NHỮNG MẨU CHUYỆN ĐẠO

 

1- NHỮNG NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Có ông vua bảo vị đại thần rằng: “Khanh đem một con voi rồi để cho các người mù tới rờ xem thử thế nào”. Vị đại thần vâng lời tập họp các người mù lại, đem voi ra, biểu các người mù lấy tay rờ; mỗi người rờ một bộ phận của con voi. Vua bèn kêu các người mù mà hỏi rằng: “Con voi như thế nào?”. Người mù rờ tai nói con voi như cái quạt, người rờ đầu nói con voi như hòn đá, người rờ vòi nói con voi như cái gậy, người rờ chân nói con voi như cổ chày, người rờ lưng nói con voi như cái giường, người rờ bụng nói con voi như cái ghè, người rờ đuôi nói con voi như cái chổi.

Này Thiện nam tử ! Như các người mù kia không nói trúng toàn thể con voi, nhưng cũng không nói ra ngoài toàn thể con voi. Các tướng trạng như vậy không phải là con voi, nhưng ngoài tướng trạng ấy thời không riêng có con voi. Này Thiện nam tử ! Vua ví dụ cho Đức Như Lai Chánh

Biến Tri. Vị đại thần ví dụ cho Kinh Đại Phương Đẳng, Đại Niết Bàn, con voi ví dụ cho Phật tánh. Các người mù rờ voi thí dụ cho hết thảy chúng sanh vô minh.

Kinh Đại Niết Bàn

2- TRÀNG HOA BONG BÓNG

Xưa có vị Công chúa được vua cưng quý hết sức. Một hôm trời mưa, thấy bong bóng nước nổi lên mặt hồ, lấy làm thích ý, liền đòi lấy bong bóng nước ấy làm một tràng hoa để mang trên đầu. Vua đáp: “Bong bóng nước đâu có thể cầm bắt, làm sao có thể kết thành tràng hoa được”. Nàng Công chúa không chịu, dọa vua nếu không được thì sẽ tự tử. Vua lo lắng, cho người mời tất cả người thợ tài giỏi nhứt trong nước, nhưng ai cũng bó tay. Sau có người thợ già nói rằng: “Tôi có thể làm được, nhưng phải mời Công chúa đến chứng kiến”. Và người thợ thưa với Công chúa rằng: “Tôi có tài kết bong bóng nước làm thành tràng hoa, nhưng không thể phân biệt bong bóng tốt xấu; vậy xin Công chúa tự thân lựa những bong bóng đẹp rồi đưa cho tôi kết thành tràng hoa”. Công chúa tự tay cúi xuống nắm bong bóng nhưng bắt cả buổi mà không được cái nào cả. Sau cùng mỏi mệt quá, nên phải bỏ đi. Nàng Công chúa mới hiểu bong bóng nước làm mê hoặc mắt người, tuy có hình chất, nhưng sanh ra rồi diệt ngay. Thân người là giả dối, vui ít khổ nhiều, sanh sanh diệt diệt, không thể tồn tại lâu dài.

Trích Kinh Thủy Thượng Bào

3- GẦN PHẬT VỚI XA PHẬT

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, tại tịnh xá Kỳ Hoàn thuyết pháp cho chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ, ở nước La-duyệt-kỳ có hai vị tân học Tỳ- kheo muốn yết kiến Đức Phật. Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời nắng hạn, nên suối hồ đều cạn. Hai người đi ngang qua bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ thì thấy những loài trùng, không thể uống được. Hai người mới bàn với nhau: “Chúng ta từ xa lại cốt trông mong chiêm ngưỡng Đức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát ở giữa đường”. Một người nói rằng: “Thôi ta hãy tạm uống cho khỏi chết có vậy mới gặp được Phật. Vả lại, ta uống cũng không ai biết cả”. Người kia đáp: “Giới luật Phật chế cấm không được uống nước có trùng, chính lấy nhơn từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để tự sống thì dầu thấy Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà sống”. Người đầu theo ý riêng mình uống nước cho hết khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát, nhưng lại được sanh cõi trời Đao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết ở kiếp trước giữ giới không phạm nên được sanh lên cõi trời Đao Lợi, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ đoạn, bèn đem hương hoa đến lễ Phật rồi đứng hầu một bên. Còn người uống nước phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đấng Chí Tôn oai nghiêm, người liền cúi đầu đảnh lễ, khóc lóc bạch rằng: “Con còn có người bạn cũng muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong Đức Thế Tôn biết cho”. Đức Phật trả lời: “Ta đã rõ rồi”, bèn lấy tay chỉ vị tiên nhơn đứng một bên mà nói rằng: “Người tiên nhơn này chính là bạn của ngươi đó. Người này vì giữ trọn giới luật nên được sanh lên cõi trời và được gặp Ta trước ngươi”. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lấy tay chỉ vào người kia bảo rằng: “Ngươi tuy thấy hình Ta mà không giữ giới luật của Ta, thời tuy ngươi thấy Ta mà như không thấy. Người kia tuy cách xa Ta ngàn dặm nhưng vẫn giữ được giới luật, thời người ấy tất đứng trước mặt Ta”. Lúc bấy  giờ, Đức Phật nói bài kệ rằng:

