thich tri hai

HỒI KÝ THÀNH LẬP
HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HT. Thích Trí Hải
___________________________

Mục lục
Thời Kỳ Thứ Nhất: Lục Hòa Tịnh Lữ
Thời kỳ thứ hai: Phật học tùng thư
Thời kỳ thứ ba: Chùa Quán Sứ, Hội Bắc Kỳ Phật Giáo
Thời kỳ thứ tư: Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ năm: Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam
Thời kỳ thứ sáu: Giáo Hội Tăng Già Việt Nam
Kết luận – Nhân duyên xuất gia


Vấn đề thống nhất Phật giáo trong cả nước, tất cả những người có nhiệt tình vì Đạo khắp nơi đều mong muốn. Thời tiết nhân duyên đã tới, sự trao đổi giữa các tập đoàn Phật giáo đã thông cảm, việc trù bị đã sẵn sàng chu đáo. Ngày 10 tháng 4 năm 1951, ba vị Pháp chủ đại diện cho Phật giáo toàn quốc đã ra lời hiệu triệu chiêu tập kỳ họp đại hội đồng để thành lập Hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. Dưới đây là nguyên văn lời hiệu triệu.

Lời hiệu triệu thống nhất Phật giáo

(ngày 10/4/1951, Phật lịch 2514)
Đại diện Phật giáo toàn quốc Việt Nam

Kính gửi các đoàn thể:
– Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt
– Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt
– Sơn môn Tăng già Trung Việt
– Hội Phật học Việt Nam Trung Việt
– Giáo hội Tăng già Nam Việt
– Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thời cục hiện đại đã làm cho nhân loại thấy rõ được hạnh phúc chân thật trong đạo Phật, nên càng ngày quy ngưỡng càng đông, chính là lúc những nhà có sứ mạng truyền đạo và những Phật tử chân chính phải cần kíp thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chính pháp của đức Thích Ca Thế Tôn hầu góp phần xây dựng nền hòa bình an lạc.

Ở nước ta xưa nay tùy duyên, mỗi địa phương giáo pháp tổ chức riêng biệt nhưng với tình thế hiện tại, chúng ta không thể rời rạc nhau mà cần phải thống nhất lại thành một đoàn thể lớn mạnh để việc truyền bá chính pháp được nhiều bề thuận lợi.

Vì nhận xét như trên, chúng tôi ký tên sau đây: Đại diện cho Phật giáo toàn quốc phát nguyện đứng ra triệu tập các đoàn thể sơn môn Tăng già Trung Việt, Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo, Hội Việt Nam Phật học Trung Việt, Hội Phật học Nam Việt, hầu cùng nhau hòa hợp lại thành một lực lượng to lớn thống nhất và để đi đến sự thống nhất thật sự cần phải có cuộc hội nghị đại biểu của các đoàn thể trên để định đoạt.

Chúng tôi tha thiết yêu cầu các đoàn thể hãy cử các đại biểu (đoàn thể Tăng 7 đại biểu, cư sĩ 8 đại biểu, kể theo kỳ bộ) về họp hội đồng ấy tại chùa Từ Đàm, Huế vào các ngày 1,2,3 và 4 tháng 4 âm lịch tức ngày 6,7, 8 và 9 tháng 5 năm 1951.

Trông mong các đoàn thể hưởng ứng cuộc hội nghị này hầu được thực hiện nguyện vọng duy nhất của chúng ta là: Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi gửi theo đây hai biên bản của Hội nghị Vận động thống nhất Phật giáo để các đoàn thể hiểu rõ chi tiết trong việc này và chương trình nghị sự của hội nghị.

– Đại diện Phật giáo Nam Việt: Hòa Thượng Đạt Thanh trụ trì chùa Giác Ngộ.
– Đại diện Phật giáo Trung Việt: Pháp chủ Tịnh Khiết.
– Đại diện Phật giáo Bắc Việt: Pháp chủ Mật Ứng.

Theo đúng ngày giờ trong bản hiệu triệu, các đại biểu đã tề tựu tại Huế ngay từ hai hôm trước để nghỉ ngơi và mạn đàm trao đổi ý kiến với nhau.

Đúng 8 giờ ngày 6 tháng 5 năm 1951 cử hành lễ khai mạc tại chùa Từ Đàm, Huế. Thành phần hội nghị: Trừ các đại biểu đã ấn định trong bản hiệu triệu còn có Ban Chiêu tập (ba Hòa Thượng Pháp chủ trong ba miền). Ban Vận động gồm có: Thượng Tọa Tố Liên, ông Bùi Thiện Cơ, Thầy Mật Nguyện, ông Tráng Đinh, Thầy Đạt Từ và ông Nguyễn Văn Thọ. Ban Dự thảo Điều lệ gồm có: Thượng Tọa Tố Liên, Thầy Trí Quang, ông Lê Văn Định.

