VAI TRÒ CỦA ĐẠI HỌC TƯ LẬP
(PHỎNG VẤN NĂM VIỆN ĐẠI HỌC TƯ LẬP)
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
[dropcap]“[/dropcap]L.T.S.: Với đà sĩ số gia tăng mau lẹ như hiện nay việc phát triển và bồi dưỡng các viện Đại học công tư trở nên một vấn đề có tầm mức quan trọng đặc biệt. Đối với các Đại học công vấn đề phát triển và bồi dưỡng dù sao cũng tương đối có được các điều kiện thuận lợi hơn so với các Đại học tư vì sự tài trợ trực tiếp hàng năm của ngân sách quốc gia. Riêng đối với các Đại học tư lập vấn đề phát triển và bồi dưỡng các Đại học này để trở thành những cơ sở giáo dục cao cấp có phẩm chất cao là một vấn đề gặp khá nhiều khó khăn phần lớn vì lý do thiếu thốn phương tiện và tài chánh.
Trong số báo đặc biệt về vấn đề Đại học Tư lập này chúng tôi có thực hiện một cuộc phỏng vấn các vị Viện Trưởng của 5 viện Đại học tư lập kỳ cựu nhất là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, và Cao Đài. Đây cũng là 5 viện Đại học sáng lập viên của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam, một cơ chế có nhiều triển vọng đóng góp tích cực vào việc phát triển giáo dục Đại học.
Những câu hỏi của chúng tôi liên quan tới các khía cạnh học vụ, và tài chánh của các viện Đại học này.
Thay mặt độc giả Tư Tưởng, ban Biên tập Tư Tưởng, xin chân thành cảm tạ quí vị Viện Trưởng đã trả lời các câu hỏi của chúng tôi.
T.T[/box]
Linh Mục LÊ VĂN LÝ
Viện Trưởng
Viện Đại Học Dalat
1) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, xin Linh Mục cho biết đường hướng và mục tiêu giáo dục của Viện Đại học Dalat cũng như những nét đặc thù của quí Viện so với các Viện Đại học hiện hữu công cũng như tư.
Đáp: Trong Chỉ nam Sinh viên, chúng tôi có đề ra những mục tiêu, ở đây chúng tôi chỉ nêu ra 2 mục tiêu chính của Viện Đại học Đà lạt như sau:
—Thứ nhất: Hấp thụ văn hóa Việt nam trong khía cạnh Nhân bản, Dân tộc và Khoa học, dung hòa giá trị tinh thần cổ truyền quốc gia với mọi tư tưởng quốc tế và vì đây là Viện Đại học Công giáo nên cũng nhấn mạnh đến tinh thần Phúc âm công giáo.
—Thứ hai: Góp phần vào việc đào tạo con người có khả năng phục vụ cộng đồng quốc gia trong mọi lãnh vực chuyên môn và khuyến khích mọi cố gắng khoa học trong miền cao nguyên, vì Dalat thuộc vùng cao nguyên.
Đó là những mục tiêu của Viện, tôi chắc là mục tiêu này cũng là mục tiêu chung của các Viện Đại học khác không riêng gì của Viện Đại học Dalat.
2) Hỏi.— Xin Linh Mục Viện Trưởng nói rõ thêm nét đặc thù của Viện Đại học Dalat. Ngoài việc phát huy tinh thần Phúc âm và đặc biệt là chú trọng phát triển vùng cao nguyên, Viện Đại học Dalat còn có nét nào khác làm cho Viện hãnh diện cũng như bổ túc các thiếu sót cho các Viện Đại học khác?
Đáp: Khi mới thành lập Viện Đại học Dalat vào năm 1958, lúc bấy giờ thực sự chưa có một Đại học Tư nào khác, Đại học Công thì mới chỉ có Saigon, Huế và Cần Thơ chưa có. Do đó Hội đồng Giám mục nghĩ rằng có thể góp phần vào công việc giáo dục ở cấp Đại học nên mới lập ra Viện Đại học Dalat.
Lúc đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Viện không có sinh viên nên phải mượn sinh viên của chính phủ vào phân khoa Triết học và Sư phạm. Tôi nhớ hình như năm đầu tiên có 45 sinh viên rồi dần dần khuếch trương ra mỗi năm, tính đến nay đã được 15 năm. Khi muốn khuếch trương, Viện chúng tôi cũng theo đường hướng của các Viện Đại học thông thường.
Khởi sự là thành lập Phân khoa Sư phạm, bấy giờ Chính phủ nhờ Viện Đại học Dalat phụ trách ban Triết và Pháp văn của Đại học Sư phạm Saigon. Mấy khóa đầu tiên, các sinh viên Đại học Sư phạm Saigon phải lên Dalat học. Sau khi mấy khóa đó tốt nghiệp thì khả năng của chúng tôi đã có thể tự lập, chúng tôi nhận sinh viên cho Đại học Dalat và trả sinh viên đã mượn lại cho Chính phủ. Tiếp đến là Phân khoa Khoa học, có một số Giáo sư ở Saigon lên giúp chúng tôi mở thêm, sau đó là Văn khoa, chúng tôi lấy 2 Phân khoa căn bản mà các Viện Đại học chú trọng đến là Văn khoa và Khoa học.
Thế rồi, hình như khoảng 1967, chúng tôi tổ chức lại Phân khoa Sư phạm tuy vẫn theo đường lối của Chính phủ nhưng chúng tôi nhấn mạnh thêm phần chuyên nghiệp. Tôi tưởng đặc điểm của Viện Đại học Dalat lúc bấy giờ là Phân khoa Chính trị Kinh doanh (mở ra vào năm 1964), khi đó chưa có Viện Đại học nào có Phân khoa đó.
Còn Phân khoa Thần học có thể là đã hình thành nhưng chưa thực sự hoạt động. Phân khoa này dành riêng cho Công giáo ở Công giáo Học viện, nhưng đã có sự dàn xếp để Phân khoa Thần học trước kia độc lập ở Công giáo Học viện thì kể từ niên khóa 1975-76 sẽ được sát nhập vào Viện Đại học Dalat.
Như vậy, sang năm Viện sẽ có 5 Phân khoa: Khoa học, Văn khoa, Sư phạm, Chính trị Kinh doanh và Thần học.
3) Hỏi.— Ngoài những nét đặc thù của Viện Đại học Dalat mà Linh Mục vừa trình bày, xin Linh Mục cho biết một điều không quan trọng lắm là các vị sáng lập có ý gì khi chọn Dalat làm địa điểm cho một Đại học tân lập.
Đáp: Tôi tưởng các vị sáng lập ra Viện Đại học Dalat như Giám mục Ngô Đình Thục có những lý do thúc đẩy mà tôi không rõ lắm. Có lẽ các vị nhận thấy Dalat thuận tiện cho việc học hành, khí hậu mát mẻ không nóng bức như ở Saigon, hơn nữa nhân tiện có trường Thiếu sinh quân bỏ trống nên các vị nghĩ lập một Viện Đại học ở đó cho tiện.
4) Hỏi.— Thưa Linh Mục, về việc hỗ trợ của Chính phủ đối với Đại học Tư lập, theo Linh Mục thì Chính phủ nên hỗ trợ các Viện Đại học Tư lập bằng cách nào và theo những tiêu chuẩn như thế nào?
Đáp: Công việc giáo dục ở cấp Đại học cũng như các cấp khác là bổn phận của Chính phủ, nhưng như chúng ta đã biết, Chính phủ không làm xuể những công việc vừa vĩ đại vừa quan trọng như thế. Thành thử ra hầu hết các quốc gia nào cũng có sự đóng góp của tư nhân vào công việc đó. Như vậy theo tôi nghĩ một công việc có tính cách quốc gia như vậy, quan trọng như vậy mà chính phủ không đảm nhiệm hết nhiệm vụ của mình, nếu có tư nhân đảm nhận dĩ nhiên chính phủ có nhiệm vụ phải giúp đỡ, tất nhiên với một số điều kiện nào đó. Có nhiều cách giúp như: thiết thực nhất là tài chánh, chính phủ đã làm công việc đó, và sau là nhân lực. Tôi tưởng là chuyện các giáo sư công lập giúp các Đại học tư thì chính phủ nên khuyến khích, dĩ nhiên cũng nên đặt một giới hạn nào đó để tránh lạm dụng. Tóm lại chính phủ nên hỗ trợ tài chánh và nhân lực.
5) Hỏi.— Trong niên khóa 1973-74, theo những thống kê chúng tôi nhận được thì chính phủ đã hỗ trợ cho các Đại học tư 223 triệu trong số đó Đại học Dalat được hỗ trợ bao nhiêu?
Đáp: Chúng tôi đã nhận được 49 triệu, Đại học Vạn Hạnh cũng 49 triệu (chúng tôi không rõ lắm).
6) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, câu hỏi có tính cách tò mò xin Linh Mục Viện Trưởng nếu thấy tiện cho chúng tôi biết về phương diện tài chánh của Viện Đại học Dalat, bao nhiêu phần trăm do học phí sinh viên đóng góp, bao nhiêu phần trăm do những công trình kinh doanh của Viện, bao nhiêu phần trăm tài trợ bên ngoài kể cả của chính phủ?
Đáp: Tổng quát, không đúng hẳn trong chi tiết: Khoảng 1/3 do sinh viên đóng, chính phủ trợ cấp 1/3: còn 1/3 do Hội Đại học Dalat của chúng tôi.
7) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, xin Linh Mục vui lòng cho biết hiện nay quí Viện có bao nhiêu giáo sư cơ hữu và quí Viện có kế hoạch nào để đào tạo thêm giáo sư cơ hữu hay không?
Đáp: Hiện giờ chúng tôi có khoảng 30 giáo sư cơ hữu (cỡ 35 hay 36 gì đó), thỉnh giảng hơn 200 và tổng số vào khoảng 250. Vấn đề đào tạo giáo sư cơ hữu cho bất cứ Viện Đại học nào công cũng như tư là vấn đề rất quan trọng, nên chúng tôi cũng сố gắng đào tạo thêm giáo sư cơ hữu. Hiện nay việc đào tạo nhờ cơ quan viện trợ Văn hóa Á châu, khả năng của Viện chúng tôi chưa cho phép ra quỹ này.
8) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, ngoài việc giáo sư cơ hữu đi huấn luyện để lấy văn bằng cao cấp về dạy ở Viện, thì Viện đã có những chương trình nào để giúp cơ hội cho những giáo sư?
Đáp: Hễ có dịp và có phương tiện là chúng tôi gửi giáo sư đi tu nghiệp hoặc trong nước hoặc ngoài nước, nhưng số đó cũng rất ít.
9) Hỏi.— Chúng tôi muốn nói đến những khóa như tu nghiệp, hội thảo, hội nghị về tân toán học v.v… mà trước đây chúng tôi đã thấy Viện Đại học Dalat tổ chức, những khóa đó có mở thường xuyên coi như một trọng tâm đào tạo giáo sư không?
Đáp: Có những buổi họp nhưng không có tính cách để đào tạo, thí dụ như mấy ngày nay ở Dalat có những buổi hội thảo về các công tác sinh viên đã làm trong dịp hè vừa rồi, công tác xã hội. Chỉ có những buổi hội thảo như vậy chứ không có những tổ chức như ở Huế đã làm, Viện chúng tôi chưa có.
10) Hỏi.— Theo Linh Mục Viện Trưởng nghĩ, tỷ lệ giáo sư cơ hữu và giáo sư thỉnh giảng như thế nào là lý tưởng?
