Tiểu luận kết khóa trại Vạn Hạnh I – GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ
A – Lời Mở Đầu
Trước khi đi vào vấn-đề Phật-hoá của bài Tiểu-Luận này, chúng tôi xin phép được xác-định về phạm-vi của bài viết. Trong chương-trình sinh-hoạt của tổ-chức Gia-Đình Phật-Tử (GĐPT) tại Hải-Ngoại, trên căn-bản chúng ta có bốn bộ-môn sinh-hoạt chính, đó là Phật-Pháp, Văn-Mỹ-Nghệ, Hoạt-động Thanh- Niên, và Việt-Ngữ. Bộ-môn Phật-Pháp hiển-nhiên không phải là thành-phần để Phật-hoá, vì chính nó đã là giáo-lý nhà Phật rồi. Bộ-môn văn-Mỹ-Nghệ, trong đó Vũ, Kịch, Nhạc, Văn Thơ, và Nữ-Công Gia- chánh, tất cả đều đã có tài-liệu hướng-dẫn rõ ràng về đường lối, do đó cũng không bàn về Phật-hoá ở đây. Cũng thế, hai bộ-môn Hoạt-động Thanh-Niên và Việt-ngữ đều là những lãnh-vực thuộc vào loại kiến-thức đặc-thù, nên không có gì để Phật-hoá. Vậy, chúng ta muốn Phật-hoá điều gì ở đây? Chúng tôi xin thưa, đó là vấn-đề Phật-hoá các trò chơi sinh-hoạt trong tổ-chức.
Danh-từ Phật-hoá rất quen thuộc từ lâu trong tổ-chức GĐPT. Chữ “hoá” ở đây có ý-nghĩa là biến đổi, chuyển đổi, đưa từ một hình-thái này qua một hình-thái khác. Vấn-đề Phật hoá là biến đổi/chuyển đổi các suy tư, lời nói, hay hành-động trong các sinh-hoạt thường lệ ở đời qua hình-thức thấm-nhuần với giáo-lý nhà Phật. Nói đến Phật-hoá hàng huynh-trưởng phật-tử đều hiểu là một hình-thức hướng-dẫn, nhằm đem giáo-lý nhà Phật vào các sinh-hoạt giúp vui cho tuổi trẻ khi đến với tổ-chức. Vấn-đề giúp vui ở đây không chỉ là một sự giúp vui suông như bao trường-hợp giúp vui ngoài đời khác, ví như trong các tổ-chức họp bạn, ca hát, nhảy múa,… mà là một sự giúp vui có chủ trương giáo-dục. Giúp vui ở ngoài đời có thể chỉ là một cuộc giúp vui ngắn-ngủi, tạm-bợ qua đường. Người thụ hưởng có nhớ cũng được, quên đi cũng không sao. Nhưng mục-tiêu gíup vui trong Phật-hoá có dụng ý mang lại cho người thụ hưởng hiểu rõ, thấm nhuần, và nhớ lâu trong các lãnh-vực hoạt-động của cuộc sống. Nói như vậy để đưa ra một nhận-định rằng, vấn-đề Phật-hoá, nếu muốn có kết-quả, phải được xem như là một kỷ-năng giáo-dục và cần phải có một thực-thể nhân-lực để điều-hành và phát-triển.
Xét qua chiều dài lịch-sử – hơn bảy mươi năm – chúng ta chỉ mới đề-cập đến danh-từ Phật-hoá mà chưa hề có một thực-thể nhân-lực để xây-dựng nên các kỹ-năng Phật-hoá này. Nói một cách khác, danh-từ Phật-hoá chỉ có trong khái-niệm mà chưa thực-sự khai nở trong hành-động thực-tế. Một khái-niệm được đề ra, nhưng việc thực-hiện lại nằm trong sự tuỳ hứng hoặc trong khả-năng giới-hạn của các huynh- trưởng cầm còi. Ngoài ra, rất có thể trong quá khứ đã có nhiều sáng-kiến Phật-hoá từ nhiều nơi, nhưng các sáng-kiến lẻ-tẻ này đã không hội đủ duyên để phổ-biến rộng-rãi, hoặc để đưa đến một khuôn-khổ sinh-hoạt có hệ-thống, hầu đóng góp hữu-hiệu vào công cuộc giáo-dục của tổ-chức.
Nói tóm lại, vấn-đề Phật-hoá trong GĐPT không phải là một tiết–mục mới, mà là một mục-tiêu cần được khai-triễn để hỗ-trợ cho thành-quả giáo-dục của tổ-chức. Vấn-đề này đã đến lúc cần được thoát thai ra khỏi cái ý-thức “khái-niệm” để trở thành một “công-năng hữu-dụng” cho đường lối giáo-dục của tổ-chức. Thiếu “Phật-hoá” là mất đi cái bản sắc đặc-thù của tổ-chức. Có một lần, tôi ghé thăm một đơn-vị bạn đang sinh-hoạt ngoài trời. Các em thiếu-niên lúc đó đang quay tròn quanh một anh trưởng, hát hò vui-vẻ. Khi tiếng hát vừa chấm dứt, người anh trưởng ấy huýt lên tiếng còi, các em im lặng lắng nghe. Anh trưởng tuyên-bố: “Hôm nay các em rất ngoan, anh sẽ cho các em một trò chơi nhỏ“. Các em reo lớn, nhao-nhao hỏi: “Trò chơi gì đó, hở Anh?”. Anh trưởng vui miệng trả lời: “Trò chơi Cowboy bắn súng!”. Các em reo lên vui mừng. Còn tôi thì… lòng xìu xuống, gượng cười. Thật đáng buồn! Vì cái trò chơi đó – tuy hợp với thị hiếu của trẻ em – nhưng lại thiếu cái phẩm-chất giáo-dục của một tổ-chức Phật-học.
Mục-đích của bài Tiểu-Luận này là nhằm đề-nghị nâng cấp các hoạt-động trò chơi trong GĐPT lên thành một bộ môn giáo-dục mới, mệnh danh là bộ môn “Giáo-dục qua Trò Chơi Phật-hoá”. Nội-dung của bài viết sẽ gồm có các tiết-mục chính sau đây:
- Nhận-định về Giáo-dục Tuổi Trẻ qua Trò Chơi.
- Chủ-trương của GĐPT đối với việc áp đặt trò chơi trong đời sống sinh-hoạt của Tổ-chức: Giáo- dục và Phật-hoá.
- Nguyên-tắc căn-bản để thực-hiện đường lối Phật-hoá Trò Chơi.
