Sơn đang tám với với thằng Sean, bất chợt có ai đó vỗ vai cái bụp, quay lại thì là chú Sanh
– Sơn, tết năm nay có về chùa không? Mùng một tết nhằm ngày thứ sáu, rất tiện lợi. Con lấy ngày nghỉ chưa?
Sơn hỏi ngược
– Vậy chú lấy chưa?
– Chú lấy từ tuần trước, nếu con có lấy thì lấy ngay đi, để tuần tới không còn chỗ trống, thằng đốc công nó không duyệt đấy!
– Dạ, cảm ơn chú.
– Thế tối thứ năm lên chùa đón giao thừa chứ?
Sơn ngần ngừ giây lát
– Lạnh quá chú ơi, đi hay không cháu cũng chưa biết chắc!
– Lạnh thì lạnh, thanh niên trai tráng mà sợ gì! Chú đây già cả mà còn đi được.
Quả thật vậy, chú Sanh đã gần sáu mươi lăm nhưng trông gân guốc phương phi lắm, năm nào chú cũng về chùa Hải Lượng để đón giao thừa. Chú thường bảo chúng mình xa quê, lưu lạc xứ này không về cố quận ăn tết thì cũng nên lên chùa hưởng chút khí vị quê hương, trước thì lễ Phật, tưởng nhớ tổ tiên, sau nữa để thõa cái cái lưu luyến những ký ức xa xưa ở trong tâm.
Chùa hải Lượng vốn là một căn nhà nhỏ bè cũ kỹ, đất chưa đến hai mẫu tây. Hai mươi năm trước ni sư Hải Nguyệt về đây tậu mãi và sửa sang lại làm chùa. Phật tử quanh vùng đa phần là công nhân ăn lương giờ nên cũng không khá giả chi mấy, bởi thế cứ cù nhẫy mãi mà chưa thể mở rộng diện tích hay xây lại chánh điện cho khang trang. Chùa nghèo, kinh phí không có nên không xài máy sưởi, máy lạnh. Mùa hè thì nóng như lò nung còn mùa đông thì lạnh tê tái. Đêm giao thừa tết ta chính là lúc giữa mùa đông của xứ này, có năm thì tuyết bay, có năm thì nước đông đá. Ấy thế mà đồng hương vẫn tề tựu về chùa để đón giao thừa. Sơn thì năm có năm không, năm rồi là năm tuổi của Sơn nên Sơn cũng ráng về chùa lúc nửa đêm, năm nay thì Sơn còn lưỡng lự. Về chùa đêm trừ tịch kể cũng vui, có mai vàng, có bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu… Có những tà áo dài đủ màu sắc của các bà và của chị em. Sơn phục lăn giới nữ, trời lạnh căm căm mà họ vẫn cố gắng mặc áo dài.Đêm giao thừa quả là thiêng liêng, là giờ phút giao thoa giữa cái cũ và cái mới, là thời khắc thế hệ hiện tại tương tác với tổ tiên, là phút giây đồng hướng về quê hương bản quán… Có lẽ vì tính chất thiêng liêng này mà chị em phụ nữ bất chấp cái lạnh để mặc áo dài.
Thấy Sơn lặng lẽ ngẫm nghĩ chưa trả lời, chú Sanh nhắc
– Đi chứ? Thanh niên mà sợ gì lạnh!
Sơn gật đầu
– Dạ, sẽ đi
Giao thừa năm nay thật ảm đạm, Số người về chùa không bằng một phần tư so với năm trước. Cơn dịch Coronavirus vẫn hoành hành nên Phật tử sợ, vả lại chùa cũng tuân thủ những quy định của chính quyền sở tại, phải giữa khoảng cách an toàn. Tuy ít người nhưng những tà áo dài cũng đủ để cảm nhận đêm giao thừa có phong vị và hình ảnh quê hương. Sau khi lễ Phật, ni sư Hải Nguyệt đọc thư chúc tết của hòa thượng trưởng lão hội đồng giáo phẩm, phát lộc cho mọi người. Ni sư bảo sáng mùng một mới đốt pháo, bây giờ nửa đêm mà đốt sẽ gây phiền phức cho láng giềng xung quanh.
