NĂM GIỚI
I- ĐỊNH NGHĨA
Giới là phòng bị răn cấm ngăn ngừa. Năm giới là năm điều luật Phật chế để đối trị và ngăn ngừa những hành động không thiện, những ý tưởng phi pháp (phòng phi chỉ ác). Giới lại có nghĩa là biệt biệt giải thoát; không phạm một điều luật tức giải thoát được một hình ngục và hưởng thọ được công đức.
II- CÔNG NĂNG BẢO GIỚI
Giới là căn bản của Định và Huệ, thiếu giới, định huệ không phát triển và Phật quả không viên thành, như thiếu một nét ngang, thì hình ba góc không thành. Giới lại là ngọc ma-ni trang sức Pháp thân huệ mạng, và cũng là hàng rào sắt ngăn cản tội lỗi.
III- SỰ QUAN HỆ CỦA NĂM GIỚI
Năm giới là cấp bậc đầu tiên của con người trong khi hướng về đường thiện. Muốn bảo tồn nhân cách, duy trì đức hạnh để xứng đáng với danh nghĩa làm người, cũng phải vâng giữ năm giới. Năm giới lại là cơ sở của đạo giác ngộ và giải thoát và năm giới này là chính do Đức Phật thân chế ra.
IV- HÀNH TƯỚNG NĂM GIỚI
Năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không vọng ngữ, không tà dâm, và không uống rượu.
A- KHÔNG SÁT SANH
Không cắt đứt mạng sống của những động vật có trí giác cảm thọ, khác với thực vật và khoáng vật, nghĩa là không cố ý khi giết hại sinh vật, dù nhỏ nhiệm như côn trùng.
1- Phương tiện giết hại
a- Tự mình giết: Chú tâm và tự giết hại chứ không phải vô ý giết lầm.
b- Bảo người giết: Dùng uy lực lời nói sai bảo khuyến khích kẻ khác giết hại.
c- Thấy giết tùy hỷ: Thấy người giết hại, sanh tâm tùy hỷ tán thành, không thương xót can gián.
2- Lý do Phật cấm sát hại
a- Tôn trọng sự sống: Sinh vật dầu hình thể khác nhau, nhưng sự sống chỉ một nên không được sát hại.
b- Đồng thể: Tất cả chúng sanh đều tham sống sợ chết như nhau lại đồng chung một bản thể nên không được sát hại.
c- Hiến niệm: Chúng sanh chưa thoát khỏi luân hồi, nên có thể đầu thai trong ba đường dữ; muốn khỏi giết lầm thân nhân nên Phật cấm sát hại.
d- Quả báo: Sát hại người, sẽ bị sát hại lại.
3- Lợi ích của giới không sát
a- An vui: Không sát hại, đời này tâm hồn được an vui, không ăn năn không hối hận.
b- Sống lâu: Đời nay và đời sau được sống lâu, thân thể tráng kiện, ít tật bệnh, khỏi nạn đao binh được mọi người yêu mến.
c- Từ bi: Thọ trì giới không sát, tức là thực hành được một phần lòng từ bi không giới hạn của Đức Phật.
4- Thực hành giới không sát
Không sát hại chưa đủ. Phật tử cần phải dùng mọi phương tiện khôn khéo để trả lại quyền sống, quyền tự do cho muôn loài khỏi bàn tay sát phạt của người. Ăn chay là phương tiện để thực hiện tình thương cao rộng ấy.
B- KHÔNG TRỘM CẮP
Nghĩa là tất cả mọi vật trong thế gian dù quý báu như vàng ngọc, hay nhỏ nhiệm như cây kim ngọn cỏ, Phật tử không được manh tâm lấy dùng, khi chủ nhân không bằng lòng hay vắng mặt.
1- Hành tướng trộm cắp
a- Đoạt thủ: Dùng uy thế sức mạnh chiếm đoạt tư hữu của người.
b- Thiết thủ: Dùng mánh khóe quỷ quyệt trộm cắp của người.
c- Trá thủ: Dùng phương chước điêu ngoa dối gạt người. Cho đến bất cứ dùng phương thức nào, chiếm đoạt tư hữu của người một cách máy móc phi pháp, tức phạm tội này, cho đến trốn thuế đò cũng vậy.
2- Lý do Phật cấm trộm cắp
a- Tôn trọng tư hữu: Của cải tư hữu là vật không nên xâm phạm của người, nên Phật cấm không được tự tiện lấy dùng.
b- Diệt trừ tham dục: Tham lam là sợi dây gút chặt chúng sanh trong đau khổ, muốn thoát ly cần phải diệt trừ tham lam.
c- Tương quan sinh tồn: Đức Phật dạy tất cả mọi loài chúng sanh đều cùng một bản thể. Nếu ta đem người vào cảnh lầm than sầu hận, tức tự gieo mình vào đau khổ thất vọng.
