Mình tiếp cận nền tảng giáo lý Phật giáo thông qua trực cảm, trực giác, có lẽ cũng giống khá nhiều người bén duyên với khoa học tâm linh tại Việt Nam, cuốn sách đầu tiên về đề tài này mà mình cảm giác bị cuốn hút một cách đặc biệt, là “Hành trình về phương đông” vào năm 20, 21 tuổi. Một điểm lạ kỳ là kể từ đó về sau, mình gần như chỉ đọc sách về đề tài khoa học tâm linh. Nhưng càng đọc về tâm linh, mà đặc biệt là Phật pháp, mình nhận ra một điều, sự đọc là thân ngọn, thực hành rốt ráo lời Phật dạy mới nhận biết được cái rễ của nó. Phật giáo đơn giản hướng con người đến việc, kinh Phật chỉ là một chiếc cầu, để thông qua đó, con người nghiên cứu tâm thức của chính mình. Hay việc đọc sách phải chuyển sang đọc tâm để hiểu tâm, thấu suốt tâm là thấu suốt được bản chất vũ trụ, đó là một điểm rất quan trọng của Phật giáo. Phật giáo không đơn thuần dừng lại ở đức tin như các tôn giáo khác, nó phải được nhận biết thông qua trí tuệ. Trí tuệ và đức tin phải đi cùng nhau trong Phật giáo.
Vào thế kỷ 20, Albert Einstein, một trong những nhà khoa học lừng danh thế giới đã phát biểu như thế này: “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì nó bao gồm khoa học cũng như vượt qua khoa học.” Theo cách hiểu này, Phật giáo là siêu khoa học.
Hãy bỏ qua những hiện tượng Phật giáo gây ra nhiều tranh cãi lúc bây giờ từ việc xây dựng đền chùa phô trương, cúng dường qua momo gây phản cảm, hay tình trạng mê tín dị đoan ở Việt Nam,… thì rõ ràng, khi để cho cái tâm trong sáng mà nghiên cứu Phật pháp, nhìn lại những quả mà mình và gia đình đã gặt phải trong suốt thời gian qua, liên hệ với lời Phật dạy,… thì đó là một điều mà ta hết sức phải suy xét. Nhưng thật tiếc là, vì các hiện tượng tâm linh thời mạt pháp hôm nay và cả một nền giáo dục không chú trọng vào khoa học tâm linh, nên con người gần như rời xa tâm linh. Và khi khái niệm tâm linh được đưa ra, từ ngữ tâm linh được bàn luận, thì gần như nó được nhìn nhận bằng một định kiến rất rộng rãi. Nhưng cứ thử để một người bày tỏ về bản thân họ và cuộc đời họ một cách kiên nhẫn, ta sẽ thấy rằng những gì họ chia sẻ rất tâm linh. Sự chia sẻ từ sâu thẳm tâm hồn đều tâm linh, nhưng con người lại từ chối tâm linh, đó là một điểm rất mâu thuẫn. Nó bắt nguồn từ việc chúng ta không chịu mở lòng để thật sự nghiêm túc nghiên cứu về nó. Nó bắt nguồn từ một nền tảng giáo dục không chú trọng vào vấn đề hết sức thiết yếu này.
Trong thời gian dịch bệnh, tất cả chúng ta quan sát sự sống và cái chết gần như mỗi ngày, bằng một thái độ trắc ẩn lẫn sự phẫn nộ đối với chính quyền. Đó là một điều khá dễ hiểu, về phía tính cách và phẩm chất của một con người bình thường. Nhưng nhiều lúc, mình đã tự nhủ, những lúc như thế này, thật sự quan trọng để chúng ta có cái hiểu đúng đắn và chân thật về sự sống và cái chết. Cái chết tất nhiên không phải là hết, điều này có lẽ nhiều người tin, nhưng sau cái chết, con người sẽ đi về đâu, diễn ra những giai đoạn nào, thì không nhiều người thực sự biết. Khoa học về cái chết rất quan trọng để khi chứng kiến một người thân của mình qua đời, chúng ta biết mình phải làm gì để giúp họ siêu thoát và tái sinh được tốt đẹp. Giai đoạn 49 ngày sau cái chết vì sao quan trọng, và trước cái chết, vì sao người ở lại phải thật sự trấn tĩnh và nắm vững những thứ cần làm để giúp người mất đi. Điều này đã được lý giải trong một số cuốn sách quan trọng như Tạng thư sinh tử, Tây Tạng Sinh tử kỳ thư…
Nhưng nền giáo dục của chúng ta lại không giảng dạy về một điều hết sức quan trọng này. Cuộc sống là gì nếu không nói về sự sống và cái chết, và không truyền đạt nó một cách rộng rãi thông qua giáo dục chính thống? Và hơn thế nữa, nền giáo dục vẫn đang thực sự quá lạc hậu và không có sự truy xét nghiêm túc khi vẫn tiếp tục giảng dạy những tri thức sai lầm như Thuyết tiến hóa của Darwin. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên, đặc biệt ở một quốc gia không theo đạo nhiều như ở Việt Nam, đều tin thuyết tiến hóa của Darwin là thật. Thậm chí bản thân mình còn bị lừa dối cho đến năm 20 tuổi. Nhưng chỉ cần một nghi vấn, phản biện giản đơn rằng “tại sao những con khỉ con vượn bây giờ không tiến hóa thành người?” thì ta sẽ thấy ngay sự dối trá và không có tính khoa học logic của thuyết tiến hóa Darwin.
