ĐẠO PHẬT, CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
BUDDHISM, THE WAY OF COMPREHENSIVE EDUCATION

Tác giả: Nguyên Siêu
Dịch Anh: Diệu KimNguyên Đức
Phật Việt Tùng Thư xuất bản, 2024

LỜI NÓI ĐẦU

Con Đường Giáo Dục Toàn Diện của Đạo Phật là tinh thần Giáo Pháp hàng đầu được Đức Thế Tôn thuyết giảng cho mọi tầng lớp người trong xã hội, từ vua quan đến quần thần, vương tôn công tử. Từ các hàng Trưởng giả quý tộc, đến lớp người thành thị hay thôn quê. Giáo Pháp của Đức Phật giáo dục con người bình đẳng, không thiên vị, không bên trọng không bên khinh mà bất cứ ai vui lòng lãnh thọ Giáo Pháp, hành trì Giáo Pháp để hoàn thiện cho mình, tu tập cho người thì Đức Thế Tôn đều thuyết Pháp, khuyến tấn cho con người đó hoàn thành ba lãnh vực, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện một cách tốt đẹp mà chứng đắc quả Thánh ngay trong đời hiện tại. Chúng ta có thể hiểu là con đường Giáo dục của Đức Như Lai luôn thích hợp với mọi trình độ, mọi căn cơ: khế lý, khế cơ, khế thời… của hội chúng.

Con đường giáo dục ấy, kẻ sát nhân trở thành người hiền nhân, người kỹ nữ giang hồ trở thành người đạo đức phụng cúng, con cháu có hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người học trò, đệ tử có lòng trung thành và vâng lời thầy dạy… Nói chung tinh thần giáo pháp, giáo dục toàn diện được áp dụng cho con người trong xã hội từ thời Phật cho đến hôm nay và mãi đến tận tương lai vượt thời gian. Thời gian nào lời dạy của Phật cũng luôn có giá trị bất biến, luôn hướng thân lập mệnh cho con người hướng thượng trên quá trình tu chứng, xa lìa cái chấp ngã nhỏ nhen không thật. Người viết “Đạo Phật Con Đường Giáo Dục Toàn Diện” chỉ mới trích đôi lời giảng dạy của Đức Thế Tôn trong kinh tạng Pali mà thôi. Chỉ có đôi lời giới thiệu đến quý độc giả để có chút kinh nghiệm và biết rằng: “nước bốn biển chỉ có một vị duy nhất, đó là vị mặn. Giáo Pháp của Đức Như Lai chỉ có một hương vị duy nhất đó là hương vị giải thoát.” Vậy nên, người viết kính xin trao tặng đôi lời trong kinh mà Đức Thế tôn đã giáo dục theo từng trường hợp để con người lấy đó làm bậc thềm hướng thượng, ước mong quý độc giả hãy nếm; nếm giọt hương giải thoát ngay trong cuộc sống này, ngay trên tự thân của chúng ta. Như trong phẩm, “Cây Lau” hay phẩm kinh “A Nan Nhất Dạ Hiền Giả” Đức Phật dạy:

Không tiếc nuối quá khứ
Không mơ ước tương lai
Chỉ sống với hiện tại
Người tiếc nuối quá khứ
Người mơ ước tương lại
Hạnh phúc đời khô héo
Như bông lau lìa cành.

Chúng ta hãy tiếp tục nếm, để thẩm thấu hương vị giải thoát trong kinh Dammapadatthakatha, nói về phương pháp, tư cách của một vị vua có chính sách cai trị người dân bằng đạo đức thương yêu, hòa ái:

Mười pháp của một nội các (chính phủ) tốt bởi dân, cho dân, và vì dân.
Vua phải có độ lượng, thương người và bố thí.
Vua phải giữ giới, có kỷ cương đạo đức.
Vua phải hy sinh tất cả vì lợi ích cho người dân.
Vua phải có đức tính thẳng thắn, thành thật và liêm khiết.
Vua phải hiền từ, hòa ái.
Vua phải tập sống đời khổ hạnh, để không bị phóng túng sa đọa tham nhũng.
Vua không sân hận, thù hiềm.
Vua phải xây dựng nền hòa bình, chối bỏ chiến tranh và giữ tinh thần bất bạo động.
Vua phải nhẫn nhục mọi khó khăn, bị chỉ trích phải bình tĩnh.
Vua không chống lại ý muốn của dân, thuận theo ý dân nếu hợp pháp như luật định.

Trên đây là hai giọt hương Giáo Pháp nhằm trao tặng cho người suốt cả một hành trình của cuộc sống. Dù hôm nay, con người ở nơi đây, hay mai kia mốt nọ, con người có thay đổi cuộc sống, môi trường, hoàn cảnh nhưng giáo pháp giải thoát thì muôn đời bất di dịch vì giáo pháp là chân lý, là một thực tại hiện hữu, như giáo pháp Tứ Thánh Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế, mà Đức Thế Tôn đã dạy rằng: “Đây là Khổ các con phải biết. Đây là Tập các con phải đoạn. Đây là Diệt các con phải chứng. Đây là Đạo các con phải tu.”

Những giọt hương giải thoát được nếm bởi chư thiên và con người. Bởi chúng sanh hữu tình và vô tình đều được an lành, hạnh phúc đời này và đời sau cả hai đời đều lợi lạc. Con đường giáo dục toàn diện, nội hàm là đây.

Chùa Phật Đà
San Diego, California
Ngày 27 tháng 04 năm 2024
Thích Nguyên Siêu

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version