Đại biểu Phật giáo Bắc Việt, bên Tăng có: Hòa Thượng Mật Ứng, Hòa Thượng Thanh Đoan, Thượng Tọa Tố Liên, Trí Hải, Vĩnh Tường, Thầy Tâm Châu, Tuệ Viễn và Thanh Cung (Kim Cương Tử); bên cư sĩ có: Ông Bùi Thiện Cơ, Lê Toại, Viên Quang, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Đình Quế, Nguyễn Văn Bách, Đỗ Công Chân, Đỗ Đình Cánh.

Đại biểu Phật giáo Trung Việt, bên Tăng có: Hòa Thượng Tịnh Khiết, Thầy Chính Thống, Đôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện, Trí Quang, Minh Châu; bên cư sĩ có: Ông Lê Văn Định, Phạm Văn Phúc, Tôn Thất Tùng, Tống Hồ Cầm, Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Ba, Bửu Du và Nguyễn Hạnh; đại biểu dự khuyết có Thầy Trí Thủ, Trí Giác, Thiện Giải, Giải Huệ, Thiện Siêu, Chơn Thuyên và ông Nguyễn Đóa, Nguyễn Hữu Tuân, Lê Mộng Tùng.

Đại biểu Phật giáo Nam Việt, bên Tăng có: Hòa Thượng Đạt Thanh, Thầy Nhật Liên, Thiện Hòa, Trí Hữu, Định Trí; bên cư sĩ có: Ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Trần Khoan Hậu và ông Phạm Văn Vi.

Trên đây là các đại biểu chính thức của Hội nghị, có quyền biểu quyết. Ngoài ra còn có các vị Tăng, Ni, cư sĩ trong đoàn hội Phật giáo Trung Việt tới tùy hỷ và dự thính rất đông.

Họp luôn trong bốn ngày. Kết quả, Hội nghị đã nhất trí thông qua bản Điều lệ và Nội quy của Hội cũng như bầu được ban Tổng Trị sự cùng các ủy viên. Đúng 18 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1951, Hội nghị bế mạc.

Dưới đây là đại cương, mục đích và hệ thống tổ chức của Hội.

Hội lấy tên Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Mục đích:
1. Thống nhất lực lượng, ý chí và hành động của Phật tử Việt Nam.
2. Hướng dẫn Phật tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật pháp.
3. Đào tạo tăng tài có đủ khả năng để hoằng dương Phật pháp.
4. Sách lệ và hộ trì Tăng Ni nghiêm trì giới luật.
5. Tu tạo và bảo tồn các tu viện, các cơ quan văn hóa, xã hội, giáo dục của Phật giáo.
6. Giao thiệp hay liên lạc với tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới nếu tổ chức ấy theo đúng chính pháp.

Muốn đạt được những mục đích kể trên, Hội sẽ thực hiện những điều sau:
1) Bỏ dần những bản vị có thể chướng ngại cho công cuộc thống nhất Phật giáo.
2) Triệt để tôn trọng uy quyền Viện Tăng thống để giữ quyền tối cao thực hiện quy chế Phật giáo Việt Nam.
3) Liên kết các hội trí thức để thiết lập những cơ quan nghiên cứu, dịch giải Kinh điển ra quốc ngữ, san định lại những bản đã dịch rồi, thanh minh những bản xuyên tạc sai giáo lý.
4) Thiết lập và chỉnh đốn các đạo tràng theo chương trình tu học sâu rộng và duy nhất.
5) Khuyếch trương các ngành văn hóa Phật giáo.
6) Thiết lập và bảo tồn các trường học tư thục, các cơ sở cứu tế xã hội của Phật giáo.
7) Tổ chức các đoàn thể thanh thiếu niên, đồng niên nam nữ Phật tử sống theo tinh thần Phật giáo.
8) Hội hữu hóa những cơ sở hiện hữu để thiết lập các cơ quan truyền bá của Hội.
9) Bài trừ, gạt bỏ tất cả những gì không phải của Phật giáo mà bên ngoài đã pha trộn vào như mê tín dị đoan…

Hệ thống tổ chức

Hệ thống tổ chức của Hội:
1) Viện Tăng thống: Giữ quyền tối cao về Đạo pháp. Viện này gồm có: Đức Tăng thống, một vị tôn túc làm viện phó, vị tôn túc trị sự các văn phòng, vị tôn túc chưởng lý các văn phòng chuyên môn. Viện có 7 văn phòng như sau:
1) Trị sự
2) Nghi lễ
3) Duyệt tạng
4) Giáo thụ
5) Đạo hạnh
6) Giám luật
7) Giao thiệp.

