(trích chương I, Nữ Tu và Tù Nhân Hoa Kỳ)
Giới thiệu về Wisconsin
Wisconsin là một trong 50[1] tiểu bang của Hoa kỳ và nằm phía bắc của đất nước này. Wisconsin ở khoảng vĩ độ 43.044 bắc và kinh độ 89.044 tây. Diện tích rộng 65.503 dặm Anh vuông, so với 50 tiểu bang của Hoa Kỳ thì Wisconsin lớn thứ 23.
Wisconsin đặc biệt nổi tiếng vì ở bên cạnh hai cái hồ lớn, hồ Superior ở phía bắc và hồ Michigan ở phía đông, hai hồ này thuộc hệ thống của ngũ đại hồ lớn nhất thế giới (Five Great Lakes). Hồ Michigan được bao quanh bởi bốn tiểu bang là Michigan, Illinois, Indiana và Wisconsin. Vì chu vi hồ nằm phía tiểu bang Michigan nhiều hơn nên được gọi tên là hồ Michigan, tuy nhiên khi đến từng thành phố của từng tiểu bang thì hồ gắn liền với từng tên địa phương đó. Ví dụ, nơi thành phố Milwaukee, Sheboygan… thì hồ được gọi là hồ Milwaukee, hồ Sheboygan… Diện tích mặt nước trong tiểu bang rộng 11.190 dặm vuông, đứng hàng thứ tư trong nước Hoa Kỳ, diện tích hai mặt hồ thuộc địa phận Wisconsin rộng 9.355 dặm vuông, đứng hàng thứ hai của các tiểu bang ở cạnh Ngũ đại hồ[2].
Wisconsin có bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu và đông. Thành phố Milwaukee xanh tươi với mùa xuân cây cối nẩy mầm xanh lá, nhưng oi bức nóng nực khi gió mùa hạ từ hồ Michigan kéo về. Mùa thu ngắn ngủi nhưng đẹp tuyệt vời với hàng cây lá đỏ thơ mộng bay xào xạc và mùa đông phủ đầy bông tuyết trắng khiến thành phố trở nên huyền hoặc im lặng ủ kín mình trong băng tuyết trắng. Vì tiểu bang này tuyết lạnh nhiều, nên người Việt tương đối ít hơn các tiểu bang ấm khác.
Phật tử thường sinh hoạt tại chùa Phước Hậu (một ngôi chùa duy nhất của tiểu bang này) là khoảng hai trăm người trong dịp lễ lớn. Nghe nói tổng số người Việt (tất cả mọi tôn giáo) là khoảng ba ngàn, trong khi tiểu bang Illinois kế bên thì khoảng hơn mười ngàn người Việt.
Các Trại Cải Huấn Wisconsin
Tội phạm nước Mỹ là một trong những vấn đề lớn nhất trên thế giới ngày nay. Theo nghiên cứu, số lượng tội nhân tăng một cách cụ thể. Từ năm 1970 đến năm 2000, chỉ riêng số tù nhân ở mỗi tiểu bang tăng đến 50%. Số người tù địa phương tăng khoảng 20% từ năm 2000 đến 2008.
Riêng ở Wisconsin, có hơn phân nửa 24.000 tù nhân là thiếu niên (tuổi từ 16 đến 35). Thời hạn tù từ sáu tháng đến chung thân tùy tội nặng hay nhẹ. Nhiều tù nhân tái phạm ra vào nhà tù nhiều lần, nghĩa là sau khi thả ra, họ lại phạm tội nữa. Vì vậy, thời gian ở tù bị kéo dài thêm, án tù lâu hơn.
Tôi đã đi thăm một số nhà tù ở Wisconsin. Tôi đã có dịp gặp mặt và nói chuyện với nhiều tù nhân, nhất là qua thư tín trao đổi. Số lượng nam phạm tội nhiều hơn nữ nên nhà tù nam nhiều hơn nữ. Nhìn chung, động lực thúc đẩy họ phạm tội là vì họ cần tiền để thỏa mãn nhu cầu nghiện ngập (cần sa, ma túy, cờ bạc, nợ nần, tiêu xài xài xa hoa….) khiến họ phạm tội (lường gạt, trộm cắp, ăn cướp và giết người). Thêm vào đó là vì tham lam, dâm dục, hung ác, sân giận, bất đồng ý kiến, ngu dại không biết lẽ phải, v.v… đã dẫn họ rơi vào vòng bất lương, vi phạm luật lệ xã hội. Đa số phạm nhân dùng cần sa và uống rượu ở lứa tuổi quá sớm. Một số thiếu niên và rất nhiều người lớn phải sống trong tù nhiều năm (hay chung thân) vì sự đồi bại, phạm luân thường đạo lý. Một vài tiểu bang trên nước Mỹ vẫn còn giữ hình phạt tử hình; tuy nhiên ở tiểu bang Wisconsin không có hình phạt này.
Trong tiểu bang Wisconsin có khoảng 20 nhà tù và vài trại giam cho lứa vị thành niên. Sư cô Tonen và tôi thường đến thăm viếng và hướng dẫn Phật pháp cho khoảng 12 nhà tù. Tù nhân thuộc nhiều tôn giáo hay không tôn giáo. Các vị tuyên úy (trông coi nhà nguyện) cũng thuộc nhiều tôn giáo khác (Thiên Chúa, Hồi giáo, Do Thái Giáo, Hindu và Phật giáo)… Có một vị tuyên úy Phật giáo làm việc ở nhà tù Jackson (Jackson Correctional Institution) ở Black River Falls, Wisconsin. Bổn phận chung của các tuyên úy là giúp các tù nhân được gặp vị hướng dẫn tinh thần của mình để thực hành nghi lễ tôn giáo theo yêu cầu của tù nhân.
Đây là 12 nhà tù tại tiểu bang Wisconsin mà chúng tôi đã đến như:
- Trại cải huấn Racine (Racine Correctional Institution, đàn ông). Medium Security (mức canh phòng trung bình) Sturtevant, WI.
- Trại cải huấn Oshkosh (Oshkosh Correctional Institution, đàn ông). Medium Security (mức canh phòng trung bình) Oshkosh, WI.
- Trại cải huấn Taycheedah (Taycheedah Correctional Institution, phụ nữ). Maximum/medium security (mức canh phòng trung bình/ nghiêm nhặt) Fond du Lac, WI.
- Trại cải huấn Greenbay (Greenbay Correctional Institution, đàn ông). Maximum Security (mức canh phòng nghiêm nhặt) Greenbay, WI.
- Trại cải huấn Waupun (Waupun Correctional Institution, đàn ông). Maximum Security (mức canh phòng nghiêm nhặt) Waupun, WI.
- Trại cải huấn Dodge (Dodge Correctional Institution, đàn ông). Maximum Security (mức canh phòng nghiêm nhặt). Waupun,WI.
(Khi bị tội, tù nhân được chuyển về đây. Sau khi ra tòa và rõ ràng tội rồi thì sẽ chuyển đi các trại giam khác để thi hành án. Tùy theo mức tội mà ở các nhà tù khác nhau). - Trại cải huấn Fox Lake (Fox Lake Correctional Institution, đàn ông). Medium Security (mức canh giữ trung bình) Fox Lake, WI.
- Trại cải huấn Redgranite (Redgranite Correctional Institution, đàn ông). Maximum’/medium Security (mức canh giữ trung bình/ nghiêm nhặt). Redgranite, WI.
- Trại cải huấn Wisconsin Secure Program Facility (đàn ông) Supermax (Cực kỳ nghiêm nhặt, biệt giam, chỉ vào thăm cá nhân chứ không phải tập thể) Boscobel, WI.
- Trại cải huấn New Lisbon (New Lisbon Correctional Institution, đàn ông). New Lisbon,WI.
- Trại cải huấn Kettle Moraine (Kettle Moraine Correctional Institution, đàn ông). Medium Security (mức canh giữ trung bình) Plymouth, WI.
- Trại cải huấn Wisconsin (Wisconsin Resource Center, nơi nhốt những tù nhân bị bịnh tâm thần (emotionally disturbed) Winnebago, WI.
Chuẩn Bị Cho Những Chuyến Viếng Thăm
Sư cô Tonen Sara O-Connor, viện chủ Trung tâm thiền Milwaukee (Milwaukee Zen Center)[3], Wisconsin, 75 tuổi, người Mỹ sanh trưởng tại Milwaukee. Trước kia đã lập gia đình và có hai con trai. Sau này sống riêng, Sư cô đã xuất gia 10 năm theo tông phái Thiền Phật giáo Nhật bản.
Vì sống cùng thành phố với nhau và sinh hoạt Phật giáo trong Hội Ái Hữu (Buddhist Peace Fellow of Milwaukee), nên Sư cô Tonen và tôi có nhiều cơ hội cùng làm việc chung, thảo luận với nhau, nhất là những lúc chúng tôi cùng trên xe đến những nhà tù. Đây là dịp chúng tôi có thời gian để trao đổi nhiều nhất.
Sư cô dù lớn tuổi nhưng trông rất khỏe mạnh, hoạt động từ thiện và hoằng dương Phật pháp rất tích cực. Sự cống hiến của Tonen thật là đáng kể.
Sosaku (nghĩa là Sáng Tác) là tên tờ báo của Miwaukee Zen Center (Trung Tâm Thiền học tại thành phố Miwaukee, tiểu bang Wisconsin) do Sư cô Tonen viện chủ của Trung tâm thiền và ưu bà tắc Douglas Stream, pháp danh Tojin (một tù nhân trong trại tù ở Greenbay, tiểu bang Wisconsin) phụ trách. Hầu hết tác giả viết trong báo này đều là sự trao đổi giữa tác giả và tù nhân Phật tử Tojin. Báo Sosaku được xuất bản mỗi năm bốn kỳ. Mục đích của tờ báo là cung cấp cơ hội cho tù nhân học Phật pháp và chia sẻ tình đạo giữa các tù nhân trong các trại giam của tiểu bang. Hy vọng của ban biên tập là qua sự cống hiến của báo sẽ mang một thông điệp hiểu biết, từ bi, khoan dung và kính trọng giữa các tù nhân Phật tử hay dù không phải là Phật tử.
Giữa Tonen và tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Để được vào thăm trong tù, Tonen phải mất một thời gian khá lâu để lo khâu thủ tục, xin giấy phép cho nhiều chuyến viếng thăm này.
Một vài email trao đổi dưới đây giữa Sư Tonen và tôi trong năm 2007 để cho thấy sự chuẩn bị của chúng tôi và cũng mô tả thời tiết xấu với cơn bão tuyết như thế nào mà những người ở xứ lạnh đã trải nghiệm và những người ở vùng ấm thì thấy được chúng qua hình ảnh email mô tả này. Đôi khi chúng tôi phải hủy hoặc hoãn lại các chuyến đi để đợi mặt trời ấm áp cho phép.
*
Từ: Sư cô Giới Hương thichnugioihuong@yahoo.com
Tonen thân,
Chúng ta sẽ bãi bỏ chuyến đi viếng tù ngày mai bởi lẽ dự báo thời tiết báo trời bên ngoài bão tuyết quá lớn và gió thổi mạnh. Nhưng Giới Hương sẽ cùng đi với sư đến OSCI (Nhà tù Oshkosh) vào ngày 19 tháng 2 năm 2007. Hy vọng thời tiết sẽ không xấu.
Chúc Tonen một buổi tối yên lành,
*
Từ: Tonen O’Connor kokyo-an@earthlink.net
Sư Giới Hương thân,
Tuyết mới vừa ngừng rơi ở nơi đây, nhưng tôi ước lượng tuyết đã cao khoảng 20 inches (một inch dài khoảng một đốt rưỡi của ngón tay tôi). Đường phố thật là lầy lội, ướt át và bẩn thỉu. Tôi không biết tuyết ở thành phố Oshkosh, nơi mình định đến như thế nào, nhưng ở đây, tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để moi chiếc xe của tôi ra khỏi đống tuyết (vì tuyết phủ kín xe tôi rồi). Rồi tôi sẽ phải khó khăn để len lỏi qua những con đường chưa cào tuyết để mới ra đến đường cao tốc 41. Thêm vào đó, tôi vừa mới hoàn thành hai ngày tu học tập trung (15 tiếng ngày thứ bảy và 10 tiếng ngày hôm nay). Trong đó, tôi hướng dẫn tu thiền, tụng kinh, pháp đàm với phật tử, nấu ba buổi ăn, thuyết pháp, nói chung là làm hết mọi việc. Phật tử tụ họp cũng khá đông, nhưng nói thật, tôi cảm thấy rất mỏi mệt. Cuộc thăm viếng nhà tù OSCI lúc nào cũng xảy ra sau hai ngày tu học cuối tuần. Tôi không e ngại sự lao khổ nếu đường đi được thuận tiện, bằng không thì thật đáng lo ngại và nguy hiểm cho bản thân chúng ta trên đường tuyết trơn trợt.
Tôi rất lấy làm tiếc phải hủy bỏ chuyến đi ngày mai. Tôi hy vọng Sư cô Giới Hương và tôi có thể đi cùng nhau tới nhà tù OSCI để hướng dẫn thiền ngày 19, tháng 02, năm 2007.
Tôi chân thành cảm ơn Susan đã giúp đỡ trong việc xin thủ tục, giấy phép, vv… và cám ơn Sư cô Giới Hương đã nhiệt tình tham dự dù hoàn cảnh thế nào. Hy vọng thời tiết sẽ tốt đẹp trong tháng hai.
Chúc Sư cô mọi sự an lành,
*
Từ: Sư cô Giới Hương thichnugioihuong@yahoo.com
Tonen thân,
Cám ơn lá thư và kế hoạch tốt đẹp của Tonen.
Chúng ta sẽ có mặt tại trung tâm Zen (Thiền) vào khoảng 8 giờ 45 sáng thứ Sáu nếu như sư có thể xác nhận thời điểm một lần nữa ngày mai tại nhà tù Racine. Tôi sẽ chuẩn bị một bữa ăn trưa mang theo (a packed lunch) để chúng ta cùng dùng chung tại trung tâm Milwaukee Zen.
Kế hoạch cho ngày thứ hai rất tốt. Chúng ta sẽ làm theo đó nha. Liệu tôi muốn đem theo máy chụp hình vào trại tù có được không? Nếu họ không cho phép chụp hình trong nhà giam thì chúng ta có thể để cái máy chụp hình lại trong xe của sư. Chúng ta có thể chụp hình sư và Giới Hương trước cổng nhà giam không? Tôi nghĩ chắc không sao phải không? Bởi lẽ GH muốn viết một bài phóng sự về công việc của sư và thật là hoàn hảo nếu có thêm hình ảnh minh họa. GH rất cảm phục và kính trọng sư Tonen rất nhiều cho những việc thiện nguyện này.
Chúc một đêm tốt lành.
*
Từ: Tonen O’Connor kokyo-an@earthlink.net
Sư Giới Hương thân,
Nhà tù Racine chưa đưa giấy chấp thuận việc thăm viếng, nhưng chúng ta cứ đến đó vào ngày đã định thứ sáu, ngày 19, tháng 01. Nếu có vấn đề gì, tôi sẽ thông báo cho Sư cô biết.
Cho chuyến đi này, Sư cô nên có mặt khoảng 8 giờ 45 sáng. Sư cô có thể đậu xe ở chỗ của tôi sau Trung tâm Thiền. Vì chạy xe đến đó mất khoảng 45 phút, nên giờ xuất phát không thể trễ hơn 9 giờ sáng để có thể tới đó đúng giờ vào cổng, qua trạm kiểm soát và gặp mặt mọi người vào đúng 10 giờ sáng. Đây là một nhà tù có mức độ kiểm soát trung bình (Medium Security). Phật tử không đông lắm, chỉ khoảng mười hai nam tù nhân.
Có thể chỉ có mười một người vào ngày thứ sáu vì có một người phải theo học buổi huấn luyện đặc biệt trùng khớp với giờ hướng dẫn thiền của chúng ta. Thiền tập sẽ hoàn tất vào lúc 11 giờ 30 phút và chúng ta sẽ trở lại Wilwaukee vào khoảng 12 giờ 30 phút trưa. Nếu Sư cô có đem theo đồ ăn trưa, chúng ta có thể dùng bữa ở Trung Tâm Zen tại Milwaukee.
Về phần cuộc viếng thăm nhà tù vào ngày thứ Hai, nhà tù Oshkosh đã cho phép, nhưng tôi vẫn chưa có tin tức gì từ nhà tù Waupun. Nếu sư Giới Hương không thể đi với tôi ở Waupun buổi trưa nay, sư có thể chờ tôi ở tại thư viện công cộng ở gần nhà tù. Xin vui lòng đến đây đúng 7 giờ sáng, vì chúng ta không thể khởi hành trễ hơn 7 giờ 15 phút sáng. Lái xe phải mất cả 1 tiếng 45 phút. Đừng nên đem theo đồ ăn trưa vì không có nơi để chúng ta ăn (tôi không muốn ngồi trong xe ăn trong khi thời tiết lạnh lẽo tuyết rơi với đồ ăn bị đông thành đá). Chúng ta có thể dừng lại ở nhà hàng McDonald ở thành phố Waupun và mua món rau salad trộn dầu giấm (không có thịt) và một lon nước ngọt. Nhà tù Oshkosh là một trại giam có mức độ kiểm soát trung bình (Medium Security) và nhóm tù nhân ở đó độ khoảng 8 tới 12 người. Trong khi Waupun là nhà tù có mức độ kiểm soát nghiêm ngặt và nhóm tù nhân chỉ có chín người. Buổi pháp thoại ở Oshkosh thì từ 9 giờ 30 cho tới 11 giờ 30 sáng và sau đó chúng ta lái xe tới Waupun, ăn trưa và hướng dẫn ở Waupun từ 1 giờ tới 2 giờ 30 trưa. Chúng ta trở về Trung Tâm Zen ở Milwaukee không quá 4 giờ 45 phút chiều.
Với hai buổi pháp thoại này, sư Giới Hương không cần phải đắp y. Tonen chỉ mặt áo tràng bình thường (gọi là áo nâu sòng của nhà chùa trong tiếng Nhật). Chúng ta chỉ đắp y cho những buổi lễ quan trọng trong nhà tù như lễ Quy y hoặc Bố tát tụng giới thôi. Sư cô nhớ mang theo hộ chiếu và đừng mang những gì có kim loại bên trong vì chúng ta phải qua máy rà kiểm tra trước khi vào nhà tù.
Chương trình như thường lệ:
Ngồi thiền – 30 phút (chúng ta không có đệm, bồ đoàn nên dùng ghế thay thế)
Kinh hành – ngoại trừ ở nhà tù Oshkosh vì không có phòng rộng
Tụng Kinh – (Kinh Từ Bi, Bát Nhã)
Pháp thoại và trả lời thắc mắc (Cuộc đời Tổ sư Huệ Năng)
Nhân đây, xin Sư Giới Hương nhớ ngày mai là có cuộc gặp mặt Hội Liên Tôn Giáo (Interfaith Conference, MAIR) là vào 10 giờ 30 tới 12 giờ trưa tại văn phòng Interfaith Conference trên tầng hai ở 1442 đường Farwell, Milwaukee. Tôi thành thật xin lỗi vì không thể ghé rước Sư cô đi đến đó được. Tôi có một bài thuyết giảng tại trường đại học ở hướng Bắc và sau khi trở về đây thay đồ xong, tôi phải hướng dẫn những người tình nguyện làm báo cho tòa soạn của chúng tôi. Ngay cả tôi cũng không có đủ thời gian để đến chỗ hợp cho kịp lúc. Tôi đã chọn ra 16 trong 24 câu tục ngữ mà Sư Giới Hương đã gởi cho tôi và sao chép ra thành nhiều bản để cho mọi người tại cuộc hợp ở MAIR cùng sử dụng với hình minh họa. Hy vọng Sư Giới Hương nhớ đến đó đúng giờ họp trước. Tonen sẽ thông báo cho Sư cô biết nếu có gì thay đổi phút chót nha.
Chúc an lành.
*
Ngày 22, tháng 10, năm 2007, Sư cô Tonen và tôi có buổi pháp đàm tại trại tù Greenbay (Greenbay Correctional Institution). Đây là trại tù cực trọng (Maximum Security) và những tù nhân hầu như là liên quan đến tội giết người (murders).
Tại đây, tôi có gặp một thanh niên Mỹ tên Douglas Stream pháp danh Tojin, 32 tuổi. Tojin do một niệm vô minh nóng giận cướp lấy mạng sống của một người, nên phải lãnh án chung thân (suốt đời phải ngồi tù). Tojin rất sáng sủa thông minh, thanh nhã như thư sinh đang thời đèn sách. Nếu Tojin đừng phạm pháp và được ở ngoài, phát huy khả năng thì lợi ích cho gia đình, xã hội và đất nước biết bao nhiêu. Tojin đã nói với tôi rằng một khi đã mang ‘án chung thân không ân xá’ thì dù phạm nhân có nỗ lực phấn đấu làm tốt, cũng khó có trường hợp được tòa án giảm tội giam, trừ khi có bằng chứng gì đó chứng minh nhẹ tội.
Tojin cũng nghiên cứu nhiều kinh sách Phật trong thư viện của trại cải tạo và rất thích các bài giảng của sư ông Nhất Hạnh. Tojin đã tự học câu “Sakyamuni Buddha” bằng tiếng Việt là “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” để chào đón tôi mỗi khi tôi đến hướng dẫn.
