Theo truyền thống của Phật giáo phương Bắc, trong một năm có rất nhiều ngày vía, lễ hội, khánh tiết… nhưng ấn tượng trong tôi vẫn là ngày lễ Vu-lan rằm tháng bảy Âm lịch. Lúc còn niên thiếu, ngày này tôi hay rủ bạn bè đi ăn cơm chùa. Đến chùa đôi khi ăn uống không đàng hoàng, đồ ăn dâng trên bàn Phật chưa kịp tàn nhang, lũ trẻ chúng tôi đã hạ xuống ăn trước. Một thời làm loạn ở tuổi hoa niên. Sau vô chùa, đến ngày này càng hạnh phúc trong lòng, hạnh phúc không vì miếng xôi, ly chè của tuổi thơ gợi lại mà hạnh phúc biết mình còn mẹ và còn cha. Lễ Vu-lan, một truyền thống lâu đời, một nghi lễ không còn là của riêng tôn giáo, nó trở thành cho cả dân tộc. Ngày này nhắc những người con, đừng đợi lúc mình vinh hiển “xe trăm cỗ, thóc muôn chung” mới vội đáp đền thì song thân đã mãn phần.
Thỉnh thoảng chứng đau nửa đầu kinh niên tái phát, câu nói đơn giản của cha tôi, “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” lại có tác dụng xoa dịu nhanh chóng. Hình ảnh cha tôi ngả người trên chiếc ghế bành đọc sách quen thuộc, nụ cười hiền lành… tôi cất mãi trong kí ức. Tháng bảy mùa Hiếu hạnh năm nay cũng như bao năm rồi, trên ngực tôi luôn chỉ cài một bông hồng nhạt, cha tôi đã đi xa. Hạnh phúc thế gian không bao giờ vĩnh hằng trong cõi tạm, biến dịch vô thường này…
Trong mùa Vu-lan, cứ nghe những ca từ nói về ơn nghĩa sanh thành, nước mắt lại tuôn trào, hình bóng cha tôi lại ùa về. Một người cha làm cả vai trò người mẹ, trọn vẹn một cách hoàn hảo kể từ khi tôi chào đời mãi đến khi cha lìa trần. Lúc cha còn sống, cha như nguồn năng lượng nâng đỡ tôi tỏa sáng rực rỡ trên mọi nẻo đường tôi bước qua. Một điểm tựa, một sự che chở quá vững chãi đến mức, ngày cha ra đi, tôi suy sụp đến từng ngõ ngách của thân tâm. Không một ngôn từ nào của thế giới loài người diễn tả hết nỗi đau này. Tôi trống rỗng, mỏng manh, như ngọn đèn dầu leo lét có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Kể từ đó trong mơ tôi cứ gọi thất thanh “Ba ơi”. Sau này biết có gọi cũng không thể có tiếng đồng vọng của cha, nhưng cứ gọi, gọi lúc ngã gục trên đường đời, gọi lúc đớn đau trong tuyệt vọng…, Rồi không biết tự bao giờ nó trở thành liều thuốc giảm đau hữu hiệu cho mọi nỗi đau thể xác và tinh thần.
“Thân phú quý ngắm vào thêm tủi,
Ðức cù lao chạnh tới lòng đau,
Nào khi đội gạo, canh rau,
Muốn còn như cũ, dễ hầu được ru?”
Tôi bước vào đạo, tôi than trách đức Thế Tôn vì sao không bảo vệ người tôi yêu thương nhất. Mặc dù đều đặn mỗi sáng, tôi y áo chỉnh tề, hành trì đầy đủ mấy thời kinh, khấn nguyện đánh đổi thọ mạng bản thân cho sức khỏe của phụ mẫu. Thế nhưng, tôi vẫn mồ côi cha, màu hoa hồng cài áo thay đổi sớm hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Tôi tâm sự với một bậc trưởng bối, ngài hỏi: “Con có sợ chết không?”. “Dạ con không sợ.”
