Một vị giáo thọ, đang giảng dạy tại Viện phiên dịch Phật giáo Việt Nam (trụ sở tại Sài Gòn), liên lạc gửi cho tôi xem bản kinh “Thọ tân tuế” (受新歲經) ghi chép trong “Cao-lệ quốc tân điêu đại tạng hiệu chính biệt lục” (高麗國新雕大藏挍正別錄), trước bản kinh Thọ tân tuế có hai chữ “cánh hàm 竟凾” (竟凾 受新歲經); vị ấy hỏi tôi “cánh hàm” nghĩa là sao?
1
Thảo luận đến Đại tạng kinh, hiện nay, riêng tại quê hương Việt Nam chỉ còn số ít, hay nói thực trạng là lác đác, thưa thớt vài người nghiên cứu Phật học để tâm.
Theo lời thầy Tuệ Sỹ nhận định, kể từ phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930, các vị dịch giả đã cố gắng phiên âm và phiên dịch Kinh điển từ Hán văn hay chữ Nôm sang chữ quốc ngữ để sử dụng trong sinh hoạt thiền môn Việt Nam cũng như để đem giáo lý Phật-đà đi vào quần chúng. Nhưng đó chỉ là những đóng góp từ cá nhân, mang tính cấp thời, chưa có sự phối hợp đồng bộ, và chưa đủ tầm mức học thuật để giới thiệu Thánh điển Phật giáo tiếng Việt đến với cộng đồng dân tộc.
Tháng 10, năm 1973, Viện Tăng Thống GHPGVNTN thành lập Hội đồng phiên dịch Tam Tạng; và qua Hội nghị Toàn thể Hội đồng phiên dịch Tam Tạng tổ chức tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, với 18 vị Pháp sư: HT. Trí Tịnh, Minh Châu, Trí Quang, Quảng Độ, Trí Nghiêm v.v… Nhiều kinh điển đã được dịch, góp phần đáng kể vào kho tàng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên theo thầy, số kinh điển đã được dịch đó chưa có thời gian thuận tiện để được hiệu đính và nhuận sắc theo đúng tiêu chuẩn Phật điển hàn lâm, hay để được định bản tiếng Việt đáng tin cậy, theo chuẩn mực quốc tế.
Cũng vì lý do trên, sau năm 1998, thầy Tuệ Sỹ về cư trú tại chùa Già-lam, Sài Gòn, biết rằng sức mình có hạn nên chí nguyện chỉ hoàn thành Đại tạng kinh Thanh văn – “Thanh văn” là chi cho giáo nghĩa chưa phát triển, tức không phải những kinh điển Đại thừa… Về Kinh, thầy tập trung phiên dịch bốn bộ A-hàm: Trường, Trung, Tạp, Tăng nhất A-hàm. Về Luật, thầy hiệu đính lại bộ luật Tứ phần, do HT Đỗng Minh dịch và cùng các học trò dịch Luật tạng của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ. Về Luận, thầy dịch Câu-xá luận, Thành Duy thức luận, Pháp uẩn túc luận, Tập dị môn túc luận. Nguồn Để bản để chuyển ngữ sang Việt là Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh 大正新修大藏經, thường gọi tắt là tạng Đại chánh, ấn bản dưới triều Đại Chánh (1924), Nhật bản. Tạng này do 3 vị Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc và Tiểu Dã Huyền Diệu tham khảo bản Tái khắc Cao-lệ tạng, Khai bảo tạng, Khiết-đan tạng… để hiệu đính.