Từ Milwaukee chúng tôi lái xe gần hai tiếng đồng hồ mới đến trại cải huấn Greenbay, nơi mà Tojin đang giam giữ. Những hàng cây đầy lá đỏ (russet) đã rực sáng dọc hai bên đường rất đẹp. Tôi ngắm nét rực rỡ kiêu sa của thiên nhiên và cảm thấy mình rất có phước báu để ngắm chúng. Trong khi các tù nhân kia bị nhốt kín mít không thể thấy được thế giới bên ngoài. Nếu họ có cửa sổ thông hơi chăng nữa thì cũng ở tít trên cao.
Tonen rất khỏe. Sư đã ban pháp thoại với tù nhân rồi, lên xe về, cả hai chúng tôi lại huyên thuyên tiếp tục không dứt suốt cả hai giờ đồng hồ lái xe.
Tojin là một trong những tù nhân viết thư cho tôi thường xuyên nhất. Thời gian của những thư tín trao đổi giữa tôi và các tù nhân chỉ có hai, ba ngày là đến, vì chúng tôi cùng ở chung một tiểu bang. Điều này cũng cho thấy hệ thống thư tín tại Mỹ rất nhanh chóng và tiện lợi.
Đi học cả ngày về không mệt mà đi thăm trại tù về nhất là những Maximum Security thì lòng rất buồn và nặng trĩu. Ngồi trên xe mà cứ khó thở, thở ngắn và thở dài liên tục. Về đến chùa Phước Hậu là đi nghỉ liền có lẽ vì hoàn cảnh từng cá nhân tù và không khí nặng nề ở đó cứ ám ảnh lấy tôi.
Những Phiến Tâm Đẹp
Dưới đây là một số bức thư tiêu biểu và sự hồi âm của tôi. Qua nội dung của các bức thư này cũng cho chúng ta thấy tâm tư trăn trở giữa thiện ác và sự hướng về đạo Phật của một số các tù nhân. Đây là những phiến tâm đẹp tựa như những hoa sen hồng đang vươn khỏi từ bùn.
*
TOCHIKU
Ngày 7, tháng 2, năm 2007
Sư cô Giới Hương kính,
Tôi là người mà Sư cô đã gặp khi Sư cô tới thăm chúng tôi tại trại cải huấn Racine. Tôi tên là Robert Trokan, pháp danh là Tochiku. Sư cô Tonen đã cho tôi pháp danh này vào lễ Quy y Tam bảo. Tochiku có nghĩa là “Trúc Lâm”. Sư cô Tonen giải thích Trúc Lâm là biểu tượng của sức mạnh dẻo dai và uyển chuyển trong mọi thời cuộc khó khăn, để tôi có thể đương đầu và bền lòng hướng thiện với chính mình.
Tôi muốn giới thiệu một tí về bản thân mình. Tôi được sanh ra và lớn lên tại Wisconsin, thành phố Menomonee Falls. Lúc nhỏ, tôi đã có những quyết định sai lầm. Tôi được nuôi dưỡng trong đạo Thiên chúa nhưng tôi nghi ngờ tôn giáo này. Tôi đã trải qua những điều tệ hại và càng tệ hơn là đã chôn đời mình trong rượu chè và á phiện. Rồi dẫn tôi đến phạm pháp và bị nhốt ở đây. Tôi không có bào chữa cho hành động sai trái của mình. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi đã ở tù 21 năm rồi. Tôi bị bắt vào lúc tôi hai mươi tuổi và bây giờ tôi đã bốn mươi mốt tuổi rồi.
Cách đây mười năm, tôi đã tìm được ý nghĩa của chính cuộc đời mình. Tôi đã nhìn thấy được lối đi. Tôi đã thông suốt. Tôi đã thay đổi đời tôi rất nhiều, nhờ đó mà tôi đã không còn làm tổn hại đến những người xung quanh mình. Tôi đã được cai nghiện và nhờ kinh nghiệm này tôi đã giúp cho bao người khác cũng khỏi nghiện ngập trong nhiều năm qua.
Nhớ lại lúc tôi là con chiên của đạo công giáo, tôi không tìm thấy được đức tin, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn. Có người khuyên tôi lúc còn ở nhà tù Greenbay, hãy tới tham dự khóa thiền tập do Sư cô Tonen hướng dẫn. Tôi đã tới tham dự mỗi tháng một lần và rồi tôi hỏi Sư cô rất nhiều câu hỏi.
Thời gian trôi qua, tôi đã tìm được lối đi cho chính mình và tôi đã quy y. Tôi tìm được sự thăng bằng trong lòng mình và những mối liên hệ với người xung quanh và tôi luôn bảo mình phải là một Phật tử hữu ích cho mọi người. Tôi rất thích tọa thiền.
Sư cô Tonen đề nghị tôi viết thư tới Sư cô Giới Hương để tham vấn Phật Pháp. Tôi đồng ý ngay. Sư cô Tonen nói Sư cô Giới Hương đã ở trong tu viện nhiều năm lắm rồi, hình như hơn ba mươi năm rồi thì phải.
Ở nơi đó tu viện ra làm sao? Sư cô sanh trưởng và lớn lên trong gia đình Phật tử hả? Sư cô có thể cho tôi biết về đất nước Việt Nam của Sư cô không? Cuộc sống ở đó như thế nào? Điều gì mới lạ ở Mỹ đã làm ngạc nhiên Sư cô? Mục đích của Sư cô là gì và những điều không tốt nào Sư cô đã thấy ở nước Hoa Kỳ này?
Tôi rất tò mò muốn biết những suy nghĩ và cảm xúc của Sư cô. Tôi đã chưa từng viết cũng như nói chuyện với người khác văn hóa với mình. Mong Sư cô thứ lỗi nếu có những câu hỏi nào có tính thô thiển hoặc xúc phạm. Mong Sư cô giải thích cho tôi biết, để tôi có thể hiểu biết thêm.
Tôi xin phép dừng lại nơi này. Mong được hồi âm.
Kính thư,
Tochiku
*
Chào Tochiku,
Ở Việt Nam chúng tôi chỉ có hai mùa. Đó là mùa khô và mùa mưa. Đây là mùa Đông đầu tiên và cũng là lần đầu Sư cô Giới Hương nhìn thấy tuyết rơi.
Tuyệt vời! Tuyết vừa đẹp và thơ mộng! Tuyết có màu sáng, trắng, mịn và buốt lạnh như những sợi bông hay là những hoa gòn trắng nhỏ. Những bông tuyết rơi xung quanh, trên đầu và vai Sư cô. Sư cô đã đón chúng vào lòng bàn tay của mình.
Thế nhưng, khi có quá nhiều tuyết rơi khoảng trên 10 inches thì tuyết khiến cho chúng ta bị lạnh, run cầm cập và lái xe thì phải tập trung nhiều hơn vì đường trơn trợt và khó lái. Đường sá, nhà cửa và xe cộ trở nên lầy lội và dơ bẩn. Mọi người cảm thấy khó khăn và vất vả khi phải đi ra ngoài với tuyết. Đây là kinh nghiệm vừa mới và lạ mà ở Việt Nam hay Ấn Độ, Sư cô chưa từng gặp phải.
Sư cô rất vui khi nghe Tochiku kể về công phu tọa thiền, thiền hành và làm việc của mình. Bây giờ, Tochiku hãy nói cho Sư cô biết về cuộc đời của Tochiku ra sao; như là thời thơ ấu, gia đình, sở thích, học vấn, cuộc sống trong tù như thế nào? Khi nào Tochiku sẽ ra tù?
Trong thư vừa rồi, Sư cô có nói cho Tochiku biết là các Phật tử Việt Nam ở đây rất bận rộn vì sinh kế. Đa phần ai nấy cũng phải đi làm tất bật, khi về tới nhà thì dọn dẹp, chỉ có cuối tuần thì rảnh thôi. Phải cố gắng thu xếp lắm Phật tử mới tới chùa vào chủ nhật được. Hơn nữa, từ nhà người này qua nhà người kia xa lắm, phải có phương tiện như xe hơi hoặc xe ô tô buýt thì mới đi qua lại thăm hỏi nhau được. Người không có phương tiện đi lại thì khó có thể đi tới chùa hoặc thăm viếng bạn bè dù là ngày cuối tuần. Ở đây, Sư cô không biết ai là hàng xóm của mình nữa, vì nhà nào cũng đóng cửa kín mít. Trong khi văn hóa ở Việt Nam hay Ấn Độ thì nhà nào cũng cửa mở (chỉ có tối mới đóng), nên hàng xóm đều biết mặt với nhau. Người Việt hay Ấn cũng đi làm nhưng có vẻ thảnh thơi và nhàn hơn ở đây. Mọi người cũng có thời gian cho nhau. Dù sao, mỗi ngày Sư cô cũng quen dần với cuộc sống bên Mỹ này. Nước Mỹ văn minh tiến bộ có nhiều cái để cho chúng ta học. Vài hàng chia sẻ.
Sư cô Giới Hương
*
Ngày 22, tháng 3, năm 2007
Sư cô Giới Hương kính mến,
Tôi vừa đọc xong thư của Sư cô cùng mười bốn điều Tiếp Hiện của sư ông Nhất Hạnh. Tôi rất cám ơn Sư cô đã gởi cho tôi! Tôi cũng xin cám ơn Sư cô đã chia sẻ chuyện nhà chùa với tôi. Tôi luôn thích thú học hỏi về cuộc đời xuất thế của quý sư!
Tôi rất vui khi được Sư cô giải thích cho tôi nên gọi Sư cô như thế nào? Tôi muốn theo và tôn trọng văn hóa nhà chùa. Tôi cũng thích biết việc tu hành có ý nghĩa như thế nào đối với Sư cô.
Tôi đã đọc mười bốn điều Tiếp Hiện của sư ông Nhất Hạnh rồi và tôi thích nhất là điều thứ mười bốn: “Đừng tránh đau khổ hoặc nhắm mắt trước đau khổ của người khác. Đừng đánh mất nhận thức về sự tồn tại của khổ ải trong cuộc sống thế tục này. Hãy tìm cách tiếp cận những chúng sanh đang đau khổ bằng hình thức thăm viếng, hình ảnh, âm thanh, v.v… Bằng cách này, chính mình thức tỉnh những người khác về sự hiện hữu của đau khổ trên thế giới này.”
Sư cô kính, tôi là mẫu người thích suy tư. Tôi thường trầm tư về những ý niệm, giáo dục, đức tin, triết lý, v.v… Tôi thường hỏi Sư cô Tonen trong những buổi pháp đàm. Tôi luôn khát ngưỡng kiến thức và tin rằng học hỏi là một kinh nghiệm chủ động chớ không phải thụ động, tôi mong Sư cô hiểu được ý của tôi?
Tôi rất mừng khi biết được ý định của Sư cô về việc Sư cô sẽ đi học để lấy bằng tâm lý học ở trường UW-M (Đại Học Wisconsin, Milwaukee). Tôi đã học các môn tương tự tại trường này nhiều năm về trước. Tôi nghĩ bằng cấp của tôi về tâm lý học cùng với sở thích của Sư cô! Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Vì vậy, nếu Sư cô có những câu hỏi gì hoặc muốn thảo luận về những chủ đề tâm lý học xin Sư cô vui lòng cho tôi biết. Tôi rất hân hạnh được giúp Sư cô.
Ở cuối thư, Sư cô đã hỏi tôi một vài câu hỏi rất hay. Tôi sẽ cố gắng trả lời từng việc:
1) Thuyết Ăn Chay: Sư cô Tonen có lần đã kể cho tôi nghe về Đức Phật. Trong một thời kỳ hạn hán, không thể trồng rau cải được. Khi Đức Phật khất thực trong bình bát chỉ có thịt cá (non-veg), Phật cũng đành dùng nó theo ngũ tịnh nhục (1. không thấy, 2. không nghe, 3. không nghi và 4. không sai người ta giết động vật cho mình ăn hoặc 5.tự nhiên động vật tự chết và như vậy, chúng ta ăn thịt động vật theo năm cách này thì không lỗi). Sư cô có biết câu chuyện này không? Tôi ăn mặn nhưng không nhiều vì ở nơi này tôi không có được sự chọn lựa. Nếu tôi được tự do ở bên ngoài, tôi sẽ tìm và chọn những thực phẩm dinh dưỡng khác. Tôi muốn biết ý kiến của Sư cô về việc này.
2) Tôn giáo: Cả gia đình tôi theo đạo Thiên Chúa giáo. Tôi luôn được dạy dỗ về đức tin Thiên Chúa. Trong thời thanh xuân, tôi đã lãng quên đức tin của mình và không tin một chút nào về tôn giáo của tôi. Đời sống tinh thần của tôi bị lũng đoạn. Tôi bị nghiện ngập rượu chè và ma túy. Khi tôi vào tù và tôi đã quyết định thay đổi cuộc đời mình, thay đổi cách ứng xử, thay đổi đức tin và rồi tôi đã tìm được đức tin của mình. Tôi đã tìm thấy sự thăng bằng và an lành trong lòng. Tôi đã nghiên cứu và học rất nhiều tôn giáo khác nhau. Cuối cùng, trong lúc đọc kinh Phật tôi đã tìm thấy sự cộng hưởng trong lòng mình. Sư cô hiểu ý của tôi phải không? Tôi có một cảm giác như mình trở về cội nguồn hoặc Phật giáo thật sự đã gắn bó trong tôi. Lúc này, tôi đã được đức tin đánh thức và tôi thức tỉnh rất nhiều.
3) Kế Hoạch Tương Lai: Tôi đã ở tù lâu rồi. Mỗi năm, tôi phải ra trước hội đồng ân xá để tòa án có thể quyết định lại thời gian giam tôi, xem tôi được thả sớm hay không? Thời gian lâu nhất mà tôi phải ở trong tù và cũng là thời gian tối đa mà nhà tù có thể giữ tôi là năm 2017 (mười năm nữa). Tôi hy vọng sẽ được thả sớm hơn. Tôi sẽ ra trước hội đồng ân xá vào tháng Tư tới. Tôi sẽ xin họ thả tôi.
Theo như kế hoạch tương lai tôi đã nghĩ trong nhiều năm qua, trong lúc tôi khổ sở thay đổi cuộc đời mình ở trong tù và tôi bắt đầu tự hỏi những chặng đường tôi đã đi qua có nghĩa lý gì không? Tôi đã tìm ra được câu trả lời của nó và hiểu được rằng tôi cần phải tìm cho mình một lối đi mà ở đó tôi có thể biến những kinh nghiệm sống của chính mình trở nên hữu ích, vì vậy tôi bắt đầu ghi danh các lớp cao đẳng hàm thụ. Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian tình nguyện giúp đỡ mọi người, thay đổi cuộc đời của bạn tù trong nhóm cũng như trong những lớp học. Tôi đã làm chuyện này trong nhiều năm qua. Khi ra tù, tôi sẽ tìm phương tiện hoặc một công việc làm liên quan tới việc giúp đỡ người khác. Đây là điều tôi tin tôi sẽ làm được. Một số nhân viên làm việc ở đây như là nhà tâm lý học, nhân viên xã hội rất nễ khả năng của tôi. Họ nói tôi có năng khiếu bẩm sinh có thể vươn tới và giúp đỡ người khác. Vì lý do này, tôi hy vọng sẽ có cơ hội làm việc này trong một tương lai gần.
Xin kính tặng Sư cô một bài thơ do tôi trích trong Trưởng Lão Ni Kệ:
Che khuất ánh mặt trời
Bằng tâm hồn thanh tịnh
Không vướng nợ trần gian
Vui một cõi tu hành
Quên rồi bao phiền muộn
Tự xét lấy mình
Để trên, dưới, hoặc
Ngang hàng cùng mọi lứa
Và trung thực
Tìm ra cõi thanh bình ấp ủ
Không bao giờ thừa mứa
Đắp đầy những của lạ
Như một ánh trăng rằm
Tròn, thật là tròn
Minh nguyệt
Xé toát
Một màn đêm sâu thẳm
Ta, một sư tu hành, biết kiềm chế, tự tĩnh, giác ngộ
Và một cõi lòng thanh tịnh bồ tát
Như khi ta lớn lên
Tâm trí ta tràn đầy hạnh phúc
Mang tới khắp nơi để mãi vui vầy, phá tan đi màn đêm
Và sự chết
Vào cõi hư vô.
Kính mong những điều tốt lành luôn đến với Sư cô.
Trại cải huấn Racine, WI-53177
Tochiku
*
Ngày 27, tháng 3, năm 2007
Chào Tochiku,
Sư cô trân trọng những chia sẻ của Tochiku. Người Việt có câu nói: “Có vợ hoặc chồng khó khăn khiến ta trở thành triết gia.” Theo ý Sư cô thì nhà tù giam hãm cũng là một môi trường tốt để Tochiku trưởng dưỡng lòng tin của mình. Nhờ vậy mà Tochiku có được sự trầm tĩnh và an lạc giữa những náo động và phiền muộn. Đừng nên suy nghĩ nhiều về những điều Tochiku đã lỡ phạm phải. Quá khứ là của quá khứ. Biết hối hận và nguyện không làm nữa là được rồi. Tochiku nên chánh niệm an trú vào giây phút hiện tại.
Sư cô cám ơn bài thơ “Trưởng Lão Ni Kệ” Tochiku đã gởi cho Sư cô. Sư cô xuất gia và sống trong chùa khi Sư cô 15 tuổi. Bản chất cuộc đời và các pháp là vô thường, vô ngã, khổ và không. Bản chất con người là sanh trụ di diệt. Thân này rồi sẽ tan. Điều này khiến cho Sư cô muốn tìm một con đường hạnh phúc chân thật, bền vững, thanh khiết và giải thoát hơn. Với cuộc sống nhà chùa sẽ giúp Sư cô giang rộng vòng tay của mình thương yêu tất cả mọi người mà không có sự phân biệt về huyết nhục, thân sơ, màu da, tôn giáo hay dân tộc… Cũng vì vậy mà Sư cô mới rảnh và học nhiều gương sáng của các thánh nhân, triết gia, thiền sư mà cuộc đời của các ngài là những mẫu mực hoặc là ngọn hải đăng dẫn đường cho chúng ta. Đây là hướng đi của Sư cô.
*
Ngày 29, tháng 3, năm 2007
Kính gửi Sư cô,
Cám ơn những lời khuyên chân thành của Sư cô, Đúng ngục tù là một nơi tốt để tu dưỡng về tinh thần. Nhưng mà đó là một nơi rất khó để thể hiện tánh Phật hay lòng từ bi. Tôi kính phục cô quyết định thành một nữ tu. Cuộc sống trong tù làm cho tôi thấy giống như sống trong tu viện, nhưng nó không phải là chọn lựa của tôi. Tôi thích tình yêu giữa nam nữ như là sự diễn đạt mạnh mẽ của cảm xúc, hưởng thụ và giao hợp. Tôi thèm khát hưởng thụ rất nhiều. Ngay cả trong những lúc giao hợp với vợ với những xúc cảm chân thực và lòng tin cho nhau. Đơn giản nhất là tôi nhớ những vòng tay âu yếm dịu dàng của vợ trong lúc bên nhau. Bất chợt tỉnh giấc thì tôi mới biết rằng mình đang nằm mơ. Tôi phải để cho giấc mơ đó ra đi. Tuy biết cảm xúc là huyễn, nhưng nhiều khi rất khó chế ngự.
Sư cô hỏi về tâm lý học. Vâng, tôi học theo hệ thống diễn liên hay hàm thụ nên tất cả những lớp học đều qua thư tín giấy mực. Tôi học về sự quan hệ giữa tâm lý, tiến trình nhận thức để làm sao mình có thể nghĩ và cảm giác được. Kiến thức về ngành này rất quan trọng khi chúng ta muốn giúp đỡ người khác. Càng hiểu nhiều về một người nào đó thì chúng ta càng dễ giúp được họ. Đây là một khoa học thú vị hấp dẫn.
Tôi rất thích học tâm lý trị liệu và thực tập hàng ngày. Hiện giờ tôi đang điều trị cho một người đang có triệu chứng tâm thần (chậm hiểu, chậm phát triển). Người này bị kết tội vì dâm ô. Việc này đòi hỏi rất nhiều thử thách gam go và thời gian, tôi phải nhẫn nại giúp anh ta. Nếu có người nào chán ghét anh ta đi nữa, tôi cũng vẫn gần gũi giúp anh ta.
Sư cô biết không, tôi hy vọng ngày nào đó Sư cô thường xuyên đến đây hướng dẫn thiền cho nhóm tù nhân chúng tôi. Khi Sư cô đến, xin nhớ cho chúng tôi hay. Thư của Sư cô như là ánh mặt trời xóa tan những áng mây mù bao phủ và sưởi ấm hồn chúng tôi. Chúng tôi mang ơn những sự quan tâm của Sư cô.
Bảo Trọng,
Trại cải huấn Racine, WI-53177
Tochiku
*
Ngày 30, tháng 4, Năm 2007
Chào Tochiku,
Sư ông Nhất Hạnh nói rằng; “Điều sợ hãi lớn nhất của con người là khi mình chết đi thì mình trở thành không có gì hết. Chúng ta tin rằng từ cái không có gì chúng ta sinh ra và khi chết đi chúng ta sẽ trở về với cái không có gì giống vậy. Và do vậy, chúng ta luôn sợ hãi trong trạng thái hủy diệt này sẽ đến với mình. Đức Phật có cái nhìn rất khác về điều này, nghĩa là Chết và Sống chỉ là một ý niệm trong tư tưởng. Chúng không có thực thể để nắm được. Sống và chết là thay cởi áo”.
