– I –
Dạo đó là vào những năm 1956 hay 1957 gì đó, nghĩa là sau khi đất nước bị chia cắt khoảng hai hoặc ba năm. Làng quê tôi và có lẽ nhiều làng quê khác cũng vậy. Sau gần hơn nửa thế kỷ sống trong chiến tranh và ly loạn, nên mặc dù còn nghèo khổ mà chừng như người dân ai cũng tha thiết với cuộc sống họ vừa tìm lại được.
Khi lớn lên ra sống tại các thành phố, tôi vẫn thường đem hai cuộc sống ra để so sánh, và những lúc ngồi một mình tôi vẫn thường nghĩ vẩn vơ rằng, người dân ở thành phố yêu cuộc sống là một điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì họ có của cải, tài sản và nhiều thứ khác nữa để mà yêu. Hay nói đúng hơn là họ chỉ yêu cuộc sống qua của cải và tài khoản cất ở ngân hàng, chứ không phải yêu chính cuộc sống.
Nhưng trái lại khi những người dân quê yêu cuộc sống thì tình yêu đó mới đúng là tình yêu vô điều kiện, vì họ chẳng có gì cả, ngoài tấm lòng tha thiết mà họ muốn hiến dâng cho cuộc sống.
Nhưng điều đáng buồn là, có lẽ hầu hết mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều yêu cuộc sống qua của cải, tài sản hay cao hơn một chút nữa là địa vị và danh lợi. Chính vì thế mà mới có đấu tranh, sát phạt lẫn nhau để dành phần thắng về cho mình. Và rồi tôi cũng tự kết luận để nhắc nhở cho chính tôi rằng, nếu ta chỉ yêu cuộc sống mà không qua bất cứ trung gian nào thì có lẽ cuộc đời của ta và cả thế giới này nữa sẽ bớt đi rắc rối và phức tạp như hiện nay chăng?
Hồi ấy tôi mới lên tám hoặc chín tuổi, vẫn thường vào chơi trong một ngôi chùa. Chùa nằm ngay dưới chân núi sau làng. Ngôi chùa này vốn do em của ông Sơ tôi lập nên, và hiện do người chú ruột của tôi làm trụ trì. Sư chú tôi vẫn thường kể lại một cách say sưa cho tôi nghe về những ngày đầu của ngôi chùa như thế này:
Em của ông Sơ tôi (mà có lẽ Sư chú tôi phải gọi đến ông Cố Thúc, còn tôi thì phải gọi đến ông Sơ Thúc?), đi tu hồi chưa đầy lên mười. Về mặt trí tuệ thì chẳng có gì xuất sắc, nhưng về phương diện tu trì thì tất cả các bạn đồng tu đều phải kính nể. Sau khi đắc pháp với một cao tăng được xem là thông tuệ nhất trong tỉnh thời bấy giờ, thì sau đó ông Sơ Thúc của tôi được Bổn Sư và Sơn Môn cung thỉnh về giữ chức trụ trì tại một ngôi chùa nổi tiếng là đẹp nhất của tỉnh. Chùa rất giàu, có đến mấy trăm mẫu ruộng do các quan lại địa phương và những phật tử giàu có hiến cúng. Sỡ dĩ các quan lại địa phương tích cực hỗ trợ cho chùa như vậy vì ngoài là một ngôi chùa đẹp ra, còn có một lý do khác nữa, đó là có một thời một vị quan hàng đầu của triều đình Huế vốn quê quán ở đây về nhập thất tu Thiền tại chùa này hơn hai năm. Vị quan này không chỉ nổi tiếng về đức thanh liêm, mà còn là một nhà soạn tuồng, một nhà thơ tài hoa nữa. Có hai câu thơ đầy hạo khí của vị quan đi ở ẩn này mà tôi đã nghe và thuộc lòng từ thời còn để chỏm:
Lao xao sóng bủa ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải mang.
(Đào Tấn)
Nhưng ông Sư Thúc của tôi đã từ chối làm trụ trì ngôi chùa nổi tiếng giàu có và nhiều thế lực này, âm thầm về lại làng xưa, một mình lặng lẽ vào sâu trong chân núi dựng một thảo am để tu trì.
Vùng núi này rất nhiều cọp, có hôm trời mới nhá nhem tối mà cọp đã ra tận ngoài làng để bắt trâu bò, ít nhất đã có một người trong làng bị cọp bắt mang đi rồi mất xác luôn. Mối lo sợ như bao trùm cả xóm làng, nên cứ mỗi khi chiều đến là các cửa đều đóng kín mít, làng xóm không một bóng người qua lại. Nhưng từ khi ông Sư Thúc của tôi về dựng thảo am dưới chân núi, thì cọp gần như không xuống làng để rình mồi nữa, dù thỉnh thoảng dân làng vẫn còn nghe tiếng cọp gầm gừ từ núi cao vọng về.
Từ đó, cứ đêm đến là dân làng lại hướng về rặng núi, mà trước kia đối với họ như một hung thần chỉ chờ giáng tai họa xuống trên đầu họ. Nhưng từ ngày có bậc chân tu về tu hành thì rặng núi đối với họ lại trở thành một đám mây lành che mát cho cả dân làng.
Tất nhiên, người nhà quê với đầu óc chất phác, ít phân biệt thế nào là đúng thế nào là sai, nên có thể họ đã phóng đại những điều mà họ đã nghe kể, và cứ khăng khăng cho đó là chuyện có thật.
Nhưng có một điều mà tôi tin chắc là có thật. Đó là ngọn núi sau chùa rất nhiều cọp. Khi tôi vào chùa, nghĩa là cách ông Sư Thúc của tôi đến hơn cả trăm năm rồi vậy mà vẫn còn rất nhiều cọp.