Ngài nói: “Con không sợ sanh tử của chính bản thân, nhưng con sợ chứng kiến sanh tử của những người thân yêu bên cạnh mình chung quy cũng một chữ sợ. Con tụng kinh niệm Phật hằng ngày, cuối cùng con có hiểu đức Thế Tôn muốn gửi gắm và truyền đạt điều gì qua những dòng chữ đó không. Tụng kinh thôi chưa đủ, con phải bồi dưỡng trí tuệ để quán bản chất của các Pháp. Tu tập là phát triển cả Giới, Định và Tuệ. Con hãy suy ngẫm lại, quán vô thường chính là tu Tuệ.”
Phận làm con của hai thế giới. Người trong đạo bỏ lại sau lưng phố xá thị thành, có cả song thân ở lại quê nhà, quyết chí phải tìm ra chân lý mới mong đáp đền được công cha nghĩa mẹ. Còn người tại gia chớ đọc thuộc lòng “công cha như núi Thái sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, rồi thản nhiên. Tất cả chúng ta dù trả hiếu thế nào cũng không bao giờ đủ.
Năm 2001, tôi dịch cuốn truyện tranh Cuộc đời đức Phật từ Hoa sang Việt, vui mừng với tác phẩm đầu tay, với “đứa con đầu lòng” của mình, vội tìm xuống thăm nhà văn Võ Hồng ở 53 Hồng Bàng, thành phố Nha Trang vào một buổi chiều, biếu ông tập sách. Ông tiếp tôi nồng nhiệt, nói chuyện say sưa dù khoảng cách tuổi đời của hai bên rất lớn. Mặt trời lặn, ông đưa tôi ra tới đầu ngõ, và tặng tôi hai tác phẩm ông viết: Một bông hồng cho cha và Trầm tư. Ông nói đùa, cuốn Trầm tư là những câu “ranh ngôn” của tôi viết đó.
Trong chương 3, tác phẩm Trầm tư, câu 23, ông viết: “Sống giữa đô thị ồn ào ta mới cảm thấy trọn vẹn nỗi cô đơn.” Đâu ai biết được nỗi đơn chiếc đeo đuổi Võ Hồng từ ngày vợ mất, mái ấm gia đình sum họp trở thành dĩ vãng xa xôi. Từ khi các con trưởng thành, lần lượt rời bỏ ngôi nhà sinh trưởng, cuộc sống của ông chỉ còn là hiu quạnh. Vắng bóng vợ, xa cách con cái…, ông quạnh quẽ trong ngôi nhà nhỏ.
Ông viết Một bông hồng cho cha chính là viết cho cuộc đời mình, lời buồn: “Cha thương con nhưng cuộc sống phân công mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp cành gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặt, hút nhựa nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái… Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lờn mẹ thì cha cần phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Đi vào bước trưởng thành từ mười ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.”
“Nhờ đất cho món ăn
Nhờ nước đưa thức uống
Hô hấp nhờ khí trời
Mà cây đầy sức sống
Cũng vậy ba đứa con
Truyền cho cha sinh lực
Lao khổ dầu sớm hôm
Cô đơn dù nhức buốt
Nhưng nhìn con lớn khôn
Cha quên mọi cơ cực.
………………………..
Tuổi già ngồi ngẫm lại
Quý nhất của đời mình
Là ba đứa con dại
Cha nuôi đến trưởng thành.”
(Võ Hồng)
Goethe nói: “Tài hoa chỉ thành tựu nơi sự cô tịch của tâm hồn”. Nhưng bậc cha mẹ nào mong muốn con cái mình đi xa, để mình hiu quạnh thành tài hoa.
Ai dạ hiếu khôn cùng hãy làm trong vội vàng, đời vô thường “biết bao giờ cam chỉ đền công”.
Mùng 5 tháng 7 năm Nhâm dần.
Tâm Nhãn