TUYÊN NGÔN
THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐẠI HỌC TƯ LẬP VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, nền Giáo dục Đại học tại miền Nam đã phát triển vượt bực. Sĩ số gia tăng quá nhanh khiến cho các cơ sở Đại học không đủ đáp ứng nhu cầu giáo dục của tầng lớp thanh niên học sinh.
Trước nhu cầu giáo dục ngày một gia tăng ấy, các Viện Đại học Tư lập có bổn phận tiếp tay với Chính phủ trong cố gắng không ngừng nhằm cải tiến nền giáo dục của nước nhà, hầu góp phần tích cực vào việc phát triển Quốc gia.
Trong chiều hướng đó, chúng tôi, Viện Trưởng năm Viện Đại học Tư lập hiện hữu là Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài, nhận thấy đã đến lúc phải thắt chặt mối liên lạc hợp tác, để có thể hoàn thành trách nhiệm chung đối với nền Giáo dục Đại học quốc gia. Sau nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi đã đồng ý thành lập một Hội Đồng lấy tên là Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được đại diện bởi Hội đồng Viện Trưởng. Các Viện Đại Học hội viên đều bình đẳng trong mọi hoạt động của Hội Đồng và có trách nhiệm như nhau trong việc vận động thực hiện những quyết định chung của Hội Đồng. Một bản Nội qui của Hội Đồng cũng đã được chúng tôi soạn thảo và thông qua để ấn định mục đích và việc điều hành của Hội Đồng.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập nhằm ba mục tiêu:
- Hợp tác để nâng cao phẩm chất Giáo dục Đại học.
- Bảo vệ quyền lợi của Giáo sư, Nhân viên và Sinh viên các Viện Đại học Tư lập hội viên.
- Nói lên tiếng nói chung của giới Đại học Tư lập.
Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam không hoạt động chính trị, không xâm phạm tính cách tự trị của mỗi Viện Đại học hội viên.
Chúng tôi tin rằng việc thành lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển giáo dục nước nhà, một giai đoạn trong đó các Viện Đại học, không kể công tư, đều hợp tác chặt chẽ với nhau, để thể hiện chủ trương giáo dục con người toàn diện, trong tinh thần phục hưng tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời thâu hóa tiến bộ của văn minh thế giới, có như thế Đại học mới phục vụ được đời sống tinh thần và vật chất của dân chúng một cách thiết thực.
Trong đường hướng và mục tiêu ấy, chúng tôi mong mỏi được đón nhận sự hợp tác thân hữu của Chính phủ, các Viện Đại học bạn, các Cơ quan đoàn thể và Đồng bào mọi giới.
Saigon, ngày 27 tháng 9 năm 1973
— Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt
— Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
— Viện Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo
— Viện Trưởng Viện Đại Học Minh Đức
— Viện Trưởng Viện Đại Học Cao Đài
[box type=”shadow” align=”” class=”” width=””]
NỘI QUI
HỘI ĐỒNG ĐẠI HỌC TƯ LẬP VIỆT NAM
CHƯƠNG I
DANH HIỆU – MỤC ĐÍCH
TIẾT 1: DANH HIỆU
Điều 1: Nay thành lập một tổ chức chung của các Viện Đại Học Tư Lập tại Việt Nam lấy danh hiệu là «Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam».
Điều 2: Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và hải ngoại trong một thời gian không giới hạn. Cơ cấu tổ chức, điều hành và thành phần hội viên của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được ấn định trong chương II dưới đây.
TIẾT 2: MỤC ĐÍCH
Điều 3: Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được thành lập nhằm các mục đích sau đây:
- Tương hỗ sinh hoạt mọi mặt giữa các Viện Đại học Tư lập để bảo vệ và nâng cao phẩm chất Đại học.
- Bảo vệ quyền lợi của Giáo sư, Sinh viên và Nhân viên các Viện Đại học Tư lập.
- Nói lên tiếng nói chung để đóng góp với Chánh phủ và các Viện Đại học Công lập và những giới liên hệ trong việc cải tiến nền giáo dục đại học nước nhà.
Điều 4: Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam không hoạt động chính trị và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những Viện Đại học hội viên cũng như của các Đoàn thể hậu thuẫn cho các Viện Đại học hội viên.
CHƯƠNG II
THÀNH PHẦN – TỔ CHỨC – ĐIỀU HÀNH
TIẾT 1: THÀNH PHẦN HỘI VIÊN
Điều 5: Năm Viện Đại học Tư lập hiện hữu theo thứ tự thâm niên: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Minh Đức, Cao Đài là hội viên sáng lập của Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Tất cả các Viện Đại học Tư lập khác chấp nhận Nội qui này và được sự đồng ý của 4/5 hội viên sáng lập của Hội Đồng sẽ được nhận làm hội viên.
