MỞ CỬA CHO MỘT PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG

Phật giáo Việt Nam đã và đang trải qua một giai đoạn cực kỳ đen tối theo vận mệnh của đất nước. Bao lâu dân tộc còn thống khổ, Phật giáo vẫn tiếp tục trầm mình trong dòng nghiêng ngửa chênh vênh của thế cuộc.

Không riêng gì đất nước Việt Nam băng hoại đạo đức, hụt hẫng hướng đi, cả thế giới điên đảo mộng tưởng này cũng rất cần sự đóng góp của Phật giáo để “trao cho thời đại” một nền đạo lý cao đẹp, trong sáng, trí tuệ, hầu kiến tạo một hành tinh hòa bình, an lạc thực sự.

Đáp ứng sự mong đợi đó, Phật giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại, từ những giáo hội và tông phái khác nhau, đã cố gắng thật nhiều trong những năm qua trong việc tu tập và hoằng pháp. Kết quả như chúng ta thấy, các tu viện, tự viện, các trung tâm sinh hoạt Phật giáo, được tạo dựng khắp nơi. Ngay ở hải ngoại đã có khoảng 300 ngôi chùa của Phật giáo Việt Nam được dựng nên bởi chư Tăng Ni và phật-tử tị nạn. Trong nước thì các chùa cũ trước năm 1975 cũng được trùng tu, và một số chùa mới cũng được kiến tạo với sự tài trợ đáng kể của phật-tử hải ngoại.

Dù vậy, không thể vội vàng cho rằng Phật giáo cực thịnh khi nhìn thấy những biểu tướng của chùa chiền nguy nga, tăng lữ đông đảo trên đất nước cũng như tại hải ngoại ngày nay. Tất cả những biểu hiện ấy đều chỉ là sự ngoi dậy trên bề mặt của những nỗ lực gian khó nhằm tự khẳng định sự tồn tại của mình trong dòng sinh mệnh dân tộc, cũng như trong dòng sinh hoạt chính của các vùng đất lạ ngoài quê hương.

Khẳng định sự tồn tại của mình là một chuyện, truyền bá và phát triển đúng mức lại là chuyện khác.

Ở hải ngoại, do khác biệt về ngôn ngữ, Phật giáo Việt Nam vẫn còn như một người khách đang chào hàng, giới thiệu một sản phẩm xa lạ, khó hiểu. Những tăng sĩ có khả năng hội nhập (bằng ngôn ngữ) thì cũng chỉ giới thiệu được một phần nhỏ trong gia sản khổng lồ của Phật giáo.

Trong nước thì do hạn chế của bộ máy cầm quyền khắc nghiệt, một giáo hội thì bị ngăn cấm sinh hoạt, một giáo hội thì bị thúc đẩy phải làm những điều không muốn làm bên cạnh những phật-sự hình tướng bề ngoài.

Việc hoằng pháp vì vậy, có những khập khiễng, cục bộ không thể tránh. Nhưng điều không ai có thể phủ nhận được là tăng ni và hàng cư sĩ phật-tử Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thiết tha góp sức mình cho việc hoằng truyền Phật đạo. Biểu hiện rõ nét của ý nguyện này được nhìn nhận qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình và mạng lưới điện toán toàn cầu.

Truyền thanh, truyền hình thì hãy còn yếu kém, không kể ra nơi đây. Còn mạng lưới điện toán thì có thể nói là khá phong phú. Hầu như mỗi ngôi chùa lớn nhỏ tại hải ngoại đều có thể tự thiết kế và chủ trương một trang lưới. Cá nhân một số cư sĩ phật-tử cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành các trang lưới Phật giáo. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội và khả năng truy cập mạng lưới điện toán để đọc báo Phật giáo; cũng không phải ai thường sinh hoạt điện toán cũng thích đọc Phật Pháp trên mạng.

