thich nhu dien 5

“Quá khứ là những gì đã trôi qua; tương lai thì chưa tới; chỉ có hiện tại mới là những giờ phút tuyệt vời”. Đúng là như vậy. Người ta nhìn hiện tại để biết quá khứ và nhìn hiện tại để biết tương lai. Tương lai là những gì chưa đến; nhưng nếu không có hiện tại thì tương lai sẽ chẳng có. Vì thời gian là một mắc xích nối kéo lại với nhau để trở thành một biểu đồ vô tận của cuộc sống con người.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong nước chắc cũng sắp kỷ niệm 80 năm; 90 năm rồi 100 năm khi tổ chức trẻ này đã được Bác Sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám cưu mang từ những năm đầu thập niên 1930, 1940 qua hình thức của Đồng Ấu Phật Tử và Gia Đình Phật Hóa Phổ. Ngày nay Bác Sĩ Tâm Minh không còn nơi cõi đời này nữa; nhưng những gì Bác Sĩ đã hy hiến cho Đời, cho Đạo trong giai đoạn lịch sử của thế kỷ trước, quả thật không có bút mực nào để diễn tả hết được. Vì lẽ kinh tế chỉ phát triển chừng mực trong một giai đoạn nhất định nào đó; nhưng giáo dục luôn luôn tương tục và là nhân bản của con người; nhất là giáo dục tuổi trẻ cho Đời cũng như cho Đạo.

Không ai trong chúng ta không qua sự giáo dục mà có thể thành trưởng được. Từ trong gia đình ra đến học đường rồi ngoài xã hội, đạo giáo hay nơi diễn đàn chính trị v.v… tất cả đều phải trải qua những sự tôi luyện để được trưởng thành. Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã bước đi những bước chân thật vững chãi để tiếp nối sự nghiệp trồng người đạo đức vào xã hội băng hoại thuở bấy giờ cũng như lúc bây giờ; dầu cho ở trong nước hay tại ngoại quốc ngày nay.

Nhìn những em bé tung tăng theo mẹ hay nội đi chùa nhân ngày rằm, mồng một như ở tại quê nhà; hoặc những ngày cuối tuần tại ngoại quốc; ai là cha, là mẹ, là ông bà, là Thầy, Cô mà không hài lòng với những bước đi chập chững ấy đã có người thân bên cạnh, lại được học hỏi giáo lý của Đạo Phật từ lúc tuổi còn thơ mà không mủi lòng sung sướng; nhất là khi các em được khoác lên mình chiếc áo màu lam trong sáng như tuổi đời của các em đang đón nhận. Rồi lớn hơn chút nữa các em vào ngành Thiếu, ngành Thanh. Kế tiếp là tham gia các khóa huấn luyện để trở thành Huynh Trưởng. Từ cấp Tập các em sẽ tiến dần lên các cấp khác như: cấp Tín, cấp Tấn và cấp Dũng. Rồi các em sẽ cầm Đoàn để nối tiếp sự giáo dục tuổi thơ của các Anh Chị Huynh Trưởng đàn anh, đàn chị đi trước giao phó lại.

Chỉ riêng Việt Nam chúng ta là có môi trường để cho tuổi trẻ tham gia vào sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử; nhìn chung khắp thế giới đều chẳng thấy có được một tổ chức như vậy. Các anh chị trưởng qua bao thế hệ và các em Đoàn Sinh của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nên hãnh diện về điều này.

Biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới đó mà cũng sắp sửa được 40 năm rồi; nghĩa là Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại có tuổi thọ bằng phân nửa số tuổi thọ của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong nước. Ở trong nước có cái thuận lợi là môi trường sinh hoạt; nhưng nghịch duyên là hoàn cảnh của xã hội đương thời, nhà cầm quyền không tin tưởng những tổ chức giáo dục khác; ngoài tổ chức thanh niên của họ. Mục đích họ chỉ muốn nhồi sọ tư tưởng của tuổi trẻ theo đường hướng của họ mà thôi. Ngược lại ở ngoại quốc, tuổi trẻ có nhiều tự do hơn để được tham gia bất cứ hội đoàn nào; nhưng tuổi trẻ ở đây có quá nhiều cám dỗ phải đương đầu; nào là trò chơi giải trí, bạn bè, computer v.v… nhưng nếu có những em nào biết tự làm chủ mình, thì tổ chức Gia Đình Phật Tử tại ngoại quốc vẫn là môi trường tốt để cho các em đến sinh hoạt vào cuối tuần.