- Làm thế nào để thực-hiện và duy-trì Tinh-thần Phật-hoá Trò Chơi.
B – Nhận-định về Giáo-dục Tuổi Trẻ qua Trò Chơi.
Tổ-chức GĐPT là một tổ-chức giáo-dục tuổi trẻ Phật-giáo. Hình-thức giáo-dục ở đây không đặt nặng vào hình-thức giáo-dục thuần-tuý của một học-đường, nghĩa là không gò bó các trẻ em vào khung-cảnh của một lớp học, dưới sự hướng-dẫn của một thầy hay một cô giáo, và các trẻ em chỉ làm bổn-phận học bài, làm bài để đủ điểm lên lớp sau mỗi niên-khoá. Hình-thức giáo-dục ở đây được đặt nặng trên sự khai phóng trí-huệ qua các trò chơi được nghiên-cứu hướng-dẫn. Đường lối giáo-dục này – đã từ lâu – xoá bỏ cái quan-niệm xem trẻ em như những cái đảy đựng sách, đảy đựng nhiều sách thì đỉnh trí-tuệ được lên cao. Đường lối giáo-dục này – đã trái lại – xem trẻ em như những cây hoa, có khả-năng trổi nở hoa, nhờ vào sự chăm bón của người trồng hoa. Nói một cách khác, sự phát-triển giáo-dục của tuổi trẻ trong giai-đoạn tân-tiến hiện tại được căn-cứ trên một trợ duyên thích hợp với bản-chất của lứa tuổi này, đó là “trò chơi”.
Vì sao “trò chơi” được thế-giới ngày nay xem là một trơ-duyên cho lãnh-vực giáo-dục tuổi trẻ?”. Câu trả lời rất đơn giản cho câu hỏi này là “vì tuổi trẻ thích chơi hơn học”. Chính vì cái điểm tâm-lý này mà người ta mới du nhập “cái học” vào các trò chơi của trẻ em. Thật vậy, trò chơi hầu như luôn luôn là lãnh-vực hâm-mộ của tuổi trẻ. Nếu ta dẫn một em bé lên ba tuổi đi qua một hàng bán đồ chơi, thì thế nào em bé đó cũng dừng chân lại ngắm nhìn và sờ mó vào một món đồ chơi nào đó mà nó ưa thích. Các lớp học mẫu-giáo đều là những nơi có chứa đựng nhiều món chơi của trẻ em. Các em cấp tiểu-học trong các giờ nghỉ ở sân trường thường họp bạn với nhau để vui đùa nhảy dây, chơi bi, đánh đáo. Học-sinh cấp trung-học thì rủ nhau chọi banh ở các sân bóng rỗ, hay dợt bóng bàn…
Đứng trước sự gắn liền giữa tuổi trẻ và trò chơi, một số tâm-lý gia đã đưa ra vài nhận-định sau đây, nhằm trả lời câu hỏi “vì sao các trẻ em lại quá ưa chuộng các trò chơi?”. Điều mà ai cũng nghĩ đến là các trẻ em khi bắt đầu có chút ý-thức, thấy thế-giới chung quanh đều mới lạ. Hình dáng, màu sắc, âm thanh, là những gì rất hấp-dẫn, khiến các em đều chú ý. Con búp-bê bé-bỏng, con gấu nâu độn vải mềm-mềm, cái vòng lục-lạc kêu leng-keng,… là những quyến rủ đối với các bé thơ khi còn trong vòng tay của mẹ.
Đến lúc vào lứa tuổi học trò, vì phải ở trong vòng kỷ-luật của học-đường, và áp-lực của đèn sách, tuổi trẻ cảm thấy có nhu-cầu được giải-trí, càng nhiều càng tốt, nên trò chơi trở thành món ăn đầy thú vị. Hơn nữa, ở lứa tuổi học trò này, các em lại thích hoạt-động, ưa sống trong môi-trường có bạn-bè, có đội ngũ, để cùng nhau vui đùa, tranh tài qua các trò chơi. Đó là động cơ thích hợp với bản-chất của tuổi trẻ, đưa đến những nỗ-lực hăng say tập luyện có lợi cho sự phát-triển thể-chất và trí-tuệ.
Tóm lại, qua hai nhận-định trên đây:
- Trò Chơi là trợ duyên cho lãnh-vực giáo-dục, vì
- Nhờ ở bản-chất của Tuổi Trẻ là ưa chuộng Trò Chơi,
cho nên chúng tôi không thấy có gì nghịch lý khi đem Trò Chơi đi kèm theo chương-trình giáo-dục Tuổi Trẻ.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề-cập thêm một nhận-định nữa, đó là những “Công-năng đóng góp của Trò Chơi trên phương-diện giáo-dục Tuổi Trẻ”. Chúng tôi xin đơn cử vài trường-hợp hữu-ích sau đây về Trò Chơi khi được áp-dụng song hành với chương-trình giáo-dục Tuổi Trẻ:
1. Trò Chơi là để giải-trí sau những giờ học dài mệt-mõi. Bản-chất của Tuổi Trẻ là không thể chịu đựng được những buổi học kéo dài mà không có phần giải-trí chen giữa. Thông thường các em trẻ vào lớp chỉ giữ được sự ngoan-ngoản trật-tự khoảng từ 20 đến 25 phút, sau đó thì chúng bắt đầu cựa quậy, hoặc quấy phá, làm ồn. Các phút giây kéo dài giờ giảng dạy của các thầy cô giáo sẽ không lôi kéo gì được sự chú tâm của các em, và đương nhiên là sẽ không giúp gì cho hiệu năng thâu thập của chúng. Người hướng-dẫn trẻ cần nắm vững điều này, và đừng quên chuẫn-bị sẳn một vài trò chơi giải-trí cho các em trước giờ giảng dạy.
2. Trò chơi giúp cho Tuổi Trẻ học hỏi nhanh chóng và phát-triển trí-tuệ. Thế-giới văn-minh ngày nay đã đặt nặng đường lối giáo-dục tuổi trẻ qua trò chơi thành một phương sách rất khoa-học, qua mọi lớp tuổi từ 3 cho đến loạt tuổi vị thành-niên. Chúng ta có thể tìm thấy trên các mạng điện-tử nhan-nhản các tài-liệu rất bổ ích dành cho lãnh-vực giáo-dục này. Chúng tôi xin đơn cử vài tài-liệu sau đây:
- Introduction to using games in education – A guide for Teachers and Parents- Dave Moursand. (Giới-thiệu về việc sử-dụng trò chơi trong việc giáo-dục – Một cẩm-nang cho các Nhà Giáo và Phụ-Huynh)
- The Vital Role of Play in EarlyChildhood Education – Joan Almo (Vai-trò trọng-yếu của Trò Chơi trong việc giáo-dục Trẻ Sơ niên)
- Games in Education – Global issues – All ages – (from Grade 5 through year 12) – (Trò Chơi trong Việc Giáo-Dục – Đối với mọi lứa tuổi – (từ lớp 5 đến lớp 12).