Học nhiều lại nghe nhiều
Hai đời được ngợi khen
Học ít lại nghe ít
Hai đời gặp đau khổ
Phàm học nên nghe nhiều
Dầu gặp nhiều tai nạn
Trì giới không trái phạm
Chỗ sở nguyện được thành
Giữ giới không chu toàn
Chỗ sở nguyện bị tan mất
Xét lý nhân yếu nghĩa
Không gì đáng can ngại.

Lúc bấy giờ, vị Tỳ-kheo nghe bài kệ xong bèn tự xấu hổ cúi đầu xin sám hối, yên lặng suy nghĩ lời Phật dạy. Còn vị Tiên nhơn tâm hoan hỷ chứng được Pháp nhãn, chúng hội hoan hỷ phụng hành.

4- CON DAO TRONG TÂM

Một thời ở thành Xá-vệ nước Ấn Độ, Đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa một vị Đạo nhơn đến khất thực. Lúc ấy, người chồng đi vắng, người vợ ở nhà thấy vị Đạo nhơn vào liền mắng chửi ầm lên. Vị Đạo nhơn nói:

– “Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn tự sống. Lòng chỉ mong gia chủ cho bát cơm để đỡ đói lòng, sao lại mắng chửi tôi đủ điều như vậy?”.

Người vợ tức giận hét ngược lên thì người chồng vừa về, trong tay cầm sẵn con dao, chẳng nói gì, người chồng xông tới định chém vị Đạo sĩ. Bỗng một bức thành pha lê hiện lên bao bọc người Đạo sĩ, bức thành trong sáng kiên cố, không có cửa. Người chồng đến xô đạp đâm chém cũng không sao chuyển nổi.

Người chồng liền nói: “Ông mở cửa cho tôi vào với”. Vị Đạo sĩ trả lời: “Được, nhưng ông hãy quăng con dao đi đã”.

Người chồng tự nghĩ: “Mình to con như thế này, còn người Đạo sĩ bé nhỏ thế kia, mình dùng hai tay không, cũng đủ giết chết vị Đạo sĩ”. Nói đoạn người ấy liền quăng con dao đi xa, nhưng bức thành pha lê vẫn y nguyên như cũ. Người chồng tức giận hét lên: “Tôi đã quăng con dao đi rồi, sao không mở cửa tôi vào”.

Vị Đạo sĩ đáp: “Không, tôi không nói ông quăng con dao trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao trong tâm ông kia”.

Người chồng giật mình kinh sợ, nhận thấy vị Đạo sĩ hiểu rõ tâm ý thầm kín của mình, liền cúi xuống lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành bỗng biến mất, vị Đạo sĩ hiện thành Đức Phật hào quang chói sáng rực rỡ, và tiếp độ cho hai vợ chồng.

5- TẠI SAO PHẢI NIỆM PHẬT?

Thành Thất-la-phiệt có một ông Hoàng tánh rất hung bạo. Thêm vào đó, quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội ác trước pháp luật. Chưa một lời phải, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới thấy, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước quản tượng. Ngài có dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật Đà, hãy từ bi thương người, hùng lực cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất, ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng ông nữa. Khi ông toan đánh đuổi người, bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại nhưng không bố thí chút gì. Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại ông nhớ lại rõ ràng hình dung Đức Phật và lời Ngài dạy. Đêm hôm ấy ông suy nghĩ mông lung. Ông nghĩ: “Nhớ Phật, phải nhớ đến người nghèo khổ. Tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Rồi mới sáng ông liền đi tìm Phật. Giữa đường gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường, ông suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: “Vì tưởng nhớ Phật nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi mang ơn anh chớ nào anh có mang ơn gì tôi”. Người hành khất nghe, lấy làm lạ, vì không lạ gì tánh nết của ông và uy danh của Đức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm “NAM MÔ PHẬT ĐÀ” (kính lễ đấng  Giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, Đức Phật mỉm cười hiền từ bảo: “Khi niệm Phật ông hãy tưởng niệm người nghèo khổ. Tưởng niệm người nghèo khổ là tưởng niệm chư Phật đó”.

Kinh Tạp Bảo Tạng

Giới là bậc Đại sư của các người, nếu Ta ở đời, cũng không khác giới vậy.
KINH DI GIÁO

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15
Share.
Leave A Reply

Exit mobile version