3- Lợi ích của giới không trộm cắp
a- Hiện quả: Không gian tham trộm cắp thì đời sống được tự do, không hồi hộp lo sợ.
b- Hậu quả: Đời sau được giàu sang đầy đủ; mọi người tín nhiệm không bị lường gạt.
c- Trực tâm: Đối lại với gian tham là trực tâm. Đạo Phật là Chánh đạo nên người tu hành cần phải có trực tâm.
4- Phương tiện thực hành giới không trộm cắp:
Hoài bão cao quý của Đạo Phật là nâng cao đường sinh hoạt của xã hội, cả tinh thần lẫn vật chất bằng phương tiện tài thí và pháp thí. Muốn hoàn thành giới không trộm cắp, Phật tử cần phải bố thí.
C- KHÔNG TÀ DÂM
Không được sống đời sống hoang đàng trác táng, ăn chơi. Kinh có câu: Cội gốc đường sanh tử, dâm dục là thứ nhứt. Vì thế nên kẻ xuất gia nguyện đoạn tận gốc nguồn. Riêng về hàng tại gia vì nghiệp duyên và hoàn cảnh, nên Phật cho tùy nguyện, nhưng triệt để không được hành dâm trái với luân thường Chánh đạo.
1- Phương tiện thực hành tà dâm
a- Thân: Sống trác táng ăn chơi, đọc xem các tranh ảnh sách báo nói về tà dục.
b- Miệng: Nói những lời tà dục bất chánh.
c- Ý: Ý nghĩ tà dục trái luân thường đạo lý.
2- Lợi ích giữ tiết dục
a- Tiết dục: Chỉ có tiết dục thân thể mới điều hòa, tâm hồn mới trong trắng, và do thế nên có thể siêng năng tinh tấn đạo nghiệp.
b- Giải thoát triền phược: Tà dục là sợi dây ràng buộc ta vào sanh tử, không tà dục tức đã cắt đứt được một phần nào sợi dây ấy.
c- Phạm hạnh: Không tà dục tức tiến tới tịnh hạnh.
3- Lợi ích của giới tà dâm
a- Hiệu quả: Nếu không tà dâm thì được người đời kính trọng tín cẩn, và thân thể cường tráng.
b- Hậu quả: Đời sau sẽ được sanh lên những cảnh giới thanh tịnh, khỏi bị đọa đày.
c- Thanh tịnh: Có thanh tịnh mới mong khỏi nhiễm ô. Trừ tà dục là phương tiện thực hành hạnh thanh tịnh của chư Phật.
D- KHÔNG VỌNG NGỮ
Không nói dối, nghĩa là không phỉnh gạt lừa dối người, trái lại bao giờ cũng nói lời ngay thẳng thật thà.
1- Hành tướng của vọng ngữ
a- Vọng ngôn: Lấy trái nói phải, lấy phải nói trái, không thấy nói thấy, thấy nói không thấy v.v…
b- Ỷ ngữ: Dùng lời nói hoa mỹ để xuyên tạc sự thật và khêu gợi lòng tham dục của người.
c- Ác khẩu: Nói lời thô lỗ ác độc như mắng chửi người v.v…
d- Hai lưỡi: Đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, khiến hai bên thù hằn ghét bỏ nhau. Tất cả những lời nói có hại mình và hại người ở hiện tại và tương lai, đều phạm tội vọng ngữ. Trừ khi nói chơi hay vì lợi người mà nói thì không phạm.
2- Sự nguy hại của vọng ngữ
a- Hại của vọng ngôn: Vì nói dối nên không thấy được sự thật, làm ngăn che trí giác của người và mình.
b- Hại của ỷ ngữ: Mê hoặc lòng người.
c- Hại của nói hai lưỡi: Gia đình tan nát, thân thích thù ghét nhau.
d- Hại của ác khẩu: Làm người đau khổ tức tối uất ức.
3- Lợi ích của giới không vọng ngữ
a- Hiện quả: Được mọi người tín thọ thương yêu.
b- Hậu quả: Đời sau được tướng lưỡi viên mãn.
c- Hậu hỷ: Không nói dối người thì người được vui vẻ hòa thuận và tâm hồn mình cũng khỏi thắc mắc hối hận.
4- Thực hành giới không vọng ngữ
Không nói dối là việc đáng quý, nhưng Phật tử cần phải dùng những lời chơn ngôn thực ngữ (Pháp thí) để giảng dạy cho người, mong đem họ về con đường chánh, con đường giác ngộ hạnh phúc của chư Phật.
Đ- KHÔNG UỐNG RƯỢU
Rượu là một thứ làm con người ngu si tối tăm, hôn ám, mê say, cuồng loạn, nên Đức Phật chế cấm không được uống rượu.