Chú Sanh mở cuộn giấy màu hồng thật to, viết đôi câu đối để tặng ni sư và Phật tử của chùa. Chú Sanh vẫn giữ nếp xưa nay, mỗi đêm giao thừa đều khai bút. Có năm thì chú viết tứ cú hoặc lục bát, có năm một bài trường thi. Năm nay chú viết câu đối.
Đêm ba mươi sư phụ niêm hương bạch Phật cáo yết tôn sư tế tổ tiên trời đất.
Sáng mồng một đệ tử phát lộc đồng hương liễu tri đại chúng tưởng dân tộc quốc gia.
Mọi người trầm trồ khen nét bút đẹp, uyển chuyển như rồng bay phượng múa. Riêng ni sư thì rất cảm kích vì nội dung. Ni sư cắt nghĩa thêm để mọi người hiểu rõ hơn, quả thật câu đối của chú hay và tràn đầy ý nghĩa. Nhiều người xin chữ, chú Sanh cũng vui lòng viết cho, tùy nhân dáng và ước nguyện của mọi người mà chú cho chữ. Sơn được chú tặng chữ “Thướng”, chú viết xong và cắt nghĩa cho Sơn: là hướng thượng, là bay lên… quả thật phù hợp với tên của Sơn. Sơn cầm chữ “Thướng”, lui lại một góc của chánh điện ngồi yên, ký ức giao thừa ngày xưa chợt ùa về như những làn sóng lăn tăn bất tận, chỉ trong phút chốc dường như quên khuấy cái khung cảnh hiện tại ở trước mặt, những ký ức xa xưa của một thời bé thơ như một cuốn phim cũ đang trình chiếu trong tâm Sơn.
“Thường lệ hàng năm, mỗi khi giao thừa đến thì ba sẽ đốt pháo, năm nay nó xí phần. Nó vừa mừng vừa hồi hộp, phong pháo chuột treo tòn ten trước hiên nhà. Nó bèn lấy mảnh giấy báo cuốn vào tim pháo, làm thành một đoạn dài đủ an toàn để sau khi đốt thì lui lại. Tiếng pháo chuột đì đẹt, lách tách nghe vui tai nhưng nhanh chóng tan loãng vào vô số tiếng đì đùng của pháo đại, pháo tống, pháo tổng… Sau khi đốt pháo nó cảm thấy như trưởng thành và lớn hơn một chút, mà thực quả thế, nó đã thêm một tuổi đời!
Giờ phút giao thừa qua đi,, tiếng pháo tắt hẳn rồi, trời đất không gian dường như tịch mịch hơn cả khi chưa có tiếng pháo. Cái tĩnh mịch sâu lắng của đêm trường đã đưa nó vào giấc ngủ đầy mộng đẹp của mùa xuân.
Sáng mồng một tết, nó diện bộ đồ mới mà má mua cho hôm tháng chạp, cả nhà còn ngủ nướng vì những ngày tháng chạp bận rộn. Nó mở cửa ra đường đi loanh quanh trong trấn nhỏ, vui quá là vui, ai ai cũng mặc áo mới, tươi cười như hoa, gặp nhau chúc mừng năm mới, trước nhà ai cũng có một hai chậu hoa như thược dược, cúc, vạn thọ, mồng gà… Bác Ba ròm, người trong trấn mở gian hàng bầu cua cá cọp ngay trước hiên nhà, bác ra điều kiện:” Mình vui xuân là chính, chơi chút chút lấy hên, không đặt cược lớn, kẻo mất vui”. Thiên hạ thường nói:” Nhà cái luôn luôn thắng, vì họ nắm đằng chuôi”, ấy vậy mà có khi cũng sai. Bác Ba ròm cầm cái bầu cua cá cọp chừng một giờ đồng hồ là thua sạch túi, có lẽ bác không gặp may trong ngày đầu xuân.