Tôi vẫn còn nhớ có một đêm vào mùa đông, trời đất tối tăm mù mịt, khoảng nửa đêm bỗng đâu có hai con cọp, chắc là đi tìm mồi trên đường trở về núi, cọp dừng lại sau chùa rồi rống lên, tiếng rống của cọp làm kinh động cả núi rừng. Lúc đó tôi đang ngủ nơi nhà Tây của chùa, vách chùa lại mỏng quá vì chỉ trét bằng rơm và đất. Tôi sợ quá, nhưng không biết trốn ở đâu nên đành lấy chiếu trùm kín cả đầu để cho bớt sợ.
Tuổi thơ của tôi vốn đã hoang lạnh, nên khi nghe tiếng rống của cọp vang lên trong đêm, tôi lại càng thấy tuổi thơ của mình bơ vơ lạc lõng hơn nữa trên cuộc đời này.
Sở dĩ Sư chú tôi thường đem chuyện Tổ khai sơn của chùa ra để kể cho tôi nghe là để ông khuyến khích việc đi tu của tôi. Vì sau mỗi lần kể ông đều than thở rằng: “Ông Bà mình thì tu hành như vậy, mà con cháu bây giờ chẳng biết gì đến chuyện phước đức hết, chỉ đợi đến ngày giỗ là giết gà giết vịt đặt lên bàn cúng cho có chuyện, rồi dọn xuống ăn uống, nói chuyện nhảm nhí, lại cứ nghĩ rằng là báo đáp ân đức cho Ông Bà”.
Mặc dù còn quá nhỏ, cái tuổi chưa thể rời mẹ để vào ở hẳn trong chùa được, nhưng sở dĩ Sư chú vẫn muốn tôi vào chùa vì ông sợ tôi nhập bọn với lũ trẻ ngoài làng lang thang lêu lõng mà bỏ bê việc học hành. Tôi biết đó là tình thương đặc biệt mà Sư chú tôi đã dành riêng cho tôi, vì tôi vẫn thường nghe ông nói với Bổn Đạo của chùa “Tội nghiệp thằng nhỏ chưa sanh ra đời mà đã mồ côi cha”.
Nhưng Sư chú tôi đâu biết được rằng, cái không khí tĩnh mịch của ngôi chùa cùng núi rừng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tuổi thơ tôi. Tôi có thể ngồi chơi một mình mà không cần nhập bọn quậy phá ồn ào với bọn trẻ nữa. Thay vì buổi trưa rủ nhau đi tắm sông hoặc bắt chuồn chuồn, châu chấu, cào cào đem về cho chim con ăn, thì tôi có thể ra ngồi dưới gốc cây xoài trước chùa để ngắm bầu trời cao rồi tha hồ nghe tiếng hót của các loài chim, nào chim chìa vôi, chích choè, chớp quạch, khứu, vv… Thỉnh thoảng lại nghe tiếng tu hú gọi bầy từ núi cao vọng xuống nữa, nhưng thích nhất vẫn là tiếng gáy của cu cườm. Chúng thường bay về đây từng đàn, đặc biệt là mùa gặt từ tháng 2 đến tháng 3. Con cu cườm ít đứng trên cây mà lại thường đứng trên các tảng đá sau chùa rồi cùng nhau gáy vang cả núi rừng trong những buổi trưa hè tĩnh mịch. Nhưng tôi lại ít thích nghe cu cườm gáy từng bầy, mà lại thích nghe từng con gáy. Nếu cu đứng càng xa thì tiếng gáy của nó cang mê hoặc đối với người nghe hơn nữa.
Một buổi trưa, có lẽ là mùa hè, Sư chú tôi từ trên nhà Tây đi xuống gặp tôi ông liền nói: “ Hồi trưa có con cu cườm ở đâu bay đến đậu nơi cây mít gần cửa sổ mà gáy. Tiếng gáy của nó nghe thanh tịnh quá!”.
Câu nói vô tình của Sư chú tôi, một tu sĩ suốt đời chỉ quanh quẩn ở thôn quê, chưa hề đọc bất cứ một quyển sách nào nói về cái đẹp của thiên nhiên, nghĩa là chưa hề biết cái đẹp theo nghĩa trong sách vở là gì hết, vậy mà câu nói mộc mạc ấy đã đeo đuổi tôi đến tận bây giờ, nhất là bốn chữ cuối “nghe thanh tịnh quá”. Mahatma Gandhi có nói đâu đó rằng:” Cái gì mà tuổi thơ ta đã sống thì cái đó sẽ điều động ta suốt cuộc đời”.
Đúng là như vậy rồi. Trước đây cũng như bây giờ mỗi lần đi giữa phố bất chợt nghe được tiếng gáy của cu cườm từ một ngôi nhà nào đó vọng ra là tự nhiên tôi phải đi chậm lại để nghe cho kỳ được. Dù tiếng gáy của cu cườm bị tiếng động của xe cộ cùng sự ồn ào huyên náo của con người thành phố lấn át nhưng tôi vẫn có thể lắng nghe được tiếng vọng xa xôi từ một vùng quê tĩnh mịch của tuổi thơ dạo nào. Nơi đó, có ngôi chùa cổ vẫn đứng trầm mặc giữa bầu trời cao của mùa hạ.
Có một nhà thơ Việt Nam hiện đại, buổi trưa nằm nghe cu cườm gáy cũng nhớ đến một cái gì xa xôi heo hút và mơ hồ như vậy:
Một buổi trưa không biết tự thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ!
(Huy Cận)
Nhưng có lẽ cái xa xôi heo hút mà thi nhân nghe được đó cũng chỉ là cái xa xôi heo hút của tuổi thơ mà thi nhân (cũng như tất cả chúng ta) đã đánh mất mà thôi chứ không phải cái xa xôi heo hút mà tôi đã thoáng thấy dù rất mong manh trong những năm tháng của tuổi thơ sống trong ngôi chùa cổ ấy.
