LÝ LUÂN HỒI
I- LỜI NÓI ĐẦU
Con người do ai sanh ra? Sanh ra rồi để làm gì và sẽ đi đâu? Ba câu hỏi này làm nhơn loại luôn luôn thắc mắc băn khoăn. Và tất cả tôn giáo triết học chủ nghĩa từ trước đến nay cũng đã tìm tòi trình bày rất nhiều giải đáp. Nhưng hiện tại, con người vẫn chưa được thấy thỏa mãn, và vấn đề nhân sanh quan vẫn còn đè nặng trên trí óc con người. Với đạo lý luân hồi, Đạo Phật đã trả lời những câu hỏi trên, và chúng ta sẽ thấy rõ địa vị con người trong Đạo Phật như thế nào.
II- NHỮNG SỰ HIỂU LẦM VỀ NHƠN SANH
Vấn đề nhơn sanh quan có rất nhiều giải đáp không giống nhau của các tôn giáo triết học và chủ nghĩa. Những lời giải đáp ấy không ra ngoài bốn món kiến chấp sau đây:
a- Chấp đoạn: Con người chỉ có với hiện tại, trong khoảng mấy mươi năm sống, đến khi chết thân thể tan ra tro bụi, kiến văn giác tri không còn, chết rồi thì mất hẳn. Nhưng chúng ta thấy ở đời này, không có vật gì là mất hẳn. Cho đến một hột cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống nữa là cái thân hay biết nơi một con người.
b- Chấp thường: Có người cho rằng, sau khi chúng ta chết tuy thân thể tiêu tan; nhưng vẫn có một linh hồn bất tử, linh hồn ấy sẽ được lên cõi thiên đường luôn luôn hưởng những sự an vui khoái lạc (nếu trồng nhân lành hiện tại), hay sẽ bị đọa vào cõi địa ngục chịu khổ mãi mãi (nếu tạo các nhân ác). Chúng ta thử hỏi linh hồn bất tử có cảm giác như con người sống, và có thân thể hay không thân thể? Nếu đã có thân thời như người sống rồi, sao gọi là chết? Nếu không có thân thì biết lấy gì để cảm xúc với ngoại cảnh để biết đau buồn vui sướng? Lại nhân có hạn lượng thì quả phải có hạn lượng, lẽ đâu lại có những điều bất công như vậy. Hơn nữa với sự nhận xét thông thường chúng ta thấy rằng mọi vật đều biến đổi xê dịch, nào có cái gì trường tồn, không sanh không diệt đâu?
c- Chấp thân trước không can hệ đến thân sau: Có người cho rằng dầu thân này chết sanh ra thân sau, nhưng thân sau ấy không liên can gì với thân trước. Nhưng thân sau ấy vẫn là mình nghĩa là vẫn tự chấp có cái là biết vui buồn đau khổ, sao lại không liên can? Lại một thân sanh ra đâu phải không chịu những ảnh hưởng của những nghiệp nhân tạo từ nhiều đời, thời sao lại không liên can được.
d- Chấp luân hồi theo luật tiến hóa: Có người công nhận rằng: Sự vật đều có luân hồi theo luật tiến hóa, nghĩa là loài thực vật có thể luân hồi thành loài hạ đẳng động vật, loài hạ đẳng động vật luân hồi thành loài cao đẳng động vật. Như loài khỉ có thể tiến hóa, nhưng cũng có thoái hóa rõ ràng vậy bằng chứng vào đâu mà nói rằng nhứt định chỉ có tiến hóa.
III- NGHĨA CHỮ LUÂN HỒI TRONG ĐẠO PHẬT VÀ MỤC ĐÍCH ĐẠO PHẬT
a- Các cõi trong Đạo Phật: Đạo Phật có chia ra các cõi, các loại ra làm sáu cõi phàm và bốn bậc Thánh. Sáu cõi phàm là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thiên, nhơn, A-tu-la. Bốn bậc Thánh là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật.
b- Định nghĩa: Luân là bánh xe. Hồi là quay tròn; con người sống rồi chết, chết rồi đầu thai vào một trong sáu cõi phàm, rồi lại sống, để rồi chết và cũng đầu thai một trong sáu cõi phàm ấy; luôn luôn như vậy không bao giờ ra khỏi, không bao giờ dừng nghỉ như chiếc bánh xe chạy tròn không dừng.
c- Mục đích Đạo Phật: Mục đích Đạo Phật là giải thoát con người ra ngoài vòng sanh tử luân hồi, nghĩa là giúp con người chứng được trong bốn bậc Thánh, tức là đã ra khỏi ngoài vòng sanh tử luân hồi, chứng được Vô sanh.
