Ở chỗ tôi được biết, trong những ngày này khóa sinh Vạn Hạnh tại quốc nội đang ráo riết thực hiện những bài luận văn, trong đó có những anh chị trưởng đã chọn đề tài tìm hiểu “GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại”, đó là dấu hiệu rất đáng mừng! Bởi, một cách nghiêm túc, tôi nghĩ đây là một công trình nghiên cứu không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là cơ sở nhận thức đúng đắn cho mọi đề án tổ chức và phát triển của GĐPTVN nói chung và các cấp hướng dẫn trong lẫn ngoài nước nói riêng. Ở đây không nên đóng khung thuật ngữ “hải ngoại” chỉ là một cơ chế Ban Hướng Dẫn Hải Ngoại hay là Ban Hướng Dẫn Thế Giới.
Nghiên cứu mang tính bảo tồn và dự phóng do Ban Hướng Dẫn đúc kết hay từ những luận văn thực nghiệm của các khóa tu học-huấn luyện xuyên qua đề tài “GĐPT Việt Nam Hải ngoại” sẽ giúp cho quý anh chị trưởng không chỉ tại quốc nội, mà ở hải ngoại bớt phần lúng túng như hôm nay, đồng thời san bằng một phần nào những dị biệt vốn không thể tránh trong một đoàn thể còn khuôn rập các mô hình và triết lý hoạt động thế tục, vẫn trong tiến trình Phật hóa.
Khi quý anh chị em tìm hiểu về Tổ chức, cùng lúc là tìm hiểu chính bản thân của mỗi anh chị em, Chúng ta đang đứng ở đâu và làm gì trong dòng biến thiên của lịch sử tồn tại và phát triển, trong hoàn cảnh riêng, và chung. Tất nhiên đứng ở đâu, và làm việc gì, chúng ta chưa bao giờ là một mình, rồi khi biết mình đang đứng ở đâu, làm gì, đồng nghĩa là biết đi về đâu?
Trong nhiều năm qua, chúng ta thường hiểu biết về Tổ chức quốc nội và hải ngoại, thông qua lăng kính của một vài cá nhân, phe phái, hơn là những nhận thức mang tính học thuật và nghiên cứu đúng nghĩa, và cả hai yếu tính này còn cần được thực hiện trên nền tảng văn hóa. Bởi nếu chỉ thông qua những lăng kính cá nhân hoặc phe phái như vậy, dẫn đến những dị biệt, tai hại hơn là gây thêm chia rẽ, rồi mất đoàn kết trên diện rộng như đã thấy hiện nay.
Tìm hiểu “GĐPT Việt Nam Hải Ngoại” trong ý nghĩa đó, nhắc nhở chúng ta cần phải có một cái nhìn toàn diện hơn về Tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, để trả lại đúng vị trí của Tổ chức trên dòng lịch sử 70 năm, và trong dòng sử chung của Đạo Pháp và Dân Tộc. Quốc nội hay hải ngoại chỉ là những thuật ngữ mang tính di biến địa lý, mà trên toàn bộ hoạt động của nó, chúng ta vẫn chưa đạt được sở nguyện và sở cầu của bao thế hệ, dù lấp lánh những danh hiệu Hải ngoại, hay Thế giới.
Bấy giờ, hải ngoại – quốc nội, chỉ là hai đầu của một chiếc cầu. Khi có được một nhận thức chung như vậy, mới mong xây dựng được những cơ cấu tổ chức thực tiễn hiệu quả, bằng những định chế mà người giao thông trên chiếc cầu với muôn vàn bổn phận và trách nhiệm đa dạng, đa văn hóa của thời đại mở toàn cầu sẽ không va chạm nhau, tạo thành những mâu thuẫn gây trở ngại nhau và bước tiến chung của Tổ chức GĐPT Việt Nam hiện tại và tương lai.
Luận văn thực nghiệm “GĐPT Việt Nam hải ngoại”, tất nhiên khởi đi từ việc tầm nghiên, dù do anh chị trưởng trong nước hay ngoài nước thực hiện, sẽ góp một phần không nhỏ cho nhận thức chung và vì vậy, cần được thực hiện trên nền tảng của Bi, Trí và Dũng. Nói một cách khác, không giẫm phải những nguồn sử liệu và tư liệu quá khứ như từng thấy chỉ nhằm thỏa đán cho những cá nhân hay phe phái nào, trong bối cảnh vẫn còn phân hóa như hiện tại của Tổ chức chúng ta.
Ngược lại, nó mở ra một lộ trình hiểu và thương để anh chị em thế hệ mới tự tin và mạnh mẽ bước lên chiếc cầu Lam, dù hai đầu có được định danh là gì.
Xưa, Thắng Man Phu Nhân không cất bước khỏi hoàng cung mà vẫn gặp được Phật. Trong ý nghĩa đó, thời nào, nhờ một phần do tu tập, anh chị em chúng ta cũng có thể dễ dàng gặp Phật. Song, dặm đường để anh chị em gặp nhau thì vẫn còn gây cấn!?
Mặc Cốc, Lập Thu 2023
Tâm Quảng Nhuận
Nguồn: Sen Trắng