Điều mà hầu hết mọi người trong chúng ta – các bậc phụ-huynh, các thầy cô giáo, các chuyên-gia nghiên- cứu về tâm-lý tuổi trẻ… – đều có cùng một quan-điểm, cho rằng “chơi là một lối để học”.
Tiến-sĩ Gary Landreth, chuyên-khoa trị-liệu tâm-lý ngành trò chơi (a play therapist) đã từng phát-biểu: “A child’s play is his work, and the toys are his words” (Trò chơi của một em bé chính là việc làm của em bé ấy, và các món đồ mà nó chơi là những chữ mà nó học”. Lời phát-biểu này ví trò chơi đối trẻ em chẳng khác gì một bài học, trong đó các em hấp thụ được sự hiểu biết qua cách vận-dụng các món đồ chơi.
Quan-điểm trên đây cũng đã được tán đồng qua cuộc hội-thảo liên-bang giữa một nhóm Giáo-sư Ngành Cao-Học Giáo-Dục, tổ-chức tại Đại- Học Standford California vào tháng hai năm 2013, cho rằng “Trò Chơi là một trợ huấn cụ hữu-ích giúp cho cơ-hội giáo-dục tuổi trẻ được phát-triển và tiến sâu hơn” (Trích dẫn bài viết của R.F Mackay đăng trên Trang Nhà của Standford University).
3. Trò chơi giúp cho Tuổi Trẻ phát-triển thể-chất. Không cần phải giải-thích nhiều về tính năng-động của Tuổi Trẻ. Nhờ ở tính năng-động mà cơ-thể của các em bé mới được nẩy nở và phát-triển. Nếu em bé nào thiếu cái tính-chất này, thì em đó hẳn là có vấn-đề sức khoẻ cần được lưu ý chữa trị. Vì vậy, trong vấn- đề giáo-dục Tuổi Trẻ, chúng ta không nên bỏ quên phần Trò Chơi có liên-hệ đến thể-chất. Những trò chơi như chạy, nhảy, bơi lội, bóng rỗ, bóng chuyền, và … cả môn múa lân nữa, đều là những món chơi rất thích hợp với bẩm tánh của Tuổi Trẻ, và đồng-thời cũng đóng góp cho sự phát-triển thể-chất của chúng.
4. Trò chơi mang lại cho Tuổi Trẻ tập làm quen với lối sống hợp quần, và kết nối tình đồng đội.
Đây là những đức-tính cần-thiết mà các em sẽ được hướng-dẫn và trau dồi qua đời sống tập-thể của những trò chơi bên nhau. Tinh-thần hợp-quần được thể-hiện qua sự nỗ-lực hợp-tác tranh-đua, lấy chiến công làm niềm vui cho tập-thể. Tinh-thần đồng đội được bày tỏ qua tình tương –thân, tương trợ, xem màu cờ sắc áo là niềm vinh-dự chung cho tổ-chức.
5. Vấn-đề Trò Chơi Điện-Tử (Video Games)
Qua vài nhận-định trên đây, chúng ta đã đề-cập đến những khía cạnh tích-cực của Trò Chơi đối với vấn- đề giáo-dục Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, chúng ta không thể quá lạc-quan mà làm ngơ trước một khía cạnh tiêu-cực thời-đại hiện tại – mà chúng ta có thể xem là một vấn-nạn của Tuổi Trẻ đương thời trong vài thập niên gần đây – đó là sự lôi cuốn của Video Games, một thế-giới trò chơi điện-tử hiện-đại, có một sức mạnh thu hút tuổi trẻ, khiến cho một số đông lứa tuổi này đam mê, biếng học, quên ăn, bỏ ngủ, sức khoẻ hao mòn. Trên căn-bản, các Video Games không hẳn là không mang lại điều lợi-ích cho tuổi trẻ, nhưng chính vì cái động-lực thúc đẩy sự đam mê của các trò chơi điện-tử này, làm cho chúng trở thành những độc-dược. Trên THE BLOCK ra ngày 23 -01-2013 có đăng bài viết của Daniel Raphael, một sinh-viên năm cuối tại Manhattanville College, đã đề cập đến ảnh-hưởng của các Trò Chơi Điện-tử đối với thế-hệ đương thời (The Impact of Video Games on this Generation). Daniel cho rằng đa số phụ- huynh đã hoảng sợ trước loại trò chơi này qua nhiều lý-do bất lợi đối với con em họ, nhưng họ đã bỏ quên phần đóng góp tích-cực của món đồ chơi đó trong các lãnh-vực phát-triển khả-năng của tuổi trẻ, như sự tăng trưởng khả-năng giải-quyết vấn-đề, sự mở rộng hiểu biết trên các căn- bản luận lý (qua kinh-nghiệm của các trò chơi puzzles đầy sáng-tạo trên cả hai phương-diện chữ và hình); sự nhanh trí qua thói quen quyết-đinh mau chóng trong lúc luyện trò chơi bằng cách phối-hơp giữa tay-mắt và trí linh-động. Ngoài ra, theo các nhà nghiên-cứu tại Đại-Học Rochester, các trò chơi điện-tử còn có thể tạo ra những biến-cố giả-tạo, được xem như là những trợ cụ hữu-dụng trong hoàn-cảnh của thế-giới thực-tế, để nhờ đó mà não bộ có thể đưa ra những quyết-định nhanh chóng, và đây cũng là một lãnh-vực cần thiết cho sự phát-triễn của tuổi trẻ. Sau cùng, Daniel lại đưa ra vài con số thống-kê sau đây và kết-luận rằng đã có sự giảm thiểu về nhân số tuổi trẻ đam-mê Video Games trong thời-gian từ năm 1995 đến năm 2008, đối ngược lại sự gia tăng thương-vụ trên số hàng Video Games bán ra trong thị-trường.