Nhưng có một điều lạ lùng là, khi tôi đọc được tác phẩm của một triết gia Tây Phương người Đức ở cuối thế kỷ 19, thì tôi lại thấy được cái buổi trưa như tôi đã thoáng thấy nơi ngôi chùa cổ từ dạo tuổi thơ xa xôi. Chỉ có khác là nơi tác phẩm của triết gia ấy không có ngôi chùa cổ cùng tiếng gáy của cu cườm mà thôi.
Đó là Nietzsche, triết gia mà trước 1975, những người trẻ tuổi sống ở các thành phố miền Nam qua các bài viết của Phạm Công Thiện, Ngô Trọng Anh, Trần Xuân Kiêm, Lê Tôn Nghiêm… trên tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, một tạp chí được xem như hấp dẫn nhất của trí thức trẻ thời bấy giờ, đều xem Nietzsche như một thứ Bồ Đề Đạt Ma, hay một thiền sư ngang ngược của Phật Giáo đã xuất hiện để làm một cuộc đảo hoán mọi giá trị của truyền thống tư tưởng Tây Phương.
Theo Trần Xuân Kim, trong bản dịch Zara thustra đã nói như thế[1] thì khi bắt đầu phác họa dự tính viết một bản trường thi dài gồm bốn phần, liên quan đến nhà tiên tri Zara thustra thì Nietzsche lấy tên là Ngọ Thiên và Vĩnh Cửu (Mittag und Ewigkeit). Nhưng rồi cuối cùng Nietzsche đã quyết định đặt tên cho bản trường thi ấy là Zara thustra đã nói như thế, nghĩa là đồng vọng lại lời mở đầu trong các bộ kinh của Phật Giáo: Như thị ngã văn (Tôi đã nghe như thế).
Khởi đầu chương viết về buổi Ngọ Thiên (Mittag), Nietzsche để Zara thustra cất bước chạy dưới buổi trưa, trong khi Zara thustra chạy mà “Không gặp bất cứ một ai, hắn cô thân độc ảnh và tự tìm gặp lại chính mình, hưởng thụ sự cô đơn, nếm nhấp sự cô đơn đó và nghĩ đến những điều tốt đẹp suốt mấy giờ liền”. Zara thustra trong lúc đang chạy thì gặp một cây cổ thụ có treo lủng lẳng những chùm nho chín mọng như muốn hiến dâng cho lữ khách qua đường. Zara thustra có ý định làm dịu cơn khát bằng cách hái những chùm nho đó nhưng khi vừa đưa tay lên hái thì “lòng hắn lại nổi lên một khát vọng khác, mãnh liệt hơn: ước vọng được nằm dài ngủ dưới gốc cây trong buổi Chánh Ngọ của đất trời”. Và rồi: “Zara thustra đã nằm dài trên mặt đất, trong nỗi im lặng tịch mịch cùng niềm bí ẩn của cỏ dại muôn màu”.
Và rồi Nietzsche đã để cho Zara thustra thì thầm những lời bí ẩn giữa buổi Ngọ Thiên: “Ồ hạnh phúc! Hỡi linh hồn ta, có gì mà mi không ca hát chứ? Mi đang yên nghỉ giữa lòng cỏ dại. Nhưng bây giờ là giờ phút bí mật và trang trọng…” và: “Hãy coi chừng! Buổi Ngọ Thiên thiêu đốt, đang ngủ yên trên những đồng cỏ. Đừng ca hát, “Hãy im lặng! Thế giới đã thành tựu…”.
Và câu trên được Nietzsche lặp đi lặp lại trong suốt chương viết về buổi Đại Ngọ Thiên:
“…Im lặng! Im lặng! Thế giới há chẳng phải vừa thành tựu đó sao? Việc gì đang xảy đến cho ta đây.[2]
Và đó có lẽ cũng là câu mà tôi đã cảm nhận được dù rất mơ hồ từ những buổi trưa tĩnh mịch và thanh tịnh nơi ngôi chùa cổ của thời thơ ấu đã xa.
Dường như nơi mỗi người trong chúng ta, vào những giờ phút vắng lặng nhất, ít nhất một lần nào đó trong đời cũng đều bắt gặp giây phút đó. Nên gọi giây phút đó là giây phút gì? Không thể nào diễn tả được. Ta chỉ biết đó là giây phút mà trái tim ta đã đập rộn ràng cùng với nhịp đập của thiên thu vĩnh cửu.
Đối với Phật Giáo, chẳng phải từ 2546 năm nay giờ Ngọ đã là giờ thiêng liêng nhất sao? Vì vào giờ ấy, sau khi đi khất thực về, Đức Phật đã lặng lẽ thọ trai, thuyết pháp rồi đi vào thiền định.
Nếu như những buổi trưa tĩnh mịch ngôi chùa đã dạy cho trái tim tôi biết rung động với đất trời mênh mông, thì khi đêm tối đến, ngôi chùa như cũng đã thì thầm với tôi rằng, hãy kiên trì, hãy nhẫn nại như mặt đất, như lời kinh tiếng kệ được vang lên vào mỗi đêm, rồi một lúc nào đó thì đêm tối của cuộc đời này cũng sẽ tan mất mà thôi.
Bởi vậy, khi đêm đến tôi còn có một đam mê khác nữa, niềm đam mê mà tôi vẫn tự hào rằng, những đứa trẻ cùng tuổi với tôi ngoài làng sẽ không bao giờ biết được, hay nói đúng hơn thì chúng chẳng thấy có cái gì gọi là vui trong đó hết. Đó là tôi rất thích được nghe tụng kinh Lăng Nghiêm vào bốn giờ sáng.
