Suốt bốn mươi năm qua, khi đề cập đến sinh hoạt của Phật Giáo Việt nam, chúng ta không thể không nói đến GHPGVNTN. Bởi vì trong bốn thập niên đó, GHPGVNTN đã đóng góp xứng đáng công sức của mình cho sự nghiệp hoằng dương Chánh Pháp và phát triển đất nước. Chính vì vậy mà GHPGVNTN đã nghiễm nhiên trở thành là một thực thể xã hội trong cộng đồng dân tộc Việt nam. Do đó, trải qua gần ba thập kỷ, mặc dù đảng cộng sản Việt nam đã sử dụng biết bao phương chước để tàn hại Giáo Hội, vẫn không làm sao có thể tiêu diệt được. GHPGVNTN vẫn tồn tại với bi nguyện và hùng lực của truyền thống lịch sử Phật giáo Việt nam. Để có cái nhìn quán triệt hơn về GHPGVNTN chúng ta cần lược qua bối cảnh lịch sử hình thành và những cuộc vận động của Giáo Hội từ bốn thập kỷ nay.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ Ý NGHĨA THỐNG NHẤT
Vào đầu thế kỷ 20, khi phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa do ngài đại sư Thái Hư chủ xướng mang lại những thành tựu lớn lao, đã làm cho giới Tăng sĩ và Cư sĩ Phật giáo Việt nam ý thức được tầm mức trọng đại của việc chấn hưng Phật giáo cho sứ mệnh truyền bá Chánh pháp trước thời đại. Đồng thời khi những nhà tri thức của dân tộc và Phật giáo nhận thức rằng muốn giải thoát đất nước ra khỏi sự thống trị của thực dân Pháp thì điều tiên quyết cần phải làm là nâng cao trình độ dân trí. Bởi vì khi dân trí được nâng cao thì thực dân Pháp không thể áp đặt chính sách ngu dân, mị dân để đô hộ đất nước ta nữa. Phong trào Duy Tân rồi Đông Du với trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời trong mục đích ấy. Các nhà tri thức dân tộc và Phật giáo còn ý thức được sâu sắc hơn nữa về nhu cầu cấp thiết phục hưng nền Phật giáo quốc dân để góp phần vào công cuộc bẻ gãy xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp. Phật giáo Việt nam là lực lượng nòng cốt của dân tộc. Nếu vực dậy được tiềm lực của Phật giáo Việt nam qua công cuộc chấn hưng thì cũng tức là tạo dựng được sức mạnh hùng hậu nhất của dân tộc để không những giành lại độc lập cho tổ quốc mà còn góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Chính trong chiều hướng ấy, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt nam đã hưng phát một cách toàn diện ở khắp ba miền Trung-Nam-Bắc. Các tổ chức Phật giáo, Tăng già cũng như cư sĩ, được hình thành. Các trường Phật học được khai mở. Sách vở báo chí Phật giáo được phát hành và phổ biến rộng rãi. Sinh hoạt Phật giáo trong quần chúng có chiều mạnh mẽ và mang ý nghĩa thấm đượm Chánh Pháp hơn. Trình độ kiến thức và phẩm hạnh của hàng ngũ Tăng già và cư sĩ ngày càng sung mãn hơn. Cũng chính trong hoàn cảnh lớn mạnh của Phật giáo đó, một nhu cầu cấp thiết đã xuất hiện. Đó là nhu cầu kết hợp các tổ chức Phật giáo đương thời lại để cùng nhau thực hiện mục đích hoằng dương Chính pháp cho kiến hiệu hơn. Đây có thể nói là khởi đầu của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt nam trong giai đoạn cận đại. Nhưng thật ra, sự kiện thống nhất Phật giáo đã hiện hữu trên đất nước ta từ những ngày đầu dựng nước của triều đại nhà Đinh, lúc vua Đinh Tiên Hoàng phong cho ngài Khuông Việt làm Tăng Thống đầu tiên của tổ chức Phật giáo Việt nam thời ấy. Theo sử gia Lê Mạnh Thát thì qua sự kiện này cho thấy một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã có mặt.[1] Nhưng vì trải qua nhiều biến động thăng trầm, cộng thêm những chướng duyên của đất nước và Phật giáo Việt nam, cho nên một tổ chức GHPGVNTN đã không hiện hữu thường trực trong dòng lịch sử. Giờ đây tâm nguyện thống nhất ấy đã trở thành hiện thực trong kỳ Đại Hội Phật giáo toàn quốc vào năm 1951 tại chùa Từ Đàm, thành phố Huế. Sáu tập đoàn Tăng già và Cư sĩ Phật giáo của ba miền Trung-Nam-Bắc đã ngồi lại với nhau trong một cơ cấu tổ chức duy nhất, gọi là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Từ đây, những sinh hoạt Phật giáo không còn mang tính đơn lẻ giới hạn trong các địa phương nữa mà đã mang tính đồng bộ mở rộng ra trên toàn lãnh thổ đất nước Việt. Lịch sử Phật giáo Việt nam đã bắt đầu bước qua một trang sử mới. Nhưng trang sử mới này sẽ là trang sử vừa bi hùng dũng lực, vừa đau thương tủi nhục, có cả máu xương và nước mắt của biết bao Tăng, Ni và đồng bào Phật tử đổ xuống cho tự do, dân chủ và nhân quyền của dân tộc và sự sống còn của Phật giáo Việt Nam!
Thật vậy, vào những năm giữa thập niên 1950 của thế kỷ trước, khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa của nhà Ngô lên nắm chính quyền tại miền Nam, và chủ nghĩa cộng sản đặt sự thống trị lên miền Bắc, thì cả hai chế độ này đều thực thi chính sách triệt hạ Phật giáo. Tại miền Bắc, chủ nghĩa cộng sản xem tôn giáo là thuốc phiện của dân, là kẻ thù của giai cấp lãnh đạo mới, chỉ chấp nhận cho sự tồn tại của một thứ tôn giáo là cánh tay nối dài của đảng đến quần chúng, để đảng dựa vào tôn giáo mà kiểm soát và khống chế toàn dân. Cho nên Phật giáo có còn tồn tại thì cũng chỉ là cái vỏ khô cằn bề ngoài mà đã trống rỗng bên trong cốt lỏi! Tại miền Nam, chế độ Đệ nhất Cộng hòa của nhà Ngô thì dựa vào đạo Dụ số 10 của thực dân Pháp để đặt Phật giáo và các tôn giáo khác, trừ Thiên chúa giáo, vào vị thế của một hiệp hội thấp bé không hơn không kém. Cho nên, mọi quyền sinh hoạt công cộng rộng lớn của một tôn giáo đều bị giới hạn. Đỉnh cao của việc áp đặt đạo Dụ số 10 cho Phật giáo là việc chính phủ ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo vào dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2507, tức năm dương lịch 1963.
Nhằm vận động xóa bỏ đạo Dụ số 10 bất công cho các tôn giáo và đòi hỏi quyền tự do và bình đẳng sinh hoạt cho Phật giáo, các tổ chức và hệ phái Phật giáo đương thời đã cùng ngồi lại với nhau trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, các tổ chức và hệ phái Phật giáo đã nhận thức được tính cách trọng đại và cần thiết của việc kết hợp lại với nhau để cùng phát triển nền đạo Pháp giải thoát và giác ngộ làm lợi ích cho mọi người. Cho nên, 11 hệ phái, tông phái Phật giáo, bao gồm Nam và Bắc tông, đã tổ chức Đại hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, trong 5 ngày mà bắt đầu là từ ngày 31 tháng 12 năm 1963 để thông qua bản Hiến Chương và thành lập GHPGVNTN.
Ý nghĩa thống nhất đã được minh thị trong Lời Mở Đầu của bản Hiến Chương của GHPGVNTN:
“Quan niệm thống nhất Phật giáo Việt nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ , chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo.”[2]
Điều này có nghĩa là các hệ phái, tông phái khi tham gia vào tổ chức Thống Nhất thì không những nét đặc thù của hệ phái, tông phái mình được bảo vệ mà còn nhờ sự trợ duyên của Thống Nhất nên sẽ được phát huy thêm ra. Như vậy, thống nhất không phải là xóa bỏ cái cũ để tạo dựng cái mới, mà là các hệ phái, tông phái nguyện kết chặt mối tương quan tương duyên trong mọi công tác Phật sự để cùng nhau phát triển nền Phật giáo Việt nam. Trong tinh thần đó, thống nhất đem lại nhiều ích lợi thiết thực cho toàn thể cộng đồng Phật giáo Việt nam. Bởi vì, thống nhất tạo ra một sức mạnh đoàn kết lớn lao mà mỗi hệ phái, tông phái riêng rẽ không thể có được. Thống nhất còn tránh được những phân hóa do dị biệt mà không có điều hợp để hóa giải. Thống nhất còn vạch ra những phương thức hành động chung để đạt đến cứu cánh tối hậu trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp.
Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo thế giới, hai tông phái lớn nhất của Phật giáo là Nam và Bắc tông đã ngồi chung với nhau trong một tổ chức, cùng trợ duyên nhau trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp và cứu khổ sinh dân. Đây có thể nói là một sự kiện đặc thù của nền thống nhất Phật giáo Việt nam.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo thế giới hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ cùng thực hiện sứ mệnh của Phật giáo trong một cơ cấu tổ chức có chỉ đạo. Điều này nói lên ý nghĩa sâu sắc trong nhận thức của người con Phật đối với hiện tình Việt nam và thế giới, vì trước bối cảnh xã hội nhân loại hiện nay, vai trò hộ pháp của người cư sĩ vô cùng quan trọng và kiến hiệu. Cho nên, việc giới Cư sĩ cùng được gánh vác trọng trách hỗ trợ Tam bảo, xiển dương Chánh pháp, xây dựng xã hội tự do, dân chủ và an lạc trong tổ chức Thống Nhất là điều thích đáng.