Năm |
Tỷ-lệ Trẻ em phạm tội trên toàn quốc Hoa-kỳ | Tình-trạng bán Video Games |
1995 |
71.9% | Số thương-vụ Video Games |
2008 |
49.3% | gia tăng rất nhiều từ năm 1995 đến năm 2008 |
Các con số thống-kê trên đây nói lên rằng giữa khoảng thời-gian 13 năm từ năm 1995 cho đến năm 2008, số tỷ-lệ trẻ em phạm tội trên đất Hoa-kỳ có chiều hướng cắt giảm rất nhiều, từ 71% xuống 49.3%, trong khi đó số thương-vụ về Video Games lại có chiều hướng gia tăng bội bội. Có lẽ ý của Daniel cũng muốn nói rằng tỷ-lệ của “nhóm trẻ đam-mê Video Games” cũng đi xuống, không khác gì “nhóm trẻ phạm tội”. Tuy nhiên, các em phạm tội không hẳn là các em đam mê biếng học vì Video Games, nên các con số tỷ-lệ trên đây không thể đại-diện trung-thực cho tình-trạng giảm sút (hay không giảm sút) của nhóm đam-mê Video Games được.
C – Chủ-trương của GĐPT đối với việc áp đặt Trò Chơi trong đời sống sinh hoạt của Tổ-chức: Giáo-dục và Phật-hoá.
Như đã phát-biểu ở mục B trên đây, Trò Chơi là một trợ duyên cho chương-trình giáo-dục và tu học của tổ-chức GĐPT. Như vậy, chúng ta không nên đặt nhẹ vai trò của Trò Chơi, đừng xem nó như là một hình-thức giúp vui suông, và cũng đừng đặt nó trong sự tuỳ hứng của các huynh trưởng cầm còi. Trò Chơi cần được nghiên-cứu, soạn-thảo, hướng-dẫn, phổ-biến, và thực-hiện song hành với chương- trình giáo-dục tu học. Ngoài ra, và quan-trọng hơn hết, các trò chơi của GĐPT nên có khả-năng chuyên-chở các bài học giáo-lý trong các chương-trình tu học.
Trên căn-bản, việc áp đặt Trò Chơi vào đời sống sinh-hoạt của tổ-chức GĐPT nhằm vào hai chủ trương chính-yếu, đó là GIÁO-DỤC và PHẬT-HOÁ. Trò chơi có tính-cách giáo-dục là những trò chơi mang lại những điều học hỏi liên-hệ đến các lãnh-vực văn-hoá, đạo- đức, kỹ-thuật, cùng cách sống hài-hoà trong thế-giới loài người. Trò chơi có tính-cách Phật-hoá, là những trò chơi có khả-năng chuyên chở những bài học giáo-lý đã học qua chương-trình Phật- pháp của GĐPT. Trò chơi nào mang tính-chất này được gọi là Trò Chơi Phật-hoá.
Trò chơi Phật-hoá có những công- năng sau đây:
- Giúp cho người tham dự cuộc chơi duyệt lại và hiểu sâu đậm hơn những gì đã học trong giáo-lý.
Đây là một sự kiện thực-tế thường gặp phải qua các bài học lý-thuyết dài, được trình bày trong một thời-gian hạn chế. Người giảng không nói hết ý. Người nghe chưa kịp đặt vấn-đề, đôi khi lại hiểu sai lầm, không đúng chánh pháp. Khi đi vào cuộc chơi, người hướng-dẫn sẽ giải-thích ý-nghĩa và chi-tiết của trò chơi, làm cho người chơi chú ý và hiểu sâu hơn về điều đã học trước đây trong lớp.
Bức tranh PHẬT TRONG TA là một thí-dụ điển-hình của một Trò Chơi Phật-hoá.
Năm 1950, các GĐPT ở Huế (Thừa-Thiên, Việt-Nam) được đôn-đốc nỗ-lực thi đua triển-lãm, góp phần vào tổ-chức Đại-Hội Huynh-Trưởng Toàn Quốc tại Chùa Từ-Đàm. Một em Thiếu-niên cấp Sơ-Thiện thuộc GĐPT Hương-Đạo, dưới sự hướng-dẫn của Thầy Cố-vấn Giáo-Hạnh Thich Đức-Tâm, đã phát hoạ ra bức tranh, ngụ ý “Em là Phật sẽ thành” mà em đã từng nghe Thầy giảng qua giờ học giáo-lý. Bức tranh được trưng bày tại phòng triển lãm của Đại-Hội năm ấy, và đã được Thầy Chủ-khảo Thích Trí- Quang chấm giải nhất.
(Ghi chú: Em Thiếu-niên tác-giả bức hoạ nói trên, có tên là Phan-Thanh-Thu, Pháp-danh Như-Nguyệt, dòng-dõi Cụ Phan-Thanh-Giản, nay tuổi đã 83, sinh-hoạt Phật-sự tại chùa Hoa-Nghiêm, Wash. D.C. Bức tranh hiện có tại Hoa-kỳ là bức do Như-Nguyệt tái phát hoạ vào năm 2015 để tặng Thiện-Hiền, đánh dấu ngày tái-ngộ giữa hai anh em Hương-Đạo xưa, sau hơn sáu thập-niên cách biệt. Bức tranh tái phát hoạ này hiện đang được trưng bày tại phòng họp trụ-sở của Miền Tịnh-Khiết GĐPTVN tại Hoa- Kỳ, nằm trong tòa cơ-sở của Trung-Tâm Phật-Giáo Viên-Minh, thành phố Moore, Oklahoma).
- Giúp cho việc thực-tập giáo-lý được hứng thú và nhớ dai.
Thói thường, khi người ta ưa thích thì người ta mới có cảm hứng tham gia. Các trẻ em ưa thích trò chơi thì các em khó mà từ bỏ cuộc vui trong trò chơi. Muốn góp mặt, các em phải học hỏi để làm theo đúng các động-tác, lời phát biểu, và đôi khi luôn cả cách suy tư, như đã được sắp xếp trong trò chơi. Như vậy, khi đến với một trò chơi Phật-hoá, là lúc các em có dịp để thực-tập giáo-lý, và nhờ đó các em sẽ giữ được lâu trong tàng-thức.
- Để thấm nhuần giáo-lý.
Khi một trò chơi được lặp đi lặp lại nhiều lần, người chơi đương nhiên nhờ đó mà trở thành quen thuộc với hành-động, lời nói, và ý-nghĩ trong cuộc chơi, rồi tiến dần đến chỗ thấm nhuần giáo-lý qua cuộc sống.
