Thời gian gần đây Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương – Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất tuyên bố ra mắt và suy cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vào chức vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý viện Tăng thống GHPGVNTN. Văn bản sau khi công bố đã được lan tỏa một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội. Có một điều là tất cả các phương tiện truyền thông, báo chí của nhà nước đều không đề cập đến sự kiện này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng thế. Nhà nước thì từ lâu họ đã không công nhận tính hợp pháp của GHPGVNTN (mặc dù GH này vẫn tồn tại liên tục từ 1964 đến nay) nên họ không đưa tin, không bình luận là một điều dễ hiểu. Thế nhưng GHPGVN cũng là một tổ chức của Phật giáo Việt Nam, cùng mang sứ mệnh hoằng pháp độ sanh, phụng sự đạo pháp và dân tộc lại không hề có một dòng thông tin hay một bài viết về sự kiện này mà chỉ có sự im lặng tuyệt đối là một điều lạ!

Việc công bố thành phần nhân sự Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương-Viện Tăng Thống GHPGVNTN mà người được suy cử vào chức vụ cao nhất là Hòa thượng Tuệ Sỹ được các phương tiện truyền thông đăng tin và chia sẻ rộng rãi đã trở thành một hiện tượng ít khi thấy trong các sự kiện của Phật giáo VN. Đặc biệt một điều là hầu như tất cả các ý kiến đều tỏ ý tán đồng và bày tỏ sự tin tưởng, không phải chỉ có giới phật tử tán dương mà ngay cả những người vốn không phải là tín đồ đạo Phật mà chỉ là những người hay quan tâm tới các vấn đề của Phật giáo kể cả tích cực lẫn tiêu cực cũng đều tán dương và tin tưởng, thậm chí mong chờ Hòa thượng Tuệ Sỹ như là một người đem ánh sáng đến cho PGVN trong giai đoạn này.

Sự đồng thuận cao của giới truyền thông chuyên nghiệp và nghiệp dư trước sự kiện công bố tuyên ngôn của GHPGVNTN là một hiện tượng. Tuy nhiên với tôi, bản thân Hòa thượng Tuệ Sỹ cũng đã là một hiện tượng của PGVN thời hiện đại rồi.

Bản công bố của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống – GHPGVNTN

Tôi không viết lại tiểu sử của thầy, hiện nay thì việc tìm kiếm tiểu sử của thầy khá dễ dàng vì thầy đã là một nhân vật Phật giáo quá nổi tiếng rồi. Ở đây tôi chỉ xin đề cập một vài khía cạnh về nhân thân của thầy mà tôi cho là hiện tượng. Thầy sinh năm 1943 tại Paské, Lào, đi tu năm 7 tuổi, tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, và rồi sau đó chỉ năm năm 1970 thầy được bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không và nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng. Thầy sáng lập và là chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành, Tư Tưởng là một tạp chí quy tụ rất nhiều những nhà nghiên cứu, học giả uyên bác, văn nghệ sỹ tên tuổi cộng tác mà không phân biệt là phật tử hay tín đồ của tôn giáo khác. Thầy cũng là một nhà thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969-1972), Thời tập (1973-1975). Học giả Đào Duy Anh nhận xét: “Thầy là viên ngọc quí của Phật giáo và của Việt Nam.” Hòa Thượng Mãn Giác thì nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước,…” Hòa Thượng Đức Nhuận viết về thầy: “…học vấn uyên thâm, phẩm tiết sắc son…” Riêng về lĩnh vực thơ thì thầy xứng đáng là một nhà thơ lớn, thi sĩ Bùi Giáng nói về thầy: “Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ KHÔNG ĐỀ của ông đủ khiến ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ: Mới nghe 4 câu thôi, tôi đã cảm dạ. Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn… Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương”.

Thầy không có học hàm, học vị mà chỉ với sở học như thế nhưng thầy thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức, thầy được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật… Một tu sỹ, một triết gia với dáng người mảnh mai, gầy gò, đôi má hóp, đôi mắt sâu sáng tỏa một sự thông tuệ tuyệt đỉnh.

Đầu năm 1978, Thầy bị chính quyền bắt giam trong nhà tù cải tạo cho tới đầu năm 1981.Ba năm sau Thầy lại bị bắt cùng với thầy Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không có luật sư biện hộ, tòa án đã kết án tử hình hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó nhờ sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, chính quyền giảm án xuống còn chung thân khổ sai.. Năm 1998, chính quyền phóng thích thầy cùng với một số người khác. Trước khi thả, họ yêu cầu thầy ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch nước Trần Đức Lương, thầy trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả, thầy không viết và tuyệt thực. Chính quyền đã phải phóng thích Thầy sau 10 ngày tuyệt thực.

Thầy là một bậc long tượng của Phật giáo VN thời hiện đại, một nhân cách cao quý, một trí tuệ tuyệt vời được phật tử và cả cộng đồng xã hội không những trong nước mà cả thế giới mến mộ. Vì thế mà Đức Đệ ngũ Tăng thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ đã thỉnh cử thầy vị trí Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống (QĐ số 14-VTT/TT/QĐ ngày 24/5/2019). Tại lễ chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Độ (20/04/2020), thầy Tuệ Sỹ phụng thừa Quyết định Ủy thác Quyền Điều hành Viện Tăng Thống trở thành Xử lý Thường Vụ Viện Tăng thống GHPGVNTN. Ngày 21 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, đồng thời suy cử Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngày 22 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ chính thức trao truyền Di chúc, ấn tín, và khai ấn, được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8 TP. Hồ Chí Minh.