Thống nhất còn mang trong nó ý nghĩa lịch sử trọng đại, bởi vì toàn thể Tăng, Ni và Phật tử Việt nam cùng nỗ lực và thệ nguyện đứng lên tự gánh vác lấy sứ mệnh thiêng liêng đối với dân tộc và đạo pháp mà không bị lệ thuộc bởi bất cứ thế lực nào. Cho nên cơ chế của GHPGVNTN hoàn toàn mang tính độc lập đối với mọi khuynh hướng, mọi thế lực thế quyền. Như vậy, GHPGVNTN thật sự là tổ chức của Tăng, Ni và Phật tử Việt nam, hay nói cách khác là Giáo Hội Dân Lập. Cũng qua đó, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt nam, ngôi vị Tăng thống đã do chính Tăng, Ni và Phật tử Việt nam suy tôn. Điều này nói lên ý thức cao độ của toàn thể Tăng, Ni và Phật tử Việt nam về vai trò độc lập nhằm tách rời sinh hoạt tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ra khỏi ảnh hưởng của các thế lực thế quyền. Bởi vì các thế lực thế quyền chỉ có tính cách giai đoạn còn tôn giáo là nhu cầu trường cửu của con người. Nếu để thế quyền ảnh hưởng đến tôn giáo thì sẽ làm cho tôn giáo biến chất, cục bộ, quá khích, hoặc bị thế tục hóa không còn giữ được bản chất thanh khiết làm mẫu mực đạo đức giải thoát cho con người nữa. Nếu để tôn giáo ảnh hưởng đến thế quyền thì thế quyền có thể trở thành công cụ của tôn giáo chỉ để phục vụ cho một thứ tôn giáo với tham vọng thế tục và như vậy sẽ không có chính sách bình đẳng tôn giáo trong xã hội.
BA CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA GHPGVNTN
Thừa tiếp truyền thống cao đẹp hai ngàn năm của Phật giáo Việt nam là hóa thân mình vào trong dòng sinh mệnh của dân tộc, cho nên, GHPGVNTN cũng đã tự nêu cao bản thệ của mình đối với dân tộc và nhân loại như trong Lời Mở Đầu của bản Hiến Chương của Giáo Hội đã có ghi:
“Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”[3]
Như vậy rõ ràng là GHPGVNTN thệ nguyện rằng quyết không vì sự tồn tại của bản thân Giáo Hội mà hy sinh sự tồn tại của dân tộc và nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa rằng Giáo Hội xem sự tồn tại của dân tộc và nhân loại chính là sự tồn tại của bản thân Giáo Hội. Bởi vì, có dân tộc và nhân loại mới có Giáo Hội. Cùng trong ý nghĩa đó, khi dân tộc và nhân loại bị khổ nạn thì Giáo Hội cũng bị khổ nạn. Giáo Hội không thể bàng quan tọa thị trước những điêu linh và thống khổ của dân tộc và nhân loại. Chính vì vậy, suốt chiều dài lịch sử có mặt trên đất nước Việt nam, Phật giáo đã đứng chung hàng ngũ với đại khối dân tộc để cùng chia xẻ sự hưng vong và nỗi vinh nhục. Do đó Phật giáo đã hóa thân trong dòng sinh mệnh của dân tộc và trở thành mạch sống ngầm xuyên suốt từ thời dựng nước đến nay. Đây chính là lý do cốt lõi nhất để GHPGVNTN xứng đáng là Giáo Hội Truyền Thống, là Giáo Hội truyền thừa một cách chính thống bản thệ và hành xử thỉ chung duy nhất của Phật giáo Việt nam.
Để nhận thức chân xác GHPGVNTN đã thi thiết bản thệ và hành xử của truyền thống Phật giáo Việt nam như thế nào trong suốt bốn mươi năm qua, chúng ta có thể điểm qua ba cuộc vận động chính yếu của Giáo Hội. Đó là cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Đệ nhất Cộng hòa, cuộc vận động cho nền hòa bình của dân tộc dưới chế độ Đệ nhị Cộng hòa, và cuộc vận động cho nhân quyền và phục hoạt GHPGVNTN dưới chế độ toàn trị cộng sản.
CUỘC VẬN ĐỘNG CHO QUYỀN BÌNH ĐẲNG TÔN GIÁO
Khi lên nắm chính quyền và thiết lập nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam vào giữa thập niên năm mươi của thế kỷ trước, chế độ của ông Ngô Đình Diệm đã làm hai việc như là nền tảng cơ bản để đưa đến sự kiện chà đạp quyền bình đẳng tôn giáo trong những năm ông cầm quyền.
Việc thứ nhất là mặc nhiên công nhận đạo Dụ số 10 đã được ông Bảo Đại ký ban hành vào ngày 6 tháng 8 năm 1950, vốn chỉ công nhận sự hiện hữu duy nhất của Thiên Chúa giáo như là một tôn giáo và liệt tất cả các tổ chức tôn giáo khác vào hàng những hiệp hội phải chịu sự chế tài khắc khe của chính quyền các cấp. Cụ thể như điều 44 trong Dụ số 10 quy định rằng:
“Chế độ đặc biệt cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo và Gia tô và các Hoa kiều lý sự Hội sẽ ấn định sau.”[4]
Việc thứ hai là đưa vào trong phần Mở Đầu của Hiến Pháp Việt Nam năm 1956 một đoạn văn thể hiện sự thiên vị đối với Thiên Chúa Giáo như sau:
“Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản và phát triển con người toàn diện…”[5]
Đối với một dân tộc mà số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo mới chỉ được sáu, bảy phần trăm trên tổng số dân, còn phần đông trên ba phần tư dân số là theo đạo Phật mà ghi trong Hiến Pháp vinh danh Đấng Tạo Hóa như vậy, thì qủa thật là thiên vị đạo Thiên chúa một cách rõ rệt, bởi vì chế độ đã không quan tâm đến đại khối dân tộc đang suy nghĩ điều gì, đang ước mong điều gì, hay đặt niềm tin tôn giáo ở đâu!
Đó là nền tảng pháp lý tối cao mà dựa vào nó chế độ Đệ nhất Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm đã thực thi những chính sách bất công đối với các tôn giáo khác Thiên Chúa giáo, đặc biệt là đối với Phật giáo. Chính sách không công bình đối với Phật giáo đã đạt đến thời điểm khủng hoảng cao độ khi mà công điện số 9195 cấm treo cờ Phật gíao ở những nơi công cộng của Phủ Tổng Thống đánh ra Huế cho các cấp chính quyền thi hành vào dịp Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2507, dương lịch 1963.
Là một tôn giáo lớn của dân tộc mà bị liệt vào hàng các hiệp hội, bị chi phối bởi những luật lệ sinh hoạt khắc khe của chế độ thiên vị Thiên Chúa Giáo, cho nên Phật giáo phải đứng lên để đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Do vậy, một trong năm nguyện vọng của Phật giáo là:
“Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Giáo hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo Dụ số 10“.[6]
Đây là đòi hỏi hợp tình hợp lý. Hợp lý vì trong thời đại văn minh này mọi cá nhân, mọi tôn giáo phải được đối xử bình đẳng trên trường quốc tế và ở mỗi quốc gia, theo đúng tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã công bố vào ngày 12 tháng 12 năm 1948. Hợp tình vì Phật giáo là một tôn giáo lớn có chiều dài lịch sử hiện hữu ngót hai ngàn năm, đã đóng góp công đức xứng đáng trong việc dựng nước và giữ nước thì phải được đối xử bình đẳng như mọi tôn giáo khác.
Hơn nữa, chế độ Đệ nhất Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm một mặt thì hô hào xây dựng đất nước Việt nam theo thể chế tự do cộng hòa, mặt khác thì thực hiện chính sách độc tôn lãnh tụ, độc quyền lãnh đạo qua đảng chính trị là Cần lao, vùi dập tinh thần dân chủ của người dân, triệt hạ các chính đảng khác, mà sự tuẫn tiết của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ của Quốc Dân Đảng, vào ngày 7 tháng 7 năm 1963 để phản đối chính quyền, là một chứng cớ rõ rệt. Người viết còn nhớ những năm khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa còn tồn tại, trong các trường học, thường bắt học sinh ca bài “Ngô Tổng thống muôn năm” để suy tôn lãnh tụ Ngô Đình Diệm, giống như ở ngoài Bắc đảng cộng sản buộc dân phải suy tôn Hồ Chí Minh. Vì vậy, để góp phần vào việc nâng cao trình độ dân trí đối với những vấn đề như tự do, dân chủ và nhân quyền, làm cho toàn dân ý thức, bày tỏ thái độ và đóng góp tích cực cho công cuộc kiến tạo nền tự do, dân chủ và nhân quyền thật sự chứ không phải chỉ nói suông, Phật giáo đã thệ nguyện hy sinh đi trước. Nhưng cũng phải minh định một cách khẳng quyết rằng trong công cuộc vận động này Phật giáo hoàn toàn không có chủ trương lật đổ chính quyền của ông Ngô Đình Diệm và cương quyết hành xử theo phương cách bất bạo động. Điều này đã được ghi rõ trong Bản Phụ Đính cho Bản Tuyên Ngôn của Phật Giáo Việt Nam, như sau:
“1) Đối Với Chính Phủ: Chúng tôi không chủ trương lật đổ, chúng tôi chỉ có cái nguyện vọng “cải thiện chính sách”[7]
Trong đoạn 4 của Bản Phụ Đính cũng ghi rằng:
“4) Phương Pháp Tranh Đấu Mà Chúng Tôi Áp Dụng. Phương pháp ấy là “bất bạo động”. Chúng tôi ý thức chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi.”[8]
Trong cuộc vận động này, Phật giáo cũng không nhằm chống lại Thiên chúa giáo:
“Lẽ thứ nhất, dẫu cho từ ngày đạo Dụ số 10 ra đời đến bây giờ, sự thiên vị đạo Thiên chúa đã công khai, nhưng chúng tôi tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình (và vì thế mà động cập đến đạo Thiên chúa) chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống với một tôn giáo.”[9]
Vận động để chính phủ nhìn thấy rõ rằng chính phủ cần phải cải thiện chính sách đối với Phật giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, mà cụ thể là bãi bỏ đạo Dụ số 10 vốn đã bị ảnh hưởng bởi chính sách nô dịch hóa của thực dân Pháp và các nhà truyền giáo Thiên chúa, để đối xử một cách bình đẳng với tất cả các tôn giáo. Chính quyền hãy để cho các tôn giáo tự do hành đạo. Các tôn giáo tùy theo uy tín được xây dựng trên việc truyền bá chân chính mà phát triển được hay không. Chính quyền không thể nhúng tay vào công việc của các tôn giáo. Các tôn giáo cũng không nên dựa vào thế lực của chính quyền để bành trướng tôn giáo của mình và lấn áp các tôn giáo khác. Vì làm như vậy chính là con đường đưa đến tự diệt. Như lời vua A Dục, một vị vua Phật tử ở Ấn Độ, kêu gọi mọi tôn giáo phải khoan dung và tương trợ lẫn nhau để cùng phát huy bản sắc đặc thù của mình và góp phần vào việc dẫn đạo nhân sinh.
