Trong bài viết này, có 3 điểm chính được đề cập:
I. Các khái niệm cơ bản về Môi sinh và khủng hoảng Môi sinh.
II. Khái niệm của Phật giáo về Môi sinh.
III. Ðạo đức Môi sinh.
I. Khái niệm cơ bản về Môi sinh và cuộc khủng hoảng Môi sinh.
1. Khái niệm về Môi sinh.
Môi sinh tương đối là một khoa học mới liên hệ đến nhiều nguyên lý điều hành các mối liên hệ giữa các sinh thể và Môi sinh. Có nhiều định nghĩa về Môi sinh. – đây chỉ đơn cử một số. P. D. Sharma (F.N.I.E., Ban (Khoa) Thực vật học, Ðại học Delhi) đã viết trong tập sách của ông nhan đề “Sinh thái học và Môi sinh” rằng:
“Ngày nay Sinh thái học đã và đang đóng góp rất nhiều cho các chính sách về xã hội, kinh tế, chính trị và các chính sách tương tự của thế giới. Thật rất phổ biến khi kiếm tìm các tham khảo về sinh thái học trong các bài viết, tạp chí, tuần báo và nhật báo về xã hội, kinh tế học. Môi sinh thật sự giữ một vai trò quan trọng trong vấn đề an sinh của con người. Ðây chủ yếu là chủ đề của một ngành học, và ngành học sinh thái hiện tại chú trọng đến chức năng các tương thuộc giữa các sinh thể và môi trường sống của chúng”.[1]
P.D. Sharma tiếp:
“Không phải chỉ có Môi sinh ảnh hưởng đến các sinh thể, mà các sinh thể cũng bổ sung cho Môi sinh như là kết quả của sự phát triển, phân tán, tái sản sinh, chết, tan hoại… của các sinh thể. Như vậy Môi sinh được gây nên sự đổi thay do các hoạt động của các sinh thể. Môi sinh và các sinh thể năng động mở đường phát triển cho nhiều loại sinh thể khác qua một quá trình được gọi là sự kế thừa. Quá trình ấy tiếp tục cho đến khi sự phát triển của cộng đồng như hiện tại tự nó có thể tự điều chỉnh cân bằng với Môi sinh. Giai đoạn cuối này của cộng đồng được gọi là đỉnh cao của phát triển”.[2]
Hai đoạn trích dẫn trên đây chứng tỏ rằng có một mối liên hệ sinh động giữa con người và Môi sinh, mối liên hệ ấy liên tục, bất khả phân và tự nhiên. Mối liên hệ rất mật thiết này nói lên rằng quấy nhiễu Môi sinh có nghĩa là quấy nhiễu đời sống của các cá nhân như chúng ta có thể thấy từ cuộc khủng hoảng Môi sinh đương thời.
2. Cuộc khủng hoảng Môi sinh.
Nhóm hội thảo về ô nhiễm (Môi sinh) của Ban Cố vấn Khoa học của Tổng thống (USA) định nghĩa từ “ô nhiễm” trong bản phúc trình của nhóm nhan đề “Phục hồi phẩm chất Môi sinh của chúng ta”, tổ chức vào tháng 11-1965, rằng:
“Ô nhiễm Môi sinh là sự thay đổi không thuận lợi về môi trường sống chung quanh, như là toàn thể hay phần lớn hậu quả của các hoạt động của con người, qua các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp về sự thay đổi các mẫu hình năng lượng, các cấp độ phóng xạ, qua sự cấu thành thuộc vật lý hay hóa học và qua sự thừa thãi của các sinh thể. Các thay đổi này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến con người, hay ảnh hưởng qua sự cung cấp nước và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, sinh vật, qua các tư hữu hay các đối tượng vật lý, hay qua các dịp con người giải trí, tìm hiểu thiên nhiên”.[3]
Ðề cập đến vấn đề “năng lượng hạt nhân – sự cứu rỗi hay trừng phạt”, E.F. Shumacher, trong tập sách của ông nhan đề “Những cái nhỏ bé là tốt đẹp” (Smallis Beautiful), viết:
“Về tất cả những đổi thay mà con người đã đưa vào ngôi nhà của thiên nhiên thì sự phân hạch hạt nhân với quy mô lớn hẳn rõ là điều sâu xa và nguy hiểm nhất. Các bức xạ hạt nhân là hậu quả đã và đang trở nên một nhân tố nghiêm trọng nhất cho vấn đề ô nhiễm Môi sinh, và là sự đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của loài người trên trái đất. Không còn ngạc nhiên gì nữa, bom nguyên tử đã thu hết sự chú ý của người đời, dù đang còn ít nhất một cơ hội mà nó sẽ không bao giờ được sử dụng nữa. Cái nguy hiểm đối với nhân loại gây ra do việc dùng năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình có thể còn to lớn hơn nhiều”.[4]
Lại nữa, việc các cường quốc vứt bỏ các thừa thãi vào đại dương, vứt bỏ các đồ phế thải vào sông hay vào lòng đất, giao thông thải các khí, cháy rừng… là các nguyên nhân chính của ô nhiễm. Các khối lượng khí CO2 (Carbonic) phóng ra ngày càng nhiều làm cho bầu không khí chung quanh trái đất nóng dần lên làm thay đổi khí hậu rất nguy hại đến đời sống của con người. Thật là nguy hiểm và kinh sợ !