Cũng như trong hoàn cảnh của Tochiku, hãy nhìn nhà tù như một phương tiện tu tập và nếu Tochiku lạc quan với ý nghĩ đó thì Tochiku sẽ có cảm giác trại tù là một nơi lý tưởng để trưởng dưỡng tâm tánh (ví dụ nếu bận rộn túi bụi với việc thương mại quá thì khó có thời gian và môi trường tu). Luôn để lòng mình hướng thượng. Điều gì tới thì tới và nhẹ nhàng hãy để cho vọng tưởng tan đi. Cứ tự cho mình như là một diễn viên và bao quanh Tochiku với bao khán giả. Thời gian mười năm nữa chỉ là một cơn gió thoảng. Hãy an trú những gì trong hiện tại mà Tochiku đang sống, đó là niềm hạnh phúc nhất mà Tochiku đang có và đang được thở an lành (hơn những bịnh nhân hay người chết).
Sư cô trân trọng và hiểu rằng Tochiku là người Phật tử. Những gì Tochiku đã viết cho Sư cô là sự thật, là đời thực của Tochiku-một con người không hoàn hảo nhưng rất thực thì hay hơn là nghe phóng đại thêm rồng vẽ rắn từ những con người cho mình hoàn hảo. Chúng ta là con người, dĩ nhiên không tránh được lỗi lầm. Biết lỗi rồi thì đừng nên tái phạm.
Một cô sinh viên – một đệ tử năm giới đã quy y với Sư cô. Một hôm, vô tình giỡn với súng khiến em gái mình trúng đạn ngay tim và chết ở thành phố Kenosha, Wisconsin. Bây giờ cô ấy đã bị trục xuất về Việt Nam sinh sống. Chúng ta không nên giỡn đùa với vũ khí giết người như súng đạn. Tochiku cũng may mắn hơn hai chị em đó. Chúc Tochiku vững tâm.
Sư cô Giới Hương
*
Ngày 9, tháng 5, năm 2007
Sư cô kính mến,
Nhắc đến quá khứ, tôi thật là buồn. Tôi biết và hiểu được những tội trạng của tôi trong một thời gian dài đã làm đau đớn và điêu đứng bao nhiêu người xung quanh. Cũng vì điều này, có đôi lúc tôi cứ tưởng rằng chính tôi sẽ không bao giờ hồi phục lại được. Nhưng nhờ Phập pháp, tôi đã bắt đầu sống lạc quan hơn với mọi người quanh mình bằng một tấm lòng “nhân hậu”. Tôi muốn Sư cô tin rằng, tôi sẽ sống tốt trong cuộc đời này cho tới ngày tôi nhắm mắt. Có lẽ những việc tốt tôi đang làm này không phải để đền bù lại quá khứ mà hành trình của đời tôi trong hiện tại là đi từ trong quá khứ. Mong Sư cô hiểu ý của tôi. Đây không phải là kết quả cuối cùng mà cuộc đời tôi đang trên đường biểu lộ nghiệp báo nhân quả, Sư cô có biết không! Tôi rất vui xin chia sẻ với Sư cô về mảnh đời của tôi để thêm ý, góp dày cho cuốn sách Sư cô đang viết và cũng như giúp độc giả tránh những thói hư mà tôi đã trải qua.
Tôi nhớ lúc 11 hay 12 tuổi, tôi đã bắt đầu tập tành theo rượu và ma túy với mấy đứa bạn lớn hơn. Năm tôi 18 tuổi, tôi bắt đầu ăn cướp ma túy của mấy ông chủ bán. Có một ngày, tôi cùng một thằng khác cướp một chủ vựa ma túy. Chuyện bắt đầu nổi lên, một người bạn đồng lõa với tôi bắt một phụ nữ làm con tin trong lúc chúng tôi đào thoát. Rồi sau đó hắn hiếp dâm cô ta. Tôi cũng bị vạ lây lúc bị bắt.
Vậy mà tôi cũng chưa tởn. Mấy năm sau, lúc tôi 27 tuổi. Tôi uống rượu và dùng ma túy nhiều hơn trước nữa. Lúc này tôi đang làm chủ tiệm mua bán và cứ bị lỗ lã thường xuyên. Có lần, tôi ngồi nhà uống rượu cho tới khi say mèm, lúc đó tôi đã làm một chuyện khủng khiếp – đi ăn trộm (burglarize). Tôi trộm đâu được ba nhà thì phải. Lần thứ ba tôi say quá, lúc đi ăn trộm tôi quên không mang bao tay, nên để lại dấu tay tại hiện trường và như vậy, tôi có thể bị cảnh sát truy ra tôi là thủ phạm ăn trộm. Túng quá không biết làm sao, nên tôi châm xăng xung quanh nhà người ta và đốt luôn nhà để thủ tiêu vật chứng. Căn nhà cháy rụi. Thành ra mấy người ở trong nhà đó bị tôi lấy đi nhà cửa và làm hại cuộc sống của họ, cũng vì sự bất lực của tôi trước cơn nghiện ngập, cũng vì sự chọn lựa ngu muội của tôi. Những người này không đáng để bị đau khổ và mất mát như vậy. Tôi đã bị bắt và bị tuyên án 37 năm tù. Cuối cùng vào năm 1995 vào tuổi 30, tôi không muốn tiếp tục hủy hoại cuộc đời mình cho sự nghiện ngập và tôi đã van xin những người trong trại tù giúp tôi tìm lại đời mình. Tôi phải tự khép mình để đi vào một hành trình thử thách. Tôi đã bắt đầu lĩnh hội Phật pháp và sự tìm tòi này đã dẫn tôi đến với cửa Phật. Tôi thật hạnh phúc để tiếp tục đi lối này cho tới bây giờ.
Như lúc tôi đang viết thư cho Sư cô đây, mà lòng tôi quặn thắt từng cơn khi nghĩ tới những nỗi đau mà tôi đã đem lại cho người khác, cho chính gia đình của tôi. Chính vì nỗi đau này đã thôi thúc tôi trở thành người hiền lương có thể giúp đỡ những người xung quanh.
Sư cô kính mến, bây giờ thì Sư cô biết tôi là người như thế nào và đã từng nổi loạn một thời. Tôi đã thay đổi rất nhiều trong 12 năm qua, thế nhưng quá khứ vẫn là quá khứ. Tôi mong rằng Sư cô tha thứ và chấp nhận tôi. Tôi xin cúi đầu kính lễ Sư cô đã kiên nhẫn lắng nghe quá khứ tội lỗi đời tôi. Tôi xin cám ơn lòng độ lượng và tình thương của Sư cô dành cho tôi. Cám ơn Sư cô đã mang lại cho tôi niềm vui trong lúc mất mát và đầy đau khổ này.
Trại Giáo Huấn Racine, WI-53177
Tochiku
*
Ngày 22, tháng 10, năm 2007
Tochiku mến,
Tháng 10 này, Sư cô cùng Sư cô Tonen đã đi hoằng pháp tại các trại tù như Waupun, Oshkosh, Dodge, Taycheedah và Greenbay. Ngày mà Sư cô Tonen đi nhà tù Racine, thì Sư cô phải đi tiểu bang Minnesota để hướng dẫn khóa tu tại chùa Thiên Ân, nên không gặp Tochiku được. Trong chương trình năm tới, Sư Tonen sẽ lên thời khóa biểu để luân phiên đi hoằng pháp. Thí dụ: Sư cô Tonen đi viếng thứ Hai thì Sư cô đi viếng thứ Ba…luân phiên nhau đi, vì bây giờ Sư cô quen cách thức rồi. Tự lực đi một mình được. Vì vậy Sư cô hy vọng sẽ gặp Tochiku nhiều hơn. Thời khóa là buổi sáng hướng dẫn tập thể (pháp thoại) và buổi chiều là cá nhân tham vấn (pháp đàm cá nhân).
Tochiku, sáng hôm qua quý Sư đi viếng Trại Giáo Huấn Greenbay. Đây là nhà tù cực trọng nên mức canh phòng an ninh tối đa. Sư cô có gặp 16 người tù. Buổi chiều trở lại để tiếp xúc cá nhân tham vấn.
Tochiku biết không, hôm qua khi ra khỏi trại Greenbay về, trên đường về Sư cô buồn hết sức tại vì ở trại Greenbay có một Phật tử pháp danh Tojin bị án chung thân. Chỉ vì một phút vô minh, bây giờ Tojin phải hối hận nhốt mình cả đời sau song sắt lạnh. Sư cô nhớ lại năm giới căn bản rất quan trọng của Đức Phật dạy và giới đầu tiên là không được sát sanh, giới thứ hai là không được trộm cắp, giới thứ ba là không được nói dối, giới thứ tư không được uống rượu và giới thứ năm là không được tà dâm. Nếu mọi người biết giữ năm giới căn bản này thì nhà tù phải dẹp thôi. Nếu Tojin biết giữ giới không được giết người thì Tojin không lãnh án này.
Tochiku, trời đã vào thu, lá chuyển sang màu sậm. Bên ngoài các trại tù lá vàng đã phủ đầy sân. Những tiểu bang phía Bắc và Đông của Hoa Kỳ đặc biệt là mùa thu thì mang áo màu lá nâu đỏ và mùa đông thì mặc áo bông tuyết trắng. Vào mùa thu này, nhìn lên bầu trời thường có rất nhiều ngỗng trời đang bay về vùng ấm phía nam tới tiểu bang Florida hay nước Mễ Tây Cơ gì đó. Chúng thường đáp xuống các công viên của Wisconsin để nghỉ chân và tìm thực phẩm, sau đó lại bay tiếp. Sư Tonen nói vì giờ này phía bắc như Canada đóng băng nên chúng phải bay đi. Khi nào gió mùa xuân bắt đầu thổi về Bắc thì chúng mới bắt đầu bay ngược trở về Canada. Với bản năng tánh Phật bên trong, nên các con chim trời này cũng biết tạo dáng bay đẹp với nhiều hình thù ngộ nghĩnh trên trời, ví dụ bay thẳng một hàng, ba hàng, hình chữ V hay bay từng cặp…
Chim trời thường bay theo bầy đàn hơn là bay đơn lẻ. Bất cứ khi nào có một con chim bay lạc ra khỏi đàn thì nó nhanh chóng tìm cách bay quay trở lại bầy của nó. Bay với đàn sẽ giúp nó mau tiếp cận điểm đến. Khi con chim bay tiên phong bị mệt, nó sẽ bay xoay tròn quanh đàn rồi giữ vị trí phía sau. Con chim khác tự hiểu sẽ bay thế chỗ đầu đàn đó. Tiếng kêu của những con chim đằng sau bầy, khuyến khích cho những con trước hăng hái bay tốc độ nhanh. Tiếng kêu lanh lảnh của đà chim phía sau là sự khuyến khích quan trọng hối thúc cho sự tiến bước.
Nếu khi có một con chim bị thương thì có hai, ba con chim khác tự bay ra khỏi đàn và giữ vị trí phía sau chim bị thương để giúp đỡ cũng như bảo vệ.
Chúng thường sẽ đáp xuống bờ sông hay khu rừng vắng cạnh con chim bị thương và chờ cho con chim đó hồi phục hay chết rồi thì chúng lại bay lên nhập vào đàn khác đang bay và bay mãi cho đến khi bắt kịp với đàn của nó.
Con người cũng ví như con chim trời. Nếu chúng ta biết chia sẻ cảm xúc của mình với cộng đồng, với người khác thì sẽ đi đến mục đích nhanh hơn bởi lẽ như được bảo vệ và mạnh mẽ hơn trong nhiều phương diện nào đó như Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Thật là đẹp mắt. Khi thấy mấy con chim trời bay lượn tự do trên trời với nhiều hình dáng làm Sư cô nhớ tới Tochiku, Tojin và những người tù khác bị giam đôi chân của mình trong trại tù nhỏ hẹp. Trở về chùa Phước Hậu rồi mà nỗi buồn man mác cứ đeo nặng mãi trong lòng. Có lẽ đây là lý do khiến cho Sư cô phát nguyện tham gia với Sư cô Tonen trong việc hoằng pháp tại các nhà tù này.
Sư cô Giới Hương
*
JAMES LALA
Chào Sư cô Giới Hương,
Xin lỗi vì không viết thư cho Sư cô liên tục được. Bức thư vừa rồi Sư cô có nói Sư cô đang viết cuốn sách về “Nữ tu và Tù nhân Hoa kỳ” và hỏi vì sao tôi biết đạo Phật ở trong trại giam và nguyên nhân gì dẫn tôi đến trại giam?
Thật ra, tôi có nhiều vấn đề khó có thể vượt qua. Đó là lý do tại sao tôi viết thư cho Sư cô. Để tôi nói về quá khứ của tôi, rồi Sư cô sẽ hiểu ý của tôi, Sư cô sẽ đoán được cái gì tôi đã làm trước đó.
Tôi gặp vấn đề vào năm 1977. Tôi có quan hệ tình dục với cô em họ 15 tuổi và tôi lúc đó 21 tuổi. Sau tám tháng tôi bị bắt và bị kết án là bảy năm tù giam. Năm 2003, tôi được tự do và thời gian còn lại là tù treo. Án treo của tôi là không được lên mạng internet xem hoặc có bất cứ hành động liên quan tới sự khiêu dâm nào. Tháng 1 năm 2005 tôi lên mạng và lấy xuống những hình cô gái trẻ không phải khỏa thân nhưng có kiểu cách khiêu gợi. Thế là tôi bị giam chín tháng và 22 ngày nữa. Vì tôi đã tồn trữ những bức ảnh khiêu dâm của trẻ em dưới tuổi vị thành niên trong khi tôi đang bị án treo đợi tòa xử. Tôi tranh đấu khiếu nại cho việc này.
Tôi nhận thư của Sư cô về cuốn sách của Sư cô thì lúc đó là lúc tôi vừa được thả tự do. Tôi được tự do một tuần, nhưng rồi tôi lại lên mạng truy cập ảnh khiêu gợi nữa. Bây giờ tôi lại có thể bị giam thêm một hay hai năm hay hơn nữa. Vấn đề của tôi là không thể làm chủ ý muốn của mình để chấm dứt việc lên mạng và khát khao nhìn hình ảnh của các cô gái. Tôi biết đó là sai lầm và tôi biết là một Phật tử, tôi ngay cả không nên nghĩ đến nữ nhân, nhưng tôi đã nhiễm quá rồi.
Cái gì có thể ngăn tôi bớt lòng dục nhiễm với nữ giới? Làm thế nào để dẹp những tánh dục này? Khi tôi thấy một cô gái đẹp trong sắc phục hở hang xinh xắn, tôi bị thu hút liền. Cách quán tưởng nào có thể giúp tôi vượt qua những dục nhiễm này? Tôi không muốn tái phạm, cứ ra và vào nhà tù nhiều lần mãi. Tôi hy vọng Sư cô có thể có vài đề nghị có thể giúp tôi. Cám ơn sự quan tâm của Sư cô.
Portwashington, WI 53074
James Lala
*
James mến,
Đọc thư của James, tôi cảm thấy xót xa cho những vấn đề mà James đang gặp phải. Thật ra, bị bắt giam chỉ vì xem một số tranh khiêu gợi là có vẻ hơi gắt gao quá. Tuy nhiên, vì James đang bị án treo nên James phải theo luật định. Vấn đề mà James cứ tái phạm hoài đó trong nhà Phật gọi là ‘thói quen quá khứ’.
Như James nói James đã là một Phật tử và biết ít nhiều về Phật giáo, nên kèm theo thư, Sư cô xin gởi tặng hai cuốn sách “Tứ Niệm Xứ” do Nyanasatta Thera dịch và “Phật giáo dưới ánh mắt người trí thức” của K. Sri Dhammananda. Hy vọng hai cuốn này sẽ đáp ứng điều mà James đang mong đợi.
Tạm thời phải kiên nhẫn và bền lòng tập theo phương pháp “Tứ Niệm Xứ” thì con đường sẽ mở ra. Có gì thắc mắc trong cách thực tập, xin cứ cho Sư cô hay nha.
Sau này được tự do, James nên tìm tham gia các khóa tu. Tìm một số đạo sư hiểu vấn đề của James và sẵn sàng hỗ trợ để James thay đổi thói quen ô nhiễm hoặc những nhà tâm lý học cũng có thể giúp việc này. Sẽ không có ‘phép mầu’ hay ‘kết quả nhanh chóng’ đến liền. Chúc mọi tốt lành đến với James.
Sư cô Giới Hương
*
DAVID RUSTAD
Ngày 20, tháng 12, năm 2007
Sư cô Giới Hương kính,
Tôi vui vẻ giúp Sư cô bất cứ lúc nào Sư cô cần. Cám ơn Sư cô gửi tặng vài cuốn sách Phật giáo. Sách rất hữu ích và giá trị. Trại tôi ở thì rất đông tù nhân, nhưng trại đã cũ kỹ lâu năm. Vì quá đông, nên muốn có được một giây phút yên lặng để ngồi thiền cũng không dễ chút nào. Tuy vậy, tôi cũng sắp xếp những giờ sáng sớm để thiền. Bây giờ tôi tu tập nghiêm chỉnh có sự hướng dẫn hẳn hoi. Nghĩ lại lúc đầu tôi tham dự khóa thiền là tò mò về tôn giáo khác (tôi thuộc đạo Thiên Chúa) và tôi trở nên thích thú hơn trong lời giảng hợp lý của Phật, nụ cười từ bi của đức Phật, nụ cười độ lượng của đức Đạt Lai Lạc Ma.
Khi đọc nhiều hơn tôi bắt đầu hiểu biết được nền tảng của bốn chân lý thật cao thượng (Tứ diệu đế) của cuộc đời trong đó có một chân lý mà tôi không thể phủ nhận được, đó là sự khổ ải. Chân lý cuộc đời được rút gọn trong bốn đế này.
Tôi sinh ra, lớn lên ở Wisconsin và tự lớn lên trong Thiên chúa, nhưng có một điều tôi thấy ở đạo Thiên chúa chỉ là những câu chuyện thần tiên hơn là dạy cho biết về những chân lý hiện hữu ở đời.
Rồi rượu chè đã đưa tôi tới đây và tôi bị bắt vì lái xe khi say rượu. Trại giam này có chương trình giáo huấn kĩ lắm, nhằm giúp chúng tôi không tái phạm lần nữa. Tôi hy vọng được tự do vào cuối tháng Tư năm nay và tôi muốn tới chùa viếng Sư cô khi có dịp.
Trở lại việc viết sách của Sư cô, Sư cô cứ việc nói cho tôi biết điều gì tôi có thể làm, tôi sẽ sẵn sàng giúp Sư cô hoàn thành cuốn sách.
David Rustard
*
Ngày 01, tháng 01, năm 2008
Sư cô kính mến,
Tôi cám ơn bài thơ rất hay của Sư cô. Tôi đã bị giam chín tháng và sẽ được tự do vào khoảng tháng tư tức tôi được giảm vài tháng tù trong án một năm rưỡi. Nhờ tôi tham gia học lớp giáo huấn về ngừa rượu chè và ma túy mà được giảm án. Tôi thấy phần lớn những khái niệm của lớp giáo huấn này rất giống trong kinh Phật dạy. Điều này đã làm tôi rất thích thú.
Lần cuối cùng tôi bị bắt vào đêm trước Giáng Sinh năm 2006, tôi uống rượu quá chén, tôi cũng không nhớ chuyện gì xảy ra vào lúc đó và được kể lại sau này. Mấy người trong xe tải bị tôi đụng đều bị thương hết, nhưng không nặng lắm. Tôi bị bắt bốn lần vì tội lái xe khi say rượu thành ra tôi bị sáu năm tù giam. Đùng một cái, vợ tôi bỏ tôi ra đi khoảng tháng hai năm 2006. Đúng là “họa vô đơn chí” (tai họa không đến một lần). Tôi cũng sống lây lất được một thời gian và rồi tôi quay lại thói rượu chè tiếp tục. Không lâu tôi trở thành hủ hèm hồi nào tôi cũng không hay.
Một thời gian sau, tôi bị tai nạn, tôi phải bán nhà để chi trả. Khi nào ra tù chắc tôi phải ở đậu, ở nhờ tạm nhà ông anh. Có vài tù nhân ở đây cũng bị kêu án gần hai năm như tôi, còn nhiều tù khác thì mức án lâu hơn (tám năm chẳng hạn), tùy nồng độ rượu của tài xế và mức tổn hại. Nhưng dù sao cũng đáng đời chúng tôi. Có một số tù nhân ở đây bị bắt bảy, chín, mười lần hoặc là hơn mà cũng chưa tởn về việc lái xe khi say xỉn. Điều này cho thấy thế nào là sức mạnh của rượu. Bây giờ tôi đã quyết định trở thành một Phật tử đàng hoàng như bản chất tốt của tánh Phật.
David Rustard
*
Ngày 16, tháng 1, năm 2008
Chào David Rustard,
Sư cô mừng cho David được tự do vào tháng tư chỉ sau hơn một năm của án tù 18 tháng. Ở Milwaukee, Sư cô có một Sư cô bạn người Mỹ 75 tuổi gọi là Sư cô Tonen. Sư cô Tonen thường tới viếng nhà tù ở Wisconsin để hướng dẫn thiền và pháp thoại. Sư cô đã thực hiện hạnh nguyện này được mười năm rồi. Sư Tonen tuy lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh lắm. Thỉnh thoảng Sư cô cùng Sư cô Tonen đi thăm các trại cải huấn ở Waupun, Oshkosh, Dodge, Taycheedah, Greenbay, Racine…Trong các trại tù này có nhiều tù nhân quy y Tam Bảo và tập thiền. Đây là phương pháp định tâm và rèn luyện thân tâm khá phổ biến ở châu Á và châu Mỹ.