Đáp: Lý tưởng là có giáo sư cơ hữu cả, nhưng lý tưởng đó khó đạt được trong tình trạng Việt nam. Tuy nhiên hiện nay khi số giáo sư thỉnh giảng lớn hơn 1/2 tổng số giáo sư hoặc giáo sư cơ hữu bằng giáo sư thỉnh giảng thì lý tưởng là cố gắng làm sao cho tỷ lệ sai biệt càng nhiều về phía giáo sư cơ hữu càng tốt.
11) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, phải chăng có cái gì dùng cái ấy, bằng lòng với những gì mình có hơn là nghĩ tới một tỷ lệ mình chưa đạt tới được.
Đáp: Mình phải nhắm vào lý tưởng, trong thực tế không làm được thì đành phải chịu vậy.
12) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, trước áp lực gia tăng tân sinh viên quá mau lẹ, đối với Đại học đó là điều đáng mừng hay lo, có nên mở thêm những Đại học tư hay không, nếu có thì nên thỏa mãn những điều kiện nào, những tiêu chuẩn nào?
Đáp: Năm nay các Đại học công cũng như tư phải chịu áp lực của sĩ số sinh viên kinh khủng. Năm ngoái viện có hơn 4.000 sinh viên, năm nay có 6.000 sinh viên, đó là đã hạn chế còn nếu mở cửa tự do thì có thể đến 7,8.000 sinh viên. Chuyện sĩ số tăng lên như thế mừng đâu không thấy, chỉ có lo như tôi đang lo với sĩ số 6.000 sinh viên, cơ sở Đại học Dalat có thể thu nạp 4 đến 5.000 sinh viên mà bây giờ lên 6.000 thì phòng ốc phải tổ chức như thế nào cho sinh viên có đủ chỗ để học tập. Còn vấn đề có nên mở thêm Đại học tư không và nếu có, phải theo tiêu chuẩn nào thì vấn đề này khá tế nhị. Hiện thời có hơn 10 Đại học tư, mới đây Bộ Giáo dục cho biết có năm cái đơn xin mở thêm năm Đại học tư nữa. Nếu năm cái đơn đó được chấp thuận thì có 14 Đại học tư, chuyện phát triển Đại học như vậy là chuyện đáng mừng vì dân trí của mình đã phát triển khá nhiều, nhưng còn phải xét vì lượng của nó như thế còn phẩm thì sao.
Năm ngoái có Tú tài 7 điểm, năm nay có tú tài IBM, nhiều người hoài nghi về giá trị văn bằng đó, nói chung nếu mở thêm viện Đại học công cũng như tư thì phải thận trọng. Khi tôi ở bên Mỹ, tôi thấy người Mỹ hoài nghi và hơi mỉa mai một chút về sự phát triển Đại học ở Việt nam, họ dùng chữ «Philippine education». Phi luật tân phát triển quá mau lẹ nên người ta hoài nghi giá trị việc giáo dục và văn bằng, do đó ta phải thận trọng về vấn đề đó, phát triển thì được nhưng phải theo tiêu chuẩn nào đó chứ không phải bừa bãi lấy tiếng sao đó. Còn vấn đề nên mở nhiều Đại học tư không thì Bộ Giáo dục đã mời chúng tôi cho ý kiến, chúng tôi đã đưa ra những tiêu chuẩn thận trọng và phải dựa trên:
—Khả năng tài chánh: Tổ chức nào muốn mở Đại học thì ít ra họ phải có khả năng tự túc về tài chánh, nếu mở ra sau này không có tài chánh thì khó điều khiển nổi.
—Chương trình học: Chương trình học của Đại học mới mở ra phải nhằm mục đích nào đó, ít nhất phải chuyên về ngành nào đó, nếu mở giống nhau nhiều quá thì bất tiện.
—Nhân sự: Phải có đủ nhân viên giảng huấn. Tình trạng hiện thời chung cho các viện Đại học công cũng như tư đều thiếu giáo sư, ngoài Viện Đại học Saigon, nếu mở thêm thì cũng ngần ấy giáo sư lại phải dạy thêm ở Đại học tư nữa thì công việc giảng huấn có phần trở ngại.
—Cơ sở: Phải xứng đáng. Cơ sở Viện Đại học nếu thua kém cả trường Mẫu giáo thì không xứng đáng.
13) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, cơ quan nào có quyền đặt ra những tiêu chuẩn đó hay xét đơn mở Đại học tư?
Đáp: Đó là quyền của Bộ Giáo dục. Hôm nọ Bộ có mời các Viện Trưởng tư lập đến hỏi ý kiến, còn sự quyết định thuộc thẩm quyền của Bộ.
14) Hỏi.— Như vậy sự quyết định đó có cần đại diện của các viện Đại học tư lập không?
Đáp: Theo như tôi hiểu biết thì Bộ Giáo dục họ muốn tới thu thập ý kiến xem mình nghĩ làm sao, như hôm nọ có năm tổ chức đệ đơn xin mở trường Đại học, Bộ Giáo dục cũng mời chúng tôi đến hỏi ý kiến. Chỉ có thế thôi, Đại học tư lập đóng một vai trò nhún nhường.
15) Hỏi.— Thưa Linh Mục, vai trò của Hội đồng Đại học Tư lập như thế nào trong việc phát triển Đại học tư lập, ấn định những tiêu chuẩn hoạt động như thế nào?
Đáp: Nội qui trong Hội đồng Đại học đã nói rõ mục đích tổ chức Hội đồng Tư lập như thế nào, đã có hơn 14 năm nay từ 1959 — 1973, chúng tôi đang ở mức đầu. Mục đích là liên kết, giúp đỡ nhau trong công cuộc giáo dục. Nó hoạt động như thế nào thì hiện giờ vẫn còn mới vạch rõ đường lối chung theo đó làm sao để giúp đỡ nhau trong việc giáo dục. Theo nội qui đó thì có Hội đồng Viện trưởng để quyết định việc gì phải làm chung cho các Đại học tư, ngoài ra Hội đồng Viện trưởng đó sẽ được sự hỗ trợ của một số tiểu ban, có 3 tiểu ban Học vụ, tiểu ban Ngoại vụ, tiểu ban Sinh viên vụ. Chúng tôi muốn làm sao để các Đại học tư trong Hội đồng Đại học Tư lập này hành động theo những nguyên tắc giống nhau để một phần bênh vực quyền lợi của đại học tư cùng nâng cao phẩm giá của công việc giáo dục, nó cũng là hội ái hữu để giúp đỡ nhau.
16) Hỏi: Giúp đỡ về phương diện có tính cách học vụ hơn là tài chánh, nhân sự?
Đáp: Về tài chánh cho đến bây giờ thì chưa, còn về học vụ, sinh viên vụ, ngoại vụ thì làm sao có đường lối chung, phối hợp chương trình cũng như bổ túc cho nhau, trao đổi giáo sư, trao đổi những tài liệu về học vấn, về sau tổ chức chung nhau để đỡ phí tổn như thành lập nhà thương chung, cũng như kiếm tài liệu học vụ.
17) Hỏi.— Bên Mỹ, có những hội của các Viện Đại học đóng vai trò thừa nhận văn bằng, Linh Mục Viện Trưởng có ý kiến gì về vấn đề này tại Việt Nam?
Đáp: Chúng tôi chưa nghĩ đến vấn đề đó, nhưng chúng tôi nhận rằng cũng phải đặt vấn đề, bây giờ thì chỉ có 5 Đại học tư thôi, mai sau có nhiều thêm thì phải nghĩ đến vấn đề đó, còn cần một thời gian nữa. Hiện thời riêng Đại học Dalat đã có Đại học Cộng đồng Nha trang họ muốn xin liên kết với viện Đại học Dalat, sinh viên học xong chương trình hai năm có thể học ở Dalat nếu họ muốn, Đại học RéginaPacis cũng xin liên kết. Vấn đề đó cho đến lúc này hãy còn bước đầu.
18) Hỏi.— Nếu liên kết như thế thì chương trình học của họ có phải phù hợp với chương trình của Viện Đại học Dalat không?
Đáp: Trên nguyên tắc chúng tôi chấp nhận cái đó. Theo nguyên tắc là sinh viên của hai viện muốn tiếp tục học ở Đại học Dalat là chúng tôi nhận, nhưng phải theo điều kiện là khi lên học sẽ có một ủy ban xét chương trình học của các đại học kia để xem các sinh viên đó đã học như thế nào, bấy giờ sẽ xét xem chương trình đủ rồi tiếp tục lên năm thứ ba hay chưa đủ phải bổ túc thêm môn gì, cái đó sẽ xét về sau.
19) Hỏi.— Thưa Linh Mục, những khó khăn của Viện Đại học Dalat như thế nào hiện nay và làm thế nào để giải quyết?
Đáp: Khó khăn của Đại học tư thứ nhất là tài chánh, nó chi phối tất cả, có tài chánh mới khuếch trương được, cơ sở mới mở mang được. Theo chúng tôi thì hiện thời cơ sở Viện Đại học Dalat hãy còn nhỏ bé thiếu thốn nhiều. Chúng tôi có kế hoạch phát triển Viện Đại học Dalat tới mức tối đa có thể thu nhập 10.000 sinh viên trong tương lai. Theo kế hoạch đó, cơ quan Văn hóa Á châu đã hiến cho chúng tôi kế hoạch tổng quát «Master plan», thực hiện «Master plan» đó phải cần khoản 3 tỉ 600 triệu, một con số kinh khủng, tôi cũng hy vọng dần dần rồi sau cũng thực hiện được. Ngoài ra còn những khó khăn về giảng huấn, thiếu thốn nhiều.
20) Hỏi.— Thưa Linh Mục, vị trí Đại học Dalat hơi xa các đô thị khác, như thế phải chăng chỉ có một vài thành phần sinh viên mới theo học được?
Đáp: Thực ra Viện không đặt ra tiêu chuẩn thế nào đối với sinh viên, phải như thế nào mới là tiêu chuẩn chung. Giống như các Đại học khác, sinh viên phải có Tú tài II và không ưu tiên cho ai hết, chúng tôi nhận hết tất cả sinh viên, có sinh viên từ Quảng trị đến Saigon qua đến Long xuyên, ngay ở nơi nào có Đại học rồi họ cũng học ở Đà lạt.
21) Hỏi.— Phải chăng tại chương trình thích hợp với họ?
Đáp: Vâng, hoặc chương trình họp với họ hoặc khí hậu mát mẻ. Vấn đề đặt ra kỳ vừa rồi khi thấy kết quả Tú tài xong, tôi lưỡng lự không biết tính sao, năm nay sĩ số Tú tài đậu đông, không biết giá sinh hoạt ở Dalat hơi mắc, sinh viên của Dalat có tăng và đông như các Đại học khác không. Nhưng rồi trong thực tế thì sinh viên đại học Dalat tăng.
22) Hỏi.— Viện Đại học Dalat có tìm kiếm giáo sư tốt nghiệp ở ngoại quốc không?
