Thư viện Phật ViệtThư viện Phật Việt
    Facebook Twitter Instagram Pinterest YouTube
    • Mục đích & Chủ trương
    • Tác giả
    • Liên lạc
    Facebook Twitter Instagram YouTube
    Thư viện Phật ViệtThư viện Phật Việt
    • PHẬT HỌC
      • Đức Phật
        • Thánh đản
        • Thành đạo
      • Phật học phổ thông
      • Nghiên cứu
      • Giảng luận
      • Pháp thoại
      • Ứng dụng
      • Trích dẫn Phật pháp
    • KINH – LUẬT – LUẬN
      • Kinh
        • Giới thiệu kinh
        • Giảng giải
      • Luật
        • Luật học
      • Luận
    • PHẬT GIÁO VIỆT NAM
      • Lịch sử
      • Nhân vật
        • Chư Tôn đức
        • Cư sĩ hữu công
        • Tiểu sử
      • Sự kiện
      • Tưởng niệm
    • CHUYÊN ĐỀ
      • Dân tộc
      • Giáo dục
      • Khoa học
      • Xã hội
      • Triết học
      • Biên khảo
      • Phật giáo thế giới
      • Nhìn ra thế giới
      • Chuyên mục khác
    • TUỔI TRẺ
      • Đời sống
      • Hành trang
      • Gia đình Phật tử
    • VĂN HÓA
      • Xuân Vạn Hạnh
      • Quán Thế Âm
      • Kiết hạ
      • Vu Lan
      • Nghi lễ – Phong tục
      • Mỹ thuật – Kiến trúc
      • Âm nhạc
    • VĂN HỌC
      • Văn
      • Thơ
      • Truyện
      • Tùy bút
      • Phê bình
      • Giới thiệu – Điểm sách
    • PHẬT SỰ
      • Tin tức
    • THƯ VIỆN
      • Báo chí
        • Kỷ yếu
        • Tạp chí
        • Tập san
      • Sách
      • Tham luận
      • Luận văn
      • Tư liệu
      • Media
        • Audio – MP3
        • Video Clips
      • Hình ảnh
    • NGOẠI VĂN
      • General Buddhist Studies
      • Buddhism with Youth
      • Buddhist Education
      • Buddhist History
      • Buddhist Culture
      • Buddhist Literature
      • Buddhist Sociology
    Thư viện Phật ViệtThư viện Phật Việt
    Home»VĂN HỌC»Văn»Vĩnh Hảo: Quán niệm mùa xuân
    Văn

    Vĩnh Hảo: Quán niệm mùa xuân

    03/01/20239 Mins Read
    hoa mai
    Share
    Facebook Twitter LinkedIn Pinterest Email

    Mùa xuân là mùa của hoa lá cỏ cây khai hoa trổ quả sau những tháng ngày lạnh căm, buốt giá với mưa nhiều, sương nặng và tuyết phủ.

    Mùa xuân của mỗi xứ sở có những ngày tháng nhất định nào đó trong năm, không nhất thiết các nơi phải giống nhau. Trên toàn hành tinh, có khi mùa xuân nơi này lại là mùa đông nơi kia, và ngược lại. Cũng có những nơi không hề có mùa xuân mà chỉ có hai mùa mưa và nắng, hoặc chỉ có ngày, hoặc chỉ có đêm trong nhiều tháng ròng rã.

    Đó là nói mùa xuân của khí hậu và thời tiết ảnh hưởng bởi không gian địa lý. Còn mùa xuân theo lý tính và cảm tính của con người, là mùa của sự khai mở, bừng sống, là sự đổi mới, hồi sinh và ước vọng.

    Xuân đến, xuân đi, xuân lại đến… Ở phương đông hay phương tây, khí trời băng giá hay ấm áp, người ta cũng nô nức, chộn rộn, chào đón những ngày nghỉ cuối năm, đầu năm. Nhà giàu, nhà trung lưu, nhà nghèo, nhà cực nghèo… đều có dự tính, chuẩn bị nào đó cho dịp xuân về.

    Khi thiên hạ lăng xăng, rộn ràng với không khí xuân, nhà đạo lẳng lặng ngồi im, quán niệm:

    Có những con người bần cùng, không nhà, sống tạm trong những chiếc lều (che bằng những túi ni-lông cắt ra, hay ráp nối bằng những thùng cạt-tông), hoặc chỉ ẩn trú qua ngày dưới gầm cầu, ăn không đủ no, áo không đủ mặc; đói lạnh quanh năm, vui gì ngày xuân đến!

    Có những con người cùng khổ, khó khăn, đầu tắt mặt tối lo việc sinh kế, bán vé số dạo, bán rổ rau nhỏ với trái bầu trái bí, không lo nổi cái áo cái quần và tập vở cho con đi học, xuân về phỏng có vui chi!

    Có những con người tuy có chỗ ở (nhà thừa kế, hay nhà thuê), nhưng việc làm không có, chạy vạy chuyện áo cơm, nợ nần chồng chất theo năm tháng, vui gì những ngày xuân!