Chính vì thế, cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo của GHPGVNTN cũng là cuộc vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền đích thực của toàn dân ở giai đoạn sơ kỳ mà đất nước đang hội nhập vào thế giới văn minh, tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân loại. Trong cuộc vận động này mặc dù trên danh nghĩa không phải là GHPGVNTN, vì lúc ấy Giáo Hội chưa ra đời, nhưng thực chất thì toàn bộ các hệ phái, tông phái tham gia vào cuộc vận động cũng chính là các hệ phái, các tông phái sau này hình thành GHPGVNTN. Cho nên, xem cuộc vận động này như là cuộc vận động của tiền thân GHPGVNTN thì cũng không phải là không có sở cứ.
CUỘC VẬN ĐỘNG CHO NỀN HÒA BÌNH CỦA DÂN TỘC
Vào những năm đầu của thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh tại Việt nam càng trở nên khốc liệt. Hàng nửa triệu binh sĩ Hoa Kỳ đã được đổ vào Việt nam. Các nước đồng minh của Việt nam Cộng hòa trong vùng Đông Nam châu Á như Nam Hàn, Mã Lai, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi, v.v… đều gởi quân tham chiến. Ở miền Bắc, Liên Xô và Trung Cộng cùng với các nước trong khối cộng sản quốc tế cũng đưa quân, viện trợ vũ khí đạn dược để yểm trợ hậu cần miền Bắc và cho quân đội viễn chinh Bắc Việt xâm lăng miền Nam. Hàng ngày trên các hệ thống thông tin báo chí của hai bên lâm chiến đều rêu rao về những chiến công hiển hách của mình bằng sự hy sinh tánh mạng của biết bao tuổi trẻ thanh niên! Nhưng không thấy bên nào quan tâm đến sự chết chóc, tù đày và khổ nạn vì chiến tranh của hàng triệu đồng bào vô tội. Trong thời điểm ấy, tại Việt nam, hầu như không nhà nào là chẳng có con em ở trong hàng ngũ quân đội. Trong số những người trai trẻ ra đi ấy, có bao nhiêu người được may mắn trở về bình an?
Cả một đất nước, từ ải Nam Quan ở tuyến đầu phía bắc đến mũi Cà Mau ở tận miền cực nam, ngập tràn trong khói lửa, hận thù, thương vong, mất mát, điêu linh và thống khổ! Tuổi trẻ lớn lên không còn tương lai, vì tương lai đang bị chiến tranh hủy diệt! Nền kinh tế của đất nước thì hoàn toàn bị lệ thuộc vào khối tiền viện trợ của các thế lực quốc tế, hoặc là tư bản, hoặc là cộng sản, những thế lực đang chi phối cuộc chiến tranh lạnh đến hồi cao độ. Thành ra Việt nam thời ấy là một đất nước đổ nát và trống rỗng! Đấy là hệ quả tất yếu của mọi cuộc chiến tranh.
Trong tình cảnh ấy, toàn dân Việt nam, ở hai miền Bắc và Nam, cần gì? Câu trả lời đã có sẵn mà ai cũng đều biết rõ, đó là hòa bình. Một nền hòa bình thật sự từ trong tâm thức con người ra đến sinh hoạt cộng đồng xã hội, chứ không phải là hòa bình trên bàn hội nghị, trên loa phóng thanh, trên các hệ thống tuyên truyền của đảng, của nhà nước, trên đầu môi chót lưỡi của những lãnh tụ, của những chính khách xa-lông.
Phật giáo với trí tuệ và từ bi sáng ngời trên hai mươi lăm thế kỷ ắt phải thấy tính cách trọng đại và sự cấp thiết của một nền hòa bình như vậy cho dân tộc Việt nam. Cho nên, GHPGVNTN đã khởi xướng cuộc vận động cho hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh. Phật giáo nhìn thời cuộc và thực trạng đất nước như thế nào bằng trí tuệ và từ bi của mình để quyết định vận động cho hòa bình? Xin hãy lắng nghe một đoạn trong Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn của Viện Tăng Thống GHPGVNTN nhân dịp Tết Tân Hợi năm 1971 như sau:
“Dân tộc Việt Nam ta, trong hơn 20 năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân lực, sức lực đã hủy diệt mà nguyên nhân chính: Chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ, chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ cho tổ quốc, nhưng kỳ thật chỉ biết quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại.”[10]
Hoặc trong một đoạn khác của cùng bức Thông Điệp đã viết như sau:
“Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau.
Quả tình chúng ta đã xa rời nguồn gốc Tổ Tiên.
Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo những chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt nhưng lại cố đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mệnh cứu dân cứu nước.
Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thực tỉnh thức?”[11]
Nhận định rằng chiến tranh Việt nam là cuộc xung đột võ trang giữa hai ý hệ tư bản và cộng sản quốc tế. Toàn dân Việt nam chỉ là nạn nhân đau thương gánh chịu sự tang tóc này. Tất cả mọi chủ thuyết, mọi ý hệ nếu không tôn trọng sự sống và quyền làm người, nếu xem con người chỉ là công cụ sẵn sàng hy sinh cho sự tồn tại và bành trướng của chủ thuyết hay ý hệ mình, thì chủ thuyết ấy, ý hệ ấy là những biên kiến, những thiên kiến cục bộ, sai lầm mà dân tộc cần phải xa lánh. Chủ thuyết hay ý hệ không thể nhân danh bất cứ điều gì để gieo rắc hận thù, chiến tranh và đổ nát. Bởi lẽ hận thù, chiến tranh và đổ nát là sự hủy diệt của dân tộc và nhân loại. GHPGVNTN cũng nhận định rằng chính vì có một số người Việt nam đã đánh mất nguồn cội của mình để chạy theo ngoại bang, chạy theo các chủ thuyết, các ý hệ, không thật sự nhận thức rằng mình là người Việt nam được nuôi dưỡng trong chất liệu truyền thống văn hóa Việt nam, cho nên, nhẫn tâm gây ra bao nhiêu tang thương cho dân tộc. Để chấm dứt tình trạng chiến tranh bi thảm, người Việt cần tỉnh thức quay về lại nguồn cội của mình, nhìn nhau cởi mở, thương yêu tha thứ, hóa giải mọi thù hận, tranh chấp, và vô minh trong tâm thức. Có như vậy thì đất nước mới mong xây dựng được một nền hòa bình thật sự, một nền hòa bình không phải là thành tựu chiến thắng của bất cứ phe lâm chiến nào mà là thành tựu của ý lực đoàn kết chân chính của toàn thể dân tộc.
“Cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người để Ý Thức Về Nguồn trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù – những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ý hệ, chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.
Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.
Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người thì công cuộc hóa giải ý hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt nam, mang lại nguồn phúc lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở…”[12]
Có người nói rằng vì công cuộc vận động hòa bình của Phật giáo đã làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân dân miền Nam, vô tình tiếp tay cho cộng sản miền Bắc đánh chiếm miền Nam.