Hôm trước, một người anh gửi cho mình bài báo The world’s top 50 thinkers 2021, lướt qua, mình nhắn cho anh: “Em mới đọc qua, nhưng cảm thấy có điều gì đó không ổn, và trước hết, em không đồng điệu ở nhiều điểm.” Từ thế kỷ 19, 20 đến nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều phát kiến khoa học động trời, mà như Bill Joy nhấn mạnh, “Những công nghệ mạnh nhất của chúng ta trong thế kỷ 21 – công nghệ robot, công nghệ gene, và công nghệ nano – đang đe dọa biến con người thành một loài nguy hiểm”. Còn André Bourguignon, tác giả của công trình đồ sộ mang tên “L’Histoire Naturelle de l’Homme” (Lịch sử Tự nhiên của Con người), thì thẳng thắn: “Sự phát triển đầy đủ của trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn tới sự cáo chung của loài người”. Một số nghiên cứu khoa học đưa con người đến sao hỏa, mặt trăng hay ra ngoài vũ trụ nói chung, là không thực sự cần thiết. Nó tốn rất nhiều tiền bạc và công sức trong khi chỉ chứng minh tham vọng cái tôi của con người.
Đức Phật tu tập trong vòng 6 năm, để nhận ra rằng tâm thức là vũ trụ. Nhưng các nhà khoa học và phần lớn con người luôn hướng ra bên ngoài để nghiên cứu, không ai chịu hướng vào bên trong để nghiên cứu cái gì thực sự ở bên trong mình, và kho tàng ấy có cái gì. Nhiều nhà khoa học ngày nay còn nghiên cứu làm sao để con người sống thọ hơn, đó là một điều vô ích. Sống thọ hơn mà không thoát được đau khổ và luân hồi là một điều rất tốn sức lực. Và còn chứng tỏ sự vô minh của họ về cái chết. Những người tin thực có sự sống sau cái chết sẽ không bao giờ đưa ra những phát kiến khoa học vô minh như vậy.
Như dự đoán được bước đi sai lầm này của giới khoa học, Albert Einstein đã nhấn mạnh: “Chúng ta nên cẩn thận đừng coi trí thông minh là chúa; tất nhiên nó có sức mạnh cơ bắp nhưng phi nhân tính”. Và trong thời kỳ 2 năm nay, cả thế giới đã chứng kiến nhiều cái phi nhân tính, từ dịch bệnh, chiến tranh tại Afghanistan,… được tiếp sức rất lớn từ những phát minh khoa học hết sức phi nhân đạo.
Tất cả khiến mình và các bạn phải tự đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: nhân loại hiện nay tiến bộ hay tha hóa? Tại sao chúng ta nói rằng chúng ta đang văn minh hơn, nhưng chúng ta cũng đau khổ hơn? Khoa học cùng những cái đầu thích lý luận đã khiến thế giới nhìn có vẻ hiện đại hơn nhưng ở bên trong, thì thực sự đã thấy được những rỉ rét và hư hỏng. Thế giới luôn tiến hành những cuốn thí nghiệm, lao đầu vào những màn phiêu lưu mạo hiểm (để thỏa mãn tham vọng và nuông chiều đặc tính của cái tôi), nhưng lại không chịu ngồi lại, tìm hiểu về sự tạo lập vũ trụ, về các định luật vũ trụ như CHU KỲ, TIẾN HÓA, LUÂN HỒI, NHÂN QUẢ, cùng kho tàng triết học cổ đại thiêng liêng, thì sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được mục đích và ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt là bằng cách chạy ra bên ngoài.
Những ngày dịch bệnh ngồi lại, quán xét những con đường mình đã đi, nghiệp cá nhân và nghiệp gia đình, đối chiếu với lời Phật dạy, rồi thực hành rốt ráo, mình thấy được sự vi diệu của Phật pháp. Biết rằng, mỗi người trong cuộc sống này đều ở những tầng nhận thức khác nhau trong quá trình tiến hóa, có người vô thần, có người hữu thần, có người không tự định nghĩa được mình ở nhóm nào, nhưng chỉ cần hướng vào bên trong, chúng ta sẽ thấy tính khoa học rất quan trọng của Phật giáo.