Thầy Tuệ Sỹ xuất hiện tại thế gian làm thân một tu sĩ Phật giáo trong một giai đoạn mà nước nhà đã xảy ra quá nhiều biến động, Phật giáo VN cũng chịu bao nỗi thăng trầm, biến thiên của thời cuộc và thầy đã chọn cho mình con đường dấn thân hành bồ-tát đạo, thực hành bồ-tát nguyện suốt đời phụng sự chánh pháp trên tinh thần “Uy vũ bất năng khuất”. Chúng ta chỉ tiếc một đấng hiền tài như thầy lại bị cuốn theo dòng chảy của vận nước để rồi trong những năm tháng đẹp nhất đời người, những năm tháng mà sự cống hiến của một người thường ở trên đỉnh cao thầy lại bị giam cầm trong ngục tối hết 14 năm, kể cả 3 năm học tập cải tạo nữa là 17 năm, một đời người có được bao nhiêu năm tháng để cống hiến mà người ta đã tước đoạt của thầy hết 17 năm ?! Có lúc tôi thầm nghĩ may mà chính quyền lúc đó không tử hình thầy và thầy Trí Siêu nếu không việc giết chết hai nhà tu không một tấc sắt trong tay, hơn nữa là hai bậc hiền tài của đất nước thì vết nhơ lịch sử đó sẽ khó mà gột rửa được.

Trở lại vấn đề vì sao khi Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVN được công bố và Hòa thượng Tuệ Sỹ là vị lãnh đạo cao nhất lại được cả cộng đồng xã hội đồng thuận như thế? Bất kỳ ai có quan tâm đến Phật giáo trong nước thì đều biết, hiện nay chùa chiền thì ngày mọc lên càng nhiều, kể cả những ngôi chùa to lớn thuộc hàng lớn nhất thế giới, Tăng sĩ thì ngày càng có nhiều vị có học hàm, học vị cao ngất ngưỡng. Thế nhưng với phật tử và những ai thường quan tâm đến sinh hoạt Phật giáo trong nước đều nhận thấy Phật giáo trong nước đang rơi vào tình trạng suy thoái vì chỉ phát triển về bề nổi, sinh hoạt Phật giáo trong cộng đồng xã hội ngày càng mang nặng màu sắc tín ngưỡng dân gian mà dần đánh mất cốt tủy tinh túy của giáo lý Phật-đà. Thời gian gần đây đã có quá nhiều hiện tượng các chùa, các tăng sĩ tổ chức những hình thức hành đạo không đúng chánh pháp, không đúng lời Đức Phật dạy khiến cho dư luận quần chúng lên án và bêu rếu làm xấu đi hình ảnh của Phật giáo, một tôn giáo lớn đã đồng hành cùng dân tộc suốt hai ngàn năm. Có vẻ như hiện nay Giáo hội đã không thể kiểm soát được các hình thái hành đạo của tăng sĩ, mặc dù từ cấp Trung ương Giáo hội đến cấp tỉnh đều có đủ các ban ngành phụ trách hầu như không thiếu lãnh vực nào. Những hình ảnh lệch lạc thậm chí phản cảm trong việc hành đạo của các tăng sĩ ngày càng nhiều và khó kiểm soát, nhưng ít khi thấy Trung ương Giáo hội đưa ra những giải pháp để giữ vững thanh quy, nghiêm trì giới luật, hành đạo đúng chánh pháp nhằm bảo vệ uy tín của Phật giáo VN.

Hằng ngày phải đối diện, phải nghe, phải thấy những việc làm lệch lạc xa rời chánh pháp của một số tăng sĩ khiến cho phật tử và cộng đồng xã hội cảm thấy chán ngán cho thực trạng đau buồn này của

Phật giáo Việt Nam. Thất vọng bởi sự dễ dãi và buông lỏng trong việc chấn chỉnh các hoạt động phật sự, đau buồn vì những lối hành đạo thấm màu tà sư, ngoại đạo, mê tín di đoan nên phật tử cũng như những người vốn yêu mến đạo Phật đang trông chờ một luồng gió mới thổi bay đi những tà pháp, những cây tầm gửi, những con sâu đang đeo bám nơi cội bồ đề, họ mang chờ một “phép mầu” xảy ra để đưa Phật giáo thực hành đúng chánh pháp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Họ đang chờ đợi những bậc cao tăng thạc đức xuất trần để tiếp tục mạch nguồn tinh hoa Phật pháp vốn đã bị đứt đoạn trong một thời gian dài. Thế nên khi Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương- GHPGVNTN ra đời với hình ảnh của vị cao tăng dấn thân gánh vác trách nhiệm lịch sử này là đáp ứng sự trông chờ của phật tử và cộng đồng xã hội.

Thầy Tuệ Sỹ nhận lãnh sứ mệnh lịch sử của PGVN trong một giai đoạn hết sức cam go này đã làm dấy lên tia hy vọng về một sự chấn hưng Phật giáo nhằm trả lại những gì vốn là tinh hoa, là cốt tủy của Phật giáo đã dần bị đánh mất. Khi mặt trời ló dạng phía trời đông thì bóng tối tự tan biến đi, đó là quy luật vĩnh cửu muôn đời.

Tâm Lễ – Nguyễn Ngọc Luật

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version