Cứ mỗi lần tụng xong bước ra khỏi Chánh Điện là Sư chú tôi đều thấy tôi ngồi ngoài hành lang để nghe tụng kinh, gần như không có khuya nào vắng cả. Chính vì khuya nào cũng nghe tụng, nên khi chính thức xuống tóc đi tu và bắt đầu học kinh Lăng Nghiêm thì đâu chỉ chừng hai tuần là tôi thuộc cả năm đệ Lăng Nghiêm cùng Đại Bi Thập Chú. Sư chú tôi rất mừng, nên mỗi khi có ai đến thăm chùa nhất là quý thầy trong Sơn Môn, thì ông đều đem tôi ra để khoe rằng tôi học rất sáng. Riêng tôi thì chẳng thấy hãnh diện gì cho lắm, vì đã nghe tụng đến hơn cả hai năm trời thì học thuộc trong hai tuần là chuyện tất nhiên rồi.
Thỉnh thoảng ngoài làng có người bệnh, thì họ lại đem tên vào để nhờ Sư chú tôi tụng kinh cầu an. Những lúc ấy tôi lại còn được nghe ông trì chú Chuẩn Đề nữa.
Tuổi thơ vốn rất sợ ma, mà đã sợ ma thì tất nhiên phải sợ bóng tối, nên tôi cứ trông sao có người vào xin cầu an, để được nghe Sư chú tôi trì tụng chú Chuẩn Đề, nhất là câu Lục tự đại minh chơn ngôn án ma ni bát di hồng được liên tục đọc lên giữa đêm khuya khiến tôi cảm thấy bớt sợ và thấy như có thêm sức mạnh khi bị bắt buộc phải đối diện với bóng tối quanh chùa.
Vì Sư chú tôi còn là một vị Gia Trì nổi tiếng, nên các thầy thỉnh thoảng đến xin học chẩn tế. Buổi học thường diễn ra sau khi tụng kinh xong, nghĩa là khoảng sau 8 giờ, với thôn quê giờ ấy là đã khuya lắm rồi. Tôi ngồi lắng nghe các thầy học thỉnh 12 câu trong khoa, khi thỉnh đến những câu như:
Trường dạ man man hà nhật hiểu
U quang ẩn ẩn bất tri xuân
(Ôi thôi! Đêm trường thăm thẳm bóng ma
Cửa mù thiu thỉu như trời thu đông)
Hoặc câu:
Kinh song lãnh thẩm tam canh nguyệt
Thiền thất hư minh bán dạ đăng
(Ôi thôi! Kinh song trăng thẳm lạnh lùng
Nhà Thiền leo lét đèn chong canh dài)
Thì tôi thấy cảnh trong lời thỉnh sao giống y như cảnh mà tôi đang sống ở đây quá, cũng những ngọn đèn dầu leo lét giữa đêm khuya mù mịt, ngoài trời thì từng đàn đom đóm bay lập loè trên các ngôi mộ giống như những oan hồn đang trở về vì còn nhớ thương dương thế.
Trong Khoa có bài tán Khô Lâu có những câu để cảnh tỉnh những oan hồn vất vưởng như thế này:
“…Xiết than người thế ra chi, kiếp phù sinh gởi tháng ngày bao lăm. Ác vàng thỏ bạc xâm xâm, bóng quang âm thoắt trăm năm mấy hồi. Dần dà chi nữa người ơi, sớm lìa bể khổ cho rồi kiếp ma…”[3]
Có lẽ đó là quyển sách đầu tiên mà tôi đã học được về những thống khổ của kiếp người, và vị thầy đầu tiên giảng cho tôi hiểu quyển sách thống khổ ấy không phải là một vị giáo sư cầm phấn đứng trước bảng đen mà chính là đàn đom đóm bay lập loè trên những ngôi mộ trước sân chùa mà tuổi thơ tôi đã từng nơm nớp lo sợ mỗi khi bóng đêm bắt đầu đổ xuống ở núi rừng thuở ấy.
Chính vì nhờ học được những gì từ trời cao đất rộng như vậy, nên tôi vẫn nghĩ rằng, nếu chỉ học Đạo giữa bốn vách tường an toàn thôi thì khi thỏng tay đi vào chợ đời sẽ dễ bị lợi danh của chợ đời quyến rũ. Đó là bài học đau lòng mà ta có thể thấy được không phải từ đâu xa mà ở nơi đây, ngay tại đất nước này. Vậy ta phải học Phật như thế nào? Hay nói đúng hơn hạt giống bồ đề nên gieo ở đâu? Một nhà Phật học của Phật giáo Việt Nam hiện tại đã viết:” Hạt giống Bồ Đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chỉ đợi để được gieo vào một vùng đất hứa nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sanh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sanh này…”[4].
Và bởi vậy: Bồ Đề Tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sanh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm, giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ Đề Tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “ Vui cười gì, thích thú gì, giữa những ngọn lửa không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm ngọn đuốc.[5]
Làm sao có thể viết được những lời trên nếu người viết chưa một lần thể hiện “ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy?”
– II –
Chúng ta, những con người ngụ cư trên mặt đất phù du này thật là tội nghiệp. Sống thì lúc nào cũng mong đợi một tin vui, một chút hạnh phúc dù rất mong manh. Nhưng khi niềm vui hay hạnh phúc đó đến rồi thì chúng ta lại lo sợ cái hạnh phúc đó sẽ mất:
Xuân đang đến, nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già
Mà Xuân hết thì đời tôi cũng hết
(Xuân Diệu)
Dù có những người cố vui, cố níu kéo một chút hạnh phúc mong manh ấy, xem như không có gì xảy ra cả. Nhưng trong cách nói của họ dường như vẫn không giấu được nỗi sợ hãi:
Ôi người ta đi hóng Xuân
Cho tôi theo với, kéo tôi gần!
