LÝ NHÂN QUẢ

I- ĐỊNH NGHĨA CHỮ NHÂN QUẢ

Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân quả là một định luật tất nhiên, nêu rõ sự tương quan tương duyên giữa nhân và quả: phàm đã có nguyên nhân tác động, tất nhiên có kết quả hình thành, phản ứng nguyên nhân ấy. Ví dụ: Có học thì biết chữ, đánh trống thì có tiếng vang dội. Như vậy, chúng ta biết rằng tất cả sự vật hiện tại đều là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của nghiệp nhân, không phải có ai sanh, cũng không phải tự nhiên sanh.

II- NHỮNG ĐĂC ĐIỂM VỀ LÝ NHÂN QUẢ

1- Nhân quả là định luật hiện thực: Đức Phật không phải là người sáng chế đạo lý nhân quả. Ngài chỉ là người đã giác ngộ sự tương quan, tương duyên giữa nguyên nhân và kết quả của sự vật. Đức Phật căn cứ trên hiện cảnh thực tại để thuyết nhân quả cho chúng ta hiểu.

2- Nhân quả chi phối tất cả: Tất cả sự vật, tất cả các sự hưởng thọ dù có sai khác chênh lệch nhau, nhưng cũng đều là sự hình thành sai biệt của nghiệp nhân bất đồng. Bởi thế, định luật nhân quả chi phối tất cả sự vật, không ai có thể phủ nhận đạo lý nhân quả, nếu muốn hiểu biết đúng với sự thật.

3- Nhân quả là một định luật rất phức tạp: Lý nhân quả không phải giản dị như chúng ta thường hiểu. Sự liên lạc, tương quan, tương duyên, tương phản giữa nhân và quả, nhiều khi làm đạo lý nhân quả trở thành phức tạp khó nhận. Cũng bởi thế, những người trí thức nông nổi tầm thường, khó nhận thức đúng với sự thật, với đạo lý nhân quả được.

III- SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA NHÂN VÀ QUẢ

Đức Phật dùng đạo lý nhân quả để giải thích trình bày sự tương quan, tương duyên giữa nhân và quả. Sự tương quan ấy rất mật thiết, nhưng cũng rất phức tạp khó nhận.

1- Một nhân không thể sanh ra quả: Sự vật giữa vũ trụ đều là tổ hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Ví dụ cây lúa không những chỉ do hạt lúa tạo thành mà cần phải có các nhân khác giúp vào hạt lúa mới nảy mầm thành cây và cây phát triển tồn tại.

2- Nhân nào quả ấy, mảy mún không sai: Nhân thế nào thì kết quả cũng như vậy, chứ không bao giờ nhân quả tương phản, mâu thuẫn nhau. Người học đàn chỉ biết đàn, chứ không thể biết vẽ, người làm việc lợi ích thì bao giờ cũng được kết quả tốt, chứ không thể có kết quả xấu.

3- Trong nhân có quả, trong quả có nhân: Chính trong nhân hiện tại chúng ta thấy quả vị lai và chính trong quả hiện tại, chúng ta đã tìm được nhân của quá khứ. Ngay trong sự hưởng thọ của kiếp người, chúng ta thấy rằng, sở dĩ hiện tại chịu mọi điều thống khổ là vì nghiệp nhân bất thiện của chúng ta đã tạo. Ngược lại, chúng ta có: nếu hành động hiện tại là tốt đẹp, tất nhiên kết quả tương lai sẽ tươi sáng. Trong người Phật tử chơn chánh hiện tại, chúng ta có thể thấy rõ rằng nguyên nhân tốt đẹp của người ấy đã gieo ở thời quá khứ và cũng thấy rõ quả báo tốt đẹp của người ấy sẽ được hưởng thọ ở đời vị lai.

4- Nhân có năng lực tạo thành hình tướng: Có vôi gạch đất đá và nhân công hợp lại thì thành cái nhà, nếu những dụng cụ ấy rã rời, ly gián hay biến hoại thì hình tướng của cái nhà không còn.

IV- SỰ LIÊN LẠC GIỮA NHÂN QUẢ QUA THỜI GIAN

a- Nhân quả một thời: Nhân quả nối liền nhau vừa tạo nhân, quả liền phát khởi. Như đánh chuông liền nghe tiếng. Quả theo liền với nhân, chứ không cần chờ đợi một thời gian quả mới thuần thục.

b- Nhân quả trong hiện tại: Tạo nhân đời này thì kết quả cũng trong đời này, như trồng lúa thì chừng sáu tháng đã có lúa, không cần phải đợi một thời gian lâu xa.

c- Nhân quả có hai đời: Nhân tạo đời trước, đời này mới kết quả. Nhân tạo đời này đến đời sau mới kết quả, nghĩa là cần đợi một thời gian khá lâu, quả mới thuần thục.

d- Nhân quả trong nhiều đời: Nhân tạo từ các đời trước đến đời này mới kết quả. Nhân tạo trong đời này, đến các đời sau mới kết quả.