Quan niệm này hoàn toàn không có sở cứ vững chắc và sai sự thật. Trước hết, cuộc vận động hòa bình cho dân tộc của GHPGVNTN không phải chỉ nhắm vào chính quyền miền Nam mà nhắm đến tất cả các phe lâm chiến tại Việt nam. Thứ hai, khi cuộc vận động hòa bình đã có ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc tế thì phe lâm chiến bị thất bại nặng nề nhất chính là những người chủ trương bạo lực, giải quyết cuộc tranh chấp bằng võ lực, là những người có dã tâm xâm lược và bành trướng thế lực của ý hệ, của chủ nghĩa. Bởi vì, những người này bị cuộc vận động hòa bình, tinh thần hòa bình, ý thức hòa bình, thái độ hòa bình của toàn dân Việt nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới chống đối, lên án. Những kẻ ấy là ai? Chính là những người cộng sản tại Việt nam và chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Chỉ có người cộng sản mới chủ trương bạo lực, đấu tranh giai cấp, giải quyết tranh chấp bằng võ lực, mới có dã tâm xâm lược miền Nam, còn người miền Nam chỉ là những kẻ bị buộc phải chiến đấu để tự vệ, để bảo vệ đất nước. Bằng chứng cụ thể là cho đến hôm nay, đảng cộng sản Việt nam vẫn còn sợ hãi về cái mà họ gọi là “diễn biến hòa bình”. Thêm nữa, ông Đỗ Trung Hiếu, một đảng viên cộng sản, từng lãnh nhiệm vụ “kiến trúc sư” của đảng đối với việc hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1981, đã viết trong bài Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam kể lại chuyện đảng cộng sản Việt Nam sợ hãi và bị cuộc vận động hòa bình của Phật giáo làm thất bại dã tâm xâm lược của họ như thế nào, xin trích một đoạn như sau:
“Năm 1965 Mỹ đổ quân trắng trợn xâm lược miền Nam Việt Nam, MTGPMN đẩy mạnh phong trào chiến tranh cách mạng chống Mỹ xâm lược, Thượng tọa Thích Trí Quang nêu khẩu hiệu “cầu nguyện hòa bình” làm hạn chế cuộc chiến tranh chống Mỹ của ta.”[13]
Cũng có người cho rằng, GHPGVNTN đứng ở lập trường thân bên này hay thân bên kia. Những người cộng sản thì bảo rằng GHPGVNTN là tay sai của “Mỹ-Ngụy”. Ngược lại, những người quốc gia thì cho rằng GHPGVNTN là “cộng sản”. Căn cứ trên hai quan niệm này thì người khách quan và sáng suốt có thể thấy ngay rằng GHPGVNTN không theo phe nào cả, cho nên, đã bị cả hai bên chụp mũ, vu khống. Tại sao GHPGVNTN lại không theo phe nào? Xin hãy đọc một đoạn trong cuốn Người Xuất Gia của Hòa thượng Thích Trí Quang viết về lập trường người xuất gia không tham dự vào thế sự:
“Người xuất gia là sở hữu của Chánh pháp, là sứ giả của Phật đà. Người xuất gia phải để trọn vẹn tư tưởng năng lực của mình vào sự thực hiện Chánh pháp và hướng dẫn sự thực hiện ấy. Do đó, người xuất gia không thể thương ai ghét ai, thiên vị bên này bỏ rơi bên khác. Người xuất gia thoát ly một cách hoàn toàn, ra ngoài sự chi phối phi Chánh pháp của cá nhân, của đảng phái, của chủ nghĩa, của chính mình. Không tham dự thế sự như vậy không có nghĩa là không hoạt động gì cả và bỏ rơi quần chúng. Chữ trung lập vô nghĩa trong trường hợp này. Mục đích không tham dự thế sự thật là rõ rệt: để thực hiện Chánh pháp cho quần chúng mà không để mình và quần chúng xuôi theo thế sự lầm lỗi, vô thường.”[14]
Cần lưu ý rằng trong đoạn văn vừa trích, Hòa thượng Thích Trí Quang đã minh định là Phật giáo không những không theo phe nào mà còn không chủ trương “trung lập“. Bởi vì, trung lập trong ý hướng đối kháng chính trị với các phe khác là một thái độ phi Chánh pháp mà người xuất gia không thể thực hiện. GHPGVNTN không theo phe này phe kia còn vì lập trường dân tộc trung kiên suốt chiều dài lịch sử có mặt của Phật giáo trên đất nước Việt. GHPGVNTN không thể làm ngơ trước cảnh dân tộc đang chìm đắm trong chiến tranh thù hận mà không nỗ lực vận động để đem lại hòa bình. Phật giáo chỉ đứng chung hàng ngũ với đại khối dân tộc, vì dân tộc là thực thể trường cửu, còn các phe phái, chủ nghĩa, chế độ chính trị chỉ có tính cách nhất thời, đôi khi là những thế lực phản dân tộc, bách hại sinh dân. Đây chính là ý nghĩa truyền thừa chính thống truyền thống lịch sử hai ngàn năm của Phật Giáo Việt nam.
Chính vì thế, vào ngày 22 tháng 01 năm 1975, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã ra Thông tư số 150 yêu cầu các thành viên của Giáo Hội không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào:
“Để tránh mọi ngộ nhận có thể có đối với lập trường và đường hướng cố hữu của Giáo Hội, Viện Hóa Đạo kính yêu cầu quý vị hãy thận trọng, không nên tham gia bất cứ tổ chức nào ngoài tổ chức của Giáo Hội, nhất là những tổ chức có tính cách chính trị. Trong trường hợp vị nào đã tham gia những tổ chức như thế thì hãy tự nguyện chấp trì nghiêm chỉnh tinh thần Thông tư này.”[15]
CUỘC VẬN ĐỘNG CHO NHÂN QUYỀN VÀ PHỤC HOẠT GHPGVNTN
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền cộng sản chiếm trọn miền Nam và đặt sự thống trị lên toàn đất nước. Cuộc chiến kết thúc, nhưng nền hòa bình thật sự đúng nghĩa mà nhân dân Việt nam mong muốn thì vẫn chưa hiện thực. Nhà nước cộng sản Việt nam vẫn tiếp tục áp dụng chính sách thù nghịch với chính người dân của mình, bằng chứng cụ thể là hàng trăm ngàn quân cán chính thuộc chế độ miền Nam đã bị đẩy vào các trại tù khổ sai tập thể trên khắp đất nước. Hàng triệu người dân Việt không thể chấp nhận một chế độ xem dân như kẻ thù, cho nên, đã không ngần ngại đến sự sống chết, ra đi tìm đường tự do. Trong số những người ra đi ấy có biết bao nhiêu người đã bỏ mình trong rừng sâu, dưới biển cả. Các chính sách sai lầm liên tục với những khẩu hiệu “cải cách ruộng đất“, “đánh tư sản mại bản”, “hợp tác xã nông nghiệp”, “quốc hữu hóa nền công-thương-nông nghiệp”, “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bao nhiêu kế hoạch kinh tế đưa ra đều bị thất bại từ giai đoạn này đến giai đoạn khác mà kẻ phải gánh chịu tất cả những hệ quả khốn khó nhất chính là toàn thể dân tộc.
Trên bình diện tôn giáo, đảng cộng sản Việt nam đã ép buộc các tôn giáo hoặc là làm công cụ tay sai để đảng vói dài cách tay kiểm soát những sinh hoạt của người dân, hoặc là chọn con đường giữ vững truyền thống độc lập của một tôn giáo vượt ra ngoài chi phối của đảng chính trị thì bị trấn áp, phân hóa, tiêu diệt. GHPGVNTN là một điển hình cụ thể nhất từ gần ba mươi năm qua. Ngay từ những ngày đầu xâm chiếm miền Nam, đảng cộng sản Việt nam đã chiếm dụng tất cả mọi cơ sở văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội của GHPGVNTN. Viện Đại học Vạn Hạnh, toàn bộ hệ thống trung tiểu học Bồ Đề trên toàn miền Nam, các cô ký nhi viện trên khắp đất nước, tất cả đều bị đảng cộng sản Việt nam chiếm dụng. Nhiều chùa, Phật học đường, Niệm Phật đường đã bị chiếm dùng làm nơi cư trú cho bộ đội, cho cán bộ, làm nhà kho, thậm chí làm nơi nuôi gia súc. Sự bức hại đến mức không thể chịu đựng được nữa, cho nên, ngày 02 tháng 11 năm 1975, 12 Tăng Ni tại Thiền viện Dược Sư tỉnh Cần Thơ đã tự thiêu để phản đối.[16] Trong một Kháng thư của Viện Hóa Đạo gởi cho ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào ngày 09 tháng 02 năm 1977, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã liệt kê danh sách 19 Tăng sĩ trên khắp các tỉnh miền Nam đã bị chính quyền cộng sản bắt giữ mà không có lý do chính đáng[17]. Trong Thông tư ngày 25 tháng 4 năm 1977, Viện Hóa Đạo đã thông báo đến toàn thể Phật giáo đồ về việc đảng cộng sản Việt nam đã bắt giam trái phép các vị thành viên trong Hội đồng Viện Hóa Đạo, như Thượng tọa Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, Thích Thông Bửu, Thích Thông Huệ, Thích Thanh Thế[18]. Tình trạng đàn áp GHPGVNTN và chà đạp nhân quyền của đảng cộng sản Việt nam ngày càng gia tăng khốc liệt, vì vậy Viện Hóa Đạo đã phải công bố Lời Kêu Gọi Bảo Vệ Nhân Quyền, vào ngày 09 tháng 06 năm 1977. Trong đó ngoài việc trình bày về những vụ vi phạm trắng trợn của đảng cộng sản Việt nam đối với quyền tự do tôn giáo và quyền làm người, còn nói lên nguyện vọng thiết tha của toàn thể Tăng, Ni và Phật tử:
“Thật ra chúng tôi muốn gì? Chúng tôi không muốn những quyền hành chính trị. Mục đích của chúng tôi không phải là lật đổ chính quyền. Chúng tôi cũng không chủ trương bôi nhọ chính quyền. Chúng tôi chỉ muốn sống với tất cả giá trị của con người để có thể tham gia trong công tác xây dựng xứ sở. Trong lịch sử Việt nam đã có những giai đoạn dân chúng sống ôn hòa với những tư tưởng chính kiến sai biệt. Chúng tôi chỉ đòi hỏi sự ôn hòa. Chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền tham dự trong công tác xây dựng quốc gia, xây dựng đời sống con người không phải như những bộ máy mà là những khối óc, những con tim.”[19]
Mặc dầu, GHPGVNTN đã bày tỏ thiện chí và thái độ ôn hòa cũng như đã nêu rõ lập trường phi chính trị của Giáo Hội, đảng cộng sản Việt nam vẫn một mực thẳng tay triệt hạ Giáo Hội và bắt đầu chuẩn bị cho việc vận động để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Trong suốt quá trình từ vận động, bố trí nhân sự, soạn thảo Hiến chương, tổ chức Đại Hội của GHPGVN, đảng cộng sản Việt nam đã dàn dựng, sắp đặt, tài trợ và chỉ đạo tất cả. Điều này đã được ông Đỗ Trung Hiếu, một đảng viên lâu năm, làm việc trong ban tôn giáo thành phố Sàigòn, được đảng chỉ định làm “kiến trúc sư” cho tòa nhà GHPGVN này, đã nói rõ:
“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng.”[20]
Tại sao, trước đó, ngay sau năm 1975, các vị lãnh đạo GHPGVNTN đã đề xuất việc thống nhất Phật giáo cả nước với các vị lãnh đạo trong Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (HPGTNVN) tại miền Bắc và xin phép chính quyền trung ương để thực hiện việc này, nhưng cả chính quyền lẫn HPGTNVN đều đã từ chối?[21] Cũng như sau này, gần đây vào tháng 4 năm 2003, sau khi được Thủ tướng nhà nước cộng sản Việt Nam tiếp kiến, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã thực hiện một chuyến tham quan các ngôi chùa và thăm viếng chư Tăng, Ni và Phật tử từ thành phố Huế vào đến Sài gòn. Trong chuyến đi này, Hòa thượng đã đem hết tấm lòng chân thành của ngài để mong muốn có được sự ngồi lại giữa những vị lãnh đạo Phật giáo trong nước để lo công việc Phật sự hầu phát triển nền Phật giáo Việt nam. Nhưng kết cuộc vẫn không có hồi báo gì cụ thể. Lẽ tất nhiên ai cũng biết rằng những vị lãnh đạo trong GHPGVN đâu có thể tự ý quyết định một vấn đề trọng đại mà không có sự cố vấn và chỉ đạo của đảng cộng sản Việt nam. Nhưng tại sao đảng cộng sản Việt nam lại không để cho Phật giáo tự giải quyết việc nội bộ của Phật giáo?
