Bố thí ba-la-mật
Những đoạn dưới đây mô tả ba loại bố thí ba-la-mật: tài thí, pháp thí và vô úy thí.
V.42 Tài thí
Tài thí có ba hạng: phổ thông bố thí, quảng đại bố thí và cực đại bố thí.
Phổ thông bố thí có nghĩa là cho kẻ khác các loại tài vật từ một chén trà hay một bát mạch. Miễn là người cho đi vật gì với ý lạc thanh tịnh, thì tài vật được thí xả lớn hay nhỏ không quan trọng…
Nói chung, nếu người ta sở hữu dù chỉ chút tài sản hay của cải, thì họ nắm giữ cho đến hơi thở cuối cùng, và vì vậy nó chẳng lợi ích gì cho họ trong đời này hay trong đời sau. Bất luận có bao nhiêu, họ cũng nghĩ rằng mình chẳng có gì và lớn tiếng ta thán rằng mình đang đói đến chết. Những người ấy ngay trong hiện tại đã cảm thọ quả đẳng lưu để thành ngạ quỷ.
Tránh những thái độ như vậy, ngươi nên nỗ lực hành bố thí, trên thì cúng dường Tam Bảo, dưới thì cho kẻ bần cùng khốn khó, và các việc như vậy. Như Milarepa nói, ‘Hãy nhường phần cơm từ miệng mình mà cho người đang đói.’ Nếu không, ngươi tư dục khống chế, dù cho ngươi có tất cả tài sản trên thế gian thì ngươi cũng chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Dù khi có cơ hội cúng dường, bố thí, mà ngươi không sẵn lòng thí xả những gì mình có, nhưng lại nghĩ rằng, sau này khi có tài sản nhiều hơn trước rồi mới cúng dường, bố thí.
Pháp hành tài thí và các loại của cái khác được Phật dạy chủ yếu cho hàng tại gia Bồ-tát. Hàng xuất gia chỉ nên tu học thiểu dục tri túc. Với họ điều quan trọng nhất là quyết chí tinh cần hành trì ba tăng thượng học (giới, định, tuệ), dù trong những điều kiện khó khăn như thâm sơn cùng cốc, am thất cô tịch.
Một số kẻ ngược đường hành đạo, tích lũy tài vật một cách gian dối bằng thương nghiệp hay nông nghiệp,[1] hay các nghiệp bất thiện khác, rồi tự khoe rằng hành trì pháp, trên cúng dường Tam Bảo, dưới bố thí kẻ nghèo. Dù vậy, nếu không hành đúng pháp, thì cái gọi là chánh pháp cũng thành nguyên nhân cho ác đạo. Loại bố thí như thế hoàn toàn vô ích. Điều quan trọng nhất, do đó, là luôn giữ tâm thiểu dục tri túc.
Quảng đại bố thí, đó là cho kẻ khác đến cả những thứ vô cùng quý hiếm hay trân quý với mình, như là ngựa khôn, voi chúa, con cái yêu quý.
Cực đại bố thí, chỉ cho việc bố thí thân thể, mạng sống, tứ chi hay các thứ khác của mình. Chẳng hạn như Vương tử Đại Lực thí thân mình cho hổ cái, Thánh giả Long Thọ dâng đầu mình cho Vương tử Sātavāhana, hay Công chúa Mandhabhadrī thí thân mình cho hổ cái.[2] Điều này, tuy vậy, ngoại trừ hàng Bồ-tát đắc địa (không còn nhiều những giới hạn của phàm phu), hạng phàm phu bình thường không thể làm nổi. Hiện thời, chúng ta chỉ nên tự trong thâm tâm đối với thân mạng và tất cả vật thọ dụng đều không tham chấp mà hồi hướng đến lợi lạc cho chúng sanh, rồi nguyện rằng trong vị lai có thể thực sự hành bố thí được như vậy.
