1. Dẫn nhập
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người có công rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo từ đầu thế kỷ 20, vị bác sĩ tài ba, nhà nghiên cứu khoa học và Phật học, nhà dịch thuật, sáng tác, nhà giáo dục và nhiều danh hiệu khác nữa. Nhưng căn bản và nổi bật nhất, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là một Cư sĩ Phật tử, một tấm gương sáng trong truyền thống phục vụ Tam bảo.
Nhiều tấm gương sáng của nhiều cư sĩ đã nổi bật từ khi Đức Phật mới thành Đạo và đó là những tấm gương ấy đã ảnh hưởng lớn đến tập tục, thói quen hay kinh nghiệm xã hội qua lối sống, tư duy, tình cảm của người Phật tử tại gia, tạo thành một truyền thống phụng sự Tam bảo.
Bài viết này muốn minh họa một số nét về truyền thống tốt đẹp nói trên rồi sau đó ôn lại và nhận định công lao to lớn trong việc phụng sự Tam bảo của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
2. Truyền thống phục vụ Tam bảo của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
Khi Đức Phật vừa thành Đạo dưới cội Bồ đề, có hai thương gia đã đến đảnh lễ, cúng dường Ngài là Tapassu (Đế-lê-phú-bà) và Bhallika (Bạt-lê-ca). Cả hai vị xin được làm đệ tử Phật. Có thể nói đây là hai Cư sĩ đầu tiên của Giáo đoàn Phật giáo. Cũng có nhiều sách cho rằng Thân phụ của Tôn giả Da-xá (Yasas) là vị Cư sĩ đầu tiên, kế đó là mẹ và vợ của gia chủ này. Dĩ nhiên, sự cúng dường, cận sự của các vị ấy chỉ được hiểu là một ý nghĩa sơ khởi của việc phụng sự Tam bảo.
Giáo đoàn Tỳ kheo thời ấy mới đầu chỉ trú ở dưới cội cây hay các lều lá đơn sơ, riêng lẻ cho từng vị. Đến khi Đức Phật cho phép các Tỳ kheo được ở chung để cùng nhau tu tập thì các trú xứ hình thành là các Avasa ở thôn quê và Arama ở thành thị. Khi giáo đoàn Tỳ kheo đã lớn mạnh thì các vị vua, hoàng thích, các đại gia chủ xây dựng, cống hiến nhiều tinh xá đồ sộ như Vương Xá, Hậu Trạch, Kỳ Hoàn, Lộc Uyển, Kỳ Đà Cấp Cô Độc,… Rõ ràng công lao của các nam nữ Cư sĩ là rất lớn trong việc đóng góp, phục vụ cho Phật giáo.
Những cấp dưỡng nói trên, việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, y phục cho chư Tăng kéo dài mãi cho đến ngày nay, trở thành một phần của truyền thống phụng sự Tam bảo. Truyền thống này gồm việc: 1/ Hộ trì Phật Bảo (tín Phật, tán dương Phật, lễ bái Phật, xây dựng chùa, tháp thờ Phật). 2/ Hộ trì Pháp Bảo (tin pháp, học tập giáo lý Đức Phật, truyền bá chánh pháp, có bổn phận bảo vệ Phật pháp). 3/ Hộ trì Tăng bảo (có niềm tin, cúng dường, bảo vệ, kính ngưỡng, học tập chư Tăng).
Rất nhiều nam nữ Cư sĩ nổi danh trong hàng đệ tử của Đức Phật. Kinh Tương ưng, bộ III, 223 có nhắc đến bấy giờ có 7 vị nam cư sĩ đứng đầu mỗi hội chúng cư sĩ gồm 500 vị. Kinh Tăng chi bộ, phẩm Một pháp, còn ghi Cư sĩ Chất Đa (Citta) có đứng đầu một hội chúng gồm 2.000 cư sĩ. Kinh này còn liệt kê 10 nam cư sĩ và 10 nữ cư sĩ được gọi là tối thắng (hay đệ nhất) về một phẩm chất riêng biệt. Dĩ nhiên mỗi vị đều có những phẩm chất chung được biểu hiện qua việc hộ trì Tam bảo.
Trong danh sách 10 vị nam cư sĩ được Đức Phật chọn là Tối thắng có 3 vị mà khi bàn về Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám khiến chúng ta nhớ đến: đó là cư sĩ Chất Đa (Citta Gahapati) tối thắng thuyết pháp; cư sĩ Ha Xả A Bà La (Hatthaka Alavaka), tối thắng về nhiếp phục hội chúng bằng Tứ nhiếp pháp; cư sĩ Kỳ Bạt (Jivaka Komarabhacca), vị danh y, tối thắng về thu phục cảm tình của dân chúng.
