Biểu tượng của thời gian là sự tàn phá và sụp đổ. Sợ hãi, bất an và cuồng tín là những chứng tích của một thời kỳ bị khống chế bởi chủ nghĩa hư vô. Những hoạt động rầm rộ như chỉ trích bừa bãi, phê bình vung vít, vu khống, mạ lị vân vân, chỉ là mặt trái của một thứ chủ nghĩa hư vô đang hoành hành đến độ khốc liệt. Nó lại khốc liệt tới mức mà bao nhiêu khả năng sáng tạo, nói riêng trong lãnh vực văn học và tư tưởng, đã trở thành không tưởng. Tình trạng sinh hoạt văn học tư tưởng Việt Nam trong những năm gần đây chứng tỏ điều đó. Nhìn vào số lượng của những dịch phẩm thịnh hành, so với những nỗ lực sáng tác của bản xứ, người ta phải ngậm ngùi trước tình cảnh thịnh hành và khống chế hầu như toàn diện của một nền văn học nhập cảng. Vấn đề không còn là mở rộng tầm mắt trí kiến sang những chân trời xa lạ, để thâu hóa, để phát huy, mà kỳ thực là vấn đề hưởng thụ. Dù trên lãnh vực xã hội hay lãnh vực sinh hoạt tinh thần, hưởng thụ luôn luôn vẫn là thái độ bạc nhược của đời sống: hưởng thụ hay thừa hưởng một cách thụ động những giá trị đã được thiết lập sẵn, không một nỗ lực xây dựng những giá trị trong đời sống cá biệt của một dân tộc lấy ngay những chất liệu khiêm tốn từ trong lòng sống của quê hương và dân tộc. Xã hội hiện thời của chúng ta đã sụp đổ vì đủ thứ nhập cảng và thêm loại nhập cảng văn học nữa, bấy giờ là sự băng rã toàn diện. Độc giả đến hiệu sách sẽ không tránh khỏi cảm giác của một người đi vào hàng vải: đây là những sản phẩm nội hóa và kia là những sản phẩm nhập cảng. Bảng giá trị đã có sẵn, sự chọn lựa chỉ còn là vấn đề tùy hứng và tùy khả năng. Gây nên một cảm giác như vậy, thủ phạm không phải vì sự hiện diện của những dịch phẩm, mà chính thái độ cầu an, bạc nhược và hưởng thụ, về phía người viết cũng như về phía người đọc.
Hiện tượng dịch thuật thịnh hành cũng như những hiện tượng thịnh hành khác trong hiện thời, có thể được ghi nhận đại khái như sau. Xét từ bên trong, cái phong vận sặc sỡ bên ngoài vốn là những biến tướng phồn tạp đa dạng không che đậy nổi tất cả sự thối nát, trống rỗng. Nói một cách triết lý, đây là sự tác hành của một thứ hư vô chủ nghĩa ngấm ngầm soi mòn đời sống. Mất hướng hay mất tin tưởng chỉ là những danh từ khá khiêm tốn. Nó được đánh dấu bằng tích cách mất hết khả năng không tưởng. Không tưởng hay ảo tưởng có thể là điều đáng tránh nhưng không đáng sợ cho bằng khi mọi người mất hết tất cả khả năng này. Người ta không có khát vọng nào nữa, ngoài cái khát vọng như một con dê đực chỉ biết ăn cỏ và dâm dục. Lý tưởng của tri thức không phải là để loại trừ không tưởng hay ảo tưởng, mà nỗ lực của nó là chinh phục ảo tưởng, để thấy rằng ảo tưởng là ảo tưởng, trong một mức độ nào đó. Lữ khách trên sa mạc mà mất hết khả năng không tưởng thì muôn đời không hy vọng vượt qua khỏi sa mạc. Nó chinh phục ảo tưởng, để thấy rằng ảo tưởng là ảo tưởng, và đó là đường lối duy nhất để có thể tiến tới. Vượt qua ảo tưởng này, rồi dẫn khởi những ảo tưởng khác. Lộ trình không trải qua chính trên sa mạc, mà phải trải qua trên những ảo tưởng tiếp nối. Thành phố giữa sa mạc là một trò cười cho những kẻ an ổn giữa bình nguyên, nhưng là một quán trọ vô cùng cần thiết cho lữ khách lang thang giữa lòng sa mạc. Cuối cùng, hạnh phúc vẫn ở nơi những người sống không ảo tưởng. Nhưng đây không còn là một thứ hạnh phúc giả tạo, được che đậy bởi những phong vân sặc sỡ, lòe loẹt của đời sống, mà chính thực là hương vị cô liêu tuyệt đối của sự sống. Những vị đó không còn sống trong tâm trạng bất an, sợ hãi và cuồng tín.