Lý do đã được ba ông đảng viên cao cấp là Nguyễn Văn Hiếu, Xuân Thủy và Phan Văn Khải trả lời. Người thứ nhất là ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Văn Hóa đã trả lời với Hòa thượng Thích Đôn Hậu nhân khi Hòa thượng thay mặt GHPGVNTN đến để xin phép nhà nước cho phép Phật giáo đứng ra vận động thống nhất. Ông Hiếu trả lời:
“Thống nhất Phật giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động!”[22]
Người thứ hai là ông Xuân Thủy, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban dân vận và Mặt trận trung ương, nói với ông Đỗ Trung Hiếu vào năm 1979:
“Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được GHPGVNTN, mà ngược lại GHPGVNTN trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam.”[23]
Người thứ ba là ông Phan Văn Khải, Thủ tướng đương nhiệm của Nhà nước cộng sản Việt nam. Khi tiếp kiến Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Hà Nội vào đầu tháng 4 năm 2003, ông Phan Văn Khải đã khẳng định rằng chỉ cần một GHPGVN là đủ rồi.
Đảng cộng sản Việt nam xem GHPGVNTN là một tổ chức “phản động”. Từ ngữ “phản động“ mà người cộng sản thường dùng để buộc tội cho người dân mang ý nghĩa vô cùng hàm hồ và cưỡng ép. “Phản động“ tức là có hành động phản đối, không đồng tình, hay nói dễ hiểu hơn là hành động không tán đồng, không đồng ý, mà hành động ở đây bao gồm cả hành động của thân, miệng và ý. Việc không đồng ý qua một ý nghĩ, một lời nói, một hành động của người khác, của phe nhóm khác, của chính đảng khác, hay của chính quyền là điều tự nhiên không có gì mới lạ, lại càng không có gì để phải kết án, hay buộc tội, khi hành động đó được thể hiện một cách ôn hòa, bất bạo động. Ở trên thế gian này việc không đồng ý với quan điểm, với lời nói và hành động của kẻ khác là việc bình thường. Đảng không thể bắt mọi người dân đều phải răm rắp nghe theo, tin theo và làm theo đảng. Cứ thử tưởng tượng một xã hội, một đất nước như vậy thì còn gì là dân chủ, tự do, nhân quyền, sáng tạo và phát triển? “Phản động” mà ông Nguyễn Văn Hiếu muốn nói ở đây cũng mang cùng ý nghĩa như vậy, tức là vì GHPGVNTN là một tổ chức tôn giáo có cơ cấu tổ chức rộng lớn và quần chúng đông đảo, nhưng không chịu nghe theo, tin theo đảng, để cho đảng lãnh đạo, không chịu làm bù nhìn của đảng, để cho đảng dựa vào đó mà nắm lấy lực lượng quần chúng. Cho nên đảng buộc tội là “phản động”, rồi đảng tự nghĩ rằng đó là “tổ chức áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”. Cái mà ông Xuân Thủy gọi là “áp lực chính trị” thực chất là gì? Đó là sự hành hoạt của GHPGVNTN mà điển hình là qua các cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo, cho nền hòa bình của dân tộc, cho nhân quyền là những việc làm mà đảng cho là gây áp lực lên cơ chế đảng và chính quyền. Tại sao những việc làm của GHPGVNTN lại gây “áp lực chính trị”? Thực sự thì GHPGVNTN chỉ hoạt động thuần túy tôn giáo, chỉ chuyên tâm hoằng dương Chánh pháp để cứu khổ sinh dân. Trong hạnh nguyện cứu khổ sinh dân thì cả truyền thống hai ngàn năm Phật giáo Việt nam chứ không chỉ GHPGVNTN đều vì những lúc dân tộc điêu linh, thống khổ, bị bức hại, bị chà đạp quyền sống và quyền làm người mà thệ nguyện đứng ra để vận động giải cứu. Chỉ vì đảng cấm đoán không cho Giáo Hội hoạt động, bắt bớ, tù tội nhân sự, chiếm dụng cơ sở của Giáo Hội, cho nên, Giáo Hội phải lên tiếng đòi hỏi. Không thể nói hành động đòi hỏi những gì mình vốn có mà bị cướp mất là gây “áp lực chính trị”. Nếu đảng muốn tránh những hành động tương tự thì tại sao không trả lại những gì thuộc GHPGVNTN cho GHPGVNTN? Chính vì muốn có một tổ chức Phật giáo không gây “áp lực chính trị” cho nên đảng đã cho thành lập GHPGVN theo mô hình “tháp lật ngược và ở trong Mặt trận tổ quốc Việt nam.”[24] Tháp lật ngược tức là một tổ chức chỉ có nhân sự ở các cấp từ quận huyện trở lên mà không có cơ cấu tổ chức điều hành ở hạ tầng cơ sở thôn, ấp, phường, làng. Hay nói cách khác là một tổ chức không có quần chúng. Tổ chức Phật giáo mà không có quần chúng vậy giáo hóa cho ai, cứu khổ cho ai?
Đây là lý do thật sự để trả lời tại sao suốt mấy thập niên qua và cho đến giờ phút này, đảng cộng sản Việt nam vẫn thực hiện một chính sách thù nghịch đối với GHPGVNTN. Vì thế cho nên, những vị Giáo phẩm trung kiên của Giáo Hội như Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và chư vị lãnh đạo khác trong Hội Đồng Lưỡng Viện cho đến giờ này vẫn còn bị tù tội, bị quản chế, bị “xử lý” hành chánh, bị gây khó khăn đủ mọi mặt và GHPGVNTN vẫn không được phép sinh hoạt bình thường.
Khi thành lập GHPGVN vào năm 1981, đảng cộng sản Việt nam muốn gom hết tất cả các tổ chức Phật giáo cả nước, đặc biệt là GHPGVNTN vào trong một hiệp hội dưới sự điều hợp của Mặt trận tổ quốc và Ban tôn giáo chính phủ, để qua đó đảng có thể vừa khống chế được Phật giáo vừa nối dài cánh tay của mình đến mọi tầng lớp dân chúng. Nhưng đảng cộng sản Việt nam đã phạm phải hai sai lầm hết sức nặng nề mà từ đó làm hỏng toàn bộ kế hoạch. Sai lầm thứ nhất chính là đảng đã xen vào việc nội bộ của Phật giáo với ý đồ thao túng, chỉ đạo theo chủ trương và chính sách của đảng. Nếu đảng thật tâm muốn giúp đỡ cho Phật giáo, tạo điều kiện cho Phật giáo thống nhất để hoằng dương Phật pháp, cứu khổ quần sanh, góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước, thì đảng phải để cho chính quý vị lãnh đạo Phật giáo tự đứng ra lo công việc thống nhất này. Như vậy việc thống nhất Phật giáo mới có thể thành tựu viên mãn.
