I

Tạp chí Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại Học Vạn Hạnh là môi trường để các giáo sư của Viện Đại Học Vạn Hạnh trình bày và thảo luận công khai những vấn đề quan trọng của thời đại.

Bộ cũ của Tư Tưởng đã ra được đến số 5 trong những năm 1967-1968, năm nay nhờ sự khích lệ đặc biệt và sự mong đợi sốt sắng của giới thức giả chúng tôi quyết định chuyển Tư Tưởng sang giai đoạn mới và cố gắng phát hành mỗi số mỗi tháng để đáp ứng liên tục nhu cầu văn hóa cho sinh viên, thanh niên và thức giả ở nước nhà hiện nay. Những bài đăng trong Tư Tưởng đều nói lên những thái độ riêng biệt của từng giáo sư trong việc đi tìm một chân trời chung cho con đường ý thức của Viện Đại Học Vạn Hạnh giữa hoàn cảnh đen tối của quê hương. Tinh thần của Đại học Vạn Hạnh là tinh thần sáng tạo và tự do, sáng tạo được hiểu theo nghĩa làm lại mọi sự trong tinh thần triệt để và tự do được hiểu theo nghĩa tự mình chịu trách nhiệm cho ý nghĩa của đời sống mình và con người. Nếu hiểu vậy thì chúng ta thấy rằng sáng tạo và tự do không phải là hai giá trị mà chính là điều kiện để làm cho tất cả những giá trị có thể được là giá trị. Và như thế, sáng tạo và tự do chính là hai hành động đồng nhịp và đồng nhất khả dĩ mở ra “chân trời của những chân trời” mà Merleau-Ponty gọi là “l’horizon des ho­rizons”, môi trường của hữu hình và vô hình trong nhịp đồng hành của tính thể và ý nghĩa.

Từ mấy năm nay, Viện Đại Học Vạn Hạnh vẫn âm thầm đi tìm một mảnh đất chung khả dĩ chuẩn bị cho giao điểm giữa những ý thức hệ đối nghịch, những thái độ và lập trường tương phản – Chúng tôi cố gắng lên đường và vượt ra ngoài mọi tín điều bưng bít, mọi phe phái hẹp hòi. Chúng tôi không nhận rằng chỉ có một khả tính duy nhất cho một lộ trình nhất định; chúng tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng đối với một vấn đề nào cũng đều có nhiều khả tính khác nhau và những khả tính tương phản này cũng có thế gặp nhau trong một khả tính căn bản: đặt vấn đề và để cho những vấn đề được mở ngõ (mettre en question et laisser les questions ouvertes).

Vấn đề của Tư Tưởng Bộ mới số 1 là vấn đề Hiện Tượng Học. Vấn đề trong Tư Tưởng số 2 sẽ là Khả Tính của Phật giáo trong vấn đề Hòa Bình, Tư Tưởng số 3 sẽ đặt vấn đề về những khoa học xã hội. Những số tiếp theo sẽ đặt nhiều vấn đề đa dạng khác có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống của con người hiện nay.

II

Sở dĩ Husserl, người khai sinh ra hiện tượng học, được đề cập nơi bộ mới số 1 của Tư Tưởng là vì chính Husserl đã thể hiện tinh thần sáng tạo tự do một cách triệt để nhất:

Trong phạm vi của ý thức: sáng tạo không phải là tạo ra một cái gì chưa từng có mà có nghĩa là kinh nghiệm của ý thức, kinh nghiệm hiểu theo Husserl “không phải là một nguyên tố gì xa lạ với thức mà lại đương nhiên xâm chiếm vào trong ý thức… Tất cả những gì hiện hữu đối với ý thức được tự lập thành nơi ý thức… Tất cả vật thể và tất cả ý nghĩa gì, dù nội tại hoặc siêu việt, đều là thành phần của chủ thể tính siêu việt, chính chủ thể tính này lập thành mọi vật thể và mọi ý nghĩa”. Sáng tạo không có nghĩa tâm lý hoặc có tính cách chủ quan mà lại có tính cách siêu việt. Gọi sáng tạo tự do là đồng hành bởi vì thể tính của sáng tạo và tự do là thức tính (Bewusstsein); sáng tác và tự do không phải là nội dung của ý thức, vì ý thức lập thành đối tượng của sáng tác và lự do, thức tính là một động hành (Leistung), làm cho đối tượng của sáng tác và tự do được xuất hiện qua sự ban nghĩa (Sinnbe- gung) của thức tính, vì thức tính tuyệt đối được hiểu như là khai vực nguyên khởi của sự ban nghĩa (Feld der Sinngebung) (cf. Ideen zu einer reinen Phaenomenologie…, trang 107).