2
Nói đến Đại tạng Cao-lệ là Đại tạng kinh do Hàn quốc điêu khắc; khắc trên 81.258 khối gỗ, gồm 6.568 quyển. Đại tạng này còn có tên “Bát vạn Đại tạng kinh” 八萬大藏經. Trong lịch sử ghi chép, tạng Cao-lệ có hai lần khắc: lần thứ nhất khởi công điêu khắc dưới triều vua Cao-lệ Hiển Tông (Hyeonjong) năm 2 (1011) đến năm Tuyên Tông 4 (1087) hoàn thành, gọi Sơ điêu Đại tạng kinh 初雕大藏經. Lần thứ hai, là bản khắc tái bản, khởi công khắc dưới triều Cao Tông năm 23 (1236), hoàn thành năm 38 (1251), gọi là Tái điêu Đại tạng kinh 再雕大藏經. Tạng Cao-lệ y cứ vào tạng Khai bảo 開寶藏 (do Tống Thái Tông Trung Quốc gửi tặng) và Khiết-đan tạng 契丹藏 (vương triều Khiết-đan gửi tặng năm 1063) để tu chính. Tái điêu Đại tạng kinh chính do sa-môn Thủ Kỳ cùng một số vị khác phụng sắc, đối chiếu nhiều bản tạng so sánh, khảo đính. Năm Tl. 1398, để tránh sự xâm nhập của người Nhật, bộ Đại tạng này được dời đến chùa Hải ấn 海印寺 (Haeinsa), một trong ba ngôi chùa lớn của Hàn quốc, cất giữ cho đến nay. Hiện tại “Cao-lệ quốc tân điêu đại tạng hiệu chính biệt lục” được xếp chung trong tạng Đại chánh 大正藏, tên K (Korean) 38, số (n.) 1402 (K38n1402).
Chúng ta trở lại chữ “cánh hàm 竟凾”. Chữ “cánh 竟” trong tác phẩm “Thiên tự văn 千字文”, là một bài thơ dài của Chu Hưng Tự sáng tác vào thời Nam Lương (502-557), được tạo thành 1000 chữ Hán không trùng lặp, sắp xếp thành 250 dòng bốn ký tự và được nhóm thành bốn khổ thơ có vần điệu dễ nhớ. Truyền thuyết kể rằng, Lương Vũ Đế của nhà Lương đã ra lệnh cho Ân Thiết Thạch chép lại một ngàn chữ Hán không trùng lặp trên văn bia do nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn là Vương Hi Chi viết, để cho các hoàng tử học tập thư pháp. Nhưng các chữ rời rạc, không liền mạch, cho nên hoàng đế lệnh cho Chu Hưng Tự biên soạn lại thành một tác phẩm có nghĩa. Chuyện kể, ông đã hoàn thành công việc đó trong một đêm, đến nỗi bạc trắng cả tóc.
Thiên tự văn chia làm bốn phần: Phần đầu nói về vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, các vì sao… Phần hai giảng về các nguyên tắc, tiêu chuẩn tu dưỡng của một con người; Phần ba nói về các vấn đề liên quan đến sự thống trị của vương quyền, tự thuật cuộc sống xa hoa của xã hội thượng lưu, những thành tựu của họ về văn hóa, giáo dục, võ thuật và sự rộng lớn, xinh đẹp của đất nước Trung Quốc. Phần bốn miêu tả chủ yếu về cuộc sống đời thường của dân gian, nói về đạo trị gia của người quân tử.
Chữ cánh 竟 thuộc thứ Phần ba, câu “Vinh nghiệp sở cơ, tịch thậm vô cánh 榮業所基,籍甚無竟”. Tạm hiểu là sự nghiệp và vinh dự, phải phát triển thịnh đại (籍甚), mà nền tảng danh dự sự nghiệp của một đời người cần phát triển mãi mãi không hồi kết (vô cánh 無竟).
Thời gian tôi còn làm việc trong Ban phiên dịch tại Nha Trang – Khánh Hòa, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Đỗng Minh. Hòa thượng và tôi từng đối chiếu bản tạng Đại chánh với tạng Tích sa (磧砂藏) để chỉnh sửa các bản kinh Việt ngữ; nhờ đây tôi mới biết trong tạng Tích sa cũng vay mượn những chữ trong “Thiên tự văn 千字文”. Như trang đầu của quyển thứ nhất in hình “Vạn thọ điện dịch kinh 萬壽殿譯經”, trang thứ hai in hình đức Phật Thích-ca thuyết pháp, số trang bắt đầu là chữ “thiên 天”, tiếp theo là địa 地, huyền 玄, hoàng 黃… Những chữ này trong khổ thơ thứ nhất của Thiên tự văn: Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang 天地玄黃,宇宙洪荒. Phần đầu của Thiên tự văn diễn tả về vũ trụ: Bầu trời có màu xanh sẫm, trái đất màu vàng xám và vũ trụ ở trạng thái hỗn loạn vô biên khi bắt đầu hình thành.