Có những Gia Đình Phật Tử tại Hải Ngoại sinh hoạt hằng tuần tại các chùa; nhưng cũng có lắm Gia Đình Phật Tử sinh hoạt cách mỗi tuần một lần và cũng có những Gia Đình Phật Tử sinh hoạt cuối tháng chỉ một lần. Tất cả đều tùy thuộc vào đời sống, nhu cầu cũng như sự giới hạn của Huynh Trưởng cầm Đoàn.

Rất nhiều Oanh Vũ được đào tạo. Khi các em lớn lên theo ngành Thiếu và trở gót qua ngành Thanh là bắt đầu thiếu bớt đi. Vì lẽ chuyện học hành thi cử và gia đình cũng như công ăn việc làm chi phối các em; nhưng chiếc áo lam, màu áo thiên thanh của tuổi trẻ không làm cho các em quên đi những bài hát đầu đời như: Trai Đoàn Áo Lam; Dây Thân Ái; Một Hôm Một Hôm Mồng Một Đến Chùa… Đây là tinh thần dấn thân của tuổi trẻ để đi xa hơn nữa, trở thành những Huynh Trưởng cầm Đoàn cho tổ chức này về sau.

Khi đến định cư tại các nước Âu Châu; nơi nào đã có những Anh Chị Huynh Trưởng sinh hoạt trước đây ở trong nước, họ đều mong mỏi tổ chức Gia Đình Phật Tử được thành hình. Do vậy mà những cuộc họp về Gia Đình Phật Tử được bắt đầu. Tại Âu Châu, Gia Đình Phật Tử lâu đời nhất có thể nói là Gia Đình Phật Tử Quảng Đức chùa Khánh Anh; họ đã sinh hoạt từ hơn 30 năm nay; rồi Linh Sơn, Hoa Nghiêm, v.v… Riêng tại Đức, Gia Đình Phật Tử bắt đầu sinh hoạt vào những năm đầu thập niên 1980; nghĩa là trên 25 năm và dưới 30 năm. Rồi các Gia Đình Phật Tử tại Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ… tiếp tục ra đời, để các Anh Chị Em Huynh Trưởng tại Âu Châu có cơ hội ngồi lại với nhau, dựa theo sự sinh hoạt của Giáo Hội tại đây để hình thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu, mà năm nay các Anh Chị Em làm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, là dấu mốc lịch sử của sự hình thành này.

Đã nhiều lần Hòa Thượng Thích Trí Minh, bản thân chúng tôi, Thượng Tọa Thích An Chí và nay là Thượng Tọa Thích Thông Trí đã nhận vai trò Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu nên hiểu biết rất nhiều về từng việc một của Gia Đình Phật Tử tại đây. Phải thành thật mà nói rằng: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu có mặt ở đâu là các Anh Chị Em Gia Đình Phật Tử hiện diện nơi đó để hỗ trợ Giáo Hội qua các khóa tu học Phật Pháp tại Âu Châu cũng như những khóa tu học địa phương tại đất nước mình đang cư trú. Đây là hình ảnh đẹp nhất mà các châu lục khác khó thấy được. Vả chăng do Anh Chị Em Gia Đình Phật Tử tự ý thức được điều này? hay do Giáo Hội mở rộng vòng tay để đón anh em vào cùng sinh hoạt? Câu trả lời xin để trống cho mọi người tự thẩm định.

Hai mươi năm nó chưa phải là một chặng đường dài so với 100 năm của một thế kỷ; nhưng nó là thời gian căn bản để định hướng cho những bước đi lịch lãm nhất của tổ chức trẻ này tại Hải Ngoại ngày nay. Cứ nhìn những Anh Chị Huynh Trưởng tóc trên đầu nay đã bạc phơ; nhưng vẫn trẻ trung ca hát bên cạnh những mái đầu xanh, là chúng ta có thể đoan chắc hay quyết đoán rằng: Tổ chức ấy đang có sự nối truyền và sự tiếp sức cho nhau.