- Để thực-hiện đường lối “đem Đạo vào Đời”.
Trò chơi Phật-hoá không những chỉ giúp đem vui và giáo-dục tuổi trẻ trong tinh-thần Đạo Phật, các trò chơi ấy khi được áp-dụng tại các sân chùa, trước mắt các bậc phụ-huynh cùng thập phương bá tánh, ắt hẳn cũng có thể đem lại nhiều ấn-tượng tốt đẹp cho đời.
D – Nguyên-tắc căn-bản để thực-hiện Trò Chơi Phật-hoá.
Việc sáng tạo ra các trò chơi Phật-hoá cũng đòi hỏi đến vài tiêu-chuẩn căn-bản, ngõ hầu bảo-đảm sự thích-nghi trong đường lối giáo-dục Phật-giáo, cũng như trong chiều hướng đáp ứng sự giúp vui cho tuổi trẻ trên con đường tu học. Trong giáo-lý Nhà Phật, Đức Thế-Tôn ngày xưa đã dạy và lưu truyền cho đến ngày nay bốn tiêu-chuẩn căn-bản – gọi là TỨ TẤT ĐÀN (nguyên xuất phát từ thuật-ngữ tiếng Phạn “siddhantas”) – mà Ngài hằng áp-dụng trong đường lối giáo-dục của Ngài, nhằm giúp chúng-sanh chóng thành tựu Phật-đạo. Theo phân-tích ghi nhận từ bộ Từ-Điển Phật-Học Hán-Việt, do Nhà Xuất-Bản Khoa-Học Xã-Hội ấn-hành tại Việt-Nam năm 2004, trang 1453, chữ “Tất” trong Hán-tự có nghĩa là “phổ-biến”, Chữ “Đàn” là lối nói tắt của từ “Đàn-na” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “thí”. “Tất Đàn” nói chung lại có nghĩa là “Phổ thí chúng-sanh”. Tứ Tất Đàn là bốn tiêu-chuẩn căn-bản trong đường lối “phổ thí chúng-sanh”. Bốn tiêu-chuẩn đó là:
1. Thế-giới tất đàn.
Đây là tiêu-chuẩn đòi hỏi sự giảng dạy phải thù ứng với thế-giới mà mọi người đang sinh sống. Sự thù ứng đó cần được thể hiện trên nhiều phương-diện, bao gồm từ xã-hội (như phong-tục, tập-quán, tín- ngưỡng, v.v…) đến trình-độ văn-hoá (như văn-học, nghệ-thuật, v.v…), tất cả những gì có thể làm cho người thụ-huấn dễ thâu nhận, nhờ vào chỗ quen thuộc sẳn có từ trước trong lãnh-vực nhận-thức của họ. Thật vậy, chúng ta hãy thử nhìn vào vài trường-hợp sau đây thì đủ rõ. Trong một xã-hội phong-kiến, dân-trí còn thấp kém, việc áp-dụng tinh-thần dân-chủ ở đây ắt phải khó khăn. Trong một quốc-gia chậm tiến, dân chúng chưa hề tiếp xúc với máy móc điện-tử, nếu đem giảng về công-dụng của điện-tử thì có được mấy ai nghe?
Trở về với lãnh-vực trò chơi, và với quan-niệm xem trò chơi cũng là một hình-thức giáo-dục tuổi trẻ trong tổ-chức GĐPT, thì tiêu-chuẩn “thế-giới tất-đàn “nêu trên cũng là một yếu-tố cần được lưu tâm. Nói một cách khác, mọi sáng tác và hướng-dẫn trò chơi trong tổ-chức cần phải thích-nghi với thế-giới của lứa tuổi trẻ mà chúng đang sống. Điều này có nghĩa là phải phù hợp với phong-tục tập-quán, trình- độ văn-hoá, ngôn-ngữ, để các em có thể hiểu và hứng thú góp mặt. Ở Hoa-Kỳ, hầu hết các trẻ em đều được làm quen với các lễ hội hằng năm như Halloween, Thanksgivings, Mother Day… nếu các lễ hội này được GĐPT chuyển thành những trò chơi Phật-hoá thì rất có thể đem lại nhiều thú vị cho các em đoàn-sinh tại quốc-độ này. Lễ hội Trung-thu là ngày Tết Thiếu-Nhi tại Việt-Nam, trẻ em ở đây rất hớn- hở với trò chơi rước đèn dưới trăng, nhưng trò chơi này xem ra không mấy hấp-dẫn đối với trẻ em sống trong bối-cảnh của nước cờ Hoa.
2. Vị nhân tất đàn.
Tiêu-chuẩn thứ nhất nêu trên đề-cập đến sự thù ứng với bối-cảnh sinh sống của con người, tiêu-chuẩn thứ hai ở đây – vị nhân tất đàn – đề-cập đến sự thù ứng với đời sống kinh-tế, bản chất cơ-thể, và trình- độ hiểu biết của con người, tỷ như giàu hay nghèo, thể-chất cường tráng hay yếu ớt, tuổi tác trẻ hay già, giới tính nam hay nữ, ngôn-ngữ đồng chủng hay ngoại lai, v.v… Người hướng-dẫn muốn thành đạt đương nhiên phải có phương-sách thích-ứng đối với từng hạng người mà mình có bổn-phận dẫn dắt.
Riêng trong lãnh-vực trò chơi Phật-hoá, sự chọn lựa trò chơi bắt buộc phải chú ý đến trình-độ hấp-thụ giáo-lý của các em đoàn-sinh. Lẽ tất nhiên chúng ta đều hiểu rằng, không thể cho các em ngành Oanh một trò chơi, nguyên được soạn dành cho các em ngành Thiếu.
3. Đối trị tất đàn.
Tiêu-chuẩn thứ ba này nhắm đến công-năng làm giảm khổ, đem lại an vui và hạnh-phúc thật sự cho người. Hai chữ đối-trị ở đây, tuy không nói ra một cách đầy đủ, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng trong đó có ngụ ý muốn nói lên cái chiều hướng giúp người chữa trị thân bệnh và tâm bệnh, hai phiền-não thường đoanh vây trong đời sống. Riêng đối với sinh-hoạt trong GĐPT, tiêu-chuẩn đối trị ở đây còn có thêm ý nghĩa là loại bỏ các tật xấu, để hướng về việc gieo trồng các hạnh lành. Do đó, việc phát-động trò chơi Phật-hoá trong sinh-hoạt GĐPT đương nhiên là một cơ duyên tốt cho mục-tiêu đối trị này. Thật vậy, với trò chơi Phật-hoá qua ý-niệm Từ-Bi, không hại người giết vật, đó là đối-trị với lòng hiếu sát; với trò chơi Phật-hoá qua tinh-thần cứu-trợ, bố-thí nạn nhân, đó là đối trị với lòng vị kỷ v.v…
4. Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Đây là tiêu-chuẩn đặt nhận-thức hoàn toàn trên sự thật như thật, lấy chân đế làm căn-bản. Các trò chơi Phật-hoá phải luôn luôn hướng tuổi trẻ về với sự thật như thật, đúng theo tinh-thần căn-bản của đường lối giáo-dục Phật-giáo.
