Vô thường
M.44 Bản chất tạm thời của vạn hữu
Đoạn này nêu lên tổng quát về bản chất bất thực, vô thường của vạn hữu mà ta chấp thủ. Cuộc đời quá ngắn, thoảng như tia chớp lóe.
Các ngươi nên thấy rằng, mọi pháp hữu vi đều chỉ như tia chớp, như hoa đốm, như một ngọn đèn, một huyễn tượng, như sương giá, bọt nước hoặc như là một đám mây mang sấm sét mà thôi.[23]
Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra, section 32, dịch Anhfrom Sanskrit by D.S.
M.45 Không có các yếu tố vật chất thường hằng
Đoạn này phê phán các quan điểm về vô thường của ngoại đạo, chủ trương rằng, các đại chủng (yếu tố tác thành vật chất) là thường hằng và chỉ có các sắc cấu thành bởi các đại chủng mới là vô thường. Vả lại, tam giới duy tâm, cho nên ngay cả ý niệm về các sắc vô thường cũng chỉ là vọng tưởng phân biệt của tâm.
Những ai bám lấy quan điểm vô thường được biết như là ‘sự hoại diệt của ngoại sắc’ tuyên bố rằng, khi (tướng) biến hoại, thì các đại chủng vẫn không diệt mất. Này Đại Huệ (Mahāmati), quan điểm ấy cho là, khi phân tích pháp cho đến vi trần, các đại chủng không hoại diệt, mà hoại diệt chỉ thuộc ngoại sắc, vốn có thể chuyển biến thành hoặc dài hoặc ngắn. Cực vi không hoại diệt, chỉ có ngoại sắc hoại diệt. Này Đại Huệ, đấy là chủ trương của trường phái Số Luận (Sāṃkhya) vậy. …
Này Đại Huệ! Với ta, không có thường và vô thường. Tại sao vậy? Vì không chấp thủ ngoại cảnh, bởi vì Ta nói rằng, tam giới chỉ do tự tâm, và bởi vì Ta không nói rằng, các pháp có các tướng sai biệt, không có hai tướng sanh và diệt sai biệt của các đại chủng[24]; không có hai tướng năng thủ và sở thủ sai biệt, tất cả đều do hư vọng phân biệt mà có…
Kệ rằng:
- Các ngoại đạo mê lầm, vọng tưởng phân biệt pháp nói vô thường là sanh diệt, do ngoại sắc chuyển biến, nên thật hữu, có sắc.
- Các pháp thật không diệt, thể đại chủng thường trú. Ngoại đạo mê chấp kiến, vọng tưởng phân biệt thường.
- Với các ngoại đạo này, không diệt cũng không sanh. Đại chủng vốn thường hằng, sao phân biệt vô thường?
- Tất cả duy tự tâm. Năng thủ và sở thủ, do phân biệt vọng tưởng. Không ngã và ngã sở.
Laṅkāvatāra Sūtra, ch.3, dịch Anh from Sanskrit by D.S.
____________
[23] Bài kệ này có thể được diễn giải theo hai cách: pháp hữu vi nên được xem như tia chớp…, hoặc là ta nên nhìn pháp hữu vi như cách ta nhìn tia chớp…
[24] Đất, nước, lửa, và gió.