IV- SỰ LUÂN HỒI CỦA MỌI VẬT
Lý luân hồi là một luật chung lưu hành của tất cả sự vật, không riêng gì cho loài hữu tình.
1- Các loài thực vật: Như cây vải, do hột cây vải gieo xuống đất, mọc thành cây vải, rồi có trái có hột, đem hột ấy trồng thành cây vải khác mãi mãi như vậy không bao giờ dừng nghỉ.
2- Mưa: Nước biển do khí nóng mặt trời bốc hơi lên, hơi gặp khí lạnh đọng thành mây, rồi rơi xuống thành mưa, nước mưa lại chảy về sông, biển. Nước sông, biển bốc hơi lên, làm mây, làm mưa, mãi mãi như vậy mà nước vẫn là nước, không bao giờ mất hẳn.
3- Sức nóng: Sức nóng chứa trong cây, tìm chẳng gặp, trông chẳng thấy, song lấy hai cây chà xát, hồi lâu có lửa bật cháy. Lửa ấy đốt cây tạo thành thán khí, các cây khác hút lấy thán khí để chứa lại sức nóng như trước hoặc lửa chuyền sức nóng cho các vật khác, chứ chưa bao giờ cùng tận.
V- NGUYÊN NHÂN CỦA LUÂN HỒI
Sự sanh tử luân hồi của con người do những nguyên nhân sau đây:
1- Sức mạnh của nghiệp: Con người sống ở đời là luôn luôn tạo các nghiệp về thân, về miệng, về ý nghĩ, những nghiệp này tiếp nối nhau luôn, tạo thành những sức mạnh dắt dẫn con người sau khi chết rồi phải đầu thai để sống một kiếp khác. Sức mạnh của nghiệp đó càng ngày càng được tăng cường nối tiếp, nên con người luôn luôn phải sống trong sanh tử luân hồi. Có bốn thứ nghiệp thường hay dắt dẫn con người đi đầu thai là:
- Tích lũy nghiệp: Là những nghiệp tạo tác trong nhiều đời trước chất chứa lại.
- Tập quán nghiệp: Là những nghiệp tạo trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn nên thành thói quen, thành tập quán.
- Cực trọng nghiệp: là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả, nên chi phối tất cả.
- Cận tử nghiệp: Là những nghiệp lực gần lâm chung cũng rất mãnh liệt và dắt dẫn con người đi đầu thai.
2- Lòng tham sống sợ chết và sự luyến ái của con người: Không một ai không tham sống sợ chết, nên trong khi lâm chung cố hết sức bám víu vào sự sống, tìm hết cách để cho khỏi chết, lại thêm lòng tham lam dục lạc chưa được thỏa mãn, thành thử không lúc nào là không muốn sống để hưởng thọ những khoái lạc. Do lòng tham sống và lòng tham dục của con người nên khi phải bỏ xác thân này thời đi tìm một xác thân khác để thỏa mãn những sự ước vọng tham dục của mình.
3- Do sự mê mờ chấp trước: Tất cả chúng sanh huân tập theo chỗ tạo nghiệp, không trực nhận bản tánh chơn như bao la của vũ trụ, lại nhận cái biết nhỏ hẹp làm tâm của mình, nhận cái sắc nhỏ hẹp làm thân của mình. Nào khác gì biển cả mênh mông không tự nhận, lại chỉ nhận một bọt nước nhỏ là mình và cho nước nhỏ là biển thì quyết định không còn biết gì là biển nữa, và do đó theo bọt nước mà bị biến diệt vô thường. Khi chúng ta đã nhận lầm cái nhỏ hẹp là tâm, là thân, thì phải theo tâm theo thân nhỏ hẹp này mà chịu sanh tử luân hồi.