1- Tai hại của rượu: Người uống rượu nhiều thì tâm thần rối loạn, ý niệm điên đảo, và thân thể hư mòn tiều tụy. Rượu là một thứ diệt mất giống trí huệ và mở đường cho tất cả tội lỗi.
2- Trường hợp có thể uống: Nếu có bệnh, thầy thuốc bảo dùng thì được uống, nhưng không uống nhiều và đừng dùng những thứ say người. Ngoài ra không được vô cớ tự dùng, cho đến cũng không được bán rượu.
3- Lợi ích của giới không uống rượu
a- Bình tĩnh: Không cuồng say, tức là bình tĩnh. Không uống rượu là phương tiện làm lòng người bình tĩnh và lạc quan.
b- Hiện quả: Khỏi bị người khác chê cười.
c- Hậu quả: Đời sau khỏi đọa lạc vào nơi tối tăm thiếu ánh sáng Phật pháp.
d- Trí huệ: Không uống rượu chính là để khai phát và làm tăng trưởng ánh sáng trí huệ, Phật tử thực hành giới này tức là sống đúng với hạnh trí huệ của chư Phật.
Tóm lại bốn giới trên đều thuộc về tánh giới nghĩa là dù Đức Phật có cấm hay không, hễ đã phạm thì mắc tội. Còn giới sau thuộc về giá giới, vì muốn phòng ngừa các tội nên Phật chế giới này. Cho nên hễ phạm tức là trái với lời Phật dạy.
V- CÁCH THỨC GIỮ GIỚI
Chúng ta đã thấy giới là nền tảng của giải thoát và giác ngộ, cho nên muốn thân chứng Phật quả cần phải giữ giới. Nhưng muốn giữ giới cho có kết quả, cần phải hiểu cách thức giữ giới.
A- CẦN PHẢI HIỂU RÕ NGHĨA CỦA GIỚI
Chúng ta cần phải hiểu rằng:
1- Giới là nguồn gốc: Là nền tảng của giác ngộ, của giải thoát. Không có giới thời không thể nào giác ngộ, không thể nào giải thoát được.
2- Giữ giới chỉ là một cử chỉ tùy nguyện: Tùy theo khả năng của mình, có thể giữ nhiều ít, nhưng đã nguyện giữ thời phải triệt để tuân hành.
3- Giới là chính thân Đức Phật chế ra: Các vị Bồ-tát, các vị Tổ sư cũng không có quyền chế giới.
Đức Phật căn cứ nơi tự tánh thanh tịnh của chúng sanh và căn cứ nơi tánh tình căn cơ của chúng sanh mà chế ra.
4- Giới có năng lực giải thoát và giác ngộ rất mạnh: Tự thể của giới đã là một sức mạnh vô song rồi, mà người giữ giới cần phải có đại hùng đại lực mới giữ nổi; và vì vậy một người giữ giới tự thân tiềm tàng những sức mạnh vô hình làm mọi người đều cảm phục.
5- Cần phải hiểu rõ: Ý nghĩa lễ truyền giới và hành tướng của các giới hành trì.
B- CẦN PHẢI THÀNH THẬT
Mình phải thành thật với chính mình. Có phạm hay không tự mình biết rõ. Có phạm không được che giấu, cũng không được đổ lỗi, tự bào chữa, tự tha thứ.
C- PHẢI CƯƠNG QUYẾT HÀNH TRÌ
Đã nguyện giữ giới thời phải cương quyết hành trì dầu gặp những trở lực lớn mấy cũng không phế bỏ. Nếu tự sức không thể giữ được, thì có thể xin làm lễ bớt giới lại; điều cần thiết là đã nguyện giữ, thời phải cương quyết giữ.
D- PHẢI BIẾT LƯỢNG SỨC MÌNH
Tự mình phải biết lượng sức mình, giữ được giới nào thì nguyện giữ lấy giới ấy, không được nhắm mắt thọ giới một cách mù quáng vô ý thức.
Đ- PHẢI BIẾT SÁM HỐI
Khi nào phạm giới, thì nên đứng trước Tam Bảo hoặc vị Bổn sư của mình mà phát lồ sám hối, chớ có ẩn tàng lừa mình, lừa người.
VI- KẾT LUẬN
Chúng ta thấy rõ giới là căn bản của giải thoát và giác ngộ. Những ai đã phát nguyện tiến mạnh trên đường đạo, cần phải hành trì giới luật, và cương quyết giữ năm giới, không vì một trở lực gì mà thối thất. Có vậy chúng ta mới hiểu đúng chánh nghĩa của chữ giới và mới nhận thấy người giữ giới là người cương quyết, nhiều nghị lực nhứt, và được thấy mình một ngày một tiến trên đường đạo.