viet nam phat giao su luoc a

Lời khen
cuốn Việt Nam Phật giáo Sử lược[1]

 

Tháng Trọng Xuân năm Quí Mùi, Pháp sư Mật Thể du hành các tỉnh phía Nam mang theo bản cảo Quốc ngữ cuốn Việt Nam Phật giáo sử, và thưa với tôi đó là tập sách do Pháp sư trải bao năm tháng sưu tầm biên soạn mà thành, thỉnh cầu tôi chứng giám. Tôi nhận lấy bản cảo và đọc kỹ. Mỗi khi đêm tĩnh đèn cao, ngồi bên cuốn sách, nghĩ đến Sư đã từng có năm theo học nơi tôi, tôi biết được chí hướng và nguyện vọng của Sư. Ngoài việc tu học, Sư chưa từng lưu tâm đến việc phiên dịch trước thuật nhằm cho sự nghiệp hoằng pháp.

Xưa kia Phật giáo từ Đông độ sang, truyền nhập vào nước Nam ta đã hơn ngàn năm. Chư vị đạo Tổ Thánh Tăng tương tục phát xuất công đức, chiếu sáng lịch sử, há đâu từng mai một. Ngày hôm nay đây có được cuốn sách này, chẳng những có công với Phật giáo mà còn có công với Phật học vậy. Do đó tôi vui mừng vô lượng vô biên, vội có mấy lời tán thán.

Phật giáng thế 2506, tháng ba mùa Xuân,
Chùa Thập Tháp, Bình Định
Hòa thượng Phước Huệ


Tựa

 

Phật giáo khởi thủy ở Ấn Độ, truyền đi khắp các xứ lân cận. Trước hết sang các nước Trung á Tế á rồi thứ độ sang Tây Tạng, Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bổn và các nước miền Nam Châu á. Việt Nam ta cũng ở trong phạm vi ảnh hưởng ấy. Mỗi khi Phật giáo vào xứ nào thì tùy theo tính tình, phong tục, quốc độ, thời cơ xứ ấy mà phương tiện truyền thụ. Phật giáo mỗi xứ có một tinh thần và một tính cách khác nhau cũng như lịch sử các xứ ấy Nên muốn khảo về Phật giáo một xứ nào cần phải chia ra làm hai phần: Phần Lịch sử và phần giáo lý cùng triết lý. Lịch sử có khảo cứu được rõ ràng thì giáo lý, triết lý suy nghiên mới được vở vạc.

Hỏi đến Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhà thì ai cũng bảo: “Có từ Đinh, Lê trải qua Lý, Trần, Lê rồi đến bản triều”, tựa hồi như một vấn đề giản dị quá. Thật vậy, các quan sử phần nhiều chỉ thấy có nói đến Phật giáo đời Đinh mà thôi. Biết đâu bất đầu từ Đinh, Việt Nam ta đã nhận Phật giáo làm Quốc giáo, đặt Tăng quan trong triều, thì chắc hẳn Phật giáo hồi đó đã tới một trình độ thịnh đạt lắm rồi. Bởi thế trong vấn đề Phật giáo truyền vào từ bao giờ? Truyền vào cách nào? Đường nào? Từ phía Bắc hay từ phía Nam? Ấy, chính những câu hỏi ấy, khiến ta phải để tâm nghiên cứu.

Những sách nói về vấn đề Lịch sử Phật giáo Việt Nam tuy không phải không có, nhưng cũng không lấy đâu được nhiều, mà cũng không phổ cập mọi người. Bất quá chỉ vỏn vẹn được vài ba bộ như: Thiền uyển tập anh, Thống yếu kế đăng lục, Đạo giáo nguyên lưu v…v và một vài bộ Ngữ lục cùng năm ba thiên truyện ký các vị Cao Tăng. Vì những nỗi eo hẹp khó khăn ấy, nên mấy ai đã có cái hứng thú về đường trước thuật, mà có một ít – rất ít – cũng dấu trong chùa riêng, sao đi chép lại, chắc chưa có bản nào là hoàn thiện mà ai cũng được xem. Tuy vậy có còn hơn không: nhờ có những sách ấy của tiền nhân ta để lại mà ta biết được chút ít về Lịch sử Phật giáo nước nhà. Há không phải là những tài liệu quý hóa cho môn sử học này hay sao?

Khốn nỗi những sách ấy viết toàn bằng chữ Hán cả Đối với phái xuất gia không kể, còn quốc dân ta, từ khi Hán học không được nhận dạy ở các trường công, học giới ta lấy Quốc văn và Pháp vặn thay vào. Các bậc tân tiến ngày nay đối với kho sách chữ Hán xưa gần như chim chích vào rừng. Nếu không dịch ra chữ Quốc ngữ thì các tài liệu quý hóa ấy cũng chẳng bổ ích cho học giới được bao nhiêu.

Vậy ngày nay trong Thiền gia học giới có người dụng công sưu tập cả tài liệu Hán văn, Quốc văn cùng Pháp văn, đem dịch thuật, sửa soạn phô diễn làm thành một quyển sách khiến độc giả có thể biết qua cả Lịch sử Quốc giáo Việt Nam trong mấy nghìn năm, há chẳng có ích lắm ru! Không những thế, những tài liệu đã sưu tập lại là tài liệu quý giá cho sử học giới sau này, thì dù ở trong không khỏi có điều sai lầm khiếm khuyết, song về môn tài liệu thì sách này vẫn là có công to.

Chính vì các lẽ ấy, nên xin giới thiệu cùng các học giả và các Phật tử Việt Nam sách “Việt Nam Phật giáo sử lược” của Thượng tọa Mật Thể, giáo sư Trường Sơn Môn Phật học Huế. Mong rằng Thượng tọa bền chí sửa tập, cố gắng làm thêm cuốn VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO LÝ thì thật bổ ích cho tương lai Phật giáo Việt Nam nhà ta lắm vậy.

Riêng phần chúng tôi lấy làm mong mỏi vô cùng.

Nay kính đề

Thúc Ngọc: TRẦN VĂN GIÁP
Viết tại Thư viện chùa Quán sứ
Trụ sở Trung ương Hội Phật giáo Bắc kỳ – Hà Nội
ngày nhập đông tháng mười năm Nhâm Ngọ (1942).

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version