Sáng tạo trong thế giới và tự do ở thế giới được hiểu là hiểu thế giới như là “Ý nghĩa được lập thành” (Méditations carté­siennes, trang 117), nghĩa là hiểu “thế giới như là sự nhất trí của ý nghĩa” (Méditations cartésiennes, trang 23.) Sự lập thành có tính cách sáng tạo. Sáng tạo không phải hiểu theo nghĩa “thụ động” hoặc “chủ động” mà sáng tạo hiểu như sự động hành, ý nghĩa của chữ “Leislung” hay rõ nghĩa hơn là “Akt” không phải “Akt” hiểu theo nghĩa “hành động” mà phải hiểu theo nghĩa “Intentionalitaet”, tương quan linh động vối đối tượng, sáng tạo phải được hiểu trọn vẹn trong ý nghĩa “lập thành” trong ý nghĩa động từ “Leisten” của Husserl.

Còn “tự do” được hiểu ở mức độ cuối cùng như là đồng nghĩa với “sáng tạo” vì “tự do” ở đây chính là sự tự trị của chính lý trí trong sự thể hiện toàn triệt về sự thành tựu cứu cánh trong ý nghĩa «Télos» của Husserl.

Suy nghĩ thế giới như một hiện tượng, đó là tất cả ý nghĩa rút gọn của con đường hiện tượng học Husserl. Đó là con đường từ bỏ tất cả những thói quen trí thức và những tham luyến cảm giác, lôi thế giới ra ngoài sự kiềm hãm của chủ thể, nghĩa là trả thế giới về thế giới hiện tượng – “qua cogitatum” (Gaston Berger, Le Cogito dans la philosophie de Husserl, trang 54).

III

Triết lý, triết học, đối với Husserl, phải là một nền khoa học tinh mật (Philosophie als strenge Wissenschaft), muốn thế thì phải cần làm “Reduktion” nghĩa là “đóng ngoặc” (ein- klammern) và “loại ra ngoài vòng” (ausschalten) tất cả những lý đoán, phán từ, để còn lại những gì xuất hiện trong ý thức như là hiện tượng, vì “ý thức là ý thức về hiện tượng” mà cái nhìn của trực giác quan sẽ rọi chiếu, đó là trực quan về bản tính (Wesensschau).

Hiện tượng học là triết học về trực quan có tính cách sáng tạo, trực quan tạo ra đối tượng thực sự của nó chứ không phải tạo ra giả ảnh, hình ảnh của đối tượng mà là chính đối tượng, đó là sự bản nhiên (Evidenz), sự thành tựu của “ Iatentionlatitaoi” trong động hành lập thành của thức tính.

Sáng tạo và tự do chính là Ý nghĩa của việc giải tỏa ỷ thức, Husserl không đóng nhốt ý thức vì bản chất của ỷ thức vốn là thoát ra ngoài nhà tù của chính nó. Sự giải thoát của ý thức được đúc kết lại trong phương trình “Ego-cogito-cogi-tatum”, đó là ý nghĩa của hiện tượng học Husserl trong việc vượt qua phương trình “Cogito ergo sum” của Descartes;.

Husserl đã mở chân trời cho sự bế tắc của chính phương pháp Descartes.

Tạp chí “Tư Tưởng” bộ mới số 1 của Đại học Vạn Hạnh sở dĩ mở đầu với Husserl là vì Husserl đã từ bỏ mọi “triết học có tính cách lập trường, thái độ, quan điểm”. Husserl muốn khởi sự mọi việc “trước tất cả mọi quan điểm, trước mọi tư tưởng lý thuyết lập sẵn”, và “không để bị mù quáng vì những thành kiến, định kiến, tiền kiến” (Ideen, I, trang 38).