Ở Đức có thêm “Trại Hè Thanh Thiếu Niên” cũng do các Anh Chị Em Huynh Trưởng trẻ của Gia Đình Phật Tử đảm trách, điều hành và tạo ra môi trường lành mạnh hóa; trẻ trung hóa trong sự hài hòa giữa hai môi trường sinh hoạt, để các em Thanh Thiếu Niên khác có cơ hội trở thành những đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử hay ít ra các em cũng sẽ là những tín đồ thuần thành của Tôn Giáo mà mình đang theo. Đây là hình ảnh rất đẹp mà quý Thầy, Cô đang dõi theo bước chân của các Anh Chị Em Huynh Trưởng huân tập những chủng tự thiện lương cho các em đang sống trong xã hội nhiều sự cám dỗ xa hoa vật chất này.

Nhìn hiện tại để thấy rằng tương lai của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu có được những bước đi thật vững chãi qua sự huấn luyện, đào tạo. Nếu các em sau này là những chính trị gia; những nhà kinh tế đại tài, thì Gia Đình Phật Tử là giềng mối đạo đức để bảo bọc các em trong khi thi thố tài năng của mình trên chính trường của quốc tế.

Hòa Thượng Thích Minh Tâm và chúng tôi được anh Huynh Trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai cung thỉnh vào chức vụ Cố Vấn cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại từ khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 21 tại Bỉ vừa qua; chúng tôi đã chẳng có cơ hội để nói lên tâm sự của mình, khi nhìn về tuổi trẻ qua hình ảnh của Gia Đình Phật Tử đang đóng góp. Nay anh Huynh Trưởng cấp Tấn Tâm Cừ Trương Tôn Châu; người đứng ra lo lắng cho việc in ấn quyển Kỷ Yếu 20 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu, muốn có bài vở của chúng tôi đóng góp. Do vậy, xin thảo vội vài trang để góp mặt với các anh em trong Ban Tổ Chức để sớm được hoàn thành ý nguyện này.

Xin nói lên hai chữ “tuyệt vời” để tán thán Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại nói chung và Gia Đình Phật Tử Việt Nam Âu Châu nói riêng để nói về “tương lai” của tổ chức này. Đây cũng là sự kỳ vọng của bao nhiêu người vậy!

[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””][dropcap][/dropcap]Hòa thượng Thích Như Điển sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Hòa thượng là một người học rộng, biết nhiều ngôn ngữ, cho đến nay đã sáng tác khoảng 33 tác phẩm và dịch phẩm từ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hán và tiếng Đức liên quan đến đề tài Phật giáo.

Hòa thượng Thích Như Điển xuất gia năm 1964 tại Tổ Đình Phước Lâm, Hội An. Ngài thọ sa di năm 1967. Từng học Đệ thất (tương đương lớp 7 hiện nay) tại trường Trung học Diên Hồng, Hội An. Vào năm 1965 khi trường Bồ Đề Hội An được thành lập, Hòa thượng đã theo học lớp Đệ lục. Suốt các niên khóa từ 1965 đến 1968 tại trường Bồ Đề, Hòa thượng thường xuyên đứng đầu lớp học. Từ năm 1969 đến năm 1970, Hòa thượng học Đệ nhị (tương đương lớp 11 hiện nay) tại trường Trung học Cộng Hòa do Giáo sư Phạm Văn Vận làm Hiệu trưởng, và đã thi đỗ Tú Tài I vào năm đó.

Từ năm 1970 đến năm 1971, Hòa thượng đổi qua trường Trung học Văn Học của Giáo sư Trần Bích Lan học Đệ nhất Ban A, cũng chính năm này đã thi đỗ Tú Tài II (tương đương bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện nay).

Hòa thượng đã từng du học tại Nhật trước năm 1975 chuyên ngành Cử nhân giáo dục và Cao học Phật giáo tại Đại học Teikyo và Đại học Risso (Lập Chánh) tại Tokyo. Tiếp đó Hòa thượng đến Đức vào ngày 22 tháng 4 năm 1977 với Visa du lịch, nhưng sau đó đã xin tỵ nạn tại Đức. Ở tại Kiel một năm để học tiếng Đức tại Đại học Kiel, tiếp đó ã dời về Hannover để học tiếp ngành giáo dục ở bậc sau Đại học, sống tại Đức từ đó cho đến nay… [Quangduc][/box]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version