Nếu phạm nhân có nhu cầu hướng dẫn tâm linh theo tinh thần đạo Phật thì trình bày với tuyên úy trong trại biết rồi tuyên úy mời quý Sư cô đến. Nếu David thích thì cứ việc mời thêm vài anh em trong trại có cùng ý nguyện và xin phép tuyên úy, rồi quý sư sẽ đến hướng dẫn. Hy vọng lần thư tới David tả cho Sư cô biết cảnh tù trong đó như thế nào? Có bao nhiêu tù nhân trong đó? Và được mấy người đã chuyển hóa tốt?
Chúc David năm mới vui vẻ. Năm mới của người Á châu vào khoảng tháng hai âm lịch. Tất cả người Việt tụ hội ăn mừng không phân biệt tôn giáo gì cả tại vì năm mới (còn gọi là Tết Nguyên Đán hay là Tết), Tết là tết chung của mọi người. Chúc David luôn an lạc trong chánh pháp và sư cũng gởi tặng David một card tết của Việt Nam. Cùng hưởng niềm vui chung nha.
Sư cô Giới Hương
*
Ngày 10, tháng 2, năm 2008
Sư cô Giới Hương kính mến,
Sư cô nghĩ có cách nào tổ chức được lễ Quy y trong trại giam này không? Tôi muốn biết nếu như Sư cô có thể làm được việc này ở đây hay là tôi chờ có dịp tôi đến chùa Sư cô quy y? Chỗ tôi ở là một trại giam cũ của tiểu bang Wisconsin và có khoảng 300 tù nhân ở đây. Theo như tôi biết cho tới hiện giờ có J. H. và tôi là theo đạo Phật, dù sao thì tôi chưa chắc chắn chuyện này vì J.H. ở khác tầng với tôi, nhưng có dịp tôi sẽ hỏi J. H. xem sao.
Mọi tù nhân ở đây đều phải tập trung học lớp ứng xử bản thân trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống để nhằm giúp chúng tôi nhìn ra được chuyện đúng sai của việc mình làm (uống rượu, xì ke ma túy, vv…). Tôi thường thấy nhiều điểm trùng hợp trong triết lý Phật giáo. Phải chi tôi được biết chuyện này từ sớm thì tôi đâu có bị ở tù như hiện giờ.
Đằng nào thì tôi cũng đã có cơ hội trở thành người tốt và đền bù lại những lỗi lầm đã qua. Tôi sẽ cố gắng học hỏi Phật giáo. Tôi thấy mình có duyên với đạo Phật và Sư cô Giới Hương – một nữ tu Việt Nam nhỏ bé xinh xắn và cao thượng. Có nhiều bạn tù ở đây cũng ủng hộ việc tôi theo đạo Phật lắm, nhưng cũng có tù nhân nghĩ tôi là thằng khùng. Dù sau, tôi cũng đã trưởng thành và tự mình quyết định tôn giáo mà mình thấy thích hợp. Tôi mới vừa đọc xong cuốn sách tựa “Đạo Phật” xuất bản năm 1969. Sách hay lắm vì giải thích cho tôi biết ý niệm như thế nào về đạo Phật, tuy nhiên khi tôi đọc tới phần thiền tông thì nhức cái đầu (có chỗ tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần!). Tôi không biết Sư cô có kinh Pháp Cú hay không, nếu có, xin vui lòng gửi cho tôi mượn. Theo tôi biết thì cuốn này được rất nhiều học giả Phật giáo trích dẫn trong các bài viết của họ.
Trung Tâm Phục Hồi Cai Nghiện,
Winnebabo, WI 54985, ngày 20/01/2008
David Rustar
*
Ngày 28/01/2008
David Rustard mến,
Tôi rất vui khi nghe David đã tự quyết định con đường của mình đi sau khi trải qua một thời gian chính mình tìm hiểu nhiều tôn giáo. Câu chuyện “trạch pháp” của David khiến tôi liên tưởng đến bài pháp thoại nổi tiếng của Đức Phật mà ngài đã dạy cho bộ tộc Kamala như sau:
“Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó thường nghe nhắc nhở đến luôn. Đừng tin tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua cả ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì, dù cho điều đó là bút tích của thánh nhân xưa để lại bảo ta phải tin. Đừng tin một điều gì dù điều đó ở dưới mãnh lực của vị thầy hay nhà truyền giáo. Tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của mình và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho mình và hạnh phúc cho tất cả mọi người thì chính đó là sự thật và ta cố gắng sống theo sự thật ấy”.
(Kinh Kamala-Tăng Chi I)
Người xưa cũng thường dạy: “Thà ngàn năm không ngộ, còn hơn một phút sai lầm”. Tổ Lâm Tế nói: “Nhất niệm hào ly, thiên địa huyền cách” (Một niệm lìa xa, đất trời xa cách). Nếu chúng ta chọn sai con đường đi không đúng chánh pháp thì muôn kiếp khó tìm lại được. Đức Phật khuyến khích chính chúng ta là người phải chánh kiến và chánh tư duy trên thực nghiệm để tìm ra lối đi cho mình và ngài đã xác quyết một lần nữa rằng “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.
Những gì Đức Phật đi qua, ngài đã từ bi để lại: “Ta là người hướng dẫn chỉ đường từ chính sự chứng nghiệm của mình”. Chúc David tự tại thênh thang trên đường giải thoát.
Sư cô
*
PETE MCREADIE
Ngày 20, tháng 1, năm 2008
Sư cô kính, cám ơn Sư cô đã gửi thư và kinh sách Phật cho tôi. Cám ơn Sư cô đã cho chúng tôi địa chỉ ở Đài Loan để hỏi xin kinh sách. Vâng, họ đã gửi sách cho tôi hồi đầu năm 2007. Tôi rất cảm tạ. Kiến thức Phật giáo hạn hẹp của tôi là học được từ anh rể. Anh rể của tôi là người chú trọng thực tập tâm linh hơn là “khía cạnh tranh luận”. Tôi rất may mắn biết về đạo Phật từ thời thơ ấu nhưng vẫn còn chưa thông suốt lắm. Năm nay tôi 45 tuổi, đã học dược ở trường đại học Wisconsin Madison và đại học y khoa Colorado. Tôi đã làm việc cho viện bào chế thuốc.
Tôi bị giam vào ngày 23 tháng 6 năm 2006 và sẽ được thả ra vào tháng năm, năm này. Tôi bị tù vì tội chứa bạch phiến và bị bắt lại trong thời gian xin phạt thế chân. Đây là một tội ác khá nặng ở xứ này. Đó là lý do tại sao tôi vẫn còn ở tù. Bây giờ, án tù của tôi sắp mãn và tôi sắp được tự do.
Trước kia tôi ở trại cải huấn Redgranite thuộc về hướng tây của Oshkosh, khoảng 50-30 dặm, nơi có khoảng 1000 người tù. Ở đó không có nhiều người thực tập về đạo Phật nhưng ở nhà tù Greenbay này hàng tháng có lớp học Phật pháp do sư Tonen O’ Conoor tổ chức.
Ở đây rất ồn nhưng tôi cố gắng tập “buông xả” đầu óc vào mỗi sáng sớm khi bắt đầu một ngày mới. Có nhiều cuộc tranh cãi giữa những phạm nhân (vì khác phong tục, chủng tộc, băng đảng, văn hóa, tôn giáo, định kiến v.v…) nhưng tôi tránh liên lụy vào. Tôi giữ dáng tươi vui, hòa nhã giữa nơi sầu khổ tối tăm này. Nếu có thắc mắc gì để đáp ứng cuốn sách của Sư cô, xin Sư cô cứ hỏi và tôi sẽ cố gắng trả lời tất cả. Tôi mong sớm ra tù, nếu được vậy tôi sẽ đến gặp và thăm chùa của Sư cô nha.
Xin Bảo trọng!
Pete Mcreadie
Kính gửi Hội Tịnh Độ Tông Phật giáo Đài Loan,
Chúng tôi viết thư này do sự đề nghị của Sư cô Tiến sĩ Thích nữ Giới Hương ở chùa Phước Hậu, thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin gần nơi tôi sinh sống (trước khi bị tù). Tôi rất thích tìm hiểu về đời sống Phật giáo. Tôi chỉ biết chút đỉnh và thực tập. Những phạm nhân thường hỏi làm sao tôi có thể giữ được trầm tĩnh nhẹ nhàng giữa môi trường tù đầy với nhiều đàn áp, thù hận, đè nén và thất vọng. Tôi rất vui lòng chia sẻ kiến thức hạn hẹp về đạo Phật của mình cho họ.
Tôi hy vọng Hội có thể tặng cho chúng tôi một số sách Phật giáo bằng tiếng Anh. Chúng tôi có thể tham khảo, thực hành những phương pháp và giáo lý Phật học như là một mẫu đời sống lý tưởng cho sự tồn tại của cuộc sống không bạo lực (mặc dù tôi vẫn còn quá kém cỏi để thực hiện khả năng này). Tôi đã đọc nhiều sách giúp tôi nhận thức ra sự đơn giản chân thật của Phật giáo, tóm gọn như “tình thương đến từ sự hiểu biết”.
Nếu Hội có thể giúp tôi, tôi mang ơn rất nhiều. Xin vui lòng gửi cho chúng tôi những phương pháp tu tập bằng tiếng Anh. Xin Hội có thể gửi sách bằng cách nào mà giới hạn sự tốn kém cho chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm kích. Cám ơn Hội đã chiếu cố.
Pete Mcreadie
*
Kính gửi Sư cô Tiến sĩ Giới Hương:
Chúng tôi nhận được thư này từ một phạm nhân mà Sư cô đã giới thiệu đến. Chúng tôi cũng đã gửi cho trại cải huấn của ông ta một bưu kiện với những sách tiếng Anh bao gồm EN025, EN049, EN158 (3pic.). Nếu Sư cô muốn gửi thêm cho họ, Sư cô có thể chờ sau khi bưu kiện này tới nơi. Cám ơn Sư cô.
Trưởng ban, Hội Tịnh Độ Tông Phật giáo Đài Loan
Ngày 3, tháng 2, năm 2008
Ju Yih Tsuen,
*
TOSETSU (DANIEL KEVIN DANNELLS)
Ngày 10 tháng 12 năm 2007
Sư cô kính, Sư cô hỏi tôi là ai trong nhóm tù nhân Sư cô hướng dẫn tuần vừa rồi? Tôi là một tù nhân lùn mập, ngồi phía bên trái của bàn thờ Phật và cũng là phía bên trái của Sư cô. Tôi là vị duy na giữ chuông (một cách vụng về) khi chúng ta ngồi thiền hay tụng kinh. Trong buổi pháp đàm tôi cũng hay đưa câu hỏi để Sư cô giải đáp. Hy vọng Sư cô nhớ tôi. Cám ơn cô đã từ bi tụng kinh cầu siêu cho mẹ và chị dâu của tôi vừa qua đời. Hy vọng thời gian sẽ qua đi, như vòng bánh xe luân chuyển khiến sự đau buồn sẽ giảm dần và tan biến.
Đúng vậy, tôi đã quy y ở nhà tù Dodge cách đây vài năm do Sư cô Tonen làm lễ và pháp danh của tôi là Tosetsu.
Về cá nhân, tôi từng sống ở nhà tù Dodge và nhà tù Wisconsin từ năm 2001 và tới tháng 10 này là được sáu năm. Tôi mong rằng sẽ ở đây ít nhất hai năm và hy vọng cho tới khi được giảm tù sẽ được dời về nhà tù Trung bình (Medium Security). Tôi vẫn còn phải ở tù cho tới năm 2034 trước khi được thả ra, dĩ nhiên lúc đó hy vọng tôi đã học được nhiều điều trong các trại giam.
Cám ơn cô đã cho phép tôi gọi cô là Sư cô Giới Hương (bằng tiếng Việt). Tôi rất vui mừng khi nghe Sư cô Tonen chia sớt công việc với Sư cô Giới Hương và Sư cô Giới Hương sẽ đến thăm chúng tôi thường xuyên hơn. Tôi mạnh dạn khuyên Sư cô nên tự đến thăm nhà tù Dodge vì ở đó có rất nhiều tù nhân Á Đông. Tôi nghĩ sự hiện diện của Sư cô sẽ tăng thêm lợi ích và lòng tin cho họ. Tôi rất muốn Sư cô đến thăm tôi cho dù đó là hướng dẫn tập thể hay là tham vấn cá nhân. Tôi đều mong ước cả. Tôi gửi kèm cho Sư cô hai bài viết, tựa đề là “Tại sao tôi vào đạo Phật”. Tôi hy vọng cả hai bài đều trả lời hết những thắc mắc của Sư cô cho cuốn sách Sư cô đang viết. Nếu có thắc mắc gì xin Sư cô tự nhiên hỏi, tôi sẽ cố gắng trả lời.
Nhà tù Waupun, WI 53963-0700
Tosetsu
P.S.: Tôi quên nói: Cám ơn cô đã gửi cho tôi tấm thiệp Tết Nguyên Đán tuyệt đẹp.
*
JOHN HALKA
Ngày 24, tháng 12, năm 2007
Sư cô kính, đầu tiên tôi xin cảm ơn về những cuốn sách Sư cô đã gởi cho tôi. Thiện ý của Sư cô đã giúp tôi gom góp được nhiều kiến thức và ý tưởng Phật giáo. Tôi có rất nhiều vấn đề muốn hỏi Sư cô. Tôi mới bắt đầu học giáo lý nhà Phật. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tin tưởng vào tôn giáo. Khi tôi vào tù, Phật giáo đã làm tôi thích thú và tôi đã tìm ra lẽ sống nơi đạo Phật.
Tôi bị bắt về tội ăn cướp. Trước đây tôi là một nhà doanh nghiệp rất thành công cho đến khi tôi bắt đầu sử dụng thuốc phiện, trở nên nghiện ngập đến nỗi mất hết tất cả sự nghiệp cùng người thân. Tôi trở thành một kẻ vô gia cư. Một hôm nọ, tôi đột nhập vào một căn nhà gỗ của thợ săn để ngủ qua đêm và kiếm được một cây súng. Tôi đánh cắp cây súng đó để có thể tự kết liễu đời mình. Nhưng tôi bị phát hiện và bị bắt với tội ăn cướp có súng và bị kết án năm năm tù giam. Đó là lý do Sư cô Giới Hương gặp tôi ở đây.
Sư cô kính, tôi rất vui khi biết Sư cô thích đọc và viết sách. Tôi cũng vậy. Thật ra, tôi đang viết một cuốn sách về cuộc đời quá khứ của tôi khi còn là một nhà thương nghiệp thành công với gia đình hạnh phúc. Tôi rất hài lòng về những gì mình đang viết. Cũng giống Sư cô, viết sách là niềm vui của tôi.
Hiện nay, tôi đã trải qua hai năm rưỡi án tù giam. Chỉ còn hơn ba tháng nữa là tôi được 60 tuổi. Ở Wisconsin, các trại cải huấn có chương trình cai nghiện. Nếu người nghiện ngập hoàn thành xong khóa học sẽ được giảm án và được thả ra sớm. Chương trình này rất căng thẳng và khi nhập học, tôi sẽ rất bận.
Tôi muốn hiểu “Quy Y Tam Bảo” có nghĩa gì? Sau khi tôi được tự do, tôi muốn đến thăm chùa của Sư cô và học hỏi về đạo lý nhà Phật mỗi tuần nha.
Drug Abuse Correction Center, Winnebabo, WI 54985
John Halka
*
Ngày 16 tháng 01, năm 2008
Chào John Halka, cuộc sống nhà chùa rất có ý nghĩa và yên tịnh. Quý sư hướng dẫn và phục vụ cho mọi người theo đường hướng giải thoát của Đức Phật. Ngài cũng là một con người như chúng ta và để lại những gì từ trải nghiệm tâm linh của ngài. Nếu chúng ta muốn thoát khổ thì thực hành con đường đó. Tình thương của quý sư – những vị xuất gia là dành cho tất cả mọi người trải rộng không chỉ trong một gia đình ruột thịt nhỏ bé mà cho tất cả mọi người cũng như mọi loài.
Mười năm ở Ấn độ là thời gian quý giá của Sư cô. Sư cô được học hỏi nhiều về văn hóa, giáo dục, đất nước, tôn giáo của người Ấn, nhất là về lịch sử Phật giáo. Sư cô trân quý thời gian đó vô cùng.
Lễ Quy Y có nghĩa là lễ chúng ta phát nguyện trở thành đệ tử Phật, hứa giữ năm giới căn bản của người Phật tử tại gia để trở thành một người tốt và hữu ích. Sư cô có kèm theo đây bài giảng về lễ quy y để John tham khảo. Sư cô hy vọng có thể biết thêm về trại giam nơi John đang ở. Nơi đó có bao nhiêu tù nhân? Họ biết đạo Phật không? Nếu John và các phạm nhân muốn, Sư cô sẽ vào hướng dẫn thường xuyên. John nên xin phép với vị tuyên úy của John nha. Sau khi mãn tù, John có thể đến thăm chùa Sư cô. Rất hoan nghênh tinh thần đó.
Sư cô
*
TOJIN (DOUGLAS STREAM)
Ngày 24/10/07,
Sư cô kính, hôm nay tôi đã nhận được thư của Sư cô và nó đã mang đến cho tôi niềm vui mừng khôn xiết. Tôi thật vinh dự và biết ơn Sư cô đã bỏ ra thời gian quý báu và sự kiên nhẫn trong suốt một ngày để viếng thăm trại tù Greenbay của chúng tôi. Xin cứ tự nhiên sử dụng hình ảnh mà tôi đã chụp với Sư cô và Sư cô Tonen để minh họa cho vào cuốn sách của Sư cô. Tôi sẽ cho Sư cô Tonen biết Sư cô muốn ghi tên vào danh sách nhận bản tin Sosaku hàng tháng của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những lời phê bình và khuyên bảo của Sư cô để Sosaku được tốt và phong phú thêm.
Tôi vui mừng để trả lời bất cứ câu hỏi gì liên quan đến những phạm nhân đang thực tập Phật pháp và sẽ chia sẻ với Sư cô về kinh nghiệm cá nhân của tôi với đạo Phật và pháp môn nào đã giúp tôi thay đổi cuộc sống của mình.
Tôi xin giới thiệu sơ qua về bản thân mình. Tôi 32 tuổi và ở tù đã được 12 năm. Tôi bị kết án về tội nặng nhất là cố ý giết người (first degree of murder). Cách đây sáu năm, tôi chợt biết đến đạo Phật và học đạo với Sư cô Tonen từ năm 2003 đến giờ. Bây giờ tôi thật khó tưởng tượng nổi, tôi đã ngu dại như thế nào để gây ra một tội khủng khiếp ngược lại lòng nhân đạo của con người? Sau nhiều năm bị tội và trong lúc ở tù, tôi đã tiếp tục lãng phí thời gian vào sự dày vò với những cảm giác xấu hổ, tội lỗi, mặc cảm và hối hận về những gì mình đã làm. Tôi nói chữ ‘lãng phí’ bởi vì đáng ra thời gian đó tôi đã có thể làm việc khác tốt hơn như giúp đỡ phạm nhân, ngồi thiền, tụng kinh, xem sách để tạo cuộc sống mỗi ngày mỗi ý nghĩa hơn. Phát hiện ra “Đạo Phật” đã giúp cho tôi tiến về phía trước. Tôi vẫn còn xấu hổ về những gì mình đã làm và hối hận một cách sâu sắc, tuy nhiên tôi không còn bám chặt vào sự xấu hổ tội lỗi này nữa (một trong những mặt tiêu cực của sám hối bất định), thay váo đó, tôi cố làm những việc có ý nghĩa thiết thực hơn là ngồi ôm đầu bó gối.
Vào năm 2005, tôi bắt đầu tập thiền minh sát tuệ. Ngày mỗi ngày tôi cảm thấy thật an lạc. Thật là kỳ lạ vì lỗi lầm quá khứ mà dẫn tôi đến nơi mà tôi đã ở đây cho đến ngày hôm nay. Giáo pháp của Đức Phật đã giúp cá nhân tôi và đã giúp tôi hướng dẫn những tù nhân khác trong môi trường tù đày này. Mặc dù tôi cũng có những ngày tiêu cực và những giây phút vọng tưởng, nhưng hầu hết mỗi ngày của tôi đều tốt đẹp và tràn đầy tỉnh thức. Tôi đã hiểu ra “tự do” là trạng thái của tâm và “trói buộc đau khổ” cũng do tâm mình.
Tôi hy vọng vài điều mà tôi đã viết ở đây sẽ giúp ích cho Sư cô ở bất cứ câu hỏi nào trong tương lai mà Sư cô muốn hỏi tôi. Tôi trông đợi để giúp cho Sư cô bằng bất cứ cách nào mà tôi có thể giúp được.
Tôi xin chia sẻ ý kiến với Sư cô về mùa thu Wisconsin. Tôi rất cám ơn gió đã thổi đi rất nhiều lá vàng vượt qua bức tường của nhà tù. Từ bên trong tù, chúng tôi có thể nhìn thấy vài ngọn đồi và các chóp đỉnh cây bên ngoài. Vào mùa xuân và mùa hè chúng tôi trồng rất nhiều hoa (tử đinh hương, hồng, cúc) và nhiều rau cải trong khuôn viên sân tù. Trồng rau để phục vụ các bữa ăn của tù nhân và một số tặng cho địa phương xung quanh. Khi một phạm nhân nào được ra khỏi bức tường bê tông và hàng rào sắt (được tự do) thì thực là mang theo nhiều nét đẹp và kỷ niệm của cuộc đời ở chốn lao tù này theo.