Đi lòng vòng trong trấn một lát, nó quay về nhà ăn sáng với cả nhà. Mồng một tết ăn chay nên chỉ ăn bánh tét với dưa kiệu và rau sống, món bì thì sang mồng hai mới được ăn. Món bì của ngoại nó làm ngon có tiếng trong thị trấn, mấy phần đầu đuôi thủ vĩ của con heo được ngoại chế biến sơ rồi bọc trong lá ổi và bó rơm ở ngoài, tết không thể thiếu món này!
Cả nhà qua bên ngoại, lên lầu lễ Phật, lạy gia tiên mừng tuổi ông bà, sau đó thì chúc tết ngoại. Ba nó nói và anh em nó lập lại: “Con kính chúc ngoại mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, sống vui cùng con cháu, cầu Phật gia hộ cho ngoại”, chúc xong ngoại lì xì mỗi đứa một bao lì xì đỏ tươi. Mồng một tết, ngoại còn cho ba anh em nó mỗi người một cái phái ( bùa). Phái là một mảnh giấy toàn chữ Tàu, viết bằng mực xạ và đóng con dấu đỏ chót, mảnh giấy gấp lại nhỏ bằng ba ngón tay, ép nhựa kín lại và có dây để đeo lên cổ. Ngoại nói cái phái hộ vệ cho các cháu khỏe mạnh, khỏi bị tà ma quấy nhiễu, đêm ngủ không bị ác mộng…
Ngoại căn vặn má nó: “Quét nhà dồn vào xó bếp, qua mùng bảy mới được đổ rác, đi chợ nhớ mua trầu cau, muối…” hồi ấy nghe nhưng không hiểu vì sao, sau này lớn lên mới biết những thế hệ ông bà xưa thường kỵ đổ rác ngày tết vì sợ sẽ mất tài lộc. Mua trầu cau là ước vọng vợ chồng anh em trong nhà yêu thương gắn bó nhau như sự tích trầu cau. Mua muối là ước vọng cho sự đầy đủ lương thực thức ăn, đời sống đầy đủ no ấm… Trong nhà ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên còn có một bàn thờ nho nhỏ gần bên cửa vào gian phòng thờ, không thấy có hình ảnh hay tượng gì, chỉ thấy hai hũ muối và gạo mà thôi. Lớn lên rồi nó mới biết đó là sự cầu kiến một cuộc đời được gia hộ no ấm và đầy đủ.
Chúc tết ngoại xong, cả nhả lên chùa Khánh Lâm ( tục gọi chùa Bàu Lương) để lễ Phật đầu năm. Thầy trụ trì pháp danh gì hổng biết, chỉ biết mọi người vẫn thường gọi một cách thân mật là thầy Ký. Ông thầy già, hiền lành luôn luôn mỉn cười, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt, trông ông thầy cứ như ông Bụt, ông tiên trong truyện cổ tích bước ra. Nó cũng đốt nhang và xì sụp lạp Phật, lạy hết các bàn thờ có ở trong chùa. Mẹ nó đến bàn thờ thần tài và cầm cái hũ đựng những thẻ xăm sóc sóc cho tới khi có một cái thẻ rơi ra. Thẻ ghi toàn chữ Tàu, mọi người cầm cái thẻ ấy xuống nhà khách nhờ thầy Ký giải thích cho. Thầy Ký bận cả buổi sớm mai, bà Ba Bụng, bà Trùm Ba, bà Chín Đỏ, bà Hai Gạo… lần lượt chờ thầy đọc thẻ xăm. Lễ Phật xong, nó theo ba đi tảo mộ tổ tiên, đi thăm viếng và chúc tết họ hàng gần xa. Đến nhà nào mấy anh em nó cũng được lì xì, nó thấy má nó cũng lì xì lại cho những người anh em họ.