Rộn ràng bước nhịp hương vương gót
Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân
(Huy Cận)
Tất nhiên thi nhân là kẻ hiểu hơn ai hết vì sao họ lại phải níu kéo cái đẹp một cách tuyệt vọng đến như vậy:
Về đâu, về đâu thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào
(Huy Cận)
Vì luôn luôn bị ám ảnh bởi sự tàn phá của thời gian, bởi cái chết đè nặng trên tâm hồn nên họ thấy cuộc đời chỉ là hư vô, là ngõ cụt, ngay cả cái đẹp cũng vô nghĩa như vậy:
Xuân lan Thu cúc thành hư sự
Hạ thử Đông hàn đoạt thiếu niên
(Lan mùa Xuân, cúc mùa Thu đã trở thành chuyện hão
Vì mùa Hạ nóng mùa Đông lạnh đã cướp tuổi xanh mất rồi)
(Nguyễn Du)
Đây có lẽ là vấn đề trọng đại nhất mà Thiền, qua các Thiền sư đã nỗ lực hết mình để giải quyết cho kỳ được.
Ta thử xem các Thiền sư thi sĩ đã giải quyết các vấn đề sống chết này bằng cách nào?
Một hôm vua Lý Nhân Tông đến viếng một ngôi chùa ở huyện Tiên Du (Bắc Minh) gặp Thiền sư Thiền Lão, nhà vua hỏi:
– Hàng ngày Thiền sư làm việc gì?
Thiền Lão đáp:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chơn
(Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân)
(Mật Thể dịch)
Rồi nhà vua liền hỏi tiếp:
– Vậy Thiền sư ở chùa này đã bao lâu rồi?
Thiền Lão cũng trả lời lại bằng hai câu thơ:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu Xuân Thu
(Sống ngày nay biết ngày nay
Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!)
(Mật Thể dịch)
Bốn câu thơ trên là những câu Kệ được hỏi và đáp theo cách của Thiền. Nghĩa là người bị hỏi phải trả lời ngay tức khắc, không do dự cũng như không kịp suy nghĩ.
Điều đó chứng tỏ tâm hồn của vị Thiền sư đời Lý này của quê hương đã vượt qua mọi rào cản, mọi giới hạn, không còn phân biệt nội giới cũng như ngoại giới nữa. Chẳng hạn như cây trúc xanh biếc, bông cúc đang nở rộ vàng rực trước sân chùa hay mây trắng trăng sáng trên đỉnh núi vào những đêm rằm kia đâu phải là cái gì xa lạ ở bên ngoài ta, mà chính là sự phản chiếu của một tâm hồn đã an vui, một tâm hồn đã đến được trung tâm điểm của Đạo, của vũ trụ hồn nhiên như nhiên. Và như vậy ý niệm về thời gian như quá khứ, hiện tại và vị lai do ý thức của con người phân chia tất nhiên cũng phải chấm dứt theo.
Cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục viết “Khi đã có tâm hồn vui đạo, luôn luôn cảm thông với nguồn sống thiên nhiên siêu nhiên tràn ngập trong không gian thời gian thì làm sao còn lo nghĩ đến sống chết, quá khứ và vị lai. Bất cứ lúc nào cũng hiện tại, mà chỉ có hiện tại thôi, vì hễ có sự hiện diện của Đạo thì một khoảnh khắc cũng là cả một vĩnh cửu vô thủy vô chung vậy. Cho nên bảo phải biết sống lúc đang sống là đầy đủ không phải lo nghĩ đến cái đã qua cũng như cái gì sắp tới…”[6]
Vậy là đúng như lời của Thiền Sư Khánh Hỷ cũng ở đời Lý:
Đạt thời biến cảnh túc
Bất ngộ vĩnh quai sơ
(Khi đạt thì đâu cũng là cảnh tượng đầy đủ
Không ngộ thì mãi mãi sai lầm)
Vua Trần Nhân Tông hồi còn trai trẻ cũng đã từng đam mê rồi đau khổ khi thấy những mùa Xuân chóng qua cùng với tuổi trẻ của mình:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất Xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
(Niên thiếu chưa từng hiểu Sắc, Không
Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng
Diện mục Xuân nay từng khám phá
Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng)
(Nguyễn Lang dịch)
Câu: Nhất Xuân tâm tại bách hoa trung (Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng), nghe chan chứa tình người làm sao!
Ta có thể hiểu rằng đó là Trần Nhân Tông muốn nói lên niềm đam mê cái đẹp mong manh khi còn trai trẻ của chính mình. Nhưng nếu hiểu đó là tình thương bao la của Thiền sư thi nhân đối với cái đẹp mong manh tội nghiệp mà tất cả chúng ta đang nâng niu một cách tuyệt vọng thì cũng không sai mấy.
Dường như tất cả những tâm hồn vĩ đại đều khởi đầu bằng tình thương rất người này.
Trần Nhân Tông chắc cũng chẳng ra khỏi ngoại lệ đó? Không còn hồ nghi gì nữa, chính tình thương vô hạn đối với sự thống khổ của con người mà Trần Nhân Tông mới đủ sức mạnh tinh thần để đẩy lùi hai cuộc xâm lăng của một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, và cũng chính vì tình thương này mà Trần Nhân Tông mới đủ can đảm vứt bỏ ngai vàng cùng với tất cả những vinh hoa phú quý bọt bèo lại sau lưng để đi lên tận đỉnh núi Yên Tử mà Tham Thiền Nhập Định. Để rồi cuối cùng đã tìm thấy một mùa Xuân vĩnh cửu cho chính mình, một mùa Xuân không bao giờ sợ phải tàn phai nữa.
Và phải chăng cuộc từ bỏ vĩ đại này cũng đã nuôi dưỡng sức mạnh tâm linh cho toàn thể dân tộc Việt từ đó cho đến bây giờ và sẽ còn tiếp tục cho đến những thế kỷ sau nữa?