Bấy giờ người ta có thể nêu lên vấn đề: Phật giáo có thể đóng góp gì cho việc giải đáp cuộc khủng hoảng Môi sinh hiện tại ? Có thể đóng góp gì cho việc bảo vệ Môi sinh ?
II. Khái niệm của Phật giáo về Môi sinh.
1. Giáo lý Duyên khởi (Paticcasamuppada).
Như chúng ta biết giáo lý Duyên khởi mà đức Phật đã chứng ngộ nói lên rằng: Do Vô minh mà có Hành; do Hành mà có Thức; do Thức…; do Danh Sắc…; do Lục Nhập…; do Xúc…; do Thọ…; do Ái…; do Thủ…; do Hữu…; do Sanh mà có lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não. Trong đó, Danh và Sắc không bao giờ tách khỏi nhau, và cũng không bao giờ tách rời khỏi 11 chi phần nhân duyên còn lại. Cũng thế đối với Hữu (Tam Hữu). Thế nên Sắc bao gồm thân thể vật lý của con người và thế giới vật lý. Sự vận hành của Sắc là sự vận hành của các hoạt động của tâm thức (Danh), và ngược lại. Ðiều này nói rõ rằng Môi sinh và đời sống con người là tương hệ.
2. Ngũ Thủ Uẩn (Panãca Khandhas)
Tương tự như trên đối với sự vận hành của 5 uẩn:
Ðức Phật dạy:
“Này các Tỷ kheo, Ta sẽ dạy cho các Thầy 5 uẩn và 5 thủ uẩn. Hãy lắng nghe. Này các Tỷ kheo, thế nào là 5 uẩn ? Tất cả sắc, này các Tỷ kheo, thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, thuộc trong hay ngoài, thô hay tế, thấp hèn hay cao sang, xa hay gần, đều gọi Sắc uẩn. Tất cả Thọ, Tưởng, Hành, tất cả Thức thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai….. Ðều gọi là Thức uẩn”.[5]
– đây, cái gọi là Sắc uẩn của chúng ta bao gồm cơ thể vật lý của cá nhân và thế giới vật lý ở bên ngoài. Nói khác đi, Môi sinh là một phần khắng khít của cơ thể vật lý của chúng ta. Ðiều này gợi ý lên cho nhân loại nhiều điều bổ ích.
III. Ðạo đức Môi sinh.
Nay chúng ta không ngần ngại nói rằng chúng ta bảo vệ Môi sinh khỏi ô nhiễm thực sự là bảo vệ đời sống và hạnh phúc riêng tư của chúng ta. Ðây là sự thật và là tự nhiên. Ðây cũng là ý nghĩa được bao hàm trong lời dạy về Từ bi (Mettà) sau đây:
“Tất cả chúng sinh: yếu hay mạnh, cao, to hay trung bình, thấp, nhỏ hay lớn, không trừ một ai, các chúng sinh được thấy hay không được thấy, những ai sống xa hay gần, đã sanh hay sẽ sanh, mong rằng tất cả sống hạnh phúc !
Mong không có ai lừa dối ai, không có ai khinh rẻ ai tại bất cứ nơi đâu. Mong rằng mỗi người đừng mong làm thương tổn người khác vì giận hờn hay vì sân.
Như người mẹ che chở cho người con độc nhất của mình trọn đời, cũng thế, mong mỗi người hãy tu tập tâm vô lượng đối với tất cả chúng sinh”.[6]
Như thế, vạn hữu trong hiện tại và trong tương lai cần được bảo vệ (chở che) như người con độc nhất được người mẹ thương yêu che chở.
Ðấy là khái niệm về Môi sinh của Phật giáo.
Từ cái nhìn sự vật này, có thể xây dựng một hệ thống đạo đức Môi sinh.
1. Ðạo đức.