Tôi tin rằng vào mùa đông những đàn chim trời bay về phương nam và trở lại phương bắc vào mùa xuân, nhưng tôi chắc chắn là phương bắc và phương nam thì không có gì khác nhau đối với tánh Phật.
Tôi đang cố gắng học thêm vài từ và tên bằng tiếng Việt. Tôi có vài quyển sách mà có những chữ như sau: A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Tôi sẽ ngưng ở đây bằng cách gởi tặng Sư cô một tấm thiệp và một bài thơ. Bài thơ tôi mượn từ “Tiếng chuông Thức Tỉnh” của Thượng Tọa Giác Thành. Tôi thấy bài này thật ý nghĩa để tặng Sư cô.
Xin bảo trọng.
PS: Tấm thiệp Tojin ghi:
“Mặt trời chiếu sáng trên tôi
Mưa nhỏ giọt trên tôi
Những giọt sương rơi nhẹ nhàng ướt trán tôi.”
(Maya Angelou)
Nhớ những điều tốt trong cuộc đời sẽ làm cho đời sống mỗi ngày mới hơn.
Sư cô kính,
Đây là những mẫu đẹp của đời sống trong tù.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tojin
*
Ngày 30/10/07
Tojin mến, Sư cô rất vui khi nhận được thư của Tojin, nhất là tấm thiệp với bài thơ của Thượng Tọa Giác Thanh.
Sư cô cảm kích tính tình mạnh mẽ và cách hành văn có sức thuyết phục của Tojin. Ví dụ như câu Sư cô hỏi chim trời từ Canada sẽ bay về phương Bắc hay Nam của Hoa Kỳ? Tojin trả lời: “Vốn Tánh Phật của chim trời không có bắc hay nam!” Wow! Đúng là khẩu khí của con cháu tổ sư Huệ Năng! Sư cô đã nở một nụ cười mãn nguyện khi đọc đến chỗ này. Từ đó, Sư cô hiểu rằng Tojin sẽ giúp cho cuốn sách của Sư cô đang viết rất nhiều. Vì cuốn sách cần những vị có khẩu khí như vậy. Vâng, thật sự là tâm hồn của thiền sư sống ở trần gian không bị ràng buộc bởi cảnh trí xung quanh mình. Nhà tù cũng là tịnh độ. Hy vọng Tojin lúc nào cũng thấy cõi lòng tịnh trong ấy.
Sư cô thật ngạc nhiên khi thấy rằng trại giam Greenbay nơi Tojin ở cho phép chụp hình. Thật là một ý kiến hay! Sư cô hiếu kỳ về cách Tojin miêu tả nhà tù “khá đẹp và sống động”. Nếu như có một bức ảnh minh họa cảnh nhà tù để Sư cô xem thì thật là hay biết mấy!
Tojin, vì Tojin muốn học một vài từ Việt thông dụng, Sư cô xin giải thích như sau “Sư cô” có nghĩa là nữ đệ tử xuất gia của Đức Phật. Từ nay, Tojin có thể gọi là Sư cô, hoặc là Sư cô Giới Hương. Cảm ơn Tojin đã thuật về cuộc đời mình và sẵn sàng trả lời về những đề tài mà Sư cô quan tâm cho cuốn sách. Tojin, có thể cho Sư cô biết những tội gì mà tù nhân thường phạm phải? Ngược lại, nếu Tojin có những câu hỏi gì về Sư cô, Sư cô cũng sẵn sàng trả lời.
Chúc những điều tốt lành.
Sư cô
*
Ngày 5, tháng 11, năm 2007
Sư cô kính, tôi chấp tay kính chào và cám ơn Sư cô đã gửi thư và tấm thiệp thật đẹp. Tôi treo nó trên tường phòng tôi cùng với những tấm hình mà chúng ta đã chụp ở phòng khách của trại cải huấn. Tôi rất vui để trả lời những câu hỏi mà Sư cô thắc mắc. Tôi biết chủ ý tốt viết sách của Sư cô sẽ giúp các độc giả hiểu hơn về đời sống hướng thiện của các tù nhân. Tôi chỉ viết được khoảng mười hai bài báo cho bản tin Sosaku và sau mỗi lần viết bài, tôi đều học được điều gì đó cho bản thân.
Bây giờ trả lời vài câu hỏi của Sư cô. Tôi được sinh ra ở miền Bắc Dakota trong căn cứ không quân lúc cha tôi đang phục vụ. Sinh nhật của tôi là ngày 05 tháng 10 năm 1975. Ngay sau khi sanh ra, gia đình chúng tôi dời về Milwaukee. Tôi có một người chị gái và một đứa em trai. Thời thơ ấu của tôi khá đáng ghi nhớ. Khi tôi lên năm tuổi, tôi đã chơi diêm quẹt và do bất cẩn đã làm cháy nhà. Thật may mắn là không có ai bị thương nhưng chúng tôi phải dọn đi. Điều đó đánh dấu suốt cuộc đời tôi. Tôi không thấy đó là bước ngoặc của cuộc đời cho tới khi tôi biết đạo Phật.
Cha mẹ tôi làm việc siêng năng để cung cấp cho chị tôi, em tôi và bản thân tôi những nhu cầu cần thiết như thức ăn, quần áo, thuốc men và chỗ ở. Cha tôi đã dạy cho tôi đạo đức làm người và điều này đã giúp tôi cho đến ngày hôm nay. Khi còn trẻ, tôi đã làm nhiều nghề như phát báo, cắt cỏ, xúc tuyết và cào lá. Tôi nghỉ hè ở vùng bắc Michigan với ông bà ngoại. Họ sống ở ngoại ô và tôi có đầy đủ tiện lợi để đi chơi rong trong rừng, ngoài đồng, đi câu và bơi lội. Mỗi lần nghỉ hè tôi đều đến ở với ông bà ngoại và cậu để đốn cây và làm vườn. Thỉnh thoảng tôi cùng với bà ngoại đi mua sắm và cùng đi hái trái mâm sôi và sơ ri xanh.
Tôi luôn luôn là học sinh học giỏi trong trường, nhất là từ lớp một cho tới lớp tám. Khi tôi vào trung học có nhiều việc thay đổi chút ít. Suốt năm học lớp 12, tôi gia nhập vào Vệ Binh Quốc Gia. Tôi trải qua hai năm giống như một cảnh sát phòng vệ. Tôi được huấn luyện ở Fort Sill, Oklahoma. Tôi cũng không nhận ra điều hữu ích đó, cho tới sau này tôi mới biết sự rèn luyện trong quân đội giúp cho tôi sống kỷ luật trong nhà tù. Nghề khác của tôi trong tù này là học nghề thợ mộc. Tôi học đóng tủ, bàn, ghế cũng giống như học môn toán và môn viết văn vậy. Môn viết văn giúp cho tôi rất nhiều. Tôi đã trải qua sáu năm trong xưởng mộc nhà tù và sau khi học xong, tôi đã dạy và truyền nghề lại cho những tù mới khác. Đa số các kiến thức khác là do tôi đọc sách và xem sách. Hiện tại tôi đang ghi danh học lớp hàm thụ Báo chí Phật giáo ở Los Angeles, California.
Sư cô kính, những tội mà người ta thường phạm tại nhà tù Greenbay (Maximum Security) là mưu sát, hãm hiếp, cưỡng bức, cướp bằng vũ trang và phần nhiều đều liên quan tới ma túy. Mức lãnh án ở đây rất nặng thường là vài chục năm đến chung thân suốt đời (như tôi). Hơn mười một năm rưỡi, tôi đã từng biết và giao tiếp với những phạm nhân như vậy. Tôi nghĩ tất cả điều này xảy ra đều gốc là do ba độc của tham, sân và si. Trại cải huấn Greenbay thì quá đông tù nhân và chưa thể đưa ra cách giúp giáo dục họ hữu hiệu, để ngăn cản phạm nhân việc tái phạm. Tôi cố gắng giúp các thanh niên này khi tôi có thể. Phần đông các tội lỗi xảy ra là vì sử dụng ma túy mà đây là nguyên nhân đưa đến các tội tiêu cực khác.
Để kết thúc, xin cho tôi bày tỏ sự ưng ý của tôi ở hàng chữ trong thư Sư cô: “Nhà tù cũng là cõi tịnh (tịnh độ).” Nó gợi tôi nhớ lại một trích đoạn trong sách Phật: “Với một tâm chánh trực, nhà tù có thể trở thành một tu viện nhưng với tâm tà kiến, tu viện có thể trở thành nhà tù.”
*
Ngày 21, tháng 11, năm 2007,
Sư cô kính, cám ơn Sư cô rất nhiều đã gửi thư và các tấm bưu thiếp phong cảnh chủa cổ Việt Nam tuyệt đẹp cho tôi. Tôi luôn luôn tìm những sự tượng trưng trong đó và tấm bưu thiếp với hình cây mang ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Gốc cây đã gợi tôi suy nghĩ đến các giáo pháp của Đức Phật. Các nhánh và lá cây khiến tôi liên tưởng đến 84 ngàn pháp môn chuyển tải giáo pháp giải thoát của Đức Phật.
Bây giờ để trả lời vài câu hỏi của Sư cô. Tôi có được một việc làm là thợ sơn. Tôi sơn tường. Trước tiên, tôi cạo lớp sơn cũ ra và đắp lại các lỗ hổng trên tường và tô lên lớp sơn mới. Tôi được trả 26 xu (26 cent) một giờ tức là 32 đô ($32) mỗi tháng. Số tiền này sẽ giúp tôi mua cho các thứ tôi cần dùng như xà bông, kem đánh răng, giấy, tem v.v… Trong tù có một tiệm bán các thứ cần dùng căn bản trong đời sống hàng ngày. Họ có bán các tấm thiệp. Ngoài ra, nhà thờ cũng tặng các tấm bưu thiếp cho chúng tôi gửi đến bạn bè và thân nhân. Chúng tôi không được phép sử dụng máy vi tính, điện tin gửi qua mạng hoặc vào các trang mạng. Chúng tôi được sử dụng máy đánh chữ bằng điện, ti-vi, quạt máy, sách và quần áo cá nhân. Hình mà Sư cô, Sư cô Tonen và tôi chụp hồi tháng trước tại phòng khách tốn 1.60 Mỹ kim cho một tấm.
Để trả lời câu hỏi vừa rồi của Sư cô, tôi sẽ bị giam cho đến năm 2051. Hiện tại thì mọi việc vẫn y nguyên như vậy. Có vài cách để được giảm án nhưng đòi hỏi phải có sự tranh luận hợp pháp mạnh mẽ mà không phải dựa vào một bằng chứng duy nhất: tôi là người Phật tử tốt hoặc tôi đã cải thiện tốt hơn rồi. Phải có chứng cớ hay khám phá mạnh mẽ mới của vụ án, mới được trở lại tòa án cho tòa xét sử liệu có thay đổi lời tuyên án không? Ngay thời điểm này, việc tôi có thể làm là duy trì hành động hướng thiện hiện tại của mình và hy vọng làm tốt hơn. Tôi có đăng ký tham gia vào chương trình khuyên các trẻ em phá phách thay đổi tư cách của chúng trước khi quá muộn. Tôi cũng đã làm vài công việc từ thiện khác trong khi tôi ở trại mộc của nhà tù. Tôi không làm các việc thiện để tính công trạng, nhưng làm là vì chính lợi ích cho chính nhiều người khác. Tôi cố gắng không chú ý vào thời hạn tù của tôi hoặc là sự kiện tôi không bao giờ được ra khỏi đây. Có những lúc tôi thất vọng và chán nản về hoàn cảnh của tôi nhưng từ khi tôi đến với đạo Phật thì cảm giác này giảm dần. Tôi thường để tâm làm thế nào để tôi giúp người khác và sự chú tâm này khiến tôi cảm nhận nhà tù mới chính là nơi tôi cần phải có mặt trong lúc này.
Xin có vài câu hỏi đến Sư cô. Có phải có nhiều người không phải là người Việt đến chùa không? Sư cô có buổi lễ nào nói tiếng Anh không? Chùa của Sư cô gần nơi tôi nuôi lớn lên. Tôi đã ở đường số 10 và đường Lincoln. Sư cô có làm lễ mỗi ngày không? Ngày mai là ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Có ngày lễ nào tương tự như vậy ở Việt Nam không? Chủ yếu ngày này người ta bày tỏ lòng biết ơn của mình đến mọi người và cùng nhau mở tiệc ăn mừng đặc biệt có món gà tây để đãi. Tôi cám ơn Sư cô và Sư cô Tonen đã đến đây ban bố pháp thoại cho chúng tôi. Giáo pháp của Đức Phật rất cần thiết, đặc biệt là ở những thành phố của chúng ta.
Tôi gửi kèm theo đây là tấm hình của tôi chụp cách đây vài năm khi tôi còn ở trong trại mộc của nhà tù. Đây là một lớp học dạy cho tù nhân có nghề nghiệp sinh sống khi họ được tự do. Tôi đã ở đó sáu năm giúp dạy cho nhiều phạm nhân khác. Một trong những điều mà chúng tôi có thể học được khi làm việc với cây hay gỗ là tính kiên nhẫn (patient). (Xin Sư cô cho tôi biết chữ “patient” trong tiếng Việt dịch như thế nào?). Đây là một môi trường rất tốt để giúp những tù nhân kiên nhẫn, nhất là các tù nhân trẻ. Tôi có nhiều kinh nghiệm thiền trong khi ở trại mộc và đã có thể áp dụng giáo pháp của Phật như là kiên nhẫn, sự liên kết, nhận biết, thức tỉnh v.v… Đó là một hoạt động mà tôi rất thích thú đã giúp tôi đạt đến tâm an trú và chánh niệm. Tôi hy vọng trong tương lai gần đây, tôi có thể trở lại làm việc với trại mộc.
Tôi thích nghe về thời gian Sư cô ở Ấn độ và kinh nghiệm của Sư cô với người bản xứ. Cũng như tôi muốn biết thêm về Việt Nam. Những điều tôi biết về Việt Nam là liên quan đến chiến tranh. Hai người cậu của tôi đã ở trong quân đội và phục vụ ở Việt Nam. Trong tất cả các phim và hình ảnh tôi thấy, tôi nghĩ rằng đó là một đất nước nhỏ, đẹp và mọi người có vẻ thân thiện.
Trong trại tù, tôi cũng có vài thú tiêu khiển như vẽ tranh, sơn và thêu đan. Tôi cố gắng họa tranh nước chút ít và bắt đầu đan thêu. Tôi đã đan được hai cái mền và đã gửi cho gia đình. Tôi cố gắng học tập, làm việc và giải trí lành mạnh. Thêm một câu hỏi trước khi tôi ngưng ở đây. Sư cô có tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã ở chùa của Sư cô không? Đó là một bài kinh có giá trị mà tôi rất tâm đắc.
*
Ngày 28, tháng 11, năm 2007,
Sư cô kính, xin gởi Sư cô thực đơn của chúng tôi. Điểm tâm chúng tôi thường có bánh kếp, bánh mì nướng, bánh kẹp, bánh quế, trứng chiên, khoai tây chiên, bột lúa mạch, sữa lúa mì, bột ngũ cốc, ya-ua, bơ và cà phê cùng với nước trái cây và trái cây tươi.
Buổi trưa và buổi tối toàn là thịt. Bánh mì kẹp xúc xích, bánh mì nhân thịt bò, gà nướng, gà lôi và thịt hầm. Các món ăn kèm như khoai tây nướng, xây nhuyễn hoặc chiên dòn. Chúng tôi cũng thường có một món xà lách và các loại rau như bắp, đậu hòa lan, đậu đũa v.v…Cũng có bánh mì và bơ mỗi bữa ăn. Tôi đã ăn chay được hơn một năm nhưng sau này tôi trở lại ăn thịt. Tôi biết rằng ăn chay là con đường đúng và trong ý thích của tôi nguyện sau này sẽ trở lại con đường đúng này. Tuần tới tôi sẽ gởi cho Sư cô bản chính của thực đơn một tuần.
Thời khóa biểu của tôi trong ngày:
THỜI KHÓA BIỂU
5:30 sáng: vệ sinh cá nhân và chuẩn bị cho thiền.
5:45-6:30 sáng: Tọa thiền, thiền hành, tụng Bát Nhã và kinh Từ Bi.
6:45 sáng: điểm tâm
7:00-8:00 sáng: xem tin tức/ dọn phòng/ giặt quần áo
8:00-12:30: làm việc (sơn phòng)/ ăn trưa 11:00
12:30-1:00 trưa: nghỉ trưa/ đây là giờ điểm danh (xem có ai bỏ trốn không)
1:00-2:30 trưa: làm việc (sơn tường)
2:30-3:00 chiều: dọn dẹp/ tắm rửa
3:00-4:00 chiều: giải trí
4:00-5:00 chiều: thư giản, viết thư, đọc sách
5:00-5:30 chiều: ăn tối
5:30-6:00 tối: xem tin tức
6:00-10:00 tối: tự do: xem ti vi, đọc sách, viết, tiêu khiển (vẽ, đan). Tôi cố gắng tọa thiền 20-30 phút trước khi đi ngủ.
Thời khóa biểu này thay đổi tùy theo thời gian công việc của tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi hết nước sơn, nên tôi có thêm thì giờ cho các việc khác như đọc sách, viết và tọa thiền.
Sư cô, tôi vinh hạnh nhận được sự quan tâm của Sư cô. Tôi biết rằng Sư cô rộng lượng và chân thật. Khi tôi đọc thư của Sư cô, tôi nghĩ về hai bài kệ 76 và 77 trong cuốn kinh Pháp Cú (the Dhammapada), xin kính tặng Sư cô:
“Nếu thấy bậc hiền trí
Chỉ lỗi và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy
Chỉ tốt hơn, không xấu.”
(Kệ 76)
“Những người hay khuyên dạy
Ngăn người khác làm ác
Được người hiền kính yêu
Bị người ác không thích.”
(Kệ 77)
Từ khi tôi quy y Tam bảo, tôi biết sống chân thật. Sư cô hãy nhận sự chân thật của tôi. Trước khi tôi tìm được Phật pháp, tôi đã sống trên sự dối trá, rồi từ đó sanh ra thêm dối trá. Đây là hướng đi không tốt cho cuộc đời.
Sư cô hỏi hậu quả để lại sau khi tôi gây án? Tôi có thể nói là sự tổn thất vẫn còn để lại cho tới hôm nay. Không những chỉ có một mạng người đã mất mà còn gia đình của nạn nhân, cộng đồng chung quanh, gia đình của tôi và một số người khác cũng bị ảnh hưởng bởi hành động, sự ngu dại và sợ hãi của tôi. Tôi suy nghĩ và hối hận về những gì tôi đã gây cho gia đình tôi, tôi cũng nghĩ về Ted (nạn nhân đã bị tôi giết) và tôi nghĩ về những gì nạn nhân đã làm với suốt cuộc đời của ông và những người mà ông đã có thể giúp. Khoảng năm, sáu tháng trước, tôi nhận được một lá thư từ con của Ted nói rằng đã tha thứ cho việc tôi đã làm. Anh ta viết thư cho tôi trong lúc anh bị tù về tội lái xe khi uống rượu say. Anh diễn tả rằng cuộc đời của anh xuống dốc sau khi cha anh bị tôi giết. Từ đó, anh ta chuyển qua rượu chè với tâm ngập tràn những thù hận thịnh nộ tôi. Anh ta nói anh ta cũng gây ra rất nhiều tội lỗi và nghĩ rằng anh hẳn đã có thể ngăn chặn những gì xảy ra với cha của anh. Thế đó, hành động của tôi đã gây tổn hại cho cuộc đời của anh ta bằng nhiều cách. Sự đau đớn mà gia đình của nạn nhân Ted phải chịu thì không thể đo lường được và nhiều thứ không thể kể hết. Sự tổn thất của gia đình tôi cũng giống như vậy. Tôi không thể dự đám ma, đám cưới, sinh nhật của bất cứ người thân nào. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội để có một gia đình riêng, cưới vợ, chăm sóc con như mọi thanh niên khác, tôi không được thấy con cháu trưởng thành. Tôi bỏ lỡ dịp bày tỏ lòng hiếu thảo, hiếu thuận với mẹ, cha, chị và em tôi. Quan trọng hơn nữa là tôi đã gạt họ để họ tưởng tôi như một người con, người anh hay người thân ngoan ngoãn của gia đình và dòng họ.
Nhưng nay tôi biết, họ rất vui mừng về sự thay đổi lớn mà tôi đã đang làm trong cuộc đời này. Dù rằng có những thay đổi thật sự, nhưng sẽ khó bao giờ trở lại như xưa, như những gì nó đã từng có.
Xin tự nhiên sử dụng những gì tôi viết hoặc gửi cho Sư cô như hình ảnh, bản vẽ, thư từ v.v… cho quyển sách của Sư cô. Tôi đã học được vô số điều hay từ những sách về đạo Phật và thực tế đời sống hàng ngày trong tù. Nếu câu chuyện và lời nói của tôi san sẻ có hữu ích cho người khác, tôi rất hoan hỉ và vinh hạnh được góp mặt trong cuốn sách của Sư cô đang viết. Tôi hoan nghênh chào đón Sư cô đến hướng dẫn nhóm học đạo của chúng tôi.
Tôi có một ý kiến có thể giúp cho quyển sách của Sư cô. Tôi sẽ viết nhật ký mỗi ngày ghi nhưng suy nghĩ và cảm xúc hằng ngày của tôi liên quan giữa thực hành lời Phật dạy và đời sống trong tù và rồi gởi đến Sư cô. Sư cô nghĩ thế nào?
Sự diễn tả của Sư cô về tuyết rơi đã làm tôi hân hoan mỉm cười. Nhìn qua song cửa sổ nhỏ của xà lim, tôi cũng thấy như có mưa tuyết bên ngoài.