Sai lầm thứ hai là đảng chỉ cho phép GHPGVN được hình thành trong vai trò và tư cách pháp nhân của một hiệp hội. Một hiệp hội thì mục đích, cơ cấu tổ chức, nhân sự, chương trình hành động, tài sản, tư cách pháp nhân và pháp lý đều chịu sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ của đảng qua Mặt trận tổ quốc, Ban tôn giáo và các ban ngành thuộc các cấp chính quyền. Phật giáo không thể chấp nhận mình đóng vai trò và tư cách pháp nhân pháp lý như một hiệp hội, bởi vì, Phật giáo là một tôn giáo. Một tôn giáo, nhất là Phật giáo có chiều dài lịch sử hiện hữu trên hai ngàn năm tại đất nước này, thì về mặt mục đích đã có truyền thừa từ thời đức Phật xuống các bậc tiền bối tổ sư đến nay, không có chế độ chính quyền nào có thẩm quyền để quyết định là mục đích này được phép hay không được phép thực hiện, về mặt nhân sự thì 80 phần trăm dân số Việt nam là Phật giáo, như vậy làm sao lên danh sách theo điều kiện của một hiệp hội, về mặt tài sản thì của mười phương thiện tín cúng dường làm sao kê khai cho đầy đủ để báo cáo, về mặt phẩm trật giới hạnh Tăng già thì chính quyền không thể quyết định được, về mặt đạo đức tâm linh tu chứng thì vượt ra ngoài ảnh hưởng chi phối của thế tục làm sao các cấp chính quyền có thể xen vào.[25]
Chính sự sai lầm của đảng trong ý đồ thao túng nội bộ của Phật giáo và chỉ cho phép GHPGVN được thành lập trong tư cách một hiệp hội này đã dẫn đến hai hệ quả nghiêm trọng. Thứ nhất, là việc GHPGVNTN không tham gia, không cử đại diện tham gia vào GHPGVN. Điều này đã được Hòa thượng Thích Đôn Hậu nói rõ trong thư từ nhiệm của ngài gởi cho Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Pháp chủ GHPGVN vào ngày 8 tháng 2 năm 1982,[26] cũng như trong Tâm thư ngày 24 tháng 9 năm 1992, Hòa thượng Thích Huyền Quang đã xác nhận:
“Và, như vậy không có nghĩa là GHPGVNTN chúng ta không có thiện chí đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước. Mà chính vì nhà nước đã loại bỏ chúng ta ngay từ đầu, đã lên án Giáo hội của chúng ta là phản động. Còn có một số vị Giáo phẩm của chúng ta tham gia vào Giáo hội nhà nước là do được mời với tư cách cá nhân mà thôi. Và một số vị tự ý nhân danh trưởng đoàn đại biểu GHPGVNTN, đọc tham luận trong kỳ Đại hội I chỉ là do sự lạm xưng. Vì GHPGVNTN không có một cuộc họp nào, một văn bản nào để cử đại diện tham gia vào Giáo hội nhà nước cả.”[27]
Thứ hai là việc đảng dựng lên GHPGVN với vai trò của một hiệp hội thì điều này cũng dẫn đến hai hệ quả: Một là đảng làm cho GHPGVN không còn giữ được bản chất thuần túy cao cả của một tôn giáo có truyền thống lịch sử lâu dài, đảng làm mất giá trị và hiệu năng chủ yếu của Phật giáo là hoằng dương Chánh pháp, cứu khổ quần sanh. Hai là chính vì vậy, GHPGVN đã không còn là chỗ dựa vững chắc cho đảng, không còn đóng tốt vai trò là cánh tay nối dài của đảng đến quần chúng, bởi vì một GHPGVN biến chất, suy đồi, mất đạo phong thì bị Tăng, Ni và quần chúng Phật tử xa lánh, không tín nhiệm nữa. Xin đơn cử một việc, đó là việc các Giới đàn truyền thọ giới pháp cho những vị xuất gia như Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, lại có mặt các vị chức sắc của chính quyền không những tham dự mà còn ngồi đó như để “chứng minh”. Những chức sắc ấy là người thế tục, danh nghĩa Phật tử còn không có thì có tư cách gì để ngồi “chứng minh” trong các Giới đàn truyền thọ giới pháp ấy. Làm như vậy không những phá hỏng sự trang nghiêm thanh tịnh của Giới đàn, xâm phạm quy tắc giới luật đưa đến việc không đắc giới cho các giới tử thọ giới mà còn khiến cho Tăng, Ni và đồng bào Phật tử bất tín nhiệm GHPGVN. Như trường hợp của Giới đàn tại chùa Phổ Quang do GHPGVN tổ chức ngày 3 tháng 12 năm 2003 bỗng dưng biến thành cuộc meeting phản đối Nghị quyết 427 của Hạ viện Hoa kỳ và Nghị quyết của Nghị viện Âu châu.[28] Những điều này chỉ làm cho GHPGVN mất uy tín, mất trang nghiêm, mất đạo phong đối với Tăng, Ni và quần chúng Phật tử. Làm như vậy đảng sẽ có lợi là làm hủ hóa, thế tục hóa, biến chất hóa GHPGVN nói riêng và Phật giáo Việt nam nói chung. Đây là chính sách triệt hạ Phật giáo của đảng. Vì nếu đảng có chút thiện chí muốn xây dựng nền Phật giáo vững mạnh có thực chất thì đảng phải ngay từ đầu không lập ra GHPGVN mà để cho GHPGVNTN tự do sinh hoạt, tự do phát huy bản sắc đặc thù của Phật giáo Việt nam.
Thực ra đảng cộng sản Việt nam phải thấy rằng một tổ chức GHPGVNTN có quần chúng, có cơ cấu tổ chức từ trung ương đến hạ tầng cơ sơ thôn ấp, phường xã, có nề nếp giới luật tinh nghiêm, có chương trình giáo dục đầy đủ, có sinh hoạt văn hóa đa dạng, có kế hoạch hoằng pháp sâu rộng trong xã hội sẽ mang lại cho đất nước, cho dân tộc biết bao nhiêu ích lợi lớn lao. Lúc đó đảng bớt đi lo sợ vì khủng hoảng xã hội, vì đạo đức suy vi, nhân tâm thác loạn. Đó chính là tâm nguyện của GHPGVNTN mà cũng là ước nguyện của toàn thể dân tộc Việt nam. Đây cũng là lý do tại sao các vị lãnh đạo của GHPGVNTN vẫn kiên trì vận động cho sự phục hoạt của Giáo Hội. Vì GHPGVN đã không đóng đúng vai trò và chức năng mà truyền thống hai ngàn năm Phật giáo Việt nam đã thể hiện. Cho nên GHPGVNTN phải quyết tâm bảo vệ truyền thống cao quý ấy.
Suốt hai mươi mấy năm qua, kể từ khi được thành lập đến nay, GHPGVN đã làm được điều gì? Để trả lời cho câu hỏi này, xin trích một đoạn trong bài viết của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, nhan đề “Đạo Pháp Dân Tộc Chủ Nghĩa Xã Hội Biến Thái Của Phật Giáo Việt Nam Hiện Tại”:
“Từ ngày thành lập đến nay, Giáo hội thành viên Mặt trận đó đã làm những gì? Làm nhiều lắm, vì chùa chiền đồ sộ thêm lên. Như lời Hòa thượng Thanh Tứ phát biểu mới đây trong buổi lễ khai giảng của trường Phật học trung cấp tỉnh Bình Định. Hòa thượng nói: “Phật giáo thời Lý rất mạnh. Nhưng không bằng nay. Vì nay cơ sở của ta to lớn hơn.” Ấy là, theo như lời Hòa thượng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu: nhờ chính sách của Đảng. Đó là sự thực không thể chối cãi. Nhưng cần nói cho rõ thêm, Việt nam chúng ta bây giờ tiến bộ hơn thời Hồng Bàng gấp vạn lần. Thời Lý, nước Việt nam chỉ từ Thanh Hóa trở ra Bắc, chỉ hơn 1/3 lãnh thổ hiện nay. Như vậy thì cơ sở hiện nay nhất định phải to lên rồi. Nhưng cái to hơn ấy của lịch sử bốn ngàn năm văn hiến lại chưa bằng một phần nhỏ của Thái lan chỉ hơn 8 thế kỷ định cư. Và cũng nhờ chính sách của Đảng, nếu chính sách đó trước sau như một, nghĩa là như Phật giáo miền Bắc trước 1975, thì không biết ngày nay các Hòa thượng khi xuất hiện trước công chúng sẽ khoát Tăng bào, hay cũng chỉ bận áo sơ mi cán bộ như Pháp sư Trí Độ trước đây? Trên toàn miền Bắc, cho đến 1975, có trên dưới 300 “ông sư, bà vải.” Đến 1996, theo báo cáo của Bộ Nội Vụ của Trần Tư, “Hiện nay Phật giáo ở miền Bắc có khoảng 3000 Tăng Ni, tín đồ phần đông là ông già bà già là chủ yếu (nguyên văn). Số cao Tăng tiêu biểu hầu hết đã già yếu không còn khả năng hoạt động. Số Tăng Ni trẻ trình độ văn hóa cũng như lý luận về Phật giáo thấp, không đủ sức làm nhiệm vụ tranh thủ Phật giáo miền Nam và hoạt động quốc tế.” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phục vụ cho cái gì, theo báo cáo đó đã quá rõ.
“Ngoài cơ sở “to lớn hơn thời Lý” ra, còn thêm được những gì để vượt hơn Phật giáo miền Nam trước 1975? Nói về báo và tạp chí, được mấy phần trăm? Chỉ một tờ Giác Ngộ duy nhất cho cả nước. Cũng là tờ báo hoằng pháp. Nhưng cũng thường xuyên ca ngợi vinh quang của Đảng, và giúp Nhà nước phổ biến kế hoạch sinh đẻ, tuyên truyền đường lối của Đảng chống NATO….
“Ngoài tờ Giác Ngộ ra, với ba cơ sở giáo dục cao cấp, tương đương đại học, nhưng đã có công trình gì đáng kể?
“Vậy thì, qua hơn hai mươi năm hoạt động, trong tư cách là một bộ phận của đảng, GHPGVN đã làm thêm được gì cho văn hóa Phật giáo Việt nam so với những gì GHPGVNTN đã làm trước 1975?”
Các Tăng sĩ trẻ sau khi học tại các trường Phật học ra rồi không thấy GHPGVN phân phối công tác đi hoằng pháp ở các tỉnh, các miền quê trên cả nước, để hướng dẫn Phật tử tu học, để xây dựng hình tượng trang nghiêm của truyền thống Phật giáo Việt nam. Cho nên các Tăng sĩ này tụ về các thành phố lớn sống trong các ngôi chùa lớn chỉ để hưởng thụ vật chất mà không biết làm việc gì có lợi ích cho đạo pháp và dân tộc để đền đáp tứ ân. Vậy thì có số lượng Tăng, Ni đông đảo để làm gì?[29]
Như vậy, từ thỉ chung suốt mấy thập niên qua, những vị lãnh đạo của GHPGVNTN kiên trì và quyết tâm vận động cho nhân quyền và phục hoạt Giáo Hội với một mục đích duy nhất đó là giữ vững lập trường trung trinh của truyền thống lịch sử hai ngàn năm Phật giáo Việt nam. Qua truyền thống đó Phật giáo Việt nam lúc nào cũng đặt mình trong sự tồn tại của dân tộc, do đó, phải vượt lên trên tính cách giai đoạn của các ý hệ, chủ nghĩa, chế độ chính trị, phải đứng vững trên lập trường siêu thoát, cứu khổ và giải nghiệp cho mình và cho người chứ không phải quỵ lụy, tạo khổ và kết nghiệp. Cho nên, GHPGVNTN không phải chống cộng, hay chống cá nhân những người cộng sản như một số người quan niệm. GHPGVNTN chỉ vận động để đảng và chính quyền cộng sản Việt nam thấy rõ chính sách sai lầm của họ đối với dân tộc và Phật giáo mà sớm cải thiện. Giáo Hội chỉ muốn chuyển hóa cái xấu ác trở thành cái tốt đẹp. Vì vậy, nơi nào, lúc nào còn có điều xấu ác, có bất công, có độc tài, có áp bức, thì nơi đó, lúc đó GHPGVNTN còn vận động để mang lại sự chuyển hóa. Cho nên trong Thông Điệp xuân Giáp Thân năm nay 2004 của Viện Tăng Thống, đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang đã dạy:
“Phật pháp hiện tiền nơi thế gian nhằm mục đích tịnh hóa thế gian và giải phóng nhân loại ra khỏi tư kỷ, trầm luân, cho nên Phật pháp không giới hạn trong việc thuyết giảng mà thôi. Bản hoài của đức Thế Tôn là đạo Bồ tát: Quán nỗi khổ đau của đồng loại và chúng sinh để nảy sinh sự đồng tình cứu khổ và ban phát sự hòa lạc, làm nên vô lượng tâm giải thoát. Đó là con đường và chí nguyện của Bồ tát, của lịch đại tổ sư thực hiện trên dải đất Việt nam hai nghìn năm qua, mà nay chúng ta nối tiếp sự nghiệp ấy để trang nghiêm Giáo hội và trang nghiêm quốc độ.”