VI- HÀNH TƯỚNG LUÂN HỒI
Lối thọ sanh tùy theo hạnh nghiệp tác động sai khác không đồng nhau. tùy tâm sở thích, tùy hạnh nghiệp tạo tác mà thành những năng lực tác động rất mạnh dắt dẫn con người đi đầu thai, và dắt dẫn vào đường nào thì sanh vào đường ấy, cõi ấy. Như hạnh nghiệp thuần thiện, luôn làm các việc thiện, tu hành 10 điều thiện thời được thác sanh vào cõi thiện. Nếu hạnh nghiệp thuần là ác, thì dắt dẫn thác sanh vào địa ngục v.v… Kinh nghiệm cho chúng ta rõ rằng: Khi lâm chung nếu khắp thân đều lạnh, hơi nóng dồn vào chân thì sanh vào cõi súc sanh, ở nơi bụng thì sanh vào cõi ngạ quỷ, ở quả tim thì sanh vào cõi người, ở nơi con mắt thì sanh lên cõi trời và ở trên đầu thì được sanh lên cõi Tịnh Độ.
VII- SỰ CHỨNG NGHIỆM LÝ LUÂN HỒI
Lý luân hồi là một sự thực do Đức Phật đã trình bày, và sự thực này có nhiều bằng cớ, lý lẽ chứng minh một cách rõ ràng:
1- Chính trong từng tâm niệm, con người có thể trải qua trạng thái của sáu loài: Khi con người ôm lòng độc hại, thì cảnh Tu-la hiện khởi; khi người niệm điều thiện, thì cảnh giới nhân thiên hiện khởi, không bao giờ sai chạy.
2- Cảnh giới của sáu loài nhiều khi không ở đâu xa, chính hiện tiền xung quanh cũng có thể thấy được: Trên cõi đất này, những ngục hình, những phòng tra tấn, những trại giam có những hình phạt như tra kẹp hành hình, chó táp, đổ nước sôi v.v… thì đó là cảnh giới địa ngục, chỗ nào bị chiến tranh tàn phá, bị chết dưới làn bom đạn thì đó là cảnh giới địa ngục. Lại đối với con cua bị bỏ vào nước sôi, con lươn bị lột da đều phải sống trong cảnh giới địa ngục cả.
3- Thần đồng: Pascal trên 8 tuổi đã thông kỷ hà học. Bạch Cư Dị mới 5 tuổi đã biết làm thơ, không thể là một sự ngẫu nhiên. Những vị gọi là thần đồng đều do những đời trước đã từng có khả năng chuyên nghiệp về những môn gì, nên mới sanh ra là đã có những biệt tài siêu việt hơn người.
4- Các chuyện tiền thân: Các chuyện tiền thân do Đức Phật, các vị Bồ-tát thuật lại, một vài câu chuyện của một vài người nhớ lại kiếp trước, chứng tỏ rằng, đã có rất nhiều kiếp trước, nghĩa là con người đã từng sống qua nhiều trạng thái trong sáu đường, trước khi sống trong đời hiện tại.
5- Sự thông cảm giữa người và người: Có người, ta mới gặp liền sanh lòng thương yêu ngay, có người mới gặp liền sanh tâm ghét bỏ, có lẽ đó là vì nhiều đời trước chúng ta chung sống với người ấy, hoặc đã thương nhau hoặc đã ghét nhau, nên đời nay mới gặp, liền có những niềm thiện cảm hay ác cảm mãnh liệt như vậy.
VII- KẾT LUẬN
Với đạo lý luân hồi, Đức Phật đã nêu bày cho chúng ta rằng:
1- Nguyên nhân chính của sự đau khổ là mê mờ. Vì mê mờ mà tác động các hạnh nghiệp; do những nghiệp nhân ấy là phải chịu sanh tử luân hồi.
2- Con người luân chuyển trong sáu đường, đều tùy theo nghiệp nhân mà thọ quả báo, trong sự luân chuyển ấy, con người đã trải qua trạng thái của sáu loài, khi lên khi xuống tùy theo nghiệp nhân. Như vậy con người không phải là thống trị cả muôn vật và rất có thể tùy theo từng tâm niệm mà giá trị con người khi cao khi thấp không nhứt định.
3- Con người đã thọ sanh trong sáu đường, thời con người cùng với các loài đều có thể đắp đổi nhau làm cha mẹ, và như vậy mọi chúng sanh đều là bà con anh em với nhau trong đại gia đình chúng sanh.
4- Đạo Phật nói đến luân hồi là giúp con người giải thoát ra ngoài sự sanh tử luân hồi.
Ở đời ai nghèo đến nỗi không có thân. Thấy người làm phước, nên tự thân đến giúp, như vậy cũng gọi là thí chủ, cũng được phước đức.