2) Hội đồng Quản trị Trung ương: Cơ quan liên hiệp cả hai giới xuất gia và tại gia, tập trung nguyện vọng của toàn thể Phật tử, thảo luận và quyết nghị tất cả các công việc Hội trước khi đem thi hành.

3) Tổng trị sự của hai giới Tăng và cư sĩ: Trực tiếp điều khiển các cấp trị sự thi hành nghị quyết của Hội đồng Trung ương.

Hội đồng Trung ương gồm có một hội chủ, một tổng thư ký, hai phó thư ký, một thủ quỹ, hai phó thủ quỹ, một kiểm lý ngân sách cùng các ủy viên. Mỗi ủy viên đứng đầu một chuyên ban. Ban Tổng Trị sự cùng các ủy viên đều do Ban Trị sự Đại hội đồng bầu ra, làm việc trong một nhiệm kỳ ba năm. Những người có năng lực và tín nhiệm vẫn được tái cử. Dưới đây là danh sách Ban Trị sự Trung ương khóa đầu tiên.

Hội chủ: Hòa Thượng Tịnh Khiết
Phó Hội chủ: Thượng Tọa Trí Hải; Ông Lê Văn Định
Tổng Thư ký: Ông Tráng Đinh
Phó Thư ký: Thầy Định Trí; Ông Tống Hồ Cầm
Thủ quỹ: Ông Lê Mộng Tùng
Kiểm lý ngân sách: Ông Phạm Văn Phúc
Ủy viên Hoằng pháp, duyệt giáo lý: Thầy Trí Quang
Ủy viên Nghi lễ: Thượng Tọa Tố Liên
Ủy viên Giáo dục: Thầy Thiện Hòa
Ủy viên Tài chính: Ông Lê Toại
Ủy viên Thanh niên: Ông Võ Đình Cường
Ủy viên Mĩ thuật: Ông Nguyễn Hữu Ba
Ủy viên Tổ chức: Ông Nguyễn Đóa
Ủy viên Cứu tế xã hội: Ông Phạm Văn Vi
Ủy viên dự khuyết: Ông Tôn Thất Tùng; Ông Nguyễn Hữu Huỳnh; Ông Đỗ Đình Oánh.

Danh sách Ban Chứng minh Đạo sư (Ban này được Hội thỉnh và suy tôn vĩnh viễn)

Hòa Thượng Thích Mật Ứng – Bắc Việt
Hòa Thượng Thích Tuệ Tạng – Bắc Việt
Hòa Thượng Thích Giác Nhiên – Trung Việt
Hòa Thượng Thích Giác Nguyên – Trung Việt
Hòa Thượng Thích Tuệ Chân – Nam Việt
Hòa Thượng Thích Đạt Thanh – Nam Việt

Các hội viên trong Hội gồm có:
Sáng lập hội viên: Đại biểu của sáu tập đoàn đã dự hội nghị này từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế, đã ký tên trong bản điều lệ và nội quy này.

Danh dự hội viên là những vị của sáu tập đoàn đã sáng lập thành Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

Tăng già hội viên là những vị xuất gia chân chính.

Ân nghĩa hội viên (công đức hội viên) là những vị đã cúng bất động sản để làm cơ sở cho Tổng hội hay một trong sáu tập đoàn trong Tổng hội.

Tán trợ hội viên: Những vị đã cúng vào Tổng hội số tiền hay vật gì đáng giá từ 500 đồng trở lên.

Thực hành hội viên (chủ trì): Những người tại gia đã quy y Tam bảo, đóng tiền nhập Hội và làm việc cho Hội để thực hành Phật sự.

Thiện tín hội viên: Những người có tín tâm đối với Phật pháp mà không đóng góp gì, chỉ đi lại lễ bái, nghe diễn giảng mà thôi.

Tùy hỉ hội viên: Những thanh thiếu niên Phật tử kể cả nam nữ từ 20 tuổi trở xuống, vào Hội để theo học Phật pháp mà không phải đóng tiền.

Từ hôm khai mạc cho đến hôm bế mạc, Hội nhận được rất nhiều thư từ khắp các nơi gởi tới chúc mừng. Các đoàn thể, các chi hội Phật học Trung Việt cũng cử đại biểu đến chúc mừng đại hội. an Tổ chức cũng đưa đại biểu Hội nghị đi tham quan lễ bái các chốn Tổ và danh lam thắng cảnh như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, Nội thành Huế…

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version