Chúng tôi trình bày phần trên đây một phần là để tự hào về truyền thống phụng sự Tam bảo của người cư sĩ Phật tử và phần chính là để thấy sự nối tiếp truyền thống ấy một cách xuất sắc của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người được giới Phật tử Việt Nam vinh danh và được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tín nhiệm, trọng vọng.
3. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, vì sao, tấm gương sáng trong sự nghiệp phụng sự Tam bảo
Từ đầu thế kỷ 20, Phật giáo đã được các học giả phương Tây nghiên cứu một cách khoa học, là tiềm năng phát triển tại đây. Ở châu Á, Ấn Độ, Srilanka, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã có phong trào đổi mới Phật giáo cho phù hợp với thời đại. Việt Nam cũng phát sinh phong trào Chấn hưng Phật giáo do Chư tôn thiền đức lãnh đạo và sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhiều cư sĩ trí thức, nổi bật là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
Phần này của bài là phân tích phẩm chất và công lao của cư sĩ Tâm Minh trong sự nghiệp nối tiếp truyền thống phụng sự Tam bảo.
3.1. Hộ trì Phật bảo: Hộ trì Phật bảo chính là Hộ trì cả Pháp bảo và Tăng bảo. Là một trí thức, là Y sĩ Đông Dương, rồi Bác sĩ Y khoa ngạch Pháp quốc, Cư sĩ Tâm Minh đã sớm nghiên cứu Lão học, Khổng học và Phật học. Cư sĩ đã nhận rõ tính ưu việt, khoa học, thực tiễn của Phật học nên đã hết lòng tin Phật, tán dương, lễ bái Phật.
Cư sĩ xin Quy y với Hòa thượng Giác Tiên tại chùa Trúc Lâm Huế, rồi sau đó học Phật với Hòa thượng Phước Huệ tại chùa Thập Tháp Bình Định, với Hòa thượng Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết. Tất cả những chuẩn bị cho việc phụng sự Tam bảo của Cư sĩ đều phát xuất từ niềm tin Phật, niềm tin bất động như các nam cư sĩ Tô-la được Phật khen là cư sĩ tối thắng về niềm tin, cư sĩ A-ma-trú thời Đức Phật, người được Phật ghi là cư sĩ tối thắng bất động.
3.2. Hộ trì Pháp bảo: Hộ trì Pháp nghĩa là tôn trọng, giữ gìn, hiếu nghĩa, truyền bá Pháp. Cư sĩ Tâm Minh là người đã giảng pháp ở các trường Phật học, thuyết pháp đều đặn mỗi nửa tháng cho quần chúng Phật tử tại chùa Từ Quang. Sự nghiệp hộ trì Pháp của cư sĩ nổi bật qua công trình nghiên cứu và dịch thuật, chú giải kinh luận trong thời buổi mà kinh luận Phật giáo được viết bằng chữ Hán vẫn chỉ được truyền bá ở một số ít các chùa vào đầu thế kỷ 20. Công trình này gồm: dịch và chú giải kinh Lăng-nghiêm, Bát-nhã Tâm kinh, Đại thừa khởi tín luận, Bát thức quy củ tụng,… Đó là chưa kể Cư sĩ còn là tác giả các bài giảng, bài đăng trên các báo Phật giáo như Viên Âm do cư sĩ thành lập.
Khả năng thuyết pháp của cư sĩ khiến chúng ta nhớ đến nam cư sĩ Chất Đa (Citta) thời Đức Phật, được Phật khen là vị cư sĩ tối thắng về thuyết pháp.