E- Làm thế nào để thực-hiện và duy-trì tinh-thần Phật-hoá Trò Chơi.
1– Nhận xét về tình-trạng sinh-hoạt trò chơi hiện hữu trong GĐPT VN tại Hoa-Kỳ.
Trong phần nhận xét này, chúng tôi xin cáo lỗi là đã không thực-hiện được sự thăm dò ý kiến rộng-rãi hơn trong Tổ-chức, vì thời-gian giới-hạn (sau khi quyết-định chọn đề-tài kết
khoá), mà chỉ thu hẹp sự đúc kết căn cứ trên các cuộc điện-đàm hay đối-thoại với vài huynh-trưởng cầm còi kinh-nghiệm như anh Tâm Giác-Tâm Đặng-văn-Thành, nguyên Liên Đoàn Trưởng GĐPT Huyền- Quang (Houston, TX), anh Tắc-Dũng Lê-văn-Nghĩa, Liên-Đoàn-Trưởng GĐPT Linh-Sơn (Houston, TX), anh Đức-Tuệ Bùi-Lê-Tuấn, Liên-Đoàn-Trưởng GDPT Trúc-Lâm (Chicago, IL), và anh Tịnh-Nhân Lê-Quốc-Kỳ, Liên-Đoàn-Trưởng GĐPT Viên-Minh (Moore, OK). Lẽ tất nhiên là chúng tôi biết còn nhiều vị Liên-Đoàn-Trưởng kinh-nghiệm khác nữa ở khắp nơi trên toàn quốc Hoa-Kỳ, nhưng vì không đủ duyên để tiếp xúc tất cả, thật là đáng tiếc!
Tựu trung thì tình-trạng điều-hành trò chơi tại các đơn-vị nêu trên có thể ghi tóm-lược như sau:
- Một điểm son trước tiên mà trong tập-thể chúng ta đều công-nhận là các anh chị em huynh-trưởng chúng ta trên các Miền đã tỏ ra có rất nhiều khả- năng và sáng-kiến trong việc thiết-kế và điều-hợp các trò chơi lớn qua các Trại Chu-niên, Họp Bạn, và Tu Học. Đặc biệt, gần đây nhất là sự thành-công vĩ-đại của Trại Họp Bạn HOA LAM tại Manitowa thuộc Tiểu- Bang Illinois, vào mùa hè năm 2015.
Riêng về phần sinh-hoạt hàng tuần tại từng đơn-vị, các trò chơi nhỏ thường được thiết-kế theo hình-thức trò chơi vòng tròn, chung cho toàn đơn-vị, trước giờ chia tay. Đôi khi cũng có vài trường hợp tổ-chức trò chơi lẻ-tẻ qua những giờ sinh-hoạt tự-trị của từng Đoàn, dưới sự điều-khiển trực-tiếp của Đoàn trưởng. Trò chơi vòng tròn tại mỗi đơn-vị thường được uỷ-thác cho huynh-trưởng trực (thay phiên mỗi tuần) thiết-kế và điều-động. Trò chơi vòng tròn lắm lúc cũng bị huỹ bỏ vì thiếu thời-gian để thực-hiện.
- Đề-tài của các trò chơi vòng tròn hoàn-toàn tuỳ thuộc vào vị huynh-trưởng trực hay huynh-trưởng quản-trò làm đại-diện. Thông thường là những trò chơi cũ soạn lại – loại “mèo bắt chuột” – và thay đổi hình-thức theo sáng-kiến của người quản-trò.
- Và sau cùng, mặc dầu có chủ tâm về vấn-đề Phật-hoá trò chơi, nhưng chưa đủ thuận duyên để thực- hiện.
Nhìn chung – theo thiển-kiến của chúng tôi – thì vấn-đề sinh-hoạt trò chơi nhỏ trong tổ-chức GĐPT chúng ta tại Hoa-kỳ “có thể đang ở trong tình-trạng chưa được đặt nặng, cần được lưu tâm cải tiến để nuôi dưỡng tinh-thần của Tuổi Trẻ”. Tình-trạng này có thể là một nguyên nhân quan-trọng, trong chiều hướng thâu hút sự chuyên-cần cùng sự gắn bó bền-bĩ của đoàn-sinh đối với Tổ-chức. Căn-cứ trên phần nhận-định ở mục B của bài viết này, bản-chất của Tuổi Trẻ là ưa chuộng Trò Chơi. Do đó, nếu trong một buổi sinh-hoạt mà trò chơi lại vắng bóng thì các em sẽ nghĩ thế nào về buổi sinh-hoạt ấy? Chắc-chắn là các em sẽ nghĩ rằng “boring” (buồn tẻ). Nếu tình-trạng này lại kéo dài, các em có thể sẽ không còn thiết-tha gì đến buổi họp đoàn nữa.
Trên thực-tế, trong nhiều thập-niên qua GĐPT Việt-Nam tại Hoa-Kỳ đã đào-tạo khá nhiều huynh-trưởng cầm còi, qua các trại Lộc-Uyển và A-Dục. Các anh chị em này – không cần phải nói nhiều – đã trưởng- thành, có thừa khả-năng để biến chế và điều-khiển các trò chơi nhỏ cho các buổi sinh-hoạt đơn-vị hay trong các dịp hoà đồng với trại sinh qua đời sống trại. Vấn-đề được đặt ra là các anh chị em ấy thường bận bịu đa đoan với nhiều việc khác nhau trong cuộc sống, đồng thời phải gánh vát trọng trách trong các nhiệm-vụ ngỗn-ngang của đơn-vị, nên không thể đặt chủ tâm vào công-tác phong-phú-hoá các trò chơi nhỏ, cũng như việc đóng góp vào chương-trình Phật-hoá các trò chơi này.