The Words of My Perfect Teacher, pp.381–84, dịch Anh T.A.
V.43 Pháp thí
Pháp thí có nghĩa là làm tất cả mọi thứ để giúp người khác tu tập thiện pháp, – như quán đảnh, truyền pháp, truyền kinh, và các thứ khác. Tuy vậy, cho đến khi đoạn trừ tư dục (với những thứ như lợi lộc, danh dự), thì ta tuy mặt ngoài có làm việc lợi tha, ấy cũng chỉ là vang bóng mà thôi. …
Thật sự, bố thí pháp cho chúng sanh là điều rất khó. Thuyết pháp cho người mà tự mình chưa thực tu thì không ích lợi gì cho người khác. Truyền giảng pháp để thu thập cúng dường và tài lợi, là điều mà Dampa, từ Ấn-độ,[3] gọi là ‘đem chánh Pháp làm món hàng kiếm lợi.’ Chừng nào mà tâm niệm tự tư tự lợi của mình chưa dứt sạch, ngươi chẳng nên vội làm việc lợi tha. Thay vào đó hãy nguyện rằng bất cứ khi nào các thiện thần nghe đến lời trì tụng kinh điển, và xưng tụng nguyện tán hay đọc tụng Phật ngôn, thì tâm họ sẽ được giải thoát. Sau khi niệm tụng các nghi quỹ như thủy thí hay thí thân, kết thúc bằng bài kệ quen thuộc rằng ‘Không làm các việc ác; vâng làm những điều lành, tự thanh tịnh tâm ý, đây lời chư Phật dạy.’ (Pháp Cú 183), chỉ như vậy cũng đủ để gọi là hành pháp thí.
Cho đến khi mà tư dục của ngươi hoàn toàn đoạn tận, thì bấy giờ chính là lúc hiến thân chủ yếu hành lợi tha mà chẳng yên nghỉ trong chỗ an nhàn tịch lạc, dù chỉ sát-na. Hãy nên hành trì như vậy.
The Words of My Perfect Teacher, pp.384–87, dịch Anh T.A.
V.44 Vô úy thí cho người và vật
Vô úy thí chỉ cho những hành vi như cứu hộ chúng sanh không được bảo vệ, che chở những kẻ không được che chở, hay hộ trì những ai không được hộ trì. Đặc biệt, vì Thế Tôn từng thuyết rằng trong tất cả các pháp thiện hữu vi, cứu hộ sanh mạng của hữu tình là công đức hơn cả, vậy ngươi nên tinh cần nỗ lực cứu hộ chúng sanh, bằng mọi phương tiện có thể, như cấm chỉ săn thú và đánh bắt cá trong phạm vi quyền hạn của mình, chuộc lại dê cừu đang trên đường đến lò mổ, cứu mạng cá, sâu, côn trùng, sắp sửa bị giết hại, và các việc như vậy.
The Words of My Perfect Teacher, p.387, dịch Anh T.A.
_______________
[1] Chắc chắn không tránh khỏi giết hại chúng sinh, bao gồm cả côn trùng sâu bọ.
[2] Ba điển hình về bố thí bất nghịch ý rất nổi tiếng từ văn học Đại thừa. Đại Lạc Vương tử là một tiền thân của đức Phật, đã thí thân mình cho một con hổ đói trên bờ vực ăn (Jātaka-māla, chuyện số 1, Suvarṇa-bhāsottama
Sūtra, ch.18). Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) được cho là đã hy sinh cái đầu của mình theo lời yêu cầu của vương tử Sātavāhana trẻ tuổi, người mong muốn trở thành vua sau cái chết của phụ vương mình, mà sinh lực có liên hệ với Long Thọ.
[3] Đại thành tựu giả Ấn-độ tên Padampa Sangye (Dam pa sangs rgyas), đã viếng Tây Tạng nhiều lần trong thế kỷ XI đến thế kỷ XII và lập ra truyền thừa mật tục tại đây.