Đọc bài nào của ông cũng thấy từ ngữ Phật giáo, hoặc tư tưởng Phật giáo phảng phất đàng sau. Những thuật ngữ Phật giáo tràn vào thơ ông một cách tự nhiên chứ không gượng ép như một số thi gia Phật giáo thời nay. Cũng những từ ngữ ấy, nhưng trong thơ ông có khi lại mang ý nghĩa khác, và rất sinh động: Bồ-tát, hoa-nghiêm, thiền, vô thường, hóa thân, trầm luân, hằng sa, trang kinh, đại hồng chung, sắc-không, chân không, nghiệp, vọng niệm, sát na v.v… Cho nên, người đọc dễ đi đến nhận xét rằng thơ ông là thơ đạo, hoặc thơ thiền. Nói vậy thì oan cho ông lắm! Những người ngán đọc thơ đạo sẽ lánh xa không chịu đọc thơ ông, như thế thì quá uổng phí! Thực ra, thơ ông chẳng phải là thi kệ ngộ đạo, chứng đạo gì của thiền sư như có người từng phát biểu. Ông không làm thi kệ hay thơ thiền, thơ đạo chi cả. Thơ ông là thơ tình, có nhuốm chút mùi Thiền. Và tình yêu của ông là thứ tình yêu rất bình yên, trọn vẹn, tràn đầy, hiền lành, không đắm đuối say mê, không lãng mạn ướt át gì lắm đâu! Tình yêu của một người thành công từ đầu đến cuối. Không cố gắng gì nhiều, dù là cố gắng để chiếm hữu hay cố gắng để bảo tồn. Tình yêu đó đã được thăng hoa bởi cái nhìn rất sáng, rất sâu của một nghệ sĩ trăn trở với cơn đau của cuộc phù sinh, đồng thời vói tay tìm kiếm con đường giải thoát.

Nhà thơ Thái Tú Hạp

Chỗ đặc dị của Thái Tú Hạp là làm thơ tình, mà nghe rất ư là “thiền”; hoặc có thể nói ngược lại, làm thơ nghe có vẻ “thiền” nhưng rất ư là tình. Ðừng mong đọc thơ ông mà ngộ ra lý thiền sâu thẳm nào đó. Sự thức ngộ chỉ đến với kinh nghiệm riêng của ông, vào một khoảnh khắc bất chợt nào đó. Và cái bất chợt ấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời ông, thể hiện bằng nhiều cách diễn đạt trong thơ ông. Những khoảnh khắc bất chợt thức ngộ ấy, ai lại chẳng từng trải qua ít nhất một vài lần trong đời, nhưng dàn trải ra được bằng thơ tình-thiền như Thái Tú Hạp thì rất hiếm.

Thơ ông như một gạch nối giữa Thiền và Tình. Những người mê Thiền, cũng sẽ thích đọc; những người say Tình, cũng thích nốt. Cái gạch nối ấy không đẩy người ta vào vòm trời giải thoát; nhưng cũng chẳng níu kéo người ta đắm vào tục lụy. Nó ở lưng chừng giữa sống-chết, đạo-đời. Nó là những bước chân lững thững, bất định, đi qua đi lại, đi tới đi lui, bờ nào cũng muốn đến. Mà đến thì chỉ đến cái mé, không chịu vào bờ. Hoặc đến ngay cửa ngõ, rồi tần ngần, rồi đắn đo, rồi lưỡng lự… rồi quay đi. Cứ như thế, thơ ông là chuyến đò xuôi ngược giữa hai bờ thiền và tình.

Nếu một lúc nào đó, bạn buồn vì tình, bạn nên đọc thơ Thái Tú Hạp; hoặc vui vì tình, bạn cũng nên đọc thơ Thái Tú Hạp; hoặc bỗng nhiên cảm thấy lòng mình rỗng khô, nên đọc thơ Thái Tú Hạp; hoặc cảm thấy lòng mình sung mãn những xúc cảm, nên đọc thơ Thái Tú Hạp.

Thơ Thái Tú Hạp có thể đẩy, hoặc gợi hứng cho bạn hướng về phía bên kia của thực tại.

[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]

Tác giả phụ bản

Thơ THÁI TÚ HẠP

(xin trích ba bài giới thiệu độc giả)

Chợt ngộ

Em cười như nụ hoa
Trong mai tâm Bồ-tát
Tiếng chuông đời thoảng qua
Phù vân chim hót lá

Tiền kiếp nào gặp nhau
Hạt sương đầu cánh gió
Ngẩn ngơ hồn thương đau
Khi nụ tình vừa chớm

Ngàn mây trắng bay qua
Tiếng kinh khuya vọng lại
Ngõ trúc chiều chia xa
Đầu non vừng trăng khuyết

Sớm mai nào chợt ngộ
Tâm ta tưởng là hoa
Trong sắc màu giả tưởng
Có không nào trong ta.

Thanh tịnh khúc

Mai ta về giữa non cao
Xé mây làm áo lụa đào cho em
Nghiệp từ mấy thuở trần duyên
Nắng thanh xuân đậu ngoài hiên ta bà
Đưa nhau dạo giữa ngân hà
Bỏ nhân gian lại chốn tà huy câm
Mai sau tình vỡ hư không
Có nghe tiếng hót tiền thân chim ngàn
Từ trong thiên cổ tri âm
Tiễn nhau xuống núi cưu mang kiếp sầu

Mai về khép cánh biển dâu
Giở trang vô tự trắng nhòa sắc không
Chờ nhau dưới cội vô thường
Soi tâm tư hiện một vừng trăng xưa

Mê hoặc trầm hương

Thả mây cuối phố em qua
Vừng trăng trên tóc quỳnh hoa chỗ nằm
Lược là vô tận hỏi thăm
Hương bồ kết nở trăm năm môi cười
Hoa cam hoa bưởi ngậm ngùi
Đã xa cố quận một đời viễn phương
Bao giờ trầm ngát rừng hương
Quế cay nồng tỏa suối nguồn thảnh thơi
Ta về hát giữa lệ rơi
Đại hồng chung điểm một thời xuân xưa.

[/box]

[Tập san Pháp Luân số 4, PL 2548]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version