Vậy mà có người còn nghĩ rằng GHPGVNTN tranh đấu để giành lấy chính quyền. Xin hãy tịnh tâm nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt nam có bao giờ Phật giáo tranh đấu để chiếm lĩnh chính quyền? Ngay như thời kỳ dựng nước của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần các vị thiền sư sau khi xả thân phò tá việc an định quốc dân thì trở lại đời sống bình dị an bần thủ đạo, cho đến nay, GHPGVNTN suốt trên 40 năm hành hoạt chưa hề nghĩ đến việc tranh đoạt quyền hành chức tước với ai. Những người suy nghĩ rằng Phật giáo tranh đấu để giành lấy chính quyền là họ hoàn toàn không hiểu gì về giáo lý của đạo Phật, về mục đích tối hậu mà người con Phật từ xuất gia đến tại gia nhắm đến. Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý chẳng đã có nói rõ đấy sao:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
Sử gia Lê Mạnh Thát dịch như sau:
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu não nùng
Theo vận thịnh suy không hãi sợ
Thịnh suy đầu cỏ tựa phơi sương.”[30]
Đối với những người con Phật thì các pháp vô thường như vậy, cơ nghiệp chính trị như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, có rồi liền không, lấy gì chắc thật, có gì trường cửu, an lạc mà tham đắm? Đảng cộng sản Việt nam bây giờ có đem cơ đồ bá nghiệp của họ đến dâng cho quý Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ thì quý ngài cũng khẳng khái khước từ, bởi vì đó không phải là mục tiêu tối hậu của người xuất gia hướng đến.
Có người còn đổ lỗi cho Phật giáo hải ngoại. Họ nói rằng do Phật giáo hải ngoại đấu tranh mà quý Hòa thượng trong nước không ngừng bị tù tội, bị quản chế, GHPGVNTN không ngừng bị pháp nạn.
Nói như vậy thì những năm trước ở cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 khi quý thầy chưa ra hải ngoại đông, chưa có nhiều tổ chức Phật giáo để đấu tranh, phong trào vận động cho nhân quyền và giải trừ pháp nạn chưa có, nhưng tại sao trong nước chế độ cộng sản cũng vẫn đàn áp, tiêu diệt GHPGVNTN khốc liệt, quý Hòa thượng lãnh đạo GHPGVNTN cũng đã bị tù tội, từ những năm 1977? Thật ra đây chỉ là luận điệu tuyên truyền của đảng cộng sản Việt nam nhằm chận đứng sức mạnh vận động giải trừ pháp nạn của các tổ chức Phật giáo hải ngoại. Ngược lại cũng do công cuộc vận động giải trừ pháp nạn của các tổ chức Phật giáo và đồng hương hải ngoại lên đến những cơ quan quyền lực quốc tế về nhân quyền, các chính phủ, các quốc hội, các chính khách có uy tín tại các quốc gia tự do dân chủ, nhờ áp lực và can thiệp của họ mà đảng cộng sản Việt nam đã không thể thẳng tay dùng bạo lực để tiêu diệt GHPGVNTN. Điển hình là các bản án tử hình của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu nhờ cuộc vận động của Phật giáo đồ hải ngoại lên các cơ quan quốc tế can thiệp mà đã được giảm xuống còn 20 năm. Hoặc gần đây do áp lực quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu, bởi cuộc vận động của Phật giáo hải ngoại, mà ông Thủ tướng Nhà nước cộng sản Việt nam đã phải tiếp kiến Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang nhân chuyến chữa bệnh của ngài tại Hà Nội vào đầu tháng 4 năm 2003.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao cuộc vận động cho nhân quyền và phục hoạt GHPGVNTN tại hải ngoại lại làm khó khăn cho Giáo Hội trong nước, những người không đồng tình với cuộc vận động giải thích rằng, bởi vì vận động để kêu gọi quốc tế can thiệp tức là tạo cơ hội cho các thế lực ngoại bang chống chính quyền cộng sản Việt nam đánh phá, can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt nam. Thật ra lời giải thích này hoàn toàn không hợp lý. Tại sao? Nếu Nhà nước cộng sản Việt nam sợ các thế lực ngoại bang can thiệp vào chuyện nội bộ hay đánh phá thì vì lý do gì cũng chính Nhà nước cộng sản Việt nam quỵ lụy bang giao, cầu xin họ vào Việt nam để giao thiệp, để làm ăn buôn bán? Nhà nước cộng sản Việt nam không sợ các thế lực ngoại bang ấy ở ngay trong lòng đất nước mình để can thiệp vào chuyện nội bộ, để đánh phá dễ dàng hơn sao?
Có người cho rằng quý Hòa thượng lãnh đạo GHPGVNTN là sân si, là tự ái cá nhân, nên mới chống đối nhà nước, đòi tự do, nhân quyền, tu hành gì mà không nhẫn nhục, chuyện quá khứ đã qua rồi thì hãy buông xả đi còn cố chấp làm gì, hãy nhìn về tương lai. Trong bài viết nhan đề “Thầy Quảng Độ, Bồ Tát Vô Úy”, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã trả lời như sau:
“Có một vị xuất gia không có được đức vô úy của thầy lại cho thầy là dại, tại sao cứ lớn tiếng đòi nhân quyền, tại sao cứ lên tiếng chống độc tài áp bức, tại sao cứ phải đấu tranh cho sự tồn tại của GHPGVNTN để rồi chuốc họa vào thân? Phải chăng thầy lên tiếng bởi thầy sân si? Họ nói: tu hành thì phải nhẫn nhục, lấy trứng mà chọi đá ích gì! Tại sao không lấy mũ ni che tai cho khỏe? Thầy Quảng Độ đã trả lời họ trong bài thơ Sân Si như sau:
“Có một số tăng ni
Bảo là tôi sân si
Tu hành chẳng nhẫn nhục
Không hỷ xả từ bi
Luật vô thường là thế
Có thịnh thì có suy
Nay gặp thời mạt pháp
Đạo tất phải suy vi
Đó chính là chân lý
Buồn phiền mà làm chi
Chùa tượng thuộc hình tướng
Phật Pháp vốn vô vi
Ai phá mặc họ phá
Phật Pháp có hề gì
Tu hành nên nhẫn nhục
Trứng chọi đá ích chi?
Không gì hơn sự sống
Hãy sống với mũ ni
Xin cúi đầu phục mệnh
Lạy đức Phật từ bi
Sự sống quý như thế
Mà sao còn vô tri
Từ nay con vui sống
Dù sống chẳng ra gì
Miễn như mọi người khác
Khỏi mang tiếng sân si.
“Một số lớn trong chúng ta là người hèn nhát. Chúng ta không có được cái tuệ giác và cái vô úy của thầy Quảng Độ. Lịch sử sẽ phê phán chúng ta như thế nào? Bằng đức vô úy lớn lao của thầy, thầy Quảng Độ đã cứu chuộc được cho tất cả chúng ta. Có thầy Quảng Độ ta mới dám ngửa mặt lên nhìn người và mới nhìn thẳng vào con mắt của con cháu chúng ta. Thầy Quảng Độ là vị Bồ tát có khả năng cứu chuộc được cho tất cả chúng ta, là redempteur, gột sạch được cho thế hệ ta cái tội hèn nhát không dám lên tiếng trước bạo lực, áp bức và độc tài. Tôi không bao giờ dám nghĩ là thầy Quảng Độ sân si. Tôi nghiêng mình trước tuệ giác và đức vô úy của thầy. Cũng may là lịch sử hiện đại còn có thầy Quảng Độ và một số các thầy và các đạo hữu khác, hữu danh hay vô danh, có tầm vóc của những vị Bồ tát. Tôi rất hãnh diện vì sự có mặt của họ. Tôi không nghĩ rằng thầy Quảng Độ là trứng chọi với đá. Tôi thấy thầy là kim cương. Đá không thể nào làm tổn hại được kim cương. Thầy là kim cương bất hoại dù hình hài thầy còn hay không còn hiển hiện.”
THAY LỜI KẾT
Suốt bốn mươi năm qua, GHPGVNTN không ngừng vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo, cho hòa bình dân tộc, cho nhân quyền và phục hoạt Giáo Hội. Con đường trước mặt mà Giáo Hội đang đi tới vẫn còn nhiều chướng duyên và bất trắc. Có người vì quan tâm đến Giáo Hội và tiền đồ của Phật giáo Việt nam đã than thở rằng tại sao Giáo Hội từ thời này đến thời khác cứ phải chịu nhiều khổ lụy? Tại sao chúng ta không tìm một phương thức nào toàn vẹn để bảo toàn thực lực của Phật giáo Việt nam?
Nỗi lo lắng của những người có lòng với Giáo Hội ấy thật đáng trân quý và nhận định mà những vị kia đưa ra không phải là không đáng để cho Tăng, Ni và Phật tử Việt nam cẩn trọng suy tư.
Tuy nhiên, có điều là chúng ta cũng nên đặt lại một cách nghiêm túc câu hỏi này: rằng GHPGVNTN không quản ngại khó nhọc để vận động từ trước đến nay như vậy là mong muốn điều gì? Có phải Giáo Hội muốn tìm một thế đứng để an phận thủ thường cho riêng mình giữa cộng đồng dân tộc?
