thich thanh thang

Sao anh không hiểu tôi nói gì vậy? Vì tôi không hiểu anh đang nói cái gì? Nói không hiểu thì không hẳn vậy, mà bởi anh không nói cái điều tôi muốn hiểu thôi.

Khi nào ta chỉ muốn nghe điều người khác nói cho ta hiểu thì ta ngang bằng với cái hiểu ấy. Nếu đã ngang bằng trong cách hiểu như thế thì ta chỉ cần nói với chính ta thôi là được rồi, tìm thêm một người nói ra cái như ta đã hiểu thì giống như in nối bản thêm một cuốn sách đó thôi.

Cho nên nghe đọc cũng là một cách đóng dấu mộc cho tư duy, hiểu biết của mình. Đôi khi sách và ông thầy chỉ bước vào tư duy của ta bằng xác chết của ngôn từ,  nếu ta chỉ biết chấp chặt vào đó. Đấy là lý do Mạnh Tử nói: “Trọn tin vào sách chẳng bằng không có sách”. Bởi dẫu gì khổ là sự thật phải thấy nó xảy ra nơi chính mình.

Sách và ông thầy ngang với tầm hiểu của ta nhưng sách và ông thầy không phải sự khổ đang xảy ra với ta. Đó là lý do khi bị thương thì không nên hỏi mũi tên độc kia từ đâu bay tới và bằng cách nào cắm vào thân mình. Bởi vì trước khi tìm ra nguyên nhân thì độc chất kia đã ngấm sâu vào não tủy rồi.

Pháp nào cũng là một sự thật đang xảy ra, như hạt giống có chắc có lép, như sinh thể có trí có ngu… Hạt giống chắc tưới nước vào sẽ nẩy mầm, hạt giống lép tưới bao nhiêu cũng vô ích. Do đó, tin người khác nói mà không biết nó có xảy ra thực với chính mình hay không thì chỉ là tin một cách mù quáng viển vông thôi.

Từ điển Phật học nói, Pháp số Phật học nói, nói bằng kiến giải của hàng trăm luận sư, dịch giả nổi tiếng, ta có viết có nói gì cũng như mặc áo không qua khỏi đầu thôi. Chẳng hạn cái kho kiến giải ấy nói: thiên nhãn minh là thấu hết không gian tương quan của vạn vật; túc mạng minh thấu hết thời gian liên tục của vạn vật…

Với ta, ta sẽ hỏi, túm hết cái không gian vô tận, thời gian vô cùng ấy vào hạt cỏ để làm gì? Để thấy cái xa xôi nó gần gũi lắm. Bởi ta cũng như hạt cỏ, thời gian không gian cũng là pháp xảy ra ở chính mình.

Thọ mạng chúng sinh dài ngắn khác nhau, không gian chúng sinh nóng lạnh khác nhau. Bắt đây bỏ kia sinh ra phiền não đau khổ. Nếu một con muỗi mà sống đến 3 vạn 6 ngàn ngày, thì nhân loại này ai sống được với chúng. Nhưng cả loài muỗi thì nó sống tiếp nối đến hàng triệu năm…

Cùng hiểu Phật học như nhau nhưng người sống ở vùng săn bắn khác với người sống ở vùng trồng trọt, cho nên dù lý có thống nhất thì sự (pháp) nói ra cũng có khác biệt. Phật có lậu tận minh nhưng khi sống ở mỗi vùng dân cư khác nhau thì nói pháp khác nhau từ kinh đánh xe bò đến kinh vắt sữa dê…

Vì tâm và pháp là những sự thật xảy ra nơi chính mình. Bởi thế trong kinh Pháp Hoa mới nói “hàng ngày nương pháp ở”, “thường đối với người sinh lòng từ”…

Ở xứ ngu nương pháp ngu ấy mà độ, đó là pháp vị của giải thoát, bởi trong không gian vô cùng có không gian đang ở, trong thời gian vô tận có thời gian hiện còn. Đang ở và hiện còn là pháp xảy ra nơi chính mình. Cho nên đọc bao nhiêu kinh nói về vô thường sinh tử nhưng vẫn đau thương khi mất cha mẹ. Ngay cả đệ tử Phật biết bao vị chứng thánh quả nhưng khi chứng kiến Phật diệt độ cũng khóc thương đến độ bật cả máu mắt.

Thường đối với đời sinh lòng từ là pháp chuyên chở và xoa dịu hết thảy khổ ách. Vô lượng thời gian và vô lượng không gian cũng là tâm pháp đang xảy ra bên nhau trong cái không gian đang ở và cái pháp hiện còn này.

Tôi không thể khóc cha mẹ anh như tôi khóc cha mẹ tôi. Vì pháp ở là pháp khổ đau xảy ra trong chính tôi. Không gian là vô tận nhưng tôi không thể sang vườn nhà anh cắt cỏ. Khi tôi cắt cỏ, cỏ có đau không? Cỏ đau như chính tôi đau khi bị cắt. Cỏ cũng phải sống trong cái pháp đang ở đó mà tồn tại, chấp nhận khi cỏ úa vàng lúc cỏ xanh mướt theo mùa. Như tôi đang sống trong không gian này quốc độ này, chịu nắng mưa, luật lệ, vi khuẩn, độc chất, thiên tai, nhân họa vậy.

Cho nên đạo Phật là sống đạo chứ không chỉ là cái học để có bằng cấp. Sống đạo là thực chứng với pháp đang ở và cái hiện còn.

Tiếng con chim hót vui ríu rít gọi bạn khác với tiếng kêu của chim mẹ lạc mất con. Điều vui buồn ta nói ra hàng ngày cũng là pháp ở. Thấy được khổ đau trong chính mình thì cũng đồng cảm được khổ đau của người khác. Đồng cảm thì sẵn lòng cho người khác cơ hội sửa chữa sai lầm, đừng dồn ai vào đường cùng. Đó cũng là “thường với  người đời sinh lòng từ.”

Phật thuyết thiên kinh vạn quyển cũng chỉ nhằm thiết lập đạo tràng ở Tứ đức cứu độ “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, cùng với 4 sự thật: Khổ, nguyên nhân của sự đau khổ, trạng thái đau khổ diệt mất, và phương pháp diệt trừ nguyên nhân ấy…

[trích Nguyệt san Chánh Pháp, số 120]

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version