Phật giáo và Khoa học!
Đề tài này được thảo luận khá rầm rộ trong các tác phẩm về Phật giáo được viết bằng Anh ngữ. Những tác giả có nguồn gốc Á châu phát biểu hăng hái nhất. Họ phát biểu với tâm trạng của cái thứ mệnh danh là dân tộc nhược tiểu, và hậu tiến. Nếu vượt ra ngoài lãnh vực Phật giáo, hầu hết các nhà “Đông phương học” đều có thái độ tương tợ. Đối với Ấn độ, những bộ danh từ như “Nhất thần”, “Độc thần”, “Đa thần”, “Phiếm thần” … cơ hồ là những ung nhọt. Thêm vào đó, cái “nấc thang của cấp bậc hữu thể”, với cách điệu đượm mùi Aristotle, như một thứ trái phá được dùng làm gạch để lót nền cho tư tưởng Ấn. Đối với Trung hoa, một Hồ Thích, một Phùng Hữu Lan, mang trong mình mớ kiến thức cặn bã của phái triết học thực nghiệm Anh Mỹ mà họ coi như là toàn thể tinh chất triết lý, với kiến thức đó, họ dùng làm phương pháp triết học để hệ thống hóa Triết học Trung quốc. Cho chí những năm gần đây, một số sinh viên Trung hoa tại Đài loan vẫn còn nghe các giáo sư của họ lãi nhãi về hiện sinh luận rẻ tiền ghép vào Trang tử.
Sinh viên Việt nam không có ngoại lệ. Họ được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục đặt trên sự hăm dọa. Hăm dọa là yếu tố quan trọng trong luận lý học Tây phương. Nó là một trong những chứng lý được viện dẫn để bảo trì giá trị cho một lập trường luận lý. Đó là nền luận lý không xét đến sự thật như là sự thật hiện tiền. Sự thật của nó là hiệu lực sẽ xuất hiện trong tương lai. Bởi vì văn minh Tây phương được điều động do các nhà tiên tri; họ là những người định hướng cho tương lai. Do đó, ở đây sự thật có nghĩa là cái sẽ đến, và thái độ của người ta là phải chờ đợi để kiểm chứng. Nghĩa là, không có sự thật hiện tiền đối với chúng ta. Những từ ngữ như “đối diện với sự thật” hay “đương đầu với sự thật”, vân vân, hàm ý một thái độ chờ đợi, một tư thái “sẵn sàng hành động”. Giáo dục của chúng ta sẽ được gọi là “chuẩn bị thái độ đối phó” hay “chuẩn bị tư thái sẵn sàng hành động”. Luôn luôn chỉ là chuẩn bị; từ chuẩn bị này đến chuẩn bị khác. Trong tư thái chuẩn bị đó, tương lai vốn là ám ảnh nặng nề của những bất trắc đang dàn sẵn. Trước hăm dọa đó, niềm tin tuyệt đối nơi khả năng tối thượng của mình càng lúc càng mòn mỏi, và trở thành bạc nhược. Với tinh thần đó, dù chúng ta có lớn tiếng ca ngợi một quá khứ huy hoàng của dân tộc để tin tưởng vào một ngày mai rực rỡ, vẫn không sao che đậy nỗi tâm trạng sợ hãi, bất an. Bấy giờ, tư tưởng triết học cũng như tín điều tôn giáo đều trở thành chứng lý có thẩm quyền binh vực cho những tội ác bẩn thỉu. Bọn trí thức trưởng giả được ngụy trang dưới: “Sứ mệnh Đại học trong sự sinh tồn của dân tộc” là những nhân cách điển hình. Kiến thức tạp nhạp của họ không phải là điều đáng kể. Nhưng họ là những kẻ “ngủ say trong chiến thắng”, với tri thức và danh vọng mà họ đạt được và thụ hưởng, là những đầu tàu không người lái, phóng tới một cách cuồng dại trong sự sụp đổ của cả một đoàn tàu:
Yāvad eva anatthāya ñattaṃ bālassa jàyati.
Hanti bālassa Sukkaṃsaṃ muddham assa vipātayaṃ.
“Trong sự sụp đổ của chính mình, thật vậy, người cuồng dại thâu thập tri thức và danh vọng. Tri thức và danh vọng tiêu diệt số phần sáng sủa và bửa cái đầu của người cuồng dại”. (Pháp cú, 72)
Do đó, điều phải làm trước tiên, dành cho tuổi trẻ ngày nay, là thoát ra khỏi bàn tay bảo bọc của các giáo sư của họ. Đây là một việc làm khốn nạn mà nền đạo lý của chúng ta coi tưởng bậc thầy ngu muội”, ngoài hai cánh tay đưa lên, một đằng hứa hẹn con đường sáng và một đằng hăm dọa con đường tối, sinh viên không có gì để học và để thấy nơi các bậc thầy của họ. Hoặc giả, nếu muốn, họ chỉ có thể học để nhại lại cái phong cách hưởng thụ và ngủ say trong chiến thắng với danh vọng khoa đại và tri thức cặn bã.
Mỗi thế hệ trẻ đều đã từng thực hiện một cuộc giải thoát cho chính mình. Họ tự giải thoát trong tinh thần thiếu tự tin. Từ phong trào Hiện sinh cho chí phong trào Thiền là những lần “lên cơn” của xã hội. Họ mang cái ảo vọng “anh hùng của sự sống”. Những anh hùng này bước đi trong khẩu hiệu “lật đổ mọi giá trị”, hay “lật đổ mọi thần tượng”. Kỳ cùng, đây cũng chỉ là những khẩu hiệu có giá trị rẻ tiền dành cho những anh hùng rơm. Vì không thể mượn những chứng lý từ học đường để thỏa mãn tham vọng cuồng dại họ đi tìm biện hộ trong sự ngu tối của chính mình. Họ không làm một chú dê ngoan ngoãn trên ghế nhà trường, chỉ chấp nhận làm dê húc càn ngoài đường phố. Trong hay ngoài, chỉ khác nhau bởi cặp sừng giả tưởng.
Như vậy, trả lại niềm tin cho tuổi trẻ phải là bước khởi đầu; thể hiện tinh thần Vô úy phải là bước quyết định. Kiến giải của người lớn, thái độ của tuổi trẻ chỉ là những tiểu tiết giúp chúng ta nhìn thẳng vào sự sụp đổ lớn lao của một chế độ giáo dục xây dựng bằng hăm dọa và hứa hẹn. Những nhà giáo dục không hành nghề như thầy bói, không tự khoác lên mình cái mặt nạ tiên tri. Cứ để cho “những người cuồng dại nghĩ rằng “Mùa mưa ta ở đây; đông, hạ, ta cũng ở đây”, không tự giác hiểm nguy (của sự chết)”. (Pháp cú 286)
Idha vassaṃ vasissāmi
Idha hemantagimhisu
Iti bàlo vicinteti
Antaràyam na bujjhati
TƯ TƯỞNG
[Tạp chí Tư Tưởng số 2, 1972]