Có một Thiền sư Nhật Bản ở thế kỷ 12 tên là Saigyo, Thiền sư thi sĩ này được thi ca Nhật bản tôn là nhà thơ của hoa Anh Đào (nở vào mùa Xuân). Saigyo chắc cũng đã vượt qua được nỗi sợ hãi về cái chết và sự tàn phá của thời gian?
Trong thi phẩm Nhà trên núi (Sankashu), có một bài thơ Thiền sư ước ao được chết cùng với hoa Anh Đào trong một đêm trăng rằm nào đó:
Ước vọng của tôi
Là được chết
Dưới cội hoa Anh Đào
Vào đêm trăng rằm
Trong ánh mùa Xuân
(Nhật Chiêu dịch)
Ước vọng ấy của Saigyo đã thành sự thật. Thiền sư đã tịch vào ngày rằm tháng Hai âm lịch nhằm vào năm 1190, nghĩa là đúng vào ngày vía Đức Phật nhập Niết Bàn, giữa mùa trăng và mùa hoa Anh Đào đang nở rộ.
“Hãy dâng hoa Anh Đào lên cúng Phật, khi nào còn nghĩ đến tôi”
Đó là câu nói cuối cùng mà Thiền sư Saigyo đã gởi lại cho hậu thế.
Đó có thể gọi là chết không? Hay chỉ là một cuộc lên đường để đến một nơi mà như lời thỉnh trong nghi cúng linh của Phật Giáo:
Viễn quan sơn hữu sắc
Cận thính thủy vô thanh
Xuân khứ hoa hoàn ngự
Nhân lai điểu bất kinh
(Màu non lờ lạt
Giọng núi thầm thì
Xuân đi rồi hoa vẫn còn đây
Người đến đó chim rày đã dạn)
(HT. Bích Liên dịch)
Như vậy chắc chắn đó không phải là cái chết theo nghĩa thông thường mà mỗi chúng ta đều nơm nớp lo sợ, mà chính là một sự trở về cõi tịch mịch vô ngôn của thực tại như hai câu kệ trong phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa đã mô tả:
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
(Các pháp xưa nay
Vốn thường tự vắng lặng)
Nếu như Thiền sư Saigyo của Nhật Bản đã đưa hoa Anh Đào vào thi ca của mình, thì tại Việt Nam Thiền sư Mãn Giác ở đời Lý trong một bài thơ cũng đã nói về một nhành mai. Chỉ khác nhau ở chỗ là hoa Anh Đào của Thiền sư Saigyo nở đúng vào mùa Xuân, còn nhành mai của Thiền sư Mãn Giác thì không nở vào mùa Xuân mà cứ theo bài thơ thì mùa Xuân lúc ấy đã đi qua rồi. Vậy mà thật bất ngờ trong một đêm Thiền sư đã bất chợt thấy một nhành mai đang nở rộ trước sân chùa:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa lại nở
Việc đời cứ như vậy mà đi qua trước mắt
Tuổi già đã hiện đến trên mái đầu rồi
Đừng tưởng rằng mùa Xuân đi qua thì hoa rụng hết đâu
Đêm qua, một cành mai đã nở rộ trước sân)
Nhành mai ấy phải chăng là biểu tượng của cái đẹp vĩnh cửu mà Thiền sư Mãn Giác muốn gởi đến cho tất cả chúng ta những con người luôn luôn sống trong nỗi bất an và lo sợ trên mặt đất đau thương này?
“Chân lý nào cũng mang bộ mặt khủng khiếp, đằng sau cái bề ngoài thanh thản mênh mông. Cuộc sống nào cũng trùng trùng dâu biển, những tang thương. Chỉ có con người an nhiên nơi trí tụê, mới có tín tâm kiên quyết tin rằng:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Trước sân, đêm rồi, đã nở một cành mai)
Phật Giáo đáng yêu ở chỗ đó, vừa tố giác tính chất vô thường biến dịch của cuộc sống, vừa đặt bước thênh thang tự tại trên những đoá mai vô thường chớm nở, để thành đạt cái đẹp, đồng thời là chân tánh của cuộc đời”.[7]
Đó là lời của Hoà thượng thi sĩ Thích Mãn Giác (Huyền Không). Một người mà từ hơn nửa thế kỷ nay, hồn thơ lúc nào cũng cứ lận đận mãi với những khóm mai già trong những ngôi chùa của quê cha đất tổ.
– III –
Phong đả tùng quang nguyệt chiếu đình
Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh
Cá trung tư vị vô nhân thức
Đương dữ sơn tăng lạc đáo minh
(Gió đập hiên tùng nguyệt dọi sân
Tình này cảnh ấy luống bâng khuâng
Mùi Thiền trong đó nào ai biết
Thức suốt đêm trường vui với Tăng)
(Mật Thể dịch )
Không hiểu sao cứ mỗi lần ngồi nhớ ngôi chùa nơi rặng núi ở quê nhà tự thời tuổi thơ xa xôi thì bài thơ ấy của Trần Thái Tông lại hiện đến trong trí nhớ của tôi, và tôi đã tự đọc cho chính mình nghe để đỡ nhớ.
Có thể đấy chính là vì cái không khí tĩnh mịch và vắng vẻ mà bài thơ đã nói lên được. Chính cái không khí tĩnh mịch này mà tâm hồn ta mới dễ giao cảm với đất trời, cái tĩnh mịch mà thi ca Nhật Bản gọi là vĩnh tịch (Sabi). Trạng thái vĩnh tịch ấy chỉ có những người đã từng sống qua rồi thì mới có thể cảm nhận được. Đúng như câu thứ ba trong bài thơ:
Cá trung tư vị vô nhân thức
Mà Hòa thượng Mật Thể đã dịch là:
Mùi Thiền trong đó nào ai biết.