Riêng về báo chí (báo giấy – để phân biệt với báo điện tử) của Phật giáo Việt Nam:

–   Tại hải ngoại, có thể nói là chưa đủ tầm vóc để có một chỗ đứng vững vàng trong nền báo chí của cộng đồng. Hầu hết các tờ báo Phật giáo đều được xuất bản như là tiếng nói của một giáo hội, hoặc của một ngôi chùa, cho nên, thường mang giá trị thông tin hơn là hoằng pháp. Dù vẫn có chủ trương hoằng pháp, nhưng lại bị vấn đề thông tin tràn lấp đi. Nhu cầu thông báo về giáo hội, tông phái, về sinh hoạt của cơ sở địa phương vẫn cao và nặng hơn nhu cầu hoằng pháp. Tờ Phật Việt gần đây xuất hiện tại Hoa Kỳ, được xem là tờ báo tầm cỡ với sự cọng tác của nhiều tôn đức và học giả Phật giáo lẫy lừng danh tiếng, nhưng bài vở nặng tính khảo cứu, cũng chưa tiếp cận được quần chúng. Mặt khác, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại chưa có tuần báo, bán nguyệt san, hay nguyệt san, mà hầu hết đều phát hành mỗi năm vài ba số nhằm vào các dịp lễ lớn: Phật Đản, Vu Lan và Tết. Nếu có phát hành định kỳ và thường xuyên mỗi tháng thì trong hình thức bản tin sinh hoạt của tự viện địa phương mà thôi.

–   Trong nước, báo Giác Ngộ là tờ duy nhất được phổ biến công khai là do trực thuộc giáo hội nhà nước. Được “lợi thế” này thì tờ báo sống dai, số lượng in khá cao, nhưng lại phải chấp nhận những điều tiêu cực miễn cưỡng khác: không thể nói hết những gì mình muốn nói, mà có khi lại phải nói điều mình không muốn nói. Còn một số tờ báo khác không trực thuộc nhà nước như tập san Nghiên cứu Phật Học Thừa Thiên-Huế, Pháp Luân, Nội san Hoằng Pháp, Sen Trắng, v.v… với nội dung thuần túy Phật Pháp, bài vở súc tích, giá trị, thực sự nhắm vào việc văn hóa, giáo dục, hoằng pháp đúng như sở nguyện của Sứ giả Như Lai, thì phải chịu giới hạn khác: phổ biến nội bộ! Ngoài ra, những vị chủ trương các tờ báo “phổ biến nội bộ” này còn phải luôn ở trong tư thế: bản thân sẵn sàng chịu bị bắt, báo chí sẵn sàng chịu bị tịch thu và đình bản vĩnh viễn.

Điểm qua tình trạng báo chí truyền thông của Phật giáo Việt Nam như thế, để thấy rằng nhu cầu có một tờ báo Phật giáo là cần và cấp thiết, không những để đáp ứng việc hoằng pháp trong hiện tại, mà còn để dọn đường cho các thế hệ con Phật tương lai.

Đó là lý do tạp chí Phương Trời Cao Rộng ra mắt, như là nơi nối kết và qui tụ những cây bút Phật giáo khắp nơi trên thế giới trong ước vọng chung là hoằng truyền Chánh Pháp.

Phương Trời Cao Rộng đăng tải những sáng tác mới đồng thời sưu tập những bài viết được tìm thấy từ các báo chí và trang lưới điện tử khác nhưng phổ biến rất giới hạn vì lý do này hoặc lý do khác.

Nội dung Phương Trời Cao Rộng số này sẽ gửi đến độc giả ước vọng nhỏ của người chủ trương. Ước vọng nhỏ, vươn đến chỗ bao la vô tận của Phật Pháp.

 California, ngày 05 tháng 5 năm 2006

Vĩnh Hảo

Đọc báo điện tử:

2006:

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 1, THÁNG 6/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 2, THÁNG 7/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 3, THÁNG 8/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 4, THÁNG 9/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 5, THÁNG 10/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 6, THÁNG 11/2006

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 7, THÁNG 12/2006 

2007:

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 8, THÁNG 01/2007

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 9, THÁNG 02/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 10, THÁNG 3/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 11, THÁNG 4/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 12, THÁNG 5/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 13, THÁNG 6/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 14, THÁNG 7/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 15, THÁNG 8/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 16, THÁNG 9/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 17, THÁNG 10/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 18, THÁNG 11/2007 

PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 19, THÁNG 12/2007 

2008:

 PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 20, THÁNG 1 & 2/2008 

 PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – SỐ 21, THÁNG 3 & 4/2008 

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version