Điều 6: Thủ tục gia nhập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được ấn định như sau:
Viện Đại học Tư lập mới muốn gia nhập Hội Đồng sẽ liên lạc với một trong các hội viên sáng lập để được thông báo về Nội qui của Hội Đồng và được giới thiệu với các hội viên khác. Sau đó Hội Đồng sẽ nhóm họp để nghe Viện đại học Tư lập này trình bày về Viện Đại học của mình và chính thức xin gia nhập. Hội đồng sẽ họp kín để quyết định và vị Chủ Tịch Hội Đồng sẽ thông báo quyết định của Hội Đồng cho Viện Đại học Tư lập liên hệ.
Điều 7: Viện Trưởng chính thức đại diện trong Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam. Trong các trường hợp bất khả kháng, Viện Trưởng của Đại học hội viên, có thể cử một vị đại diện toàn quyền để tham dự các phiên họp của Hội Đồng. Sự đề cử trên chỉ có giá trị khi có văn thư chính thức.
Điều 8: Mỗi hội viên đều bình đẳng trong mọi hoạt động và quyết định của Hội Đồng, trừ các điều đặc biệt dành cho 5 hội viên sáng lập theo qui định ở các điều dưới đây.
TIẾT 2: TỔ CHỨC
Điều 9: Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được đại diện bởi Hội Đồng Viện Trưởng. Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam được điều hành bởi một Chủ Tịch có 1 Tổng Thư Ký và các Tiểu Ban chuyên môn giúp đỡ.
Các vị Viện Trưởng trong Hội Đồng đều có trách nhiệm như nhau trong việc vận động thực hiện những quyết định chung của Hội Đồng, đối với việc liên lạc với bên ngoài cũng như đối với nội bộ.
Điều 10: Trong 5 năm đầu tiên, kể từ tháng 9-1973 tới hết tháng 8-1978 Chủ Tịch Hội Đồng sẽ do các vị Viện Trưởng của năm Viện Đại học hội viên sáng lập luân phiên đảm nhiệm theo thứ tự thâm niên thành lập. Kể từ nhiệm kỳ thứ 6, bắt đầu từ tháng 9-1978, Chủ Tịch Hội Đồng sẽ được toàn thể hội viên bầu ra theo thể thức kín với đa số tương đối.
Điều 11: Chủ Tịch Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam triệu tập và chủ tọa các phiên họp. Khi Chủ Tịch Hội Đồng vắng mặt hay bị ngăn trở không thể thi hành nhiệm vụ, vị Viện Trưởng cao niên nhứt sẽ thay thế.
Điều 12: Tổng Thư Ký Hội Đồng đề cử trong số Nhân viên và Giáo sư của Đại học đương nhiệm Chủ Tịch. Tổng Thư Ký Hội Đồng chịu trách nhiệm trước Chủ Tịch Hội Đồng về sự hữu hiệu của các Tiểu Ban, đôn đốc và phối hợp công việc của các Tiểu Ban. Tổng Thư Ký Hội Đồng chuẩn bị cho các phiên họp của Hội Đồng, ghi chép biên bản các phiên họp, được quyền phát biểu ý kiến nhưng không được quyền bỏ phiếu, lưu trữ mọi hồ sơ của Hội Đồng, và giải quyết mọi vấn đề hành chánh cho Hội Đồng.
Điều 13: Tạm thời Hội Đồng có 3 Tiểu Ban chuyên môn như sau:
- Tiểu Ban Ngoại Vụ
- Tiểu Ban Học Vụ
- Tiểu Ban Sinh Viên Vụ.
Tùy theo nhu cầu Hội Đồng có thể thêm hay bớt số Tiểu Ban chuyên môn.
Điểu 14 : Ngoài Viện Đại học đương nhiệm Chủ Tịch, ba Viện Đại học hội viên khác đề cử Trưởng Tiểu Ban cho ba Tiểu Ban chuyên môn trong số Nhân viên và Giáo sư của ba Viện Đại học này. Các Viện Đại học hội viên không đề cử 1 Trưởng Tiểu Ban nào sẽ bổ nhiệm 1 Nhân viên hay Giáo sư vào làm hội viên cho mỗi Tiểu Ban chuyên môn.
Nhiệm kỳ các Tiểu Ban là một năm nhưng có thể được Hội Đồng lưu nhiệm không hạn định nhiệm kỳ bao nhiêu lần.
Điều 15: Các Tiểu Ban chuyên môn có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề chuyên môn do Hội Đồng đề ra và đề nghị các giải pháp thích nghi. Tiểu Ban cũng có thể nghiên cứu các vấn đề liên hệ tới ít nhất hai Viện Đại học hội viên nếu các Viện Đại học này yêu cầu và được Hội Đồng chấp thuận. Ngoài ra các Tiểu Ban có thể tự đưa ra những đề nghị xét thấy cần thiết.