Nhưng có điều lạ lùng là mỗi khi về lại ngôi chùa của tuổi thơ dạo ấy thì tôi không bao giờ tìm lại được cái không khí tĩnh mịch và vắng lặng như cái tĩnh mịch và vắng lặng của ngôi chùa mà trên bước đường lưu lạc lúc nào tôi cũng nhớ thương da diết trong tâm tưởng của mình. Dù bề ngoài thì chùa vẫn vậy, nghĩa là chùa vẫn đứng đó, vẫn âm thầm chịu đựng những cơn gió buốt lạnh từ núi cao đổ xuống trong những ngày Đông mưa gió lê thê. Vẫn đứng đó cùng với những tia nắng vàng yếu ớt mong manh của những ngày cuối thu như ngậm ngùi cho những tang thương dâu bể của cuộc đời. Vẫn đứng đó trong bầu trời cao tĩnh mịch của những ngày tháng Năm mùa Hạ, vẫn đứng đó với những bông hoa rừng, bông vạn thọ nở vàng cả lối đi trong những ngày Xuân rộn ràng tiếng chim kêu ríu rít.
Nhưng tại sao tôi vẫn thấy xa lạ ngay cả khi tôi đang ngồi trong chính ngôi chùa ấy? Vì nhớ tuổi thơ chăng? Có lẽ chỉ đúng một phần nào thôi, vì ai mà chẳng nhớ đến tuổi thơ hồn nhiên trong trắng của mình. Vậy thì tại sao? Chắc phải có một lý do nào đó chăng?
Trong tác phẩm quan trọng của văn hào Nhật Bản Yukio Mishima, tác phẩm Kim Các Tự (Kinkakuji) qua nhân vật chính kỳ lạ có tên là Mizaguchi. Ngay từ khi còn nhỏ Mizaguchi vẫn thường nghe cha của mình kể về cái đẹp của Kim Các Tự. Từ đó ngôi chùa gần như cứ ám ảnh mãi trong tâm hồn tuổi thơ của Mizaguchi. Và từ đó, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp, mà cái đẹp theo Mizaguchi là vấn đề sống chết mà Mizaguchi phải đối phó “…Thực không phải nói quá lời khi bảo rằng vấn đề tối sơ mà tôi thực sự phải đối phó trên đời là vấn đề cái đẹp…”
Nhưng thế nào là cái đẹp?
Nhân vật chính trong tiểu thuyết của Yukio Mishima suy nghĩ theo cách của riêng mình: “…Một đứa bé như tôi, không thể nghĩ đến cái đẹp như một cái gì nho nhỏ hoặc lớn lớn nhưng là một sự vật vừa phải. Vì thế khi nhìn thấy những bông hoa mùa hè bé nhỏ đượm sương mai, có vẻ như đang toả ra một ánh sáng mơ hồ, tôi thấy chúng cũng đẹp như ngôi chùa Kim Các Tự vậy. Lại nữa, khi những đám mây ảm đạm chất đầy sấm sét ùn ùn chồng chất bên kia dãy núi đồi, chỉ có những viền ngoài lấp lánh ánh vàng vẻ tráng đại của chúng cũng làm tôi nhớ đến ngôi Kim Các Tự. Cuối cùng đến nỗi ngay cả khi nhìn thấy một cái gì đẹp đẽ khác, trong lòng tôi cũng vụt nhớ đến Kim Các Tự và nổi lên một sự so sánh: “Đáng yêu như Kim Các Tự”. Hoặc có những khi đứng nhìn mông lung vào đêm tối mịt mùng Mizaguchi vẫn thấy “Kim Các Tự đang băng mình qua một đêm như dài vô tận”.
Rồi nhân vật Mizaguchi băn khoăn tự hỏi: “Tôi không sao ngăn được một cảm giác bứt rứt và bực bội khi nghĩ rằng vẻ đẹp này đã tồn tại trên đời từ lâu mà tôi chẳng hề biết. Nếu quả thực cái đẹp đã tồn tại ở đó, điều ấy có nghĩa là chính sự tồn tại của tôi xa lạ với cái đẹp…”
Và rồi Mizaguchi tự đưa ra một kết luận: “Cái đẹp vì thế là một đối tượng mà người ta có thể sờ mó bằng ngón tay, có thể thấy phản ảnh rõ ràng trong đôi mắt. Tôi biết và tôi tin rằng giữa tất cả những đổi thay của thế giới, Kim Các Tự vẫn còn ở đó an toàn và không bao giờ thay đổi”.
Thế nhưng khi người cha quyết định dẫn Mizaguchi đến Kim Các Tự để gởi cho Viện chủ thì Mizaguchi lại trù trừ do dự, vì lý do giản dị là sợ những gì mình đã tưởng tượng về Kim Các Tự có thể sụp đổ hết khi phải đối diện với Kim Các Tự thực. Mizaguchi lo sợ điều ấy sẽ xảy ra nên đã tự lý luận để trấn an trước: “Dù thế nào đi nữa, điều cốt yếu là Kim Các Tự phải thật đẹp đẽ. Do đó, tôi đem đánh đổi tất cả không phải lên cái đẹp khách quan của chính ngôi chùa cho bằng cái đẹp khả năng tưởng tượng ra vẻ đẹp của nó nơi riêng tôi”.
Dù đã cố lý luận để trấn an như vậy, nhưng cuối cùng khi đến Kim Các Tự, Mizaguchi đã thật sự thất vọng “tôi ngạc nhiên tự hỏi có lẽ nào cái đẹp lại là một sự vật không đẹp đẽ như thế này sao?”.
Nhưng khi từ giã Kim Các Tự để trở về thì cái đẹp của Kim Các Tự lại tiếp tục ám ảnh tâm hồn của Mizaguchi “sau khi trở về Yakuoka, Kim Các Tự đã từng làm tôi thất vọng biết bao nhiêu khi nhìn thấy lần đầu, đến lúc này lại gợi lại vẻ đẹp của nó trong lòng tôi càng ngày càng sâu đậm cho đến lúc trở thành một Kim Các Tự đẹp đẽ hơn là trước khi tôi được nhìn thấy”.[8]
Dường như nơi mỗi người trong chúng ta không nhiều thì ít cũng đều có một Kim Các Tự của Mizaguchi trong tận đáy hồn sâu thẳm của mình?