Đáp: Cho đến bây giờ ngay trước khi về nước các sinh viên tốt nghiệp, các giáo sư ở ngoại quốc muốn về Việt nam đã làm đơn xin cộng tác với chúng tôi. Luôn luôn chúng tôi trả lời: Bây giờ khó lòng nói với quý vị như thế nào, tốt hơn là quý vị về nước đã rồi nếu quý vị tha thiết muốn cộng tác với chúng tôi thì có thể là trong một vài năm làm giáo sư thỉnh giảng, xem xét tình hình và sau đó hãy đi sâu vào. Đó là cách chung như vậy, chứ không bao giờ chúng tôi mời hẳn một giáo sư còn đang ở ngoại quốc về cộng tác với chúng tôi. Có nhiều vị lúc ở ngoại quốc nghe tiếng Đại học Dalat, vì lý do này, lý do nọ muốn về cộng tác với chúng tôi, thế rồi sau đó chúng tôi không thấy tin tức gì nữa cả, sau biết ông đã tìm một chỗ nào ở Saigon lương cũng hậu.
23) Hỏi.— Vấn đề đền bù cho giáo sư ở Viện Đại học Dalat như thế nào so với các Đại học khác?
Đáp: Chúng tôi hiện thời cũng không so sánh. Hiện thời thì thù lao cho giáo sư cơ hữu ngang với giáo sư của chính phủ, giáo sư thỉnh giảng so sánh với các Đại học tư, tôi thấy cụ thể một giáo sư thỉnh giáng bắt đầu dạy năm thứ nhất chúng tôi trả mỗi giờ 1.200$, sau đó có thể lên 1.600$, 1.700$ tùy theo thâm niên và căn bản của giáo sư đó tối đa có thể 1.600$ đến 1.700$ mỗi giờ.
24) Hỏi.— Thưa Linh Mục Viện Trưởng, quan điểm của Viện Đại học Dalat như thế nào về vấn đề khảo cứu trong Đại học?
Đáp: Vấn đề đó cũng là mục tiêu của Viện Đại học tư nói chung. Riêng Viện Đại học Dalat chúng tôi thì chú trọng vùng cao nguyên, thực ra đó cũng chỉ là vấn đề đặt ra và sẽ nhằm thực hiện nhưng trên thực tế thì chưa. Bên Khoa học của chúng tôi cũng thúc đẩy các giáo sư khảo cứu, nghiên cứu về vấn đề trồng dâu chẳng hạn đó là mục tiêu của chúng tôi: giúp đỡ dân chúng, góp phần vào công cuộc phát triển quốc gia ở vùng cao nguyên.
25) Hỏi.— Viện Đại học Dalat đã dự định giải quyết nhu cầu chuyên viên trung cấp như thế nào?
Đáp: Chúng tôi đã nghĩ đến vấn đề đó, về ngành Y khoa có một thời gian chúng tôi nghĩ đến việc lập ra khóa huấn luyện những sinh viên trong 4 năm để trở thành cán bộ y tế gởi về các miền cao nguyên thôn quê để tập sự trong 2, 3 năm. Sau đó nếu muốn họ sẽ thương lượng với Y khoa Saigon để tiếp tục học lấy bằng Bác sĩ…
26) Hỏi.— Thưa Linh Mục ngoài ra còn chương trình gì khác?
Đáp: Tỉnh trưởng Tuyên đức đã đề nghị khuyến khích chúng tôi nên mở Phân khoa Nông lâm súc, trong tương lai nếu có phương tiện chúng tôi sẽ nghĩ đến…
27) Hỏi.— Chương trình ngắn hạn 2 năm đó nếu thực hiện sẽ ở chi nhánh Dalat hay các cao nguyên khác?
Đáp: Chúng tôi chưa đặt vấn đề này.
Một vài cảm nghĩ của Linh Mục Viện Trưởng Viện Đại học Dalat:
Trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi phương diện làm việc thiếu đủ mọi điều kiện, không lẽ chúng ta lại không dấn thân làm những công việc hữu ích như công việc giáo dục. Riêng Viện Đại học Dalat chúng tôi được an ủi là sinh viên rất ngoan mặc dù trong đám đông vài ngàn sinh viên đương nhiên phải có vài phần tử lăng nhăng, bê bối.
*
* *
Giáo Sư ĐOÀN VIẾT HOẠT
Phụ Tá Viện Trưởng
Viện Đại học Vạn Hạnh
1) Hỏi.— Xin Giáo sư tóm tắt đường hướng và mục tiêu giáo dục của Quí Viện và nếu được xin cho biết Quí Viện có một vị trí và vai trò đặc thù nào khác, khác với các Viện Đại học hiện hữu không?
Đáp: Về mục tiêu và đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh chúng tôi vạch rõ như sau trong Chỉ Nam Viện Đại học Vạn Hạnh: Từ năm 1964, khi mới thành lập, Viện Đại học Vạn Hạnh đã im lặng và khiêm tốn, tự đảm nhận trách nhiệm thực hiện ba mục tiêu và ba đường hướng Giáo dục chính yếu của mình.
Mục tiêu thứ nhất là thực hiện tinh thần xây dựng của một nhà Giáo dục, giữa những sụp đổ cá nhân, gia đình, xã hội luôn luôn xảy ra xung quanh. Trong bối cảnh của một cuộc chiến triền miên, trong khung cảnh của những rối loạn thường xuyên, con người có thể có những thái độ yếm thế buông xuôi, khoanh tay chờ thời, thản nhiên thụ hưởng, ngồi suông chỉ trích hay phá hoại bạo động. Viện Đại học Vạn Hạnh muốn nói lên tiếng nói của nhà Giáo dục, không chấp nhận tiếng nói của những kẻ tiêu cực đầu hàng bạo động phá hoại, vì nhà Giáo dục là những người có tin tưởng ở khả năng giáo dục có thể cải thiện con người, tin tưởng ở sức phục hồi thần diệu của con người Việt nam và quốc gia Việt nam.
Mục tiêu thứ hai là làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ, trong khi chính tuổi trẻ là nạn nhân đau đớn nhất của cuộc chiến hiện tại. Viện Đại học Vạn Hạnh luôn luôn cố gắng đem lại lòng tin cho tuổi trẻ, giúp đỡ tuổi trẻ giữ vững sự hăng say, lạc quan, cầu tiến của những tâm hồn còn giữ được sự trong trắng của tuổi xuân xanh. Chúng tôi chỉ muốn sinh viên đến với chúng tôi, với những bộ mặt tươi sáng của những tâm hồn còn trong sạch, với những ánh mắt tin tưởng của những bầu nhiệt huyết muốn xây dựng tương lai. Chúng tôi muốn anh chị em Sinh viên Vạn Hạnh luôn luôn là những người, là những sức mạnh, là khả năng sống động tình người nhân loại, tình người Việt nam, tình người Vạn Hạnh.
Không những Viện Đại học Vạn Hạnh nuôi dưỡng lòng tin tưởng cho tuổi trẻ, chúng tôi còn cố gắng làm cho Sinh viên ý thức rõ rệt trách nhiệm của mình là xây dựng tương lai cho đất nước sau này. Và muốn xây dựng tương lai đất nước, ngay từ bây giờ Sinh viên phải tự tạo cho mình những kiến thức căn bản, những khả năng chuyên môn và tác phong đạo đức cần thiết. Cho nên mục tiêu thứ ba của Viện Đại học Vạn Hạnh là tạo ra một môi trường thật sự Đại học, giới thiệu những đường hướng giáo dục căn bản để trang bị cho Sinh viên những tư tưởng, kiến thức, khả năng và tác phong cần thiết để Sinh viên chuẩn bị tiến bước vào đời.
Đường hướng giáo dục chúng tôi theo đuổi phụng sự ở Đại học Vạn Hạnh này là một đường hướng giáo dục toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh đức, Tâm đức và Tuệ đức con người. Chúng tôi tin rằng con người chỉ được phát triển tốt đẹp, nếu cả năm mặt thể chất, tình cảm, tâm tư, trí thức, trí tuệ con người được phát triển điều hòa tốt đẹp, tạo cho Sinh viên một thăng bằng toàn diện của một con người toàn diện. Chúng tôi không muốn đào tạo những chuyên viên bán chữ, bán sách, bán nghề mà phải vừa là Giáo sư, vừa là nhà Giáo dục, trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của chữ Giáo dục.
Đường hướng Giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục dân tộc, phát huy quốc học, giúp anh chị em Sinh viên tìm hiểu cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt nam, giúp anh chị em Sinh viên tự mình hãnh diện làm con người Việt nam và giúp anh chị em Sinh viên thực sự đoàn kết để xây dựng quốc gia Việt nam sau này.
Đường hướng Giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là một đường hướng giáo dục Nhân tính, đào tạo những người Việt nam còn giữ được tình người Việt nam, những con người Vạn Hạnh còn giữ được tình người Vạn Hạnh. Gìn giữ và xây dựng tình người nhân loại, để đừng làm gì suy giảm giá trị con người, bất cứ ở đâu và tại chỗ nào. Gìn giữ và xây dựng tình người Việt nam để người Việt nam chúng ta ngồi lại với nhau, xây dựng lại xã hội và quốc gia Việt nam. Gìn giữ và xây dựng tình người Vạn Hạnh để cùng nhau duy trì và phát triển cơ sở giáo dục này cho thế hệ Sinh viên hiện tại và tương lai.
Để nêu rõ và thực hiện ba mục tiêu và ba đường hướng giáo dục vừa mới trình bày ở trên, Viện Đại học Vạn Hạnh lựa chọn châm ngôn «Duy Tuệ Thị Nghiệp», nghĩa là tất cả mọi sự hoạt động (Nghiệp) tại Viện Đại học Vạn Hạnh này là nhắm đến xây dựng kiến thức và trí tuệ cho sinh viên.
Ngoài ba mục tiêu và ba đường hướng trên, một điều đặc biệt là mặc dù phương tiện eo hẹp, Viện chúng tôi đã đẩy mạnh những sinh hoạt ngoại giảng huấn nhằm khai phóng năng lực của sinh viên, cũng như giúp sinh viên phát triển con người toàn diện, vật chất cũng như tinh thần. Những sinh hoạt ấy thể hiện qua các môi trường sau:
—Trung tâm Sinh hoạt Sinh viên: với những hoạt động âm nhạc, thể thao, y tế, hướng dẫn khải đạo…
—Các buổi diễn thuyết, hội thảo, triển lãm… được tổ chức thường xuyên.
—Viện cũng trợ giúp đời sống vật chất của sinh viên qua các vận động để trợ cấp học bổng và quán cơm rẻ tiền. Trong niên khóa 1974-75 viện đã cấp:
1.000 học bổng đủ loại cho hơn 8.000 sinh viên.
Quán cơm rẻ tiền: 400 khẩu phần mỗi ngày.
Tổng cộng học bổng lên tới trên 60 triệu cho toàn niên học.
Ngoài ra, sự phục vụ đắc lực của gần 700 sinh viên đã tốt nghiệp trong nhiều lãnh vực công cũng như tư của sinh hoạt quốc gia cũng phần nào làm cho Viện hãnh diện với thành quả Giáo dục của mình, dù rằng số đó cũng vẫn còn khiêm tốn.
2) Hỏi.— Theo Giáo sư, Chính phủ nên hỗ trợ cho các Đại học tư bằng cách nào và theo những tiêu chuẩn nào?
Đáp: Hỗ trợ thiết thực nhất của chính phủ giúp cho các Đại học Tư dĩ nhiên không ngoài 2 phương diện: Tài chánh và Giảng huấn.
—Về Tài chánh: Năm 1974 Chính phủ cũng đã tài trợ các Đại học Tư 223 triệu, trong đó Vạn Hạnh được 49 triệu.