Tạng Tích sa được khắc vào khoảng niên hiệu Bảo khánh và Thiệu định (1225-1233), dưới triều Nam Tống Lý Tông 理宗. Sau đó, đến triều Nguyên Thành Tông 元成宗, khoảng niên hiệu Đại đức 1 (1298), dưới sự chủ trì của Quản-chủ-bát 管主八, vị Tăng lục phủ Tùng giang… Tích sa tạng được tiếp tục khắc; cho đến niên hiệu Chí trị 2 (1322), triều Nguyên Anh Tông 元英宗, khắc bản Tích sa tạng mới hoàn thành viên mãn. Toàn tạng, tộng cộng có 591 hòm, 1532 bộ, 6362 quyển.
Nói tóm lại, tạng Cao-lệ và Tích sa tạng là những tạng được khắc thời xa xưa, họ mượn văn tự trong bài thơ của Chu Hưng Tự để đánh dấu số trang, số quyển cho có nét đặc hữu riêng thay cho số 1, 2, 3…, hay a, b, c… loại mẫu tự, số hiệu hiện đại mà tạng Đại chánh của Nhật Bản đã dùng. Còn chữ 凾, nghĩa là hòm, hộp, chứa đựng…, có thể thời ấy họ tính số bản gỗ được khắc cho mỗi bộ kinh đựng trong hòm, một bộ kinh gồm nhiều tấm gỗ xếp lại. Như vậy, Cánh hàm – Thọ tân tuế kinh (竟凾受新歲經), được hiểu kinh Thọ tân tuế hòm ký hiệu chữ “Cánh”.
3
Tháng 8 năm 2022, thầy Tuệ Sỹ ngồi trên giường bệnh tại bệnh viện ở Thủ đức, Sài Gòn, viết “Lược sử khắc bản Đại tạng kinh”, gồm 29 trang, với 9 chương ký tải lược sử 24 loại Đại tạng kinh, Tạng thời Tống, Tạng thời Liêu, Tạng Cao-lệ, Tạng Nhật bản v.v. Thầy gắng gượng viết phần lược sử này với lý do, trước khi Đại tạng kinh Thanh văn do thầy phiên dịch chính thức ấn hành, muốn độc giả hiểu được khi Phật kinh truyền vào Trung Hoa, trải qua các triều đại được ký lục, biên chép và khắc bản lưu thành Đại tạng thế nào.
Đại tạng kinh Thanh văn chính thức ấn hành vào năm 2023, tất cả 29 tập. Đây là bộ Đại tạng ngữ hệ Bắc Truyền nằm trong ba ngôn ngữ chính Phạn (Sanskrit), Hán và Tây Tạng được Việt dịch có tầm mức Hàn lâm, là nguồn tư liệu quý giá cho giới nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tra khảo học tập. Nhưng đáng tiếc Đại tạng Thanh văn không được phổ biến lưu bố rộng rãi tại Việt Nam, bởi nhiều nghịch duyên.
“Nhơn hữu thiện nguyện, thiên tất hựu chi (人有善愿, 天必佑之)” – “Người có thiện nguyện trời cũng phải theo”, dù sao chí nguyện muốn chánh pháp cửu trụ nhân gian, thầy đã làm việc hết sức đến hơi thở cuối cùng của một người bệnh – một công trình vĩ đại, Đại tạng kinh bằng tiếng Mẹ đẻ đã hoàn thành nửa chặng đường… Hy vọng học trò và tứ chúng sẽ tiếp tục.
Ngày 18 tháng ba, Giáp thìn.
Tâm Nhãn
Tài liệu tham chiếu:
1.《高麗國新雕大藏校正別錄》卷20:「竟凾 受新歲經 笁法護譯」 2023.Q4, K38, no. 1402, p. 647a8.
2. Tuệ Sỹ – Lược sử khắc bản Đại tạng kinh.
3. cf. vi.wikipedia.org/wiki/Thiên tự văn.