3.3. Độ trì Tăng bảo: Hộ trì Tăng Bảo là cung cấp mọi nhu cầu, phương tiện cho chư Tăng Ni được thuận tiện tu học, quan trọng nhất là việc đưa giáo lý của Đức Phật vào sự nghiệp giáo dục Tăng Ni. Cư sĩ Tâm Minh đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập An Nam Phật Học Hội vào năm 1932 tại trụ sở Trúc Lâm Huế, sau đó chuyển sang trụ sở Từ Đàm Huế và giữ chức vụ Chánh Hội trưởng hội này. Hội càng ngày càng lớn mạnh và có nhiều chi hội ở nhiều tỉnh thành. Cư sĩ còn chủ động bàn bạc với Chư tôn thiền đức tại Huế lập các tòng lâm để chư Tăng tu học. Năm 1935 là tham gia thành lập và giảng dạy tại các trường sơn môn Phật học, lớp Đại học Phật giáo tại chùa Trúc Lâm, lớp Trung học tại chùa Tường Vân, Phật học đường Báo Quốc tại chùa Báo Quốc (tốt nghiệp khóa đầu tiên từ Phật học đường này có nhiều vị Tôn túc như Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Thiện Minh, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Nhật Liên…
4. Bàn thêm về phẩm chất của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám
Người viết bài này đã không nêu rõ tiểu sử của Cư sĩ Tâm Minh, vị Cư sĩ đã tận tụy phụng sự Tam bảo trong suốt 42 năm (1927 – 1969) cũng không phân tích, tán dương các phẩm chất cao đẹp của Cư sĩ một cách chi tiết vì e rằng bài viết sẽ trùng lặp với những tài liệu, tham luận rất có giá trị của nhiều bài viết từ trước đến nay. Cư sĩ là một Phật tử trí tuệ, có niềm tin và phụng sự Tam bảo, phát huy truyền thống phụng sự Tam bảo trong gần nửa thế kỷ.
Về đạo hạnh, Cư sĩ là người khiêm tốn. Dù là người đề xuất và rất quan trọng trong các tổ chức Phật giáo, Cư sĩ luôn luôn xin sự đồng thuận của Chư tôn Thiền đức, xin được chỉ đạo. Mỗi lần thuyết pháp, Cư sĩ đều khăn áo chỉnh tề, tỏ rõ sự cung kính hội chúng. Cư sĩ giảng pháp rõ ràng, ngôn ngữ nhu hòa khiến ai nghe cũng cảm mộ. Có thể nói một cách bóng bẩy rằng Cư sĩ là hóa thân của cư sĩ Chất Đa tối thắng về thuyết pháp, cư sĩ Bác sĩ Kỳ Bạt, tối thắng về sự thu hút cảm tình của quần chúng, thuộc 10 vị cư sĩ tối thắng thời Đức Phật.
Riêng việc đào tạo, huấn luyện thanh thiếu niên để góp công xây dựng những thế hệ tương lai sống lành mạnh, an hòa, đầy tình thương yêu và trở thành những Phật tử trung thành với giáo lý Đức Phật, năm 1940, Cư sĩ đã thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, sau đó là Gia đình Phật hoá phổ (1942) rồi đổi thành Gia đình Phật tử (1951). Đến nay Gia đình Phật tử vẫn hoạt động với gần 70 ngàn huynh trưởng và đoàn viên.
Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập từ hơn 2000 năm trước luôn được xem là đi vào lòng dân tộc, từ mái chùa làng được xem là trung tâm tư vấn giáo dục, y tế, văn hóa,… đến cùng đình với các vị vua chúa, triều đình qua các vị Đại sư, Quốc sư,… Phật giáo tham gia chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Vậy phục vụ Đạo pháp là phục vụ đất nước. Cư sĩ Tâm Minh trong truyền thống gia đình đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống thực dân. Từ 1947, Cư sĩ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ, đến 1949 thì tập kết ra Bắc, được đề cử làm Chủ tịch Phong trào Vận động Hòa bình Thế giới.
5. Thay lời kết luận
Công lao của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đóng góp cho nhân dân Việt Nam và cho Phật giáo Việt Nam trong suốt 42 năm kể từ thời chấn hưng Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Thừa Thiên Huế là rất to lớn, xứng đáng được vinh danh, được lập nhà lưu niệm,… Năm 2010, nhân trùng tu chùa Từ Đàm, Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã cho đặt tượng Cư sĩ tại khoảng sân phía trái Chánh điện. Tượng do Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị Chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương việc điêu khắc. Tại trung tâm thành phố Huế, phường Bình An đã có đường Lê Đình Thám.
Nhắc đến Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, chúng tôi xin bày tỏ lòng chân thành cảm phục, tri ân, ngưỡng mộ và nguyện noi gương sáng của Cư sĩ.
HT Thích Giác Toàn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
[ trích Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và Những Đóng Góp Đối Với Hội An Nam Phật Học | PHẬT LỊCH 2562 | Ngày 10 & 11/4/2019 (06 & 07/3/Kỷ Hợi) | Tại Tổ đình Từ Đàm – Huế ]
____________________________________________
Tài liệu tham khảo
– Các kinh Tăng chi bộ, Tương ưng bộ, Tăng nhất A-hàm.
– Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
– Các trang web: thuvienhoasen.org, quangduc.com, bodephatquoc.com, hoavouu.com, wikipedia.org.
– E.F.S Shumaker, Small is Beautiful, Blond & Briggs, London, 1973.
– H.W Shuman, The Hisforical Buddha, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997.