Tôi có thể cho ý kiến về việc liên quan đến những người láng giềng của Sư cô không? Đối với tôi hình như đa số người ta sợ về những gì mà họ không biết. Đa số người Mỹ, đại khái khi họ thấy có một Sư cô Việt Nam hay là một ngôi chùa Việt Nam trong xóm của họ thì chính họ sẽ tò mò nghĩ “cô ta và Phật tử đang làm gì ở đây?” Đa số người Mỹ không biết về đạo Phật vì vậy họ có thể cảm thấy ngại hay sợ. Có lẽ Sư cô nên mời những người láng giềng đến hoặc tìm cách giải thích mục đích của Sư cô là gì, có thể dưới hình thức lá thư thông tin. Tôi không có ý dụ dỗ khiến họ thay đổi tôn giáo của họ, nhưng chỉ đơn giản làm cho họ dễ chịu. Đây chỉ là một ý có thể giúp mở thông ngoại giao với hàng xóm.
Sư cô có biết tiếng Nhật chữ “gassho” có nghĩa là “chấp tay lại” không? Đó là cách chúng tôi chào nhau, còn tiếng Việt gọi “gassho” là gì? Cám ơn Sư cô nhiêu.
Tojin
*
Ngày 30, tháng 11, năm 2007
Tojin thân mến,
Cảm ơn Tojin đã giới thiệu thực đơn trong trại. Ở Hoa Kỳ, dù là phạm nhân, các bạn vẫn có phước được cung cấp đầy đủ thực phẩm sinh tố. Đây là điều may mắn so với phạm nhân các nước khác mà Sư cô biết.
Sư cô cảm ơn Tojin sẽ gởi nhật ký mỗi ngày đến Sư cô. Thật là một ý tưởng tốt. Nó giúp cho cuốn sách của Sư cô phong phú rất nhiều và giúp cho Tojin nhìn lại mình để viết ra “viết về mình, hướng nội, là một cách quán chiếu trong đạo Phật” nha. Tojin, Sư cô sẽ gởi lại Tojin tiền lệ phí gởi thư mỗi tháng nha, vì lệ phí như vậy sẽ nặng đối với Tojin.
Về việc hàng xóm ở quanh chùa, Sư cô cảm ơn Tojin đã quan tâm và cho ý kiến. Nơi này rất là yên ổn. Chưa ai nhiễu loạn chốn thiền môn cả. Sư cô sẽ mời họ qua dùng cơm chay vào một buổi lễ nào đó và gởi thư mời nha. Thơ Haiku thật là súc tích. Sư cô thỉnh thoảng làm thơ tiếng Việt ngắn như mẫu thơ Haiku.
“Gassho” nghĩa là “chấp tay chào”
Chào hỏi lẫn nhau: Kính chào Sư cô >< Chào Tojin
How are you? nghĩa là “Sư cô khỏe không?”
Chúc Tojin mọi sự tốt lành.
With metta, (từ Pali “metta”: lòng từ)
Sư cô
*
Ngày 12, tháng 12, năm 2007,
Sư cô kính, cám ơn Sư cô đã gửi thư và những tấm hình tuyệt đẹp của bên ngoài trại giam Greenbay. Tôi không ngờ phía bên ngoài kia của cổng tù nơi tôi ở lại đẹp như thế. Khi tôi mới đến đây, tôi cứ lo nghĩ về chuyện gì sẽ xảy sau khi bị giam ở trại Maximum Security này, nên tôi không có tâm hồn để ý đến cảnh vật bên ngoài.
Tôi sẽ viết nhiều như ý muốn của Sư cô cho cuốn sách Sư cô đang viết. Tôi may mắn gặp được Sư cô và Sư cô Tonen như những bậc thầy tâm linh của tôi. Hôm thứ hai vừa qua chúng tôi có buổi tọa thiền hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi một nhóm, khoảng 14 người, đa số là những tù nhân mới. Thật là tuyệt vời khi thấy ngày càng có nhiều người muốn học thiền và nghe pháp thoại.
Tôi nghĩ tốt nhất là Sư cô đến hướng dẫn với tư cách “mục sư” (vấn đạo riêng, pastoral). Tôi tin Sư cô Tonen cũng sẽ nói cho Sư cô nghe về luật lệ ở đây cũng như những gì có thể được mang vào trại như giấy tờ, sách v.v…
Vài dữ kiện liên quan đến việc tôi phạm tội. Tôi đã phạm tội cùng với người từng là bạn tôi, Lucian. Ted là cha nuôi của Lucian. Lucian thì đang ngoại tình với mẹ nuôi của mình, Mary. Mary là vợ thứ hai của Ted. Mary và Lucian muốn Ted chết để không cản đường tình của họ và như vậy họ có thể lấy được tiền bảo hiểm nhân thọ và tự do sống chung với nhau. Tôi dính líu vào bởi vì tôi bị Lucian hăm dọa. Tôi không có ý biện hộ, nhưng sự việc dẫn dắt tôi đến tội phạm là vì tôi còn trẻ, lại sợ hãi, ngây thơ và không đủ mạnh dạn để ngăn chặn sự việc xảy ra. Tôi cứ nghĩ là Lucian sẽ gây hại cho gia đình tôi, nếu tôi không giúp hắn. Ted đã bị chết do viên đạn của tôi. Ted bị chết một cách oan uổng. Điều này làm tôi đau khổ khi viết và kể lại chuyện này ra. Điều này nhắc nhở tôi là tôi đã bị tràn đầy ảo giác vọng tưởng và khờ dại đến thế nào! Thật khó tin là tôi đã làm ra chuyện tày trời như vậy. Tôi không thể tưởng tượng nổi tôi đã mù quáng trên con đường chính đáng, mù quáng trên lối đi đúng đắn.
Tôi thường được thân nhân viếng thăm mỗi tháng hoặc hai tháng một lần. Một nhóm là mẹ của tôi và cha ghẻ; một nhóm riêng khác là em tôi, em rễ, hai con trai cùng với cha ruột của tôi đi chung với nhau. Cuộc viếng thăm kéo dài khoảng hai tiếng, tùy theo phòng thăm viếng có đông hay không. Người thân giúp tôi rất nhiều với mọi thứ cần dùng. Họ có thể cho tôi tiền, nhưng không được phép cho đồ ăn.
Tôi có vài người bạn có thể xem như là bạn tốt ở đây. Thật khó có được bạn tốt, bởi vì tù nhân khó có thể tin tưởng lẫn nhau. Tôi tìm những người có hiểu biết. Tôi sống trong xà lim của chính mình. Bảy năm trôi qua tôi đã sống như vậy. Trước kia tôi có người bạn cùng ở chung phòng. Tôi cố gắng sống hòa hợp với mọi người và cũng tránh xa những người mà tôi biết tôi không hợp tánh cách.
Sư cô có thể gởi ngân phiếu nếu Sư cô muốn tặng tôi một ít tài chánh và trong bao thơ chỉ có ngân phiếu Money Order chứ không được để gì khác, không thư và không hình ảnh. Tôi cám ơn sự quan tâm của Sư cô.
Tôi vừa bắt đầu viết nhật ký. Tôi có vài bài ngắn mà tôi sẽ đánh máy và gửi cho Sư cô. Những bài này đều có tựa đề khác nhau. Thông thường là sự suy nghĩ của tôi trong khoảnh khắc xảy ra nhưng sẽ rất hữu dụng. Hy vọng những lời chia sẻ của tôi đem lại lợi ích cho mọi người.
Tojin
*
Ngày 16, tháng 12, năm 2007
Tojin mến, Sư cô vừa gửi một bài báo ngắn cho một số trang web người Việt quen biết, tựa đề bài báo là “Hãy quý giây phút chúng ta đang sống”.
Bài bích báo kể rằng vào ngày 12 tháng 12 năm 2007, Sư cô đã làm lễ quy y cho một nữ bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh. Sư cô đặt pháp danh của cô bé là Viên Bảo Mỹ. Viên Bảo Mỹ là một sinh viên thông minh của ngành xã hội học. Cô vừa tròn 20 tuổi. Cô đang đối diện với tử thần trong những ngày sắp tới vì căn bệnh ung thư ở kỳ cuối. Bác sĩ đã từ chối chữa trị cho cô ta. Cô quá yếu và đau đớn khi đứng dậy. Da và mắt đã ngả vàng. Quý sư đến nhà cầu nguyện cho cô ta mỗi ngày. Viên bảo Mỹ xin Sư cô và mọi người cầu cho Viên Bảo Mỹ sống đến lễ giáng sinh hoặc đến ngày 05 tháng 01 năm 2008, bởi vì đó là ngày sinh nhật của Viên Bảo Mỹ. Sau đó, Viên bảo Mỹ sẽ vui lòng đi sang thế giới khác. Điều này thật là cay đắng phải không?
Hôm qua, Sư cô có mang cho cô ấy một hộp chocolate, một tấm thiệp Noel và một tấm thiệp sinh nhật với những dòng chữ:
Một trái tim thật hồn nhiên, một tâm hồn thật thanh thản. Chúc Viên bảo Mỹ có một ngày giáng sinh vui vẻ (25/12/2007)
Và một ngày sinh nhật tuyệt vời (5/1/08)
Hãy luôn vui tươi và nhẹ nhàng. Mong sở cầu như ý và giấc mơ sẽ trở thành sự thật.
Sư cô khuyên Viên Bảo Mỹ nên vui vẻ với hiện tại. Hưởng không khí lễ Noel và sinh nhật ngay bây giờ đừng nên chờ tới ngày 25/12/07 hay 05/01/08. Đừng lãng phí thời gian và năng lực cho tương lai. Nên nhớ và mỉm cười với mọi người xung quanh, hãy quý giây phút chúng ta đang sống và thở. Tương lai không thuộc về cái gì đến sau này. Đừng nghĩ rằng chờ cho tới khi lành bệnh, tới khi tốt nghiệp, khi về đến chùa, khi không bị kẹt xe hoặc khi được ăn tiệc v.v… thì mới vui vẻ được. Cứ lạc quan và an trú từng hơi thở thì sẽ thấy cuộc sống hiện tại thật kỳ diệu.
Đó là tóm lược câu chuyện thương tâm của Viên Bảo Mỹ.
Sư cô
*
Ngày 30, tháng 12, năm 2007,
Sư cô kính, tôi đang cố gắng viết về kinh nghiệm bản thân và sự cảm nhận của tôi về mọi việc ở trong tù. Tôi cố gắng xem mình không phải là người tù khi viết bài và thử nghĩ trong những điều kiện hay môi trường rộng lớn hơn. Giáo pháp của Đức Phật khuyên chúng ta nên quên “bản thân” và bỏ qua cái “tôi”. Vì vậy, tôi đang suy tư về nhiều quan điểm. Thỉnh thoảng cái “tôi” lộ ra bộ mặt xấu xí và tôi chịu nhiều hậu quả. Tôi đã viết tay được khá nhiều, chỉ cần đánh máy và sẽ gửi đến Sư cô ngay.
Tôi đang viết về đề tài nóng giận. Đây là một đề tài vô cùng quan trọng ở đây. Có nhiều việc mà con người, nhất là tù nhân, hay dễ nổi giận. Đa số xảy ra đều liên quan đến vật chất. Hiện tại có nhiều luật tù mới được đặt ra để hạn chế quyền sở hữu của tù nhân. Nhiều người vui lòng thay đổi cuộc sống của họ nhưng một số tù nhân thì không! Với lợi ích của Phật pháp, tôi cố gắng tạo sự thay đổi khi có thể được. Giống như trong bài thơ của Sư cô: “Tạm biệt mùa thu, chào đón mùa xuân.” Qui luật của vũ trụ là vô thường, nên vạn pháp thay đổi. Chúng ta có thể chấp nhận sự thay đổi, làm sự thay đổi hoặc chúng ta có thể chống lại sự thay đổi và tạo đau khổ cho chính chúng ta. Điều đó hoàn toàn là do sự chọn lựa của chúng ta. Tôi nghĩ tôi sẽ viết bài về sự giận dữ cho bản tin Sosaku sắp tới.
Tôi dùng thời gian rãnh để đan thêu. Tôi đã mua len để đang đan tấm phướng. Tôi hy vọng bán được để lấy tiền làm Phật sự. Trong bản tin Sosaku vừa rồi, có một ngôi chùa ở Trung Quốc mà tù nhân chúng tôi đang cố gắng gây quỹ giúp đỡ. Đây là cách để tôi sử dụng thời gian để làm việc hữu ích.
Tojin
*
Ngày 20, tháng 1, năm 2008
Từ khi tôi quy y Phật pháp rồi thì tôi hay trầm tư và tự vấn. Tôi thường tự bắt mình suy nghĩ khác với những người tù thông thường.
Trong lá thư vừa rồi tôi viết về việc phán xét người khác. Ở đâu không biết chứ ở trong tù này thì chuyện đó khỏi nói. Chẳng hạn là Phật tử thì mỗi buổi sáng tôi thích công phu. Tù nhân mà hiểu chuyện thì họ sẽ để cho tôi yên tĩnh tu tập và không phản ứng gì hết. Còn đằng này mấy người tù hàng xóm cứ chỉ trích và quấy rối tôi. Cũng như cái chuyện sơn lại xà lim mà tôi với tù nhân cùng phòng cũng cãi nhau. Hắn nói là nhà tù thì nên sử dụng cái gì sẵn có, sơn sửa làm chi cho mệt. Còn tôi nghĩ hôm nay thì không phải giống hôm qua, nên nhà tù cần phải thay đổi theo thời gian và phòng mình ở thì nên cho sáng sũa và mới mẽ. Đây là những việc bất đồng ý kiến xảy ra hàng ngày.
Sư cô kính, hôm nay tôi đã đọc kinh Kim Cương Thừa và tôi mới biết được mình đang ăn quả từ cây thật. Tôi cũng vừa tranh luận với bạn tù về việc con người là động vật có tính xã hội hóa. Chuyện này được bàn cãi là vì chúng cho tôi không xã hội hóa với tụi nó cho lắm. Tôi đã lĩnh hội được bài học kinh nghiệm từ Phật pháp rằng đã làm cái gì thì phải làm hết lòng chuyên tâm và chánh niệm. Như khi đánh máy thì chỉ việc đánh máy, sơn phòng thì chỉ việc sơn phòng, nghĩa là tôi luôn làm hết mình vì công việc và chánh niệm chuyên tâm trong việc của mình. Họ không hiểu là mỗi khi tôi đã giành thời gian để làm một việc gì đó thì chỉ có việc đó mà thôi không gì khác hơn, vì vậy tôi không có thời gian đi tán dóc với họ chẳng hạn. Tôi cố gắng giữ mình lạc quan và giải thích với họ, tôi đang làm cái gì. Họ không biết gì và không hiểu tại sao tôi phải tĩnh tâm ngồi yên như tượng đá bất động? Tôi cố giải thích rằng tịnh tâm rất hữu ích cho tôi vì nó giúp tôi an lành, thức tỉnh và hiểu thấu sự việc rõ ràng.
Gần đây, tôi đang lo cho việc thiếu văn phòng phẩm để ra bích báo Sosaku trong tháng tới. Có thằng bạn tôi hỏi tại sao tôi phải lo làm bích báo này làm gì trong khi không có mấy ai muốn giúp tôi. Tôi biết là có một vài tù nhân khác đang thấy được sự hữu ích của bích báo và đó cũng là câu trả lời của tôi đối với họ. Họ dường như không hiểu tại sao tôi phải cứ chăm chú tẩn mẫn khi phải in chính xác và đúng cách của bích báo nữa.
Tôi đang viết về những phàn nàn thực tế từ mấy bạn tù không hiểu về tôi, về những thành kiến của tôi và họ. Tôi hiểu được rằng tất cả những chuyện bàn thảo cũng như các cuộc cãi vã rất có lợi cho tôi, bởi vì nó có tính giáo dục tôi. Những bạn tù này là thầy của tôi. Người mà hay chọc cho tôi căng thẳng và làm tăng thêm sức chịu đựng kiên nhẫn của tôi, họ chính là thầy của tôi (kiên nhẫn ba-la-mật).
Có những chuyện trong tù khó mà tránh được hậu quả. Dường như họ thích làm chuyện mà người khác muốn họ làm. Cũng như trong tù có một văn phòng khiếu nại dành cho các tù nhân và rồi tụi nó xúm nhau khiếu nại đủ thứ ngay những chuyện không dính dáng gì tới họ hết. Thức ăn, thời khóa biểu, tập thể dục, giặt giũ và nhất là những sở hữu cá nhân. Họ giữ của lắm. Có một chuyện xảy ra cách đây mấy tháng họ lấy hết đồ đạc trong phòng của tôi đi để kiếm cái gì trong đó không biết. Tôi cũng mặc kệ, họ muốn làm gì thì làm. Trong phút chót tôi chỉ nhớ có một cuốn sách chưa đọc, còn mấy cái khác thì tôi không màng tới, họ muốn lấy hết bưng đi cũng được. Tôi nhận biết được là mình đang ở đâu và tôi tự cho là mình đang trong tình trạng trị bệnh cho dù tôi có thích nó hay không hoặc vì lý do gì đó cứ để cho việc gì tới nó tới.
Tojin
*
Ngày 23, tháng 01, năm 2008
Tojin mến, Venerable có nghĩa là Sư cô. Sư cô Tonen muốn mọi người gọi tên đơn giản là Tonen, cũng được. Nhưng Sư cô thì thích nghe gọi bằng thuật từ ‘Sư cô’ (nun, female priest), có vẻ Việt Nam và gần gũi hơn.
Sư cô cám ơn tấm thiệp và bài thơ đầy ý nghĩa của Tojin. Câu kết luận thật đầy ngạc nhiên: “Mùa đông này tôi chợt nhận ra tuyết đã tạo thành một dãy núi” (Đúng rồi! tuyết nhiều quá chất cao thành núi). Thiền là một cái gì đó rất đơn giản, thiên nhiên và độc đáo. Và hơn nữa, lời viết sau cùng cuối bức thư vẫn còn in sâu trong trí của Sư cô là: “Thật là hạnh phúc khi được thong thả đi dọc bờ biển, dọc bờ hồ một lần nữa hoặc ngay cả được đi thiền hành trong rừng cây phong trọn một ngày”.
Sư cô hy vọng nhờ vào luật sư, án tù của Tojin sẽ được giảm bớt và Tojin có thể thực hiện được ước mơ nhỏ này.
Sư cô rất thích bờ hồ Milwaukee với rừng cây lá đỏ. Thỉnh thoảng Sư cô lái xe đến đó để tĩnh lặng và hít thở không khí trong lành. Sư cô sẽ sưu tập nhiều hình có phong cảnh đẹp Milwaukee để cho vào sách của mình.
Mấy ngày nay tuyết đã rơi, rất lạnh và gió nhiều. Mỗi ngày Sư cô đi bộ từ trường Milwaukee Area Technique College tới sân đậu xe khoảng vài phút, nhưng gió rất mạnh và lạnh buốt xương. Trưa nay Sư cô run lập cập giữa cơn giận dữ của tuyết và gió, mặc dù Sư cô đã mặc năm lớp áo ấm (hết nhận dạng ra Sư Giới Hương).
Sư cô cảm thấy thương cho những người sống giữa vùng băng giá dưới thời tiết khắc nghiệt này.
Công nhân, học sinh phải đi làm, đi học suốt mùa đông. Sinh viên vùng lạnh nếu nhận được bằng tốt nghiệp cho một môn học nào đó thì cũng nên tặng thêm một tấm bằng chịu đựng thời tiết giá lạnh của xứ tuyết này! Đây là sự khác biệt với các sinh viên đến từ các tiểu bang ấm áp như California, Texas…
Sư cô
*
Ngày 27, tháng 1, năm 2008,
Sư cô kính, hôm nay là một ngày mới, một cơ hội mới để thức tỉnh về sự thật. Tôi nghĩ rằng tôi đã không cảm thấy được ân sủng mỗi ngày mình có được, đúng ra tôi phải biết. Tôi vừa viết xong một bài về ý thức lạc quan trong lúc ở tù hơn là bi quan. Hy vọng rằng bạn tù đọc sẽ sống được như vậy. Khi viết bài cho bích báo Sosaku, tôi thích trích những danh ngôn của các cổ nhân hay các thiền Sư như thiền sư Nhất Hạnh, vì lời lẽ giác ngộ của các ngài đã khiến cho các bài viết có thêm giá trị. Điều mà tôi muốn làm ở đây là tôi chỉ muốn gieo một hạt giống tốt trong tâm mình. Tôi đã đọc kinh Kim Cương Thừa. Có thể nói đây là chuyện lạ cho một người tù. Chúng ta là người đem lại ý nghĩa cho từ ngữ, ý niệm và cũng vì vậy mà chúng ta nên làm cách nào hay chuyển đổi nó có nghĩa và thích hợp cho hoàn cảnh nhiều người.