Đó là môi trường để lập thành khởi điểm từ đó bắt đầu sự song thoại giữa Phật giáo và những công trình ý thức Tây phương.

Hiệu lệnh khai trận của Husserl là “trở về chính những sự việc” (zu den Sachen selbst) hiệu lệnh ấy được Husserl giải thích: “Đặt những phán trừ trên những sự việc một cách hữu lý và khoa học, có nghĩa là xoay về để hướng tới chính những sự việc, nghĩa là từ bỏ những ngôn từ và những ý kiến để trở về chính những sự việc, đặt vấn đề với những sự việc trong chính thể cách riêng biệt mà những sự việc ấy dâng bày cho chúng ta và bỏ qua một bên mọi thành kiến, tiên kiến xa lạ hẳn với sự việc” (Ideen, I, trang 35)

IV

Từ ý nghĩa của hiệu lệnh trên (Zu den Sachen selbst), chúng ta thấy sự khó khăn lớn lao trong việc bài bác hiện tượng học Husserl; vì muốn bài bác, phê phán hoặc phủ nhận Husserl, chúng ta phải trở về chính sự việc của hiện tượng học; đứng bên ngoài biện tượng học hay đặt giới hạn của hiện tượng học bên ngoài chính giới hạn tự lập của hiện tượng học thì không khác gì lấy hình vuông để phù nhận hình tròn, đó là việc làm thiếu ý thức triệt để như trường hợp Trần Đức Thảo bài bác hiện tượng học qua lập trường duy nhiên của Mác xít (cf Phénoménologie et matérialisme dialectique, Minh Tân, 1951).

Vấn đề là trở lại Husserl qua chính Husserl, chứ không phải qua Marx hoặc qua bất cứ triết gia nào khác. Qua một bình diện khác. Léon Chestov và Nicolas Berdiaeff, khi bài bác Husserl, hai triết gia huyền học này cũng rơi vào sự sai lạc căn nguyên: đả kích Husserl vì Husserl có niềm tin tuyệt đối vào lý trí, thì không khác nào đả kích luôn cả ý nghĩa của niềm tin tuyệt đối; vì tin vào lý trí cũng là một niềm tin (foi) và đối với bất cứ niềm tin nào thì chỉ còn có một việc duy nhất: hoặc tin hoặc không tin (ou bien… ou bien), chỉ có thể thôi. Vấn đề đặt ra và cần phải để mở ngõ, nghĩa là khai thông lãnh vực để cho những khả tính tương phản được gặp nhau trong sự căng thẳng toàn diện của sự phân ly tính thể (Séparation ontologique).

V

Trong bài khảo cứu Le Mouvement des Idées Philosophiques depuis 1900, Jean Wahl nhận xét rất xác đáng: “Phải đặc biệt khởi sự từ Husserl thì người ta mới có thể hiểu được sự phát triển của tất cả triết học hoặc phần lớn lao nhất của triết học từ năm 1900 cho đến nay ”. Hiện tượng học của Husserl là một trong vài ba phong trào tư tưởng có ảnh hưởng lớn lao nhất đối với thời hiện đại. Hiện tượng đã ảnh hưởng đến tâm lý học, phân tâm học, xã hội học, ngôn ngữ học, những nền khoa học vân vân…

Tạp chí Tư Tưởng bộ mới số 1 mờ dầu với hiện tượng học của Husserl là muốn khởi đầu đặt vấn đề với một trong những cơ sở của ý thức Tây phương hiện nay. Trong số Tư tưởng này, chúng ta sẽ thấy ba giáo sư của Viện Đại Học Vạn Hạnh đặt vấn đề với Hiện tượng học trong ba khía cạnh khác nhau. Và sự đặt vấn đề của từng vị không hẳn là nói lên sự đồng ý giữa ba người; trái lại, chúng ta thấy rằng ba giáo sư có thể khác nhau hẳn trong việc nhận thức với một đối tượng đồng nhất. Nhưng sự kiện này không phải là không nói lên được sự nhất trí của những người sinh hoạt trong môi trường của Viện Đại Học Vạn Hạnh; dù khác nhau trên lập luận, nhưng ba vị đã gặp nhau trong tinh thần của Viện Đại Học Vạn Hạnh: đặt vấn đề và để cho vấn đề được mở ngõ.