Với tôi, đó là ngôi chùa cổ mà tuổi thơ tôi đã sống. Thực ra, ngôi chùa ấy cũng chỉ là biểu tượng (như Yukio Mishima) đã lấy Kim Các Tự làm biểu tượng cho cái đẹp, cái đẹp mà ít nhất một lần nào đó trong đời ta đã bất ngờ nhìn thấy dù rất mong manh. Rồi từ đó ngôi chùa ấy cứ ám ảnh ta mãi.
Thi sĩ Quách Tấn của Việt Nam mà trong toàn thể thi nghiệp của mình cũng đã từng thể hiện nỗi nhớ thương da diết về một ngôi chùa trong mộng tưởng như vậy:
Mây nước nhiễm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân
“Chùa cũ” mà thi nhân nhớ thương đó ở nơi nào? Tại một đỉnh núi cao? Hay một thảo nguyên xa xôi nào đó của thời mà thiên nhiên còn man dại, như thuở vũ trụ còn hoang sơ?
Sông dài bãi vắng núi chênh vênh
Chùa khuất sau mây tiếng trống rền
Gió nước nôn nao lòng đãi độ
Lạnh lùng sương xuống bến trăng lên
Hay là ngôi chùa ấy chỉ có trong tâm tưởng của thi nhân trong những đêm trăng sáng giữa một mùa thu mênh mông:
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên
Ta không thể nào biết được. Chỉ biết rằng thi nhân đã đi tìm, và cuối cùng cũng đã gặp ngôi chùa ấy trong một thoáng giây tuyệt đẹp:
Thoảng tiếng chuông chùa vọng
Bóng đèn khuya rung rinh
Nao nao lòng giếng quạnh
Hơi thu tràn hư linh
Đọc hai câu cuối:
Nao nao lòng giếng quạnh
Hơi thu tràn hư linh
Ta có cảm tưởng như trong giây phút đó thi nhân đã vượt qua được thứ thời gian do ý thức nhị nguyên của con người tạo ra, và đã tiến gần đến thời gian của vĩnh cửu.
Nhưng thế nào là thời gian? Và có cái gọi là thời gian vĩnh cửu không?
Trong tác phẩm ‘Đối thoại giữa Triết học và Phật giáo’ của hai tác giả là Jean François Revel và Matthieu Ricard. Theo Matthieu Ricard thì: “Thời gian chỉ là một quan niệm dính liền vào chuỗi khoảnh khắc được nhận ra bởi một người quan sát. Thời gian không tự nó có được vì lẽ người ta không thể nắm bắt một khoảng thời gian và không gian riêng biệt nào cả. Thời gian và không gian chỉ có tương đối cho những hệ thống tham khảo riêng biệt, và cho những kinh nghiệm của chúng ta mà thôi”.
Như vậy vẫn theo Matthieu Ricard “Ngoài hiện tượng ra không có thời gian. Nếu không có hiện tượng lấy đâu ra thời gian. Thời gian dính liền với thay đổi. Quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa tới mà dòng thời gian không thể nắm bắt được trong giây phút hiện tại”.
Còn thời gian vĩnh cửu?
Vẫn theo Matthieu Ricard “thì trong siêu hình Phật Giáo người ta nói đến một thời gian thứ tư, vượt trên quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là thời gian vĩnh cửu”.
Vĩnh cửu, như vậy theo Matthieu Ricard: “Thời gian thứ tư này không thực sự là thời gian mà chỉ là từ để ngụ ý rằng vĩnh cửu ở bên kia thời gian, vì thời gian chỉ liên quan với thế giới hiện tượng(“.[9]
Phải chăng đây cũng là một định nghĩa khác về vĩnh cửu?
“Cái nhìn của con mắt thịt không bao giờ có thể vượt ra ngoài hạn chế của không gian. Nhưng cái nhìn của con mắt tình yêu thì không hề biết đến giới hạn như thế. Tình yêu có khả năng thực hiện những phép lạ, những thần thông biến hóa vượt ngoài ước lượng và hiểu biết của một tâm hồn khô héo. Làm sao người ta có thể nghe được những lời ngọt ngào của suối rừng, của gió núi, khi mà tâm tư không gợi chút xao xuyến của tình yêu”.[10]
Chính cái nhìn không giới hạn này, nên mặc dù mùa Xuân của đất trời đã qua rồi, vậy mà Thiền sư Mãn Giác của chúng ta ở đời Lý trong một đêm tối trời vẫn bất chợt thấy được một cành mai đang nở rộ trước sân chùa.
Phải chăng cành mai ấy chính là biểu tượng của tình yêu? và một khi trái tim của kẻ nào đã tràn ngập tình yêu thì nhất định kẻ đó sẽ gặp một mùa Xuân không bao giờ tàn phai nữa, mùa Xuân của vĩnh cửu chăng?
T.P.A.
Mùa Đông 2002
(Trích TSNC Phật học TT-Huế)
____________
[1] Zarathustra đã nói như thế, nxb An tiêm, tr. 13
[2] Trần Xuân Kim dịch, sdd Tr.55
[3] HT Bích Liên dịch
[4], [5] Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Tr. 33,34
[6] Thiền học Việt Nam, Thuận Hoá, trang 242.
[7] Phật học, Thiền học và Thi ca, Tu thư Vạn Hạnh 1974, lời tựa.
[8] Kim Các Tự, nxb An Tiêm, Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch. Trích đăng rải rác.
[9] Bác sĩ Hồ Hữu Hương dịch, NXB. TP. HCM, 2002 Tr. 186.
[10] Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Tr. 31.