V- NHỮNG VÍ DỤ VỀ LÝ NHÂN QUẢ

Nhân quả là một sự thật, một định luật tất nhiên của sự vật vì thế không có sự vật nào thoát ngoài sự chi phối của định lý nhân quả.

1. Nhân quả hiện nơi hiện cảnh: Núi rừng là kết quả của nhiều cây hợp lại, cây được sinh tồn phát triển là nhờ sự nuôi dưỡng của các thứ hóa chất, thán khí, sinh tố v.v… Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì cây cối tàn hại, nạn nước dâng trào.

2- Nhân quả nơi tự thân: Thân thể là nơi kết hợp của các tế bào, bốn đại và năm uẩn; người béo tốt là bởi sinh lực dồi dào, huyết quản lưu thông và sống hợp vệ sinh điều độ.

3- Nhân quả tự nơi tâm: Tánh tình tư tưởng và trí thức con người cũng chịu sự điều khiển chi phối của định lý nhân quả. Làm điều độc ác thì trí tưởng thấp hèn, nghĩ điều lành thì tánh tình thuần thục, học nhiều nhớ rộng thì kiến thức mở mang, thông thái uyên bác.

VI- SỰ ỨNG DỤNG LÝ NHÂN QUẢ

Nếu chúng ta có hiểu định lý nhân quả và cố gắng thực hành thì có rất nhiều sự lợi ích:

1- Lý nhân quả làm cho chúng ta thấy sự thật: Trong lý nhân quả, Đức Phật đã giải thích rõ ràng sự tương quan giữa nhân và quả, nghĩa là sự liên lạc mật thiết giữa vũ trụ vạn hữu. Nhờ vậy chúng ta có thể hiểu thấu thực trạng của sự vật, như sự thật mà hiểu biết, chứ không vọng tưởng sai lầm.

2- Căn cứ định lý nhân quả, Đạo Phật không chấp thuận thuyết vũ trụ do một đấng Thượng đế sanh ra và có uy quyền thưởng phạt muôn loài.

3- Người hiểu nhân quả đặt lòng tin tưởng ở chính mình: Đã biết cuộc đời của mình do nghiệp nhân của chính mình tác thành, như thế thì tự mình là chúa tể và có đặc quyền cải tạo đời sống của mình hiện tại, trở thành trong đẹp thanh cao.

4- Người tin lý nhân quả không chán nản, không trách móc: Đã rõ tất cả hoàn cảnh hưởng thọ đều do chính mình tác động, người hiểu nhân quả, dù gặp thất bại, nghịch cảnh cũng không chán nản trách móc ai. Chỉ lo tự mình cải tạo lấy nghiệp nhân bất thiện, để được hưởng kết quả chơn chánh thanh tịnh mà thôi.

5- Người hiểu biết nhân quả chỉ lo tạo nhân lành và bất cứ làm một việc gì cũng nghĩ đến kết quả trước: Đã hiểu những sự hưởng thọ hiện tại đều do nghiệp nhân quá khứ tác động, nếu muốn được kết quả tốt đẹp, cần phải siêng tạo những nghiệp nhân thuần lương, và trong lúc tạo nhân lại cần nghĩ những kết quả sẽ thành tựu, có tốt đẹp không, mới chịu làm.

VII- KẾT LUẬN

Lý nhân quả là một định lý tất nhiên: Chi phối tất cả sự và lý ấy cho chúng ta thấy rõ rằng mọi sự hưởng thọ dù tốt đẹp hay xấu xa của kiếp người hiện tại cũng là sự trình bày khách quan của nghiệp nhân ở quá khứ. Cho nên con người là đấng chúa tể, con người tự định đoạt, tự tác thành đời sống của mình chứ không ai có quyền can thiệp thưởng phạt. Định lý nhân quả của Đạo Phật đem lại cho chúng ta một đức tính mạnh mẽ sáng suốt, và mở rộng chân trời giải thoát giác ngộ cho mọi loài chúng sanh.

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15
Share.
Leave A Reply

Exit mobile version