Chắc chắn là không! GHPGVNTN không muốn điều gì cho riêng mình cả. Nếu có điều gì ước nguyện mà Giáo Hội mong muốn đạt thành đó chính là ước nguyện chung của đại khối dân tộc. Mà ước nguyện chung của đại khối dân tộc là gì? Đó là tự do, dân chủ, công lý, hòa bình, nhân quyền, và thịnh vượng mà trong đó có phần đóng góp xứng đáng của GHPGVNTN cho đất nước và dân tộc, như truyền thống lịch sử hai ngàn năm Phật giáo Việt nam đã làm. Nhưng bốn mươi năm qua đất nước và dân tộc có được bao nhiêu những điều ấy? Câu trả lời đã được lịch sử minh thị quá rõ rằng: những điều mà đất nước và dân tộc có được thì quá ít so với những gì bị mất mát, bị tước đoạt. Vậy thì, khi mà đất nước và dân tộc không có tự do, dân chủ, công lý, hòa bình, nhân quyền và thịnh vượng, Phật giáo nói chung và GHPGVNTN nói riêng có thể không quan tâm đến được sao, có thể riêng tìm cho mình một chỗ đứng để an phận thủ thường hay sao? Tại sao chúng ta không nhận thấy rằng chính vì không đặt sự tồn tại của mình ra ngoài sự tồn tại của dân tộc mà Phật giáo Việt nam đã được dân tộc thương yêu, đùm bọc, và trân quý suốt hai mươi thế kỷ nay?
Có thể sẽ có người trả lời rằng tại sao không được? Tại sao chúng ta cứ phải ở cái thế đối đầu. Thay vì đối đầu tại sao chúng ta không biết uyển chuyển để bảo tồn thực lực hầu phát triển Phật giáo? Vậy xin hỏi rằng uyển chuyển bằng cách nào? Quý Hòa thượng khi tham gia vào GHPGVN năm 1981 chắc cũng mang tâm nguyện uyển chuyển như vậy để mong phát triển Phật giáo Việt nam. Nhưng suốt hai thập niên qua quý Hòa thượng đó và GHPGVN của quý ngài đã làm được gì để phát triển Phật giáo? Điều này đã nói rõ ở trên, không cần nhắc lại. Có điều là từ khi quý Hòa thượng được bầu vào quốc hội nhà nước cộng sản Việt nam cho đến nay, có lần nào quý Hòa thượng lên tiếng chính thức với tư cách là một vị đại diện của dân, đại diện của Phật giáo để nói với đảng cộng sản Việt nam rằng xin đảng đừng nhúng tay vào việc nội bộ của Phật giáo nữa để cho Phật giáo tự giải quyết việc của mình? Không những không phát triển được Phật giáo mà còn vô tình làm công cụ cho đảng cộng sản phân hóa, hũ hóa, thế tục hóa, và tiêu diệt Phật giáo nữa. Sau hơn hai mươi năm đem thân lịch nghiệm qua một giai đoạn lịch sử đen tối và tủi nhục của Phật giáo Việt nam, giờ này, quý Hòa thượng, chư Tăng, Ni tham gia vào GHPGVN ắt phải thức tỉnh ra rằng vấn đề không phải ở trong nội bộ Phật giáo mà vấn đề là ở ngay nơi đảng cộng sản Việt nam. Trong Thông điệp xuân Giáp Thân năm nay, đức Tăng Thống Thích Huyền Quang đã viết:
“Sau cuộc gặp gỡ này, tôi về thăm Huế và các tỉnh ở phía Nam cho đến Mỹ tho. Đi đến đâu tôi cũng thấy nhơn tâm, cơ sở của Tăng Tín đồ Phật giáo vẫn còn nguyên, vẫn một lòng một dạ sắc son với GHPGVNTN, tuy âm thầm chưa công khai bộc lộ. Tôi cũng đến thăm các vị giáo phẩm cao cấp của Giáo hội ta ngày xưa, mà nay đang là những cán bộ trong Giáo hội hiện tại. Đạo tình của chư vị vẫn còn nguyên, không mang tâm hay thái độ phân biệt. Đâu đâu cũng hỏi tôi: “Chừng nào thì Giáo hội ta sinh hoạt trở lại sau mấy mươi năm vắng bóng?”
Câu hỏi trên đúng ra phải đặt cho đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải cho Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vì suốt mấy mươi năm qua Hòa thượng cũng đã kiên trì không lay chuyển gõ cửa đảng cộng sản Việt nam để tìm câu trả lời, mà mãi đến hôm nay ngài vẫn không thấy họ hồi ứng. Điều mà ngài hằng ngày thâm cảm cách phản ứng của đảng cộng sản chính là tình trạng cuộc sống như tù tội không có án lệnh của ngài, của Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng một số vị giáo phẩm khác trong Hội Đồng Lưỡng Viện.
Cho nên, quý vị lãnh đạo GHPGVN và những ai đau lòng trước cảnh nồi da xáo thịt, hay quan tâm đến vận mệnh của Phật giáo Việt nam thì xin hãy đem dũng lực của người con Phật mà đặt vấn nạn ấy lên đảng cộng sản Việt nam. Đòi hỏi họ rằng nếu các ông còn tôn trọng hiến pháp mà do chính các ông soạn ra, trong đó nói rằng “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng”, thì các ông đừng nhúng tay vào việc nội bộ của Phật giáo nữa, để cho Phật giáo tự giải quyết chuyện của Phật giáo. Nếu các ông còn nghĩ đến dân tộc và đất nước thì hãy để cho Phật giáo phát huy hết bản sắc thù thắng của mình, mà suốt hai ngàn năm qua là chỗ nương tựa cho công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, là mạch sống ngầm trong lòng đất mẹ Việt nam. Đảng cộng sản Việt nam phải ý thức một cách sáng suốt rằng một nền Phật giáo như vậy tuyệt đối không thể là một nền Phật giáo bị chỉ đạo, bị uốn nắn theo một chiều của bất cứ ý hệ, chủ nghĩa, hay thế lực chính trị nào. Đó phải là nền Phật giáo dân lập, truyền thống và mang đầy đủ các đức tính giải thoát và giác ngộ của đạo Phật. GHPGVNTN chính là nền Phật giáo ấy.
TÂM HUY – HUỲNH KIM QUANG
[1] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2, nhà xuất bản Thành phố Hồ chí Minh, 2001, trang 419
[2] Xem Lời Mở Đầu của Hiến Chương của GHPGVNTN, bản tu chính ngày 12 tháng 12 năm 1973 trong Đại Hội GHPGVNTN kỳ V. Đọc Đạo Phật Và Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, 1996, trang 460-461.
[3] Xem Lời Mở Đầu của Hiến Chương của GHPGVNTN, bản tu chính ngày 12 tháng 12 năm 1973. Đọc Đạo Phật Và Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, 1996, trang 460-461.
[4] “Tuyển tập, 1963-2003 Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, Giao Điểm 2003, trang 524.”
[5] Vũ Văn Mẫu sáu Tháng Pháp Nạn 63, http://www.giaodiem.com/doithoaiII/vvmau-phatgiao63.htm
[6] Thích Đức Nhuận, Đạo Phật và Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới xuất bản, 1996, trang 465.
[7] Thích Đức Nhuận, Đạo Phật Và Dòng Sử Việt, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, 1996, trang 460-461.
[8] Sách đã dẫn, trang 463.
[9] Sách đã dẫn, trang 461.
[10] Nguyên Tường, Từ Thông điệp Ý Thức Về Nguồn 1971 đến Tuyên cáo 2 năm 1993 của GHPGVNTN, tạp chí Chân Nguyên số 22 tháng 4 năm 1994, trang 26.
[11] Sách đã dẫn trên, trang 27, 28.
[12] Sách đã dẫn trên, trang 28.
[13] Đỗ Trung Hiếu, Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, tạp chí Quê Mẹ số 133, 1995, trang 20.
[14] Thích Trí Quang, Người Xuất Gia, Phú Lâu Na Tùng thư, 2003, trang 70, 71.
[15] Phật Giáo Việt Nam Biến Cố và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK-VPII-VHĐ, 1996, trang 85.
[16] Phật Giáo Việt Nam Biến Cố và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK-VPII-VHĐ, 1996, trang 89.
[17] Sách đã dẫn trên, trang 96-97.
[18] Sách đã dẫn trên, trang 102.
[19] Sách đã dẫn trên, trang 103-109.
[20] Đỗ Trung Hiếu, Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, tạp chí Quê Mẹ, số 133, năm 1995, trang 15.
[21] Xin đọc Tâm Thư của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, viết tại Quảng Ngãi ngày 24 tháng 9 năm 1992, tạp chí Chân Nguyên số 18-19, năm 1993, trang 31.
[22] Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đơn Xin Cứu Xét Nhiều Việc, Phật Giáo Việt Nam Biến Cố Và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK-VPII-VHĐ, 1996, trang 128.
[23] Xin xem bài viết của Thượng tọa Thích Phước Viên, Vài Lời Về Nhóm Giao Điểm, đăng trong web: http:/www.queme.net/ubcv.ibib.
[24] Đỗ Trung Hiếu, Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Quê Mẹ, số 133, năm 1995, trang 17.
[25] Chữ của ông Đỗ Trung Hiếu trong Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Quê Mẹ số 133, trang 21.
[26] Xem thư từ nhiệm của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Phật Giáo Việt Nam Biến Cố Và Tư Liệu, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN hải ngoại/Hoa-Kỳ, 1996 trang 110-111
[27] Tâm Thư của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Chân Nguyên số 18-19, năm 1993, trang 32.
[28] Xem Thông cáo Báo chí của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ngày 10 tháng 12 năm 2003, Web: http:/www.queme.net/ubcv.ibib.
[29] “Đọc thêm bài Nghĩ Về Phật Giáo Việt Nam của Vĩnh Hảo trong các web: http://www.hoadam.net, http://www.phapvan.ca, http://www.vientangthong.net.”
[30] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2, nhà xuất bản thành phố Hồ chí Minh 2001, trang 525.