—Về Giảng huấn: Chính phủ nên giúp đỡ các Đại học Tư trong việc đào tạo các Giáo sư cơ hữu. Các giáo sư của Đại học Tư phải được quan niệm là các giáo sư của Quốc gia, và đương nhiên phải được chính phủ hỗ trợ phát triển về lượng cũng như phẩm, có như thế các Đại học Tư mới có thể góp phần hữu hiệu hơn nữa vào việc gây dựng thế hệ trẻ của Quốc gia. Chính phủ có thể giúp đào tạo giáo sư bằng cách hỗ trợ những phương tiện để gửi người đi ngoại quốc, điều này chính phủ đã thực hiện phần nào, hai nữa là những khóa hội thảo, tu nghiệp thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm và cập nhật hóa những kiến thức của Đại học cho phù hợp với các tiến bộ của nhân loại.
Ngoài ra, chính phủ cũng nên hỗ trợ mạnh hơn nữa về tài chánh dùng trong việc phát triển cơ sở Đại học Tư, trong lúc mà sĩ số sinh viên vượt quá mọi khả năng thu nhận của tất cả các Đại học hiện tại công và tư, sự phát triển cơ sở của Đại học Tư sẽ làm nhẹ gánh cho Chính phủ rất nhiều trong việc đào luyện nhân tài và thu nhận sỉ số sinh viên ngày càng tăng. Về tiêu chuẩn giúp đỡ chúng tôi thiết nghĩ Bộ có thể phần nào căn cứ theo tổng số sinh viên.
Ngoài ra, Bộ cũng nên tài trợ theo nhu cầu riêng của mỗi Viện tùy theo ngành học và theo kế hoạch phát triển của Viện đó. Tuy nhiên, đó chỉ là những tiêu chuẩn khá lý tưởng áp dụng số tiền tài trợ lớn lao. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi số tiền Bộ tài trợ cho các Viện Đại học Tư còn quá ít (tổng số tài trợ cả năm Viện năm 73-74 chưa bằng nửa ngân sách một Viện Đại học công lập cùng sĩ số với một Viện Đại học Tư) nên việc áp dụng các tiêu chuẩn trên trở nên vô nghĩa.
3) Hỏi.— Hiện nay Quí Viện có bao nhiêu Giáo sư cơ hữu và Quí Viện có kế hoạch nào để đào tạo thêm Giáo sư cơ hữu không?
Đáp: Hiện nay Viện Đại học Vạn Hạnh có hơn 30 Giáo sư cơ hữu, một số khác đang du học để lấy văn bằng cao cấp. Chương trình để đào tạo giáo sư cơ hữu đang là một vấn đề cấp bách của Viện mà chúng tôi đã giải quyết bằng cách:
—Tìm cách gửi người đi du học để khi trở về làm giáo sư cơ hữu cho Viện.
—Tìm cách liên lạc với các sinh viên hiện đang du học để mời hợp tác khi họ trở về nước.
Đồng thời Viện chúng tôi cũng cố gắng đào tạo các sinh viên tốt nghiệp Cử nhân xuất sắc, tuyển họ làm phụ khảo và chuẩn bị cho họ để trở thành các giáo sư cơ hữu của Viện trong tương lai.
4) Hỏi.— Sĩ số tân sinh viên gia tăng mau lẹ là một điều đáng mừng hay đáng lo? Theo Giáo sư có nên mở thêm đại học tư không và nếu có thì theo tiêu chuẩn nào?
Đáp: Sĩ số sinh viên gia tăng mau lẹ dĩ nhiên là một điều đáng mừng vì chứng tỏ có sự phát triển của trình độ dân trí. Nhưng trong khả năng hiện tại, khi các Đại học chưa đủ sức để thu nhận số lượng sinh viên gia tăng quá mau lẹ thì tất nhiên số lượng đó là mối lo rất lớn cho các giới hữu trách. Vấn đề phẩm chất giáo dục cần phải đặt nặng song song với phát triển về lượng.
Tuy nhiên dù muốn dù không, hiện tại con số sinh viên lớn lao vẫn là một thực thể đã rồi và tất nhiên phải tìm cách giải quyết. Cách giải quyết gần nhất là phát triển các Đại học sẵn có, đây là vấn đề phải đặt lên hàng đầu vì các Đại học cũ công cũng như tư đã có nền nếp, có kinh nghiệm và uy tín cần phải được phát triển ngay để thỏa mãn số lượng sinh viên. Sau đó, công việc mở thêm các Đại học mới có thể được đặt ra. Theo những tiêu chuẩn đề nghị của Hội đồng Đại học Tư lập thì:
—Các Đại học tân lập phải hội đủ các tiêu chuẩn về phòng ốc, trang bị, thư viện, địa điểm xứng đáng.
—Phải có số nhân sự điều hành cũng như giảng huấn có cấp bằng tương xứng.
—Phải có chương trình giảng dạy đúng mức.
—Phải có đủ phương tiện tài chánh để đứng vững.
Ngoài ra, những khuyến cáo theo ý tôi rất quan trọng lả:
—Các Đạt học tân lập phải chứng minh được lý do thành lập Viện Đại học của mình, lý do đó phải nhắm vào việc giải quyết nhu cầu của quốc gia chứ không phải mở những ngành học dễ dàng thành lập nhưng không đáp ứng được đòi hỏi của quốc gia.
—Các Đại học mới nên hướng về địa phương để phát triển quân bình và toàn diện xứ sở hơn là tụ tập ở Saigon.
Tóm lại, vấn đề có nên mở thêm Đại học tư hay không là một vấn đề quan trọng, cần phải có sự nghiên cứu và tiên liệu trước, lạm phát sinh viên cũng như lạm phát Đại học là những mối nguy hiểm như nhau. Ở đây điều quan trọng là nhu cầu của xứ sở và tương lai của quốc gia, đó phải là những tiêu chuẩn căn bản nhất cho mọi quyết định, hơn là những thành quả bằng con số thống kê mà thực tế không có gì khác hơn là để phô trương.
5)Hỏi.— Theo Giáo sư, Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam hiện hoạt động như thế nào?
Đáp: Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam là một nỗ lực đầu tiên của các Đại học tư để thực hiện việc kết hợp với nhau. Trong giai đoạn hiện tại, Hội đồng chỉ giới hạn trong một vài mục tiêu như đầu tiên là tương trợ, thứ hai là tranh đấu cho những đòi hỏi có tính cách giáo dục và hợp tác với nhau trong một vài lãnh vực.
Ba Tiểu ban: Học vụ, Sinh viên vụ và Ngoại vụ đã được thành lập để thực hiện việc hợp tác nói trên. Các tiểu ban đó sẽ hoạt động để đạt đến những thỏa hiệp có tính cách tiêu chuẩn chung nhằm bảo đảm phẩm chất giáo dục, hơn nữa sự hợp tác cũng có thể làm giảm bớt các chi phí như trong vấn đề ấn loát, soạn thảo các tài liệu học tập chung cho những ngành tương tự và các chi phí khác.
Ngoài ra, Hội đồng Đại học Tư lập cũng đang cố gắng liên kết với nhau để tìm cách ấn định giá trị tương đương của các cấp bằng Đại học, cũng như có thể hợp tác để đào tạo giáo sư cần thiết cho từng Đại học. Những hợp tác trong lãnh vực nghiên cứu cũng đang được đẩy mạnh.
Tóm lại, những hoạt động của Hội đồng Đại học Tư lập mới chỉ đi những bước đầu tiên, rất khiêm tốn nhưng quan trọng để có thể tiến những bước xa hơn trong việc đặt những nền tảng cho hệ thống giáo dục tư lập tại Việt nam. Điều kiện quan trọng nhất để cho Hội đồng có thể hoạt động hữu hiệu là các Đại học tư Hội viên, nhất là các Đại học sáng lập viên của Hội đồng phải đi tiên phong trong việc hợp tác để nâng cao phẩm chất Đại học của họ làm gương mẫu cho các Đại học tư lập khác mới mở ra. Chúng tôi cũng quan niệm rằng Hội đồng Đại học Tư lập là tổ chức của tất cả các Đại học Tư lập và cần mở cửa đón nhận các Đại học Tư lập mới mở để giúp họ những ý kiến và kinh nghiệm cần thiết trong việc phát triển các Đại học này.
Hiện nay Hội đồng đã bước sang năm hoạt động thứ hai và Viện Đại học Vạn Hạnh, thâm niên thứ 2 sau Đà Lạt, đang lãnh trách nhiệm Chủ tịch của Hội đồng. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy hoạt động của Hội đồng theo chiều hướng tích cực cải tiến phẩm chất giảng dạy tại các Đại học Hội viên. Chúng tôi tin tưởng rằng việc thành lập Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam đáp ứng đúng giai đoạn phát triển Đại học và sẽ đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao phẩm chất giáo dục Đại học nước nhà.
*
* *
Giáo sư LÊ PHƯỚC SANG
Viện Trưởng,
Viện Đại Học Hòa Hảo
1) Hỏi.— Xin Giáo sư Viện Trưởng cho độc giả Tư Tưởng được biết sơ lược về đường hướng, mục tiêu và những nét đặc thù của Viện Đại học Hòa Hảo.
Đáp: ĐƯỜNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA ĐẠI HỌC HÒA HẢO:
Đường hướng và mục tiêu về ĐHHH có thể nói là đã được ghi rõ trong Hiến chương của Viện ĐHHH do hội Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo ban hành năm 1970, chiếu theo một quyết định của đại hội toàn quốc PGHH. Một cách tổng quát đường hướng của chúng tôi là thực tiễn và phục vụ cộng đồng nhân dân nghèo ở miền Tây, nỗ lực của chúng tôi là cung cấp giáo dục Đại học cho những người nông dân nhất là nông dân nghèo ở miền Tây không đủ điều kiện phương tiện vật chất để đi đến một nơi nào khác hơn là Viện ĐHHH.
Theo như Hiến chương qui định, chúng tôi cố gắng đào tạo các chuyên viên hữu ích cho công cuộc phát triển quốc gia. Ngoài các điểm đào tạo cán bộ cho địa phương và cho quốc gia nói trốn, nghĩa là cho vùng đồng bằng sông Cửu long, Viện ĐHHH còn tự cho có bổn phận đào tạo những cán bộ cần thiết cho cộng đồng tín ngưỡng PGHH nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng này.
Về vị trí và vai trò đặc thù của Viện ĐHHH, như đã trình bày khi nảy, đây là một Viện Đại học nông thôn mà chúng tôi đã tự hào là một Viện Đại học nông thôn thực sự, chẳng những vị trí là nông thôn mà đối tượng của nó là nông thôn và những người nông dân nghèo. So với những Đại học khác, có thể nói, Viện ĐHHH có một cộng đồng thật là rõ rệt để mà phục vụ. Bởi vì Viện ĐHHH đặt tại An giang, chung quanh có những tỉnh như Vĩnh long, Châu đốc, Kiến phong, Sa đéc… là giáp cận. Ngoài việc có những tỉnh bao quanh Viện ĐHHH xem như những cộng đồng của ĐHHH còn đặc biệt nữa là những tỉnh bao quanh đó đa số từ 50% – 90% dân chúng là tín đồ PGHH; vì thế cho nên ngoài vai tuồng mở mang kiến thức chung cho đồng bào, theo tôi nghĩ, trong một thời gian một thập niên hay hai thập niên Viện ĐHHH sẽ làm cho cộng đồng PGHH và cái khu vực bao quanh Viện Đại học thay đổi hẳn bộ mặt về phương diện giáo dục, văn hóa cũng như kinh tế, chính trị, xã hội. Tôi nghĩ đây là điểm đặc biệt nhất của Viện ĐHHH so với các Đại học khác.