Bài của giáo sư Phạm Công Thiện nói về “Hiện tượng học về Hiện tượng học của Husserl” nêu lên “tinh thần triệt để trong chính phương sách triệt để trong việc viết về tính cách triệt để của hiện tượng học”, ông có tham vọng vượt qua hiện tượng học bằng chính phương sách của hiện tượng học trong chân trời sử mệnh của Việt Nam và thế giới.

Bài của giáo sư Ngô Trọng Anh nói về “Vấn đề thực tại trong hiện tượng học Husserl” là soi sáng ý nghĩa thực tại trong Husserl qua tinh thần ý nghĩa học (Sémantique) và cố gắng hội nhập sự tương đồng giữa cứu cánh của hiện tượng học và phương tiện trí của Phật giáo.

Bài giảng của giáo sư Lê Tôn Nghiêm nói về “Môi trường tiên nghiệm của hiện tượng Học Husserl về cuối đời” đề cập dứt khoát về tính cách “pré-prédicatjf ” (tiền thuộc từ) của Husserl và móc nối lộ trình tối hậu của Husserl với lộ trình phục hồi thế giới của Merleau-Ponty qua kinh nghiệm thuần túy về kinh nghiệm được hiểu như “sự kết dệt” (cách dịch riêng biệt của; giáo sư về “Leistung”),

Chúng ta thấy ba giáo sư đều dùng ngôn ngữ khác nhau (và ngay cách dịch danh từ Husserl cũng khác nhau) và cả ba vị không hẳn là đồng ý nhau về những chung điểm căn bản. Nhưng ít nhất cả ba vị cũng gặp nhau trong tính cách “sáng tạo” và “tự do” trong việc đặt vấn đề.

Đối với ba vị, chúng ta cũng có thể để cho vấn đề được mở ngõ:

– Đối với giáo sư Phạm Công Thiện, chúng ta có thể đặt vấn đề hiện tượng học về hiện tượng học có thể là khả tính triệt để của hiện tượng học không?

– Đối với giáo sư Ngô Trọng Anh, chúng ta có thể đặt vấn đề: vấn đề thực tại có thể là tiền đề (présupposilion) của hiện tượng học không?

– Đối với giáo sư Lê Tôn Nghiêm, chúng ta có thể đặt vấn đề: môi trường tiên nghiệm có thể là kinh nghiệm của ngôn ngữ không? Hay nói rõ ràng hơn như Husserl trong thủ bản của Landgrèbe, A.v. 10, trang 23: “có phải tất cả mọi ngôn luận có tính cách hiện tượng học đều phải chịu nhìn thấy ý nghĩa của nó tự biến đổi trọn vẹn khi mà ngôn luận ấy dùng ngôn ngữ duy nhiên?”

Chúng ta thấy cách đặt vấn đề như trên có nghĩa là để vấn đề mở ngỏ và không phải nói lên giới hạn của ba vị giáo sư mà lại nói lên những khả tính phong phú mà ba vị đã mở ra cho hiện tượng học.

Chúng tôi mong rằng những người cộng tác cho tạp chí Tư Tưởng sẽ giữ được tính cách khai mở những khải tính phong phú, không phải riêng đối với vấn đề hiện tượng học mà cả đối với những vấn đề khác được đặt ra trong những số Tư Tưởng tới. Đó mới là sự cống hiến đặc biệt của Tư Tưởng cho những độc giả ở Việt Nam trong việc đi tìm một mảnh đất chung cho dân tộc.

Đặt vấn đề, không có nghĩa là đóng lại hoặc tiêu diệt vấn đề. Những người cộng tác Tư Tưởng chịu trách nhiệm riêng tư về cách đặt vấn đề của mình. Sự trách nhiệm ấy nói lên trách nhiệm cao quí của những con người văn hóa ở Đại Học Vạn Hạnh trên con đường thể hiện trách nhiệm tập thể trước ý nghĩa của con người và lịch sử.

TƯ TƯỞNG

(trích Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1969)

Share.
Leave A Reply

Exit mobile version