    Có những người may mắn, làm ăn thuận lợi, tiền bạc tài sản khấm khá, con cái được đi du học với số tiền to lớn mà không người dân bình thường nào dám nghĩ đến trong cuộc đời; năm hết tết đến hẳn là tươi vui, rộn rã cả nhà, không cần nhớ nghĩ hay chia sẻ tài lộc đến bất cứ người nghèo khổ nào, nhưng không quên quà cáp xa xỉ cho an ninh phường xã, huyện lỵ, thành phố… ngõ hầu giữ yên được đời sống êm ấm của mình. Xuân hết tết đến là cơ hội chính đáng cho việc tặng quà, mừng tuổi kẻ chức quyền mà không sợ bị xầm xì, rỉ tai.

    Có những con người sinh ra từ gia tộc hay đảng tộc, an nhiên thụ hưởng quyền thế và bổng lộc, cả đời ăn sung mặc sướng, ngồi ở ngôi cao (từ làng xã cho đến thượng tầng) chẳng bao giờ thắc mắc việc sinh dân sống như thế nào, tuổi trẻ đến trường ăn học ra sao…; bòn rút tiền dưới của dân đen, dâng nạp lên các tầng bậc cao hơn; cứ có chức quyền là nghễu nghện ung dung tiếp nhận quà xuân quà tết như thể là điều tất yếu phải vậy!

    Có những người được may mắn nhập cư, hoặc được sinh ra nơi một đất nước tự do, việc học việc làm đều tương đối thuận lợi, có khó khăn trở ngại gì thì cũng có thân tộc, bạn bè, hay chính phủ giúp đỡ vượt qua; chăm chỉ học hành và làm việc với năng khiếu hay bằng cấp thực học của mình thì cuộc sống tất phải ổn định và thăng tiến; không cần phải dâng nạp quà cáp cho bất cứ cá nhân hay cơ quan chính phủ nào để được an ninh hay an sinh. Xuân về, chung vui với bà con, láng giềng, trang trí đèn hoa rực rỡ, không quên nghĩ đến các việc thiện cần làm để chia sẻ với những người kém may mắn hơn, ở thành phố gần, hay từ đất nước xa xôi…

    Nhà đạo ở phương này hay phương kia, đêm ngày tiếp khách thập phương, cầu an cầu siêu, ma chay tang tế, dọn rác, tưới cây, cắt cỏ, xây cất chỗ này, tu bổ chỗ kia… chẳng còn thời gian hay cơ hội nào để dừng lại mà rọi soi chính mình: cuộc đời tu hành bao năm, nay đã tiến đến đâu, ở một tầng bậc hay cảnh giới nào trong trình tự giải thoát? Xuân về lại càng bận rộn, đa đoan, trăm việc trong ngoài tất bật để tạo không khí hội xuân tưng bừng cho bá tánh tựu về. Có khi tùy thuận dòng cuốn xã hội đến độ đánh mất cả phẩm cách trang nghiêm của bậc xuất trần: lòn cúi, xu nịnh cửa quyền để giữ được an thân, hay vinh thân; ngưỡng mộ, tôn vinh khi hội kiến/chiêm quan các lãnh tụ thế tục còn hơn sự tôn kính dành cho các bậc thầy-tổ, hiền tăng; xun xoe tiếp đón, hãnh diện bắt tay hay song hành với kẻ cầm quyền còn hơn sự cảm kích được thân cận với các vị minh sư. Nghi cách “sa-môn bất bái quân vương” ngàn xưa[1] sao lại quên đi để rồi khúm núm, cúi đầu trước tục nhân cửa quyền! Rồi ngày tháng lần lữa qua đi, kinh không đọc, luật không tụng, thiền không hành, bước chân năm cũ chừng như lạc giữa mộng đời hư hao. Còn biết gì xuân trước, xuân sau hay xuân hiện tiền mà định tâm quán tưởng!

    Cũng có những nhà đạo ở phương này phương kia, tâm chí đặt ở nơi cao rộng, đêm ngày cặm cụi nghiên tầm kinh điển, dịch thuật, giảng dạy, danh không màng, lợi không ham, tam thường bất túc[2], chỉ có niềm pháp lạc, chỉ có trí tuệ làm lẽ sống thường nhiên; có hay đâu thời gian vùn vụt trôi nhanh, kinh đọc chưa hết, luận dịch chưa xong, sợ người sau có chỗ không thấu đạt biết tìm học nơi đâu. Thấy sinh mệnh nơi đầu chót mũi. Ngộ vô thường chẳng chờ đợi ai. Sinh tử đại sự, nghiêm thân tấn đạo giữa bốn mùa đắp đổi thay nhau; nên xuân đến xuân đi chỉ là lẽ thường.