Lễ chùa và thăm họ hàng xong cũng đã xế chiều, về đến nhà là nó chạy ngay ra chợ. Ngôi chợ giữa trấn đông vui vô kể, mấy mươi gian hàng trò chơi như: bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném lon, thảy đầu vịt…rồi những hàng ăn uống nữa, nhưng vui và rộn ràng nhất là quầy hô bài chòi và hô lô tô. Tiếng hò và hô lô tô vang vọng: ”…Con mấy vị ra, con mấy vị ra, con gì nó ra đây… ngựa chạy bon bon, con vượn bồng con lên non hái trái, anh cảm thương nàng phận gái thuyền quyên, con hai mươi nguyên…” những người hô lô tô thật giỏi và nhanh nhẹn, phải thuộc nhiều bài hát, ca dao… hát sao cho chữ cuối nó liền vần với con số.
Nó đâu có biết rằng, tiếng hô bài chòi, hô lô tô, tiếng pháo giao thừa, âm thanh sôi nổi của hội xuân, hình ảnh hoa quả bánh mức, hình ảnh ngôi chùa quê với ông thầy hiền như Bụt ấy in sâu vào tâm khảm nó. Mà đâu chỉ có thế, hình ảnh bộ lư đồng sáng choang, ngọn đèn hột vịt leo lét trên bàn thờ cũng nạm vào hồn của nó. Nó đâu ngờ những hình ảnh, âm thanh của đêm giao thừa, của mùa xuân cố quận đã in vào tâm hồn nó tự lúc nào”.
Sơn giật mình thoát ra khỏi cơn miên man lang thang của tâm tưởng khi chú Sanh đến kế bên
– Con nhập sơ thiền rồi hả? Sao bỗng dưng lặng yên giữa lúc mọi người vui đón giao thừa?
Cô Bảy Hòa trêu
– Hay là mơ tưởng em nào ở Việt Nam?
Chú Sanh nói với cô Bảy Hòa
– Chị hổng biết đấy thôi, chú ấy hai mươi năm nay chưa về Việt Nam ăn tết lần nào thì làm sao có bồ ở bển được?
Cô Bảy cười thoải mái
– Biết chứ sao không anh, tui ghẹo chú ấy cho vui đêm giao thừa. Chú ấy là Phật tử thuần thành của chùa này. Mấy năm gần đây anh có về quê ăn tết lần nào không?
– Lâu lắm rồi chị ơi, tui có về một hài lần từ hồi nẳm, bây giờ thì tui hổng muốn đi nữa, tuổi già lên xuống máy bay xe cộ oải quá, mỗi lần về gặp mấy cái bản mặt chầm dầm ở cửa khẩu hải quan là phát ngán! Thế chị có tính tết nào về bển ăn tết không?
– Tui dự định đi tết này nè, mọi việc chuẩn bị sẵn hết trơn hết trọi, nào dè xảy ra dịch Covid-19, thế là tiêu tan kế hoạch.
– Thôi chị ơi, mình tính sao bằng trời tính, không về được thì lên chùa này cũng hưởng được chút phong vị hương quê.
– Sáng mai anh có đi hành hương thập tự không?
– Năm nay dịch, đâu có tổ chức hành hương được, tui với thằng Sơn sẽ đi viếng một vài chùa gần quanh đây.
Sơn thấy chú Sanh và cô Bảy nói chuyện say sưa nên không chen vào. Sơn gật đầu chào hai người và sau đó chào ni sư Hải Nguyệt xin về trước. Ngoài sân tuyết lất phất bay, tôn tượng bổn sư bằng đá trắng như hòa vào trong tuyết trắng, những dây cờ ngũ sắc như viền quanh chùa một vòng kiết giới an lành. Trên đường lài xe về, Sơn nghe ca khúc “Xuân này con không về” mà khóe mắt cay cay. Bản nhạc tha thiết đầy ắp nỗi niềm của những người con xa quê. Giọng ca Duy Khánh với bài ca này đã trở thành “kinh điển” mẫu mực cho mùa xuân xa quê. Giọng ca và bản nhạc đã trở nên bất tử trong lòng những người con xa xứ, dù có nghe bao nhiều lần ấy vậy mà mỗi khi mùa xuân về vẫn xúc động như thuở ban đầu.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 02/2021