DẪN NHẬP
Tiến sĩ H.W. Schumann, một nhà Ấn Độ học người Đức khi soạn cuốn Đức Phật lịch sử (The Historical Buddha), đã viết trong lời giới thiệu: “Sách này không đề cập các đức Phật phi lịch sử trong quá khứ và tương lai vẫn thường được nhắc đến qua kinh điển Phật giáo; nó cũng loại bỏ các truyền thuyết hoang đường bao phủ quanh cá nhân của đức Phật lịch sử… Sách này bàn đến con người với những đặc tính phi thần thoại của một bậc Đại hiền trí…”
Nhưng, vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, các Thánh đệ tử đã dựa vào những câu chuyện cổ tích, thần thoại đang lưu hành đương thời ở xứ Ấn, dung hòa thêm sắc thái Phật giáo vào mà viết thành một bộ “huyền sử” về đức Thích-ca, tiền kiếp từng hóa thân làm nhiều thân hình, mang nhiều thân phận khác nhau, có khi làm người, có khi làm thú… luôn hành Bồ-tát đạo cứu giúp chúng sanh. Bộ sách ấy gọi là Bản sinh kinh (Jātaka), được xếp vào trong chín phần giáo (9 bộ kinh), hay mười hai phần giáo (12 bộ kinh). Hiện nay, kinh tạng Pāli có Tiểu bộ kinh (Khuddaka- Nikāya), kinh tạng Hán có kinh Tạp bảo tạng, Lục độ tập, v.v… đều thuộc thể loại này.
Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến quí Phật tử từng mẩu chuyện trong kinh Tạp bảo tạng (雜寶藏經 ‘Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra’), 10 quyển, do ngài Cát-ca-dạ (Kiṅkara, dịch là Hà sự, người Tây Vực) và Đàm Diệu (Tăng nhân thời Bắc Ngụy, năm sinh, mất và quê quán không rõ) dịch thời Nguyên Ngụy (A.D 386-534), trong tạng Đại Chánh tập 4, số hiệu 203, tr. 447.
– Chuyện Vua Thập Xa (十奢王緣), tr. 477a7, kinh Tạp bảo tạng q.1.
TOÁT YẾU NỘI DUNG CHUYỆN
Ngày xưa, lúc con người sống thọ đến một vạn tuổi, có một vị vua tên Thập Xa làm vua cõi Diêm-phù-đề. Ông ta có bốn người con trai, thái tử La-ma là con của Chánh hậu. Thái tử La-mạn là con của Thứ phi. Còn thái tử Bà-la-đà, Diệt Oán Ác là con của Thứ phi thứ ba và thứ tư. Đặc biệt thái tử La-ma là người đức hạnh, có sức mạnh phi thường như Na-la-diên[1]. Riêng về các vương phi thì bà vương phi thứ ba rất được nhà vua sủng ái, ông sẵn sàng ban tặng tất cả của cải, châu báu hay thực hiện bất cứ điều mong ước gì bà muốn.
Một hôm, vua Thập Xa lâm trọng bệnh, tánh mạng nguy kịch, thấy vậy vua liền lập thái tử La-ma lên ngôi. Thái tử lấy lụa búi tóc, đầu đội mão trời, nghi dung phép tắc như pháp vua. Nhưng rồi bệnh tình nhà vua lại thuyên giảm, vương phi thứ ba thấy thái tử La-ma nối ngôi vua, bà ganh tức và ỷ mình được vua yêu mến liền tâu xin điều mong ước là, truất phế La-ma, cho con bà lên làm vua. Vua Thập Xa xưa nay chưa từng bội tín với ai và pháp của vua cũng không nói hai lời, đành ôm sầu nuốt nghẹn mà truất phế thái tử La-ma, lấy lại áo mão.
Khi ấy, thái tử La-mạn hỏi anh:
– Anh có sức mạnh và đức hạnh, sao lại không sử dụng mà chịu sự sỉ nhục như vậy?
La-ma nói:
– Làm ngược lại lời mong ước của phụ vương không phải là con hiếu thảo. Tuy người mẹ này không sinh ra ta nhưng phụ vương rất thương mến thì như mẹ của ta vậy. Vả lại, em Bà- la-đà tánh tình hòa thuận, tâm ý rất tốt. Nên dù ta có sức mạnh phi thường cũng không thể làm tổn thương họ.