2– Đề-nghị thay đổi chủ-trương: Nâng lãnh-vực Sinh-hoạt Trò Chơi thành một bộ môn lấy tên là Bộ Môn Trò Chơi Phật-Hoá.
Qua nhận-định về tình-trạng điều-hành các sinh-hoạt trò chơi nhỏ nêu trên, chúng tôi nhận thấy cần xét lại phương-thức sinh-hoạt hiện tại, đưa trò chơi trong GĐPT lên mức sinh-hoạt quan trọng, để hàng huynh-trưởng cầm còi quan tâm hành sử, đem lại sự lợi lạc cho tuổi trẻ và sự thăng tiến cho tổ-chức.
Trong chiều hướng phân loại sinh-hoạt hiện tại, trò chơi lớn và trò chơi nhỏ nằm trong phần hành của bộ môn Hoạt-Động Thanh-niên. Bộ môn này chủ trương huấn-luyện cho tuổi trẻ về các năng-khiếu hiểu biết liên-hệ đến thể-chất và nhu-cầu mưu sinh thoát hiểm trong cuộc sống. Học thắt gút, thuộc dấu đi đường, học dựng lều trại, biết định phương hướng, hiểu cách cứu thương, …. là những thường-thức của bộ môn này giúp cho tuổi trẻ có khả-năng để tự lực và sau này giúp đời.
Xét qua bản-chất của các trò chơi lớn – thường được thực-hiện trong các trại chu-niên, họp bạn, kết thân,… – chúng cũng chỉ là phương-thức để thực-tập việc áp-dụng các bài vở đã học trong bộ môn hoạt-động thanh-niên mà thôi. Do đó, chúng ta có thể xếp chúng theo bộ môn này.
Riêng về phần các trò chơi nhỏ, vai trò của chúng ngày nay đã được xem thành một nhân-tố trợ duyên quan trọng trong lãnh-vực giáo-dục tuổi trẻ, như trước đây đã đề-câp (xin xem mục B của bài tiểu luận này). Đề-nghị của chúng tôi là nâng lãnh-vực sinh-hoạt trò chơi nhỏ lên hàng BỘ MÔN, giống như các bộ môn sinh-hoạt khác trong tổ-chức và lấy tên là Bộ môn TRÒ CHƠI PHẬT-HOÁ. Đề-nghị này căn- cứ trên hai quan-điểm: (1) Đặt nặng vai trò của Trò Chơi Nhỏ, và (2) Hướng về trọng tâm Phật-hoá Trò Chơi Nhỏ.
(1) Trên phương-diện vai trò:
Nâng sinh-hoạt Trò Chơi Nhỏ lên hàng bộ môn là một phương thức công-nhận sự quan-trọng của sinh- hoạt trò chơi nhỏ trong vai trò trợ-duyên cho giáo-dục, cùng chú trọng sự nuôi dường tinh-thần của đoàn- sinh trẻ. Nếu chỉ gọi suông như cũ – là “trò chơi sinh-hoạt”, thì tên gọi này có thể gieo trong tâm trí của các huynh-trưởng cầm còi một quan-miệm đơn giản, rằng đây là trò chơi giải-trí, giúp vui, có cũng tốt, không có cũng không sao. Nếu với danh xưng là bộ môn, thì bộ môn trò chơi sẽ phải được chính thức có mặt trong hệ-thống tổ-chức, có nhân-lực đặc-trách trong các lãnh lãnh-vực nghiên-cứu, sưu-tầm tài- liệu, và như vậy sẽ giúp đỡ nhiều cho các huynh-trưởng cầm đoàn cũng như cầm còi.
(2) Trên phương-diện trọng-tâm:
Trọng tâm mà chúng tôi muốn đề-cập ở đây là vấn-đề Phật-hoá. Vấn-đề này nói ra thì dễ, nhưng thực- hiện thì không dễ. Lãnh-vực này đòi hỏi đến nhiều khả-năng: phải hiểu rành giáo-lý, có óc sáng tạo để chuyên-chở giáo-lý vào trò chơi, và nhất là phải có thì giờ để chú tâm vào sáng tác.
Người huynh-trưởng cầm còi có thể hiểu biết nhiều về giáo-lý, có thể giàu óc sáng-tạo, nhưng trên thực- tế thường bị đoanh vây bởi nhiều công việc – việc học hành, việc nhà, việc sở… – nên trí óc ít thảnh thơi để có thể đầu tư thì giờ vào công-tác Phật-hoá trò chơi. Người huynh-trưởng phụ-trách bộ môn Trò Chơi Phật-Hoá sẽ là người chuyên trách làm công việc Phật-hoá trò chơi, để sản xuất trò chơi Phật-hoá cho huynh-trưởng cầm còi, Được như vậy, kỹ-thuật trò chơi Phật-hoá mới mong có cơ-hội duy trì và phát- triễn được.
Theo quan-niệm tổ-chức hiện-hành, đứng đầu của mỗi bộ môn là một Uỷ-viên trong một Ban Hướng- Dẫn, hoăc cấp Trung-Ương hay câp Miền. Như vây, Bộ môn Trò Chơi Phật-hoá vừa được đề-cập trên đây sẽ chỉ thiết-lập ở cấp Trung-Ương và cấp Miền mà thôi. Riêng về việc thống-thuộc, xét trên quan- điểm trợ-duyên giáo-dục, chúng tôi xin đề-nghị đặt Ủy-viên Trò Chơi Phật-hoá dưới quyền trực-tiếp của vị Phó Trưởng Ban Nghiên-cứu & Huấn-Luyện. Ngoài ra, tuỳ theo nhu-cầu, Ủy-viên Trò Chơi Phật- hoá có thể đề-cử thêm một Phụ-tá để hỗ trợ đẩy mạnh chương-trình Phật-hoá, hiện đang được xem là còn trong tình-trạng phôi thai.
3- Nhiệm-vụ của Uỷ-viên Trò Chơi Phật-hoá.
