Này Vàsettha, đây là một chứng minh điển hình để biết vì sao, Pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau.

“Này Vàsettha, Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) nước Kosala biết rằng: “Sa môn Gotama xuất gia từ giòng họ liên hệ Sàkyà. Này Vàsettha, lúc bấy giờ giòng họ Sàkyà phải thần phục Vua Pasenadi ở Kosala. Giòng tộc Sàkyà tôn trọng, đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với vua Pasenadi nước Kosala rất lễ độ phải phép. Cũng vậy, Vua Pasenadi nước Kosala tôn trọng, đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với Như Lai rất lễ độ, phải phép, vì Vua nghĩ: “Có phải Sa môn Gotama là thiện sanh? Còn ta không phải thiện sanh, Sa môn Gotama có hùng lực, ta không có hùng lực; Sa môn Gotama có dáng mặt đẹp đẽ, còn ta có gương mặt thô xấu; Sa môn Gotama là vị có nhiều thế lực, còn ta ít có thế lực”. Vì rằng Vua Pasenadi nước Kosala tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, kính lễ Pháp nên Vua tôn trọng đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay và đối xử với Như Lai rất lễ độ, phải phép. Này Vàsettha, với chứng minh điển hình này, cần hiểu như thế nào Pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình, trong đời này và cả đời sau” (kinh Aggannasutta: Khởi thế nhân bản kinh).

Trong đoạn kinh này, chúng ta thấy giai cấp Sàkyà (Thích Ca) đều phải thần phục Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala, Gotama tức là đức Phật thuộc giòng họ Sàkyà, đúng ra phải cung kính đảnh lễ Vua Pasenadi. Nhưng trái lại, Vua Pasenadi lại cung kính, đảnh lễ, chấp tay đối với Sa môn Gotam, vì Vua tự biết rằng Sa môn Gotama là thiện sanh, Vua không phải là thiện sanh; Sa môn Gotama có hùng lực, Vua không có hùng lực; Sa môn Gotama có dáng mặt đẹp đẽ, còn Vua có gương mặt thô xấu; Sa môn Gotama là vị có nhiều thế lực, còn Vua thì ít thế lực”. Tại sao có sự khác giữa Sa môn Gotama và Vua Pasenadi, chỉ vì Sa môn Gotama sống đúng Pháp, xử xự đúng Pháp, hành trì đúng Pháp, Và vì Pháp là tối thượng ở hiện tại cũng như cả đời sau, nên đức Phật được Vua Pasenadi kính lễ, tôn trọng. Đoạn kinh ngắn ở trên cho chúng ta rõ, huyết thống không phải là quan trong, giai cấp không phải là quan trọng, địa vị không phải là quan trọng chỉ có sự hành trì của con người, ý nghĩ của chúng ta, lời nói của chúng ta, hành động của chúng ta theo đúng Pháp hay không mới đánh giá giá trị con người. Cũng trong tinh thần này, khi đức Phật sắp nhập Niết bàn, Ngài A Nan lo sợ giáo hội sẽ không có người lãnh đạo, đức Phật đã trấn tỉnh Ngài A Nan với lời khuyên:

“Này Ananda, nếu trong các người, có người nghĩ rằng: Chúng ta không có bậc đạo sư. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các người (Đại bát Niết bàn kinh, trang 121)

THÍCH MINH CHÂU

[Tạp chí Tư Tưởng số 1, 1972]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version