Từ điển Giáo dục (2nd. Ed. Mc Graw-Hill…) định nghĩa:
“Môn học về tánh hạnh con người, không phải chỉ tìm hiểu sự thật như thật, mà còn tìm hiểu giá trị của điều thiện về các hành động của con người; Khoa học về hạnh kiểm con người; liên hệ đến các phán xét điều phải làm (phải và trái, bổn phận phải làm) và với các xét đoán về giá trị (thiện hay ác)” (p.208).
Về ý nghĩa nhân bản, đạo đức có nghĩa là:
“Lý thuyết khám phá ra các chuẩn mức và mục tiêu về hạnh kiểm trong sự an sinh về xã hội, tâm lý và sinh lý của các cá nhân, những cá nhân làm thành xã hội”. (Ibid., p.208).
2. Ðạo đức Môi sinh.
Chúng ta có thể hình dung ra rằng con người sinh ra để hạnh phúc mà không phải để khổ đau. Tiêu chuẩn đúng của hành động thiện của con người hẳn là cần được xây dựng trên cơ sở sự an sinh thuộc xã hội, tâm lý và sinh lý của con người và sự an ổn của Môi sinh. Ngược lại là hành động ác. Con người phải chọn lựa một trong hai giá trị ấy. Ðể chọn lựa, con người cần quan tâm đến các điểm chủ yếu sau đây:
- Hầu như mọi giá trị của nền văn hóa đương đại là xây dựng trên tư duy hữu ngã (vô minh), các giá trị ấy cần được soi sáng dưới ánh sáng của Duyên Khởi (vô ngã # minh). Nói khác đi, giáo lý Duyên Khởi cần được quảng bá rộng rãi trong thế giới giáo dục và trong xã hội để hình thành một hướng mới văn hóa bảo vệ Môi sinh.
- Giáo lý Duyên Khởi nói lên rằng “Một” hiện hữu trong “Tất cả”, và “Tất cả” hiện hữu trong “Một”. Ô nhiễm hay rối loạn ở nơi này là ô nhiễm hay rối loạn ở những nơi khác trên thế giới. Sự thật này yêu cầu các cá nhân, tổ chức và mọi quốc gia có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Môi sinh cùng lúc vì sự sống còn của nhân loại.
- Sự thật Duyên Khởi cần được đưa vào Sinh thái học làm lý thuyết căn bản, và cần được xem là triết lý Môi sinh và đạo đức Môi sinh.
- Ngoài ra, việc kêu gọi ngưng thử nghiệm nguyên tử và hóa học cần được lập lại nhiều lần. Cũng thế đối với việc kêu gọi hạn chế cái gọi sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục tiêu hòa bình, và tạo ra biện pháp an toàn cho việc loại bỏ các chất thải từ các nhà máy và các xưởng công nghiệp.
- Biện pháp hạn chế các việc thải các hơi độc trong không gian.
- Các biện pháp bảo vệ rừng và các động vật khỏi các sự tàn phá.
- Các biện pháp xây dựng hòa bình lâu dài trên thế giới.
- Ðiều sau cùng nhưng quan trọng nhất là giúp con người hiểu và kiểm soát dục vọng (lòng khát ái) (có nghĩa là tham, sân, si) vốn là nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân gây ra ô nhiễm Môi sinh. Có nghĩa là giải thoát sự ô nhiễm tâm thức. Nếu các ham muốn dục lạc, dục tình càng ngày càng gia tăng như đang xảy ra thì sẽ không có cách nào để bảo vệ Môi sinh như những điều mà chúng ta học được từ giáo lý Duyên khởi: chỉ còn một điều còn lại: sự tàn lụi, khổ đau và sự hủy diệt đối với các sinh thể trên thế giới.
Sự phát triển tương lai của nhân loại cần được hướng dẫn bởi Chánh kiến và Chánh tư duy (có nghĩa là Trí tuệ) như những gì đức Phật đã dạy chúng ta, và đạo đức Môi sinh cần được xây dựng trên nền tảng Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mệnh và Chánh niệm. Ðây là con đường sống duy nhất. Con người không còn có chọn lựa nào khác, không còn con đường nào khác.
Thích Chơn Thiện
___________
[1] P.P. Sharma, “”Ecology and Environment”, Rastogi Publications, 6th. Ed., 1992, p.2.
[2] Ibid., p.14
[3] Edward J. Kormondy, “Concept of Ecology”, Prenticehall of India, Private Limited, New Delhi – 110001, 1991, p.246.
[4] E. F. Schumacher, Small is Beautiful”, an Abacus book, Printed in England by Clays Ltd. St. Iros plc, 1993, p.112.
[5] Kindred Sayings, Vol. III, PTS, Oxford, London, 1992, pp.41-42.
[6] Mettà-suttam, “Sutta-Nipata”, Tr. H. Saddhatissa, Curzon Press, London, 1985, p.16.