Tojin
*
Ngày 30, tháng 1, năm 2008,
Câu hỏi của Sư cô rất hay, nguyên nhân gì đã khiến tôi có thể cầm được vũ khí để cướp đi một mạng người? Có lẽ phải trở lại thời trung học. Khi mới lớn lên, tôi theo bạn bè uống rượu, rồi tập tành làm sao để nhập vô được nhóm bạn nổi tiếng chuyên làm những chuyện xấu xa. Khi 15 tuổi tôi bắt đầu đi làm cho nhà hàng ở trong một Trung tâm thương mại Southridge, Milwaukee. Tôi làm ở đó được vài năm rồi chuyển sang công việc khác với tiền lương cao hơn và trách nhiệm nhiều hơn nhưng tôi thì chưa sẵn sàng để có được công việc này. Tôi luôn là một công nhân giỏi và đạo đức tốt, nhưng ba tôi là người làm cho tôi hư. Vì ba là người nghiện ngập dù ba cũng đi làm và có trách nhiệm với gia đình. Trong lá thư của Sư cô đã làm tôi suy nghĩ “giáo dục của gia đình và nghiệp chướng” là lý do làm cho tôi hư. Tôi đã biết rằng Phật pháp có dạy về lỗi do tại mình gây ra, vì vậy nếu trách người khác là không nên. Tôi hiểu trong một chừng mực liên quan nào đó (nếu tôi không sai) thì nhân duyên liên đới luôn xảy ra trong mọi việc. Chúng ta học hỏi từ kinh nghiệm bản thân và trưởng thành từ những kinh nghiệm ây.
Đức Phật dạy rằng có phước đức lắm mới được sanh làm người. Tôi hy vọng rằng tôi không hoang phí cơ hội làm người của mình với những Phật sự đang thực hiện. Tôi có đọc về Bồ Tát Cồ Đàm trước khi thành Phật, ngài đã trải qua vô số kiếp làm Bồ Tát thực hành đủ mười hạnh Ba La Mật và thành Phật. Như vậy, những công hạnh của ngài trong quá khứ đã là nhân duyên để khi ngài được sinh ra kiếp này và thành Phật. Tôi tự hỏi nếu những tội lỗi của tôi trong kiếp này có sẽ trở lại với tôi trong kiếp sau không? Gây chướng ngại quả báo? Cầu nguyện tôi sẽ không gặp khó khăn hoặc là tôi sẽ cố gắng nỗ lực trong việc giác ngộ cho tới khi được thành Phật. Tôi rất hạnh phúc và choáng ngộp với niềm vui khi gặp được Phật pháp và hiểu được ý này. Tôi sẽ nỗ lực hết mình từng giây từng phút nhưng thú thật là tôi phải đương đầu với quá khứ của chính mình. Tôi cảm thấy hối tiếc trong lòng vì tôi đã lỡ tạo nghiệp xấu cho đời mình.
Sư cô kính, tôi sống bên bờ hồ Milwaukee, nơi đó lạnh và nhiều tuyết phủ. Tôi thích câu nói đùa của Sư cô về việc “sinh viên cũng nên được thưởng bằng cấp chịu lạnh giỏi”. Tôi thường đón xe buýt tới trường và đã phải đứng chờ xe trong góc phố vào mùa đông, nên tôi biết cái rét lạnh căm căm của tuyết và cơn gió ào ạt của biển hồ Milwaukee thổi đến. Bài thơ ‘Sự Rơi của Lá’ của Sư cô, tôi sẽ đăng trong bích báo Sosaku kỳ tới. Tôi sẽ gửi báo cho Sư cô trong một vài tuần nữa. Tôi có viết hai bài cho báo đợt này.
Trả lời câu hỏi của Sư cô về Mary. Tôi không biết tại sao Mary là vợ của Ted không ở tù? Ở nước Hoa Kỳ này hệ thống pháp luật không phải lúc nào cũng có công lý cho mọi người. Quyết định truy tố ai thì phải đưa cho văn phòng biện lý. Tôi đoán là công tố viên trong vụ của tôi không tìm thấy đầy đủ bằng chứng để bỏ tù cô ấy. Đ
ơn giản vậy thôi. Về chuyện trở lại tòa án để xin giảm tội. Một phạm nhân có thể trở lại tòa án vài lần. Mỗi lần lên tòa cấp cao hơn để xét xử. Nếu có đầy đủ bằng chứng hoặc có ai có thể phủ nhận được lời buộc tội của công tố viên thì tôi mới có thể được mang ra tòa xét lại về cáo trạng và án tù. Nếu một tù nhân không có tiền, nhưng có bằng chứng giá trị để kháng án thì tòa án sẽ cung cấp luật sư với phí tổn được giảm xuống. Tôi đang thuê luật sư tư nhân.
Tôi nhờ gia đình và bạn bè khiếu nại kiện giúp tôi. Tôi cũng đã dùng thời gian rảnh để thêu móc đồ thuê bán kiếm tiền thêm. Tôi có thể móc khoảng hai, ba tấm lộng, thảm, mền trong một tháng để bán lấy tiền lo luật sư. Một vài tháng nữa thì tôi sẽ biết kết quả về chuyện này. Tôi thường kết chỉ thêu rất đẹp nhưng trại cải huấn ở đây không cho tôi giữ kim nữa vì sợ đây là vũ khí gây án. Chữ Butsudo có nghĩa là Phật trong tiếng Nhật. Hy vọng Sư cô thích tấm thiệp này của tôi. Chúc Sư cô cùng quý Phật tử ăn Tết Nguyên đán vui vẻ.
Tojin
*
Ngày 02, tháng 03, năm 2008
Tojin mến, Sư cô nghĩ rằng khi Tojin 20 tuổi chưa đủ chững chạc để suy nghĩ về hành động gây hại của mình. Những người trẻ thường làm chuyện nông nổi và háo thắng, nhưng cứ nghĩ mình đúng.
Đúng rồi, chúng ta được thân người là một may mắn lớn. Chúng ta không nên phung phí cơ hội làm người của mình. Trong kinh Lăng Nghiêm nói các tội khác có thể sám hối, riêng lấy mạng người thì khó tránh nạn không đền trả vì đây là một trọng tội. Ai có thể biết đây là nguyên nhân hay kết quả trong mối liên quan nhân quả giữa Tojin và Ted trừ các bậc thánh có thiên nhãn thông để thấy nhân duyên ràng rịt trong nhiều đời? Đây là sự chấm dứt quả của quá khứ hay là sự bắt đầu xoay vòng thù hận giữa Tojin và Ted? Tuy nhiên, tội lỗi từ tâm mà khởi ra. Tâm biết chân thành sám hối thì tội thời tiêu. Kinh Đại Thừa nói: Phải thành tâm sám hối cho đến khi thấy được hảo tướng Phật mới hy vọng.
Nếu tâm thức tỉnh, dù đi tới hoặc lui, lên hoặc xuống, giết hoặc tha thì sẽ không còn quan trọng bởi vì thân thể của chúng ta là ảo tưởng, thì những quả báo đến với thân cũng là giả ảo, có câu nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh quả”. Hãy chánh niệm và an trú từng giây phút mà chúng ta đang thở. Tojin có nghe qua câu trả lời của một thiền sư rằng:”Cám ơn thanh kiếm bén đã chém ngọn gió xuân” khi một kẻ cướp kề thanh gươm vào cổ ngài với ý muốn chém ngài. Sư đã ví cuộc đời của sư như cơn gió thì thanh kiếm nào có thể chém gió được? Xin Cám ơn thanh kiếm: có nghĩa là chết hay sống không quan trọng. Hãy an trú từng phút giây và chánh niệm trong mỗi sát na. Sư cô nghĩ bây giờ Tojin sáng suốt, đời sau Tojin cũng sẽ còn hạt giống sáng suốt đó.
Hãy nhìn kìa, bên ngoài thảm tuyết trắng như ngàn đóa sen li ti đang nở phải không? Tâm của Tojin cũng vậy.
Sư cô
*
Ngày 9, tháng hai, năm 2008
Sư cô kính, tôi thích câu thơ “Cám ơn thanh kiếm bén đã chém ngọn gió xuân” và vị sư đã ví mình như ngọn gió xuân. Ý nghĩa này rất hay vì nó làm cho chúng ta hiểu được như thế nào là ân phước mà chúng ta có được trong hiện tại. Các thiền sư liễu ngộ thì thơ của các ngài miêu tả sự sống rất tự tại trước sự vô thường hay thịnh suy của nhân sinh. Các ngài không rúng động trước sự sống chết và ví mình như gió xuân. Thơ thiền nắn ra nụ cười tự tại và phơi phới trên ngôn ngữ. Hồn thơ là món quà truyền tâm cho nhân thế, bởi sự súc tích và thâm sâu của thơ.
Trở lại sinh hoạt hàng ngày của tôi. Có một bạn tù làm chung với tôi. Hắn cứ muốn thử tánh nhẫn nại của tôi. Hắn cho rằng tất cả những bất đồng giữa hai chúng tôi đều do một tay tôi gây ra. Hắn cũng cho là vì tôi nên mới có chuyện xích mích hàng ngày với hắn. Tôi nói với hắn rằng không có tôi cũng như không có hắn thì đâu có chuyện đó xảy ra. Mục đích là có nhìn thấy những điểm tốt của nhau thì mới giúp cho nhau. Chuyện không có gì là nghiêm trọng lắm, nhưng cũng mệt với hắn chứ không dễ. Tôi đã thuyết phục chính mình sau khi đọc Kinh Kim Cang rằng tôi không nên nhìn và nghĩ mình hay người khác như các tù nhân và phải tuệ tri thấy tất cả là tánh kim cang bất nhiễm đồng nhau. Tôi cố sống với ý nghĩa bản tánh Phật này.
Tojin
*
Ngày 2, tháng 3, năm 2008,
Tôi đã suy nghĩ nhiều về quá khứ của tôi và làm sao mà tôi được như hiện giờ. Tôi xin đọc một đoạn trích: “Sự tồn tại của quá khứ là vì ký ức của mỗi người, tương lai có được là vì khát vọng cá nhân, chỉ có hiện tại là sự thật vĩnh hằng và quan trọng.” Tôi nghĩ sự tĩnh tâm giúp tôi bỏ qua được rất nhiều quá khứ của mình. Tôi không đơn thuần giấu đi những ký ức của mình, nhưng tôi đã cố quên rất nhiều về quá khứ đó.
Ở trong tù thì có nhiều chuyện để nói lắm. Có tù nhân muốn làm sống lại cho được quá khứ vinh quang hùng khí của mình: “một thời huy hoàng, rồi chợt tắt”. Hắn cứ nói thao thao bất tuyệt về quá khứ sáng chói mà không một chút nhận thức về hiện tại như thế nào? Còn tôi thì tập an trú hiện tại với chánh niệm và để quá khứ trôi đi như gió thoảng.
Tôi đã học thuộc lòng một câu kinh nói rằng không có gì mà không đạt được và trong chúng ta ai cũng có thể nắm lấy hay đạt được đỉnh cao của sự tỉnh thức giác ngộ. Tôi được đọc một số danh ngôn của các thánh nhân truyền lại từ đời này sang đời khác. Tôi cũng được đọc những bài thơ và văn của các bậc trưởng thượng cổ kim tường thuật lại dòng chuyển vận tâm của các ngài như thế nào? Tôi nghĩ rằng để hiểu được phật pháp căn bản trên lý thuyết thì dễ dàng, nhưng khó đạt đến sự giác ngộ hay tỉnh thức hoàn toàn, khó để trở thành Bồ Tát hay Phật được? Những vị này chỉ đếm như đầu ngón tay.
Tojin
*
Ngày 3, tháng 3, năm 2008,
Sư cô kính, tôi đang suy nghĩ làm sao để các tù nhân Mỹ trở nên quan tâm và hiểu được sự lợi ích của Phật pháp. Có một điều đơn giản mà tôi thấy là họ đã đi đủ chỗ (xem nhiều tôn giáo) rồi mới quay trở lại và có lẽ họ thích cách tu thiền của đạo Phật trong khung cảnh an tịnh. Thú thật cá nhân mà nói một số người tu theo đạo Phật ở trong nhà tù này dường như cho mình là “xuất phàm” vì họ cảm thấy rằng họ không thể nào hòa hợp được với cái đám tù nhân trần tục sô bồ khác. Ngoài ra, có lẽ đạo phật có ảnh hưởng đem lợi ích liền trong đời sống của họ như là giữ Năm giới, Tám giới Bát quan, tọa thiền, niệm Phật, tụng kinh, kinh Bát Đại Nhân Giác (Tám Điều giác ngộ), chuyện Lục Tổ Huệ Năng… đã mang an lạc cho họ dù chỉ trong một thời gian ngắn. Đạo Phật đã đáp ứng được nhu cầu của họ.
Tojin
*
Ngày 4, tháng 3, năm 2008,
Khổ ải! Khổ ải! Khổ ải!! Đây là diệu đế đầu tiên trong Tứ diệu đế được đức Phật đề cập tới. Chính đau khổ này là một trong những thử thách đầu tiên mà các tù nhân phải trải qua. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao các tù nhân chọn đạo Phật. Cá nhân tôi mà nói khi tôi nghiên cứu Khổ Đế đã khiến cho tôi thấy được ý nghĩa sự thật đau khổ của con người phải đối diện với sanh, già, bịnh, chết như thế nào? Tôi ngay lập tức không ngần ngại từ bỏ những oán thù, bi quan, sầu bi, rên rĩ mà tôi đã cưu mang từ lâu trong lòng. Khi tôi thấm nhuần những kinh nghiệm giác tỉnh của đức Phật thì tôi mới nhận ra đây là điều mình đã thiếu trong đời, thiếu khuynh hướng “Chia Sẻ Kinh Nghiệm” của mỗi tập hợp những cá nhân như tù nhân hay những tù nhân theo đạo Phật là vì họ có cùng chung một kinh nghiệm sống và một hướng nhìn.
Tojin
*
Ngày 05, tháng 03, năm 2008,
Sư cô kính, chúng ta tạm hiểu lý do một số tù nhân chọn và thích đạo Phật, nhưng tại sao cũng có một số tù nhân trong trại tù Greenbay, WI, không chọn đạo Phật? Có lẽ những vị này chưa hoàn toàn chịu đáp cuộc đời của họ xuống để bắt đầu làm mới và cũng chưa sẵn sàng để bắt đầu tu tập.
Tháng vừa rồi, tôi đã giới thiệu và chia sẻ kiến thức đạo Phật cho một bạn tù. Nhưng anh ta có lẽ không còn theo đạo Phật nữa mà đã tấp vô chỗ khác rồi. Anh ta đã trở lại con đường mà tôi cho là tiêu cực, tập bè kết đảng với nhóm hút sách và đi quấy phá người. Dù sao đây cũng là sự chọn lựa của anh ta. Mặc kệ tương lai của anh ta ra sao. Mực nước chảy xuôi rất dễ theo, còn tu tập là ngược dòng nước tập khí rất khó theo.
Tojin
*
Ngày 6, tháng 3, năm 2008,
Sư cô kính, tuần vừa rồi một đồng nghiệp của tôi bị bệnh mấy ngày nên tôi sơn tường một mình. Nhờ mấy ngày làm việc một mình, nên tôi có dịp dò xét lại những quan niệm cũng như suy nghĩ của mình trong lúc làm việc. Bạn tôi cũng có cơ hội tốt để suy gẫm về những việc làm của mình hơn. Tôi có chủ trương, hoài bão hay một cảm giác thực sự về trách nhiệm khi làm việc. Như Sư cô biết, tôi là thợ sơn. Tôi rất có trách nhiệm về đồ đạc và chất lượng công việc ngay cả công việc của bạn. Nhưng khi tôi có dịp làm việc một mình thì tôi mới nhận ra một điều là nên để cho bạn tự có trách nhiệm với việc của bạn. Mình không nhúng vào để bạn tự trưởng thành hơn.
Sư cô, tôi nghĩ tôi nên nói cho Sư cô biết về những tôn giáo tôi đã theo trước khi vào đạo Phật. Lúc còn nhỏ khoảng 8-11 tuổi, trọn ngày mỗi chủ nhật là ngày tôi phải học đạo Tin Lành. Tôi không nhớ chủ thuyết của đạo Tin Lành là gì? Hình như là nhóm trẻ chúng tôi xúm lại ca hát và lắng nghe những câu chuyện thần thoại trong thánh kinh. Tôi còn nhớ có xe đưa đón con chiên. Chúng tôi được phát bánh kẹo và hát những bài hát với giai điệu như “…Chúa yêu tôi, chuyện này tôi biết… Tại vì thánh kinh nói như vậy…” đại khái như vậy. Có lần tôi đóng kịch vào đêm trước giáng sinh tại nhà thờ. Tôi học đạo như vậy khoảng 2-3 năm. Mục Sư dạy và bảo như thế nào để sống cho mình, thế nào là nên hay không nên nghe những loại nhạc gì. Mục sư cứ muốn điều khiển cuộc đời chúng tôi. Mỗi buổi sáng chúng tôi có thể đi vào phòng với mục sư để “cầu kinh”. Chúng tôi phải nói là Chúa Jê-Su đã hy sinh đời ngài cho tội lỗi chúng tôi để rồi chúng tôi “tự động” được cứu rỗi. Tôi không muốn đi tới chỗ bình luận về đạo Thiên Chúa là tốt hay xấu. Có nhiều bài học rất hay mà tôi biết được từ kinh thánh và nhiều con chiên rất tốt. Nhưng đạo này không dành cho tôi. Khi tôi trưởng thành tôi biết là không thích hợp với mình.
Tojin
*
Ngày 8, tháng 3, năm 2008,
Sư cô kính, tôi đã trầm tư về pháp suốt mấy đêm. Tôi rất cảm kích khi hiểu được thế nào là luật nhân quả hay duyên khởi. Tôi nghĩ đây không chỉ là triết lý của Phật giáo mà ngay cả khoa học cũng sử dụng triết lý để giải thích các hiện tượng. Nói đến đây, tôi nhớ về quá khứ của mình. Tôi biết mọi việc tôi làm và hành động của mình đều có hậu quả. Tôi thỉnh thoảng rất nghiêm khắc với chính mình cho những sai lầm trong quá khứ và đôi khi cũng không ngại trách người khác. Phật pháp đã dạy tôi những điều, nhất là trong cảnh tù này là phải biết suy xét cho những hành động của mình. Phật pháp đã giúp tôi mạnh mẽ hơn trong khi tôi đang từ bỏ dĩ vãng của mình lại phía sau. Tôi đã không chỉ trở thành biết suy xét mà trở nên sâu sắc. Tôi có thể ngăn chặn được sự phiền phức và nổi loạn trong lòng mình chỉ đơn thuần bằng cách tin vào bản năng vốn thiện của mình.
Tojin
*
Ngày 09, tháng 03, năm 2008,
Sư cô kính, tôi đang nhìn cảnh vật bên ngoài qua không gian nhỏ bé của khung cửa sổ. Ngoài sân, tuyết chất đống và đang tan chảy thành dòng vào lòng đất. Tôi bắt đầu nghe thoang thoảng hương của mùa xuân đang len trong gió. Gió đang chuyển mùa và tôi nôn nóng cho mùa nắng ấm kéo tới để tôi có dịp ra ngoài thường xuyên trở lại. Tôi muốn trở lại với ánh nắng mặt trời, cỏ cây, hoa lá và chim chóc. Tôi thích nhất là đi chân không trên những thảm cỏ trong khuôn viên sân tù cho phép. Điều này khiến cho tôi cảm giác như mình hòa vào trong thiên nhiên, trong cát bụi. Nơi này rất là buồn cười để mỗi khi nghĩ về những gì đối lập. Khi tôi nghĩ về những tội lỗi tôi đã làm, nghĩ về những tổn hại do tôi gây ra cho bao nhiêu người, thỉnh thoảng tôi bị áp lực cho chính mình là phải làm bao nhiêu công đức kể từ phút này để có thể chuộc lại những lỗi lầm mà tôi đã làm trong quá khứ. Tôi sẽ phải cứu nhiều người, phóng sanh thú vật, vun trồng ruộng phước và tiếp tục làm như vậy để hầu chuộc lại một tội lỗi ghê gớm của mình. Áp lực và cảm xúc luôn thúc đẩy bên trong tôi. Nếu không có những hướng dẫn thức tỉnh và tự chủ của đạo Phật thì những hậu quả sẽ đến với tôi sẽ tệ đến chừng nào.
Tojin
*
Ngày 10, tháng 03, năm 2008,
Sư cô kính, Sư cô hỏi có thể rút ngắn thời hạn giam các tù nhân bằng cách họ nỗ lực làm nhiều việc tốt, được hay không? Câu trả lời là phải xem người đó bị phạm tội gì. Hiện có một số trường hợp. Nếu liên quan đến rượu hay ma túy thì có chương trình sẵn. Các chương trình này được liệt kê trên các hồ sơ của tù nhân như là những điều kiện họ “phải” hoàn thành trước khi được thả. Có một số các chương trình khác, chủ yếu là cải tạo giáo dục khiến cho tù nhân có thể thay đổi tích cực. Có một chương trình gọi là “làm để được thả”, nhưng điều này chỉ dành cho các trường hợp ma túy mà không bạo lực. Đối với những người phạm tội bạo động như chúng tôi, việc duy nhất để làm là phải chấp nhận trách nhiệm và tạo một đời sống tốt trong tù với hy vọng rằng điểm đỏ (tốt) được đưa vào hồ sơ của mình để thông qua tòa án và hệ thống luật pháp. Hiện có nhiều tù nhân mà tôi biết họ vẫn chưa có bất kỳ bản báo cáo gì về hạnh kiểm xấu trong vòng 10-15 năm và đã sống tích cực, hiệu quả và đầy ý nghĩa trong tù nhưng điều này mang ý nghĩa rất ít đối với trại cải huấn khi họ đem ra xét lại án. Ngay cả khi quan tòa thẩm phán một người, hệ thống nhà tù rất ít có khả năng đưa ra sự chống đối với quan tòa. Riêng cá nhân tôi cố gắng được giảm án thông qua hệ thống tòa án. Như hoàn cảnh hiện nay của tôi thì hội đủ điều kiện cho thả lỏng trong năm 2051. Tôi mong rằng có được sự chấp thuận đồng ý dời lại cho tôi sớm thả lỏng vào năm 2016. Đây là điều mà người cùng bị kiện với tôi, Lucian, đã đạt được. Tôi cho rằng đây là một sự lựa chọn khả quan nhất.
