Thanh, Lược sử Phật giáo sử Việt Nam, 1974, bản đồ không trang, nằm giữa trang 152 và 153.
__________________
Tháp tổ Nguyên Thiều tại chùa Trúc Lâm (Huế)
Ảnh: Võ Trọng Lễ