2) Hỏi.— Thưa Giáo sư Viện Trưởng, về việc hỗ trợ của Chính phủ đối với Đại học Tư lập, theo Giáo sư thì Chính phủ nên hỗ trợ Viện ĐHTL bằng cách nào và theo những tiêu chuẩn như thế nào?
Đáp: Như chúng tôi đã nhiều lần trình bày với Chính phủ, đặc biệt là với Bộ Giáo dục, không phải với tư cách là Viện trưởng mà với tư cách của người dân cử, không phải với tư cách là cá nhân của một Nghị sĩ mà với tư cách người thay mặt cho khối dân cử có tiếng nói ở Quốc hội, tôi nghĩ rằng Chính phủ trong hoàn cảnh hiện tại của quốc gia nên chú trọng đặc biệt đến việc hỗ trợ các Đại học tư, nhất là các Đại học tư do các đoàn thể tôn giáo đứng ra thành lập. Như Viện Đại học Cao Đài do Giáo hội Cao Đài thành lập, Đại học Minh Đức do Giáo hội Công giáo thành lập, Đại học Vạn Hạnh do Giáo hội Phật giáo Thống nhất thành lập và Đại học Hòa Hảo do Giáo hội PGHH thành lập. Vì những Đại học tư này được những đoàn thể tôn giáo đứng ra thành lập và bảo trợ, mà những đoàn thể tôn giáo trong quá trình lịch sử của dân tộc đã chứng minh được sự gắn bó với quốc gia và sự hy sinh tận tụy liên tục đóng góp cho sự ổn cố phát triển và vững vàng của quốc gia, một khi Chính phủ nghĩ đến khía cạnh đó để cho họ thành lập thì Chính phủ cũng nên nghĩ đến yểm trợ liên tục như thế nào để cho những Đại học này càng ngày càng có đủ những điều kiện để phát triển xứng đáng với vai tuồng Đại học của họ và xứng đáng với vị thế của những đoàn thể mà đông đảo quần chúng đã đóng góp nhiều cho quốc gia. Bởi vì nếu một phần nào những Đại học không hoàn toàn thành công được theo ý muốn trong việc thực thi sứ mạng của họ vì thiếu phương tiện tài chánh thì tôi cho rằng Chính phủ cũng có một điều đáng suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Nói về tiêu chuẩn hỗ trợ dĩ nhiên cũng căn cứ theo nhu cầu phát triển của Viện Đại học, nhu cầu thực sự không có không được. Dĩ nhiên nhu cầu này tùy theo số lượng sinh viên, tùy theo những yếu tố khác, ví dụ như có Viện Đại học cần phải có nhu cầu như di chuyển của giáo sư, phương tiện ăn ở cho giáo sư…, đó cũng là nhu cầu có tính cách đặc biệt.
3) Hỏi.— Thưa Giáo sư, Chính phủ nên hỗ trợ bằng cách nào?
Đáp: Theo chúng tôi thì cần nhấn mạnh đến cách hỗ trợ như thế nào. Dĩ nhiên trong cách hỗ trợ thứ nhất là vấn đề ngân sách, cách hỗ trợ thứ hai là giúp đỡ những điều kiện dễ dàng để cho những Đại học này đóng góp một cách đúng mức. Ví dụ điều mà chúng tôi và đa số các Nghị sĩ trong phiên điều trần với Bộ Giáo dục đã đưa ra, là Chính phủ đã cho các Đại học tư mở ĐHSP, thì chính phủ đã kiểm soát đầy đủ những điều kiện trước khi cho mở một Viện Đại học, kiểm soát tất cả những chi tiết trước khi cho mở một Phân khoa, Chính phủ duyệt y tất cả chương trình học cũng như duyệt xét thành phần giáo sư, có thể nói là một sự trao đổi một cách rộng rãi giữa các Đại học tư và công, có thể nói là tất cả điều kiện cần thiết của Đại học tư Chính phủ đã xem qua hết: cho nên không thể với lý do gì mà sau bốn năm trời học tại các Đại học tư với cái văn bằng Sư phạm, các sinh viên tốt nghiệp lại không được bổ dụng, nếu không được bổ dụng như vậy thì làm cho có một sự chênh lệch về phương diện đối xử đó là một điều không nên. Một vị dân cử tại Quốc hội đã phát biểu ý kiến: Nếu thực sự Bộ Giáo dục cho rằng không có nhu cầu cho nên không tuyển dụng những sinh viên Đại học tư đi dạy, nếu thật sự Bộ Giáo dục làm như vậy thì họ sẽ kêu gọi các bạn đồng nghiệp không cung cấp ngân khoản cho Bộ Giáo dục nữa — Cái ngân khoản thường thường hàng năm Bộ Giáo dục xin Quốc hội cung cấp để đào tạo giáo chức Sư phạm — Nếu đã nói rằng không có nhu cầu nên không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học tư về phương diện Sư phạm thì Bộ Giáo dục đâu cần xin thêm tiền để đào tạo thêm nữa, mà trong thực tế hàng năm có thể nói một số tiền rất là nhiều dành để phát triển của Chính phủ.
Khi tiếp xúc với Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên thì Ông Tổng trưởng có nói với tôi rằng: Về sự bổ dụng đó Bộ Giáo dục đã sẵn sàng chỉ có điều là bên Tổng nha Công vụ hơi có ý kiến rắc rối, trong buổi điều trần tại Thượng Nghị Viện tôi cũng đặt vấn đề với ông Tổng Ủy trưởng Công vụ thì ông xác nhận rằng không có gì rắc rối hết nếu Bộ Giáo dục chịu thâu dụng thì họ sẽ sẵn sàng chiếu hội. Khi đối chiếu hai ý kiến của hai người có trách nhiệm bên Hành pháp thì tôi yêu cầu phải có sự dứt khoát chứ nếu không đây là một sự hoang phí tài nguyên quốc gia một cách vô lý, hoang phí nỗ lực của quốc gia một cách vô lý.
Còn về vấn đề hỗ trợ cho Đại học tư bằng cách nào thì một trong những cách hữu hiệu không thua kém gì ngân sách là đào tạo cho họ điều kiện để họ đóng góp chữ không thể để họ thành hình ra, cho họ đào tạo ra, rồi những sản phẩm của họ đào tạo không sử dụng đến, nếu không sử dụng đến tức là không hợp tình hợp lý gì cả.
Đó là những cách chính phủ hỗ trợ, thứ nhất là ngân sách, thứ nhì là tạo môi trường dễ dãi họ đóng góp cho quốc gia bằng cách họ đã đào tạo rồi, đã phục vụ rồi, đóng góp rồi thì phải dùng những sản phẩm nhất là những sản phẩm mà Chính phủ đã kiểm soát, đã coi sóc liên tục sự đào tạo đó.
4) Hỏi.— Xin Giáo sư Viện Trưởng cho biết ý kiến về vấn đề Giáo sư Đại học công dạy Đại học tư.
Đáp: Hồi trước kia Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên kiêm Tổng trưởng Bộ Giáo dục cho một số trường tư được sử dụng một số giáo chức trường công được làm việc ở Đại học tư với tính cách giữ những chức vụ điều khiển hay giảng huấn mà trong khi đó vẫn tiếp tục ăn lương của chính phủ như khi giữ chức vụ Khoa trưởng, Viện trưởng, họ vẫn giữ ngạch trật bên Bộ Giáo dục. Sau này trước khi ông Nguyễn Lưu Viên rời khỏi chức vụ, thấy một số Đại học tư khác mở ra và xin được hưởng những điều kiện đó thì Phó Thủ tướng ngại chuyện đó gia tăng nên chấm dứt. Tôi cho rằng điều đó không nên, tôi đã đặt vấn đề mà cũng không phải cá nhân tôi đặt vấn đề mà một số như trước hết là ông Chủ tịch Ủy ban Ngân sách chuyển ngân, Ông Chủ tịch Ủy ban VHGD và TN tại Hạ nghị viện đã viết một văn thư chính sách cho Bộ Giáo dục yêu cầu xét vấn đề đó lại. Nếu các Đại học tư, thứ nhất, họ không có tinh thần cộng tác thật sự và hòa mình thật sự trong lãnh vực giáo dục và thứ nhì, nếu họ không thiếu nhân sự thì họ không bao giờ bằng lòng nhận nhân viên trong ngạch của Chính phủ về giữ chức vụ điều khiển cho họ vì họ muốn giữ sự tự trị hoàn toàn của họ. Họ ngại rằng khi một nhân viên trong ngành của Chính phủ làm việc tại cơ sở của họ thì có thể có những sự không được tế nhị những điều kín đáo, riêng tư, và tự trị của họ có thể bị bên ngoài biết hơi quá đáng và không cần thiết, họ ngăn ngừa chuyện đó. Ông Chủ tịch ủy ban VHGD và TN ở Hạ nghị viện cho rằng sự kiện Đại học tư xin Chính phủ cho một vài nhân viên về ngạch giáo dục hay của chính phủ về công tác với họ, riêng tôi thấy điều đó tốt hết sức, nếu tôi là chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận: ông Chủ tịch ủy ban VHGD và TN ở Hạ nghị viện xin ông Tổng trưởng VHGD và TN chấp nhận và chúng tôi sẽ đặt vấn đề đó một lần nữa với ông Tổng trưởng VHGD và TN. Chúng tôi nghĩ rằng, rất nhiều vị dân biểu đã trình bày với chính phủ, với ông Tổng trưởng VHGD và TN, dân chúng đóng góp rất nhiều cho ngân sách quốc gia mà chính phủ không đủ điều kiện đào tạo, cung cấp cơ sở giáo dục ở bậc Đại học cho con em họ, mà con em họ phải học trường tư: so với ngân khoản to lớn của chính phủ, số lượng nhân viên hùng hậu của Bộ Giáo dục thì mỗi Viện Đại học tư trong Hội đồng Tư lập (hiện thời có năm Đại học tư trong Hội đồng) được gởi đến hai người, trong Hội đồng tư lập chỉ có 10 người, chỉ có 10 người đóng góp cho chính phủ như thế này, về phương diện nhân sự không mất của Bộ Giáo dục là bao nhiêu mà trái lại nó sẽ đóng góp rất nhiều như nó giúp đỡ về kinh nghiệm, giúp về phương diện quản trị, phương diện chuyên môn mà trong thời gian làm việc cho chính phủ họ biết rất rành, họ giúp được rất nhiều. Sự kiện giúp đỡ nhiều như vậy chính phủ mừng mới phải vì không lẽ Bộ Giáo dục cho mở trường ra mà họ thành công mình không quan ngại, họ thất bại mình cũng không quan ngại mình cung cấp cho những trường này những nhân viên cần thiết mà có môi trường họ quen biết, môi trường thuận lợi cho họ làm việc với nhau thật tốt vô cùng: số nhân viên là 10 người thì Bộ Giáo dục mất đi chẳng có là bao nhiêu. Nếu Bộ Giáo dục vẫn tiếp tục cho họ ăn lương chính phủ, trong ngạch trật giáo sư thì tôi thấy không có ngại gì hết bởi vì dân chúng đóng góp hằng năm hằng bao nhiêu tỉ bạc cho quốc gia xài thì con em họ học trường tư hàng 20.000 — 30.000 chỉ có mỗi một nơi hai giáo sư đến tiếp sức thì việc trả lương giáo sư không là một điều đáng cho chúng ta e ngại. Đây là cách thứ ba mà Chính phủ có thể hỗ trợ được cho các Đại học Tư lập.