Sau đó, vua Thập Xa đày La- ma và La-mạn đi thật xa, vào tận núi sâu, sau hai mươi năm mới cho về nước. Hai anh em lòng không ôm hận, bèn bái từ song thân ra đi. Lúc này, Bà-la- đà đang ở nước khác được vua cha triệu về để làm vua. Vừa về đến nơi thì vua cha băng hà, lại hay tin mẹ mình đã dối phế lập ngôi vua, đuổi hai anh đi xa.
Bà-la-đà nghi mẹ làm điều phi lý nên không quỳ lạy mà thưa:
– Tại sao mẫu thân làm chuyện nghịch lý như vậy, huỷ hoại tình cảm huynh đệ của chúng con?
Đoạn thái tử quay sang bái lạy người mẹ lớn, tỏ lòng cung kính hiếu thuận hơn lúc bình thường, rồi dẫn binh lính đến vùng núi nơi hai anh ở, để binh lính phía sau, một mình đi vào trong núi. Thấy thái tử Bà-la-đà đến, La-mạn nói với anh:
– Trước đây chúng ta cho rằng em Bà-la-đà là người đạo nghĩa, kính thuận. Nay lại đem binh đến giết anh em chúng ta. Thái tử Bà-la-đà vừa đến, thái tử La-ma hỏi:
– Hôm nay em dẫn binh đến đây để làm gì?
– Em sợ đi giữa đường gặp giặc cướp nên dẫn theo binh lính để phòng vệ, chứ em không có ý gì khác cả. Và em đến đây là thỉnh mong hai anh trở về trông coi việc nước.
– Không được, trước đây anh đã vâng lệnh phụ vương lưu đày nơi xa xôi này, nay nếu tự ý bỏ về thì không thể gọi là người con nhân từ hiếu thuận?! Thái tử La-ma một mực chối từ.
Thái tử Bà-la-đà hết sức ân cần thỉnh cầu nhưng La-ma vẫn kiên quyết cự tuyệt. Bà-la-đà lòng buồn bã liền tìm lấy đôi giày da của anh mình thường mang, đem nó về nước. Trở về nước thống nhiếp việc quốc chánh, Bà-la-đà thường đặt đôi giày trên ngự tòa, ngày đêm triều bái hỏi han, xem như anh mình không khác. Nhà vua lại thường sai người vào núi thỉnh mời hai anh trở về, nhưng hai anh chí hiếu tận trung không dám trái lệnh của phụ vương. Năm tháng dần trôi, sau hai mươi năm, La-ma cảm kích tấm lòng của người em, và biết người em kính chiếc giày của mình như chính mình mới trở về nước. Bà-la-đà liền nhường ngôi vị lại cho anh, người anh không nhận. Thái tử Bà-la-đà khẩn cầu:
– Anh là trưởng tử phải gánh vác sự nghiệp của phụ hoàng, như vậy mới đúng lẽ!
Cuối cùng thái tử La-ma không thể chối từ liền lên ngôi vua. Từ đó anh em hòa thuận thương yêu nhau, dùng đạo cai trị nước nhà, dân tình hưởng phúc của họ… Mẹ của Bà-la-đà tuy làm việc đại ác nhưng thái tử La-ma không bao giờ oán hận. Nhờ lòng nhân từ và trung hiếu của nhà vua mà mưa thuận gió hòa, ngũ cốc sung mãn, con người không có bệnh tật. nhân dân trong cõi Diêm-phù-đề giàu có sung túc hơn xưa.
LỜI KẾT
Cách đây gần bốn ngàn năm, bộ tộc người Aryan tiến dần về bình nguyên sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges), mang theo những bài thơ tế thần (thi ca Vệ-đà), hòa quyện âm hưởng ca tụng, triết lý và thổ lộ sự thành kính, niềm đắm say của mình trước sự huyền bí của vũ trụ, thiên nhiên, tạo cho Ấn Độ một nền văn minh thâm trầm và rực rỡ; thời kỳ ấy gọi là thời kỳ Vệ-đà (1500-600 năm tr.CN).