    Dù thế nào, xuân về, tết đến, cũng là cơ hội để ước vọng một ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn thực tế hiện tiền…

    Ước vọng mùa xuân, tùy theo tâm thức và hoàn cảnh riêng, mỗi người có thể tự chọn cho mình là nắm bắt, hay buông bỏ. Cách nào cũng có niềm vui của nó. Nhưng cách của nhà đạo có lẽ là cách hay nhất để dọn mình cho một mùa xuân thường lạc. Đây, hãy đọc thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên bảy trăm năm trước:

    Sơn phòng mạn hứng kỳ 2

    Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
    Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
    Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
    Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

    Mạn hứng ở sơn phòng kỳ 2

    Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,
    Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm.
    Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch,
    Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn.[3]

    Thiền sư, từng là vua, ẩn tu nơi một căn thất nhỏ trên non[4]. Đã bỏ bên ngoài tất cả những danh lợi, thị-phi. Thiền định đã vào sâu cảnh giới bất động. Nhìn vô thường đi qua với tâm tĩnh lặng, không dao động. Đêm qua mưa lạnh. Sáng nay hoa rơi. Các giác quan vẫn bình thường tiếp xúc với trần cảnh như xưa nay. Mưa tạnh, hoa tàn, và một tiếng chim kêu trên đầu non tịch mịch. Vạn vật tịnh theo cái tâm đã định. Và trong cái vắng lặng của đất trời, biết mùa xuân đã tàn mà tâm vẫn tự tại an nhiên. Xuân tàn, tâm không tàn lụy theo; đó là tâm xuân thường tại.


    [1] “Sa-môn Bất kính Vương giả Luận” là tập luận gồm 5 chương do Thiền sư Huệ Viễn (334–416) soạn viết vào thời Đông Tấn (316-420), bàn về mục đích và qui cách tiếp xử của người xuất gia đối với thế gian, đặc biệt nhấn mạnh: sa-môn (người xuất gia) là người thoát ly thế tục, cầu đạo giải thoát, tâm chí siêu việt, không thể lễ bái quân vương, thế quyền. Câu được nhắc nhiều nhất trong chốn thiền môn là “sa-môn bất bái quân vương” (sa-môn không hành lễ, bái lạy vua).

    [2] Ba thứ ăn, mặc và ngủ, đối với người xuất gia, đều không cần phải đầy đủ. Ăn không cần ngon, không cần no; mặc không cần đẹp, không cần nhiều, chỉ cần đủ che thân; ngủ không cần đủ giấc, vì cần nhiều thời gian hơn cho việc tiến tu đạo nghiệp.

    [3] Bài “Sơn phòng mạn hứng kỳ nhị” của vua Trần Nhân Tông (1258-1308), Đỗ Hỷ dịch. Xem Thơ Văn Lý Trần, tập II, trang 469, NXB Khoa học Xã hội, 1988.

    山房漫興其二
    是非念逐朝花落,
    名利心隨夜雨寒。
    花盡雨晴山寂寂,
    一聲啼鳥又春殘。

    [4] “Sơn phòng” là căn phòng nhỏ trên núi, được hiểu là Ngọa Vân Am trên non Yên-tử, thuộc tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

    Vĩnh Hảo
    Share. Facebook Twitter Pinterest LinkedIn Tumblr Email
    Previous ArticleViện Tăng Thống GHPGVNTN – Văn phòng Chánh Thư ký: Thông Cáo Báo Chí
    Next Article Nguyệt san Chánh Pháp số 134 | tháng 01.2023

    Bài viết liên quan

    Vĩnh Hảo: Khí hậu bất thường

    27/01/2023

    Huệ Trân: Bông mai nở muộn của Thiền sư Mãn Giác

    17/01/2023

    Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống | Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ: Thông Điệp Tết Quý Mão

    16/01/2023
    Add A Comment

    Leave A Reply Cancel Reply

    Bài mới

    HT Thích Như Điển: Vài nhận xét về ”The Tale of Kiều” của dịch giả Vương Thanh

    09/02/2023

    Đạo Sinh chú: Đập vỡ Ta ra, để thấy Ta

    09/02/2023

    Khánh Hoàng: Vài nét về Thiền Định trong Tam Giới qua Duy Thức Học

    06/02/2023

    Thích Tâm Nhãn: Nền y học cổ đại của Phật giáo và bộ kinh giáo dục đạo đức y khoa

    05/02/2023
    Mạng xã hội
    • Facebook
    • Twitter
    • Pinterest
    • Instagram
    • YouTube
    • Soundcloud
    Website Phật giáo

    Hội Đồng Hoằng Pháp | GHPGVNTN

    Phật Giáo Úc Châu

    Viên Giác Pagoda

    Quảng Ðức Homepage

    Thư Viện Hoa Sen

    Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam

    Làng Mai

    Hoa Vô Ưu

    Hương Tích Phật Việt

    GÐPT/VN Trên Thế Giới

    GÐPT Việt Nam

    Sen Trắng | Đạo tràng Lam viên bốn phương

    © Copyright 2022, ThuVienPhatViet.Com. All Rights Reserved
    • Mục đích & Chủ trương
    • Tác giả
    • Liên lạc

    Type above and press Enter to search. Press Esc to cancel.

    Go to mobile version