Ngoài ra, Chính phủ còn có thể hỗ trợ cho chúng ta bằng cách miễn thuế cho các tư nhân khi họ trợ giúp các Đại học Tư.
Đây là một việc làm cần thiết và hợp lý khả dĩ đem lại những đóng góp thiết thực của tư nhân cho sự phát triển Đại học tư. Ý kiến trên đây đã được các vị Viện trưởng đặt ra với Thủ tướng chính phủ trong buổi hội kiến trước đây và đã được Thủ tướng hứa sẽ cứu xét rộng rãi. Mới đây lại một lần nữa — với tư cách Chủ tịch ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Thượng viện, tôi nêu lên trong phiên họp khoáng đại khi biểu quyết về qui chế Trung Tiểu học Tư thục. Dầu là Trung Tiểu Học Tư thục, chính phủ cũng nên miễn thuế và nên sớm ban hành một sắc lệnh về vấn đề này. Cuối cùng Chính phủ còn có thể hỗ trợ bằng cách miễn hoàn toàn các sắc thuế và các học cụ, các dụng cụ trang bị phòng thí nghiệm… có vậy, các Đại học tư, trong tình trạng khó khăn về tài chánh hiện nay mới có thể hoạt động và phẩm chất giáo dục mới có thể tăng tiến được.
5) Hỏi.— Xin Giáo sư Viện Trưởng cho biết ý kiến về cách thức hỗ trợ và vấn đề miễn thuế cho các Đại học tư.
Đáp: Về vấn đề miễn thuế cho các Đại học lư lập, có lẽ chúng ta cần phải chờ đợi, vì hiện nay nước ta chưa có một đạo luật về Đại học. Hiện nay, khi thảo luận về qui chế Trung Tiểu học tư thục chúng tôi đã ghi trong bản qui tắc là chính phủ phải công nhận những cơ sở tư thục là những cơ sở phục vụ công ích mà chính phủ phải giúp đỡ một cách thiết thực để các cơ sở này làm tròn nhiệm vụ của họ. Đây là những nguyên tắc hết sức cần thiết và căn bản mà từ những nguyên tắc này Quốc hội cũng đã ghi thêm rằng Chính phủ sẽ miễn thuế, sẽ ban hành một sắc lệnh trong đó ấn định rõ ràng và đầy đủ những điều kiện, những tiêu chuẩn để các cơ sở tư lập này được hưởng những đặc quyền về việc miễn giảm thuế. Tôi tin rằng đạo luật về Đại học trong tương lai sẽ đầy đủ về những vấn đề này và tôi hiện đang theo dõi để bổ túc thêm ý kiến. Tôi mong Chính phủ ghi nhận sự đóng góp lớn lao của các cơ sở giáo dục tư thục vì trong tình trạng hiện nay, Chính phủ không thể nào có đầy đủ phương tiện để làm giáo dục.
6)Hỏi.— Xin Giáo sư Viện Trưởng cho biết quan niệm về vấn đề giáo sư cơ hữu và phương cách đào tạo…
Đáp: Tôi đã nhiều lần trình bày quan điểm của tôi với Bộ VHGDTN về vấn đề này. Theo tôi, giáo sư cơ hữu thật sự đúng nghĩa như các Đại học ngoại quốc ở nước mình hầu như không có. Vì trong các Đại học ngoại quốc, giáo sư cơ hữu phải là những giáo sư toàn thời gian cho Viện Đại học đó và đặc biệt họ phải có mặt thường xuyên tại khu Đại học để săn sóc, hướng dẫn cho sinh viên và không cộng tác với một Đại học nào khác… Trong trường hợp đặc biệt, nếu họ cộng tác với một Đại học khác thì họ phải được sự đồng ý của Viện Đại học gốc và trong trường hợp nầy họ chỉ được cộng tác với Đại học mới với tư cách thỉnh giảng trong một định khóa nào đó mà thôi. Nếu hiểu theo nghĩa này thì ở nước ta hiện nay cả đến Viện Đại học công cũng không có giáo sư cơ hữu nữa, vì mọi Đại học chỉ có một số ít giáo sư cơ hữu nhưng lại không làm toàn thời gian cho Đại học đó.
Theo qui chế Đại học thì càng dạy nhiều năm số giờ càng giảm, và giáo sư dành thì giờ này để nghiên cứu, sáng tác hoặc sống hẳn tại Đại học để lo phát triển Đại học đó mà thôi. Trái lại, hiện nay các giáo sư dành thì giờ rảnh này để cộng tác với các Đại học công tư khác và số giờ này lại không giới hạn. Tóm lại, theo định nghĩa trên, thì Đại học công và tư ở nước ta không có giáo sư cơ hữu. Nhưng nếu hiểu một cách lỏng lẻo và rộng rãi hơn thì một số giáo sư không phải là công chức, giáo chức của Bộ VHGDTN, dành nhiều thì giờ cho một Đại học thì Viện Đại học Hòa Hảo cũng có một số giáo sư cơ hữu tuy không quan trọng nhưng cũng chiếm được một tỷ lệ, một phần nào đó cho Đại học chúng tôi.
Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực tối đa cho việc đào tạo giáo sư cơ hữu theo quan niệm đứng đắn mà tôi vừa trình bày. Chúng tôi lựa chọn những sinh viên tại khu vực địa phương, xuất phát từ cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo những người tha thiết đem sự duy trì và phát triển Viện Đại học Hòa Hảo. Họ phải cảm nhận rằng nếu Viện Đại học này thành công thì là điều vinh dự cho họ, trái lại, nếu thất bại họ cũng bị nhục nhã. Chúng tôi đã lựa chọn và gởi những người nầy du học như trường hợp chúng tôi đã gởi năm người qua Bangkok theo sự trợ giúp của AIT. Ngoài ra chúng tôi cũng đã xin Bộ Giáo dục đặc biệt xét những ứng viên du học do chúng tôi giới thiệu nếu các ứng viên nầy không hội đủ điều kiện về văn bằng như Tối ưu, Ưu, Bình… chúng tôi quan niệm những điều kiện về văn bằng chỉ là một điều kiện phụ, vì nếu những ứng viên du học của chúng tôi không đủ điều kiện về văn bằng, chúng tôi buộc lòng phải tìm người ngoài, mà những người ở ngoài thì chắc chắn thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức cộng đồng, thiếu uy tín cần thiết với cộng đồng Đại học Hòa Hảo. Như vậy nếu họ đỗ đạt hồi hương cũng chẳng ích lợi gì, đó là chưa kể đến việc họ sau khi tốt nghiệp không về nước. Do những yếu tố trên đây chúng tôi đã nhiều lần cắt nghĩa với Bộ Giáo dục và xin Bộ cho mỗi viện Đại học tự nhận lãnh trách nhiệm của mình khi cử người du học. Nếu được vậy những người nầy sau khi tốt nghiệp sẽ là những giáo sư cơ hữu cần thiết vì họ sẽ sống chết với mình. Đây là một vấn đề quan trọng và hết sức căn bản.
Hiện tại, Viện chúng tôi đang cử một vị Phụ tá Học vụ của chúng tôi liên lạc thường xuyên và trực tiếp với nhiều Đại học Mỹ để xin các Đại học này một số học bổng. Việc nầy nằm trong chương trình đào tạo giáo sư cơ hữu của chúng tôi và khi áp dụng được chương trình này chúng tôi mới thực sự có giáo sư cơ hữu, chứ hiện nay chúng tôi không tìm giáo sư cơ hữu theo nghĩa lỏng lẻo đã trình bày, vì nó không hữu hiệu gì hết. Chúng tôi dời vấn đề đó đến ngày gần đây, khi mà nhân viên chúng tôi gởi đi du học hồi hương về làm việc tại Viện.
Nhân tiện nói về giáo sư cơ hữu, chúng tôi xin loan báo với quí vị một tin mừng là các anh em dân cử miền Tây trong đó phần lớn thuộc dân biểu gốc PGHH đã tranh đấu và được Hạ nghị viện thông qua một thông cáo gởi cho Hành pháp với nội dung yêu cầu Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên chú trọng phẩm chất Đại học. Sở dĩ có lời thỉnh cầu nầy là hiện nay có sự chênh lệch lớn lao về phương diện trợ cấp của các quốc gia bạn về vấn đề giáo dục — đặc biệt là việc trợ cấp cho các Đại học tư về ngân sách, học bổng, trang bị… thì Bộ nên dành ưu tiên cho các đại học trong Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam. Hạ nghị viện cũng đã xác định rõ ràng Đại học tư trong Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam là các Đại học Dalat, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hòa Hảo, Cao Đài. Hạ nghị viện đã quan niệm rằng đây là hình thức mà Hạ nghị viện bù trừ phần nào chênh lệch to lớn về phương diện trợ cấp ngân sách Quốc gia. Tôi cho rằng Hành pháp cũng là Bộ Giáo dục sẽ theo khuyến cáo này và nếu được vậy các Đại học tư sẽ có thêm cơ hội cần thiết nhận được sự yểm trợ nhiều hơn từ bên phía các cơ quan và các quốc gia bạn. Bấy giờ giáo sư cơ hữu mỗi năm sẽ có một số lượng đáng kể, mà các quốc gia bạn xuyên qua sự vận động của Bộ Giáo dục sẽ dành cho mỗi Đại học tư đào tạo một số giáo sư cơ hữu thật sự của họ.
7) Hỏi: Theo Giáo sư các Đại học Tư lập có nên hợp tác với nhau về việc đào tạo Giáo sư cơ hữu?
Đáp: Tôi thấy việc gởi người đi ngoại quốc quá tốn kém và mất thời gian. Do đó nếu các Đại học Tư cộng tác với nhau để đào tạo giáo sư cơ hữu thí dụ mở những lớp đặc biệt đào tạo những phụ khảo phụ giảng để trở thành giáo sư cơ hữu thì đó là một điều có ý nghĩa và tăng thêm tư thế cho những người đó để trở thành giáo sư cơ hữu. Mặt khác chúng ta cũng nên tiếp tục gởi người ra ngoại quốc nhất là những khóa tu nghiệp ngắn hạn dành cho những người đã tốt nghiệp trong nước.
8) Hỏi: Thưa Giáo sư, vấn đề gia tăng sĩ số của tân sinh viên là việc đáng mừng hay đáng lo?
Đáp: Tôi nhớ có lần tiếp xúc với ông Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, ông cho rằng tỷ lệ những người tốt nghiệp Trung học để lên Đại học có thể là 15 hay 20% tại Mỹ, Nhật, Pháp v.v… chứ không phải mọi người đậu Tú tài rồi đương nhiên lên Đại học và bắt buộc Chính phủ phải có chỗ cho họ học. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt nam là có luật tổng động viên, quân dịch cho nên Bộ Giáo dục và các giới hữu trách trong lãnh vực giáo dục cảm thấy có trách nhiệm về lương tâm. Nếu không có chỗ cho những tân sinh viên mới đậu Tú tài II nghĩa là họ phải vô quân trường. Do đó chúng tôi yểm trợ ý kiến của ông Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục và Thanh niên là làm thế nào Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Quốc phòng để có một quy chế hoãn dịch tiến bộ và hợp lý hơn.