Trên căn-bản, nhiệm-vụ của Uỷ-viên Trò Chơi Phật-hoá cấp Trung-Ương và Cấp Miền đều tương tự như nhau, ngoại trừ vài chi tiết sai khác được ghi chú trong phần liệt-kê dưới đây:
1) Sưu tầm và sáng-tác trò chơi (cả UV Trung-Ương và UV Miền đều làm):
Vì nhu-cầu phong-phú-hoá các trò chơi cho các đơn-vị, Ủy-viên Trung-Ương và Ủy-viên Miền nên thường xuyên hợp-tác với nhau, sưu-tầm và sáng-tác càng nhiều trò chơi càng tốt. Việc sưu-tầm trò chơi tốt nhất là cách sử-dụng các tài-liệu qua mạng lưới điện-tử. Chúng tôi xin liệt-kê sau đây vài tài-liệu để tham-khảo:
- Games in Education – Global issues – All ages (grade 5 thru year 12)
- 23 Popular Educational Games For Teens – Sagari Gongala momjunction.com
- 8 Play-Based Strategies to engage Youth in Learning
- Games with a Point
Sau khi sưu-tầm, công việc tiếp theo là chọn lựa lại những trò chơi hợp với tiêu-chuẩn ấn-định ở Mục D của bài Tiểu Luận này, để soạn thảo chỉ-dẫn cách chơi, lưu trữ, và phổ-biến sau này.
2. Thiết-lập Mục Trò Chơi Phật-hoá trên Trang Nhà Trung-ương (chỉ dành cho UV Trung-Ương mà thôi): Trang Nhà này được thiết-lập để tập trung và tồn-trữ trò chơi).
Trang Nhà này là nơi duy nhất cung cấp tài-liệu Trò Chơi cho tất cả các đơn-vị trong tổ-chức.
3. Phật-hoá Trò chơi (UV Trung-ương và UV Miền): Mục-tiêu Phật-hoá trò chơi cần phải được các Uỷ-viên Miền và Trung-Ương lưu tâm đẩy mạnh. Công-tác này nên nghĩ đến việc triệu-tập thêm nhân- sự có khả-năng về giáo-lý để hội-thảo, thay vì làm việc đơn độc.
4. Tổ-chức thi đua sáng-tác định-kỳ (dành cho UV Trung-ương): Tổ-chức thi đua có giải thưởng, ít nhất mỗi năm một lần giữa các đoàn-sinh thuộc các Miền. Giải thưởng trên căn-bản là Bảng Tưởng-lục do Trưởng Ban Hướng-Dẫn Trung-Ương trao cấp. Bảng Tưởng Lục sẽ có giá-trị, khi tham-dự bất kỳ một khoá huấn-luyện nào do GĐPTVN tại Hoa-Kỳ tổ-chức, là 5% tổng-số điểm đòi hỏi của khoá học. Ngoài ra, người trúng giải còn được tặng thêm một huy-hiệu danh-dự về sáng-tác trò chơi để cài trên đồng-phục.
F– Kết-luận.
Trong bài viết này, chúng tôi đã đề-cập ba nhân-tố chính-yếu trong vai trò giáo-dục của GĐPT, đó là TUỔI TRẺ, TRÒ CHƠI, và PHẬT-HOÁ. Tuổi trẻ là đối-tượng, vì tuổi trẻ là tương-lai của Phật-giáo đồ, là lớp người mà GĐPT phát-nguyện dẫn dắt đi trên con đường hướng thiện của Đạo Phật, để trở thành những người con Phật chân-chánh, hầu giúp đời bớt khổ theo tinh-thần Phật-giáo. Phật-hoá là đường lối, là phương-thức đem giáo-lý Phật-đà vào đời sống của tuổi trẻ, để giúp chuyển hoá các nghiệp xấu trong hành-động, trong lời ăn tiếng nói, và trong ý-nghĩ. Và Trò Chơi là phương-tiện, là dung-môi giúp cho gia-tài Phật-hoá đến gần với tuổi trẻ. Nói như vậy là ví trò chơi như là một vật xúc-tác hữu ích trong một thí-nghiệm hoá-học, nhằm kết hợp hai dung-dịch hoá-chất hoà tán với nhau.
Thiếu vật xúc-tác thì thí-nghiệm hoá-học sẽ bất thành. Thiếu trò chơi thì thành quả giáo-dục cũng sẽ không đem lại kết-quả khả-quan, nếu không muốn nói là thất bại. Điều này có thể xem như là một định- luật, và định-luật này đã được dẫn chứng trong phần B của bài viết này: “Trò chơi là trợ-duyên (hay vật xúc-tác) cho công-tác giáo-dục tuổi trẻ, vì bẩm tính của tuổi trẻ là ưa thích trò chơi”.
Cái được gọi là định-luật trên đây có đúng để áp-dụng cho tổ-chức GĐPT Việt-Nam tại Hoa-Kỳ trong tình-trạng hiện tại hay không? Theo thiển-ý chúng tôi, xin kính trân trọng trả lời là “cần áp-dụng”, vì các lý-do sau đây:
- Nên nâng cao lãnh-vực sinh-hoạt trò chơi nhỏ để liên-tục phong-phú hoá tài-liệu sinh-hoạt cho lãnh-vực này.
- Nên phát-động mạnh đường lối Phật-hoá trò chơi để phát-huy tinh-thần Phật-giáo trong đường lối giáo-dục của Tổ-chức.
- Nên nghiên-cứu và thực-hiện Bộ môn Trò Chơi Phật-hoá để mọi cấp huynh-trưởng cầm Đoàn và cầm còi ý-thức được sự quan-trọng của các lãnh-vực sinh-hoạt này, đồng-thời chính-thức tạo nên một hệ-thống đặc-trách công cuộc sưu-tầm, sáng-tác, tập-trung và phổ-biến các tài-liệu sinh-hoạt về trò chơi trên một Trang Nhà Điện-tử trung-ương.
Trân trọng kính trình.
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
TÀI-LIỆU THAM-KHẢO:
- – Giáo-Dục Tuổi Trẻ Phật-Giáo. Hoa Đàm Số 1, Tháng 3/2015
- – Hoạt-Động Thanh-Niên Gia-Đình Phật-Tử. Trại & Sinh-Hoạt Trại. Huệ-Cảnh – Quảng Dũng – Tâm- Kiểm
- – Kỷ-yếu Trại Hoa Lam 2015. BHD Trung-Ương GĐPT VN tại Hoa-Kỳ
- – Đạo Phật và Giáo-Dục. Hoà-Thương Thích Viên-Lý
- – The Role Of Games On Youth Education
- – Apps & Games. com
- – Role – Playing Games used as Educational and Therapeutic Tool For Youth and Adults
- – Games in Education – Global issues – All ages (grade 5 thru year 12)
- – 23 Popular Educational Games For Teens. Sagari Gongala. www.momjunction.com
- – 8 Play-Based Strategies to engage. Youth in Learning
- – Games with a Point
[divider style=”normal” top=”20″ bottom=”20″]
Nguồn: Tiểu luận trại Vạn Hạnh I – GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