TIẾT 3: ĐIỀU HÀNH
Điều 16: Hội Đồng sẽ họp thường xuyên hai tháng một lần bắt đầu vào đầu tháng 9 mỗi năm. Trong phiên họp cuối của mỗi nhiệm kỳ, Chủ Tịch Hội Đồng sẽ báo cáo công việc và Hội Đồng sẽ suy cử Chủ Tịch, Tổng Thư Ký và các Trưởng Tiểu Ban cho nhiệm kỳ mới.
Chủ Tịch có quyền triệu tập các buổi họp bất thường khi cần thiết. Ngoài ra Hội Đồng sẽ họp bất thường khi có 2 hội viên sáng lập hay 1/3 tổng số hội viên yêu cầu.
Điều 17: Mọi hồ sơ liên hệ tới Hội Đồng phải được vị Tổng Thư Ký lưu trữ và bàn giao đầy đủ cho vị Tổng Thư Ký kế tiếp.
Điều 18: Mọi phí tổn về hành chảnh của Văn phòng Chủ Tịch và Tổng Thư Ký của Hội Đồng sẽ do Viện Đại học đương nhiệm Chủ Tịch đài thọ nếu phí tổn nầy không vượt quá 100.000 $00 một nhiệm kỳ. Phí tổn vượt quá số này sẽ được chia đều cho các hội viên để hoàn trả cho Viện Đại học đương nhiệm Chủ Tịch vào cuối nhiệm kỳ. Phí tổn hành chánh của mỗi Tiểu Ban do Viện Đại học đương nhiệm Trưởng Tiểu Ban đài thọ.
Mọi phí tổn di chuyển và ăn ở cho các buổi họp sẽ do mỗi Viện Đại học hội viên tự đài thọ.
Mọi phí tổn liên quan tới việc tổ chức các chương trình liên Viện sẽ do các Viện tham dự chia đều nhau đài thọ.
Các chương trình đặc biệt như hội thảo… sẽ do ngân sách đài thọ riêng từng chương trình đài thọ.
Điều 19: Tất cả mọi chi thu cho các phí tổn kể ở điều 18 đều phải được thông báo cho Tổng Thư Ký Hội Đồng. Tổng Thư Ký Hội Đồng sẽ báo cáo chi tiết về các chi thu nầy cho Hội Đồng trong phiên họp cuối cùng của mỗi nhiệm kỳ. Mọi ngân khoản tồn quỹ hay phương tiện còn lại phải được bàn giao đầy đủ với vị Tổng Thư Ký kế tiếp.
Điều 20: Mọi chi tiết khác liên quan tới việc điều hành Hội Đồng sẽ do Chủ Tịch Hội Đồng ấn định với sự chấp thuận của Hội Đồng.
CHƯƠNG III
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 21: Hội Đồng sẽ tìm cách nhất trí trong quyết định cũng như hành động đối với các vấn đề liên hệ tới quyền lợi chung của các Viện Đại học Tư lập hội viên.
Đối với các hoạt động về đường lối giáo dục đại học, học vụ, sinh hoạt sinh viên và điều hành, các hội viên sẽ phối hợp và hỗ trợ nhau tối đa để cùng giúp nhau bảo vệ và nâng cao phẩm chất đại học. Các hội viên cũng sẽ hỗ trợ nhau tối đa về phương tiện nếu những hỗ trợ này không ảnh hưởng tới việc điều hành nội bộ của mỗi hội viên.
Hội Đồng cũng khuyến khích và giúp đỡ cho mọi cố gắng hỗ trợ giữa hai hay nhiều Viện Đại học hội viên trong mọi hoạt động để bảo vệ và nâng cao phẩm chất đại học.
Điều 22: Hội đồng sẽ tích cực mở rộng liên lạc thân hữu với các Viện Đại học Tư lập cũng như Công lập trong và ngoài nước.
CHƯƠNG IV
GIẢI TÁN HỘI ĐỒNG
Điều 23: Hội Đồng sẽ được giải tán khi có sự đồng ý của 3/4 tổng số hội viên hay 4/5 số hội viên sáng lập.
Điều 24: Trước khi giải tán, mọi ngân khoản tồn quỹ hay phương tiện còn lại thuộc về Hội Đồng sẽ được chia đều cho toàn thể hội viên.
CHƯƠNG V
SỬA ĐỔI NỘI QUI
Điều 25: Tất cả mọi điều khoản trong Nội qui này đều có thể được sửa đổi trừ điều 26 dưới đây.
Điều 26: Nội qui chỉ được sửa đổi khi có hai (2) hội viên sáng lập hay 1/3 tổng số hội viên đề nghị và 1/3 tổng số hội viên thông qua.[/box]
Tạp chí Tư Tưởng số 48, năm 1975