Vấn đề có nên mở Đại học Tư nữa hay không, xin trả lời là nên và không nên. Nên mở vì nhu cầu của quốc gia dù có luật tổng động viên hay không cũng cần phải mở thêm Đại học cho đất nước. Nhưng không nên mở thêm là vì phải có điều kiện trong việc mở Đại học tư, Đại học đó phải bảo đảm được cho sinh viên sự liên tục lâu dài, đủ sức cung cấp cho học một nền giáo dục có phẩm chất. Dịp này chúng tôi xin thông báo là Hạ nghị viện có khuyến cáo khi cứu xét về ngân sách đối với Bộ Giáo dục là nên chú trọng đặc biệt vấn đề phẩm ở bậc Đại học. Vì Hạ nghị viện cho rằng Đại học là giai đoạn cuối cùng của nền giáo dục học đường, ở Mẫu giáo nên Tiểu học và Trung học nếu có sơ xuất thì còn hy vọng sửa chữa ở cấp cao hơn chứ còn ở Đại học mà thiếu sót, hư hỏng, không đủ điều kiện thì chỉ còn trông cậy vào khả năng trời cho của sinh viên mà thôi, như thế tức là mình không làm tròn bổn phận mà để sinh viên tự lo lấy thân của họ. Hạ nghị viện đã khuyến cáo Bộ Giáo dục thận trọng việc mở thêm Đại học nữa kể cả Công lẫn Tư, đặc biệt là Đại học Tư phải làm thế nào để chú trọng đến những phương tiện như trường sở, giáo sư, phòng thí nghiệm và những phương tiện cần thiết khác để bảo đảm sự phát triển của một Viện Đại học. Đó là quan điểm mà Hạ nghị viện đã thông qua trong một khuyến cáo, tôi thấy rằng quan điểm này cũng trùng hợp phần nào với Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam.
9) Hỏi: Thưa Giáo sư, khuyến cáo đó có phổ biến hay không?
Đáp: Quý vị có thể liên lạc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh niên và Ủy ban Ngân sách để nhận khuyến cáo đó.
Hơn nữa tôi tin rằng thế nào đài Truyền thanh và Truyền hình cũng loan báo khuyến cáo đó.
10) Hỏi: Xin Giáo sư Viện Trưởng cho biết về hoạt động của Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam.
Đáp: Chúng tôi rất mừng là thấy những Đại học Tư do những đoàn thể tôn giáo lớn thành lập và bảo trợ đã kết hợp và đứng chung với nhau trong một tổ chức gọi là Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam có nội qui, điều lệ, có nghị định được Bộ Giáo dục hợp thức hóa, có những sinh hoạt đều đặn hàng tháng của Hội đồng Viện trưởng cũng như những sinh hoạt thường lệ đều đặn của tất cả các tiểu ban, quan trọng là tiểu ban Học vụ, Sinh viên vụ. Chúng tôi thấy rằng dù là mới có bước đầu mới thành lập và những nhu cầu gấp rút của các Đại học nhưng Hội đồng cũng có những nỗ lực thật đáng kể, rất khích lệ đã chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ và tương thân tương trợ lẫn nhau trong việc phục vụ cho nền giáo dục nước nhà. Tôi cũng rất ước mong càng ngày sự gắn bó, chặt chẽ cũng như sự gia tăng nỗ lực của Hội Đồng càng phải thực hiện thêm, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu về học vụ, hợp tác về những phương diện như sinh viên vụ.
11) Hỏi: Theo Giáo sư, Hội đồng có nên cho những hội viên mới gia nhập không? Điều kiện để gia nhập như thế nào?
Đáp: Điều này không phải là một sự trả lời mà là lập lại những gì đã ghi trong bản điều lệ của Hội đồng. Điều lệ có dự trù sự gia nhập của các hội viên mới nhưng phải với một tỷ lệ rất gắt gao, quí vị có thể tìm thấy điều đó trong Nội qui Hội đồng được.
*
* *
Linh Mục NGUYỄN VĂN THÍNH
Phó Viện Trưởng
Viện Đại Học Minh Đức
1) Hỏi.— Xin Linh Mục Viện Trưởng tóm tắt đường hướng và mục tiêu giáo dục của Quí Viện và nếu được xin cho biết Quý Viện có một vị trí và vai trò đặc thù nào khác với các Viện Đại học hiện hữu không?
Đáp: MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ VÀ ĐƯỜNG LỐI
A. Mục đích:
—Mục đích của Viện Đại học Minh Đức là đào tạo cho Quốc gia một lớp chuyên viên thiện nghệ, thực tế, đồng thời có tinh thần yêu nước và phục vụ cao độ.
—Thực hiện các công cuộc khảo cứu về Y khoa, Khoa học, Nhân văn, Kinh tế, Doanh thương và Xã hội, cùng phát huy những kết quả đó để tạo dựng sự đóng góp thực tế của Đại học cho xã hội và đại chúng.
Để tham gia vào nỗ lực chung xây dựng Việt nam, Viện Đại học Minh Đức ra đời với niềm hy vọng thiết tha là giúp cho các thế hệ trẻ Việt nam được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản hoàn hảo, biết đón nhận những giá trị đích thực và hữu dụng từ ngoài du nhập «để phát triển cùng một lúc với những giá trị linh thiêng cao quý nhất». Sự hiện diện của họ trong mỗi tổ chức sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội sẽ gây được ảnh hưởng tốt đẹp, rộng rãi và mãnh liệt vào các định chế này.
Do đó, Viện Đại học Minh Đức hy vọng sẽ đóng góp một phần khiêm tốn vào việc phát triển toàn diện con người và xứ sở, hầu đưa Quốc gia Việt nam tiến đến «chỗ đứng xứng đáng của mình trong cộng đồng các dân tộc».
B. Tôn chỉ:
Tôn chỉ của Viện Đại học Minh Đức là: Dân tộc, Hiện đại hóa và Thực dụng.
—Với tôn chỉ Dân tộc, Viện Đại học Minh Đức đào tạo sinh viên trên căn bản đề cao tinh thần Dân tộc.
—Với tôn chỉ Hiện đại hóa, Viện Đại học Minh Đức mở rộng vòng tay thâu lượm các tinh hoa của thế giới, những giá trị cổ truyền cũng như những phát kiến mới nhất đem truyền bá cho sinh viên.
—Với tôn chỉ Thực dụng, Viện Đại học Minh Đức không áp dụng lối học từ chương khoa cử mà hướng sinh viên về cái học thực dụng, học những cái cần ích để có thể thích dụng khi ra đời.
C. Đường lối:
Đường lối giáo dục của Viện Đại học Minh Đức là Hội nhập, Thực tế, và Khai phóng.
—Với đường lối Hội nhập, Viện Đại học Minh Đức quan niệm giáo dục chuyên môn không thể tách rời môi trường thực tế với những bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị luôn luôn chi phối chuyên môn.
—Với Đường lối Thực tế, Viện Đại học Minh Đức buộc sinh viên phải đọc sách tham khảo tài liệu tại Thư viện, phải đi điều tra, du khảo, sưu tầm tại chỗ các vấn đề, phải thực tập tối đa tại các phòng thí nghiệm, cơ quan chuyên môn, các bệnh viện, cơ xưởng, nhà máy, xí nghiệp.
—Với đường lối giáo dục Khai phóng, Viện Đại học Minh Đức chấp nhận những thay đổi và thích nghi hóa với những tiến bộ mới. Sinh viên cũng được đặt vấn đề và thảo luận dưới sự hướng dẫn của Giáo sư đểthể hiện và phát huy tinh thần tham dự tối đa.
Đối với các Viện Đại học hiện hữu, Đại học Minh Đức luôn luôn giữ mọi giao hảo tốt đẹp để trao đổi nhau những kinh nghiệm giáo dục ngỏ hầu luôn luôn cải tiến trong trách nhiệm phục vụ cho sinh viên, cho thế hệ quan trọng tương lai của đất nước. Do đó chúng tôi đã hăng hái tham dự vào Hội đồng Đại học Tư lập ngay từ lúc đầu và luôn luôn tích cực hoạt động theo đúng mục tiêu và tôn chỉ của Hội.
2) Hỏi.— Theo Linh Mục Viện Trưởng, Chính phủ nên hỗ trợ cho các Đại học Tư bằng cách nào và theo những tiêu chuẩn nào?
Đáp: Trong những năm qua, các Đại học Tư đã được Chính phủ hỗ trợ và lẽ dĩ nhiên, mỗi lần được sự tài trợ của Chính phủ là Hội đồng Đại học Tư lập đã họp lại để thảo luận các tiêu chuẩn về việc nhận tài trợ. Thật ra, đối chiếu với nhu cầu của mỗi Viện Đại học Tư và so sánh với sự yểm trợ Đại học công thì số tiền tài trợ kia thật quá ít ỏi.
Về tiêu chuẩn và phương cách hỗ trợ chúng tôi nghĩ rằng vấn đề nhu cầu của mỗi Đại học phải được nêu ra vì mỗi Đại học Tư lập đều có một tính chất một đặc thù riêng biệt. Nhưng hiện thời vì ngân sách quá eo hẹp Chính phủ chỉ tài trợ được một phần nhỏ nào để giúp vào việc điều hành của mỗi Đại học Tư.
3) Hỏi.— Hiện nay Quý Viện có bao nhiêu giáo sư cơ hữu và Quý Viện có kế hoạch nào để đào tạo thêm giáo sư cơ hữu không?
Đáp: Hiện nay Viện chúng tôi cũng có một số giáo sư cơ hữu tuy nhiên số giáo sư cơ hữu vẫn chưa đủ đáp ứng với nhu cầu sĩ số. Do đó Viện Đại học Minh Đức luôn luôn nghĩ đến việc đào tạo giáo sư cơ hữu. Việc đào tạo bằng cách cử các vị Giảng nghiệm viên, Phụ khảo đi du học tiếp, theo chương trình du học hiện hữu của Bộ. Đồng thời khuyến khích các Phụ khảo học tiếp bậc Đại học ở nước nhà cũng như chúng tôi đã mở một số ngành Cao học, trong tương lai chúng tôi sẽ nhắm vào một số ưu tú để huấn luyện họ trở thành những giáo sư cơ hữu tương tai cho Trường nếu họ có năng khiếu đi về ngành Giảng huấn. Ngoài ra Viện chúng tôi hằng năm còn gửi thư đến các Sinh viên VN đã tốt nghiệp tại các Đại học ngoại quốc để thỏa hiệp với họ về các điều kiện cần thiết và giúp đỡ họ tới mức tối đa mong họ trở về nước cộng tác với chúng tôi trong thành phần giáo sư cơ hữu.
4) Hỏi.— Sĩ số tân sinh viên gia tăng mau lẹ là một điều đáng mừng hay đáng lo? Theo Linh Mục Viện Trưởng có nên mở thêm Đại học Tư không và nếu có thì theo tiêu chuẩn nào?
Đáp: Sĩ số sinh viên gia tăng mau lẹ, theo ý chúng tôi là một điều đáng mừng vì nhờ đấy mà dân trí ta sẽ được nâng cao, mọi sinh hoạt xã hội sẽ đổi thay, mọi cơ cấu sẽ cải tiến. Nếu ta so sánh tỉ lệ sinh viên Việt nam với các Quốc gia tiến bộ cùng mật độ và diện tích với nước ta thì con số sinh viên của Việt nam vẫn kể là khiêm tốn. Con số tuy khiêm tốn nhưng hiện nay cũng là một điều đáng lo vì chúng ta đang ở tình trạng bành trướng trong sự thiếu thốn gần như toàn diện. Nhất là hàng năm cứ nhìn vào Ngân sách Giáo dục Quốc gia so với toàn bộ Ngân sách tại nghị trường thì chúng ta thấy rõ không thể nào thỏa mãn kịp thời nhu cầu giáo dục được. Bởi đó, việc mở thêm các Đại học Tư là một điều cần thiết. Riêng chúng tôi, rất hoan nghênh có nhiều đồng nghiệp khác ra đời để cùng nhau gánh vác và chia sẻ trách nhiệm giáo dục con em chúng ta. Tất nhiên mỗi Đại học Tư nào muốn mở đều phải hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn theo thể lệ hiện hành của Bộ Giáo dục.