Sinh hoạt văn học tư tưởng của chúng ta hiện thời đổ dồn vào một công tác duy nhất là dịch thuật, điều đó chứng tỏ chúng ta mất hết mọi tin tưởng vào khả năng sáng tạo của chính mình. Những chỉ trích ồn ào diễn ra thường trực giữa các nhà “làm văn hóa” hay “làm văn nghệ” cũng chỉ cho thấy một điều duy nhất là thiếu tự tín. Không tin ở mình, không tin ở người, nhưng tin ở một giá trị ma quái nào đó; nghĩa là cuồng tín. Cuống tín đến độ sắt máu. Hòa bình bên tách trà xanh đã trở thành một thành ngữ khôi hài của những người cuồng tín. Con ngựa phải nhảy nhót, con lươn phải uốn lượn, cái tâm mãi miết dập dìu như cánh bèo trên mặt nước mà lại mong chỉ trích những đây là ảo tưởng, những kia là không ảo tưởng thì cái thuật xảo diệu trong lối chơi văn kể cũng đã đến mức tinh vi.
Bên trong trống rỗng, cuồng tín, bên ngoài tất nhiên là sự bộc lộ của một tinh thần hiếu dị. Đây có thể coi là mặt biểu hiện của hiện tượng dịch thuật. Hiếu dị không chỉ có nghĩa ưa thích những gì mới lạ, đặc dị, mà còn ưa thích những điều quái dị. Chủ nghĩa hư vô diễn ra trong chiều nghịch lý thì hư vô trở thành hiện thực. Nhưng chủ nghĩa hư vô được chủ trì bởi óc hiếu dị quái dị nó sẽ dẫn đến chỗ thù nghịch. Chắc chắn vẽ ma quái dễ hơn vẽ người gấp bội. Bên dưới thì con heo đội bùn bên trên thì chở quỉ một xe, câu nói của kinh Dịch cũng có thể trỏ vào tình cảnh hiện thời của chúng ta.
Chúng ta chỉ nói dịch thuật là một hiện tượng, như tất cả những hiện tượng thịnh hành khác. Bất cứ một hiện tượng nào, đến cùng độ của nó, cũng trở thành hiện tượng quái gỡ. Dịch thuật mà trở thành hiện tượng quái gỡ, bởi vì cái phong vận sặc sỡ của nó đã soi mòn hết khả năng sáng tác, mất hết tin tưởng, tạo thành một quảng trống đáng sợ ngay trong lòng văn học và tư tưởng của chúng ta. Trước một tác phẩm dịch thuật, dĩ nhiên giá trị của tác giả và tác phẩm phải lừng danh thế giới, người ta bỗng dưng thấy mình xao xuyến, bất an, sợ hãi, thiếu tự tin, rồi trở thành cuống tín. Bấy giờ là lúc ngôi sao hôm trên bầu trời sa mạc đã tắt mất. Đấy là lúc chờ đợi ma quái hiện hình về trên sa mạc. Lữ khách không còn sao hôm để bước đi trong một ảo tưởng kỳ diệu nào nữa.
*
* *
Năm vừa qua, tạp chí Tư Tưởng đã có phần nào xuống dốc. Sau bốn năm cố gắng phát huy tiếng nói trung thực của Viện Đại học Vạn Hạnh, đây là lúc hoàn toàn mệt mỏi. Nó đã không chu toàn được sứ mạng mà Viện giao phó, đã làm mất hết tin tưởng của những độc giả có thiện cảm kể từ phút sơ ngộ. Có thể có đủ một trăm lý do để biện minh. Nhưng không thể có một lý do nào đáng gọi là chính đáng. Hiện tượng dịch thuật trong nền văn học Việt Nam hiện thời không phải là nguyên nhân chính. Nhưng ngoài công trình “dịch thuật”, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, công trình sáng tác thực sự quả là hiếm, đối với Tư Tưởng.
Tiếng nói trung thực của Viện, trong tinh thần Đại học, dĩ nhiên không thể là những tập giáo khoa. Tiếng nói đó phải là khát vọng sâu xa dậy lên từ lòng sống của quê hương và dân tộc. Trên sinh hoạt thực tế, tiếng nói đó phải là cánh cửa mở rộng, giao thông giữa dân tộc và nhân loại. Đại học không khép chặt cánh cửa chỉ với mục đích đào tạo chuyên viên máy móc, nó phải nỗ lực tạo cho mình một vị trí xứng đáng trên thế giới. Mục đích tối thượng là hiểu biết cao cả của nhân loại, chân lý cao cả của sự sống, với châm ngôn “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Đấy vốn là lý tưởng khiêm tốn, không phải ảo tưởng hay phi ảo tưởng. Thất bại lớn nhất của tạp chí Tư Tưởng là chưa mảy may thực hiện được một phần nhỏ; vì vậy, tiếng nói của Viện càng lúc càng bị ngộ nhận. Trách nhiệm này là của Tòa Soạn, đã không chu toàn sứ mạng mà Viện giao phó. Nơi đây Tòa soạn xin kính cẩn nhận lãnh những phê bình nghiêm khắc của Viện, và tất cả những chỉ trách của độc giả từ trước.
TƯ TƯỞNG
[Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1972]