Song, người Ấn Độ tự hào về thơ ca Vệ-đà đã thấm nhuần vào tinh thần văn hóa và triết lý tâm linh của họ bao nhiêu thì sự phân chia đẳng cấp, xung đột dòng tộc cũng khó phai mờ qua lớp bụi thời gian lịch sử bấy nhiêu. Chuyện kể về cuộc xung đột giữa hai hoàng tộc trong việc nối ngôi dòng họ Bharata. Một bên là gia đình Pandava, một bên là gia đình Kaurava. Cuộc chiến đẫm máu diễn ra trên cánh đồng Kuru. Chiến trường Kuru trở thành chiến trường tâm linh, một chiến trường tượng trưng cho cuộc chiến đấu muôn đời giữa thiện và ác. Từ đấy, ca ngợi những vị anh hùng được truyền miệng cho nhau, hay truyền thuyết cho rằng, do hiền triết Vyasa viết lại thành bộ Sử thi anh hùng ca Mahābhārata. Thời kỳ anh hùng ca ra đời năm 600 năm tr.CN đến 200 năm tr.CN. Thiên anh hùng ca Mahābhārata là bức tranh vẽ về đời sống giữa chiến trường đầy những mâu thuẫn luân lí và siêu hình thì Rāmāyaṇa ngược lại, thuật tả nỗi gian truân, lưu lạc của vị anh hùng Rama. Hoàng tử Rama, dòng dõi vương triều thần mặt trời, con trai vua Dasaratha, thuộc vương quốc xứ Kosala, đã vì danh dự, bổn phận của đẳng cấp chiến sĩ, từ bỏ cuộc sống vương quyền, cùng vợ là nàng Sita và người em trai cùng cha khác mẹ là Laksmana chịu đi đày suốt 14 năm. Do vua Dasaratha quá nhu nhược thương yêu thứ phi tên là Kaikoyi, ông hứa với Kai- koyi muốn gì cũng chiều lòng. Bà ghen tức Rama con trai của chánh hậu được làm đông cung thái tử, nên xin vua đày Rama ra khỏi xứ. Dasaratha vì trọng danh dự và giữ lời hứa, đành rứt ruột đày người con trai yêu quí của ông ra đi. Tương truyền bộ Sử thi Rāmāyaṇa do thi sĩ Vālmīki (hay nhiều thi sĩ) sáng tác, sau bộ Mahābhārata khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN đến thế kỷ thứ 2 sau CN.
Nền luân lý học thời Ấn Độ cổ xưa lập cước trên đám cát biến chuyển của siêu hình, thần học, không có sự tôn nghiêm vững chắc, nên giáo lý Phật-đà xây dựng lại luân lý ấy trên tảng đá tôn nghiêm thực nghiệm tâm lý, đạo lý vững chắc, chuyển dịch trung tâm điểm từ sự phụng sự Thượng đế sang phụng sự con người; do vậy mà những “thi sĩ” vô danh trong Phật giáo đồ như phù thuỷ ngôn ngữ, biến hóa, nhào nặn từ truyền thuyết hoàng tử Rama thành câu chuyện vua Thập Xa, đưa vào văn kinh Phật giáo. Nội dung chuyện vua Thập Xa giống với chuyện hoàng tử Rama, chỉ tỉnh lược tình tiết và thay đổi vài nhân vật trong chuyện. Vua Thập Xa dịch nghĩa từ tên vua Dasaratha. Thái tử La-ma và người em trai La-mạn đều phiên âm từ tên Rama và Laksmana v.v…
Tuy trong kinh không nói đức Phật hóa thân qua nhân vật nào nhưng thái tử La-ma là người con hiếu nghĩa, đầy lòng vị tha, xem nhẹ vương quyền, không oán hờn kẻ hại mình…, vậy La-ma là hiện thân của Bồ-tát, đúng với tinh thần Phật giáo, nêu cao tư tưởng yêu hòa bình, triết lí từ bi hướng thiện. Và theo cách nhìn thực tế thì các vua chúa Ấn Độ phần lớn đều nhờ vào binh lực mà giữ được ngai vàng của mình, bởi thế sự sinh hoạt của họ tốt hay xấu đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc trị hay loạn của quốc gia. Vì vậy mà Phật giáo đưa ra một chính sách chính trị lý tưởng, là muốn kiện toàn một quốc gia thì phải lấy đạo đức và tôn giáo làm cơ sở, trên dưới hòa thuận, tôn trọng luật pháp v.v… thiếu những điều kiện đó thì quốc gia không thể đứng vững; đồng thời đó cũng là bài học muôn đời cho bất cứ một triều đại nào dù xưa hay nay.
[1] Na-la-diên 那羅延, Skt. Nārāyaṇa, dịch là Kim cang lực sĩ, là vị thần có sức mạnh trong thần thoại cổ đại Ấn Độ. Có thuyết cho là lực sĩ của trời Đế Thích, hoặc tên khác của trời Tì-nữu (Viṣṇu).