5) Hỏi.— Theo Linh Mục Viện Trưởng, Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam nên hoạt động như thế nào?
Đáp: Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam đã và đang hoạt động. Chúng tôi nghĩ rằng Hội đồng đã cùng nhau thỏa thuận bản Nội quy ngày 27-9-1973 trong đó đã quy định rất rõ ràng mọi nguyên tắc hoạt động của Hội, nên Viện chúng tôi là một Hội viên bắt buộc phải theo đúng tôn chỉ mục đích trong đó. Vì vậy chúng tôi không có thẩm quyền nêu lên phương cách hoạt động riêng tư. Nếu Hội đồng hoạt động theo đúng nội quy chúng tôi cho rằng đã quá đầy đủ và tốt đẹp.
*
* *
Luật Sư NGUYỄN VĂN LỘC
Viện Trưởng
Viện Đại Học Cao Đài
Đáp: Viện Đại học Cao Đài là một trong năm viện Đại học xuất phát từ bốn tôn giáo lớn tại Việt nam đã được thành lập từ năm 1971 do giấy phép số 7999/GD/VP ngày 29/09/1971 và số 9335/GD ngày 24/11/1971 của Bộ Giáo dục và khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày 20/12/1974.
Viện Đại học Cao Đài hiện hoạt động với 2 Phân khoa Nông lâm mục với 4 ngành (Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa và Biến chế Nông phẩm) và Sư phạm với 2 ngành Văn khoa (Ban Việt hán và Ban sử địa) và Khoa học (Ban Toán lý, Ban Lý hóa và Ban Lý hóa Vạn vật) còn 1 phân khoa chưa hoạt động là Phân khoa Thần học và một Phân khoa dự trù khai giảng là Phân khoa Kinh tế — Thương mại hoặc Phân khoa Khoa học Thực dụng.
Nhìn chung, nước ta là một nước nông nghiệp đang trên đà phát triển, mặc dầu luôn luôn bị xáo trộn bởi tình trạng chiến tranh. Cho nên đường hướng giáo dục của Viện Đại học Cao Đài hướng về việc phát triển nông nghiệp và các khoa học thực dụng vì tài nguyên quốc gia rất nhiều mà chưa được khai thác thật sự, nhứt là về mặt thồ sản, khoáng chất (việc tìm kiếm dầu hỏa trên thềm lục địa Việt nam vừa có kết quả trong mấy tháng vừa qua chỉ là bước đầu đáng lẽ đã được xúc tiến từ lâu). Mục tiêu của Viện Đại học Cao Đài là cung cấp cán bộ trung và cao cấp cho việc phát triển những ngành kỹ thuật nông nghiệp và khoa học thực dụng nói trên, cũng như việc đào tạo các giáo chức để thực hiện đường hướng đó.
Vì vậy phương pháp giảng dạy đặt nặng phần thực tập và thực hành để cho các sinh viên làm quen trước với nghề nghiệp của mình hầu rút tỉa ít nhiều kinh nghiệm trước khi vào nghề.
Cố nhiên là phần lý thuyết cũng được chú trọng đúng mức, nhưng không đến đỗi là tuyệt đối.
Vị trí Viện Đại học Cao Đài hiện nay rất là khiêm tốn trong cộng đồng Đại học, công cũng như tư. Điều đó rất dễ hiểu vì lẽ Viện đã sanh sau đẻ muộn, mà lại nằm vào một vị thế địa dư không thuận lợi vì ở bìa biên giới giáp Miên, không được có một số tỉnh trù phú bao bọc chung quanh để hỗ trợ và vấn đề an ninh của tỉnh Tây ninh thỉnh thoảng cũng gặp khó khăn phần nào tuy rằng ở những nơi xa Viện.
Tuy vậy, Viện cũng có vài nét đặc thù về lề lối tổ chức học trình làm 2 cấp: cấp I là 2 năm đầu (Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm cho Phân khoa Sư phạm và Tốt nghiệp Cán sự Nông lâm mục cho Phân khoa Nông lâm mục) và cấp II là 2 năm sau (Cử nhân Sư phạm và Kỹ sư Nông lâm mục). Như vậy các sinh viên không có khả năng hay phương tiện tiến xa, có thể sử dụng văn bằng cấp I của mình và có thể tiếp tục cấp II liền theo đó hoặc một thời gian sau nếu hoàn cảnh cho phép.
Tuy nhiên, bắt đầu từ niên khóa 1975, tổ chức này còn có được duy trì nữa hay không là tùy theo quan niệm của giới thẩm quyền trong khi nguyên tắc tự trị Đại học chưa được xác định rõ rệt. Nét đặc thù khác là trong chương trình giảng huấn có phần dành cho tôn giáo về giáo lý, tổ chức hay lịch sử Cao Đài giáo, hoặc dưới hình thức trực tiếp bằng môn dạy chính thức, hoặc dưới hình thức các buổi nói chuyện và tham luận có vẻ linh động và dễ thâu nhập hơn.
2) — Viện Đại học Tư không thể là một cơ sở có tính cách vừa giáo dục, vừa kinh tài, vì nếu ở cấp Trung Tiểu học sĩ số rất đông thì ngược lại sĩ số sinh viên Đại học rất kém, không thể đem lại một số lợi tức đáng kể. Chính vì vậy mà một vài Viện Đại học tư đã có những cơ sở kinh doanh để dùng lợi tức đó yểm trợ cho sự thiếu hụt thường xuyên của Viện.
Nghĩ rằng vai trò của các Đại học Tư lập không những rất quan trọng vì các Viện Đại học là lò đào tạo các chuyên viên cao cấp trong mọi ngành hoạt động quốc gia, mà lại còn là thiết yếu vì đa số Đại học Tư do các Tôn giáo lớn thành lập có nhiệm vụ bổ túc cho các Viện Đại học Công vì lẽ chương trình được uyển chuyển hơn, không quá gò bó vào những khuôn khổ có sẵn, các giáo sư được thoải mái tự do hơn trong việc giảng dạy và nhứt là không khí trang nghiêm của tôn giáo trong các Viện Đại học có tính cách tôn giáo giữ vững tinh thần Dân tộc của thanh niên nam nữ và ảnh hưởng thuận lợi đến tâm tính và bản chất hành thiện của lớp người trẻ này hơn, trước những xáo trộn càng ngày càng gia tăng trong xã hội Việt nam do chiến tranh kéo dài và đời sống quá chật vật của mọi từng lớp nhân dân.
Do đó, sự trợ giúp của chánh quyền đối với các Đại học Tư rất cần thiết để tránh cho họ sợ ve vãn của những ý nghĩ vọng ngoại vì những hoàn cảnh tế nhị và phức tạp.
Đại học không phải chỉ có nhiệm vụ cấp các cấp bằng chuyên khoa mà còn có nhiệm vụ khảo cứu các ngành quan yếu trong việc phát triển quốc gia.
Bỏ phần nghiên cứu là một khuyết điểm lớn của Đại học. Vì vậy sự hỗ trợ của Chánh phủ bằng hiện kim, hoặc bằng hiện vật nên nhắm vào tiêu chuẩn nhu cầu thật sự trong việc phát triển Viện về phần giảng huấn điều hành cũng như phần nghiên cứu.
3) — Hiện nay Viện Đại học Cao Đài có 29 giáo sư cơ hữu, phần lớn là phụ khảo đang hoạt động dưới sự hướng dẫn của các giáo sư thỉnh giảng có nhiều cảm tính với Viện. Và hiện Viện không có kế hoạch nào đào tạo khác hơn là sự hướng dẫn từ từ đó và việc xin học bổng tu nghiệp cho một số phụ khảo để du học ngoại quốc do các hiệp hội tư nhân hay các quốc gia Âu Mỹ tặng về bực Cao học
4) — Sĩ số tân sinh viên gia tăng mau lẹ là một điều đáng mừng mà cũng là một điều đáng lo.
Đáng mừng là vì điều đó chứng tỏ sự lớn mạnh của Quốc gia trên phương diện trao đổi trí thức. Nó chứng tỏ nền Đại học Đại chúng không phải là một danh từ rỗng không, mà dân chủ đã có những bước tiến dài trong vấn đề văn hóa giáo dục. Ngày nay, Đại học không còn là một cánh cửa sơn son thếp vàng chỉ mở cho con cháu những người giàu sang quyền thế và phương ngôn «Con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa» có thể đi lần vào một dĩ vãng xa xôi nào.
Nhưng lại cũng là điều đáng lo vì lượng không hẳn là phẩm và nhiều khi, lượng càng to thì phẩm càng kém. Và đó có thể là tình trạng Trung Tiểu học ngày nay nếu không phải là một sự khẳng định quá đáng vì từ lâu, trung học đã thay đổi nhiều và có khi thay đổi nhiều vì những yếu tố khác hơn là yếu tố thuần túy văn hóa giáo dục. Ấy là một điều đáng ngại.
Nếu Trung Tiểu học không vững chắc lắm thì Đại học cũng có thể biến thành học đại. Do đó, có thể sinh viên ngày nay biết được nhiều việc hơn sinh viên lớp trước, nhưng kiến thức căn bản thường kém hơn và tinh thần, luân lý có thể thiếu sự vững mạnh hơn nên dễ bị ngoại cảnh cám dỗ và ảnh hưởng hơn.
Nhưng đó không phải là lỗi của họ mà là lỗi của một xã hội quá xáo trộn đến đỗi mọi giá trị không còn được tôn trọng nữa, mà một trật tự mới tốt đẹp hơn cũng chưa có cơ thực hiện được trong tình thế hiện tại.
5) — Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam là một cơ quan tương đối mới mẻ chỉ mới hoạt động có một năm đầu. Tuy nhiên đó là một sáng kiến hay để có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Viện Đại học tư hầu có thể trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau, ít nhứt là về mặt tinh thần, và tạo niềm thông cảm dễ dàng giữa các tôn giáo trên khía cạnh văn hóa giáo dục.
Cố nhiên, Hội đồng đang cố gắng hoạt động trong chiều hướng ích lợi chung cho các Viện và sinh viên các Viện trong việc phát huy nền Văn hóa Dân tộc Việt nam. Hội đồng đang kiện toàn tổ chức thì ít nhứt qua một thời gian thử thách mới thấy rõ hiệu quả như thế nào hầu chấn chỉnh khi cần.
Nếu người ta thường nói «có» còn hơn «không» thì rồi đây vai trò của Hội đồng Đại học Tư lập Việt nam có thể từ «không» trở thành «có» một cách rất cụ thể và trên một vài lãnh vực.*
Luật Sư NGUYỄN VĂN LỘC
______________
* Luật Sư Nguyễn Văn Lộc, Viện Trưởng Viện Đại học Cao Đài lần lượt trả lời 5 câu hỏi mà Tư Tưởng đã đặt ra như Linh Mục Phó Viện Trưởng Viện Đại học Minh Đức trên đây.(T.T)
[Tạp chí Tư Tưởng số 48, năm 1975]