Tojin
*
Ngày 13, tháng 3, năm 2008
Sư cô kính, tôi muốn diễn tả thêm về việc tại sao tôi bị tống giam? Trong quá khứ như tôi đã giải thích, đơn giản là do tôi sợ hãi và khờ dại gây ra điều này. Đây là sự thật. Trước khi tôi phạm tội, tôi chưa bao giờ nghĩ về bản chất chân thật của tôi hoặc thậm chí có dự định âm mưu về tội ác này. Tôi đã không thực sự biết ơn cuộc sống. Tôi thích săn bắn thú vật, chim muông, câu cá và tôi đối đãi với mọi người một cách thờ ơ lạnh lùng. Tôi không hiểu được giá trị của cuộc sống con người và muôn vật. Tôi đã phạm tội khi tuổi vừa tròn 20. Tôi không hiểu tại sao tôi luôn có cảm giác lo sợ cho sự an toàn của gia đình tôi và tôi. Lo sợ bị loại bỏ và khao khát được chấp thuận. Tôi viết những điều này nghe giống như tôi viện cớ nhưng cũng phải có một “lý do” gì để khiến tội ác này xảy ra. Tôi nghĩ rằng thật ra dẫn đến tội ác này là do tôi quan tâm về bản thân mình hơn là người khác. Tôi sợ Lucian hại gia đình tôi và tôi, nếu tôi không hứa giúp hắn giết cha ghẻ của mình với tài thiện xạ bắn súng của tôi.
Tojin
*
Ngày 14, tháng 03, năm 2008
Sư cô kính, có quá nhiều khổ đau trên thế giới này và khả năng của tôi thì bị hạn chế. Tôi biết rằng xung quanh tôi còn rất nhiều sự đau khổ nhưng có lẽ đau lòng nhất là sự đau khổ trong chiến tranh bị phân chia đất nước, hoặc là đời sống người dân bị đè bẹp áp bức bởi chính quyền của họ. Tôi biết rằng từ bi có nghĩa là “chịu đựng” nhưng khó có thể chịu đựng với những người tự gây ra đau khổ riêng cho họ. Tôi muốn tiếp cận với những người đang bị người khác làm đau khổ. Có lẽ tôi nhầm lẫn. Có lẽ tất cả chúng ta đều gây ra đau khổ cho chính mình, nhưng thật khó cho tôi để đổ lỗi cho thiên hạ là nạn nhân trong hoàn cảnh của họ. Có nhiều việc ngoài ý muốn của họ. Tôi đoán là thật khó chấp nhận rằng tôi chỉ lựa chọn để bắt đầu trong môi trường hiện tại của tôi. Tôi đang cố gắng giúp nhiều người chấm dứt sự đau khổ của họ bằng cách cho họ biết sự an lạc trong pháp của Đức Phật cùng với những kinh nghiệm của riêng tôi. Tôi muốn giúp họ vì tôi có cảm giác là tôi hiểu được nguồn gốc nỗi đau khổ của họ. Tôi làm điều này không phải vì tôi mong muốn được công trạng mà mong muốn duy nhất của tôi là cố gắng vơi giảm nỗi đau của họ. Ý muốn như thế nhưng thực tế cũng thật là khó để tiếp cận với tù nhân ở trại này.
Tojin
*
Ngày 15, tháng 3, năm 2008
Sư cô kính, tôi muốn kể cho Sư cô nghe chuyện một người bạn tù của tôi, tên là Joe. Tôi phê bình rất nhiều về Joe (điều này tôi biết là sai) nhưng chỉ vì tôi thấy Joe có rất nhiều tiềm năng. Joe là một họa sĩ xuất sắc và thông minh. Đây là lần thứ tư Joe bị ở tù với nguyên nhân đều là do ma túy. Cho dù Joe có trộm cắp hoặc cưỡng bức hại người hay không thì luôn luôn là vì cơn nghiện ma túy sai xử. Hồi còn nhỏ, Joe có một cuộc sống khổ sở.
Cha Joe chết khi Joe còn bé xíu, rồi mẹ Joe qua đời vài năm trước đây. Joe cũng đã mất đi một người chị và một em trai. Khi được ra tù, Joe lại rất bi quan.
Đối với cá nhân tôi, tôi đã từng thấy sức mạnh của sự thay đổi và biết sự thật không thể tránh khỏi. Tôi nói với Joe rằng Joe nên thay đổi tư duy, quan điểm về cuộc sống và tự lập. Joe có rất nhiều tài năng nghệ thuật mà điều này đã làm cho tôi tiếc chút ít vì Joe đã lãng phí tài năng nơi đây. Joe nghĩ rằng bởi vì cái gì đã xảy ra trong quá khứ thì khi nó xảy ra tương tự trong tương lai, Joe cũng sẽ nhận cùng một kết quả.
Tôi biết nhiều tù nhân khác tại đây cũng có suy nghĩ giống như Joe. Nhiều người có tài trong một lãnh vực nào đó, nhưng lại không có khả năng đạt được sự tự tin nơi mình hoặc không thể để vượt qua quá khứ tội lỗi của họ để đứng lên. Họ yếu đuối quá và lại dễ sa ngã vào tội lỗi nữa. Luân hồi đau khổ là thế đó!
Tojin
*
Ngày 07, tháng 04, năm 2008
Sư cô kính, cám ơn Sư cô đã gửi cho tôi quyển sách “Thập mục ngưu đồ”. Trước kia tôi đã đọc qua, nhưng sách của Sư cô gửi với lời giải thích rất rõ ràng.
Tôi hy vọng tòa án sẽ sớm suy xét lại trường hợp của tôi và sẽ phán giảm án cho tôi đủ tiêu chuẩn để giữ án treo vào năm 2016. Sư cô nên nhớ đây chỉ là “hy vọng” chớ không có bảo đảm. Mong rằng những hành vi và tất cả việc làm tốt đẹp của tôi từ khi vào tù tới nay có thể giúp chút ít. Tôi không dám đặt hy vọng quá nhiều, chỉ cố gắng sống theo thực tế.
Tôi đã gửi cho Sư cô Tonen một tấm lộng thêu có hai chữ “Tam bảo”. Sư cô Tonen đã quyên được $850 cho việc xây lại ngôi chùa “Nhị Tổ” ở Trung Quốc. Tôi thật khó tin kết quả tốt như vậy. Tôi muốn làm thêm vài món đồ nữa và số tiền nếu thu được sẽ gửi đi cúng dường xây dựng tháp thờ các Tổ Trung Quốc.
Cuối cùng rồi mùa xuân cũng đến! Tuyết hết rơi và đã tan trên mặt đất để nhường chỗ cho các cây non nảy mầm. Không bao lâu, chúng tôi sẽ được phép ra ngoài giải trí. Có vài cây tử đinh hương sắp sửa trổ hoa ở sân sau.
Khi tôi còn bé, nhà tôi có một cây tử đinh hương sau vườn, mẹ tôi thích nhất là loại hoa màu tím nhỏ. Ngày mai là ngày Phật đản sanh. Tôi có đọc qua một bài viết của Hòa thượng Thích Thiên Ân, người lập ra Thiền viện Đông Phương ở Los Angeles. Hòa thượng nói: “Phật đản là ngày sinh nhật của Phật cũng tức là ngày sinh nhật của mọi người”.
Tôi sẽ nỗ lực sống xứng đáng với cuộc đời này! Cảm on bài thơ Phật đản rất hay của Sư cô:
Tuyết lạnh cổng chùa đóng
Trong chùa ấm hương thiền
Phật tâm ai cũng có
Phật Đản thấy chân tâm.
Thấy rồi nhìn tuyết rơi
Nhặt hoa tuyết cúng Phật
Phật Đản “Mil-wau-kee”
Vườn sen đầy hoa tuyết.
Đúng rồi! Tháng 6 Milwaukee vẫn còn tuyết rơi. Mặt hồ thỉnh thoảng vẫn đóng băng im lặng. Ngày mừng Phật đản sẽ là ngày thảm tuyết thành rừng sen dâng cúng Phật vậy. Chúc Sư cô luôn vui khỏe.
Nam Mô Vô Ưu Thọ Hạ, Thị Hiện Đản Sanh,
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tojin
*
Ngày 3, tháng 9, năm 2008
Sư cô kính, tôi ắt phải bắt đầu từ lúc tôi không phải là một người tù gương mẫu hay một Phật tử lý tưởng. Tôi không phải là người bị phạm tội nhiều lần, không phải là thành viên của băng đảng và tôi càng không giống với đa số khuôn mẫu tù nhân ở đây. Tôi luôn có sự ủng hộ mạnh mẽ của gia đình và bạn bè. Điều này làm cho tôi ở tù được thoải mái hơn về vật chất và tinh thần. Ý của tôi là tôi có những gì tôi cần và muốn. Đối với đa số tù nhân chung quanh tôi, họ không may mắn có được điều này. Gần đây tôi có nghe qua định nghĩa của danh từ “an lạc” là do thỏa mãn được những như cầu cần thiết của con người. Điều này thật đúng, đặc biệt là ở trong tù. Đa số chiến tranh và xung đột trên thế giới là vì giành nhau những tài nguyên thì ở trong tù cũng giống như vậy. Khi những người tù cần và muốn những gì mà không được thì không có yên ổn. Ý tôi muốn nói tù nhân ở Mỹ thì khác (đầy đủ điều kiện hơn) hơn tù nhân ở nước khác dựa trên kinh nghiệm của mình đọc trên tin tức về những nhà tù ở nước khác. Vì vậy, tôi cho rằng hòa bình ở trong tù là cần thiết. Tôi từng chứng kiến nhiều tù nhân trong hoàn cảnh khó khăn, không có sự giúp đỡ của gia đình, không làm ra tiền ở trong tù và không ai để trò chuyện. Những người này phải chịu đựng nhiều sự đau khổ khác nhau cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi đã gặp qua nhiều tù nhân, họ rất chán nản, không an lạc và vô cùng bi quan. Họ dễ trở thành hung tàn và đánh đập để đoạt những gì họ muốn. Thế rồi, họ trở thành nạn nhân của sự yếu đuối và không nơi nương tựa. Tôi thấy qua nhiều cuộc ẩu đả và những hành vi tàn bạo vào lúc tôi ở tù khoảng 13 năm trước đây. Tôi biết có một gã đàn ông đã hủy diệt cuộc đời của anh ta (tự tử). Tôi cũng nghe qua những hành động bạo tàn như là đâm chém và hãm hiếp nhau (cùng giới tính) tại trong tù này.
Cho đến nay, theo kinh nghiệm của tôi, nhà tù là do người ta dựng nên. Tùy theo hiểu biết và công phu tu tập của mỗi người mà nhà tù có thể là địa ngục khiếp sợ phải né tránh hay có thể là ngôi chùa thanh tịnh để tù nhân tu tập, nương theo sự hướng dẫn của Phật ra khỏi sự si mê, chấp thủ và lừa đảo.
Tojin
*
Ngày 04, tháng 09, năm 2008,
Sư cô kính, tôi muốn nói rõ hai từ “nhà tù” (prison/ jail) và “biệt giam” (the hole, Administrative Segregation) thì khác nhau. Ở biệt giam thì bị hạn chế và nghiệm nhặt hơn là nhà tù/khám đường. Khi tôi mới bị bắt tôi bị đưa vào một xà lim biệt giam không có cửa sổ và ánh sáng lờ mờ. Tôi ở đó hết một đêm. Sau đó chuyển qua một nơi có những tù nhân bị tội tương tự như tôi. Họ đang chờ tòa án kết tội. Từ cái ngày đầu tiên đó, mọi thứ dường như mất hết hy vọng, nhưng rồi trại đưa ra thời khóa biểu để đi làm suốt ngày. Sau khi, tôi bị tòa tuyên án rồi và lại chuyển qua một nơi khác ở chung với những người phạm trọng tội. Ở môi trường này, lần đầu tiên tôi trải qua hay đúng hơn là chứng kiến cảnh hung tàn hầu như là mỗi ngày. Mọi tù nhân bị căng thẳng quá mức bởi vì tương lai của chúng tôi mờ mịt không chắc chắn. Sự căng thẳng này cần phải giải tỏa bằng cách là nhắm vào những người tù khác hay là các nhân viên để gây chiến và bùng nổ giống như “giận dao chém thớt”.
Những cuộc xung đột hỗn loạn thường thấy ở nơi này, theo kinh nghiệm của tôi, tốt nhất là nên tránh. Một cách đơn giản, đó không phải là chuyện của mình, không xen vào chuyện của người ta, tách mình ra khỏi chốn hỗn loạn đao binh. Cá nhân tôi không trực tiếp bị người ta đánh. Nhưng có nhiều lúc những trận đánh nhau xảy ra gần chỗ tôi khoảng vài bước chân. Theo kinh nghiệm trải qua, tôi nhận thức được sự đe dọa ngay cả trong tâm lẫn bên ngoài. Những sự đe doạ này do tôi cảm nhận nhiều hơn là khi sự kiện xảy ra thực sự.
Ý của tôi là lần đầu tiên đến nhà tù hay khám đường, tôi luôn có sự sợ hãi và chú ý mọi người xung quanh. Tôi lo lỡ nói sai lời hoặc làm sai việc gì. Có những mã số nhất định về “nội qui” mà đa số các tù nhân tuân theo để sống và phải mất một thời gian mới hiểu được mã số này. Tôi đã không mất nhiều thì giờ, có lẽ chỉ vài năm là tôi đã thật sự nhận ra sự sợ hãi không còn nữa chỉ có sự nhận thức là quan trọng. Tôi nhận ra tự mình làm mình sợ, hơn là người khác làm mình sợ.
Đây là một chân lý cho tù nhân. Nhiều người làm ra dáng vẻ mạnh bạo bề ngoài nhưng khi bị thử qua thì lộ ra bộ mặt thật nhút nhát của họ.
Để được tồn tại ở đây thì chỉ đơn giản là bỏ ra một ít thời gian để học thích nghi với môi trường mới. Nhiều bạn bè và thân nhân đã ngạc nhiên khi thấy tôi biết thích nghi theo hoàn cảnh nhà tù khá giỏi. Nhưng cũng có nhiều tù nhân không được may mắn lắm. Họ không có sự giúp đỡ vật chất và tinh thần trong lúc chán nản. Cảm giác thất vọng bi quan, chán nản này là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề ở đây.
Tojin
*
Ngày 9, tháng 9, năm 2008,
Sư cô kính, bên ngoài trời đang mưa. Sân tù như tràn đầy sức sống của những cây non sắp nảy mầm. Cây đinh hương đã trổ hoa và cỏ mọc lên như một tấm thảm nhung xanh mượt. Khoảng đất cạnh cánh đồng chúng tôi thể thao có một hàng rào gần đó, bây giờ có rất nhiều trứng chim. Hy vọng những quả trứng này được an toàn nguyên vẹn cho tới khi nở con. Mỗi năm trứng chim đều được nở con cùng một chỗ, ít nhất là từ khi tôi đến đây.
Tôi vẫn tiếp tục đọc và thích những quyển sách của Sư cô gửi. Quyển luận án “Bồ tát và tánh không” của Sư cô là một kho tàng mà tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu từ đây. Tôi nghĩ sẽ mất một khoảng thời gian để đạt được kiến thức uyên thâm để hiểu những ý trong sách này của Sư cô. Phần chính của môn thi báo chí hàm thụ này là những chương về nghiệp. Tôi đã đạt được điểm cao trong hai bài tập đầu tiên.
Tôi vẫn bận rộn với công việc sơn tường và với sở thích thêu thùa. Tôi sã gửi Sư cô một món quà pháp mà tôi đang thêu đan. Tôi sẽ nhờ em gái hoặc em rễ đem đến chùa Phước Hậu cho Sư cô. Chắc ít nhất cũng mất khoảng vài tuần. Tôi sẽ đan một bức lộng đó có chữ “Phật, Pháp và Tăng” (Buddha, Dharma, Sangha) cùng với ba hình Đức Phật tọa thiền. Nền của bức họa được làm bởi nhiều màu sắc thiên nhiên khác nhau. Tôi nghĩ màu vàng của bức lộng này trông hợp với màu y vàng sậm của Sư cô thường đắp khi đến gặp chúng tôi. Xin Sư cô vui lòng nhận món quà này như là sự đền đáp tình thương của Sư cô dành cho tôi và các tù nhân tại đây.
Gần đây tôi thường pháp đàm với những bạn tù. Rõ ràng là tôi rất thích tư tưởng Phật pháp. Giáo pháp của Phật rất hiệu nghiệm đối với tôi đến nỗi tôi tiếc vì những người bạn tù không thấy được sự mầu nhiệm của pháp thoại. Điều này cũng đã chứng minh: tôi là một người dễ gần gũi. Nhiều người tìm đến nhờ tôi cho lời khuyên, góp ý và đôi khi họ không thích nghe tôi khuyên nhưng vẫn trở lại tìm tôi nữa. Tôi biết tôi đã giúp giải tỏa được một số người và họ trở lại đền ơn tôi nhiều hơn. Nói cho cùng là vì chúng tôi đều đồng cảnh ngộ. Có điều làm tôi buồn là tôi không thích suy nghĩ theo lối thông thường giống như cầu an những người khác và thỉnh thoảng tôi có khó khăn để giải thích ý nghĩ của mình, mặc dù tôi dư biết tôi muốn nói gì. Nhưng cuối cùng, mục đích của tôi cũng đạt được.
Sư cô kính, thỉnh thoảng tôi nhận ra mình khôn hơn, nhận thức và trực giác cao hơn những người xung quanh. Tôi nhận ra điều này là tự cao và háo thắng khi cho những cảm giác này là thật. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy xấu hổ về việc này nhưng không phải luôn luôn như vậy.
“Phương pháp phát bồ đề tâm” trong sách của Sư cô rất là quan trọng đối với tôi. Tôi cố giữ tỉnh giác, phát nguyện và tránh không vi phạm lỗi nữa.
Tojin
*
Ngày 18, tháng 10, năm 2008,
Sư cô kính, tôi cám ơn Sư cô đã gửi cho tôi nhiều sách Phật, tôi sẽ chia sẻ với những người bạn đồng tu ở nhà nguyện. Tôi biết chúng rất hữu ích cho chúng tôi.
Sư cô, chúng ta không thể có hết tất cả các câu trả lời về những sự đau khổ của cuộc đời và hơn nữa mỗi nguời hình như có niềm đau riêng. Tôi muốn nói tôi không phải là một người hoàn hảo. Điêu này thực sự không những khó nhận ra khuyết điểm của mình mà còn khó chấp nhận nữa. Giáo pháp của Phật hiệu nghiệm đối với tôi và thông qua đó, tôi đã từng giúp được cuộc đời của nhiều người khác. Một chướng ngại của tôi là tôi dựa vào lối suy nghĩ riêng của mình trong lúc giúp người. Không phải ai ở đây cũng sẵn sàng để sửa đổi. Gần đây tôi đang thất vọng về một người bạn tù. Anh ta ở tù vì tội mua bán bạch phiến và cùng nhiều tội nhỏ khác. Những tội lỗi trong cuộc đời của anh ta hầu như là do tập tành theo băng đảng xấu. Tôi đã bỏ nhiều thời giờ khuyên anh ta và anh ấy hứa với tôi sẽ từ bỏ tất cả. Nhưng rồi chính mắt tôi nhìn thấy anh vẫn còn dính líu kết bè đảng nữa. Tôi thật là thất vọng vì anh ta cũng giống như một số tù nhân khác ở đây, có rất nhiều năng lực để làm nhiều việc hữu ích giúp cho thế giới này nhưng lại chọn sai đường đi.
Sư cô, tôi từng gặp nhiều tù nhân ở đây. Bản chất họ thật tốt nhưng lại quyết định sai lầm, bao gồm cả tôi! Tôi cũng từng gặp vài người tuy bản chất tàn bạo xấu xa nhưng lại trở thành lương thiện. Tôi rút ra một kết luận là “thế giới tù” cũng là “thế giới tự do” không khác nhau. Khả năng hướng thiện hay ác là do tự tâm mỗi con người. Sự chọn lựa này sẽ quyết định hướng đi cuộc đời phía trước của chúng tôi.
Một đoá sen dâng tặng Sư cô.
Tojin
__________________
[1] www.50state.com/us.htm: 1.Alabama, 2.Alaska, 3.Arizona, 4.Arkansas, 5.California, 6.Colorado, 7.Connecticut, 8.Delaware, 9.Florida, 10.Georgia, 11.Hawaii, 12.Idaho, 13.Illinois, 14.Indiana, 15.Iowa, 16.Kansas, 17.Kentucky, 18.Louisiana, 19.Maine, 20.Maryland, 21.Massachusetts, 22.Michigan, 23.Minnesota, 24.Mississippi, 25.Missouri, 26.Montana, 27.Nebraska, 28.Nevada, 29.New Hampshire, 30.New Jersey, 31.New Mexico, 32.New York, 33.North Carolina, 34.North Dakota, 35.Ohio, 36.Oklahoma, 37.Oregon, 38.Pennsylvania, 39.Rhode Island, 40.South Carolina, 41.South Dakota, 42.Tennessee, 43.Texas, 44.Utah, 45.Vermont, 46.Virginia, 47.Washington, 48.West Virginia, 49. Wisconsin, 50.Wyoming
[2] Xin xem http://www.50states.coxm/wisconsi.htm
[3] www.milwaukeezencenter.org